Không muốn viết entry tang tóc đầu năm, nhưng không chịu nổi nữa…
Bạn tôi chết vào trưa 30 Tết.
Tôi gặp bạn lần cuối cùng vào tối 29. Phương cười tươi lắm, nói chuyện râm ran. Người ta cứ bảo người sắp ra đi thường lộ ra điềm gì gở, nhưng với tôi hôm ấy, Phương chẳng có vẻ gì như thế. Vẫn là Thanh Phương nhiệt tình và đáng yêu, dễ gần vô cùng.
Trong nghề làm phóng viên, tôi có gặp nhiều nghệ sĩ, và Thanh Phương là người tôi quý nhất, người mà tôi có thể sung sướng gọi là “bạn tôi”, mặc dù nghe đầy vẻ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Phương là diễn viên nổi tiếng, còn tôi chỉ là một phóng viên quèn không tên tuổi. Nhưng tôi yêu mến Phương ngay từ lần gặp đầu tiên, vì bằng cảm nhận của mình, tôi thấy Phương rất chân thật. Phương không giấu tôi những đặc điểm nào đó trong của mình, như tính thích nổi tiếng (tôi không muốn dùng từ “háo danh”, vì đó không phải là tính xấu). Hoặc, trong thâm tâm, tôi biết Phương là người miền Bắc, nhưng vì Sài Gòn mới là nơi Phương thành danh, nên Phương luôn dành lời khen ngợi Sài Gòn và tẩy bớt những nét “đặc sệt Bắc” ở mình. Có thể tôi cảm nhận sai, mà cũng có thể Phương chân thành đến mức không giấu ai những điều đó.
Tôi nhớ lắm giọng Phương hát bài “Phúc âm buồn” và “Nếu có yêu tôi” trong vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu. Hôm đó Phương đổi suất diễn cho Đại Nghĩa, để ngồi dưới xem kịch “hầu chuyện” tôi. Đến lúc nghệ sĩ Thành Lộc hát bài “Nếu có yêu tôi”, tôi khen anh hát hay, và Phương có vẻ hơi chạnh lòng: “Trang không nhận ra giọng Phương à?”
Tôi nhớ lắm lúc ngồi café với Phương vào buổi tối cuối cùng đó. Phương còn nhiệt tình “đề xuất” cho tôi uống café latte “cho nó nhẹ, dễ ngủ Trang ạ, phụ nữ dùng latte là hợp”. Cười hi hi bảo tôi: “Phương cực lực phản đối mũ bảo hiểm nhé. Đọc blog của Trang, thấy chửi mũ bảo hiểm quá trời. Sao không dám đăng báo, lại đi chửi đổng trên blog à?” Tôi đố Phương viết được một kịch bản sân khấu chống chủ trương đội mũ bảo hiểm. Phương nói: “Ừ, để Phương xem, có lẽ sẽ viết nhưng phải tìm cách lách nữa”. Viết thật nhé? Ngoéo tay nào! Ừ thì ngoéo.
Tôi nhớ rất rõ những lời Phương nói và tiếng cười khúc khích sau vai. Vì Phương cả gan không đội mũ bảo hiểm, tôi phải cầm lái, chở Phương về nhà. Phương ngồi co ro sau lưng tôi (Hà Nội tối hôm ấy cực lạnh), bảo: “Này, bây giờ mà công an tóm nhỉ, Phương có hai phương án. Một, gục vào lưng Trang giả vờ ốm hoặc giả vờ ngớ ngẩn. Hai, nói là em chưa đầy 14 tuổi, thưa anh”. Tôi thì sợ công an một phép, nhưng cũng cố đùa: “Còn phương án nữa, là Phương xuống xe, hất hàm, nói giọng miền Nam nhé: Có biết ai đây không? Diễn viên nổi tiếng Mai Nguyễn Thanh Phương đây”. Phương lại cười rúc rích sau vai tôi: “Không đâu. Phương chỉ nổi tiếng từ Huế trở vào thôi. Từ Huế trở ra, không ai biết mình đâu. Sân khấu hai miền Bắc - Nam vẫn chưa thông thương, khổ thế đấy”.
Trốn chui trốn lủi công an, vòng vèo một lúc, chúng tôi mới về đến nhà bác Phương. Phương bắt tay tôi: “Có quà miền Nam cho Trang nhưng lại không để ở đây. Ngày mai nếu Phương vội không qua được, Trang qua nhà Phương mà lấy nhé. Trưa Phương bay, xuống sân bay sẽ gọi Trang ngay”.
Tôi không ngờ đó là cái bắt tay cuối cùng của Phương với tôi.
Trưa, rồi chiều, không thấy Phương gọi. Ngày giáp Tết bận rộn, tôi định khoảng 7h tối sẽ gọi Phương hỏi thăm. 7 giờ kém 16 phút, điện thoại réo, đầu dây bên kia báo cho tôi cái tin kinh hoàng: Phương đã mất. Tôi hốt hoảng: Máy bay rơi à? Không, Phương chết vì cảm lạnh.
Thường trong một gia đình, có đứa con nào chết đi, người ta hay nói đó là đứa con ngoan nhất, giỏi nhất, hoặc là con một. Đến mức cứ nghe có ai chết trẻ, tôi lại nhếch mép cười: “Chắc lại con (trai) một, hay là đứa tốt nhất trong mấy anh chị em chứ gì?”. Như thể ai chết sớm đều là người tốt cả.
Nhưng với Phương thì điều đó đúng thật. Phương tốt bụng và nhiệt tình với bạn bè biết bao nhiêu. Cái áo mưa Phương tặng mình hôm ở Sài Gòn, mình để lại thành phố rồi. Quyển sách Phương tặng, Trang vẫn còn giữ đây. Số điện thoại của những người Phương giới thiệu cho Trang gặp để phỏng vấn, Trang còn chưa kịp liên hệ. Mà Phương còn nói, Phương hay đi xem tử vi ở chỗ một anh này hay lắm, anh ấy bảo Phương năm 2007 may mắn, rực rỡ lắm. Khi nào Trang vào Sài Gòn, Phương đưa địa chỉ anh ấy để Trang đến xem thử nhé.
Phương ơi, Phương ơi…
Sao tôi giận cái tay xem tử vi kia thế? Phương mất đúng ngày cuối cùng của năm 2007 âm lịch!
Bạn bè tôi có nhiều người cũng chết sớm. Hai cô chết vì bệnh, một cậu tự sát, một cậu tai nạn giao thông. Tôi cũng đã quen với việc nhận tin ai đó đột tử. Ngày trước có lần tôi kêu la với bạn: “Mạng người ở ta rẻ thế nhỉ?”. Ông bạn trả lời theo phong cách… lố bịch: “Thì đến cái mạng em còn rẻ nữa là mạng người!”. Sự sống chết, nhất là ở nước mình, quá mong manh. Vì thế, tôi không đến nỗi sốc quá khi nghe tin Phương mất. Cái chết có thể đến với bất kỳ ai trong chúng ta, bất kỳ lúc nào.
Nhưng tôi biết, sẽ còn rất lâu nữa tôi mới dám đặt chân vào sân khấu Idecaf để xem kịch, bởi vì tôi không thể quên được ở đó MỘT GƯƠNG MẶT.