Sắp tới ngày Báo chí Cách mạng 21/6. Để tôn vinh tinh thần bất diệt của ngày này, thiết nghĩ không gì bằng post hầu bà con một số chuyện tác nghiệp của các nhà báo, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.
Tôi là kẻ mang nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa, nhưng lại rất thích đi phỏng vấn “Tây”. Tây nó không giống như ta, ở chỗ đã đồng ý tiếp phóng viên là sẽ tiếp, mà nó đã từ chối rồi thì nghĩa là dứt khoát không (trong khi ta thì tinh thần kiên định cách mạng có thể nói là rất kém, miệng từ chối đây đẩy đấy nhưng có khi bị thằng/con nhà báo dẻo mỏ tà lưa tí là lại ok ngay).
Hồi đầu hè năm ngoái tôi tới UNESCO để phỏng vấn Edle Tenden về một cụ cố người Ba Tư được UNESCO tôn làm nhân vật của năm 2007. Cụ này tịch từ năm 1273, tên thân mật của cụ là Mevlana Jellaluddin Mohammed Rumi, tên thật thì bằng chừng ấy chữ cộng thêm hai dòng nữa. Tới văn phòng UNESCO, chúng tôi gặp Edle và một đống trợ lý ngồi sẵn. Cần phải giải tán ngay mấy con mẹ thư ký cho dễ làm việc - tôi nghĩ thầm - chắc tưởng bọn này không nói được tiếng Anh hả? Lặp lại tiểu xảo vốn quen sử dụng, tôi nói nhỏ với Edle rằng chúng tôi không cần phiên dịch, ngoài ra có nhiều người trong phòng sẽ khiến chúng ta đều khó làm việc, nếu có thể xin cô vui lòng đề nghị họ ra ngoài cho.
Vậy là cuối cùng chỉ còn lại Edle - tức nhân vật chính của phóng sự, quay phim và tôi trong phòng. Chúng tôi vào cuộc rất nhanh.
- Tư tưởng chính trong tác phẩm của Rumi là gì?
- Tôi nghĩ đó là tinh thần khoan dung và không phân biệt…
- Cô thích tác phẩm nào của Rumi?
- Tôi thích…
- Cô có thể đọc một đoạn không?
Edle đọc một đoạn thơ Rumi cho tôi nghe. Chúng tôi nói chuyện về Rumi, về điệu múa sema, về tinh thần khoan dung trong tôn giáo của Rumi, về đạo Hồi v.v. Nhược điểm rất lớn của tôi là đi đâu cũng ngồi rõ lâu và ba hoa xích tốc cứ như thể mình hiểu vấn đề lắm.
Thình lình chú Công Sơn quay phim gọi to:
- Chị Trang, chị bảo nó vén tóc lên em quay một cái.
- Hả???
- Chị bảo nó vén tóc lên cho em quay. Tóc nó xòa xuống trán kìa.
- Ặc…
Suýt nữa tôi buột miệng: “Mẹ kiếp, sao mày bắt chị dịch cái từ khó thế hả em?” Giời, mình có thể ba hoa với “Tây” về toán, lý, hóa, sinh, về kinh tế chánh trị, về thiên văn học, khí tượng học, về vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương… chứ bảo dịch từ “vén tóc lên” thì mình biết dịch thế nào? Edle thấy chúng tôi hoa chân múa tay với nhau, lấy làm lạ, hỏi có chuyện gì. Một loạt từ chạy lướt qua trong trí nhớ: hoist, raise, roll up v.v. chẳng từ nào đúng cả. Tôi chẳng biết nói sao, đành lúng búng: “Mind your hair, mind your hair” (chú ý tóc, chú ý tóc). “Nhân vật” càng không hiểu. Hết nước diễn đạt, bí từ, tôi đành mở túi rút chiếc lược ngà ra, xăm xăm đi về phía Edle và, một cách thô lỗ, chải ngược tóc cô ta lên đỉnh đầu. Hết hơi!
Đến lúc bấm máy thì còn mỏi miệng nữa, vì tôi cứ liên tục phải: “Move back”, “Slow down”, “Start”, “OK, come on”, “Again, please”, “Sorry we haven’t finished it yet”… Sơn hét tôi hô, nhân vật thỉnh thoảng lại đứng đực ra không biết nên làm gì. Cuối cùng giải pháp đơn giản là chú Sơn xông tới nắm cánh tay nhân vật lôi đi xềnh xệch, không hơi đâu chờ tôi dịch xong một câu đúng ngữ pháp.
Nhưng may thay chúng tôi được cụ Rumi phù hộ nên cuối cùng mọi chuyện cũng kết thúc tốt đẹp. Chỉ có điều cho đến giờ tôi vẫn chưa biết dịch “vén tóc lên” sang tiếng Anh như thế nào.
*
* *
Có những người nước ngoài rất tự nhiên. Một lần tôi gặp một nữ doanh nhân người Anh ở Việt Nam. Hai bên phân ngôi chủ khách xong, vừa ngồi xuống thì “nhân vật” đã quay sang anh nhà báo đi cùng, nhìn chòng chọc. (Ấy, thật ra thì cũng không đến nỗi thế đâu, nhưng mắt tôi tia nhanh lắm mà mọi chuyện qua miệng tôi thì đều bị lố bịch hóa đi cả, xin bà con thông cảm giùm). Cực chẳng đã tôi phải giới thiệu: “Đây là X., đồng nghiệp của tôi”. “Nhân vật” cười tít mắt:
- Is he a reporter?
- Yes, he is.
- Are you sure?
- Definitely. He’s my workmate.
- Do you think he is too handsome to be a reporter? (bạn có nghĩ anh ấy quá đẹp trai để làm phóng viên không?)
Ớ cả người… Tôi cá nếu tôi là đàn ông, ý nghĩ đầu tiên trong đầu sẽ là “mịa, con này dâm!”. Nhưng tôi lại không phải man nên chỉ biết nhe răng cười, dù trong bụng nghĩ thầm: “Chắc you muốn nói là phóng viên toàn người xấu chứ gì. Vừa phải thôi chứ. Đá xoáy gớm nhỉ”. Khó khăn lắm tôi mới kiềm được câu nói này, vì không dịch được (tiếng Anh dịch sẽ không sát tinh thần tiếng Việt): “Đẹp trai như anh ta ư, trong giới báo chí có hằng hà sa số, song đều đi làm sếp hết rồi. Duy anh này xấu nhất nên mới đi cùng tôi làm phóng viên”.
Kể chuyện vậy chứ tôi vẫn thích đi phỏng vấn “Tây” lắm. Dĩ nhiên là tôi cũng thích phỏng vấn cả “ta” nữa. Suy cho cùng thì Tây hay ta đều là người cả, phải không bà con?
+++
Ai dịch được cụm từ "xin vén tóc lên" sang tiếng Anh, làm ơn dịch giúp Trang với. Cảm ơn trước.