Friday, 18 December 2009

Khi nhà kinh tế khóc to

Vài năm nay, nếu có ai hỏi Trang the Ridiculous muốn mình là gì, thì câu trả lời là: Tôi muốn là một nhà báo có tư duy của một nhà kinh tế.

Cái này có lý do nguyên thủy của nó. Thật tình Trang the Ridiculous rất yêu thích môn kinh tế học (dù đã phải trải qua tới gần 5 năm mòn mỏi ở ĐH để nhà trường XHCN chà xát tình yêu của sinh viên đối với cái môn khoa học rất trí tuệ ấy). Bốn năm rưỡi đại học không tiêu diệt nổi sự yêu thích của Trang the Ridiculous với kinh tế học (thế mới gọi là kỳ tích), và sau đấy đi làm báo thì lại càng thích kinh tế học hơn (thế mới khổ). Nhưng tôi cũng tự biết là với trình độ hết sức có hạn của mình thì chẳng thể nào trở thành nhà kinh tế được, nên đành vui lòng làm báo vậy, với một mong muốn là mình sẽ là “một nhà báo có tư duy của một nhà kinh tế”.

Kinh tế học thật sự là môn học rất hay đấy bà con ạ. Đừng để ý tới những gì các trường đại học khối khoa học xã hội ở VN dạy vội, cứ tin lời tôi cái đã nào. Nó vừa như toán học, vừa như xã hội học, vừa như tâm lý học, lại vừa như triết học ấy, rất là vi diệu. Mà trong cuộc sống, nhất là khi làm báo, nếu áp dụng kiểu tư duy như một nhà kinh tế thì nhiều khi chúng ta sẽ thấy rất bình thản, không có gì mà phải bức xúc cả. Ví dụ chúng ta sẽ biết ngay là vấn đề biến đổi khí hậu của thế giới sẽ chưa thể được đồng bào Việt Nam để tai để mắt tới, cho dù VNN – tờ báo điện tử hàng đầu đặt trụ sở ở Việt Nam - có cố đẩy nó lên tin nổi bật, top story đến thế nào đi chăng nữa. Chúng ta sẽ biết là cứ phải từ từ đã, khi nào VN gia nhập đội ngũ các nước khá giả về kinh tế cái đã, thì câu chuyện môi trường cùng những thứ tương tự (trong kinh tế học có cái gọi là chi phí ngoại hiện – externalities – mọi người nhở?) mới được quan tâm đến.

Đại khái thế, còn nhiều ví dụ khác cho thấy nếu tư duy như nhà kinh tế thì ta sẽ bình thản hơn, ít bức xúc hơn.

Ấy thế mà… hix…

Ấy thế mà có những thứ nhà kinh tế chẳng thể nào cắt nghĩa nổi.

Ví dụ nhé, tính GDP của một nước chẳng hạn. Về nguyên tắc là phải hết năm tài chính mới bắt đầu tính được, và việc tính phải kéo dài một thời gian (thì làm sao mà roẹt một cái có ngay kết quả được). Nhưng mà không hiểu Việt Nam mình làm thế nào ấy, lạ lắm, cứ cuối năm là có ngay con số mức tăng trưởng GDP của năm. Nhà kinh tế tư lự mãi, chẳng hiểu tính toán thế đek nào…

Lại nữa. Nếu GDP hàng năm đều có tăng (mà tăng cao chứ đùa đâu, có năm tới 7%, kể cả thế giới khủng hoảng ta vẫn tăng GDP), thì mức sống của người dân nói chung là phải thay đổi theo hướng tăng chứ nhở? Thế mà nhà kinh tế thấy hình như nhiều người dân thành thị và nông thôn nghèo hẳn đi. Không phải do dân số tăng nhanh quá đâu, tỷ lệ tăng dân số ở Việt Nam thấp hơn mức tăng GDP kia mà.

Tất nhiên bên cạnh những người nghèo đi thì nhiều người giàu lên, mua nhà mua đất, mua cả ôtô. Nhưng mà lại lạ nữa, về nguyên tắc, ai có thu nhập cao hơn tức là phải có năng suất lao động gia tăng, hoặc thời gian lao động gia tăng. Thế mà nhà kinh tế thấy nhiều người có làm lụng gì vất vả hơn đâu nhỉ, thậm chí nhiều vị đi làm còn thong dong, sáng ra khỏi nhà rõ muộn, tối 4-5h đã hối hả lo đi nhậu. Thời gian lao động ít đi, chắc chắn là ở Việt Nam chưa có ai bị chứng “workaholic” (nghiện việc” như người Nhật Bản cả. Nói về năng suất, thì chắc công việc văn phòng cũng không có biến động lớn về năng suất. Hay là… chả lẽ máy tính của họ tăng tốc độ xử lý nhanh thế, gấp tới mấy trăm lần máy thường? Chắc chả phải. Thế sao họ lại giàu lên gấp mấy trăm lần thế? Chả biết.

Nhà kinh tế thấy hàng nhập lậu từ Trung Quốc lan tràn khắp Việt Nam, và một loạt tờ báo mở chiến dịch “chống hàng Tàu”. Cô ta nghĩ: không được, không được, xét trên quan điểm kinh tế thì không thể vì chống hàng nhập lậu mà đóng cửa thị trường được. Nhà nước phải xem lại chính mình – mình đã thắt chặt luật pháp chưa, mình đã có biện pháp “xử lý quyết liệt” với hàng nhập lậu chưa? Chỉ riêng việc nghiêm chỉnh thực hiện luật pháp cũng đã giúp ngăn chặn đáng kể hàng lậu rồi, chưa cần phải phát động phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, “tẩy chay các chú”. Làm như thế vừa không hiệu quả, vừa tác động xấu tới phong trào quốc tế vô sản.

Nhưng nhà kinh tế cũng sớm nhận thấy là hàng lậu cứ ê hề ra. Một hãng mỹ phẩm cao cấp của châu Âu mà có sản phẩm bán rẻ gần bằng bèo ở Hà Nội, chắc hẳn là hàng Tàu rồi. Qua tìm hiểu, đấu tranh, khai thác, nhà kinh tế (không phải công an đâu nhé) biết mơ hồ rằng quả thật đó là hàng Trung Quốc làm giả, và có một đường dây vận chuyển hàng ấy về thẳng Hà Nội.

- Sao công an không ngăn chặn? – Nhà kinh tế sửng sốt.

- Hỏi ngu nhở? Công an không đứng ra bảo kê thì dễ hàng ấy về tận thủ đô cho cô à? – người ta mắng nhà kinh tế, kẻ đang đứng thộn mặt.

À, ra vậy. Nhà kinh tế đã hiểu. Nhưng cô ta lại nhớ ra, hồi tháng 6, có hai anh thường dân ở đâu đó thấy bức xúc trước tình hình an ninh không tốt, bèn giả làm công an đi trừng trị kẻ xấu. Hai anh thay giời hành đạo chưa được 2 tháng thì đã bị công an bắt, rồi chưa đầy 1 tháng sau đã bị đem ra khởi tố, nhanh chóng đến không ngờ. Chứng tỏ CA mình giỏi phết đấy chớ. Thế mà cứ thấy nói đến chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, y như rằng lại thấy kêu “lực lượng mỏng”.

Thì ra đây là vấn đề “phân bổ nguồn lực” không hợp lý đây mà. Lực lượng công an dồn hết vào những việc xã hội chưa cần, còn việc cần thì chưa thấy công an đâu. Nhà kinh tế đau xót nghĩ vậy.

Lại còn cái này nữa mới lạ chứ. Theo nguyên tắc kinh tế thì ai nắm giữ lợi thế khan hiếm, người đó phải có sức mạnh độc quyền, nói nôm na là khả năng chi phối thị trường, ít nhất cũng là khả năng làm giá cho chính mình. Thế mà nhà kinh tế thấy, có những người nhé, chuyên môn rất khá nhé, giỏi cả tiếng Anh tiếng Pháp nhé, viết lách rất tốt nhé (thị trường nhân công của mình nói chung là năng lực viết và nói, trình bày ý kiến, rất tệ), lẽ ra phải có lợi thế khan hiếm chứ. Ấy vậy mà mức thu nhập của họ một tháng chỉ ngang anh chàng ngồi nghiêng ngửa ở chợ lao động kia thôi (mà không thể nói là anh chàng phu hồ đó có lợi thế khan hiếm được!).

Thế là thế quái nào nhỉ? Nhà kinh tế không sao trả lời được.

Và thế là, nhà kinh tế trong tôi bật khóc!