Monday, 20 April 2009

Bài cũ cóp lại




Nhớ Sài Gòn nên post một bài vào tháng 11 năm ngoái, mà lúc viết cứ có cảm giác như để tặng Sài Gòn. Tiện đây tự hỏi sao nhiều người lại phải “yêu ghét phân minh” giữa Hà Nội và Sài Gòn. Với Trang the Ridiculous thì cả hai thành phố đều đáng yêu cả, đáng yêu trong sự khác biệt và tương đồng. “In my life, I love them all.”


Còn về cái bài viết dưới đây thì thật chán là đến giờ phút này vẫn không viết được tên đầy đủ của các nhân vật – mà mình thì chúa ghét cái trò để tên tắt kiểu anh A. chị X. v.v.


+++++++


Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975


“Báo chí SG cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy cổ lắm, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"... Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không bị lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, hầu hết các báo không sống nhờ quảng cáo mà nhờ độc giả” - một nhà báo của SG trước 1975 nhớ lại.


Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.


Và rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?


"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. “Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".


Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học ĐH Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.


Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.


Sinh ngữ thành tử ngữ


T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v.


Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.


Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi.


Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: "Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…".


Thông tín viên và phóng viên


Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent).


Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"... để bán cho các báo.


Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt.


Ông Y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".


Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm.


Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình Phú" (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc.


"Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế".


Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.


Báo Sài Gòn cũ - mỗi tờ mỗi vẻ


Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại TP HCM), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "Ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ.


Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.


Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối.


Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.


Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).


Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long...


Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".


Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị - xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.


Và những nỗi thất vọng


Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".


Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt.


Ông Y. thở dài: "Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".


Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.


Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.


Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng.


Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều. Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".


Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.

Saturday, 11 April 2009

Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên




Truyền thống của làng báo điện tử Việt Nam là bài nếu có cái sai nhỏ thì len lén vào sửa, có cái sai lớn thì rút xuống phi tang. Nay Trang the Ridiculous xin phép giẫm đạp lên truyền thống: không sửa, để nguyên các lỗi và khuyến cáo bạn đọc thận trọng với đoạn có gạch dưới.

Cảm ơn chị Lilia đã nhắc nhở. Tiếc là em không có thời gian để làm một entry chi tiết về tranh cãi Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy và một entry nghiêm túc về hội thảo bauxite hôm 9/4 vừa rồi.


+++++++

Kể ra cũng thú vị khi chứng kiến những cuộc tranh luận dữ dội như vụ Trương Nhân Tuấn vs. Dương Danh Huy (về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông), Trịnh Cung vs Trịnh Công Sơn và các độc giả vs nhau, hoặc bên ủng hộ và bên chống các dự án bauxite ở Tây Nguyên.


Sẽ rất ngạo mạn nếu tôi nói rằng các cuộc tranh luận tuy có rất nhiều ý kiến và các bài viết, tham luận dài dằng dặc, nhưng đều có thể được tóm tắt lại chỉ trong một số ý chính khá… đơn giản (nhưng ra phán quyết ai đúng ai sai, giải pháp cuối cùng v.v. thì lại không đơn giản).


Vụ Trương Nhân Tuấn đả Dương Danh Huy (từ “đả” ở đây không hàm ý xấu, tôi dùng chỉ vì nó là một từ ngắn) chẳng hạn. Tranh cãi quyết liệt, người này bảo người kia thỏa hiệp (thậm chí nặng hơn - gián điệp Tàu), hoặc sai lầm trên phương diện khoa học… Tôi không hiểu mình có nhầm không – cái óc nặng nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu mới hiểu. Nhưng vừa theo dõi vừa nghĩ thì thấy hai ông khác biệt nhau ở điểm này:


Dương Danh Huy: Việt Nam nên đề nghị vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Hoàng Sa và quanh Trường Sa. Ít thế thôi, để còn giữ hòa khí với các nước Đông Nam Á, cùng các nước đó chống lại đối thủ lớn là Trung Quốc. Đừng tiếc. Ở đời phải biết mình là ai chứ.

Trương Nhân Tuấn: Việt Nam dứt khoát phải có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh Hoàng Sa và Trường Sa, để mất vào tay Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, coi như mất cả chủ quyền trên Biển Đông. Không lùi bước, không có mặc cả gì cả, biết Trung Quốc thế nào mà thỏa hiệp; hay là muốn bán nước à?


Về mặt luật quốc tế, 12 hải lý hay 200 hải lý là đúng thì tùy định nghĩa về HS – TS, là đá hay là đảo. Chỗ này luật quốc tế lại không quy định rõ ràng, cụ thể nên giải thích kiểu gì cũng được; HS – TS là đá mà cũng có thể là đảo... Vậy vấn đề chốt lại chỉ là phản ứng của Trung Quốc và khu vực sẽ thế nào với các đòi hỏi của VN, và cách ứng xử với Trung Quốc nên ra sao… Nhưng cái này thì ai mà biết! Có khi Trung Quốc và cả khu vực sẽ lồng lên, bảo Việt Nam tham lam, rồi căng thẳng gia tăng, tranh chấp mãi không bên nào nhịn bên nào. Có khi Trung Quốc sẽ nhún vì thấy đuối lý hoặc vì “mềm nắn rắn buông”. Chịu, không đoán được.


Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy. Hội thảo 9/4 tại khách sạn lớn Melia Hà Nội được xem như sự kiện lịch sử - hình như đây là lần đầu tiên từ năm 1975 có phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự án (mà đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là đúng, và rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác).


Tuy nhiên toàn cuộc tranh luận kéo dài từ 8h30 sáng đến 6h30 tối này, theo thiển ý của ngu Trang the Ridiculous, cũng có thể được tóm tắt lại như sau:

Bên phản đối dự án nêu các lý do môi trường, quốc phòng, hiệu quả kinh tế… để đề nghị stop dự án. Bên ủng hộ (nhà đầu tư + chính quyền TW và địa phương) đáp (cực kỳ thành khẩn): Vâng, vâng, chúng tôi biết, chúng tôi xin tiếp thu hết các ý kiến tâm huyết và xác đáng của các nhà khoa học. Chúng tôi cam kết sẽ không để những rủi ro đó xảy ra. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm xã hội chứ, các vị yên tâm. Chúng tôi hứa. Chúng tôi thề.


Kiểu như, bên khoa học bảo: Dự án này gây ô nhiễm môi trường!

Bên đầu tư trả lời: Vâng, đúng là có gây ô nhiễm. Nhưng công nghệ hiện giờ cho phép xử lý ô nhiễm. Chúng tôi xin cam đoan sẽ sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường.


Bên khoa học: Dự án này lôi kéo bao nhiêu người Trung Quốc vào Việt Nam, nguy hiểm lắm, hại an ninh quốc phòng lắm.

Bên đầu tư: Vâng, vâng. Chúng tôi sẽ hạn chế số người Trung Quốc vào Việt Nam. Và quả thật là cho đến giờ cũng mới có 500 người Trung Quốc tới Tây Nguyên để làm công tác giám sát dự án thôi mà, có làm gì đâu. Sau này chúng tôi sẽ đào tạo dân địa phương làm việc (mà cũng đang đào tạo rồi đấy), không tuyển người Trung Quốc đâu ạ.


Bên khoa học: Hiệu quả kinh tế của dự án thấp!

Bên đầu tư: Vâng, đúng là trước kia, theo tính toán của chúng tôi, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng tính toán xong thì lại có khủng hoảng kinh tế (đời nó lại chó thế chứ! – Trang the Ridiculous), vậy nên hiệu quả chắc sẽ giảm – giảm bao nhiêu thì chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh lại và sẽ công khai!


(Chỗ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói một câu mà tôi thấy rất dân dã và đi vào lòng người: “Anh San (ông Phạm Bích San, đại diện VUSTA) có nói là hiệu quả kinh tế của dự án thấp. Vâng, đúng. Thấp thôi, chỉ thấp thôi, chứ lại như các đồng chí nào đó bảo là lỗ thì buồn quá! Làm dự án mà lại để lỗ thì buồn quá!”).


* * *


Nhà đầu tư (Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, TKV) đã chuẩn bị rất kỹ các luận điểm luận cứ để khẳng định rằng họ sẽ cư xử rất có trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của vùng… Sẽ không để ai nghèo đói, không để môi trường bị tàn phá, không để văn hóa vùng bị mai một, không để an ninh quốc phòng bị đe dọa. Những gì các chuyên gia của TKV trình bày đều hợp lý, khoa học. Chưa kể nhiều chỗ chắc chắn là họ - những người trong ngành khoáng sản - hiểu hơn tất cả mọi chuyên gia thuộc các ngành khác, lý lẽ họ đưa ra chắc chắn chặt chẽ hơn.


Nhưng ở đây chỉ nổi lên 2 vấn đề:


1/ TKV là một doanh nghiệp. Vậy thì, chính phủ và TKV ơi, xin hãy đặt chức năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu, còn chuyện trách nhiệm xã hội thì để sau đi. Ai cần TKV hy sinh tiền của đầu tư cho dự án bauxite, mà chỉ để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. TKV cứ lo việc làm ra lợi nhuận cho mình đi đã.


2/ TKV hứa sẽ làm tất cả để xã hội yên tâm về dự án: nhập công nghệ tốt, đào tạo nhân lực địa phương tốt, giám sát nhà thầu Trung Quốc thật cẩn thận, tóm lại là sẽ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng v.v.

Nhưng, nếu TKV không thực hiện được như thế thì sao nhỉ?


Giá như có một điều luật nào đó (hay một cái gì tương tự) nói rằng: OK, cứ triển khai đi, nhưng nếu TKV không làm được như cam kết, thì lãnh đạo TKV bị xử bắn, nhân viên TKV bị bỏ tù v.v. Thì chắc là sẽ chẳng có chuyện “Chúng tôi hứa, xin Đảng, Nhà nước và Nhân dân cứ an tâm” đâu. Khéo lại chả còn dự án nào nữa ấy chứ.


Tóm lại, xin được khái quát hóa vụ tranh luận về bauxite hôm 9/4 vừa rồi như thế này: A và B bất đồng ý kiến. A bảo B làm việc ấy, việc ấy sẽ đi vào sai lầm. B xin tiếp thu và hứa sẽ làm mọi cách để sai lầm không xảy ra. A hết nói.


+++++++


Kết: Trang the Ridiculous không bảo là A đúng B sai hay ngược lại đâu nhé, chỉ khái quát hóa, giản lược hóa cuộc tranh luận như vậy thôi. Còn A, B đúng sai thế nào, tương lai sẽ trả lời.


Dù vậy, nói nhỏ với các bạn, theo thiển ý của ngu Trang thì… khó mà tin ở trình độ quản lý, giám sát và công nghệ của nhà mình lắm, hẹ hẹ. Tuy nhiên, sau này nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng sẽ không được biết đâu, nên khuất mắt trông coi, ta cứ yên tâm.


Còn các thế hệ sau ta phải tự lo đời chúng nó chứ. “Trẫm chết rồi, đời sau thế nào thì mặc” (Louis XIV).

Thursday, 2 April 2009

Phim hành động: Nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi toàn quốc viết về biển, đảo VN

(Chép nguyên xi từ thông cáo báo chí) Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW, lần đầu tiên khởi xướng, với thành phần Ban tổ chức gồm Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Quảng Ninh, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Tiền Phong, được chính thức phát động tại Hà Nội ngày 30 tháng 3 năm 2009.


Tham dự và chủ trì cuộc họp báo có ông Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo TW, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức; ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng ban thường trực; các vị lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện hơn 60 cơ quan báo đài TW và địa phương (gớm, làm gì đến, các bác cứ đỗ tương lên quá thể) đã đến dự và đưa tin cùng đông đảo khán thính giả quan tâm tới Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” đã đến dự. (Câu này lủng củng nhưng xin chép nguyên để tỏ sự trung thành với tinh thần bản gốc).


Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Duy Quát nhấn mạnh:

- Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ. Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại???

Cho nên là, các đồng chí ạ, cái quán triệt cái tư tưởng là phải rất sâu sắc. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương là phải rất sâu sắc…


Ông Quát phát biểu độ 45 phút nhưng tôi không ghi âm thêm nữa vì sợ máy hết pin, đại khái là như vậy.


Từ hôm ấy không khí viết lách về Biển Đông yêu dấu, chủ quyền, quyết tâm bảo vệ chủ quyền v.v. có vẻ rộn ràng hơn thì phải. Ừ, viết thì viết chứ sợ gì. Tiền cả đấy. Cuộc thi viết sẽ có 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Giá trị quy ra tiền mặt của các giải thì người dân vào website chính thức của cuộc thi mà xem, dangcongsan.vn.


Lim dim ngồi dưới nghe bác Quát lim dim phát biểu, chợt hình dung nếu như đây là một bộ phim hành động Mỹ, có thể một phóng viên nam nào đấy (đẹp trai, dĩ nhiên) sẽ đi thẳng lên bục, tóm cổ áo bác Quát và nói rít qua kẽ răng:

- Fuck you! Mất rồi phải không?


Bác Quát sẽ lúng túng gỡ tay anh ta:

- Mất, mất cái gì? Anh muốn gì?

- Tôi hỏi, mất hết biển hết đảo rồi phải không?

- Anh điên à? Bỏ tay ra. Công an đâu! Giữ anh này lại.


Anh nhà báo sẽ cười nhạt:

- Tôi thấy không có lý do gì để Đảng và Nhà nước cho báo chí và nhân dân viết về biển đảo Việt Nam vào lúc này. Bao nhiêu lâu nay không ai được mở miệng nói về Hoàng Sa Trường Sa Cát Vàng Cát Dài, sao bây giờ lại thoải mái thế? Chỉ có thể là đã mất hết rồi, hoặc sắp mất, vào tay Trung Quốc, nên các vị cho dân chúng nói và viết, cốt để dọn đường cho sau này có cớ mà nói: “Đấy nhá, báo chí viết rồi nhé, toàn dân tham gia hưởng ứng bảo vệ chủ quyền rồi nhá, Đảng cũng cố gắng hết sức rồi đấy, dân chủ lắm rồi đấy… mà mất vẫn hoàn mất. Đấy là tại Trung Quốc mạnh quá, ép ta quá thôi, chứ đâu phải ta không cố sức?”.


Chàng nhà báo nói đến đấy thì cả tá công an xô lại. Có xung đột. Đấm đá. Chửi rủa. Cử tọa ở dưới rú lên… Trường đoạn này trong phim hành động thường kết thúc ra sao thì xin các khán giả tự tưởng tượng tiếp nhé. Trang the Ridiculous chỉ nghĩ được đến đấy rồi gục mặt xuống bàn ngủ mất.