Không khác gì một thứ ma túy, có lẽ thế. Khi bạn buồn, bạn làm gì? Đàn ông thì uống rượu, hút thuốc, phụ nữ đi mua sắm, hoặc ăn uống. Vào những năm tháng ấy, cách đây đã rất lâu, khi buồn, khi vui, khi cần cảm hứng, tôi đều nghe nhạc Beatles.
Trước mỗi lần chuẩn bị đi làm tin, nhất là với những vụ hơi khó với mình, tôi sẽ rất muốn dùng một “liều” Hey Jude, Twist and Shout, Ticket to Ride… Vì (chết tiệt!), sau bao nhiêu năm, sao tôi vẫn còn cái cảm giác ấy khi nghe nhạc Beatles, cái cảm giác muốn vươn lên để làm một điều gì đó…
Mỗi khi đi viết về (thuật ngữ của bọn lố bịch là “xuống cơ sở về”), đờ đẫn và thẫn thờ, tôi lại mở máy tính, cắm tai nghe, nhẹ nhàng bật Things We Said Today, There’s A Place, I’ve Got A Feeling… nghe cho thỏa.
Và khi buồn, tôi cũng nghe Beatles. Rồi nhận thấy một điều khủng khiếp: Nó chẳng khác gì ma túy hay rượu cả. Vì nó làm cho người ta hưng phấn lên lúc đó, như một cơn say, để rồi khi tỉnh thì lại buồn. Không bao lâu sau tôi đã phải tự bảo mình: Không được, thế này thì hỏng.
Tôi bỏ nghe nhạc Beatles từ đó.
*
* *
Tháng 3 và tháng 4 năm 2005. Các bạn yêu nhạc Beatles chắc còn nhớ, có một ban nhạc “giả Beatles” đã tới VN biểu diễn. Họ là một nhóm nhạc Australia, có tên “The Beatels”. Tối 8/4 họ biểu diễn tại Hà Nội, và tôi tự nhận với sếp rằng mình là người thích hợp nhất ở tòa soạn vào lúc đó để làm một phóng sự về đêm nhạc của The Beatels.
Chúng tôi đến Cung Thể thao Quần Ngựa nửa tiếng trước giờ biểu diễn. Đó là một đêm đầu hè, trời bắt đầu hâm hấp nóng. Làm phóng viên, đưa tin về những sự kiện hoành tráng như liveshow của một diva hay một ca sĩ nổi tiếng thế giới nào đó sang VN, bao giờ cũng có hứng hơn, dễ hay hơn và nói chung là oai hơn. Nên tôi không tránh khỏi chạnh lòng khi nhìn khán phòng lèo tèo vài trăm khán giả, ghế trống huếch trống hoác (trước đó, vụ Beatels sang VN này còn vướng một số vấn đề về khâu tổ chức). Tuy nhiên, ngay lúc đó, trong đầu tôi đã có một ý nghĩ rằng “mình làm bài này là cho chúng mình, những Beatles-lovers, vì chỉ có người yêu nhạc Beatles mới đến cái chốn này”, và ý nghĩ ấy làm tôi phấn khích. (Một niềm tin ngây thơ, nhưng hình như nhiều người trong bọn nhà báo luôn cần những thứ như thế làm động lực, và đấy là nguồn gốc cho các bi kịch của những kẻ không bao giờ khôn được. Than ôi, không biết đã và đang có bao nhiêu phóng viên lao vào một “trận chiến” với những suy tư lãng mạn như thế?)
Nhà báo không bao giờ là người trong cuộc, mà họ chỉ là kẻ đứng ngoài ghi chép. Tuy nhiên, họ càng hiểu, càng sống với cái giới mà họ đang theo dõi, thì viết sẽ càng gần với sự thật hơn. Đêm đó là đêm tôi hiểu hơn bao giờ hết điều ấy, bởi vì tôi đã làm phóng sự với tư cách một người yêu nhạc Beatles, sống giữa “giới” Beatles-lover. Nhiều người cho rằng nghề vệ sĩ, bảo vệ là khổ, vì trận đấu bóng sôi nổi đang diễn ra thì các đồng chí ấy lại phải quay lưng vào sân cỏ mà hướng mặt vào khán giả. Cá nhân tôi cho rằng về mặt này, nhà báo cũng không sung sướng gì hơn. Trong lúc tất cả mọi người đều đang say sưa thưởng thức âm nhạc của các nghệ sĩ (hoặc ít nhất cũng tỏ ra là như thế), thì làm phóng viên, nghĩa là bạn phải vừa nghe và xem biểu diễn, vừa ghi nhớ thông tin, vừa quan sát khán giả để hiểu phản ứng của họ, và rình rình phỏng vấn… Cứ khi nào bạn thấy một anh chàng không ngồi mà đứng khoanh tay, ngay sát sân khấu, mắt liếc ngang liếc dọc, rất có thể anh chàng ấy là nhà báo đấy.
Nhưng đêm đó thì nhạc vừa nổi lên được 5 phút, Trang the Ridiculous đã quên khuấy mất mình là cán bộ, và xông luôn vào đám đông quần chúng nhảy múa điên cuồng. Và tôi sung sướng, sung sướng vì chưa bao giờ mình đi làm tin mà hiểu “cái giới ấy” đến thế, vì chưa bao giờ mình đi làm tin mà thoải mái và “phê” đến thế. Không có gì phải ghi nhớ, vì tất cả đã ngay lập tức chui luôn vào đầu tôi. I Saw Her Standing There, It’s Only Love, If I Fell, Penny Lane, All You Need Is Love, All My Loving, I Wanna Be Your Man… 30 bài hát mà tôi đã từng nghe không biết bao nhiêu lần những năm xưa. Từng nốt nhạc, từng nhịp trống, từng lời hát… tôi có thể hiểu ngay lập tức The Beatels giống và khác The Beatles như thế nào. Ban nhạc Úc này đã bắt chước đến cả giọng nói của The Beatles, giọng Liverpool đặc sệt. (Để hiểu sự khác nhau giữa tiếng Anh Liverpool và tiếng Anh London, bạn hãy thử so sánh tiếng Nghệ An với tiếng Hà Nội - cái này hoàn toàn không có ý phân biệt địa phương). Nên chúng tôi nhanh chóng bỏ qua những đoạn quảng cáo quá lố:
- John (hỏi Paul): Chào Paul, anh đến Việt Nam bằng phương tiện gì thế?
- Paul: Chào John. Tôi đi bằng máy bay của Vietnam Airlines. Tuuuuu tuuuuuuuu…
Nhưng ngay cả lúc đang “twist and shout” thật lực, tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó rất khó diễn tả. Người ta nói rằng khi nào ký ức lướt qua trong đầu như một cuốn phim, đó là khi ta sắp chết. Hình như chuyện này xảy ra thường xuyên với dân làm truyền hình và điện ảnh (chứng tỏ dân làm truyền hình, điện ảnh đều là sắp chết cả chăng?). Hai giờ đồng hồ, 30 bài hát, như một hành trình dẫn tôi đi ngược trở lại với quá khứ.
“Someday when I’m lonely, wishing you weren’t so far away
Then I will remember things we said today…”
Sao tôi nhớ ngày mới đi làm báo, tôi viết mail thông báo cho anh bạn người Anh ở London, và nhận được một email trả lời mà nếu anh ta không phải người nước ngoài, chắc là tôi sẽ muốn trừng mắt lên chửi thẳng vào màn hình: “Mày xỏ tao đấy à?” Email đầy những từ hân hoan, vui mừng chúc tụng: “Chúc mừng bạn đã gia nhập hàng ngũ những người mà tiêu chí cao nhất cho đạo đức của họ là nói sự thật. Chúc mừng bạn đã trở thành một thành viên trong lực lượng quyền lực thứ tư. Hãy dùng khả năng viết của bạn vào việc góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam khác…”. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn mở cái email ấy ra xem lại và nhe răng cười.
“Doesn’t have a point of view
Knows not where he’s goin’ to
Isn’t he a bit like you and me?”
Sao tôi nhớ những lúc ngồi vạ vật chờ đợi: chờ nhân vật xuất hiện, chờ phỏng vấn, chờ duyệt bài. Những lúc lang thang giữa đám đông hàng trăm người mà cảm thấy hình như chỉ có mỗi mình mình, bé nhỏ và ngơ ngác, không thuộc về nơi nào cả - “knows not where he’s goin’ to”. Lang thang vô định như bất kỳ một nowhere man nào.
“And anytime you feel the pain,
hey Jude, refrain, don’t carry the world upon your shoulders…”
Có phải tôi đang như thế không, đang “mang cả thế giới trên vai mình”? Hình như lúc đó tôi đã ôm mặt mấy phút, vẫn nghe những giai điệu rực sáng của Beatles xói vào tai. Chúng như gợi lại một cái gì rất xa, hay là đã mất. Chúng tôi đã mơ, chúng tôi đã sống, với đầy những mong ước và ảo tưởng như thế đấy, sống bằng lòng nhiệt tình - nhiệt tình như trái tim của bất kỳ người nào yêu nhạc Beatles… Mãi cho đến khi Trọng Đại quay phim đứng sau lưng giật áo tôi, hỏi rất to để át tiếng nhạc:
- Chị, có định phỏng vấn không?
- Có, có chứ.
À nhỉ. Mình quên mất. Những hình ảnh vụt tắt và tôi nhớ ra việc cần phải làm, rằng phải chuẩn bị phỏng vấn, phải mang hình về dựng ngay trong đêm, vì ngày mai là giỗ 49 ngày bố mình rồi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt mỏi vì nhiệm vụ phỏng vấn như lúc ấy. Phóng viên và quay phim mở túi, lôi micro ra, lủi thủi đứa cầm mic đi trước, đứa vác máy theo sau. Đưa mắt nhìn quanh, đầu óc bắt đầu tính xem vị trí nào là thích hợp để chặn được một thành viên của The Beatels, nên phỏng vấn anh nào trong bốn anh, nên hỏi những câu gì, nên tóm khán giả nào trong đám khán giả…
Tôi chọn Neil Rankin, người đóng giả tay trống Ringo Starr, và không khó để có một cuộc phỏng vấn “độc quyền”, đơn giản vì chẳng có phóng viên nào ở đó. (Các câu hỏi được sắp xếp không theo thứ tự thực tế.)
- Các anh làm nghề gì?
- Tôi là giáo viên, “John” làm nghề thiết kế web…
- Anh nghĩ thế nào khi làm bản sao của The Beatles? (Tôi nhấn mạnh từ “replica” - bản sao, để xem chúng nó có biết nhục không).
- Tôi thấy hạnh phúc, vì được làm công việc mình yêu thích, vì được sống với niềm đam mê nhạc Beatles của mình, vì được mọi người yêu quý…
Tôi những muốn cúi đầu xuống và văng tục: “Tổ sư sướng thế!”. Nhưng anh ta nói đúng, sao lại phải chịu sức ép “nhục, đồ bắt chước, không sáng tạo”? Hình như hạnh phúc đến với họ cũng dễ, cứ làm việc gì mình thích là được. “Ringo giả” không biết rằng anh ta đã làm tôi ghen tị.
Như tôi đã từng ghen tị, nhiều lần trong đời.