Năm 2005, GS Phan Huy Lê xác nhận tại một hội thảo rằng Lê Văn Tám là nhân vật không có thật. Năm 2003, tạp chí Xưa & Nay số 154 cũng đã có bài viết nêu ra các nghi vấn về Lê Văn Tám.
Còn lần đầu tiên tôi nghe nói rằng Lê Văn Tám không có thực là vào năm 1998, từ một nhà báo cựu trào của Hà Nội Mới. Tôi còn nhớ rõ hôm đó mình đã điên tiết như thế nào vì cảm thấy mình (và hàng triệu dân ngu k.đen khác) bị lừa. (Bây giờ thì hết bực rồi vì đã biết ngành Tuyên truyền có nghĩa vụ xây dựng hình tượng lịch sử, nhưng tôi tin là người nào lần đầu tiên nghe những chuyện này cũng đều cảm thấy ít nhiều tức tối hoặc bị tổn thương).
Theo một tài liệu (ở nước ngoài, không tiện nêu tên ở đây), thì Nguyễn Bá Ngọc cũng không có thật. Anh Ngọc lấy thân mình che bom cho mấy em nhỏ, thiếu nhi xưa từng hát ca ngợi "anh qua đời, gương anh còn soi" ấy.
Thế này có lẽ Ngô Mây, Phạm Ngọc Đa cũng... cũng... ? Riêng anh Phạm Ngọc Đa thì ngay từ hồi còn bé, ngồi trong lớp nghe cô giáo đọc truyện về anh, mình cứ thấy làm sao ấy: Trẻ nông thôn miền Bắc ngày trước mà tên hay thế, mà sao trẻ con chịu đau giỏi thế, sợ thật.
Dưới đây là trích đoạn một bài viết về vụ Lê Văn Tám, trên báo Thế giới (Hà Nội) số 39 (154) ngày 27/9/04 (trang 22-23). Khác với GS Phan Huy Lê nói rằng ông Trần Huy Liệu (quan chức kháng chiến cũ, sau nghiên cứu lịch sử, trở thành nhà sử học) là người tạo nên "huyền sử một người mang tên Tám", bài viết dưới đây có một câu gán trách nhiệm về việc này cho (các nhà tuyên truyền và) đạo diễn Phan Vũ.
* * *
Tạp chí Xưa & Nay số 154 (202) - XII - 2003, bài Đọc hồi ký Dương Quang Đông trọn đời tận trung với Đảng tận hiếu với dân của Nguyễn Quế Lâm, trang 9, có đoạn viết:
"Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nay bác Năm Đông đưa ra một tư liệu khác. Tổ đánh mìn kho đạn Thị Nghè là công nhân nhà máy đèn Chợ Quán gồm có Ka Kim, Kỷ và Nỉ. Ka Kim là chỉ huy. Kỷ và Nỉ dùng thuyền nhỏ chở mìn chờ lúc con nước ròng đưa thuyền chở mìn và hai người chui qua ống cống thoát nước. Vì lính gác chặt chẽ nên hai anh tiến hành công việc đặt mìn rất chậm. Khi đặt xong đến giờ điểm hỏa thì con nước đã lớn, ống cống ngập lút không ra được. Giờ điểm hỏa phá tung kho đạn Thị Nghè cũng là giờ phút hy sinh của hai công nhân nhà máy điện Chợ Quán.”
Tôi (tác giả bài trên báo Thế Giới) xin có một vài ý kiến nhỏ, rất mong được các bạn đọc góp thêm, để tìm đúng sự thật.
Có nhiều bài báo, có cả sách viết về Lê Văn Tám. Rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có nào là tượng đài, công viên, đường phố mang tên Lê Văn Tám, trường học Lê Văn Tám...
Tuy nhiên, nếu nghiêm túc về nguồn để tìm kiếm sự kiện lịch sử có thể sẽ nảy sinh những thắc mắc: liệu Lê Văn Tám có phải là người thật việc thật, từng lập nên chiến công oanh liệt? Xin nêu bốn điểm thắc mắc:
1. Qua tên gọi Lê Văn Tám, với tập quán đặt tên của người miền Nam, có thể suy ra Tám có sáu anh chị ruột lớn hơn (không kể các em). Năm 1946, Tám khoảng 10 tuổi như vậy phỏng đoán các anh chị của Tám hơn 10 tuổi đến hơn 20 tuổi. Qua 1975, tức 30 năm sau, anh chị của Tám khoảng chừng từ 40 đến 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, rất nhiều khả năng trong số sáu anh, chị của Tám có người vẫn còn sống (ngay cha mẹ của Tám cũng có thể còn sống với lứa tuổi từ 60-80). Trước 1975, có thể họ không dám nhận là anh chị của Tám, nhưng sau khi cách mạng thành công, tại sao không thấy ai đứng ra nhận vinh dự (và cả quyền lợi) cho gia đình? Nếu gia đình khiêm tốn không nhận công lao kháng chiến, các cơ quan chức năng cũng phải đi tìm. Ngành thương binh xã hội phải lập danh sách gia đình có công, ngành viết lịch sử phải tra cứu thân thế sự nghiệp.
Chẳng lẽ tất cả sáu anh chị của Tám đều đã chết yểu ở độ tuổi từ 20 đến 30? Ngay cả trong trường hợp chuyện này xẩy ra, hẳn chú bác, cô dì của Lê Văn Tám thế nào cũng có người còn sống, vì Tám ở ngay vùng Thị Nghè chớ nào phải xa xôi, hẻo lánh gì?
Để làm rõ hơn, đề nghị nên đăng thông báo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, cả trung ương lẫn địa phương, tìm người thân của Lê Văn Tám.
2. Chỉ nghe kể Lê Văn Tám là giao liên, nhưng không thấy nói cụ thể Tám là giao liên cho đơn vị nào. Phàm đã hoạt động cách mạng, thời chống Pháp cũng như chống Mỹ, dứt khoát phải hoạt động trực thuộc một đơn vị nào đó (như Thành đoàn, Công đoàn, Binh vận, Biệt động thành, Trinh sát vũ trang, Địch vận v.v.), không ai có thể một mình một cõi, tự tung tự tác, muốn hoạt động ra sao cũng được, dù là tự thiêu, phá hủy kho đạn của địch.
Thực tiễn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn cho thấy đến tình báo hoạt động cũng phải có tổ chức. Đơn vị của Tám không đứng ra báo công trường hợp người của đơn vị mình là thiếu sót lớn, không phải để hưởng tiếng thơm lây, mà là có tội che giấu thành tích của người làm nên lịch sử. Vậy đơn vị nào có chiến sĩ Tám, cần nhanh chóng làm các thủ tục này. Không lẽ cả đơn vị lớn nhỏ đều hy sinh hết? Nhiều trường hợp cả đơn vị hy sinh, vẫn có nhiều người biết do cuộc chiến tranh của chúng ta luôn được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ giúp đỡ.
3. Thông thường, theo nguyên tắc quân sự, kho đạn nào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là khu quân sự cấm người lạ mặt lai vãng, ngoài cổng luôn có lính gác "vũ trang đến tận răng". Trong kho lại có nhiều nhà kho, mỗi nhà kho đều có cánh cửa luôn khóa chặt, đạn được bỏ trong thùng. Chỉ khi có người đến lãnh đạn hoặc quan hệ công tác, trình giấy tờ hợp lệ và đầy đủ, lính gác mới mở cổng cho vào. Tiếp đó, phải có lệnh của trưởng kho, thủ kho mới mở khóa, giao đạn.
Đằng này Lê Văn Tám chạy một hơi từ cổng đến tận nhà kho chẳng thấy lính tráng nào ngăn cản, cứ như xông vào chỗ không người, tất cả mọi cánh cổng, cánh cửa kho đều mở rộng như chờ đón sẵn!
4. Giả sử Lê Văn Tám đã điều nghiên kỹ lưỡng, nắm được quy luật của địch, hoặc rơi vào trường hợp may mắn ngẫu nhiên, do lính gác cổng bị bất ngờ không kịp phản ứng và tất cả mọi tình huống đều thuận lợi cho Tám, thì một người bình thường tẩm xăng đốt mình cháy như cây đuốc sống cũng khó chạy bộ một quãng vài chục mét. Nhà kho, nhất là kho đạn, không phải nhà mặt tiền, chí ít cũng phải qua cổng gác rồi cách vài chục mét.
Hình tượng Lê Văn Tám được đưa lên như thế nào? Người sáng tác hình tượng này là đạo diễn phim truyện Phan Vũ.
Theo ông Phan Vũ kể, ông không hề viết rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thực lập nên kỳ công "cây đuốc sống", mà chỉ viết một phim truyện. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn. Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi.
Thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các các sự kiện lịch sử.
Nguồn: Báo Thế giới (Hà Nội) số 39 (154) ngày 27/9/04 (trang 22-23).