Wednesday, 30 July 2008

Harvard của VN (hay chuyên đề về ĐH Ngoại thương, kỳ V)




Không dưới ba lần có người đá xoáy Trang the Ridiculous: “Entry nào cũng phải nhắc tới chuyện mình đã học Ngoại thương”, “Đọc blog toàn thấy nói xấu trường cũ bạn xưa”. Quả có thế thật. Đã vậy hôm nay không xa gần nữa, tôi nói trắng ra đây này, rằng tôi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đây này! Bằng Tiêu biểu Khá đây này! Nào.

Tuy vậy, khác với các entry trước toàn nói xấu thầy cô bạn bè, hôm nay Trang the Ridiculous sẽ nói với mọi người về những cái đáng yêu của sinh viên Ngoại thương, và ở một chừng mực nào đó là của giáo dục ở ĐH Ngoại thương.

1.

Trong các trường thuộc khối kinh tế ở VN, ĐH Ngoại thương (sau đây xin gọi tắt là FTU) là trường được đánh giá cao nhất (đánh giá qua đường miệng thôi, nhưng mà thế là đủ, các vị lại đòi hỏi phải có tổng điều tra toàn bộ hệ thống giáo dục đại học mới được phép rút ra kết luận ấy à?). Tại sao lại thế? Bởi các công ty tuyển dụng căn cứ vào chất lượng của các nhân viên tốt nghiệp FTU mà ra.


Công nhận là dân FTU ra trường làm được ở nhiều vị trí trong một nền kinh tế đang thời kỳ hội nhập như Việt Nam ta: bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, kiểm toán, kinh doanh (cá thể, độc lập), phân tích tài chính, phát triển cộng đồng, và cả làm văn, làm thơ, dịch thuật, làm báo nữa. (Một số gương mặt khí nổi là Nguyễn Thế Hoàng Linh, Cao Việt Dũng, và Phan Việt, như chúng ta đều đã biết).

Đến đây, tôi xin moi tấm bằng tốt nghiệp ra đặt trước mặt để mong được phép phân tích như một kinh tế gia thứ thiệt (đăm chiêu rút kính ra lau). "Có một câu hỏi mà các nhà kinh tế học rất thích đặt ra, gọi là “câu hỏi Harvard”: Những sinh viên tốt nghiệp Harvard (Mỹ) làm việc rất tốt khi ra trường, nhưng đó là vì họ đã học được ở Harvard mọi thứ có thể mang lại thành công, hay bởi vì trường đại học này đã nhận những sinh viên tài năng, có nhiều khả năng đạt thành tựu trong cuộc sống sau này?" (trích "Đô-la hay lá nho?" - "Naked Economics", Charles Wheelan, Alphabooks xuất bản)

Câu trả lời, như thường lệ, bị các nhà kinh tế bỏ ngỏ do họ chưa đạt được sự thống nhất. Nhưng theo tôi, gì thì gì, cứ giơ tấm bằng có chữ Harvard ra là mát mặt mát ruột rồi, Harvard Mỹ hay Harvard Việt Nam cũng vậy cả.


2.

Trường Ngoại thương những năm 1996-2000. Đám sinh viên chúng tôi trẻ, khỏe; rất chăm học vì điểm (trong đầu xác định rõ ràng là thế, nhưng mồm đứa nào cũng kêu ‘tao lười lắm’ để chứng tỏ mình là người thông minh, không cần học nhiều vẫn giỏi); rất thích sâu sắc hóa các vấn đề kinh tế tầm thường: “Cần phải hy sinh một tỷ lệ tăng trưởng nhất định để có một tỷ lệ lạm phát ở mức độ nhất định…”. Đau đầu lắm. Căng thẳng lắm. Dạo ấy cái anh Internet mới chập chững vào VN, sinh viên lên mạng hãy còn bẽn lẽn rón rén, chưa được tự nhiên nhi nhiên như bây giờ. Sách chẳng có, thực tế thì rõ ràng là không giống sách rồi, với lại ai cho sinh viên nhong nhong ra vào các công ty, tổ chức lớn để tìm hiểu thực tế nếu cái lũ vừa ngố vừa nhặng xị ấy không phải con cháu giám đốc? Vì vậy, các sinh viên chăm học có một nguồn tài liệu đặc biệt hữu ích là các bài báo kinh tế - do các nhà báo viết hoặc dịch, tất nhiên. Nói vậy là đủ thấy công lao của báo chí nhé. Nhiều độc giả cứ phàn nàn là nhà báo viết về kinh tế sai, ngu, dốt, đáng chấm ngòi bút vào shit cho chừa tội viết bậy… mà đâu biết rằng đã có bao thế hệ sinh viên kinh tế trưởng thành từ chính những bài báo ấy.

Năm 1997 khủng hoảng tài chính châu Á. Các bài báo (một phần là dịch, phần còn lại là dịch và xào xáo) nói về cuộc khủng hoảng này được photo thật lực, truyền tay nhau trong đám sinh viên chúng tôi. Vẻ mặt ai cũng đăm chiêu và căng thẳng.

3.

Những giờ Anh văn. Chưa vào tiết, sinh viên hỏi nhau: “Hôm nay có dự giờ T.H. không?”. “Phải dự chứ. Không bà ấy lại điểm danh cho phát nữa thì bỏ mẹ, tao vắng ba buổi rồi”. Thế là vào lớp, dự giờ. Mấy đứa ngồi hàng cuối chăm chú chơi cờ caro. Có đứa cao hứng hát: “I’m sitting here in the boring room…” (Tôi ngồi đây trong căn phòng buồn chán). Thời gian ấy, Lemon Tree, Doctor Jones, Barbie Girl, That’s Why đang là hits.

Những giờ học kinh tế. Thầy giáo nhắc: “Các em thảo luận đi chứ”. Thế là thảo luận. Có sự to tiếng:

- Ừ, nhưng mà mày có công nhận với tao là vào cái thời bà Phạm Chi Lan với ông Lê Đăng Doanh học, thì cái trường Ngoại thương này là trường vét đĩa nhất xã hội không? Chỉ có thằng nào dốt quá không học được ở đâu khác mới chui vào đây học.

- Đồng ý! Hồi mấy ông bà thầy dạy mình học, trường Ngoại thương là trường dốt nhấtttttt… Bây giờ mở cửa, tự nhiên mấy ông bà ấy thành có giá.



Dĩ nhiên Trang the Ridiculous (hồi đó cũng đã lố bịch lắm rồi nhưng phải cố nhịn miệng, vì cái bằng) không ủng hộ việc mạt sát các thầy cô giáo, nhưng tôi đặc biệt cổ vũ cho tư tưởng “đạp đổ thần tượng”. Kinh tế học là môn khoa học không có chân lý, và người ta chỉ có thể khá lên được nếu đủ can đảm đập vỡ không thương tiếc các lý thuyết có trước.

Khi tôi nói rằng sinh viên Ngoại thương là những kẻ (bị đẩy vào tình thế phải) nói phét, có bị hỏi: “Thế phải học thế nào mới không là nói phét?”. Than ôi, biết trả lời thế nào, chuyện dài và buồn lắm. Chúng tôi nói phét bởi vì chúng tôi: 1/ không có kiến thức nên phải lấp liếm; 2/ nói thật làm gì nhỉ?


Bắt sinh viên phải đứng lên tranh luận, có ý kiến hùng biện trước lớp, là việc làm thừa và khó khả thi, vì lẽ ra bọn ngố và nhặng sị ấy phải được làm như thế từ hồi học mẫu giáo cơ. Làm sao mà chúng tôi dám đứng lên bảo: “Các đồng chí sai bét, cả Keynes cũng thế, sai hết sai hếttttt”, khi mà hồi cấp 2, đứa nào dám mở miệng bảo “em khinh ông lão đánh cá trong chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng lắm ạ, đồ nhu nhược sợ vợ” đều xơi điểm 5 cả. Mà có phải chỉ xơi điểm 5 là không thôi đâu, thầy/cô giáo còn mang bài ra đọc cho cả lớp nghe và cười nữa, nhục chết đi ấy chứ. Cả nhục, cả nhục!

Vì thế, đối với tôi, những câu nói “đạp đổ thần tượng” kia rất đáng yêu, ở một góc độ nào đó. Về sau này, mỗi lần phóng viên Trang the Ridiculous đi gặp một nhà kinh tế hoặc đại gia, quan chức nào đó để phỏng vấn, phóng viên lại thường nhớ đến câu nói ấy để cười một mình và tự căn dặn: “Không được sợ nhé. Cấm run nhé. Cấm choáng nhé. Không tin bố con thằng nào nhé!”.

Và vì thế, sinh viên Ngoại thương rất đáng được ngợi ca!

Friday, 18 July 2008

Nước ta còn nghèo...




Vào những ngày bão giá rú rít quanh đầu, Trang the Ridiculous thỉnh thoảng lại đi qua phố Thợ Nhuộm, và luôn luôn bị một tấm biển gỗ nhỏ đập vào mắt, trên ấy ghi dòng chữ: “Ở đây bán đĩa mài sừng tê giác”.

Một vài lần trong những dịp “thỉnh thoảng” ấy, tôi thoáng có ý nghĩ tìm hiểu để làm quả phóng sự về những ngành kinh doanh liên quan đến sừng tê giác như thế. Nhưng chợt nghĩ mình cưỡi con xe 82 “chở lợn”, đĩnh đạc dừng chân, hất hàm hỏi người bán “đĩa mài sừng tê giác đâu?”, người ta lại tưởng một đại gia nào giả gái vi hành dạo quanh phố phường, dạo qua thị trường, thì phiền ra. Thế nên là thôi, lần nào cũng chỉ giữ ý nghĩ ấy trong đầu một hai phút rồi bỏ đi.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần như thế, tôi lại nhớ tới câu nhận xét kinh điển từng được nghe từ anh Lê Tuấn Tú (nguyên phóng viên truyền hình, một trong số các đồng nghiệp của Trang the Ridiculous). Anh Tú thường nói với vẻ mặt rất chi là đau xót:


- Nước ta còn nghèo – Anh ngừng một lát, môi hơi mím lại, bùi ngùi - Dân ta chưa chắc đã nghèo.


(Câu ấy tôi nghe từ anh Tú. Còn anh Tú lấy từ nguồn nào nữa thì em không chịu trách nhiệm nhé!)

Đúng ra câu này cần được sửa thành: “Nước ta còn nghèo. Một bộ phận dân ta chưa chắc đã nghèo”. Viết đến đây, Trang the Ridiculous lại lim dim nghĩ tới những chiếc sừng tê giác mà mình chưa từng được trông thấy.

Vẫn có người mua được sừng tê giác và đĩa mài sừng. Nhiều người mua được ôtô riêng. Thậm chí máy bay riêng, ở VN cũng có rồi. Tiền ở đâu ra mà nhiều thế?


Cách đây ít năm, câu hỏi này từng được một độc giả xưng tên Lê Đức Thụ nêu ra, và được một học giả, ông Ngô Nhân Dụng, trả lời. Cá nhân Trang the Ridiculous rất thích bài viết trả lời của ông Dụng. Lý do thích: Nó hoàn toàn dựa trên suy đoán, cũng giống như cách Trang the Ridiculous đương nhiên sẽ phải làm trong tình trạng chẳng có thông tin đếch gì về thu nhập của các tầng lớp trên trong xã hội, về cơ chế phân chia thu nhập, cơ chế quản lý – lãnh đạo v.v.

Cho nên, mặc dù chưa bao giờ làm động tác nhấn tổ hợp phím Ctrl+C, Ctrl+V trên blog, hôm nay tôi xin phép phá lệ, phệt nguyên xi bài này lên đây cho mọi người cùng đọc.


* * *



Tôi xin nhắc lại câu hỏi: Vì sao người Việt Nam có nhiều tiền chi ra như vậy? Không biết ông Thụ có ý hỏi về "một số người Việt Nam" có nhiều tiền, hay ông muốn hỏi về "người Việt Nam" trong cả nước nói chung? Nhưng cũng không cần phân biệt như vậy. Vì nếu tài sản của 100 ngàn người ở trong nước tăng lên mỗi người 100 ngàn đô la thì tài sản chung cả nước Việt Nam cũng cao hơn mười tỷ đô la, nghĩa là nói chung nước mình giầu thêm 10 tỷ. Mười tỷ bạc đó ở đâu ra? Vì sao "người Việt Nam chúng ta" có nhiều tiền như vậy, trong lúc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp còn quá lạc hậu, nghèo nàn?

Xin thưa với ông là, một phần tài sản đó do tổ tiên để lại. Một phần nữa là do chúng tôi, người Việt từ nước ngoài đóng góp gửi về! Đó là cách trả lời đơn giản cho một bài toán có vẻ đơn giản! Thu nhập từ các tài sản đó không được phân bố đều cho tất cả mọi người mà dồn vào cho một số nhỏ, thí dụ trăm ngàn người; để họ ăn tiêu thong thả, có tiền mua nhà trị giá hàng nửa triệu đô la, mua xe ô tô Mercedes mới, Lexus mới, vân vân. Tại sao việc phân bố không đồng đều, người có nhiều, người có ít thì các cụ tổ tiên cũng như chúng tôi ở ngoài không ai cố ý gây ra cảnh đó, chính đồng bào mình ở trong nước chịu trách nhiệm.

Sau đây tôi xin phân tích kỹ hơn, dùng những số thống kê của tạp chí The Economist xuất bản ở Anh quốc, tờ báo này tôi đọc mỗi tuần và tôi rất tin. Tổng sản lượng nội địa của Việt Nam khoảng 33 tỷ mỹ kim một năm, đó là trị giá tất cả những hàng hoá, dịch vụ của cả nước có được và tiêu dùng trong một năm. Chia đều ra cho hơn 80 triệu đồng bào trong nước thì mỗi người có thu nhập khoảng 400 đô la, không lớn bằng con số 2-3 ngàn mà ông ước đoán. Số tiền 400 đô la đó mọi người đem tiêu thụ hoặc để dành, đầu tư. Tờ Economist tính dân mình chi tiêu chừng 65 phần trăm số thu nhập, tức là mỗi người tiêu bình quân 240 đô la. Họ đóng góp cho các cấp chính phủ chừng 8 phần trăm. Phần còn lại là để dành và đầu tư. Riêng con số ngân sách nhà nước thì năm nay được biết khoảng 10 tỷ đô la, cao hơn tỷ lệ 8 phần trăm. Nhưng trong ngân sách đó có cả những khoản nhà nước đầu tư, như là làm đường xá, xây cơ xưởng máy móc, có thể tính chung vào mục đầu tư, số còn lại thuần túy tiêu dùng nhỏ hơn. Cho nên có thể dùng các số thống kê của tạp chí Economist, vì họ đã thu nhặt từ nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy.

Tất nhiên, nếu mỗi người ai cũng chỉ tiêu thụ 240 đô la một năm thì không ai có tiền mua xe Lexus cả, trông nước mình sẽ thấy nghèo lắm chứ không giàu sang như ông Thụ nhận xét. Vậy thì nếu có người lái xe Mercedes tất phải có người chi tiêu ít đi. Thí dụ các nông dân, làm ruộng, đánh cá, đốn gỗ trên rừng, vân vân. Số chi tiêu hàng năm của họ chỉ có 100 đô la một năm chẳng hạn. Mấy năm trước ông Hoàng Minh Chính cho biết có nơi đồng bào miền núi chỉ tiêu có 50 đô la một năm, nhưng cứ tính đổ đồng là 100 cho tiện. Trong dân số nước ta 70 phần trăm là nông dân, khoảng 56 triệu người. Những người này tiêu 5-600 triệu, tính tròn là 6 tỷ trong tổng số 33 tỷ. Còn lại 27 tỷ chia cho 24 triệu người dân kia. Nhưng các người dân thành phố không phải ai cũng chi tiêu nhiều như nhau. Tôi không có số thống kê về thu nhập bình quân của người dân thành phố. Dân Sài Gòn có thể thu nhập bình quân hơn 1000 đô la. Thu nhập 500 đến 1000 đô la là thuộc loại khá giả rồi. Những người thu nhập hàng trăm ngàn đô la một năm cũng có. Tôi đã gặp mấy người từ Việt Nam qua California chơi, họ nói họ giàu như vậy. Nhưng tôi biết ở các thành phố cũng có những công nhân không có việc làm, có 100 đô la một tháng cũng mừng lắm. Giả dụ trong số 24 triệu người ở thành phố có 22 triệu thu nhập bình quân 500 đô la một năm, ta có 11.000 triệu, tức 11 tỉ trong số 27 tỷ kể trên. Vẫn còn 16 tỷ chia cho 2 triệu người còn lại. Nếu chia đều thì mỗi người được 8 ngàn; nhưng chúng ta biết có những người kiếm ra và chi tiêu nhiều hơn, có người ít hơn.

Nhiều người bạn tôi cho biết khi về nước gặp bạn cũ họ đãi đằng một đêm tốn cả ngàn đô la, uống rượu ngoại không cần tính toán và nhiều mục giải trí khác dân Việt kiều chịu thua! Tôi cũng là một người Việt Nam trung bình, tính rộng rãi với bạn bè nhưng cũng biết tằn tiện, tôi chưa bao giờ đãi bạn bè ở xa tới mà tiêu vài trăm đô la một buổi tối. Cho nên tôi nghĩ những người tiêu cả ngàn đô la thì chắc họ phải kiếm ra mỗi năm vài trăm ngàn đến nửa triệu mỹ kim. Số người kiếm nửa triệu đô la là bao nhiêu, phải hỏi các ngân hàng nơi họ gửi tiền. Hay là ông Thụ thử đếm số xe ô tô đắt tiền họ mua mấy năm gần đây thì đoán được một phần. Hỏi các đại lý xe chắc biết các con số. Biết một phần thôi, vì nhiều người thích giữ của chìm hơn đi khoe của nổi. Mà của chìm thì không phải chỉ để chìm trong nước mà còn ngâm ở tận nước ngoài nữa.

Bây giờ trở lại câu hỏi chính, là tiền ở đâu ra nếu trong cả nước dân ta sản xuất ít như vậy. Trong số 33 tỷ thu nhập chung cả nước có những món do đồng bào làm ruộng, người làm thợ sản xuất ra, đó là những thứ mà ông Thụ trông thấy, ông cho là không đủ cho dân mình giàu có như cách tiêu dùng của nhiều người. Như vậy thì ngoài ra, còn phải có những nguồn sinh lợi khác, đem về cho cả nước những món tiền lớn. Như ở trên tôi mới nói đến, có những thứ do tổ tiên để lại, di sản của tổ tiên chung cả nước chúng ta chứ không riêng gia đình nào, các di sản đó cũng sinh ra tiền. Thí dụ, đất đai; rừng, rừng núi có gỗ, có cả than, quặng mỏ, đá quý; biển, tôm cá và dầu lửa ngoài biển, vân vân. Những thứ như đất đai, đem cho công ty nước ngoài thuê, tiền thu vào là của chung. Có những thứ đem bán ra nước ngoài, tiền đem về cũng là tiền chung của cả nước. Hai nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước ta là xuất khẩu dầu lửa và gạo. Những món tiền lớn đó thu về rồi được đưa cho những ai chi tiêu, cái này quý vị ở trong nước có thể tính toán được. Nguồn thu nhập lớn thứ ba chính là những món do đồng bào ở nước ngoài gửi về và đem về chi tiêu. Năm ngoái con số kiều hối chính thức là 2 tỉ 700 triệu đô la, con số thật có thể lên tới 3 tỉ rưỡi. Ngoài ra còn những người Việt về nước cũng đem tiền về. Riêng dịp Tết vừa qua có 300 ngàn người, tính cả năm coi như gấp đôi lên thành 600 ngàn. Nếu mỗi người mang về 5 ngàn đô la, (họ còn mang về hộ người khác ngoài số tiền họ đem về để chi tiêu) thì cũng thành 3 tỷ. Như vậy thì đồng bào ở nước ngoài gửi về và đem về tới 6 tỷ, chiếm một phần năm tới một phần sáu tổng sản lượng nội địa. Nếu chỉ tính 3 tỷ rưỡi cũng là một phần mười! Thử tưởng tượng bây giờ chúng ta thấy số thu nhập của mình tăng lên 10 tới 20 phần trăm, mà mình không cần làm gì vẫn có được, cũng thấy dễ chịu lắm chứ? Nếu tính gồm cả số thu nhập nhờ cho thuê và xuất cảng những thứ di sản do tổ tiên để lại cộng với kiều hối thì tổng số có thể lên đến hơn mười tỉ, tức là một phần ba số thu nhập và tiêu dùng của cả nước. Khi chúng ta nhìn vào số sản xuất của các nông dân và các nhà máy, chúng ta không thấy số thu nhập đó. Nghĩa là dân mình giàu gấp rưỡi mà chính mình không biết!

Nhưng tất nhiên con số một phần ba tổng sản lượng nội địa đó không chia đều cho 80 triệu người. Những người nhận được tiền của thân nhân từ Mỹ gửi về, của những anh chị em đi lao động ở Hàn Quốc hay lấy chồng Đài Loan gửi về, những người phục vụ cho các ngành du lịch, họ được hưởng một phần các món kiều hối.

Có những người được hưởng lợi trên những số tiền xuất cảng gạo, dầu lửa cũng như kiều hối mà không phải làm việc nhiều như người dân bình thường. Gạo do nông dân bán ra, người ta mua rẻ rồi bán đắt cho nước ngoài, họ hưởng lợi. Họ biết cách hưởng vì họ khôn hơn người hay vì có quyền thế hơn, cái đó bà con biết. Xuất cảng tôm, cá, quế, đá quý cũng vậy. Ai được hưởng nhiều, ai hưởng ít, đó là do cách tổ chức kinh tế mà ra. Trên nguyên tắc trong một nền kinh tế thị trường ai cũng bình đẳng, có cơ hội làm giàu như nhau. Nhưng cơ cấu kinh tế nước ta chưa hẳn là thị trường, nó có "định hướng xã hội chủ nghĩa." Như vậy thì chắc ai "xã hội chủ nghĩa" hơn thiên hạ, người đó phải "bình đẳng hơn," có cơ hội được chia phần nhiều hơn.

Biết tin tức trước người khác cũng là một cách sinh lợi. Thí dụ nếu họ biết trước tin về quy hoạch nhà đất, họ mua nhà trước; đến khi quy hoạch mới ban ra giá nhà đất tăng vọt, họ bán và hưởng lợi. Có những người biết trước một dự án lớn, như một khu chế xuất, một khu sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu, họ cũng mua, bán như vậy. Số tiền họ kiếm được thì chúng ta người trần mắt thịt không tưởng tượng nổi. Cho nên có những người chi tiêu một ngàn mỹ kim một đêm để đãi bạn bè, có người đi Macao đánh bạc thua cả trăm ngàn mỹ kim. Lại có những sinh viên đến California du học, mới tới đã có nhà sẵn để ở, có xe mới để lái đi học và đi chơi, con số đó cũng không nhỏ. Nói chung, nếu cả nước giầu thêm lên gấp rưỡi mà số tiền mươi tỉ thêm đó được tập trung vào trong tay một trăm ngàn người thì những người đó phải giầu nứt đố đổ vách, kiếm thêm một năm 100 ngàn mỹ kim, ăn tiêu vô tư thoải mái, cũng không có gì lạ!

Tôi không biết những lời giải thích như trên có tạm giải quyết óc tò mò của ông Thụ hay chưa. Tôi xin ông cho tôi biết ý kiến. (Ngô Nhân Dụng)




+++++++

Về các phần tiếp theo của “Bóng”, các bạn có thể xem tiếp trên báo Tiền Phong, cả báo giấy và mạng tại địa chỉ: http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=130431&ChannelID=4