Saturday, 26 May 2007

Memories of Saigon




Lại hệt như nhiều lần vào Sài Gòn khác, “chuyến thăm và làm việc” tại TP.HCM của tôi phen này cũng là một đợt chạy xô loạn xạ, sáng, trưa, chiều, tối đều cà phê quần quật.

Và cũng như mọi chuyến đi khác (đến bất cứ nơi đâu), tôi luôn mơ hồ thấy một cảm giác, hay một dự cảm gì đó rất khó giải thích. Có thể đó là ý nghĩ về tốc độ của thời gian và sự hữu hạn của đời người chăng? Không, cũng chẳng mơ hồ lắm, tôi cảm thấy rất rõ là thời gian giống như một làn sóng tràn tới và cuốn đi tất cả - những kỷ niệm, những gương mặt bè bạn, những tình yêu, những nụ cười, những giọt nước mắt…

Trong bài “Memory” có một câu mà tôi rất… không thích: “When the dawn comes, tonight will be a memory, too” (Khi bình minh tới, đêm nay sẽ thành kỷ niệm). Vào bất kỳ lúc nào, tôi đều có cảm giác rất rõ ràng là cái khoảnh khắc này, giây phút này rồi sẽ tan biến, những gì đọng lại chỉ còn là kỷ niệm.

Một trong những cái khổ của nghề báo, với tôi, chính là điều đó. Gặp thật nhiều người, và luôn ý thức được rằng đây là lần đầu tiên mà rất có thể cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy gương mặt ấy. Đôi khi suy nghĩ đó tạo nên một cảm giác thật bất an, hoặc nhẹ hơn, tạo nên cảm giác buồn và nhớ một cái gì đó không rõ. Ngay cả khi ở giữa rất nhiều người, chúng ta vẫn có thể thấy buồn và nhớ “cái gì đó” ấy.

Vì thế gần như tôi luôn luôn tự nói với mình, rằng hãy ghi nhớ khoảnh khắc này - khoảnh khắc mà ta đang sống - vì chỉ vài giây sau đó thôi, nó đã trở thành kỷ niệm.


Biết trước rằng chuyến đi rồi sẽ lại để lại trong đầu tôi đủ những “mộng rớt, buồn rớt” sau này mỗi khi nhớ về quá khứ, nhưng làm sao được, cứ phải sống và chứng kiến cuộc sống diễn ra như thế.

The Beatles từng hát:

There are places I remember
all my life, though some has changed
… All the places had their moments
with lovers and friends
I can still can recall
Some are dead and some are living
In my life, I love them all.
(Có những nơi trong đời tôi sẽ nhớ mãi
… Mỗi vùng đất gắn với từng khoảnh khắc
với bè bạn thân quen, với mối tình yêu dấu
Có người đã chết, có người vẫn đang sống
Trong cuộc đời, tôi yêu tất cả.)


Có một bài hát khác mà tôi cũng rất thích, “Different Seasons” (Đổi mùa):

There is a face deep in your mind,
one that your heart won’t leave behind
Memories are cold, empty of laugh
And all that remains are photographs
(Trong bạn lưu giữ một gương mặt
mà trái tim không thể nào quên
Ký ức lạnh lẽo, trống vắng tiếng cười
và đọng lại chỉ còn những bức ảnh…)


Cũng như tôi đã mê mẩn bản “Memories of Alhambra” (Tưởng nhớ Alhambra) nổi tiếng.



*
* *



Lần đến Sài Gòn này của tôi rồi cũng sẽ ngập tràn những kỷ niệm thôi.

Tôi đã đứng trước những lò gốm nóng rừng rực giữa một trưa hè 36 độ C, và chơ vơ, lọt thỏm giữa những dãy đồ gốm xếp thành hàng trong một lò gốm ở ngoại thành Sài Gòn. Toàn những chiếc bình, chiếc lọ cao ngất mà ở cái trình độ lùn của tôi, có ngửng mặt lên vẫn không thấy đỉnh. Vào lúc đó, tôi đã có ý nghĩ rằng bối cảnh này mà thực hiện một đoạn phim, một clip ca nhạc, hoặc một tác phẩm video-art thì có lẽ cũng hay.

Tôi rất mến P., diễn viên kịch. Đang giờ tập, trời cực nóng. P. mặc nguyên trang phục thời Hùng vương, đầu còn đội mũ chim lạc, tuy nhiên nửa dưới lại thòi ra hai ống quần bò xanh. Mồ hôi đọng thành từng đám li ti trên mũi, trên thái dương P. Hẳn mặt tôi cũng vậy thôi, bóng nhờn đến độ có thể cọ mũi vào bất kỳ cái phécmơtuya nào cho nó trơn mà khỏi cần dùng nến.

Tôi rất nhớ buổi nói chuyện với một viên chức Sài Gòn cũ, để nghe bác nói thật nhiều chuyện về “Sài Gòn ngày xưa” của bác, để rồi thấy rõ hơn rằng mỗi con người là một phần lịch sử. Khi tôi đến nhà, bác ra mở cửa và tròn mắt: “Ủa, đi bộ một mình qua hẻm tối không sợ hả?”. “Dạ thưa không, sao vậy bác?”. “Ủa, không thấy kim tiêm găm đầy mấy cây chuối đó hả?”. Ặc, may mà mình đi giày kín mũi chứ không khéo lại rước ếch về nhà.


Tôi cũng sẽ rất nhớ những lúc “sinh hoạt hội nhà báo” với mấy đồng chí trong chi bộ của bác Saigon Minsk. Bọn nhà báo chết tiệt có cái cố tật cứ ngồi cùng nhau là nói về công việc - tội nghiệp chúng! Chúng bị ám ảnh cho đến chết rồi. Ngồi ăn kem với nhau mà chúng cũng phải đảo mắt nhìn quanh nhìn quẩn. “Sao, liệu viết được không?” - một tên khẽ hỏi, và tên kia lúng búng: “Chưa, chưa…”. Khỉ, sao giống giọng biệt động ngày xưa quá vậy? Tư lệnh A07 hỏi: “Đồng chí A20, đồng chí xem liệu có đánh được trận này không?” A20 trả lời: “Báo cáo, tôi còn đang theo dõi tình hình”. Vào xem kịch ở 7 Trần Cao Vân, A20 nhắn ra ngoài cho A07: “Tôi đã lọt được vào trong rạp. Cơ sở của đồng chí hoạt động tốt lắm”. A07 trả lời: “Tốt. Tiếc là tôi phải... trông con nên không vào yểm trợ cho đồng chí được”. Trời mà biết cái lũ dở người này tưởng chúng là ai. Nhưng đừng mắng chửi chúng lố bịch mà khổ thân chúng! Cuộc sống nhiều chuyện ức chế lắm, chúng lố bịch như thế chỉ để cho khỏi buồn thôi mà.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng viết rất nhiều về bè bạn của ông, những người sống và làm việc cùng thời với ông vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ông và một người bạn thân, nhà văn Lê Nguyên Bình, hay nói như thế này mỗi khi mượn nhau chiếc xe đạp:

- Cho mình mượn cái Alfa de luxe Tubes Peugeot, mình đi đằng này một lát.

- Cái Alfa de luxe Tubes Peugeot bị tuột xích rồi.

Hình như chúng tôi bây giờ cũng vậy. Lạc quan tếu cho khỏi buồn nhiều.


Có lúc tôi ngồi bó gối trong quán, nhìn trời mưa như trút bên ngoài. Và đột nhiên tôi nhớ đến câu hát này, nghe thống thiết như một lời than:

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
thì đường trần mưa bay gió cuốn
còn nhiều anh ơi.


Đó là Sài Gòn trong một “chiều mưa biên giới” của tôi.




+++

Caption:
I miss my guitar
I miss Alhambra

(Photo by Trà My)

Saturday, 19 May 2007

Sài Gòn, Sài Gòn




Viết những dòng này trong một đêm không ngủ ở Sài Gòn: Khách sạn mà tôi trọ nằm sát nách một vũ trường, và thế là tiếng uỳnh uỳnh cứ thẳng cánh dội vào tai tôi như “tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thình thịch thình thịch. Đành bật máy ngồi viết lăng nhăng trong lúc chờ đến nửa đêm để người dân Bom Bo ngơi tay.

Tôi đã đến Sài Gòn nhiều lần, nhưng có hai lần để lại những kỷ niệm không thể nào phai mờ trong trí nhớ. Đó là vào mùa đông năm 2003 (có lẽ gọi là mùa khô thì đúng hơn), tôi đến Sài Gòn một chiều nắng nhạt, khô hanh. Tôi ở cùng Hồng bì, cô em gái mập mạp và dễ thương, trong một căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trãi. Nhà trọ rất im ắng, buổi sáng cũng như chiều chỉ nghe lơ thơ tiếng trẻ con khóc từ gác bên kia vọng vào. Thời gian đó, tôi đang loay hoay với một cuốn sách “vĩ đại” - một “tác phẩm thật sự dành cho giới thiết kế đồ họa” như tôi ao ước. Mỗi sáng sớm, Hồng và tôi lại chia tay nhau để đi làm, đến tối mới về ăn uống cơm hàng cháo chợ, trò chuyện khoảng 2-3 tiếng rồi đi ngủ. Ngày nào cũng vậy. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực quen nhau (trước đó chỉ biết mặt biết tên nhau mà thôi), nhưng những câu chuyện bao giờ cũng tràn đầy cảm xúc. Tôi là đứa yêu nghề đến điên rồ, còn Hồng ngày đó chưa làm báo nhưng cũng thích thú và nghĩ về nó như một công việc hay và có ích cho xã hội. Không hiểu những gì tôi nói với Hồng có làm em yêu nghề báo không, nhưng nếu có thì tôi sẽ ân hận vì cái lưỡi của mình, như tôi từng ân hận vì đã “lôi kéo xô đẩy” không biết bao chú em, cô em bước chân vào cái nghề bạc bẽo này với một tình yêu cháy bỏng (bao giờ cũng thế).

Có điều này không biết Hồng có biết không, chuyến đi ấy để lại trong tôi một cảm xúc rất mạnh, đó là nỗi cô đơn. Cô đơn mỗi buổi sáng phóng xe máy “đi tìm nhân vật”. Cô đơn mỗi buổi chiều tối nhập nhoạng khi trở về gác trọ. Cô đơn ngay cả khi ngồi nghe Hồng hát - bằng một giọng rất ấm và khỏe - bài “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn:

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim, dâng đầy trí nhớ
Ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu…


Cô đơn cả khi chúng ta ngồi cùng rất nhiều người và buộc phải nghe Mỹ Tâm và Thy Dung hát (quá kinh khủng nếu so với giọng của em, Hồng còi ạ) những Mắt nai cha cha cha, Lời tỏ tình dễ thương… Giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt, sao chúng ta cứ như hai kẻ trật khấc ra ngoài, đành lặng lẽ vùi đầu vào nồi lẩu.

Trong những giờ phút lang thang ở Sài Gòn. Trong những buổi chiều phóng xe đến nhà người này người nọ hỏi thông tin. Tôi luôn cảm thấy một nỗi khao khát được sống những năm tháng làm báo. Thời gian đó chính là lúc tôi biết rằng mình không thể sống thiếu nó được nữa. Thất bại trong tình yêu, đơn độc chiến đấu trong công việc, càng làm tôi thấy cô đơn khủng khiếp. Lúc đó, ngoài Hồng ra, có còn ai hỏi tôi những câu như: “Hôm nay đi có được việc không?”. Có còn ai mỉm cười với tôi mỗi lần tôi chuẩn bị “lao vào một thử thách mới” - như sau này tôi vẫn mỉm cười (kể cả qua điện thoại) với “chú Hà Sơn em tôi” trước mỗi khi chú đi quay: “Cố lên Sơn, you can do it”.

Nghề báo là một nghề đặc biệt, ở chỗ nó rất cần sự hợp tác. Bạn đừng tin nếu người ta nói rằng các tòa báo phải là nơi chém giết nhau khốc liệt. Báo chí VN kém phát triển vì nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do cứ giẫm đạp lên nhau bằng đòn bẩn hay nói một cách hình ảnh, mượn lời một người tôi quen, là cứ “ôm chặt lấy nhau rồi từ từ chìm xuống trên đại dương sáng tạo”. Không có sự hợp tác và tinh thần đồng đội, không có sự chia sẻ và cảm thông, môi trường làm việc sẽ trở thành một nơi khủng khiếp. Bản thân cái nghề đã đầy khó khăn, gia đình (người yêu, vợ/ chồng, bố mẹ anh em) không ủng hộ, nếu cơ quan cũng là bãi chiến trường nữa thì chẳng ai yêu nghề được.


… Bây giờ, những người tôi từng gặp hồi ấy thế nào rồi? Vì nhiều lý do khách quan, tôi đã không giữ được quan hệ với họ, những người Sài Gòn vô cùng dễ thương: anh Đức và anh Tiến họa sĩ, anh Hiền bầu ca nhạc, chú Châu đạo diễn điện ảnh thời Sài Gòn cũ... Họa sĩ Hale (tức Thiền Quang) thì du học chẳng biết bao giờ về.


Một lần đến Sài Gòn khác cũng làm tôi rất nhớ, là lần đi cùng Hải Linh, Linh cua và anh Huy chấy (gọi thế thôi chứ tóc anh sạch lắm), quay phóng sự “Pacific Airlines chuyển đổi thành hàng không giá rẻ”. Đó cũng là vào một ngày đông, mùa đông năm 2006. Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyến đi ấy, tôi chỉ thấy lòng tràn ngập một cảm xúc: cay đắng. Vì lúc đó chúng tôi vẫn yêu nghề lắm, chúng tôi có đầy những ước mơ và mong muốn “làm mọi thứ tốt đẹp hơn”, chúng tôi đã vui sướng, đã cười (cũng có người đã khóc), đã nói, đã chia sẻ với nhau bao nhiêu điều đáng nhớ và khó quên. Chúng tôi đâu biết rằng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chúng tôi được đi cùng nhau cả bốn người như thế. Sau này sẽ chẳng bao giờ hai Linh, anh Huy và tôi còn được lang thang cùng nhau để thỏa mãn tình yêu nghề nữa.

Tôi nhớ lúc Hải Linh trịnh trọng giới thiệu với TGĐ Pacific Airlines Lương Hoài Nam về chúng tôi - đoàn làm phim, đoàn nhà báo, lại có nguyên cả một thư ký tòa soạn, vào gặp PA để triển khai quay một phóng sự về hàng không giá rẻ. Bác Nam nghe đoạn hớn hở vỗ tay vui cười, không kịp thay áo, cứ thế xõa tóc, chân không lật đật chạy ra tận cửa sân bay đón “đoàn làm phim”; và ngỡ ngàng thấy trước mặt mình bốn đứa mặt non choẹt, trong đó kẻ được mệnh danh là thư ký tòa soạn thì… ôi thôi… thân cao không đầy thước rưỡi, mặt mũi xấu xí, ăn mặc lôi thôi, hình dong vô cùng cổ quái. Lời giới thiệu của Linh vô tình hoành tráng quá mức làm tôi đỏ bừng mặt. (Một kẻ thật lố bịch khi ngượng cũng biết đỏ mặt đấy bà con ạ, giống như một người thật xấu khi yêu cũng lườm). Cũng may cuối cùng thì những kỹ xảo vẫn chiến thắng. Chúng tôi đã có được một buổi phỏng vấn cực kỳ thành công với đ/c Lương Hoài Nam. Mà có khi chẳng phải nhờ kỹ thuật làm báo, chính là do trông chúng tôi quá trẻ cũng nên.


Tôi nhớ cả lúc chúng tôi gặp bác Saigon Minsk lần đầu tiên. Tuy phóng viên hai miền Nam Bắc làm cùng tòa soạn đã lâu, nhưng với cách quản lý “không cần biết những gì không cần biết” ở Việt Nam thì chúng tôi hầu như không biết gì về nhau. Cũng đã xem ảnh và nghe đồn từ lâu rằng bác Saigon Minsk là người có nhan sắc, nhưng đến lúc gặp, tôi vẫn sửng sốt vì chưa thấy phóng viên truyền hình nào đẹp trai như thế, khakha. Quán café ánh nến tối mò nhưng vẫn đủ soi cho mọi người thấy một gương mặt cực kỳ manly. Tính lố bịch (không phải máu dê, bà con chớ hiểu nhầm) nổi lên, suýt nữa tôi buột miệng lơi lả: “Ở vùng này mà cũng có người đẹp thế cơ à?” theo cái cách một thằng đàn ông tán tỉnh một cô gái xinh đẹp... nhưng may thay kìm lại được, chỉ đứng che miệng mà cười khùng khục. Sao cười à? Thì thật ra vùng nào chẳng có người đẹp người xấu, Sài Gòn chứ có phải Washington DC - nơi ở của tư bản Mỹ đâu. Cả hai Linh lẫn anh Huy chấy và bác Saigon Minsk đều không để ý đến điệu cười khó hiểu (và khả ố) đó của tôi nên câu chuyện rôm rả rất nhanh. Suy cho cùng tất cả chúng tôi đều có những điểm chung là trẻ, yêu nghề và đầy mơ ước, dĩ nhiên kể cả mơ ước kiếm tiền. Bác Saigon Minsk nồng nhiệt lôi cả lũ đi ăn lẩu cá kèo. Cái tính lố bịch khiến tôi không tài nào nhớ được tên loại cá này, cứ gọi mãi đó là “lẩu trạch”.

Rồi tôi và Linh cua lại lang thang trên phố mua đồ về tặng Hà Nội. Hai chị em ghé quán bánh ướt để “xử” mỗi người một đĩa. Ăn được nửa chừng thì cả hai cùng không nuốt nổi nữa: Nước chấm ngọt lừ, bánh thì nhạt thếch (xin lỗi các bạn Sài Gòn đang đọc blog này - chỉ là do chúng tôi không quen).

Thời gian trôi qua, tất cả cũng đã qua rồi. Bây giờ “đoàn làm phim” ngày nào mỗi người mỗi ngả. Hải Linh và Linh cua sang VTC, anh Huy vẫn lụi cụi ở VNN TV, còn tôi… vẫn là kẻ lố bịch, con ngựa hoang trên lưng đầy những vết thù. Bác Saigon Minsk vẫn ở Sài Gòn, hôm vừa rồi gặp lại trên đất Sài Thành, thấy bác vẫn đẹp trai lắm, nhưng hình như tóc bác đã có sợi bạc rồi phải không?


Sài Gòn ơi,
Mộng với tay cao hơn trời…




+++

Caption: top to bottom, left to right: Quỳnh lé (director), Vân Anh (our sister), Quỳnh còi (reporter), Đinh Hiền cine (scriptwriter), Hồng Anh (news anchor), Hà Sơn (reporter). See how nice they look. How I love them.

Tuesday, 15 May 2007

Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (P.4)




(Không dùng tít "Tôi đi gọi hồn" nữa vì đã bị đụng hàng.)

Tôi còn đang lúng túng không biết có nên hỏi ngay vào vấn đề “ông cảm thấy thế nào” hay không thì xung quanh quần chúng đã ồn ào lên:

- Hỏi gì thì hỏi đi chứ!

- Hỏi nhanh lên cho vong còn nghỉ.


Ý đồng bào là muốn cán bộ hỏi cho nhanh lên để vong nhà đồng bào còn nhập vào người cô Phương đấy phỏng? Thời gian 1 phút bắt đầu! Tôi chợt nghĩ tới câu chuyện “Tam Phủ công đồng”… Thôi thì đằng nào cũng đã gặp được rồi, thời gian có hạn, tôi chỉ có thể hỏi câu nào thực tế nhất. Đành xếp các câu hỏi lố bịch lại vậy, tôi đưa ra một câu lãng xẹt:

- Anh cháu đang học thi cao học ở Pháp, năm nay liệu anh cháu có đi Tây được không ông?

- Thằng Trực hả? Thằng Trực nó là đứa chăm, có tài, rồi sẽ có người giúp nó, yên tâm, con yên tâm nhá, Huệ nhá!

Ông nói như quát vào tai tôi, lặp đi lặp lại mấy từ “nhá”, “nhá”, “nhá”... Nhưng mà quả này lại đúng nữa rồi, vỗ đùi phát. Anh tôi tên là Chính Trực, thời gian ấy đang ôn thi để sang Pháp học ngành y. Cuối năm đó anh quả nhiên là có đi Pháp thật. Có điều, không hiểu quan niệm “có người giúp” là thế nào, vì anh tôi học và thi đỗ thì đi, không thấy ai đứng ra kéo dây hay đủn đít gì cả. Còn nếu chỉ dăm ba câu úy lạo đã được coi là giúp thì thực ra thời buổi này ai làm gì chẳng phải có người giúp, ông nói thế chung chung quá, không phục, không phục!



Đột nhiên cô Phương, hay là “ông”, chỉ thẳng mặt tôi:

- Mày là mày cao số lắm đấy cháu nhá, bướng lắm đấy cháu nhá. Rồi đến năm 30 tuổi mày vẫn chưa lấy được ai đâu nhá, có biết chưa, có sướng chưa, sướng chưa hả cháu?

- …...................................... (tức tím mặt)



"Ông" cứ nói xa xả hai từ "sướng chưa", "sướng chưa". Tôi có cảm giác như cả đám đông hàng mấy chục người đều nhìn chòng chọc vào mặt mình. Một cơn điên nổi lên, tôi phải khó khăn lắm mới không trừng mắt: “Ông không phải là ông tôi!” Trời đất ơi, ông tôi đấy ư? Cụ giáo trường Thăng Long, người cực kỳ lịch sự, nho nhã, Tây học đấy ư? Người mà khi cần sai cháu làm việc gì đó, không bao giờ nói: “Trang, làm cái này… cái kia đi”, mà bao giờ cũng rất nhẹ nhàng: “Nếu có thể, cháu giúp ông…”. Người luôn tôn trọng cả thiên hạ, không khi nào gọi cháu là “mày”, là “thằng Trực” hay “con Trang”. Sao ông lại có thể trỏ tay vào mặt tôi mà tuôn một tràng như thế? Không, đó không phải là ông tôi, không thể là ông tôi! Bác tôi hỏi thêm ông vài câu, nhưng tôi đã chẳng thèm nghe nữa mà chỉ hầm hầm nhìn. Chắc bộ mặt tôi lúc đó cáu kỉnh đến mức vong nào cũng phát sợ, nên “ông tôi” nói thêm vài câu chung chung rồi bảo: “Ta đi đây”. Lại còn “ta” nữa chứ, hừ, ở đâu ra cái cách xưng hô kỳ cục thế.


Bác lau nước mắt, đứng dậy. Tôi hầm hầm theo sau. Chúng tôi ra xe về Hà Nội.


Trên đường về, cơn giận rồi cũng nguôi nguôi. Tôi nhớ lại các chi tiết trong những buổi “chat” giữa các vong với người dương, tổng hợp lại, và thử đưa ra vài giải thích. Tất cả để trả lời câu hỏi mà sau này rất nhiều người đã hỏi tôi: “Tóm lại, Trang có tin chuyện gọi hồn không?”.



(hết phần 4)

Mời bà con đón xem phần 5 ở entry sau.

Wednesday, 9 May 2007

Tôi đi gọi hồn (tiếp)




(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần 3)

Sân nhà cô Phương vẫn ngổn ngang người nằm kẻ ngồi chờ được vong gọi. Khói hương nghi ngút, cay cả mắt. Tôi ngán ngẩm mò vào một xó ngồi ngáp vặt, chờ bác thắp hương khấn gọi ông lần nữa. Hy vọng với tấm lòng thành của bác, lần này tôi sẽ may mắn hơn lần trước. Tôi cố cảm nhận xem trong người có gì khang khác không, nhưng chẳng thấy gì ngoài cảm giác buồn ngủ.

… May mắn quả thật đã tới, khi cô Phương thình lình gọi to:

- Huệ! Nhà Huệ đâu?

Ông tôi tên thật là Bùi Huy Huệ (cách đây khoảng nửa thế kỷ, bạn đến trường Thăng Long hỏi cụ giáo Bùi Huy Huệ thì chắc chắn ai cũng biết). Nói cách khác, Huệ là tên ông tôi chứ không phải tên tôi hay bác tôi. Chính vì thế khi nghe cô Phương gọi, tôi cứ ngồi im.

Dân chúng ngồi quanh đó thấy cô Phương gọi mà không ai trả lời thì xôn xao “tình giục” (thói quen rất đáng yêu của người Việt Nam):

- Nhà Huệ đâu kìa? Cô gọi kìa!

- Ai đấy? Ai là Huệ đấy, ra đi!

Đâm ra chính tôi cũng hoang mang, có khi cô gọi mình thật. Chắc họ thấy mặt tôi nghệt nghệt nên lập tức ồn ào lên:

- Kìa, vong gọi mà không ra đi à?

Tôi định thanh minh: “Ơ kìa mình tưởng…”, nhưng ông bác đã đẩy mạnh vào lưng cháu: “Ra chỗ cô, mau!”. Biết là đôi co chỉ mất thì giờ chung nên tôi mạnh dạn bước lên chỗ cô Phương ngồi. Bác theo sau, không ngớt đẩy tay vào lưng con cháu như sợ nó giở trò bỏ chạy.


Tôi ngồi xuống trước mặt cô Phương. Cô còn trẻ, khoảng 27-28 tuổi, da rất trắng, lông mày tỉa mảnh và cong vút, ăn mặc lại điệu. Trông cô giống một “thương nhân” hơn là một trung gian về mặt linh hồn giữa người âm và người dương. Mà chết thật, sao lại gọi là “cô” nhỉ, vì lúc này cô chính là ông tôi – ông tôi đã nhập hồn vào người cô rồi.

- Anh Lễ đấy à? (Lễ là tên bác tôi. Về nguyên tắc, cô Phương không thể biết tên bác tôi. Vấn đề này đáng phải nghiên cứu đây… )

- Vâng, cháu đây chú. Cháu Lễ đây.

- Anh cất công đi xa thế để gặp tôi, vất vả quá. Anh nhớ giữ sức khỏe, tuổi nhiều rồi còn gì. Đừng lo, chú ở dưới này đủ cả, không thiếu thốn gì đâu. Sắp tới lại giỗ tôi, đấy, giỗ tôi là ngày mồng 10 tháng 5 tới này đấy. Hơ…hơ… (“ông” cười rất nhạt, còn bác tôi lúc đó đã bắt đầu nghẹn ngào khóc).

Tôi chăm chú nghe. Về mặt nguyên tắc lần nữa, điều cô Phương hay là “ông tôi” nói là hoàn toàn đúng: Ông tôi mất ngày 10/5 âm lịch. Cô Phương không thể biết chuyện đó, vì chúng tôi không hề gặp cô từ trước. Về sau khi tôi đưa chi tiết này ra kể, đã nổ ra một cuộc tranh luận kịch liệt giữa hai phe tạm gọi là “duy tâm” và “duy vật”. Mấy phần tử duy vật cực đoan khẳng định chắc như đinh đóng cột, rằng cô Phương có chân gỗ cắm ở Hà Nội và họ biết hết cả thông tin về đại gia đình tôi rồi. Còn một khả năng khác nghe còn phiêu lưu hơn, là cô Phương cài máy ghi âm vào đầu que hương mà bác tôi thắp ở miếu nhà cô.

Tôi cho rằng cả hai cách giải thích này luyên thuyên như nhau cả. Cứ cho là cô Phương có chân gỗ, thì cô sẽ cần một cơ sở dữ liệu khổng lồ để biết thông tin nào là về gia đình nào. Còn chuyện gài máy ghi âm vào đầu que hương thì càng không thể có, cô xuất thân là nông dân nghèo ở tỉnh Thanh chứ có phải James Bond đâu. Chưa kể que hương cắm ở miếu có tới hàng trăm người xúm xít xung quanh để thắp hương, máy ghi âm (nếu có) sẽ phải định hướng cực tốt để loại bỏ nhiễu và thu âm chính xác tiếng người cần thu.

Nhưng mà… lạ, sao ông tôi hôm nay nói chuyện nhạt thế nhỉ? “Cụ giáo trường Thăng Long” cứ thỉnh thoảng lại cười hơ hơ, và nói chuyện bằng giọng đặc Thanh Hóa. Ông nói nhiều, lặp đi lặp lại một vài ý không quan trọng lắm, rặt những “rằng thì mà là”, tóm lại không để lại gì trong trí nhớ của tôi. Cho đến lúc ông thình lình quay sang tôi:

- Huệ này! (Ôi sao ông lại gọi cháu là Huệ, cháu là Đoan Trang kia mà, tên cháu ông đặt mà.)

- Dạ, cháu đây ông ạ.


(hết phần 3)

Mời bà con đón xem phần 4 ở entry sau.

Monday, 7 May 2007

Thông báo

Trang the Ridiculous đang đi kinh lý xứ mọi. Mục đích của chuyến kinh lý là xem dân mọi làm ăn thế nào, có tiến bộ chưa, đặng đem chủ thuyết phát triển của thượng quốc Việt Nam qua bển, từng bước nhân rộng mô hình Việt Nam ra toàn thế giới.

Phần tiếp theo của "Tôi đi gọi hồn", hay "Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ" sẽ được đăng tải sau khi đoàn cán bộ của thượng quốc về nước. Mời bà con đón xem.