(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần 3)
Sân nhà cô Phương vẫn ngổn ngang người nằm kẻ ngồi chờ được vong gọi. Khói hương nghi ngút, cay cả mắt. Tôi ngán ngẩm mò vào một xó ngồi ngáp vặt, chờ bác thắp hương khấn gọi ông lần nữa. Hy vọng với tấm lòng thành của bác, lần này tôi sẽ may mắn hơn lần trước. Tôi cố cảm nhận xem trong người có gì khang khác không, nhưng chẳng thấy gì ngoài cảm giác buồn ngủ.
… May mắn quả thật đã tới, khi cô Phương thình lình gọi to:
- Huệ! Nhà Huệ đâu?
Ông tôi tên thật là Bùi Huy Huệ (cách đây khoảng nửa thế kỷ, bạn đến trường Thăng Long hỏi cụ giáo Bùi Huy Huệ thì chắc chắn ai cũng biết). Nói cách khác, Huệ là tên ông tôi chứ không phải tên tôi hay bác tôi. Chính vì thế khi nghe cô Phương gọi, tôi cứ ngồi im.
Dân chúng ngồi quanh đó thấy cô Phương gọi mà không ai trả lời thì xôn xao “tình giục” (thói quen rất đáng yêu của người Việt Nam):
- Nhà Huệ đâu kìa? Cô gọi kìa!
- Ai đấy? Ai là Huệ đấy, ra đi!
Đâm ra chính tôi cũng hoang mang, có khi cô gọi mình thật. Chắc họ thấy mặt tôi nghệt nghệt nên lập tức ồn ào lên:
- Kìa, vong gọi mà không ra đi à?
Tôi định thanh minh: “Ơ kìa mình tưởng…”, nhưng ông bác đã đẩy mạnh vào lưng cháu: “Ra chỗ cô, mau!”. Biết là đôi co chỉ mất thì giờ chung nên tôi mạnh dạn bước lên chỗ cô Phương ngồi. Bác theo sau, không ngớt đẩy tay vào lưng con cháu như sợ nó giở trò bỏ chạy.
Tôi ngồi xuống trước mặt cô Phương. Cô còn trẻ, khoảng 27-28 tuổi, da rất trắng, lông mày tỉa mảnh và cong vút, ăn mặc lại điệu. Trông cô giống một “thương nhân” hơn là một trung gian về mặt linh hồn giữa người âm và người dương. Mà chết thật, sao lại gọi là “cô” nhỉ, vì lúc này cô chính là ông tôi – ông tôi đã nhập hồn vào người cô rồi.
- Anh Lễ đấy à? (Lễ là tên bác tôi. Về nguyên tắc, cô Phương không thể biết tên bác tôi. Vấn đề này đáng phải nghiên cứu đây… )
- Vâng, cháu đây chú. Cháu Lễ đây.
- Anh cất công đi xa thế để gặp tôi, vất vả quá. Anh nhớ giữ sức khỏe, tuổi nhiều rồi còn gì. Đừng lo, chú ở dưới này đủ cả, không thiếu thốn gì đâu. Sắp tới lại giỗ tôi, đấy, giỗ tôi là ngày mồng 10 tháng 5 tới này đấy. Hơ…hơ… (“ông” cười rất nhạt, còn bác tôi lúc đó đã bắt đầu nghẹn ngào khóc).
Tôi chăm chú nghe. Về mặt nguyên tắc lần nữa, điều cô Phương hay là “ông tôi” nói là hoàn toàn đúng: Ông tôi mất ngày 10/5 âm lịch. Cô Phương không thể biết chuyện đó, vì chúng tôi không hề gặp cô từ trước. Về sau khi tôi đưa chi tiết này ra kể, đã nổ ra một cuộc tranh luận kịch liệt giữa hai phe tạm gọi là “duy tâm” và “duy vật”. Mấy phần tử duy vật cực đoan khẳng định chắc như đinh đóng cột, rằng cô Phương có chân gỗ cắm ở Hà Nội và họ biết hết cả thông tin về đại gia đình tôi rồi. Còn một khả năng khác nghe còn phiêu lưu hơn, là cô Phương cài máy ghi âm vào đầu que hương mà bác tôi thắp ở miếu nhà cô.
Tôi cho rằng cả hai cách giải thích này luyên thuyên như nhau cả. Cứ cho là cô Phương có chân gỗ, thì cô sẽ cần một cơ sở dữ liệu khổng lồ để biết thông tin nào là về gia đình nào. Còn chuyện gài máy ghi âm vào đầu que hương thì càng không thể có, cô xuất thân là nông dân nghèo ở tỉnh Thanh chứ có phải James Bond đâu. Chưa kể que hương cắm ở miếu có tới hàng trăm người xúm xít xung quanh để thắp hương, máy ghi âm (nếu có) sẽ phải định hướng cực tốt để loại bỏ nhiễu và thu âm chính xác tiếng người cần thu.
Nhưng mà… lạ, sao ông tôi hôm nay nói chuyện nhạt thế nhỉ? “Cụ giáo trường Thăng Long” cứ thỉnh thoảng lại cười hơ hơ, và nói chuyện bằng giọng đặc Thanh Hóa. Ông nói nhiều, lặp đi lặp lại một vài ý không quan trọng lắm, rặt những “rằng thì mà là”, tóm lại không để lại gì trong trí nhớ của tôi. Cho đến lúc ông thình lình quay sang tôi:
- Huệ này! (Ôi sao ông lại gọi cháu là Huệ, cháu là Đoan Trang kia mà, tên cháu ông đặt mà.)
- Dạ, cháu đây ông ạ.
(hết phần 3)
Mời bà con đón xem phần 4 ở entry sau.