Hà Nội mưa to như mùa hè, dài như mùa đông. Trời tối tăm, nhìn ra ngoài không biết sáng, trưa hay chiều nữa. Ngoài đường mênh mông nước là nước.
Không biết trong đêm 31/10 rạng sáng 1/11, bao nhiêu người đã ngủ lại cơ quan. Đọc blog Thảo quả thấy viết:
“Một đêm ngủ lại cơ quan, cảm giác bị cô lập hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. 3 tiếng ngủ chung với lũ chuột rinh rích, bụng đói, nằm đất bẩn thỉu, sáng ăn bánh mỳ trứng mặn chát còn trưa là suất cơm rang chán ngán chỉ đáng dành cho loài vật bốn chân… Với riêng tôi, lần đầu tiên tôi thật sự hiểu được thế nào là “sống chung với lũ””.
Buồn buồn, tôi nhớ lại những đêm năm xưa, khi còn rất nhỏ. Khu nhà tôi ở ngày ấy thường xuyên mất điện. Đêm đêm, ếch kêu uôm uôm dưới đầm, côn trùng rả rích, đom đóm lập lòe trên những hàng chuối, bụi duối gai tối đen. Đó là Hà Nội đấy, Hà Nội của những năm bao cấp.
Như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất sợ ma. Nỗi sợ tăng thêm khi phải ngủ trong đêm mất điện, xòe tay không thấy rõ ngón. Nhìn ra cửa sổ, cả ngõ dài hun hút tối đen như mực. Có ngôi nhà bị cháy nham nhở, tường xám đen lại. Chủ nhà chết cháy đã lâu, không ai ở đó nữa. Có ngôi nhà hai vợ chồng bị tai nạn chết, con cái đến ở với ông bà, cũng không ai dám tới đó. Xa xa là những bụi tre, bụi chuối, duối gai, hàng cúc tần tối thẫm lại đầy ma quái.
Tôi sợ ma. Sợ kinh khủng. Đêm mất điện nằm ngủ, lúc nào tôi cũng cảm thấy lành lạnh sau lưng, hoặc nghe văng vẳng tiếng cười vọng lên từ dưới… gầm giường. Sợ đến cứng cả người mà không dám thò đầu xuống nhìn, sợ một bộ mặt và hàm răng trắng nhởn nào đó sẽ nhe ra cười với mình dưới đó. Rồi chuột. Chuột chạy huỳnh huỵch trên trần nhà. Rồi “tiếng còi tàu trong sương đêm” vọng về từ ga Giáp Bát, buồn như không âm thanh nào có thể buồn hơn thế. Đứa trẻ nào chẳng có nỗi kinh hãi – sợ ma, sợ chết, sợ ôtô v.v. Tôi cũng không là ngoại lệ.
Rồi có một đêm đông trước khi ngủ, tôi nhìn thấy bố tôi mặc áo len. Những tia lửa điện loe lóe từ áo. Tôi kinh hãi không sao tả được.
Đêm hôm sau, tôi lại nhìn thấy cảnh ấy. Tôi úp mặt xuống gối, tim đập thình thịch. Tôi không dám quay lại khi nghe bố hỏi:
- Con sao thế?
- …
- Con sợ gì à?
- Con nhìn thấy lửa ở áo bố… - Tôi nói mà hình như giọng lạc đi.
Bố tôi ngồi xuống bên giường. Tôi khó khăn lắm mới dám quay lại nhìn bố. Bố bắt đầu giải thích cho con. Là một giáo viên tự nhiên, chắc là bố đã nói với con như thể dạy cho học trò mình vậy. Cuối cùng chỉ nhớ bố cười bảo: “Con đừng sợ, đó là một hiện tượng vật lý. Khoa học giải thích rồi con ạ”.
Cũng có những lần tôi sợ ma đến không ngủ được, nhất là khi ban ngày vừa có đám ma, kèn trống rền rĩ bên nhà hàng xóm. 3h sáng, tôi mở mắt nhìn thao láo lên đình màn, thấy những nếp gấp rúm ró trên đó hiện thành những hình ảnh vô cùng khủng khiếp. Xung quanh im ắng ghê người.
Nhưng tôi lại nhớ đến những câu thơ bố hay đọc cho con nghe:
Trong đêm bé ngủ
Cây dâu ngoài bãi
Nảy những búp non
Con gà trong ổ
Đẻ trứng ấp con
Cây chuối cuối vườn
Nhắc hoa mở cánh
Ngôi sao lấp lánh
Sáng hạt sương rơi
Con cá quả mẹ
Ao khuya đớp mồi...
Đó là bài thơ “Trong đêm bé ngủ” của Phạm Hổ. Bài thơ dài lắm, đại khái trong đêm đứa trẻ ngủ thì còn rất nhiều cỏ cây đang lớn, hoa đang trổ bông, sao đang sáng, nhiều người đang lao động (anh công nhân canh máy, chị quét rác quét đường, cô giáo soạn giáo án chấm bài v.v.). Cả một thế giới vẫn đang vận hành chứ không phải tất cả đều là im ắng, chết chóc, ma quỷ như bóng đêm…
Trẻ con bây giờ liệu có thấy bài thơ này hay không? Tôi không biết, nhưng với tôi ngày ấy, nó như là một bài “kinh” để đuổi ma.
Bao nhiêu năm đã qua rồi. Bây giờ thì tôi chẳng còn sợ ma nữa, thậm chí nhiều lúc mong có ma để gặp mà chẳng được. Tôi thích môn vật lý, và luôn thích áp dụng vật lý vào việc chứng minh rằng không có ma. Ít nhất thì ma cũng không thể tạo ra tiếng động, bởi “sóng âm là sự dao động của những phần tử trong môi trường vật chất”… Như thế, ma (nếu có) là linh hồn, làm sao mà tạo ra âm thanh được.
Bây giờ tôi cũng không còn nhớ nổi câu nào của bài “Trong đêm bé ngủ” nữa. Những câu vừa chép ở trên là vài câu ít ỏi trích trong bài thơ, mà tôi cóp được từ trên mạng.
Tôi cũng không gặp tác giả bài thơ. Lần gần đây nhất tôi nhìn thấy Phạm Hổ là khi ông đang nằm trên giường bệnh với chiếc ống thở và đủ thứ ống truyền cắm trên tay. Ông không tỉnh, để tôi có thể đến bên giường trò chuyện và nhờ ông đọc cho tôi chép lại bài thơ mà tôi coi như “kinh đuổi ma” năm nào.
Bây giờ, nếu chúng ta ở cơ quan, đêm của chúng ta chắc là sẽ chỉ có đèn màn hình máy tính lập lòe, có tiếng u u của điện, có tiếng rèm đập vào cửa sổ nghe lạch xạch. Mà nhiều khi, vì nhiều chuyện, chúng ta còn chẳng có đêm.
Bây giờ, chẳng hiểu sao đọc entry của Thảo quả kể về đêm mưa nằm ở cơ quan, tôi lại nhớ đến những đêm năm xưa, nhớ bài thơ “Trong đêm bé ngủ” đến thế…
+++
Ai có nguyên văn bài thơ này thì làm ơn gửi cho Trang với. Xin cảm ơn.