Vào năm 1902, người Pháp cho khởi công xây cầu treo Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Chỉ huy công trình là kỹ sư Lacote. Một giai thoại kể lại rằng có hai mố cầu cứ xây lên lại đổ sụp, mãi mới đứng được, đến lúc đứng được lại không lắp chốt vào với nhau được, ngày nào cũng có phu cầu người Việt chết vì rớt xuống sông. Kỹ sư Lacote phải sang Đức tìm gặp hai đồng nghiệp người Đức thiết kế cầu Hàm Rồng. Nghe nói ông Lacote đã mắng hai kỹ sư người Đức là “đồ ngu như lợn”. Về sau, khi hai kỹ sư nọ lắp được chốt cầu và về nước, họ hỏi lại Lacote: “Trong chúng ta, ai ngu như lợn?”. Sáng hôm sau, người ta phát hiện thấy Lacote đã treo cổ tự tử ở nhà riêng.
Không hiểu Lacote tự sát vì xấu hổ trước hai đồng nghiệp người Đức, hay vì nghĩ tới trách nhiệm sẽ phải chịu. Dù thế nào thì cũng là xuất phát từ tự ái nghề nghiệp mà ông ta treo cổ chết.
Câu chuyện với cây cầu Cần Thơ của ta bây giờ đã khác nhiều. Với cơ chế trách nhiệm tập thể, còn lâu mới có một vị quan chức nào đó uống thuốc ngủ hoặc treo cổ tự sát. Quả thật các chuẩn đạo đức của thời phong kiến như trung quân ái quốc đều vớ vẩn cả, có cái hay nhất là tính quân tử thì thời hậu phong kiến lại xóa sạch cả rồi. Vậy nên bao nhiêu năm nay bọn dân ngu chúng ta có được chứng kiến vụ tự xử nào đâu, chán thế. Ngay cả khi một doanh nghiệp bị đóng cửa khiến người lao động ra đường, có thể ta cũng chỉ được nghe đơn giản một câu “chúng tôi xin lỗi”, là xong. Làm gì có cái chuyện vớ vẩn như ở Nhật, khi công ty sập, lãnh đạo công ty phải quỳ xuống mà tạ tội với nhân viên. Bọn Nhật cũng ăn gạo như ta mà ngu nhỉ, sĩ diện hão.
Chà, trong những ngày này, giá có quan chức nào đó tự tử thì… hay phải biết. Hình như mình hiếu sát quá chăng? Đã chết bao nhiêu người rồi, thêm một mạng nữa làm gì. Thôi, chỉ cần một ai đó từ chức cũng được, dù rằng nếu có ai làm thế thì người đó ắt phải ngu lắm lắm trong mắt tập thể. Sập cầu Cần Thơ là “trách nhiệm không của riêng ai”!