Tuesday 15 May 2007

Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (P.4)




(Không dùng tít "Tôi đi gọi hồn" nữa vì đã bị đụng hàng.)

Tôi còn đang lúng túng không biết có nên hỏi ngay vào vấn đề “ông cảm thấy thế nào” hay không thì xung quanh quần chúng đã ồn ào lên:

- Hỏi gì thì hỏi đi chứ!

- Hỏi nhanh lên cho vong còn nghỉ.


Ý đồng bào là muốn cán bộ hỏi cho nhanh lên để vong nhà đồng bào còn nhập vào người cô Phương đấy phỏng? Thời gian 1 phút bắt đầu! Tôi chợt nghĩ tới câu chuyện “Tam Phủ công đồng”… Thôi thì đằng nào cũng đã gặp được rồi, thời gian có hạn, tôi chỉ có thể hỏi câu nào thực tế nhất. Đành xếp các câu hỏi lố bịch lại vậy, tôi đưa ra một câu lãng xẹt:

- Anh cháu đang học thi cao học ở Pháp, năm nay liệu anh cháu có đi Tây được không ông?

- Thằng Trực hả? Thằng Trực nó là đứa chăm, có tài, rồi sẽ có người giúp nó, yên tâm, con yên tâm nhá, Huệ nhá!

Ông nói như quát vào tai tôi, lặp đi lặp lại mấy từ “nhá”, “nhá”, “nhá”... Nhưng mà quả này lại đúng nữa rồi, vỗ đùi phát. Anh tôi tên là Chính Trực, thời gian ấy đang ôn thi để sang Pháp học ngành y. Cuối năm đó anh quả nhiên là có đi Pháp thật. Có điều, không hiểu quan niệm “có người giúp” là thế nào, vì anh tôi học và thi đỗ thì đi, không thấy ai đứng ra kéo dây hay đủn đít gì cả. Còn nếu chỉ dăm ba câu úy lạo đã được coi là giúp thì thực ra thời buổi này ai làm gì chẳng phải có người giúp, ông nói thế chung chung quá, không phục, không phục!



Đột nhiên cô Phương, hay là “ông”, chỉ thẳng mặt tôi:

- Mày là mày cao số lắm đấy cháu nhá, bướng lắm đấy cháu nhá. Rồi đến năm 30 tuổi mày vẫn chưa lấy được ai đâu nhá, có biết chưa, có sướng chưa, sướng chưa hả cháu?

- …...................................... (tức tím mặt)



"Ông" cứ nói xa xả hai từ "sướng chưa", "sướng chưa". Tôi có cảm giác như cả đám đông hàng mấy chục người đều nhìn chòng chọc vào mặt mình. Một cơn điên nổi lên, tôi phải khó khăn lắm mới không trừng mắt: “Ông không phải là ông tôi!” Trời đất ơi, ông tôi đấy ư? Cụ giáo trường Thăng Long, người cực kỳ lịch sự, nho nhã, Tây học đấy ư? Người mà khi cần sai cháu làm việc gì đó, không bao giờ nói: “Trang, làm cái này… cái kia đi”, mà bao giờ cũng rất nhẹ nhàng: “Nếu có thể, cháu giúp ông…”. Người luôn tôn trọng cả thiên hạ, không khi nào gọi cháu là “mày”, là “thằng Trực” hay “con Trang”. Sao ông lại có thể trỏ tay vào mặt tôi mà tuôn một tràng như thế? Không, đó không phải là ông tôi, không thể là ông tôi! Bác tôi hỏi thêm ông vài câu, nhưng tôi đã chẳng thèm nghe nữa mà chỉ hầm hầm nhìn. Chắc bộ mặt tôi lúc đó cáu kỉnh đến mức vong nào cũng phát sợ, nên “ông tôi” nói thêm vài câu chung chung rồi bảo: “Ta đi đây”. Lại còn “ta” nữa chứ, hừ, ở đâu ra cái cách xưng hô kỳ cục thế.


Bác lau nước mắt, đứng dậy. Tôi hầm hầm theo sau. Chúng tôi ra xe về Hà Nội.


Trên đường về, cơn giận rồi cũng nguôi nguôi. Tôi nhớ lại các chi tiết trong những buổi “chat” giữa các vong với người dương, tổng hợp lại, và thử đưa ra vài giải thích. Tất cả để trả lời câu hỏi mà sau này rất nhiều người đã hỏi tôi: “Tóm lại, Trang có tin chuyện gọi hồn không?”.



(hết phần 4)

Mời bà con đón xem phần 5 ở entry sau.