Không dưới ba lần có người đá xoáy Trang the Ridiculous: “Entry nào cũng phải nhắc tới chuyện mình đã học Ngoại thương”, “Đọc blog toàn thấy nói xấu trường cũ bạn xưa”. Quả có thế thật. Đã vậy hôm nay không xa gần nữa, tôi nói trắng ra đây này, rằng tôi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, chuyên ngành Kinh tế đây này! Bằng Tiêu biểu Khá đây này! Nào.
Tuy vậy, khác với các entry trước toàn nói xấu thầy cô bạn bè, hôm nay Trang the Ridiculous sẽ nói với mọi người về những cái đáng yêu của sinh viên Ngoại thương, và ở một chừng mực nào đó là của giáo dục ở ĐH Ngoại thương.
1.
Trong các trường thuộc khối kinh tế ở VN, ĐH Ngoại thương (sau đây xin gọi tắt là FTU) là trường được đánh giá cao nhất (đánh giá qua đường miệng thôi, nhưng mà thế là đủ, các vị lại đòi hỏi phải có tổng điều tra toàn bộ hệ thống giáo dục đại học mới được phép rút ra kết luận ấy à?). Tại sao lại thế? Bởi các công ty tuyển dụng căn cứ vào chất lượng của các nhân viên tốt nghiệp FTU mà ra.
Công nhận là dân FTU ra trường làm được ở nhiều vị trí trong một nền kinh tế đang thời kỳ hội nhập như Việt Nam ta: bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, kiểm toán, kinh doanh (cá thể, độc lập), phân tích tài chính, phát triển cộng đồng, và cả làm văn, làm thơ, dịch thuật, làm báo nữa. (Một số gương mặt khí nổi là Nguyễn Thế Hoàng Linh, Cao Việt Dũng, và Phan Việt, như chúng ta đều đã biết).
Đến đây, tôi xin moi tấm bằng tốt nghiệp ra đặt trước mặt để mong được phép phân tích như một kinh tế gia thứ thiệt (đăm chiêu rút kính ra lau). "Có một câu hỏi mà các nhà kinh tế học rất thích đặt ra, gọi là “câu hỏi Harvard”: Những sinh viên tốt nghiệp Harvard (Mỹ) làm việc rất tốt khi ra trường, nhưng đó là vì họ đã học được ở Harvard mọi thứ có thể mang lại thành công, hay bởi vì trường đại học này đã nhận những sinh viên tài năng, có nhiều khả năng đạt thành tựu trong cuộc sống sau này?" (trích "Đô-la hay lá nho?" - "Naked Economics", Charles Wheelan, Alphabooks xuất bản)
Câu trả lời, như thường lệ, bị các nhà kinh tế bỏ ngỏ do họ chưa đạt được sự thống nhất. Nhưng theo tôi, gì thì gì, cứ giơ tấm bằng có chữ Harvard ra là mát mặt mát ruột rồi, Harvard Mỹ hay Harvard Việt Nam cũng vậy cả.
2.
Trường Ngoại thương những năm 1996-2000. Đám sinh viên chúng tôi trẻ, khỏe; rất chăm học vì điểm (trong đầu xác định rõ ràng là thế, nhưng mồm đứa nào cũng kêu ‘tao lười lắm’ để chứng tỏ mình là người thông minh, không cần học nhiều vẫn giỏi); rất thích sâu sắc hóa các vấn đề kinh tế tầm thường: “Cần phải hy sinh một tỷ lệ tăng trưởng nhất định để có một tỷ lệ lạm phát ở mức độ nhất định…”. Đau đầu lắm. Căng thẳng lắm. Dạo ấy cái anh Internet mới chập chững vào VN, sinh viên lên mạng hãy còn bẽn lẽn rón rén, chưa được tự nhiên nhi nhiên như bây giờ. Sách chẳng có, thực tế thì rõ ràng là không giống sách rồi, với lại ai cho sinh viên nhong nhong ra vào các công ty, tổ chức lớn để tìm hiểu thực tế nếu cái lũ vừa ngố vừa nhặng xị ấy không phải con cháu giám đốc? Vì vậy, các sinh viên chăm học có một nguồn tài liệu đặc biệt hữu ích là các bài báo kinh tế - do các nhà báo viết hoặc dịch, tất nhiên. Nói vậy là đủ thấy công lao của báo chí nhé. Nhiều độc giả cứ phàn nàn là nhà báo viết về kinh tế sai, ngu, dốt, đáng chấm ngòi bút vào shit cho chừa tội viết bậy… mà đâu biết rằng đã có bao thế hệ sinh viên kinh tế trưởng thành từ chính những bài báo ấy.
Năm 1997 khủng hoảng tài chính châu Á. Các bài báo (một phần là dịch, phần còn lại là dịch và xào xáo) nói về cuộc khủng hoảng này được photo thật lực, truyền tay nhau trong đám sinh viên chúng tôi. Vẻ mặt ai cũng đăm chiêu và căng thẳng.
3.
Những giờ Anh văn. Chưa vào tiết, sinh viên hỏi nhau: “Hôm nay có dự giờ T.H. không?”. “Phải dự chứ. Không bà ấy lại điểm danh cho phát nữa thì bỏ mẹ, tao vắng ba buổi rồi”. Thế là vào lớp, dự giờ. Mấy đứa ngồi hàng cuối chăm chú chơi cờ caro. Có đứa cao hứng hát: “I’m sitting here in the boring room…” (Tôi ngồi đây trong căn phòng buồn chán). Thời gian ấy, Lemon Tree, Doctor Jones, Barbie Girl, That’s Why đang là hits.
Những giờ học kinh tế. Thầy giáo nhắc: “Các em thảo luận đi chứ”. Thế là thảo luận. Có sự to tiếng:
- Ừ, nhưng mà mày có công nhận với tao là vào cái thời bà Phạm Chi Lan với ông Lê Đăng Doanh học, thì cái trường Ngoại thương này là trường vét đĩa nhất xã hội không? Chỉ có thằng nào dốt quá không học được ở đâu khác mới chui vào đây học.
- Đồng ý! Hồi mấy ông bà thầy dạy mình học, trường Ngoại thương là trường dốt nhấtttttt… Bây giờ mở cửa, tự nhiên mấy ông bà ấy thành có giá.
Dĩ nhiên Trang the Ridiculous (hồi đó cũng đã lố bịch lắm rồi nhưng phải cố nhịn miệng, vì cái bằng) không ủng hộ việc mạt sát các thầy cô giáo, nhưng tôi đặc biệt cổ vũ cho tư tưởng “đạp đổ thần tượng”. Kinh tế học là môn khoa học không có chân lý, và người ta chỉ có thể khá lên được nếu đủ can đảm đập vỡ không thương tiếc các lý thuyết có trước.
Khi tôi nói rằng sinh viên Ngoại thương là những kẻ (bị đẩy vào tình thế phải) nói phét, có bị hỏi: “Thế phải học thế nào mới không là nói phét?”. Than ôi, biết trả lời thế nào, chuyện dài và buồn lắm. Chúng tôi nói phét bởi vì chúng tôi: 1/ không có kiến thức nên phải lấp liếm; 2/ nói thật làm gì nhỉ?
Bắt sinh viên phải đứng lên tranh luận, có ý kiến hùng biện trước lớp, là việc làm thừa và khó khả thi, vì lẽ ra bọn ngố và nhặng sị ấy phải được làm như thế từ hồi học mẫu giáo cơ. Làm sao mà chúng tôi dám đứng lên bảo: “Các đồng chí sai bét, cả Keynes cũng thế, sai hết sai hếttttt”, khi mà hồi cấp 2, đứa nào dám mở miệng bảo “em khinh ông lão đánh cá trong chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng lắm ạ, đồ nhu nhược sợ vợ” đều xơi điểm 5 cả. Mà có phải chỉ xơi điểm 5 là không thôi đâu, thầy/cô giáo còn mang bài ra đọc cho cả lớp nghe và cười nữa, nhục chết đi ấy chứ. Cả nhục, cả nhục!
Vì thế, đối với tôi, những câu nói “đạp đổ thần tượng” kia rất đáng yêu, ở một góc độ nào đó. Về sau này, mỗi lần phóng viên Trang the Ridiculous đi gặp một nhà kinh tế hoặc đại gia, quan chức nào đó để phỏng vấn, phóng viên lại thường nhớ đến câu nói ấy để cười một mình và tự căn dặn: “Không được sợ nhé. Cấm run nhé. Cấm choáng nhé. Không tin bố con thằng nào nhé!”.
Và vì thế, sinh viên Ngoại thương rất đáng được ngợi ca!