Thursday, 9 August 2007

Những linh hồn nhí nhố




(tức "Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ", phần tiếp theo)


Tôi luôn nghĩ rằng những vùng đời sống càng kém văn minh, nhất là nơi rừng thiêng nước độc, thì càng lắm chuyện ma. Hà Nội tuy được tiếng là “trung tâm văn hóa của cả nước”, không phải chốn rừng thiêng nước độc, nhưng ba phần tư thế kỷ đói kém cũng là ba phần tư thế kỷ chuyện ma nhét đầy lỗ tai mỗi người dân. Nhà ông bà tôi ở số 4 phố Đỗ Hành, một con phố nhỏ đến mức không có tên trên bản đồ Hà Nội, nằm gần hồ Thiền Quang xứ sở của những linh hồn chết đuối, gần phố Khâm Thiên nơi 30 gia đình chết vì bom Mỹ năm 1972, gần ga Hàng Cỏ nơi người tứ xứ đổ về trong những năm tháng loạn lạc. Ông tôi kể lại, hồi năm 1945, dân bị nạn đói ở các tỉnh khác kéo lên Hà Nội xin ăn hoặc tìm người thân rất đông, chắc là cũng ít người thoát chết. Kết quả là có khá đông bà cô ông mãnh lảng vảng ở Hà Nội, trong đó hàng xóm nhà ông bà tôi cũng góp vào hàng ngũ này âm hồn của vài người bà con dưới quê. Họ lên Hà Nội, tìm được vào nhà người thân rồi mới chết thì phải. Thời gian đó, cứ thỉnh thoảng ông tôi lại nghe tiếng hàng xóm gọi to: “Ông giáo ơi, người nhà con chết rồi, chôn thôi!”. Nhiều người chết quá, đâm ra người sống cũng thành vô cảm.


Tiếp đó là 9 năm chống Pháp. Lính Pháp giết quân mình nhiều lắm, những người bị giết được gọi tên chung là “chiến sĩ vô danh”. Có vẻ như họ cũng bị sung vào hàng ngũ bà cô ông mãnh vất vưởng ở Hà Nội.


Năm 1954 giải phóng thủ đô, tại nhà số 4 phố Đỗ Hành bà tôi làm lễ gọi hồn một người họ hàng, anh, chị, em nào đó của bà. Hình thức gọi hồn hồi đó là đồng chén. Bà và cả đại gia đình đều thắp hương rất thành kính. Quái gở thế nào cái chén chỉ toàn chạy vào những ký tự mà đọc lên sẽ thành những từ rất vớ vẩn hoặc hỗn xược, sau đó là một chuỗi “haha, haha, haha”. Bà cho rằng đó chính là hồn các ông mãnh, nói nôm na là các chú đầu gấu dưới âm phủ, hiện về phá chơi. Tội nghiệp bà tôi, vong người nhà sống khôn chết thiêng thì không gọi được, toàn gặp phải những linh hồn lởm khởm. Bà khấn khứa van lạy mãi các chú mới rút, sau khi để lại một dòng chữ: “Chào cả nút”. Quả thật, nghe bà kể lại chuyện này tôi cứ cười lăn lóc. Ông mãnh nào mà vui tính thế nhẩy? Chắc hồi còn sống thằng này lố bịch phải biết đây, giống mình.


Nhưng cũng từ những năm 50, nhà số 4 Đỗ Hành gặp rất nhiều chuyện: 90% diện tích bị thu hồi, người sống ở đó kẻ thì chết, kẻ phẫn chí phát điên, kẻ thì bỏ trốn vào Nam và mất tích v.v. Tin đồn “nhà này có ma” bắt đầu xuất hiện. Khi tôi ra đời vào cuối thập niên 70 thì số 4 Đỗ Hành đã trở thành quê hương của tôi rồi, vì tôi không được ở đó một ngày nào cả. Ngôi nhà đã bị chia thành nhiều căn hộ nhỏ cho nhiều người ở. Tôi nhớ nó hình ống hẹp như rất nhiều nhà xây ở Hà Nội thời xưa, nền lát gạch đá hoa vàng xỉn, hai bên tường xi măng tróc vữa lở loét. Nhưng riêng chiếc cầu thang nối từ sân lên tầng hai thì xây bằng đá rất đẹp. Chính cái cầu thang này là nơi bị ma ám. Những người ở các căn hộ thuộc số 4 Đỗ Hành nhiều lần nghe tiếng chân bước chậm rãi trên thang, mà nhìn ra thì không thấy một ai. Cho đến đầu những năm 80, hai người (không phải dân phố Đỗ Hành) đã thật sự trở thành nạn nhân của “con ma nhà số 4”.


... (sẽ trở lại câu chuyện này vào một dịp khác, trong một entry dự kiến có tựa là "Con ma nhà số 4".)