Saturday, 21 April 2007

Bình luận về câu chuyện “Thánh vật sông Tô Lịch”




Thưa bà con, như đã hẹn, entry này tôi sẽ dành để đưa ra ý kiến hoàn toàn chủ quan và cực kỳ nghiêm túc về câu chuyện “Thánh vật sông Tô Lịch”.

Trước khi bắt đầu, có lẽ cần tóm lược sơ qua chuyện này để các bác hiện đang ở nước ngoài cũng có thể hiểu qua tình hình. Tuy nhiên vì tôi không định “lạm dụng hình thức blog để gây hoang mang dư luận”, nên tôi sẽ không đăng lại các kỳ của “Thánh vật sông Tô Lịch”. Các bác có thể gõ cửa nhà bác Gúc gù tức Google, với từ khóa: “Thánh vật” and “Tô Lịch” để có các kết quả phù hợp nhất. (Nếu để ý các bác sẽ thấy bài này chỉ có trên các blog cá nhân, không ở báo điện tử nào cả. Lý do tại sao thì... đấy...).

Bây giờ sẽ là bình luận của Trang the Ridiculous. Để khỏi phải lặp đi lặp lại cụm từ “cá nhân tôi cho là”, tôi xin nhắc lại rằng bình luận sẽ hoàn toàn là ý kiến chủ quan. Ngoài ra, tôi không định đi sâu vào lý luận trên blog này nên chắc chắn các phát ngôn sẽ bị “hở sườn” rất nhiều, xin báo trước để bà con khỏi giận.

Trước hết, cảm xúc đầu tiên của tôi khi theo dõi toàn bộ sự kiện này, rồi tuyên bố “sẽ bình luận” trên blog, là: xấu hổ. Vì nếu là nhà báo (cho dù chẳng bao giờ được Bộ VH-TT cấp thẻ), sao không tò mò, sao không lao đi mà tìm hiểu? Ngồi đó mà bình luận vu vơ khác gì nói phét? Không khó để một nhà báo nhìn ra mấu chốt của vấn đề lúc này là tìm gặp ông Trần Ngọc Cường (*) và các nhân vật có liên quan, ít nhất cũng để có thêm thông tin về số phận của họ hiện nay. Thế nhưng tôi, cũng như nhiều nhà báo khác, đã chẳng làm gì cả (đấy là tôi còn chưa diễn thuyết trên blog rằng “vấn đề này cần một giải pháp đồng bộ” đấy). Chúng tôi có đủ lý do để biện minh cho việc mình không làm gì: Kẻ thì sợ các cụ vật chết, người thì sợ “mấy ảnh ở trển” quở, còn tôi, tôi lại tự bảo mình: “Thôi thôi, qua cái tuổi sôi sục đi săn ma ở nghĩa địa rồi. Đang bận làm cong cả đuôi không kịp, còn định giở thói lố bịch ra à?” Nói của đáng tội, các lĩnh vực mà tôi đang viết bài chẳng liên quan gì đến vấn đề tâm linh huyền bí, nên rõ ràng bỏ công đi tìm hiểu là không có mục đích thực tế.

Do vậy, tuy có xấu hổ vì tự thấy mình đang làm cái việc ngồi một chỗ nói phét, nhưng tôi cũng “trung hòa” được cái cảm giác này rất nhanh.


Chẳng biết tin nhau phải những gì?

Tôi nghĩ đúng là có sự kiện này, nhưng ở mức độ không nghiêm trọng đến như tờ Bảo vệ pháp luật (một tờ báo không thương hiệu) đã đưa. Chuyện xây dựng công trình làm chết người ở nước ta đã thành bình thường. Có thể kể ra nhiều trường hợp nhà xây xong được một thời gian thì chủ nhà ốm chết, và tôi nghĩ vụ này cũng như tất cả những vụ “nhà giết người” từng xảy ra. Tôi cũng tin phong thủy là chuyện có thật, là một vấn đề hơi có tính khoa học (“hơi” thôi, vì nó thiếu một số yếu tố để được coi là khoa học thật sự, ví dụ khả năng dự đoán với độ chính xác cao).

Cứ cho là phong thủy có thật, nhưng người biết xem phong thủy (thầy địa lý) ở nước ta có vẻ chưa đủ tài xử lý những vụ việc phức tạp. Về khoản này, nói như bác Saigon Minsk, ta toàn học mót cái anh Tàu, kiến thức của ta lỗ mỗ hơn hẳn nên thua chú khách là phải. Chính vì vậy ta mới hãi Cao Biền đến thế dù chẳng biết thực hư thế nào.

Ở một góc nhìn khác, tôi thấy giọng văn của các bài báo là giọng của dân báo chí chứ không phải của ông Cường. “Qua đấu tranh, bằng biện pháp nghiệp vụ”, chẳng khó gì mà không phát hiện ra nhiều đoạn rõ ràng được viết với mục đích làm câu chuyện có vẻ vừa đáng sợ vừa dễ tin: “Cúng lễ hai ngày, hai đêm, hàng trăm người đến xem ầm ĩ một khúc sông” - câu này đúng là kỹ xảo “mô tả để tăng tính trần thuật” của các nhà báo đây, chứ ông Cường dù có nghĩ tới cũng không biết tận dụng chi tiết này vào việc gì.

“Mặc dù tôi đã báo cáo lãnh đạo công ty nhiều lần, báo chí cũng đã nói đến chuyện này nhưng ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc công ty vẫn không quan tâm giúp đỡ, ngược lại ông còn nhạo báng chê trách chúng tôi không biết làm việc”: Ôi lại cái giọng nhấn nhá dấm dẳn của các nhà báo. Cùng mang tiếng là lũ “chim ăn xác thối” với nhau cả nên chúng ta hiểu nhau lắm.

“Vì vốn liếng, vì sĩ diện của một kỹ sư xây dựng, tôi bàn với anh em thân tín quyết tâm làm đến cùng”: Trời ạ, sao mà khó tin đến thế. Nếu thực ông Cường bị cảnh báo “bây giờ cậu có thể làm xong việc, nhưng nhà cậu sẽ gặp nhiều tai vạ lớn, cậu sẽ mất tất cả những gì quý giá nhất, anh em cậu sẽ tán gia bại sản, gặp nhiều sự oan khuất”, bố bảo ông ta cũng chẳng dám xây đắp gì thêm.

Việc nhiều người phát điên tại hiện trường là có thể xảy ra trong một hoàn cảnh đầy tính kích động như thế. Bà con cứ thử tưởng tượng xem nhá, một ngày nào đó ta ra vườn trồng cây, bỗng dưng lại đào được một cái đầu lâu, rồi thì có bà cụ mặc quần đỏ tình cờ đi ngang qua hát “Nắng lên nắng lên nắng lên…”, thử hỏi xem ta có dựng hết cả tóc gáy không nào? Càng đông người sợ hãi, cơn kích động càng tăng thêm, có người phát điên cũng phải.

Và làm gì có chuyện “chỗ đất đó ở đúng đầu con rồng”! Rồng là con gì, tôi chưa từng thấy các nhà sinh vật học phân loại được nó. Lại cả “trận đồ bát quái” nữa. Nói khí không phải, các chú khách cứ nghĩ ra đủ loại trận đồ nhưng oánh nhau tay bo thì toàn thua, thua cả Mông Cổ cả Nhật cả Việt Nam.

Nếu cô em gái của ông Cường dính vào vòng lao lý thì vấn đề đó lại thuộc lĩnh vực quan hệ xã hội (giữa người với người), không thể có thánh thần nào tác động vào được. Chẳng có gì đảm bảo ông Cường không viết bài này với mục đích cứu em và đả kích đồng nghiệp.


Buồn

Cảm xúc thứ hai, nói một cách lãnh tụ, rộng lớn hơn, bao trùm hơn: buồn.

Vì có bao giờ các “đồng chí bác” để ý điều này không: Càng những vùng rừng thiêng nước độc, hoặc nông thôn nghèo đói, hoặc thành thị kém phát triển, chưa có ánh sáng của Đảng và/hoặc của văn minh tiến bộ soi rọi tới, thì chuyện rùng rợn càng nhiều. Cho dù thật hay không thật, thì những câu chuyện khủng khiếp ấy vẫn tạo ra một hội chứng kinh khiếp tập thể, đè nặng vào đầu óc chúng ta. Trong ký ức tuổi thơ, tôi không thể quên những buổi trời chiều chạng vạng, tái mặt nghe đủ thứ tin kinh dị: Nhà này ba anh em đi bơi chết đuối cả ba, nhà kia chập điện cháy chết hai đứa con nhỏ ở nhà khi bố mẹ đi làm, rồi ma hiện ở chỗ máy nước tập thể, rồi đám ma ông XYZ chết vì bệnh ung thư sau một lần vào chùa nghịch ngợm v.v. Những “giai thoại thành thị” nghe sao mà hãi hùng: Nghĩa trang tưởng niệm liệt sĩ ở thủy điện sông Đà có 99 ngôi mộ. Người chủ thầu xây dựng đùa: “Còn ngôi mộ thứ 100 để cho tôi”. Sau đó ông ra ngoài đường và bị xe cán chết, quả nhiên làm thành mộ thứ 100 cho tròn số.

Phải chăng khi một dân tộc càng nghèo và mông muội, càng lắm chuyện u tối? Sao đến thời này rồi mà người ta vẫn có thể mắt tròn mắt dẹt truyền tay nhau những tờ photocopy bài báo của tờ BVPL: “Thánh vật đây, thánh vật sông Tô Lịch đây!” Và vẫn còn cái mà tôi gọi là “hội chứng kinh khiếp tập thể”, như đã có thời người ta sợ chuột Chernobyl khổng lồ. Còn sợ hãi, nghĩa là vẫn còn đau khổ.

Tôi tin có một/ những thế lực siêu nhiên nào đó ảnh hưởng tới con người (vấn đề này sẽ bàn sau), nhưng hình như (những) thế lực đó chỉ phát huy tác dụng ở những vùng kém văn minh, chứ tại các nước khoa học tiên tiến, bọn tư bản chỉ tìm thấy… đầu người ngoài hành tinh trong thùng rác là hết đất! Ở đâu nghe nói có ma, các nhà khoa học lại vác máy móc tới đo đạc, kiểm tra, rồi cho kết luận. Nếu không kết luận được họ cũng chẳng làm dân chúng phát sốt vì sợ như ở ta. Xin vong linh cụ Trần Quốc Vượng thứ lỗi, tôi không tin một nhà sử học lại có thể dọa dân chúng về một trận đồ bát quái nào đó. Sinh thời cụ vẫn bị mang tiếng là ăn tục nói phét, tôi không muốn nghĩ về cụ như thế, nhưng lần này thì quả là quá lắm. Chẳng thấy một căn cứ khoa học nào trong ý kiến của cụ cả.

Vâng, các bác ạ, tôi phiền muộn lắm. Về khoa học và kinh tế, ta chẳng bằng bọn Tẩy, về tâm linh, đạo giáo và huyền học các loại, ta không sánh nổi với chú khách và bè lũ ngoại bang ở châu Á. Thời bao cấp, cứ thỉnh thoảng lại rộ lên một phen cả nước hết hồn vì vụ gì đó, báo chí thì im thin thít, chỉ có thông tin vỉa hè là phát triển để đảm nhiệm vai trò truyền thông. Thời nay báo chí đang cùng góp phần với vỉa hè “làm quyết liệt” các vấn đề thời sự nóng hổi.

Nhưng nói vậy, tôi không phản đối ai hoặc tờ báo nào trong câu chuyện này cả. Ai đưa tin là việc của người ấy. Tôi chỉ mong toàn thể đồng chí đồng bào hãy bình tĩnh, phải hết sức bình tĩnh mới được. Ta vừa vào WTO, cách mạng đang cao trào, ta run sợ thế này là không có lợi cho tình hình chung đâu các đồng chí ạ.



Ảnh: "Chim ăn xác thối" Trang the Ridiculous đang lấy cung một interviewee. Photo by Trà My



(*) Đính chính: Tác giả bài báo "Thánh vật sông Tô Lịch" là ông Nguyễn Hùng Cường chứ không phải Trần Ngọc Cường. Xin chân thành cáo lỗi cùng anh Trần Ngọc Cường (bạn tôi) và các bạn đọc blog này. Hị hị hị... nhầm...