Cáu rồi đây. Sau sự cố vỗ đùi quá sớm với bài “Cửu Long Giang ta ơi” của Nguyên Hồng, Trang the Ridiculous nhận được nhiều ý kiến chê trách, cũng khí ngượng. Cá biệt có đồng chí Hồ Trường tức Hấu còn buông lời phẩm bình: “Hhhhhhhhay… mk thơ thế mới là thơ chứ, chữ nào ra chữ ấy, không sai chính tả chữ nào!” (http://blog.360.yahoo.com/blog-ABv7t307bqLKd3e8pzU8?p=350). Hôm nay tôi nén giận, chọn đăng một thi phẩm mà tôi nghĩ là xứng đáng được chọn vào Top 100 bài thơ thế kỷ hơn “Tây Tiến”: bài “Đôi mắt người Sơn Tây”, cũng của nhà thơ Quang Dũng.
Đồng chí nào thấy bài thơ này không hay xin cứ tự nhiên comment. Tôi sẽ ngay lập tức có ý kiến với Bộ GD-ĐT để khẩn trương triển khai đưa “Đôi mắt người Sơn Tây” vào chương trình bình giảng văn học trong nhà trường. Thử xem lúc ấy có ai còn chê bai nữa không, hay lại chẳng đồng loạt nói và viết: “Phải yêu nước, yêu nhân dân, căm thù quân giặc đến như thế nào nhà thơ tài hoa Quang Dũng mới có thể viết nên những dòng thơ thống thiết, xuất phát từ một trái tim nặng tình với quê hương như thế…”.
*
* *
ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Bao giờ trở lại làng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Cô gái trong ảnh không phải người Sơn Tây.
*
* *
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Minh Thái đã từng viết trả lời học sinh Nguyễn Phi Thanh về việc Thanh không thích tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của cụ đồ Chiểu, như sau:
"Quả tình tôi rất kinh ngạc khi em Thanh không có một tí rung động nào trước “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đúng! Có thể em không thích tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, em thấy mình xa lạ với nó về thời gian, không gian, tư tưởng..., khi lịch sử mà nó thể hiện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng em không thể xa lạ với cái tình người, sự thương tiếc, thương cảm, đau xót, khắc khoải... của một nhà văn Nam Bộ thấm đẫm trên từng con chữ. Tôi muốn nói: Em có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng em tự cho mình cái quyền dửng dưng vô cảm trước những cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian, như những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu và cách viết, cách xây dựng hình tượng đầy tình thương xót, lòng tri ân đối với những nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông?"
Tiến sĩ đã nói thì chắc là đúng.
==> Bạn đọc blog thân mến. Bạn không thích "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Cửu Long Giang ta ơi"? Quả tình tôi rất kinh ngạc khi bạn không có một tí rung động nào trước hai áng thơ yêu nước này. Đúng! Có thể bạn không thích "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Cửu Long Giang ta ơi" khi lịch sử mà (chúng) nó thể hiện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng bạn không thể xa lạ với cái tình người, sự thương tiếc, thương cảm, đau xót, khắc khoải... của hai thi sĩ Quang Dũng và Nguyên Hồng. Tôi muốn nói: Bạn có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng bạn tự cho mình cái quyền dửng dưng vô cảm trước những cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian...?
Mượn lời tiến sĩ Minh Thái đùa tí thôi, xin bà con đừng phật ý.