(bài cũ cóp lại, có chỉnh lý và bổ sung)
Người ta cứ hay nói mấy cô chú teen là “đang ở độ tuổi thèm thần tượng”, nhưng tôi nghĩ hình như con người dù ở tuổi nào cũng đều có nhu cầu có thần tượng, không cứ thế hệ trẻ. Thần tượng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều chia sẻ một số đặc điểm: anh hùng (can đảm), tài ba (thông minh, học giỏi, nhiều sáng kiến), và trẻ đẹp. Chính vì thế mà trong những nhóm người có khả năng trở thành thần tượng của xã hội thì các anh hùng trong chiến tranh là một nhóm ứng cử viên quan trọng.
Chiến tranh là khoảng thời gian khắc nghiệt của xã hội, hay nói một cách văn học thì đó là “hoàn cảnh điển hình để các cá nhân bộc lộ con người mình” - ai sợ chết, ai không sợ chết đều lộ ra cả. Vì vậy, các anh hùng trong chiến tranh dĩ nhiên là đạt được phẩm chất đầu tiên: can đảm. Nếu không thì, ngoài họ, còn ai dám hy sinh cho cách mạng?
Tương tự, chiến tranh cũng là khoảng thời gian đòi hỏi người ta phải thông minh, tuy rằng kiểu thông minh có thể khác thời bình (hơi khác hay là rất khác thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là phải khác). Các anh hùng nhiều khả năng là đều đáp ứng được điều kiện thứ hai. Người có khả năng cãi nhau tay đôi với mật thám Pháp bằng thứ tiếng của chúng, như đồng chí Trần Phú. Người có tài nhại tiếng động vật - chó, mèo, hổ, báo, sư tử... như một giao liên nào đó (tôi quên tên). Người võ giỏi như anh Hồng Quang. Người lại hát hay như chị Sáu...
Riêng phẩm chất thứ ba thì có một chút lấn cấn: trẻ đẹp.
Dường như trong vô thức, tất cả chúng ta đều mặc định anh hùng là phải trẻ đẹp. Có hình ảnh nào lãng mạn cho bằng hình ảnh Triệu Tử Long mặt trắng môi đỏ tả xung hữu đột giữa trận tiền? Hình ảnh em gái hậu phương đứng như quê hương trong cánh rừng ào ào lá đỏ, bụi Trường Sơn nhòa trời lửa? Hình ảnh Nguyễn Viết Xuân đứng thẳng, đôi mắt như lửa sôi, với câu nói bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”? v.v. Chúng ta thèm được thấy họ đẹp, đẹp rực rỡ như mặt trời trên chiến trận. Chúng ta thèm được thấy Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Khương, Tư Phùng (tức chị Sứ), Võ Thị Sáu đẹp sắc sảo, mặn mà, duyên dáng biết bao.
Trước tình hình đó, trước nhu cầu đó, các cây viết, đặc biệt là nhà báo - những “thư ký của thời đại”, “thư ký của lịch sử” như thời đại và lịch sử vẫn tôn vinh - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm đẹp cho các anh hùng anh thư. Không tin bạn cứ mở những bài báo viết về thương binh liệt sĩ ra thì sẽ thấy: Trăm phần trăm những người anh hùng đều có đôi mắt trong, gương mặt hiền lành, nụ cười đôn hậu v.v. Các nữ anh hùng, nếu sinh ra ở miền biển, sẽ có làn tóc dài mượt, làn da mặn mòi rám nắng và nét cười đằm thắm. Nếu sinh ra trên núi, các chị sẽ có nước da trắng như trứng gà bóc, đôi môi hồng đào, giọng hát trong veo của chim sơn ca v.v.
... (tự kiểm duyệt một đoạn)
Thực tế nhiều khi chẳng chiều "lòng người đọc ý nhà báo" gì cả.
Có bữa ngồi tán phét với mấy người bạn về chủ đề làm phim tài liệu lịch sử, tôi càu nhàu: “Sao có mỗi Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Trỗi với Nguyễn Viết Xuân là đẹp trai nhỉ?”. Đám bạn mắng cho một trận: “Điên à? Đẹp thì người ta đã đi thi hoa hậu, ai làm cách mạng cho mày?”
Thì biết thế rồi, đã hẳn rồi, mình có nói gì quá đáng đâu. Nhưng tôi vẫn cứ... tiêng tiếc, vẫn cứ thèm được thấy các liệt sĩ đẹp ngời ngời như cách chúng ta được hướng dẫn để hình dung về họ. Suy cho cùng đó là một thứ áp lực, một gánh nặng, một sức ép đè lên những người anh hùng của chúng ta. Cuộc sống mãi mãi là như thế.