Saturday, 26 May 2007

Memories of Saigon




Lại hệt như nhiều lần vào Sài Gòn khác, “chuyến thăm và làm việc” tại TP.HCM của tôi phen này cũng là một đợt chạy xô loạn xạ, sáng, trưa, chiều, tối đều cà phê quần quật.

Và cũng như mọi chuyến đi khác (đến bất cứ nơi đâu), tôi luôn mơ hồ thấy một cảm giác, hay một dự cảm gì đó rất khó giải thích. Có thể đó là ý nghĩ về tốc độ của thời gian và sự hữu hạn của đời người chăng? Không, cũng chẳng mơ hồ lắm, tôi cảm thấy rất rõ là thời gian giống như một làn sóng tràn tới và cuốn đi tất cả - những kỷ niệm, những gương mặt bè bạn, những tình yêu, những nụ cười, những giọt nước mắt…

Trong bài “Memory” có một câu mà tôi rất… không thích: “When the dawn comes, tonight will be a memory, too” (Khi bình minh tới, đêm nay sẽ thành kỷ niệm). Vào bất kỳ lúc nào, tôi đều có cảm giác rất rõ ràng là cái khoảnh khắc này, giây phút này rồi sẽ tan biến, những gì đọng lại chỉ còn là kỷ niệm.

Một trong những cái khổ của nghề báo, với tôi, chính là điều đó. Gặp thật nhiều người, và luôn ý thức được rằng đây là lần đầu tiên mà rất có thể cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy gương mặt ấy. Đôi khi suy nghĩ đó tạo nên một cảm giác thật bất an, hoặc nhẹ hơn, tạo nên cảm giác buồn và nhớ một cái gì đó không rõ. Ngay cả khi ở giữa rất nhiều người, chúng ta vẫn có thể thấy buồn và nhớ “cái gì đó” ấy.

Vì thế gần như tôi luôn luôn tự nói với mình, rằng hãy ghi nhớ khoảnh khắc này - khoảnh khắc mà ta đang sống - vì chỉ vài giây sau đó thôi, nó đã trở thành kỷ niệm.


Biết trước rằng chuyến đi rồi sẽ lại để lại trong đầu tôi đủ những “mộng rớt, buồn rớt” sau này mỗi khi nhớ về quá khứ, nhưng làm sao được, cứ phải sống và chứng kiến cuộc sống diễn ra như thế.

The Beatles từng hát:

There are places I remember
all my life, though some has changed
… All the places had their moments
with lovers and friends
I can still can recall
Some are dead and some are living
In my life, I love them all.
(Có những nơi trong đời tôi sẽ nhớ mãi
… Mỗi vùng đất gắn với từng khoảnh khắc
với bè bạn thân quen, với mối tình yêu dấu
Có người đã chết, có người vẫn đang sống
Trong cuộc đời, tôi yêu tất cả.)


Có một bài hát khác mà tôi cũng rất thích, “Different Seasons” (Đổi mùa):

There is a face deep in your mind,
one that your heart won’t leave behind
Memories are cold, empty of laugh
And all that remains are photographs
(Trong bạn lưu giữ một gương mặt
mà trái tim không thể nào quên
Ký ức lạnh lẽo, trống vắng tiếng cười
và đọng lại chỉ còn những bức ảnh…)


Cũng như tôi đã mê mẩn bản “Memories of Alhambra” (Tưởng nhớ Alhambra) nổi tiếng.



*
* *



Lần đến Sài Gòn này của tôi rồi cũng sẽ ngập tràn những kỷ niệm thôi.

Tôi đã đứng trước những lò gốm nóng rừng rực giữa một trưa hè 36 độ C, và chơ vơ, lọt thỏm giữa những dãy đồ gốm xếp thành hàng trong một lò gốm ở ngoại thành Sài Gòn. Toàn những chiếc bình, chiếc lọ cao ngất mà ở cái trình độ lùn của tôi, có ngửng mặt lên vẫn không thấy đỉnh. Vào lúc đó, tôi đã có ý nghĩ rằng bối cảnh này mà thực hiện một đoạn phim, một clip ca nhạc, hoặc một tác phẩm video-art thì có lẽ cũng hay.

Tôi rất mến P., diễn viên kịch. Đang giờ tập, trời cực nóng. P. mặc nguyên trang phục thời Hùng vương, đầu còn đội mũ chim lạc, tuy nhiên nửa dưới lại thòi ra hai ống quần bò xanh. Mồ hôi đọng thành từng đám li ti trên mũi, trên thái dương P. Hẳn mặt tôi cũng vậy thôi, bóng nhờn đến độ có thể cọ mũi vào bất kỳ cái phécmơtuya nào cho nó trơn mà khỏi cần dùng nến.

Tôi rất nhớ buổi nói chuyện với một viên chức Sài Gòn cũ, để nghe bác nói thật nhiều chuyện về “Sài Gòn ngày xưa” của bác, để rồi thấy rõ hơn rằng mỗi con người là một phần lịch sử. Khi tôi đến nhà, bác ra mở cửa và tròn mắt: “Ủa, đi bộ một mình qua hẻm tối không sợ hả?”. “Dạ thưa không, sao vậy bác?”. “Ủa, không thấy kim tiêm găm đầy mấy cây chuối đó hả?”. Ặc, may mà mình đi giày kín mũi chứ không khéo lại rước ếch về nhà.


Tôi cũng sẽ rất nhớ những lúc “sinh hoạt hội nhà báo” với mấy đồng chí trong chi bộ của bác Saigon Minsk. Bọn nhà báo chết tiệt có cái cố tật cứ ngồi cùng nhau là nói về công việc - tội nghiệp chúng! Chúng bị ám ảnh cho đến chết rồi. Ngồi ăn kem với nhau mà chúng cũng phải đảo mắt nhìn quanh nhìn quẩn. “Sao, liệu viết được không?” - một tên khẽ hỏi, và tên kia lúng búng: “Chưa, chưa…”. Khỉ, sao giống giọng biệt động ngày xưa quá vậy? Tư lệnh A07 hỏi: “Đồng chí A20, đồng chí xem liệu có đánh được trận này không?” A20 trả lời: “Báo cáo, tôi còn đang theo dõi tình hình”. Vào xem kịch ở 7 Trần Cao Vân, A20 nhắn ra ngoài cho A07: “Tôi đã lọt được vào trong rạp. Cơ sở của đồng chí hoạt động tốt lắm”. A07 trả lời: “Tốt. Tiếc là tôi phải... trông con nên không vào yểm trợ cho đồng chí được”. Trời mà biết cái lũ dở người này tưởng chúng là ai. Nhưng đừng mắng chửi chúng lố bịch mà khổ thân chúng! Cuộc sống nhiều chuyện ức chế lắm, chúng lố bịch như thế chỉ để cho khỏi buồn thôi mà.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng viết rất nhiều về bè bạn của ông, những người sống và làm việc cùng thời với ông vào những năm 60 của thế kỷ trước. Ông và một người bạn thân, nhà văn Lê Nguyên Bình, hay nói như thế này mỗi khi mượn nhau chiếc xe đạp:

- Cho mình mượn cái Alfa de luxe Tubes Peugeot, mình đi đằng này một lát.

- Cái Alfa de luxe Tubes Peugeot bị tuột xích rồi.

Hình như chúng tôi bây giờ cũng vậy. Lạc quan tếu cho khỏi buồn nhiều.


Có lúc tôi ngồi bó gối trong quán, nhìn trời mưa như trút bên ngoài. Và đột nhiên tôi nhớ đến câu hát này, nghe thống thiết như một lời than:

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
thì đường trần mưa bay gió cuốn
còn nhiều anh ơi.


Đó là Sài Gòn trong một “chiều mưa biên giới” của tôi.




+++

Caption:
I miss my guitar
I miss Alhambra

(Photo by Trà My)