Saturday, 19 May 2007

Sài Gòn, Sài Gòn




Viết những dòng này trong một đêm không ngủ ở Sài Gòn: Khách sạn mà tôi trọ nằm sát nách một vũ trường, và thế là tiếng uỳnh uỳnh cứ thẳng cánh dội vào tai tôi như “tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thình thịch thình thịch. Đành bật máy ngồi viết lăng nhăng trong lúc chờ đến nửa đêm để người dân Bom Bo ngơi tay.

Tôi đã đến Sài Gòn nhiều lần, nhưng có hai lần để lại những kỷ niệm không thể nào phai mờ trong trí nhớ. Đó là vào mùa đông năm 2003 (có lẽ gọi là mùa khô thì đúng hơn), tôi đến Sài Gòn một chiều nắng nhạt, khô hanh. Tôi ở cùng Hồng bì, cô em gái mập mạp và dễ thương, trong một căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trãi. Nhà trọ rất im ắng, buổi sáng cũng như chiều chỉ nghe lơ thơ tiếng trẻ con khóc từ gác bên kia vọng vào. Thời gian đó, tôi đang loay hoay với một cuốn sách “vĩ đại” - một “tác phẩm thật sự dành cho giới thiết kế đồ họa” như tôi ao ước. Mỗi sáng sớm, Hồng và tôi lại chia tay nhau để đi làm, đến tối mới về ăn uống cơm hàng cháo chợ, trò chuyện khoảng 2-3 tiếng rồi đi ngủ. Ngày nào cũng vậy. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực quen nhau (trước đó chỉ biết mặt biết tên nhau mà thôi), nhưng những câu chuyện bao giờ cũng tràn đầy cảm xúc. Tôi là đứa yêu nghề đến điên rồ, còn Hồng ngày đó chưa làm báo nhưng cũng thích thú và nghĩ về nó như một công việc hay và có ích cho xã hội. Không hiểu những gì tôi nói với Hồng có làm em yêu nghề báo không, nhưng nếu có thì tôi sẽ ân hận vì cái lưỡi của mình, như tôi từng ân hận vì đã “lôi kéo xô đẩy” không biết bao chú em, cô em bước chân vào cái nghề bạc bẽo này với một tình yêu cháy bỏng (bao giờ cũng thế).

Có điều này không biết Hồng có biết không, chuyến đi ấy để lại trong tôi một cảm xúc rất mạnh, đó là nỗi cô đơn. Cô đơn mỗi buổi sáng phóng xe máy “đi tìm nhân vật”. Cô đơn mỗi buổi chiều tối nhập nhoạng khi trở về gác trọ. Cô đơn ngay cả khi ngồi nghe Hồng hát - bằng một giọng rất ấm và khỏe - bài “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn:

Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá
Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim, dâng đầy trí nhớ
Ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu…


Cô đơn cả khi chúng ta ngồi cùng rất nhiều người và buộc phải nghe Mỹ Tâm và Thy Dung hát (quá kinh khủng nếu so với giọng của em, Hồng còi ạ) những Mắt nai cha cha cha, Lời tỏ tình dễ thương… Giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt, sao chúng ta cứ như hai kẻ trật khấc ra ngoài, đành lặng lẽ vùi đầu vào nồi lẩu.

Trong những giờ phút lang thang ở Sài Gòn. Trong những buổi chiều phóng xe đến nhà người này người nọ hỏi thông tin. Tôi luôn cảm thấy một nỗi khao khát được sống những năm tháng làm báo. Thời gian đó chính là lúc tôi biết rằng mình không thể sống thiếu nó được nữa. Thất bại trong tình yêu, đơn độc chiến đấu trong công việc, càng làm tôi thấy cô đơn khủng khiếp. Lúc đó, ngoài Hồng ra, có còn ai hỏi tôi những câu như: “Hôm nay đi có được việc không?”. Có còn ai mỉm cười với tôi mỗi lần tôi chuẩn bị “lao vào một thử thách mới” - như sau này tôi vẫn mỉm cười (kể cả qua điện thoại) với “chú Hà Sơn em tôi” trước mỗi khi chú đi quay: “Cố lên Sơn, you can do it”.

Nghề báo là một nghề đặc biệt, ở chỗ nó rất cần sự hợp tác. Bạn đừng tin nếu người ta nói rằng các tòa báo phải là nơi chém giết nhau khốc liệt. Báo chí VN kém phát triển vì nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do cứ giẫm đạp lên nhau bằng đòn bẩn hay nói một cách hình ảnh, mượn lời một người tôi quen, là cứ “ôm chặt lấy nhau rồi từ từ chìm xuống trên đại dương sáng tạo”. Không có sự hợp tác và tinh thần đồng đội, không có sự chia sẻ và cảm thông, môi trường làm việc sẽ trở thành một nơi khủng khiếp. Bản thân cái nghề đã đầy khó khăn, gia đình (người yêu, vợ/ chồng, bố mẹ anh em) không ủng hộ, nếu cơ quan cũng là bãi chiến trường nữa thì chẳng ai yêu nghề được.


… Bây giờ, những người tôi từng gặp hồi ấy thế nào rồi? Vì nhiều lý do khách quan, tôi đã không giữ được quan hệ với họ, những người Sài Gòn vô cùng dễ thương: anh Đức và anh Tiến họa sĩ, anh Hiền bầu ca nhạc, chú Châu đạo diễn điện ảnh thời Sài Gòn cũ... Họa sĩ Hale (tức Thiền Quang) thì du học chẳng biết bao giờ về.


Một lần đến Sài Gòn khác cũng làm tôi rất nhớ, là lần đi cùng Hải Linh, Linh cua và anh Huy chấy (gọi thế thôi chứ tóc anh sạch lắm), quay phóng sự “Pacific Airlines chuyển đổi thành hàng không giá rẻ”. Đó cũng là vào một ngày đông, mùa đông năm 2006. Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyến đi ấy, tôi chỉ thấy lòng tràn ngập một cảm xúc: cay đắng. Vì lúc đó chúng tôi vẫn yêu nghề lắm, chúng tôi có đầy những ước mơ và mong muốn “làm mọi thứ tốt đẹp hơn”, chúng tôi đã vui sướng, đã cười (cũng có người đã khóc), đã nói, đã chia sẻ với nhau bao nhiêu điều đáng nhớ và khó quên. Chúng tôi đâu biết rằng đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chúng tôi được đi cùng nhau cả bốn người như thế. Sau này sẽ chẳng bao giờ hai Linh, anh Huy và tôi còn được lang thang cùng nhau để thỏa mãn tình yêu nghề nữa.

Tôi nhớ lúc Hải Linh trịnh trọng giới thiệu với TGĐ Pacific Airlines Lương Hoài Nam về chúng tôi - đoàn làm phim, đoàn nhà báo, lại có nguyên cả một thư ký tòa soạn, vào gặp PA để triển khai quay một phóng sự về hàng không giá rẻ. Bác Nam nghe đoạn hớn hở vỗ tay vui cười, không kịp thay áo, cứ thế xõa tóc, chân không lật đật chạy ra tận cửa sân bay đón “đoàn làm phim”; và ngỡ ngàng thấy trước mặt mình bốn đứa mặt non choẹt, trong đó kẻ được mệnh danh là thư ký tòa soạn thì… ôi thôi… thân cao không đầy thước rưỡi, mặt mũi xấu xí, ăn mặc lôi thôi, hình dong vô cùng cổ quái. Lời giới thiệu của Linh vô tình hoành tráng quá mức làm tôi đỏ bừng mặt. (Một kẻ thật lố bịch khi ngượng cũng biết đỏ mặt đấy bà con ạ, giống như một người thật xấu khi yêu cũng lườm). Cũng may cuối cùng thì những kỹ xảo vẫn chiến thắng. Chúng tôi đã có được một buổi phỏng vấn cực kỳ thành công với đ/c Lương Hoài Nam. Mà có khi chẳng phải nhờ kỹ thuật làm báo, chính là do trông chúng tôi quá trẻ cũng nên.


Tôi nhớ cả lúc chúng tôi gặp bác Saigon Minsk lần đầu tiên. Tuy phóng viên hai miền Nam Bắc làm cùng tòa soạn đã lâu, nhưng với cách quản lý “không cần biết những gì không cần biết” ở Việt Nam thì chúng tôi hầu như không biết gì về nhau. Cũng đã xem ảnh và nghe đồn từ lâu rằng bác Saigon Minsk là người có nhan sắc, nhưng đến lúc gặp, tôi vẫn sửng sốt vì chưa thấy phóng viên truyền hình nào đẹp trai như thế, khakha. Quán café ánh nến tối mò nhưng vẫn đủ soi cho mọi người thấy một gương mặt cực kỳ manly. Tính lố bịch (không phải máu dê, bà con chớ hiểu nhầm) nổi lên, suýt nữa tôi buột miệng lơi lả: “Ở vùng này mà cũng có người đẹp thế cơ à?” theo cái cách một thằng đàn ông tán tỉnh một cô gái xinh đẹp... nhưng may thay kìm lại được, chỉ đứng che miệng mà cười khùng khục. Sao cười à? Thì thật ra vùng nào chẳng có người đẹp người xấu, Sài Gòn chứ có phải Washington DC - nơi ở của tư bản Mỹ đâu. Cả hai Linh lẫn anh Huy chấy và bác Saigon Minsk đều không để ý đến điệu cười khó hiểu (và khả ố) đó của tôi nên câu chuyện rôm rả rất nhanh. Suy cho cùng tất cả chúng tôi đều có những điểm chung là trẻ, yêu nghề và đầy mơ ước, dĩ nhiên kể cả mơ ước kiếm tiền. Bác Saigon Minsk nồng nhiệt lôi cả lũ đi ăn lẩu cá kèo. Cái tính lố bịch khiến tôi không tài nào nhớ được tên loại cá này, cứ gọi mãi đó là “lẩu trạch”.

Rồi tôi và Linh cua lại lang thang trên phố mua đồ về tặng Hà Nội. Hai chị em ghé quán bánh ướt để “xử” mỗi người một đĩa. Ăn được nửa chừng thì cả hai cùng không nuốt nổi nữa: Nước chấm ngọt lừ, bánh thì nhạt thếch (xin lỗi các bạn Sài Gòn đang đọc blog này - chỉ là do chúng tôi không quen).

Thời gian trôi qua, tất cả cũng đã qua rồi. Bây giờ “đoàn làm phim” ngày nào mỗi người mỗi ngả. Hải Linh và Linh cua sang VTC, anh Huy vẫn lụi cụi ở VNN TV, còn tôi… vẫn là kẻ lố bịch, con ngựa hoang trên lưng đầy những vết thù. Bác Saigon Minsk vẫn ở Sài Gòn, hôm vừa rồi gặp lại trên đất Sài Thành, thấy bác vẫn đẹp trai lắm, nhưng hình như tóc bác đã có sợi bạc rồi phải không?


Sài Gòn ơi,
Mộng với tay cao hơn trời…




+++

Caption: top to bottom, left to right: Quỳnh lé (director), Vân Anh (our sister), Quỳnh còi (reporter), Đinh Hiền cine (scriptwriter), Hồng Anh (news anchor), Hà Sơn (reporter). See how nice they look. How I love them.