Tuesday, 20 March 2007

Bùi Bách A - thi sĩ của mọi thời đại




Cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục phối hợp tổ chức vừa kết thúc (dĩ nhiên là thành công tốt đẹp). Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, hồ hởi tâm sự, à quên, phấn khởi cho biết: "Chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết công phu, thể hiện tình yêu và thái độ trân trọng với thơ ca. Có những độc giả viết đến hàng chục trang bình chọn và đưa ra nhiều lý lẽ bảo vệ cho sự lựa chọn của mình".

Mở “Top 100” ra xem, tôi mừng khấp khởi, vì lẽ một đứa mù tịt về thơ như mình hóa ra cũng biết gần một nửa số bài đó. Không tính những bài được thầy cô giáo dạy văn phân tích kỹ lưỡng và được đưa vào chương trình thi cử các loại, như Trường Giang, Bên kia sông Đuống, Tây Tiến, Đất nước, Đêm nay Bác không ngủ v.v. thì tôi còn biết khoảng ba chục bài nữa. (Nói cố thêm một câu: Chính xác là 47 bài đã chui vào đầu tôi theo kiểu câu được câu chăng). Xem nào…

Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh. Hay, hay.

Tiếng thu - Lưu Trọng Lư. Tuyệt!

Khi con tú hú gọi bầy - Tố Hữu. Duyệt!

Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ. Không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Qua hình ảnh mang tính biểu tượng là chiếc áo đỏ của cô gái, ta thấy… (Nói như thế đã đủ để được điểm 5 văn chưa nhỉ?).

Lời mẹ dặn - Phùng Quán. Ừm, tạm được.

Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa. Quá được.

Cửu Long Giang ta ơi - Nguyên Hồng. Trúng tủ rồiiiiiii! (vỗ đùi) Bài này thì còn nói làm gì nữa, nhất! Ai không đồng ý, đến gặp tôi.

“Ngày xưa ta đi học
Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu
Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ
Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới, tường vôi cũng mới
Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao
Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ
Đưa ta đi sông núi tuyệt vời…”

Ơn Bộ Giáo dục & Đào tạo, bài thơ này của Nguyên Hồng không bị đưa vào giáo trình của lớp nào cả, nếu không thì tôi lại ghét nó mất. Đọc mà như thấy cả tuổi thơ của mình trong đó… hix…

Tiếc là “Top 100” của LeluuBoard lại không có một số bài thơ mà tôi nghĩ là xứng đáng được chọn để đại diện cho thi sĩ hơn. Chẳng hạn tôi thấy Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng hay hơn Tây Tiến. Cũng có thể vì Tây Tiến đã bị các giáo viên văn lột trần ra rồi chăng? Mất hết cả lãng mạn.

Nếu được can thiệp, tôi sẽ chỉ thị cho ban tổ chức chọn Nghĩ lại về Paustovsky thay vì Bếp lửa, cùng của Bằng Việt. Tiếng võng kêu, hoặc bất kỳ một bài thơ nào của Trần Đăng Khoa trong tập Góc sân và khoảng trời cũng hay hơn là Gửi bác Trần Nhuận Minh chỉ a few ma biết (chẳng nhẽ lại nói là “chẳng ma nào biết”, thôi thì “a few ma biết” vậy).

Có ý kiến kêu ca về chuyện thi phẩm Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch bị đặt đứng đầu danh sách, phá trật tự chung (xếp theo chữ cái tên tác giả). Mấy tay phê bình văn học lắm chuyện cứ oai oái: “Điều chưa thỏa đáng ở đây là ban tổ chức!!!”.

Tôi thì thấy chẳng có vấn đề gì, đặt Nguyên Tiêu và Hồ Chủ tịch lên đầu danh sách là một cách thể hiện lòng kính yêu lãnh tụ, một phẩm chất tốt đẹp cũng như lòng yêu nước vậy. Nhưng đấy là cá nhân tôi nghĩ thế, chứ mấy tay phê bình kia thì có chịu cho đâu. Nên mới thấy ông Lê Lựu dại. Tôi mà là Lê Lựu hả, khoảng 6 tháng trước khi bắt đầu cuộc thi, tôi sẽ huy động anh em nhà báo và các sử gia tung ra một loạt bài nghiên cứu, đại loại nêu rõ rằng Bác Hồ đã dùng bút danh Bùi A khi sáng tác Nguyên Tiêu. Sau đó đưa Nguyên Tiêu lên đầu list kết quả thì không bố con thằng nào thắc mắc được nữa. Bùi A, hoặc văn thơ hơn một chút thì là Bùi Bách A. Như thế là kín nhẽ. Hết nói nhá. Ai còn thắc mắc gì, đến gặp tôi.

Ngoài mấy chuyện ấy ra thì nhìn chung bản Top 100 này cũng tốt, có nhẽ ta nên gửi giấy khen? Có bao giờ kết quả một cuộc thi làm vừa lòng tất cả mọi người được đâu, thôi có gì ta rút kinh nghiệm nội bộ sau.