Tốt nghiệp, bẵng đi một thời gian dài tôi không thò mặt vào trường, cho đến khi tôi phải quay lại FTU để thực hiện một phóng sự cho tòa soạn.
Nhiều người mắc phải cái hội chứng “về thăm trường cũ” - đi miên man trong sân trường, nhìn lá xà cừ vàng óng rơi rơi mà lòng man mác “cảnh cũ bạn xưa đâu rồi”. Mình thì chẳng thấy bồi hồi vấn vương gì, cứ cắm cúi mà đi, mà vào phòng, mà bật máy chuẩn bị. Cuộc phỏng vấn cô giáo X. diễn ra trong không khí thân mật và cởi mở. Cô hồ hởi cho biết cuộc thi tuyển sinh vừa rồi của trường diễn ra thành công tốt đẹp, đầu vào chất lượng cao, hứa hẹn một lứa sinh viên tài năng v.v. tóm lại là thiên hạ thái bình, ai nấy đều vui vẻ cả. Tôi ngồi nghe, và thật sự thấy thương khi cô không rời mắt khỏi tờ giấy có ghi các câu trả lời soạn sẵn. Càng thương hơn khi giữa chừng phải chứng kiến đoạn đối thoại sau đây giữa cô và một cô giáo trẻ khác. Số là đang phỏng vấn thì cô giáo trẻ kia mở cửa bước vào:
- Chị, anh Y. gọi chị sang phòng họp.
- Làm gì?
- Dạ, họp về…
- Thôi - Cô xua tay - Bảo thầy là lần sau làm gì phải báo trước nhé, chứ tôi bận lắm, tôi đang làm việc với bên truyền hình. Nhé.
“Cô”, tôi muốn ôm mặt thì thầm ngay lúc đó, “Sao phải khổ thế cô?”
Nghề báo là nghề bắt ta phải tiếp xúc với rất nhiều chuyện lố bịch, đến độ có lần tôi phát cáu mà vỗ ngực: “Từ nay tao tự xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch đây này”. Người ta nói “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Tôi nghĩ câu này đúng quá rồi, đừng cãi mất công, tuy nhiên còn một vế nữa cần nêu rõ, rằng nhà báo cũng là những người (chẳng biết may hay không may) phải tiếp xúc với nhiều kẻ nói phét nhất. Ngược lại, ngành y là ngành được nghe nhiều lời nói thật nhất. (Linh mục cũng là những người có khả năng được nghe nhiều sự thật, tuy nhiên ở Việt Nam, đây chưa được coi là một nghề nên ta tạm không tính).
Có anh bác sĩ ở BV Việt Đức từng nói với tôi:
- Mấy cái thằng… ngoài đường đầu gấu mấy thì đầu gấu, vào đây ngoan hết, anh bảo ‘giơ tay lên’ là giơ tay lên, ‘há mồm ra’ là há mồm ra, không nói nhiều. Nó đâm ai, bị ai đâm, đâm như thế nào, công an hỏi không chắc đã khai, nhưng mà bác sĩ hỏi thì đố dám giấu. Nghề của anh oai chưa?
- Có phải đấy là một trong các lý do khiến anh thích ngành y không?
- Có thể.
Than ôi, các nhà báo chẳng bao giờ hy vọng được nghe nhiều lời nói thật như bác sĩ.
Nói dối, nói phét, nói quá, nói linh tinh, diễn xuất như thần… đó là những gì nhà báo đón nhận hàng ngày. Tuy có khác nhau về động cơ và mức độ, nhưng chúng đều dựa trên điểm chung là nói sai sự thật. Trường hợp dễ tha thứ nhất là hoang tưởng - nói sai sự thật xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý.
Giống như các phóng viên khác, tôi cũng đã quen với việc chứng kiến các nhân vật thể hiện trước ống kính máy quay, trước mặt nhà báo, để hiểu hơn bao giờ hết cái nhu cầu cao nhất của con người: nhu cầu tự khẳng định mình. Nhưng từ sự tự khẳng định đến việc thể hiện một cách lộ liễu, khoảng cách cũng chẳng lấy gì làm rộng. Dẫu biết như vậy, nhưng tôi vẫn không muốn chứng kiến những cảnh đó chút nào.
“Cô. Sao phải khổ thế cô? Em đâu có muốn thấy cô như thế…”