Thursday, 26 April 2007

Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (P.1)




Xét thấy sách, truyện viết về ma quỷ đã nhiều mà toàn nêu rõ ngay từ bìa: “Cấm đọc lúc 0 giờ”, nay để tạo sự khác biệt tôi xin viết tặng bà con một truyện ma có thể đọc lúc nào cũng được. Tuy nhiên phải khẳng định ngay từ đầu, rằng đây là một câu chuyện “tám thực hai hư”: Nói chung có đến 80% là sự thật, và chính tôi là người trong cuộc.

Bà con đọc bình luận của tôi về vụ “thánh vật sông Tô Lịch” hẳn ít nhiều có nghĩ tôi là kẻ vô thần, một lòng tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin vô địch. “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế”. Thực thà mà nói là tôi rất chăm chỉ đi gọi hồn, tôi đã từng đi và gặp nhiều người có khả năng này, trong đó người làm tôi nhớ dai nhất là cô Phương cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Cách đây vài năm tôi có ý định đi Thanh Hóa tìm gặp cô Phương để gọi hồn ông ngoại. Gọi điện hẹn hò cô xong (rất mất thời gian), tôi hỏi han thủ tục cụ thể, thắp hương ở nhà khấn trước đến mấy ngày. Cũng phải nói thêm, tôi khấn khứa có bài có bản, đúng như lời cô dặn, mỗi tội lúc rì rầm khấn cứ thấy ngường ngượng mồm thế nào… Tôi dậy sớm, từ 5h sáng, lục sục chuẩn bị trang phục làm lễ chào cờ… nhầm, chuẩn bị trang phục và ra bến xe. (Khổ thế đấy, cái mệnh lệnh của Đội kia gắn vào đầu mình mãi không sao quên được). Ngồi trên xe, lại lẩm nhẩm khấn, nhân thể nhẩm thêm một số câu hỏi. Không hiểu sao tôi cứ thấy cảm giác hồi hộp và vui sướng - có lẽ vì tôi mong được gặp ông quá, và tôi mừng vì ý nghĩ như vậy là âm dương cũng đâu có cách biệt. Tự nhiên tôi không thấy sợ chết nữa.

Tôi không nhớ là xe qua cầu Hàm Rồng vào lúc nào và nhà cô Phương ở đâu quanh đó. Tôi chỉ láng máng là nhà cô cũng dễ tìm, và khi tôi bước vào sân - một khoảnh sân rộng và lơ thơ cây cối như mọi mảnh sân ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, tôi choáng: Có tới hàng trăm người (tôi không thể ước lượng nổi, nhưng chắc chắn không phải hàng chục) đứng, ngồi, nằm vạ vật, ngổn ngang quanh sân. Khói hương nghi ngút khắp các xó xỉnh, bục bệ, am miếu v.v. ở đó. Tất cả đang chờ đến lượt gặp “người âm nhà mình”. Phần lớn mọi người nhem nhuốc, đen đủi, lam lũ rất nông dân, còn lại là những bà mợ béo phục phịch, cổ và hai cánh tay nung núc đeo đầy dây chuyền vàng, vòng vàng, cánh này chắc là dân buôn (tôi xin kiên quyết không gọi họ bằng hai từ sang trọng “thương nhân”!).

Từ lúc đó tôi bắt đầu những giờ phút chờ đợi. Phải nói là cực kỳ mệt mỏi, vì nếu không chịu hòa mình vào quần chúng nghĩa là tôi không có chỗ nằm, ngồi gì cả. Nhưng muốn hòa cũng không được, bởi như thế là phải nằm luôn lên đất chứ làm gì có chiếu hay nylon đâu. “Xuống cơ sở với dân khổ thế đấy các đồng chí ạ!”, tôi nghĩ thầm, đoạn rút dép lót đít ngồi, cố kiên nhẫn chờ đợi. (Xin lưu ý bà con, “kiên nhẫn” là một khái niệm cực kỳ xa xỉ đối với dân tuổi Ngọ, lại càng xa xỉ hơn nữa với bọn được sinh ra dưới chòm sao Song Nam).

Tôi ngồi, ngáp ngắn ngáp dài, nước mắt nước mũi ròng ròng. Lúc đầu còn giữ phép lịch sự ngồi ngay ngắn, càng về sau càng đổ đốn, rồi không giữ ý với cơ sở nổi nữa, tôi nằm thượt ra như thể đang uống cocktail “sex on the beach”, thỉnh thoảng lại bật dậy khi có sự cố gì lạ, ví dụ một tiếng thét hoặc tiếng khóc nức nở trong phòng cô Phương vọng ra. Những sự cố như vậy khá nhiều. Chẳng hạn, cô đang trong vai người chồng (đã chết) nói chuyện với một người vợ (còn sống) nào đó, thình lình cô hét lên: “Bố mẹ ơi, con là Thái, chết cháy trong xe ôtô đây bố mẹ ơi. Con về đây nàyyyy”. Rồi vụt một cái, hồn anh Thái biến mất và cô Phương trở lại với hồn cũ. Dân chúng sợ nháo nhác: “Vong cái ông Thái này muốn gặp người sống quá mà chưa đến lượt, khổ thế nhỉ, sợ thế nhỉ?”.

Dù vậy, tôi vẫn không thấy sợ, vì như thế càng chứng tỏ âm dương không còn cách biệt lắm, người chết cũng như người sống thôi, có gì mà phải sợ? Tôi chỉ sốt ruột, muốn gặp ông lắm rồi. Tôi thấp thỏm mong cô Phương gọi: “Ông đây cháu ơi, ông về với cháu đây này”.


(hết phần 1)

Mời bà con đón xem phần 2 trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.

Photo by Việt Anh