Wednesday 29 August 2007

Chuyện tình NY sốt xình xịch




Buổi ra mắt cuốn sách “Chuyện tình New York” diễn ra tại café số 1 Trấn Vũ, bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội), trong không khí vừa hoành tráng lại vừa thân mật, vừa long trọng lại vừa cởi mở.

Trang the Ridiculous đi dự với tư cách phóng viên kiêm cổ động viên, tức là phỏng vấn viết bài kiêm ngồi dưới hú và vỗ tay. Càng về cuối vai trò cổ động viên càng lấn át vai trò phóng viên. Lâu rồi tôi không hú hét như thế, với một vẻ mặt mà sau này nghe một người mô tả là “hết sức lố bịch”. Lại ngồi cùng với một ông bạn nghệ sĩ, hai anh em cao hứng hú phụ họa rất nhiệt tình.


Phía trên, diễn giả giới thiệu: Sau đây là bài hát… do bạn… trình bày.

Phía dưới,

- Trang: Hú hú uuuuuu, hú hú… oa oa oa… Whoa, whoa… (vừa hú vừa vỗ tay vào miệng, như thổ dân)

- Nghệ sĩ: Oẳng oẳng, oẳng oẳng oẳng!!! (vừa hú vừa đấm ngực bành bạch như King Kong lúc cao hứng)


Công nhận mình hú tốt thật. Thời trẻ tôi từng được mệnh danh là “giọng oanh vàng”, nhưng oanh vàng đã mất giọng từ gần chục năm trước rồi, nay sau vụ cổ động này có lẽ nên đổi danh hiệu đó thành “giọng chó vàng” - Golden Dog.


Không khí sôi động với sự có mặt của đông đảo bạn trẻ phong cách rất xì-tin và một số phụ huynh. Hàng chục cuốn “Chuyện tình New York” được bán hết veo. Mua xong, bạn đọc đủ cả nam, phụ, lão, ấu lũ lượt xếp hàng xin chữ ký tác giả. Tác giả ký quần quật đến mỏi cả tay mà dòng người vẫn không vơi đi là bao. Có bà cụ hối hả nhao tới mua sách, hỏi người bán:

- Giá bao nhiêu?

- Dạ, … nghìn đồng, giảm giá… phần trăm, còn lại… nghìn đồng bác ạ.

- Thế có chữ ký tác giả không?

- Có ạ, tác giả ngồi ký ở bên kia bác ạ.

- Thế hả? Ký mấy nghìn?


Trang the Ridiculous nghe lỏm được, định quắc mắt lên mắng cho một trận, nhưng thấy độc giả này tóc đã bạc nên tha. Bà già này lạ thật đấy nhỉ, thương mại hóa triệt để, cái gì cũng quy ra tiền cả là thế nào? Ôi, cái thời buổi kinh tế thị trường…


Cũng xin buôn thêm một chuyện hậu trường nữa của việc sản xuất cuốn "Chuyện tình New York". Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở Việt Nam được "audio hóa" (tôi nhấn mạnh là trên lãnh thổ Việt Nam thôi nhé), tức là có một đĩa CD gắn kèm, trích đọc một số đoạn trong truyện và lồng nhạc rất cẩn thận. Đĩa được đút vào bìa số 3 của cuốn sách, riêng khâu đút đĩa này cũng đã đòi hỏi một sự tỉ mỉ lớn của người làm. Không khéo từ đây trong ngành xuất bản Việt Nam sẽ xuất hiện một khái niệm mới để chỉ một nghề mới: nghề đĩa-đútter (tức là người đút đĩa vào sách).


Còn dưới đây là bài review cuốn Chuyện tình New York:



*
* *


“CHUYỆN TÌNH NEW YORK”
DỊU DÀNG VÀ MỘNG MƠ


“Những nơi ấy, những chỗ ấy, những khuôn mặt ấy, là những mảnh ghép của một thời ký ức mãnh liệt của tôi. Một thời mà, có những người đàn ông kỳ lạ, và một cô gái tuyệt đẹp, đã rất yêu tôi… và tôi cũng thế…”. Đây là câu kết và cũng là một trong những câu văn gây cảm xúc rất mạnh cho độc giả của “Chuyện tình New York”, tác phẩm đầu tay của cây viết 8X Hà Kin.


Thị trường sách Việt Nam từng lên cơn sốt với những cuốn sách lấy từ blog, như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” của Trang Hạ và “Tớ là Dâu” của Joe. Lần này, “Chuyện tình New York” của Hà Kin hứa hẹn mang đến một cơn sốt nữa cho dòng văn học mạng. Hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó, bởi đây là một tác phẩm rất đặc biệt với nhiều cái “đầu tiên”:

  • Cuốn tự truyện đầu tiên trong giới blogger Việt Nam.
  • Cuốn sách đầu tiên được xuất bản kèm với một ấn bản đặc biệt dưới dạng “sách nói” (audio book).
  • Tác phẩm đầu tay của một người viết nghiệp dư, một trong những blogger nổi tiếng nhất Việt Nam.


“Chuyện tình New York” đơn giản là nhật ký của một cô bé Việt Nam sang nghỉ hè ở New York trong thời gian bố mẹ công tác bên đó. Những gương mặt, những nhân vật cô đã gặp, những mối tình cô đã trải qua… được kể lại với một giọng hồn nhiên, từ góc nhìn rất trong sáng của một cô gái trẻ đang hăm hở bước chân vào đời. Gam chủ đạo của câu chuyện là một màu hồng - có lẽ chính điều đó làm nên sức hấp dẫn của “Chuyện tình New York”, trong bối cảnh cuộc sống của thanh niên thời @ đầy những stress, mệt mỏi, ức chế, mà trong văn học thì đã lâu lắm rồi không có tác phẩm nào ở Việt Nam mang một sắc màu tươi sáng đến thế. Hơn bất cứ một ví dụ nào khác, “Chuyện tình New York” chứng tỏ rằng độc giả trẻ đang có nhu cầu được lãng mạn, được mộng mơ, được giải trí.


Ngay từ khi còn được đăng thành từng phần trên blog, “Chuyện tình New York” đã thu hút sự chú ý của bạn đọc. Mỗi entry đều được đón đọc với sự háo hức và cả hồi hộp, vui thích. Hà Kin nhận được hàng trăm thư gửi về, những lá thư nói lên tâm lý của độc giả trẻ tuổi đang khao khát một cuộc sống tươi mới, hạnh phúc.

“… Đọc Chuyện tình New York, tôi lại nhớ một quãng đời dịu dàng đầy mộng mơ, vì tình yêu có thể vượt núi băng rừng, bỏ cả Việt Nam để theo chàng đến bất cứ đâu, dù châu Phi khô cằn hay Bắc Cực giá băng. Đúng là khi yêu người ta quên hết, quên thậm chí ngay cả bản thân mình…”.

“… Cảm ơn câu chuyện của Hà Kin đã đem lại cho mình những cảm xúc mới mẻ và trẻ trung hơn, để nhìn thấy cuộc đời vẫn còn những con người đáng yêu…”.

“… Chuyện của Hà Kin giản dị, lãng mạn, nhưng lại thật đến mức nhiều người gặp lại mình trong đó. Câu chuyện cũng làm nhiều người quên đi thực tại đầy bỉm, sữa, cơm nước, nghĩa vụ, trách nhiệm…Tất nhiên chẳng ai đánh đổi những gì đang có để quay lại, nhưng được sống lại cảm giác lãng mạn ngày nào cũng là điều làm bọn mình thích thú khi đọc Chuyện tình New York”.


“Chuyện tình New York” còn có một cái thú vị nữa, là giá trị thông tin. Bạn trẻ ở Việt Nam đọc cuốn sách này sẽ biết thêm nhiều về cuộc sống của người dân New York cũng như của cộng đồng người Việt bên trời Tây - họ thường sống bằng các nghề gì, sống như thế nào, quan hệ xã hội ra sao v.v. Thiên nhiên trong câu chuyện hiện lên tuyệt đẹp với những cành cây mùa xuân, hòn đảo, ngọn hải đăng, biển và những cánh chim lãng đãng. Một điểm đặc biệt là tác phẩm này rất đậm chất điện ảnh, truyền hình, với các nhân vật trẻ đẹp và tài hoa trong khung cảnh cuộc sống hiện đại ở New York. Nếu được chuyển thể thành phim truyền hình, được thể hiện tốt, “Chuyện tình New York” rất có thể sẽ là một bộ phim đặc sắc. Độc giả hẳn còn nhớ những series phim truyền hình Trung Quốc nổi tiếng như “Người Bắc Kinh ở New York”, “Đi sang Châu Âu”, hay “Hạnh phúc gia đình”. Tại sao lại không thể có một bộ phim dành cho giới trẻ Việt Nam, làm về họ, làm cho họ, được quay tại các bối cảnh ở nước ngoài với sự tham gia của các diễn viên phương Tây, như thế?


Chất lãng mạn, độ hấp dẫn của chuyện được tăng thêm nhiều lần với sự xuất hiện của bộ “audio book” đi kèm. Đó là một đĩa CD trích đọc 10 đoạn trong tác phẩm cùng với giọng hát và hòa âm của chính tác giả. Có thể nói âm nhạc của “đĩa Chuyện tình New York” được biên tập tỉ mỉ với một phong cách độc đáo… rất Hà Kin: đủ thể loại giao hưởng, pop, rock, đủ nhạc cụ piano, violon, guitar, sáo… và cả karaoke nữa. Người đọc sẽ được nghe Hà Kin thể hiện những bài hát được nhắc tới trong chuyện, như “Khúc hát ru cho một đêm bão giông”, hay “Amazing Grace” trên nền nhạc do một nhạc sĩ Việt Nam đệm “sống”.


Nói về những hạn chế, cái còn yếu ở “Chuyện tình New York” hẳn là một lối viết có kỹ thuật, già dặn hơn, tuy nhiên khó có thể đòi hỏi điều đó ở một cây viết còn trẻ về tuổi đời tuổi nghề, thêm nữa xuất phát điểm của tác phẩm chỉ là những dòng nhật ký cá nhân trên mạng. Như chính Hà Kin đã nói, cô không phải là nhà văn mà chỉ là một người viết trẻ, cô không có ý định theo nghiệp văn chương và cũng chẳng muốn đại diện cho một lớp nhà văn nào, dĩ nhiên kể cả văn học mạng.


Đọc sách, và nghe chuyện từ đĩa CD đi kèm, có lẽ độc giả sẽ không bao giờ quên đoạn kết rất đọng này:

“… Thời gian đang trôi đi lặng lẽ, có mấy cánh chim chao nghiêng bay trôi theo những vạch xám ở cuối đường chân trời. Tôi nhìn ra biển, tưởng tượng một ngọn hải đăng.

Biển, cánh chim, những ngọn hải đăng, dòng sông, ông già tật nguyền, tiệm nail, những màu xanh đỏ của nước sơn móng tay óng ánh, chiếc đàn piano, con chó đang mê mải chạy, Lave, Jess, Billy….

Những nơi ấy, những chỗ ấy, những khuôn mặt ấy, là những mảnh ghép của một thời ký ức mãnh liệt của tôi. Một thời mà, có những người đàn ông kỳ lạ, và một cô gái tuyệt đẹp, đã rất yêu tôi… và tôi cũng thế…”

Wednesday 22 August 2007

Rối như canh hẹ




Thôi nhé, từ nay cả công ty sẽ tập trung vào trồng cải nhé, chứ không làm sách tôn giáo, sách kinh tế, sách lịch sử, sách chính trị gì nữa nhé”. Đấy là câu kết luận mới đây của giám đốc một công ty sách ở Hà Nội.

Đối với Trang the Ridiculous thì đấy là câu tổng kết hiện trạng văn hóa đọc của thanh niên thủ đô.


Hồi phố Hàng Sách (tức khu Đinh Lễ - Nguyễn Xí) sốt cuốn “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, mắt mình bình thường đã trố, mấy hôm ấy còn trố hơn, tưởng rách cả mí. Không thể tin nổi. Nghe nói công ty nọ đã thắng lớn nhờ thành công trong việc xin giữ lại từ “đĩ” trên tựa.

Nhớ lại dạo trước đó mấy tháng, có đồng chí gửi cho tôi đường link vào chuyện này. Tôi không mấy thích đọc sách, nhất là sách văn học (xin thành thực thú nhận như vậy), nhưng thấy nói nhiều người khóc khi thưởng thức “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, nên tò mò thử skim cái xem sao. Được vài đoạn đã chán lắm rồi, nhưng lại thấy nhiều người bảo càng đọc càng hay, càng về cuối càng phê, nên lại tò mò cố nốt, nốt, nốt. Kết quả là mất mịa nó một tiếng đồng hồ, rước thêm cái bực vào thân. Thời gian của cán bộ chứ có phải đùa đâu! Tôi cáu kỉnh viết emai thông báo: “Trung ương nghiêm cấm các đồng chí gửi những truyện lãng mạn tiểu tư sản qua mạng. Đồng chí nào còn vi phạm sẽ chịu kỷ luật Đảng nghiêm khắc!”.


Phố Hàng Sách lúc nào cũng nhộn nhịp, nhưng tôi không nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc ở thủ đô phát triển, bởi vấn đề là chúng ta đang đọc như thế nào và để thu được cái gì. Thị trường sách thỉnh thoảng lại lên những cơn sốt với những cuốn gần như không có gì chung:

  • Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Quyển này ta cứ coi như một hình thức nghị quyết đi, buộc phải sốt, không sốt không được. Nhưng giả dụ như đó không phải là nghị quyết, thì nó thành bét-xen-lơ là vì cái gì nhỉ? Khó hiểu là.
  • Tự truyện Lê Vân Yêu và Sống: Sốt là phải rồi, nhân vật xinh đẹp, đa đoan, đã từng nổi tiếng, đã từng bí ẩn.
  • Hồi ký Hilary Clinton: Nhân vật là một nữ chính trị gia, vợ Bill Clinton, được nhiều người Việt Nam biết đến. Nhưng sách rõ dày, dày hơn cuốn Lê Vân nhiều, văn dịch, nhân vật không phải người VN, không phải dân show-biz. Như vậy về nguyên tắc mà nói, lẽ ra nó không gây sốt.
  • Hạt cơ bản, Rừng Na Uy, Cuộc đời của Pi…: Không hiểu sao lại sốt???


Một trong những đặc điểm của hàng hóa sách là người tiêu dùng có thể mua mà không sử dụng (nói chính xác hơn là không sử dụng đúng chức năng của nó). Nghĩa là rất có thể người ta chỉ mua sách chứ không đọc sách, mua về xếp đấy đã. Thảo nào mà có chuyện, tôi tặng một người bạn cuốn Định lý cuối cùng của Fermat (đây là một cuốn sách viết về toán học theo cách rất dễ hiểu và hay), và đổi lại, vài tháng sau, được bạn tặng cho cuốn… Hạt cơ bản. Thì toán học với vật lý lại chẳng môn đăng họ đối quá còn gì! Có người còn bảo tôi rằng Chiếc Lexus và cây ôliu là dâm thư nữa kia, bạn tin không?


+++++


Các ý kiến trên của mình hoàn toàn là nhận định chủ quan. Có gì mọi người bỏ qua cho. Xin lỗi, em chỉ là phóng viên.

Friday 17 August 2007

Văn hóa đọc và văn hóa nghe - nhìn




“Gần đây có một bộ phận dư luận cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang bị văn hóa nghe - nhìn lấn át. Mình là mình hết sức phản đối cái luận điểm liên thiên ấy, các đồng chí ạ. Mình nghĩ… nói thế nào nhỉ… mình nghĩ tình hình chung là căng đấy, các đồng chí nhá, vì thật ra chẳng có cái văn hóa nào ở ta phát triển cả”.

(trích một diễn văn của Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch)



Chúng ta sắp chứng kiến một hiện tượng giao thoa giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe - nhìn, đó là khi cơn sốt Chuyện tình New York và bộ đĩa CD đi kèm bùng phát. Sự kiện này không hiểu sao lại làm tôi nghĩ nhiều đến văn hóa nghe - nhìn, rồi đến những ngày còn gù lưng toét mắt vì tập đàn guitar. Có học mới thấy mình thiếu giáo dục đến mức nào. Nhiều hôm thầy trò đánh vật, ông nghệ sĩ già cáu kỉnh quát:

- Giời ơi, đàn thế ààààà, hả, hả? Khổ quá, cháu chẳng hiểu gì Chopin cả!

Tôi phải cố kiềm cái tính lố bịch để không chọc lại:

- Khổ quá, bác chẳng hiểu gì cháu cả!


Lần khác bác cháu lại vò đầu bứt tai với một bản Adagio mà theo bác là kiệt tác, còn theo tôi là rất khó nghe. Giai điệu của nó, tôi thấy cứ hết lên lại xuống, hết xuống lại lên, đến mệt. Đánh nát cả tay mà tiếng đàn vẫn tách biệt như thả gạch xuống gỗ (tục gọi là “đóng cọc”), tôi thú nhận: “Cháu chịu thôi, cháu không mê nổi cái bài này” (lẽ ra nên dùng từ đúng hơn để bác khỏi tủi: không cảm nổi bản nhạc này). Bác thương tình an ủi: “Thôi, không sao, phải là người từng trải mới chơi được cháu ạ”. Tôi miệng thì vâng dạ, trong bụng nghĩ thầm: “Chơi đàn thì liên quan quái gì đến chuyện người ta có từng trải hay không”. Phải rất lâu sau này tôi mới hiểu được rằng bác nói đúng.


… Một đêm nhạc guitar. Người nghệ sĩ già biểu diễn đúng bản Adagio mà tôi đã tập ngày nào.

Từng giọt nhạc rơi rơi. Khán phòng tối thẫm, chỉ có một khoảng sáng đọng lại ở trên sân khấu nơi ông ngồi ôm đàn.


Khoan, từ từ, đoạn này để mình dùng ngôn từ của nhà báo để tả: Mái tóc bạc cúi xuống trên phím đàn. Rưng rưng, rưng rưng… Cô bạn trẻ thốt lên: “Hay quá! Lâu lắm không được nghe bản nhạc nào hay như thế!” Dường như phần tinh túy của mỗi bản nhạc được trộn lẫn giữa tài năng và giây phút của những xúc cảm thăng hoa. Đã không còn hình ảnh của người nghệ - sĩ - biểu - diễn, mà chỉ còn tiếng đàn hòa với tiếng lòng... Những cảm xúc. Những trải nghiệm...


Phía sau lưng tôi, mấy cái ghế chợt cọt… kẹt… cọt… kẹt - các thanh niên ngồi trên ấy đang cựa mình, chắc mỏi quá. Rồi một giọng nam trung nổi lên vang dội ngay trên đầu tôi - một thanh niên trong số đó đã vươn người đứng dậy:

- Mẹ, nhạc đéo gì mà cứ phập phà phập phù thế nhể?


Tôi cắn chặt môi để khỏi cười phá lên. Sau tiếng cười bị ép phải trở thành tiếng khùng khục. Phập phù, chà, thật không còn từ nào mô tả đúng hơn. Bác thấy chưa, bác cứ nói bản Adagio ấy là kiệt tác đi, thanh niên chúng cháu chỉ tóm lại bằng bốn từ “phập phà phập phù” là xong, đâu cần phải vật vã.


Hết chương trình, tôi ra về. Vừa đi tôi vừa nghĩ xem nên viết về buổi biểu diễn âm nhạc này thế nào. Tôi mở máy tính, vào mạng và thấy đồng nghiệp đã kịp chăng một cái tít to tổ chảng trên báo điện tử: “Đêm nhạc hội guitar - ngọn lửa tình yêu guitar rực cháy”.

Monday 13 August 2007

Harvard của VN (chuyên đề về ĐH Ngoại thương, kỳ IV)




Tốt nghiệp, bẵng đi một thời gian dài tôi không thò mặt vào trường, cho đến khi tôi phải quay lại FTU để thực hiện một phóng sự cho tòa soạn.

Nhiều người mắc phải cái hội chứng “về thăm trường cũ” - đi miên man trong sân trường, nhìn lá xà cừ vàng óng rơi rơi mà lòng man mác “cảnh cũ bạn xưa đâu rồi”. Mình thì chẳng thấy bồi hồi vấn vương gì, cứ cắm cúi mà đi, mà vào phòng, mà bật máy chuẩn bị. Cuộc phỏng vấn cô giáo X. diễn ra trong không khí thân mật và cởi mở. Cô hồ hởi cho biết cuộc thi tuyển sinh vừa rồi của trường diễn ra thành công tốt đẹp, đầu vào chất lượng cao, hứa hẹn một lứa sinh viên tài năng v.v. tóm lại là thiên hạ thái bình, ai nấy đều vui vẻ cả. Tôi ngồi nghe, và thật sự thấy thương khi cô không rời mắt khỏi tờ giấy có ghi các câu trả lời soạn sẵn. Càng thương hơn khi giữa chừng phải chứng kiến đoạn đối thoại sau đây giữa cô và một cô giáo trẻ khác. Số là đang phỏng vấn thì cô giáo trẻ kia mở cửa bước vào:

- Chị, anh Y. gọi chị sang phòng họp.

- Làm gì?

- Dạ, họp về…

- Thôi - Cô xua tay - Bảo thầy là lần sau làm gì phải báo trước nhé, chứ tôi bận lắm, tôi đang làm việc với bên truyền hình. Nhé.


”, tôi muốn ôm mặt thì thầm ngay lúc đó, “Sao phải khổ thế cô?


Nghề báo là nghề bắt ta phải tiếp xúc với rất nhiều chuyện lố bịch, đến độ có lần tôi phát cáu mà vỗ ngực: “Từ nay tao tự xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch đây này”. Người ta nói “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Tôi nghĩ câu này đúng quá rồi, đừng cãi mất công, tuy nhiên còn một vế nữa cần nêu rõ, rằng nhà báo cũng là những người (chẳng biết may hay không may) phải tiếp xúc với nhiều kẻ nói phét nhất. Ngược lại, ngành y là ngành được nghe nhiều lời nói thật nhất. (Linh mục cũng là những người có khả năng được nghe nhiều sự thật, tuy nhiên ở Việt Nam, đây chưa được coi là một nghề nên ta tạm không tính).

Có anh bác sĩ ở BV Việt Đức từng nói với tôi:

- Mấy cái thằng… ngoài đường đầu gấu mấy thì đầu gấu, vào đây ngoan hết, anh bảo ‘giơ tay lên’ là giơ tay lên, ‘há mồm ra’ là há mồm ra, không nói nhiều. Nó đâm ai, bị ai đâm, đâm như thế nào, công an hỏi không chắc đã khai, nhưng mà bác sĩ hỏi thì đố dám giấu. Nghề của anh oai chưa?

- Có phải đấy là một trong các lý do khiến anh thích ngành y không?

- Có thể.


Than ôi, các nhà báo chẳng bao giờ hy vọng được nghe nhiều lời nói thật như bác sĩ.


Nói dối, nói phét, nói quá, nói linh tinh, diễn xuất như thần… đó là những gì nhà báo đón nhận hàng ngày. Tuy có khác nhau về động cơ và mức độ, nhưng chúng đều dựa trên điểm chung là nói sai sự thật. Trường hợp dễ tha thứ nhất là hoang tưởng - nói sai sự thật xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý.

Giống như các phóng viên khác, tôi cũng đã quen với việc chứng kiến các nhân vật thể hiện trước ống kính máy quay, trước mặt nhà báo, để hiểu hơn bao giờ hết cái nhu cầu cao nhất của con người: nhu cầu tự khẳng định mình. Nhưng từ sự tự khẳng định đến việc thể hiện một cách lộ liễu, khoảng cách cũng chẳng lấy gì làm rộng. Dẫu biết như vậy, nhưng tôi vẫn không muốn chứng kiến những cảnh đó chút nào.


Cô. Sao phải khổ thế cô? Em đâu có muốn thấy cô như thế…

Thursday 9 August 2007

Những linh hồn nhí nhố




(tức "Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ", phần tiếp theo)


Tôi luôn nghĩ rằng những vùng đời sống càng kém văn minh, nhất là nơi rừng thiêng nước độc, thì càng lắm chuyện ma. Hà Nội tuy được tiếng là “trung tâm văn hóa của cả nước”, không phải chốn rừng thiêng nước độc, nhưng ba phần tư thế kỷ đói kém cũng là ba phần tư thế kỷ chuyện ma nhét đầy lỗ tai mỗi người dân. Nhà ông bà tôi ở số 4 phố Đỗ Hành, một con phố nhỏ đến mức không có tên trên bản đồ Hà Nội, nằm gần hồ Thiền Quang xứ sở của những linh hồn chết đuối, gần phố Khâm Thiên nơi 30 gia đình chết vì bom Mỹ năm 1972, gần ga Hàng Cỏ nơi người tứ xứ đổ về trong những năm tháng loạn lạc. Ông tôi kể lại, hồi năm 1945, dân bị nạn đói ở các tỉnh khác kéo lên Hà Nội xin ăn hoặc tìm người thân rất đông, chắc là cũng ít người thoát chết. Kết quả là có khá đông bà cô ông mãnh lảng vảng ở Hà Nội, trong đó hàng xóm nhà ông bà tôi cũng góp vào hàng ngũ này âm hồn của vài người bà con dưới quê. Họ lên Hà Nội, tìm được vào nhà người thân rồi mới chết thì phải. Thời gian đó, cứ thỉnh thoảng ông tôi lại nghe tiếng hàng xóm gọi to: “Ông giáo ơi, người nhà con chết rồi, chôn thôi!”. Nhiều người chết quá, đâm ra người sống cũng thành vô cảm.


Tiếp đó là 9 năm chống Pháp. Lính Pháp giết quân mình nhiều lắm, những người bị giết được gọi tên chung là “chiến sĩ vô danh”. Có vẻ như họ cũng bị sung vào hàng ngũ bà cô ông mãnh vất vưởng ở Hà Nội.


Năm 1954 giải phóng thủ đô, tại nhà số 4 phố Đỗ Hành bà tôi làm lễ gọi hồn một người họ hàng, anh, chị, em nào đó của bà. Hình thức gọi hồn hồi đó là đồng chén. Bà và cả đại gia đình đều thắp hương rất thành kính. Quái gở thế nào cái chén chỉ toàn chạy vào những ký tự mà đọc lên sẽ thành những từ rất vớ vẩn hoặc hỗn xược, sau đó là một chuỗi “haha, haha, haha”. Bà cho rằng đó chính là hồn các ông mãnh, nói nôm na là các chú đầu gấu dưới âm phủ, hiện về phá chơi. Tội nghiệp bà tôi, vong người nhà sống khôn chết thiêng thì không gọi được, toàn gặp phải những linh hồn lởm khởm. Bà khấn khứa van lạy mãi các chú mới rút, sau khi để lại một dòng chữ: “Chào cả nút”. Quả thật, nghe bà kể lại chuyện này tôi cứ cười lăn lóc. Ông mãnh nào mà vui tính thế nhẩy? Chắc hồi còn sống thằng này lố bịch phải biết đây, giống mình.


Nhưng cũng từ những năm 50, nhà số 4 Đỗ Hành gặp rất nhiều chuyện: 90% diện tích bị thu hồi, người sống ở đó kẻ thì chết, kẻ phẫn chí phát điên, kẻ thì bỏ trốn vào Nam và mất tích v.v. Tin đồn “nhà này có ma” bắt đầu xuất hiện. Khi tôi ra đời vào cuối thập niên 70 thì số 4 Đỗ Hành đã trở thành quê hương của tôi rồi, vì tôi không được ở đó một ngày nào cả. Ngôi nhà đã bị chia thành nhiều căn hộ nhỏ cho nhiều người ở. Tôi nhớ nó hình ống hẹp như rất nhiều nhà xây ở Hà Nội thời xưa, nền lát gạch đá hoa vàng xỉn, hai bên tường xi măng tróc vữa lở loét. Nhưng riêng chiếc cầu thang nối từ sân lên tầng hai thì xây bằng đá rất đẹp. Chính cái cầu thang này là nơi bị ma ám. Những người ở các căn hộ thuộc số 4 Đỗ Hành nhiều lần nghe tiếng chân bước chậm rãi trên thang, mà nhìn ra thì không thấy một ai. Cho đến đầu những năm 80, hai người (không phải dân phố Đỗ Hành) đã thật sự trở thành nạn nhân của “con ma nhà số 4”.


... (sẽ trở lại câu chuyện này vào một dịp khác, trong một entry dự kiến có tựa là "Con ma nhà số 4".)

Sunday 5 August 2007

Nghề biên tập sách

Người giỏi tiếng Anh thì không chắc đã giỏi tiếng Việt


Người giỏi tiếng Việt có thể không biết tiếng Anh



Người giỏi cả tiếng Việt và tiếng Anh có khi lại dốt toán



Người giỏi cả tiếng Việt, tiếng Anh, toán, có khi lại kém nghệ thuật



Người giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, toán, nghệ thuật thì có lẽ sẽ đòi lương cao



Người giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, toán, nghệ thuật mà không đòi lương cao thì ắt là hâm.



Người giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, chính trị - kinh tế - xã hội, văn hóa - nghệ thuật, thể thao, khoa học - công nghệ, không đòi lương cao và không hâm, thì đã làm công việc khác!



Người đã làm công việc khác thường hay chửi bới nghề biên tập sách.




Người giỏi tất cả mọi thứ, không hâm, chấp nhận làm nghề biên tập sách với mức lương thấp thì:
    • hoặc là đang thầm yêu và phục anh giám đốc công ty sách (nếu là nữ hoặc gay)
    • hoặc là đang quý cô thư ký công ty sách lắm lắm (nếu là nam hoặc lesbian)
    • hoặc là sẽ không thọ lâu… (thì giỏi thế mà lại khổ thế, sống lâu thế nào được!)

Wednesday 1 August 2007

Harvard của VN (chuyên đề về ĐH Ngoại thương, kỳ III)




Để đánh giá chất lượng một trường học nào đó, ta có thể dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó theo tôi quan trọng nhất là: 1/ chương trình học (nội dung đào tạo - syllabus); 2/ chất lượng (tài, sắc, đức) của những người tốt nghiệp từ đó; và 3/ trình độ của đội ngũ đào tạo.


Nếu xét tiêu chí thứ nhất thì ngay cả việc xếp loại các trường cấp I, II, III cũng khó, vì chương trình học của toàn Việt Nam ta đã đạt được sự thống nhất cao. ĐH Ngoại thương cũng đào tạo các môn mà về căn bản giống như các trường khác thuộc khối kinh tế. Không ít hơn một tiết Mác Lê nào - cái này tôi xin đảm bảo.

Tiêu chí thứ hai là chất lượng của đầu ra. Dư luận cho đến nay đều nhất trí sinh viên Ngoại thương hội đủ cả tài, sắc, đức (trừ một vài con sâu làm rầu nồi canh như Trang the Ridiculous, nhưng số đó rất không đáng kể, ta gạt chúng ra cái đã). Tóm lại, đầu ra của FTU được đánh giá là chất lượng tốt.

Tiêu chí thứ ba, như tôi đã nhấn mạnh, không đơn giản! Phải lập Hội đồng thẩm định, phải có dự án “Về chất lượng đào tạo của đội ngũ giảng viên ĐH ở nước ta thời kỳ sau đổi mới”, có các cấp xét duyệt, có xơ-vây nghiêm túc. Không phải cứ nói vài câu, vỗ tay, cười hề hề với nhau là xong đâu các đồng chí ạ.


Tuy nhiên, trở lại với tiêu chí đầu tiên là nội dung đào tạo, thì tôi phải thừa nhận chương trình dạy thể dục của ĐH Ngoại thương có những môn rất hay: bơi, bóng chuyền, thể dục dụng cụ, chạy, nhảy (khiêu vũ chứ không phải nhảy dây đâu nhé!). Môn duy nhất làm tôi vô cùng khổ sở là bóng chuyền, với kết quả thi lần đầu: 1-1-1, kết quả thi lại: 1-2-1. Vì xót hai bàn tay chơi guitar mà không chịu tập bóng, chuyện đó có thật, nhưng lý do sâu xa hơn, quan trọng hơn, xác đáng hơn cả là tôi kém (thì trong lớp cũng cả chục đứa chơi guitar mà đánh bóng chuyền vẫn khá, có sao đâu).

Gần như chắc chắn thi lại lần hai rồi cũng 1-1-1 hoặc 1-2-1 thôi, tôi đau khổ lên lớp, chui vào một xó ngồi rầu rĩ. Sực nhớ có đứa bạn thi bơi mãi không qua, cuối cùng nó lấy chạy thay bơi mà cũng được chấp nhận, tôi mừng rỡ. Ừ, phải rồi, gì chứ chạy thì muỗi với mình, mình đi bộ còn được đánh giá là “nhanh như Tây” kia mà. Để mọi người dễ hình dung là tôi chạy khá thế nào, xin nói đơn giản thế này: Trong khi trong lớp có rất nhiều sinh viên ngất trên đường chạy, con trai cũng như con gái, và 100% cánh sinh viên “căn hai” (tức là có chiều cao xấp xỉ 1,4m) mặt tái mét như giun chết, thì tôi - 1,44m - luôn về nhất, không những không ngất mà gần về tới đích còn vẽ, bày trò nước rút nữa kia, mặt không biến sắc. Nếu có thể lấy chạy thay bóng chuyền, tôi sẵn sàng chạy gấp đôi khoảng cách quy định cũng được.


Tôi xuống sân, hít một hơi, tiến về phía cô giáo thể dục đang ngồi sau bàn, chống cằm nhìn bọn sinh viên thi lại. Thấy tôi, cô ngẩng lên:

- Thế nào? Định thi hành quân hay sao mà 1-2-1 mãi thế?

Tôi mạnh dạn:

- Thưa cô, cho em chạy ạ.

Cô giương mục kỉnh nhìn:

- Cái gì?

- Dạ, em thưa cô, cho em chạy thay bóng chuyền ạ.

Cô tháo mục kỉnh, nhìn tôi lom lom:

- Sao lại chạy? Chạy là chạy, bóng chuyền là bóng chuyền, sao lại chạy thay bóng chuyền là thế nào?


Một luồng lạnh buốt chạy dọc sống lưng. Ngay lập tức tôi rít lên rủa thầm mình: “Hiểu nhầm ý đồng đội rồi, đồ con lợn!”. Tôi nhớ lại đoạn hội thoại với đứa bạn:

- Thế cuối cùng mày làm thế nào mà qua (môn) bơi?

- À, tao chạy.

Trời đất, nó nói như thế mà mình lại quy ngay ra là nó lấy chạy thay bơi thì còn ngu xuẩn nào bằng. Biết mình dốt, tôi lúng búng mấy câu rồi xin cô cho hoãn thi để tập thêm một vài ngày. Rồi ngay chiều hôm đó và cả ngày hôm sau tôi tức tốc tìm gặp đứa bạn, hỏi địa chỉ nhà riêng của thầy cô, để lấy chạy thay bóng chuyền.



***


Chân thành xin lỗi những thầy cô giáo và sinh viên trong sạch ở ĐH Ngoại thương, xin lỗi những người đã, đang và sẽ là sinh viên ĐH Ngoại thương. Entry này là chuyện của một cá nhân đơn lẻ, không đại diện cho các đánh giá về ĐH Ngoại thương nói riêng và giáo dục VN nói chung. Mong mọi người đọc Trang's blog với tinh thần "vui là chính".