Ngày 15/12 năm nay chứng kiến một sự kiện trọng đại: Toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Vào thời điểm này mà kẻ nào mở miệng chống đối chủ trương chung thì cách mạng ắt sẽ như một làn sóng quét sạch nó đi.
Giả sử Trang the Ridiculous có rên rỉ:
- Mình vừa làm tóc. Đội mũ bảo hiểm sẽ làm tóc của mình xẹp lép như con tép!
- Mình vốn có vẻ mặt lố bịch, mình sợ đội mũ bảo hiểm sẽ làm mình trông chững chạc.
Thì thể nào cũng bị một xô nước tuyên truyền hắt thẳng vào mặt: Tất cả chỉ là ngụy biện! Hãy đội mũ bảo hiểm!
Ừ thì đội vậy.
Đội thì đội nhưng tôi thấy không phục, không phục. Tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay: Các nhà kinh tế, các học giả về chính sách công đâu hết rồi, lên tiếng đi chứ! Giá mà bây giờ toàn bộ sinh viên các trường kinh tế - chính sách xã hội kéo nhau xuống đường tuần hành “Say no to mũ bảo hiểm” thì tôi sẽ vô cùng tự hào được có 4,5 năm ngồi dưới ghế ĐH Ngoại thương.
Nói phét vậy, chứ báo chí còn phải im hơi lặng tiếng thì các nhà kinh tế làm được gì? Ai có ý kiến phản đối lúc này khác gì một con lừa có cá tính, tự nhiên lại cất lên một nốt nhạc ngang như cua trong bản nhạc hùng tráng.
Phải cái… tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay, chẳng gì thì bộ tóc của Trang the Ridiculous cũng có phải rơm rác đâu. Thôi mình xin phép làm con lừa có cá tính một lúc vậy.
1
Không hiểu sao (các) tác giả của chủ trương đội mũ bảo hiểm này cứ cố đánh đồng việc giảm tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT với việc giảm tỷ lệ TNGT. Đúng là đội mũ bảo hiểm thì có thể, với một xác suất cao, hạn chế nguy cơ bị chấn thương sọ não khi gặp TNGT thật, cũng như ăn gạo lứt giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư. Nhưng chính vì thế, việc đội mũ bảo hiểm chỉ nên được tuyên truyền, khuyến khích thay vì trở thành một thứ chính sách bắt buộc trên diện rộng. Cùng lắm thì chúng ta chỉ bị ép phải xem thật nhiều đoạn phim quảng cáo, nghe thật nhiều bài hát “mũ bảo hiểm ca”, kiểu như: “Anh tặng em chiếc nón bảo hiểm quê mẹ, mang hình bóng quê hương…”. Hip-hop hơn một chút thì là: “Helmet! Helmet! Oh ze ze!...”.
Nếu chỉ vì mũ bảo hiểm có thể làm giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não mà các nhà làm chính sách bắt dân chúng đội, thì tôi thấy hơi lạ - sao tự nhiên các bác lại quan tâm sâu sắc đến một chuyện tương đối nhỏ (so với vô vàn chuyện khác nghiêm trọng hơn) như thế?
Cứ nhân rộng cái mô hình chính sách này ra toàn quốc, chẳng bao lâu nữa ta sẽ có thật nhiều chính sách tương tự. Ví dụ, tôi đề nghị báo đài khẩn trương tổ chức một chiến dịch quảng bá cho chính sách toàn dân ăn gạo lứt.
- Mình sợ ăn gạo lứt không đủ chất, mình sẽ không đủ sức làm việc mất.
- Mình không thích ăn gạo lứt, chán lắm!
-----> Tất cả chỉ là ngụy biện. Hãy ăn gạo lứt!
Vì ăn gạo lứt làm giảm xx% nguy cơ ung thư.
2
Có là con lừa có cá tính thì cũng hiểu rằng tỷ lệ chấn thương sọ não ở VN cao do tỷ lệ TNGT cao, mà tỷ lệ TNGT cao thì không phải do dân chúng ngu dốt không chịu đội mũ bảo hiểm, mà do cơ sở hạ tầng (chất lượng đường xá) và do số phương tiện giao thông “cá thể” (tức xe gắn máy) quá nhiều - cái này hơi hơi gần nghĩa với “ý thức của người tham gia giao thông còn thấp”. Nói một cách dài dòng, còn nhiều người ngồi xe gắn máy đi đường thì còn nhiều tai nạn giao thông, bởi xét về mặt tâm lý, một người điều khiển xe gắn máy có xu hướng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu v.v. nhiều hơn một người điều khiển ôtô, và càng nhiều hơn một người điều khiển máy bay (theo định luật Ridiculous). Tất nhiên, tai nạn giao thông do ôtô và máy bay gây ra thì thường mang tính thảm họa, đó là mặt tiêu cực của vấn đề. Tần suất gây tai nạn thấp hơn nhưng tính chất tai nạn thì nghiêm trọng hơn.
Các tác giả của chính sách đội mũ bảo hiểm sẽ bảo: Ở nhiều nước trên thế giới, dân chúng đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm. Ngay như xứ mọi Malaysia và Thái Lan ở gần ta, dân mọi ra ngoài đường đội mũ nhiều lắm, mình người thượng quốc chẳng có lẽ lại không đội làm gương cho chúng? Nhưng đường xá của bọn mọi kể ra cũng tốt, mà tham gia giao thông đa số là ôtô, lũ người đi xe máy xe đạp có một nhúm thôi, với lại chúng không có nạn ăn cắp như ở thượng quốc Việt Nam. Do đó, việc đội mũ bảo hiểm với chúng thuần túy là sự lựa chọn cá nhân, hãy cứ hành xử sao cho có lợi cho chúng.
3
Nhưng các bạn tin Trang the Ridiculous đi, đảm bảo là sau ngày 15/12, tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT, theo công bố của các cơ quan báo chí, sẽ giảm chóng mặt. Các nhà báo ắt hẳn tự biết mình sẽ phải làm gì. Quần chúng nói chung là nông nổi lắm. Hỡi dân chúng, ta thương mi…
Tỷ lệ chấn thương sọ não chắc chắn sẽ giảm, nếu khi tham gia giao thông các bạn đảm bảo được là: mũ bảo hiểm bền, không cản trở thính giác, không cản trở thị giác, không cản trở chuyển động của các khớp cổ, mặt…
4
“Kinh tế học bao gồm việc xem xét không chỉ những tác động ngắn hạn mà cả những tác động dài hạn của bất kỳ một chính sách hay biện pháp kinh tế nào; nó bao gồm việc theo dõi những tác động đó không chỉ đối với một nhóm cá thể nhất định mà với mọi nhóm trong xã hội.
90% các luận chứng kinh tế sai lầm trên thế giới - những luận chứng đang gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu - đều là hậu quả của việc bỏ qua bài học này. Chúng đều mắc một trong hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: hoặc chúng chỉ tính đến các tác động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế, hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm cá thể nhất định và bỏ qua các nhóm khác”.
Đây là những dòng trích trong tác phẩm kinh điển “Hiểu kinh tế trong một bài học” (1946) của một nhà báo Mỹ, Henry Hazlitt. Trong trường hợp Việt Nam, những lời ấy nay quả nhiên ứng nghiệm: Chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm” đã và sẽ khiến nhiều cửa hiệu Nón Sơn phá sản! Nói một cách Ngoại Thương, những nhóm cá thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này sẽ còn mở rộng (nhưng nhất thời Trang the Ridiculous không nghĩ ra và không dám nói liều).
5
Ngụy biện một hồi cho bớt tức vậy thôi, ngày 15/12 tôi vẫn đội mũ bảo hiểm ra đường vì thứ nhất sợ công an phạt, thứ nhì sợ TNGT làm chấn thương sọ não. Chẳng gì thì tôi cũng có kinh nghiệm ngã đập đầu xuống đường một lần rồi. Cái mạng lố bịch chưa bị trời lấy đi nhưng kể ra cũng… đau phết đấy bà con ạ.
Lời kết: Các đồng chí ạ, tôi nhắc nhiều lần rồi: Nhà báo phải làm gương cho dân. Đội mũ bảo hiểm vào đi!