Sau khi phóng viên đã ra về, câu đầu tiên Dũng hỏi tôi bao giờ cũng là: "Anh trả lời như thế có được không?". Chỉ khi nào tôi khẳng định: "Được ạ, anh yên tâm", Dũng mới bắt đầu nói sang những chuyện khác, như khen phóng viên đẹp trai, có duyên chẳng hạn. Anh không cho tôi biết điều gì anh muốn nói mà không dám nói kia. Nhưng sau vài buổi, tôi đã lờ mờ đoán ra điều đó, khi nhớ lại và tổng kết các câu hỏi thường gặp.
Phóng viên VN:
- Vì sao anh lại viết tự truyện?
- Trong tự truyện của anh, có những chi tiết như thế này… thế này… Bao nhiêu phần trăm là sự thật?
- Căn cứ vào tự truyện thì thấy người đồng tính chỉ toàn yêu đương, đánh ghen?
- Anh không hài lòng với tác giả cuốn sách?
- Anh có được đọc bản thảo lần cuối trước khi sách xuất bản không?
- Bạn bè anh phản ứng như thế nào về cuốn sách?
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cuốn sách viết về một đề tài câu khách mà thật sự rất ít thông điệp xã hội?
- Anh có nghĩ cuốn sách hơi sến/ đen tối/ nặng nề?
Phóng viên "Tây" ở ta và phóng viên ta ở nước ngoài (tức là Việt kiều):
- Anh muốn nói điều gì qua cuốn tự truyện?
- Giới đồng tính ở phương Tây đã phải trải qua một thời gian dài đấu tranh, để dần có được sự bình đẳng như một công dân bình thường. Chuyện đó xảy ra từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Anh có nghĩ giới đồng tính VN rồi cũng sẽ đi đến giai đoạn đó?
- Anh có thể nói cụ thể hơn về sự phân biệt (nếu có) mà xã hội nhằm vào người đồng tính ở VN?
- Anh nghĩ thế nào về các chính sách của chính phủ đối với một cộng đồng thiểu số - là người đồng tính?
- Người đồng tính ở Việt Nam bị phân biệt đối xử nặng nhất là như thế nào?
- Bây giờ anh mong muốn điều gì?
Người được hỏi và người nghe có thể nhận thấy sự khác nhau giữa các bộ câu hỏi được đặt ra cho Dũng. Phóng viên nước ngoài có xu hướng quan tâm tới các vấn đề vĩ mô, ví dụ thái độ của xã hội, chính sách của Nhà nước đối với người đồng tính. Còn phóng viên VN thiên về các khía cạnh cá nhân của cuộc đời Nguyễn Văn Dũng. Về “lập trường” mà nói thì các câu hỏi của cánh ta xem ra luôn có hàm ý moi móc đời tư và công kích cá nhân Dũng – người đồng tính đầu tiên ở VN ra tự truyện. Nếu khai thác được sự bất hòa, mâu thuẫn nào đó giữa tác giả và nhân vật chính của cuốn tự truyện thì rồ ôi tuyệt vời!
Nhưng… không trách các nhà báo được!
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà báo VN có phản xạ moi móc và công kích Dũng. Những câu hỏi mang chất tấn công ấy còn có mục đích gì ngoài thu thập thông tin thỏa mãn nhu cầu của độc giả.
Tôi nhớ có một đại nhà báo, chị L., dạy rằng chức năng của báo chí là định hướng xã hội. Thưa, em thì em nghĩ khác, em cho rằng báo chí chỉ phản ánh xã hội mà nó phục vụ, chứ định hướng cái --- gì. Xin lỗi, chúng em chỉ là phóng viên!
Chúng em hỏi những câu ấy vì chúng em biết chắc rằng dân ta “khát” những thông tin ấy. Chúng em biết dân ta ghét người đồng tính – cái lũ đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, chiếm thiểu số trong xã hội, đã thế lại còn cả gan ra tự truyện – láo thế chứ lậy! Chúng em biết dân ta “háo” những chuyện hậu trường như là tranh cãi giữa tác giả và nhân vật chính. Và tuy chửi truyện đầy tình và sex, đề tài câu khách rẻ tiền thật đấy nhưng cuối cùng vẫn tìm đọc. Vừa đọc vừa chửi (mượn sách đọc thôi, cho nó kinh tế, chứ chẳng mua đâu ạ. Độ 10 người chung nhau 1 quyển photo, ví dụ thế).
Có lẽ vì xã hội như vậy nên việc một người đồng tính ra tự truyện mới thành hiện tượng, đề tài đồng tính mới được xem là "hot". Chứ ở Anh hay Mỹ chẳng hạn, một anh gay ra tự truyện chắc chẳng ai quan tâm, nói đồng tính là đề tài câu khách chắc bị các publisher và editor cười cho thối mũi. Vì sự kiện ấy khác nào các bác cựu chiến binh ở ta viết hồi ký “Đời hoạt động của tôi”, “Trung kiên và bất khuất”... (Ôi thôi, lại nói nhảm rồi. Sợ rồi. Chả dám nói nữa).
…
Dì Dũng vốn thích nhạc vàng.
Có một câu hát trong bài “16 trăng tròn” mà Tuấn Vũ biểu diễn, như thế này: “Cuối nẻo phong mờ, nhủ riêng ai đó, tha thiết đợi chờ ngày đêm, tôi sẽ về dệt mơ ước.
Em ơi, khi non nước đang còn mịt mờ bên phương nớ, chuyện đó đừng mơ”.
Anh Dũng thích Tuấn Vũ lắm, chắc anh biết bài hát ấy.
Đôi khi nghe anh nói chuyện “quyền bình đẳng của người đồng tính như một công dân bình thường”, tôi cũng muốn cười hì hì mà nói với anh rằng: Anh ơi, khi đất nước đang còn mịt mờ, đầy định kiến, chuyện đó đừng mơ.