(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần tiếp theo)
Những chuyện ma tôi đã được nghe, thậm chí chứng kiến tận mắt tận tai, không hiểu sao đều bị tôi nhìn nhận dưới một lăng kính có lẽ là hết sức lố bịch. Tôi chẳng sợ mà chỉ thấy buồn, hoặc buồn cười. Câu chuyện sau đây thì tôi chỉ nghe kể lại.
Vào cuối năm 1972, Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), làm sập một khu nhà, chết nhiều bác sĩ, y tá và bệnh nhân. (Hơn 30 năm sau, chuyện này đã được kể lại một cách… như dở hơi trong bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” của đạo diễn mà tôi khá ngưỡng mộ, Bùi Đình Hạc). Vấn đề nghiêm trọng hơn là sau đó khu nhà này trở thành nơi bị ma ám, các bác sĩ, y tá, hộ lý đi trực đêm ở đó đều nghe tiếng khóc như ri và bị lay giường, không cho ngủ. Tất cả khiếp sợ. Không một y tá nào dám bén mảng tới đó nữa. Bà bác ruột tôi khi đó là bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, lùn như… tôi, người gầy xanh như cá mắm trắng. Những năm tháng chiến tranh, Hà Nội đói kém vô cùng, cộng thêm công việc vất vả đã khiến bà tiều tụy xơ xác, hạ đường huyết liên tục. Bà nhận phiên trực đêm đúng khu vực bị ma ám. Không có y tá nào dám tới phụ việc, bà một mình nhận phòng, ngồi trực.
Đêm đã khuya, bà đi ngủ. Nửa đêm về sáng bà buộc phải thức giấc vì chiếc giường bỗng dưng bị rung bần bật như động đất. Mở mắt, bà nhìn thấy chiếu trải trên giường cuộn thành từng lớp, hệt như có ai đó - một người vô hình - đang giũ chiếu để tống cổ bà ra khỏi giường. (Tôi trộm nghĩ chắc lúc đó cái chiếu uốn lượn giống mái vòm Sóng Biển Đông của Trung tâm Hội nghị Quốc gia quá). Bà bác tôi ngồi bật dậy. Trừng mắt nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt, bà quát lên:
- Này, làm cái trò gì thế? Ơ hay buồn cười nhỉ? Tôi đi trực, không cho tôi ngủ ở đây thì tôi ngủ ở đâu?
Người bà bé nhỏ, nhưng tiếng quát thì sang sảng đanh thép kinh khủng. Điều kỳ lạ là ngay sau đó cái chiếu không cuộn lên và giường không rung nữa. Hình như con ma bị bác tôi át vía, nó im bặt. Và hình như cũng kể từ đó, nó mất thiêng.
Về sau khu nhà đổ nát được xây lại thành một phần của Bệnh viện Bạch Mai. Không thấy ai nói gì đến ma quỷ nữa, dù tôi biết rằng chỗ đám cây xà cừ xanh thẫm phủ bóng chỗ nhà xác bệnh viện (sát đường ray tàu hỏa trên đường Giải Phóng, phía đối diện là lối vào ĐH Kinh tế Quốc dân) vẫn còn là nơi ám ảnh một số người. Như mẹ tôi - người đã chứng kiến anh ruột mình chết ở đó. Như bác tôi - người đã can đảm “chiến đấu chống ma” mà lý do thực sự chỉ vì bà đã quá mệt, đói, buồn ngủ, đến độ chẳng còn sức để sợ nữa. Sau này bà kể với tôi, bà không sợ mà chỉ… điên tiết vì bị ma quấy rầy, trong khi giấc ngủ là lúc duy nhất để bà thoát ly khỏi gánh nặng cuộc sống.
Có lẽ rất ít người bây giờ biết nơi ấy đã từng có ma.
(hết phần 5)
Mời bà con đón xem phần 6 ở entry sau.
Photo by Hồ Phạm Huy Đôn. Ảnh chẳng có tính chất minh họa, chỉ là thấy hay thì đưa vào.