Hà Nội vừa và đang trải qua những ngày tháng “lịch sử”. Đầu tiên là đợt “thời trang lịch sử” – toàn dân đội mũ bảo hiểm kể cả khi đi xe máy trên đường phố thủ đô, bắt đầu từ 15/12. Tiếp theo đến đợt rét lịch sử từ 14/1 đến 21/2. Và bây giờ là trận lạm phát gợi cho chúng ta nhớ lại những ngày lạm phát đáng sợ năm 1985-1986.
Tôi có cái thú (bị một số người coi là bệnh hoạn) là được sống trong những ngày tháng, những khoảnh khắc mang tính lịch sử, ví dụ thời khắc cả thế giới chuyển sang thiên niên kỷ thứ ba. Thật ra thì nhiều người cũng có cái thú ấy, chẳng qua họ không nói ra thôi, tôi tin như vậy. Một đời người mấy khi được chứng kiến những sự kiện lớn của xã hội. Lúc ấy thì khó khăn, nhưng ta hãy cố sống qua rồi còn có cái để mà sau này kể lại cho con cháu nghe với vẻ mặt đầy ly kỳ bí hiểm: “Hồi đó ông bà đi chơi trong giá rét, trời về đêm nhiệt độ xuống tới 5 độ C, lạnh như chưa bao giờ lạnh thế. Rét đến đổ cả máu cam ra ấy. Đội mũ bảo hiểm, trùm khăn, đeo khẩu trang. Nói gì cũng như là phun khói vào mặt nhau. Lạnh đến mức có lúc rùng mình thoáng nghĩ tới chuyện mình có thể chết rét…”. Như mẹ tôi từng kể: “Hồi năm 1986, mẹ đi bộ lững thững đằng sau một cô bán tôm tươi, từ Tân Mai ra Giáp Bát. Lúc ở Tân Mai, cô ấy bán 14 đồng một lạng. Tân Mai ra đầu Giáp Bát chừng 2 cây số chứ mấy, thế mà tới Giáp Bát, có người hỏi, cô ta đã nâng giá lên 16 đồng một lạng rồi. Sống sao nổi hở trời?”. Thế mà cả mấy thế hệ vẫn lay lắt vượt qua được những ngày tháng đen tối ấy, đúng là “hãy cố yêu đời mà sống, lâu dần đời mình cũng qua”.
Thời lạm phát năm 1985-1986, tôi hãy còn quá bé để hiểu (nhất là lúc ấy lại chưa được làm sinh viên ĐH Ngoại thương nữa chứ), nhưng cũng nhớ khá nhiều những gì đã chứng kiến. Có một điều rất khác với lạm phát thời 2007, đó là hồi ấy thông tin không phát triển, báo chí chẳng có vai trò gì, ít nhất thì tôi cũng không thấy ai trợn mắt nói chuyện lạm phát, tăng giá rồi bồi thêm một câu: “Thấy báo/ tivi sáng nay/ tối qua bảo thế”. Càng không có chuyện báo chí trích lời Bộ trưởng Tài chính: “Tôi như ngồi trên đống lửa”, hoặc đưa tin xăng lại tăng giá… Theo cái sự nhớ của tôi thì hồi trước, giá các mặt hàng thiết yếu tăng là cứ tăng vậy thôi, không có báo chí đưa tin, phóng viên phỏng vấn, quan chức giải thích, mà càng chẳng có người dân nào mua báo để đọc.
Nếu so với thời ấy thì bây giờ tình hình thông tin rõ ràng là khá hơn, dù rằng trình độ lừa đảo của lực lượng nắm thông tin trong xã hội cũng cao hơn ngày xưa nhiều. Hừm, nếu Trang the Ridiculous là một trong những người có quyền định hướng và phân phát thông tin, tôi sẽ không ngại gì mà không tìm cách nhấn mạnh cái tứ: Kinh tế nước ta, nếu có suy thoái, là hậu quả của sự suy thoái chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đó là điều tất yếu khi Việt Nam đã hội nhập và là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế toàn cầu. Đồng bào nghe thế đã đỡ lo hơn chưa? Thủng chưa?
…
Làm xong món bò cuốn lá cải, thấy giá thịt bò tăng ghê quá, lại suy nghĩ miên man như một nhà kinh tế chính hiệu. Không biết ở các trường thuộc khối kinh tế, như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương… giờ này, các sinh viên có đang sôi nổi thảo luận về nguyên nhân và biện pháp chống lạm phát không nhỉ?
Từ hồi học trong trường, tôi đã trộm nghĩ: sinh viên các trường tự nhiên thì khô cứng, các trường xã hội thì ướt mà dốt tự nhiên-kỹ thuật, các trường kinh tế thì vừa khô cứng, vừa dốt tự nhiên-kỹ thuật, lại vừa nói phét. Xin lỗi các bạn vì đã nặng lời… Dù sao thì đó cũng không phải là lỗi của các bạn (và cả tôi nữa vì tôi cũng học ngành kinh tế). Kinh tế vĩ mô là vấn đề gắn chặt với chính trị, nói thẳng ra thì quản lý một đất nước là chuyện chính trị chứ không phải chuyện kinh tế, nên không gì lố bịch và phét lác cho bằng việc sinh viên ngồi thảo luận về các giải pháp chống lạm phát cho đất nước.
Nói như tỷ phú Trương Đình Anh (tôi nhớ đại ý) thì để làm một chuyên gia tin học, tác giả của các phần mềm thay đổi cuộc sống, tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính. Còn để ứng dụng được những lý thuyết kinh tế mà bạn đã học trong trường vào thực tế, bạn phải là thủ tướng và có trong tay một đất nước.
Điều đó bất khả thi đối với 99,99% chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn cứ phải thảo luận, phải nghiên cứu, phải có mặt trên lớp đầy đủ và đúng giờ. Vì vậy, chúng ta xứng danh là những kẻ (bị đẩy vào tình thế phải) nói phét.