Thursday, 24 April 2008

Chuyện cũ rích




(Entry nghiêm túc)

Với tôi, nhân quyền là một khái niệm vừa trừu tượng vừa hoành tráng, nói đến nghe rất sợ. Quyền con người ấy à? Con người thì có những quyền gì?

Vấn đề có thể dễ hình dung hơn nếu ta quy nó về một cái gì thật cụ thể. Nhân quyền có thể là quyền được an toàn, quyền được lao động, quyền được nghỉ ngơi và giải trí, quyền sở hữu…


Quyền sở hữu là gì thì chắc bất kỳ ai trong những người tốt nghiệp từ cấp II trở lên đều có thể định nghĩa vanh vách rằng nó bao gồm quyền của một người chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu của anh ta theo quy định của pháp luật. Nghĩa là chúng ta sở hữu tài sản mà pháp luật quy định là của chúng ta: ôtô, xe gắn máy, laptop, PC. Mất tiền mua mâm thì chúng ta có quyền đâm cho thủng, nói cách khác là thích làm gì thì làm: bán, cho thuê, cho mượn, và quan trọng nhất là có thể đầu tư vào tài sản của mình để thu lợi từ nó, và lợi nhuận đó đương nhiên cũng phải thuộc về chúng ta. Đó là ý nghĩa lớn nhất của quyền sở hữu.

Quyền sở hữu không chỉ giới hạn với các tài sản hữu hình, mà bao gồm luôn cả tài sản vô hình – ý tưởng, sản phẩm nghệ thuật, phát minh khoa học… Chúng ta có thể đầu tư vào tài sản vô hình của mình để thu lợi từ nó, và lợi nhuận đó đương nhiên cũng phải thuộc về chúng ta. Nói một cách thô thiển, chuyện này tương tự như việc một cô cave sau khi “tác nghiệp” phải được đảm bảo rằng cô ta sẽ được trả tiền, chứ bỏ vốn ra để chơi không hay sao?

Quyền sở hữu là một khía cạnh của nhân quyền, hình như là điều đã và đang bị đánh giá hơi nhẹ.


*

* *

Ông là một cây viết, từng là phó TBT vài tờ tạp chí. Có kẻ đề nghị ông viết sách về một lĩnh vực chắc đang là “vùng trắng” với nhiều người, ông cười bảo: “Viết làm gì trong khi có nhiều việc làm ra tiền ra danh hơn, cả về ngắn lẫn dài hạn. Mất thì giờ lắm, mất công sức lắm, nhuận bút chẳng đáng bao nhiêu”. Câu kết luận của buổi nói chuyện hàm ý là người đề nghị “đi mà viết”.

Ông hoàn toàn đúng. Ai sẽ bỏ công sức “nghiên cứu và phát triển” để viết một cuốn sách có giá trị, khi mà lợi nhuận thu được từ đó đã chẳng nhiều lại còn bị chia sẻ với đội quân làm lậu? Ai hơi đâu dằn vặt, trải nghiệm, lăn lộn viết lách để cho ra một tác phẩm văn học “đọc được” trong một khoảng thời gian không thể ngắn, để nhận về một khoản nhuận bút không thể sống nổi? Nếu sách không bán được thì đã đành là “tại thằng tác giả” và “đáng kiếp bọn làm sách”. Nếu sách bán được, tốt thôi, sẽ có đội quân phát hành và làm lậu nhảy vào chia phần, đúng hơn là cướp phần.


Một cuốn sách dạy nghề (tôi nói sách dạy nghề chứ không nói tới các dạng “khảo cứu về văn hóa dân gian Bắc Trung Bộ”, “lịch sử tôn giáo”, “tổng quan về địa chính trị ĐNA” v.v.) theo tôi là loại sách có giá trị sử dụng cao đối với một tỷ lệ lớn dân chúng vốn bị coi là thấp kém về văn hóa đọc. Viết một cuốn hữu ích như thế không hề dễ, có khi chỉ một đoạn ngắn tác giả cũng phải mất bao nhiêu thời gian và công sức tìm tòi tư liệu, suy nghĩ, tính toán cách viết v.v. Đổi lại, tác giả được gì? Nhuận bút của tác giả và của họa sĩ trình bày sách đương nhiên là thấp méo mặt so với số tiền rơi vào túi giới phát hành và càng thấp hơn lợi nhuận của dân làm sách lậu. Tất nhiên, phát hành và làm sách lậu thì cũng cần nhiều chất xám, nhưng có cần phải cao đến thế không so với chất xám của người làm nội dung? Dân chế biến sách lậu mua được nhà, tậu được xe, thì cũng phải cho bọn tác giả và làm sách chính hãng mua được cái cột nhà, cái lốp xe chứ?

Ai bảo vệ tác giả, dịch giả… tóm lại là các content provider trước nạn cướp bóc trắng trợn như thế? Ai đảm bảo cho chúng ta rằng mỗi sự đầu tư của chúng ta vào tài sản của chính mình sẽ mang lại cho ta lợi nhuận xứng đáng?


Trần Thu Trang là một nhà văn trẻ có tuyên ngôn rất rõ ràng về công việc của mình, rằng cô viết văn để bán. Tôi có thể phỏng đoán được thu nhập từ việc viết của cô, nhưng đó chỉ là phỏng đoán mà thôi. Còn điều tôi tin chắc, là: cô ấy không thể giàu như cô ấy lẽ ra phải giàu.

Công ty Nhã Nam in một slogan kêu gọi đằng sau mỗi sản phẩm của họ: “Mua bán sách giả là giết chết sách thật” (kèm theo một tia lửa điện nhì nhằng rõ đáng sợ). Không có sự nghiêm minh của luật pháp, tất cả những lời kêu gọi, tuyên truyền, cổ vũ… chỉ là trò hề.

Chừng nào sở hữu trí tuệ còn bị bỏ quên, âm nhạc, điện ảnh, truyền thông (báo chí - xuất bản)… tất cả các ngành dịch vụ sáng tạo ở Việt Nam còn kém phát triển dài dài.


Nhân quyền chưa cần phải là những quyền mà ta từng nghe nhắc đến nhiều, những quyền được thông tin, quyền được tự do tư tưởng, quyền được bình đẳng v.v. Nó có thể chỉ đơn giản là quyền sở hữu, trong đó có sở hữu trí tuệ.


*

* *

Nói vậy nhưng tôi chẳng bi quan nghĩ ngợi làm gì cho đau đầu. Vì tôi tin tình hình sẽ khác, vấn đề chỉ là thời gian. Bây giờ, mỗi lần đọc trên blog ai đó, thấy viết một câu gì đó rồi có dấu hoa thị (*) giải thích nguồn ở đâu, tôi lại mỉm cười thích chí. Tương tự, khi nhận được thư/ message của bạn hỏi có thể xin entry này entry kia không, tuy hơi mệt vì phải trả lời xin cứ tự nhiên”, vâng, kính anh”... nhưng trong bụng, tôi hài lòng lắm, vì đó đều là biểu hiện của sự tôn trọng bản quyền - ở giới trẻ. Văn hóa Âu - Mỹ, trong đó có một nét rất nhỏ là sự tôn trọng bản quyền, vốn có sức ảnh hưởng đầy hấp dẫn đến chúng ta. Rồi sẽ đến lúc chúng ta bắt chước họ để được “văn minh hóa” mà thôi.


Đơn cử một ví dụ, phải là từ khi văn minh của bọn rợ Tây vào Việt Nam, ta mới biết đến những khái niệm “nhường đường cho người già, trẻ em và phụ nữ”, “lady first”, “after you, lady”, chứ theo truyền thống phương Đông hả, thì người già, phụ nữ, trẻ em cứ việc chờ hết hơi. (Nói đến đây là mình phải xin lỗi ngay các Hoa kiều và fan, à tức là hâm mộ viên, của văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam: Mình chỉ phát ba cái ngôn thế thôi chứ không có ý miệt thị văn minh - văn hóa Trung Quốc đâu ).

Sẽ cần luật pháp và sự thực thi luật pháp. Sẽ cần “tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân cùng có ý thức về tôn trọng bản quyền. Sẽ cần... sẽ cần... Tóm lại, ta cần một giải pháp đồng bộ - cụm từ Hán Việt này dịch sang tiếng Việt chuẩn là chưa làm gì cả, đừng làm gì vội.

Vấn đề… chỉ là... thời gian…