I dare not describe myself as a patriot. I just believe I am psychologically attached to my country.
Friday, 18 December 2009
Khi nhà kinh tế khóc to
Cái này có lý do nguyên thủy của nó. Thật tình Trang the Ridiculous rất yêu thích môn kinh tế học (dù đã phải trải qua tới gần 5 năm mòn mỏi ở ĐH để nhà trường XHCN chà xát tình yêu của sinh viên đối với cái môn khoa học rất trí tuệ ấy). Bốn năm rưỡi đại học không tiêu diệt nổi sự yêu thích của Trang the Ridiculous với kinh tế học (thế mới gọi là kỳ tích), và sau đấy đi làm báo thì lại càng thích kinh tế học hơn (thế mới khổ). Nhưng tôi cũng tự biết là với trình độ hết sức có hạn của mình thì chẳng thể nào trở thành nhà kinh tế được, nên đành vui lòng làm báo vậy, với một mong muốn là mình sẽ là “một nhà báo có tư duy của một nhà kinh tế”.
Kinh tế học thật sự là môn học rất hay đấy bà con ạ. Đừng để ý tới những gì các trường đại học khối khoa học xã hội ở VN dạy vội, cứ tin lời tôi cái đã nào. Nó vừa như toán học, vừa như xã hội học, vừa như tâm lý học, lại vừa như triết học ấy, rất là vi diệu. Mà trong cuộc sống, nhất là khi làm báo, nếu áp dụng kiểu tư duy như một nhà kinh tế thì nhiều khi chúng ta sẽ thấy rất bình thản, không có gì mà phải bức xúc cả. Ví dụ chúng ta sẽ biết ngay là vấn đề biến đổi khí hậu của thế giới sẽ chưa thể được đồng bào Việt Nam để tai để mắt tới, cho dù VNN – tờ báo điện tử hàng đầu đặt trụ sở ở Việt Nam - có cố đẩy nó lên tin nổi bật, top story đến thế nào đi chăng nữa. Chúng ta sẽ biết là cứ phải từ từ đã, khi nào VN gia nhập đội ngũ các nước khá giả về kinh tế cái đã, thì câu chuyện môi trường cùng những thứ tương tự (trong kinh tế học có cái gọi là chi phí ngoại hiện – externalities – mọi người nhở?) mới được quan tâm đến.
Đại khái thế, còn nhiều ví dụ khác cho thấy nếu tư duy như nhà kinh tế thì ta sẽ bình thản hơn, ít bức xúc hơn.
Ấy thế mà… hix…
Ấy thế mà có những thứ nhà kinh tế chẳng thể nào cắt nghĩa nổi.
Ví dụ nhé, tính GDP của một nước chẳng hạn. Về nguyên tắc là phải hết năm tài chính mới bắt đầu tính được, và việc tính phải kéo dài một thời gian (thì làm sao mà roẹt một cái có ngay kết quả được). Nhưng mà không hiểu Việt Nam mình làm thế nào ấy, lạ lắm, cứ cuối năm là có ngay con số mức tăng trưởng GDP của năm. Nhà kinh tế tư lự mãi, chẳng hiểu tính toán thế đek nào…
Lại nữa. Nếu GDP hàng năm đều có tăng (mà tăng cao chứ đùa đâu, có năm tới 7%, kể cả thế giới khủng hoảng ta vẫn tăng GDP), thì mức sống của người dân nói chung là phải thay đổi theo hướng tăng chứ nhở? Thế mà nhà kinh tế thấy hình như nhiều người dân thành thị và nông thôn nghèo hẳn đi. Không phải do dân số tăng nhanh quá đâu, tỷ lệ tăng dân số ở Việt Nam thấp hơn mức tăng GDP kia mà.
Tất nhiên bên cạnh những người nghèo đi thì nhiều người giàu lên, mua nhà mua đất, mua cả ôtô. Nhưng mà lại lạ nữa, về nguyên tắc, ai có thu nhập cao hơn tức là phải có năng suất lao động gia tăng, hoặc thời gian lao động gia tăng. Thế mà nhà kinh tế thấy nhiều người có làm lụng gì vất vả hơn đâu nhỉ, thậm chí nhiều vị đi làm còn thong dong, sáng ra khỏi nhà rõ muộn, tối 4-5h đã hối hả lo đi nhậu. Thời gian lao động ít đi, chắc chắn là ở Việt Nam chưa có ai bị chứng “workaholic” (nghiện việc” như người Nhật Bản cả. Nói về năng suất, thì chắc công việc văn phòng cũng không có biến động lớn về năng suất. Hay là… chả lẽ máy tính của họ tăng tốc độ xử lý nhanh thế, gấp tới mấy trăm lần máy thường? Chắc chả phải. Thế sao họ lại giàu lên gấp mấy trăm lần thế? Chả biết.
Nhà kinh tế thấy hàng nhập lậu từ Trung Quốc lan tràn khắp Việt Nam, và một loạt tờ báo mở chiến dịch “chống hàng Tàu”. Cô ta nghĩ: không được, không được, xét trên quan điểm kinh tế thì không thể vì chống hàng nhập lậu mà đóng cửa thị trường được. Nhà nước phải xem lại chính mình – mình đã thắt chặt luật pháp chưa, mình đã có biện pháp “xử lý quyết liệt” với hàng nhập lậu chưa? Chỉ riêng việc nghiêm chỉnh thực hiện luật pháp cũng đã giúp ngăn chặn đáng kể hàng lậu rồi, chưa cần phải phát động phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, “tẩy chay các chú”. Làm như thế vừa không hiệu quả, vừa tác động xấu tới phong trào quốc tế vô sản.
Nhưng nhà kinh tế cũng sớm nhận thấy là hàng lậu cứ ê hề ra. Một hãng mỹ phẩm cao cấp của châu Âu mà có sản phẩm bán rẻ gần bằng bèo ở Hà Nội, chắc hẳn là hàng Tàu rồi. Qua tìm hiểu, đấu tranh, khai thác, nhà kinh tế (không phải công an đâu nhé) biết mơ hồ rằng quả thật đó là hàng Trung Quốc làm giả, và có một đường dây vận chuyển hàng ấy về thẳng Hà Nội.
- Sao công an không ngăn chặn? – Nhà kinh tế sửng sốt.
- Hỏi ngu nhở? Công an không đứng ra bảo kê thì dễ hàng ấy về tận thủ đô cho cô à? – người ta mắng nhà kinh tế, kẻ đang đứng thộn mặt.
À, ra vậy. Nhà kinh tế đã hiểu. Nhưng cô ta lại nhớ ra, hồi tháng 6, có hai anh thường dân ở đâu đó thấy bức xúc trước tình hình an ninh không tốt, bèn giả làm công an đi trừng trị kẻ xấu. Hai anh thay giời hành đạo chưa được 2 tháng thì đã bị công an bắt, rồi chưa đầy 1 tháng sau đã bị đem ra khởi tố, nhanh chóng đến không ngờ. Chứng tỏ CA mình giỏi phết đấy chớ. Thế mà cứ thấy nói đến chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, y như rằng lại thấy kêu “lực lượng mỏng”.
Thì ra đây là vấn đề “phân bổ nguồn lực” không hợp lý đây mà. Lực lượng công an dồn hết vào những việc xã hội chưa cần, còn việc cần thì chưa thấy công an đâu. Nhà kinh tế đau xót nghĩ vậy.
Lại còn cái này nữa mới lạ chứ. Theo nguyên tắc kinh tế thì ai nắm giữ lợi thế khan hiếm, người đó phải có sức mạnh độc quyền, nói nôm na là khả năng chi phối thị trường, ít nhất cũng là khả năng làm giá cho chính mình. Thế mà nhà kinh tế thấy, có những người nhé, chuyên môn rất khá nhé, giỏi cả tiếng Anh tiếng Pháp nhé, viết lách rất tốt nhé (thị trường nhân công của mình nói chung là năng lực viết và nói, trình bày ý kiến, rất tệ), lẽ ra phải có lợi thế khan hiếm chứ. Ấy vậy mà mức thu nhập của họ một tháng chỉ ngang anh chàng ngồi nghiêng ngửa ở chợ lao động kia thôi (mà không thể nói là anh chàng phu hồ đó có lợi thế khan hiếm được!).
Thế là thế quái nào nhỉ? Nhà kinh tế không sao trả lời được.
Và thế là, nhà kinh tế trong tôi bật khóc!
Saturday, 14 November 2009
Thầy ngoại, trò nội
"... Nhưng hòa trong xu hướng mời chuyên gia quốc tế tới Việt Nam diễn thuyết, có những công ty đã tranh thủ mời cả những nhân vật rất bình thường của thế giới sang Việt Nam, vẫn tổ chức quảng cáo ồn ào và thu phí dịch vụ theo kiểu cao cấp". (http://www.tuanvietnam.net/moi-thay-ngoai-den-day-tro-noi)
Bài đăng lên, cũng nhận được dăm chục email thóa mạ, cũng đoán được là những ai gửi. Tuy nhiên, đến hôm nay, sau 1 năm, nếu có thể viết lại chủ đề này, tôi vẫn bảo lưu ý kiến cũ, đồng thời muốn bổ sung thêm một ý: Rất nên thận trọng với tất cả các hội thảo, các buổi nói chuyện, các khóa học ngắn hạn mà trong đó diễn giả là những học giả - giáo sư, tiến sĩ v.v. - (có thể rất nổi tiếng ở) nước ngoài được mời đến Việt Nam.
Tony Buzan, Michael Porter, Tom Cannon... hay là ai đi nữa, khán giả cũng nên cân nhắc trước khi mua/ xin được vé vào dự hội thảo của họ. Bởi vì họ không hiểu Việt Nam. Tôi không nghĩ có giáo viên nào có thể dạy TÔT cho những học sinh mà họ hoàn toàn không hiểu.
(Tất nhiên điều này không có nghĩa là tôi phản đối việc người Việt Nam du học nước ngoài - đó là chuyện khác.)
+++++++
Nhân tiện ném đá thầy Michael Porter thêm phát nữa: http://www.tuanvietnam.net/nam-lam-chuyen-cua-bao-chi-viet-nam
(... Một chiến dịch truyền thông đồ sộ và hoành tráng thông báo sự kiện “cha đẻ của chiến lược cạnh tranh” Michael Porter sang thăm Việt Nam. Một hội thảo quy mô lớn với hơn 700 doanh nhân, trong đó rất đông người là CEO, giám đốc của các tập đoàn, công ty nước ngoài, liên doanh lớn ở Việt Nam. Một chương trình truyền hình dạng talk show nổi tiếng, phát sóng toàn quốc, với khách mời riêng là GS Michael Porter. Tất cả đã tạo nên hình ảnh vị chuyên gia số 1 thế giới về cạnh tranh.
Michael Porter đúng là một học giả đã dành cả sự nghiệp của mình vào nghiên cứu về cạnh tranh, từ cấp vi mô trong mỗi doanh nghiệp, tới cấp vĩ mô của một quốc gia. Việc mời ông sang Việt Nam nói chuyện với các nhà quản trị kinh doanh của chúng ta là quá tốt, chẳng có gì phải tranh cãi nữa.
Nhưng ở mặt kia của vấn đề, giá như báo, đài có thể kiềm chế sự háo hức để phản ánh, dù chỉ một chút thôi, những cái “chưa được” trong lý thuyết của Michael Porter.
Giá như các khán giả xem truyền hình, các độc giả của báo in, biết rằng những lập luận của Porter đã và đang tiếp tục gặp phải nhiều phản biện gay gắt từ các nhà kinh tế và giới nghiên cứu quản trị kinh doanh.
Giá như các nhà báo có đủ kiên nhẫn để đọc hết bộ ba cuốn sách của GS Michael Porter, để thấy rằng Lý thuyết "5 lực đẩy" nổi tiếng cũng như nhiều lý giải khác của ông tỏ ra vừa phức tạp vừa đơn giản hóa vấn đề tới mức thái quá. Phức tạp ở sự dài dòng, nhiều câu chữ. Đơn giản hóa thái quá ở chỗ: Ở tầm vĩ mô, nó tập trung nghiên cứu những quốc gia đã cạnh tranh thành công - tức là những nước phát triển. Mà nước phát triển thì, than ôi, luôn là thiểu số!
Ở tầm vi mô, công trình cũng nghiên cứu nhiều doanh nghiệp thành công và không thành công điển hình, nhưng đó là doanh nghiệp ở những nền kinh tế khác, thị trường khác, tóm lại là ở hoàn cảnh khác so với Việt Nam. Doanh nhân ta có xách cặp tới học Michael Porter thì cái lớn nhất rút được chắc chỉ là ý niệm về xây dựng chiến lược cạnh tranh. (Cố nhiên, có ý niệm vẫn còn hơn là không).
Saturday, 7 November 2009
NHỮNG ĐỨA TRẺ LỚN TUỔI
Thầy giáo người Pháp kia bèn giơ máy ảnh chụp cả lớp, rồi bản thân ông cũng chạy vào ngồi cùng học sinh, tạo dáng, bấm máy, lăng xa lăng xăng, loay ha loay hoay… Trong khi đó, ông giáo người Paris đứng đợi nơi góc lớp với vẻ mặt hết sức kiên nhẫn và điệu bộ thì lịch thiệp.
Chờ cho đồng nghiệp chụp xong loạt ảnh và chào cả lớp ra về, khuất hẳn, ông mới quay sang học sinh và mỉm cười độ lượng:
- Các bạn thông cảm. Anh ấy là người Marseille.
Cả lớp cười ồ lên. Bạn tôi không thích kiểu đùa có vẻ miệt thị, địa phương chủ nghĩa ấy, nên hỏi vặn:
- Người Marseille thì sao, thưa thầy?
- Thì thích chụp ảnh. Tất cả người Marseille đều thích chụp ảnh.
Ông giáo Paris nháy nháy mắt, le lưỡi. Sau đó, tự nhiên ông đế thêm: “Và cả người Việt Nam cũng vậy”.
Câu chuyện đột ngột xoay hẳn sang chủ đề “tính cách dân tộc”. Ông giáo hăng hái liệt kê một loạt đặc điểm của người Việt Nam trong mắt ông. Học sinh cũng hăng hái phụ họa hoặc phản bác. Không khí sôi nổi. Ông giáo tỏ ra thẳng thắn, nói rằng: “Người Việt Nam thích chụp ảnh, thích khoe ảnh, hay tin vào những điều hết sức buồn cười, hay đi cúng bái và kiêng kỵ đủ thứ”. Ông chốt hạ bằng một câu ngắn gọn, làm học sinh nhao nhao phản đối: “Tôi thấy người Việt các bạn đúng là những đứa trẻ lớn tuổi”.
* * *
Câu chuyện bạn tôi kể lại cho tôi chẳng có gì làm tôi quan tâm. Dù sao thì đó cũng là một lớp học ngoại ngữ, nhiều khi những ý kiến thầy giáo đưa ra chỉ có tính “khêu gợi” cho học sinh thảo luận, thực hành tiếng, chứ nội dung quan trọng quái gì. Tuy nhiên, tôi rất thích cụm từ “những đứa trẻ lớn tuổi”, vì thấy nó ứng dụng được vào nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, chẳng hạn...........
(TỰ KIỂM DUYỆT)
Tuesday, 27 October 2009
Tám về Lê Văn Tám
Còn lần đầu tiên tôi nghe nói rằng Lê Văn Tám không có thực là vào năm 1998, từ một nhà báo cựu trào của Hà Nội Mới. Tôi còn nhớ rõ hôm đó mình đã điên tiết như thế nào vì cảm thấy mình (và hàng triệu dân ngu k.đen khác) bị lừa. (Bây giờ thì hết bực rồi vì đã biết ngành Tuyên truyền có nghĩa vụ xây dựng hình tượng lịch sử, nhưng tôi tin là người nào lần đầu tiên nghe những chuyện này cũng đều cảm thấy ít nhiều tức tối hoặc bị tổn thương).
Theo một tài liệu (ở nước ngoài, không tiện nêu tên ở đây), thì Nguyễn Bá Ngọc cũng không có thật. Anh Ngọc lấy thân mình che bom cho mấy em nhỏ, thiếu nhi xưa từng hát ca ngợi "anh qua đời, gương anh còn soi" ấy.
Thế này có lẽ Ngô Mây, Phạm Ngọc Đa cũng... cũng... ? Riêng anh Phạm Ngọc Đa thì ngay từ hồi còn bé, ngồi trong lớp nghe cô giáo đọc truyện về anh, mình cứ thấy làm sao ấy: Trẻ nông thôn miền Bắc ngày trước mà tên hay thế, mà sao trẻ con chịu đau giỏi thế, sợ thật.
Dưới đây là trích đoạn một bài viết về vụ Lê Văn Tám, trên báo Thế giới (Hà Nội) số 39 (154) ngày 27/9/04 (trang 22-23). Khác với GS Phan Huy Lê nói rằng ông Trần Huy Liệu (quan chức kháng chiến cũ, sau nghiên cứu lịch sử, trở thành nhà sử học) là người tạo nên "huyền sử một người mang tên Tám", bài viết dưới đây có một câu gán trách nhiệm về việc này cho (các nhà tuyên truyền và) đạo diễn Phan Vũ.
* * *
Tạp chí Xưa & Nay số 154 (202) - XII - 2003, bài Đọc hồi ký Dương Quang Đông trọn đời tận trung với Đảng tận hiếu với dân của Nguyễn Quế Lâm, trang 9, có đoạn viết:
"Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nay bác Năm Đông đưa ra một tư liệu khác. Tổ đánh mìn kho đạn Thị Nghè là công nhân nhà máy đèn Chợ Quán gồm có Ka Kim, Kỷ và Nỉ. Ka Kim là chỉ huy. Kỷ và Nỉ dùng thuyền nhỏ chở mìn chờ lúc con nước ròng đưa thuyền chở mìn và hai người chui qua ống cống thoát nước. Vì lính gác chặt chẽ nên hai anh tiến hành công việc đặt mìn rất chậm. Khi đặt xong đến giờ điểm hỏa thì con nước đã lớn, ống cống ngập lút không ra được. Giờ điểm hỏa phá tung kho đạn Thị Nghè cũng là giờ phút hy sinh của hai công nhân nhà máy điện Chợ Quán.”
Tôi (tác giả bài trên báo Thế Giới) xin có một vài ý kiến nhỏ, rất mong được các bạn đọc góp thêm, để tìm đúng sự thật.
Có nhiều bài báo, có cả sách viết về Lê Văn Tám. Rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có nào là tượng đài, công viên, đường phố mang tên Lê Văn Tám, trường học Lê Văn Tám...
Tuy nhiên, nếu nghiêm túc về nguồn để tìm kiếm sự kiện lịch sử có thể sẽ nảy sinh những thắc mắc: liệu Lê Văn Tám có phải là người thật việc thật, từng lập nên chiến công oanh liệt? Xin nêu bốn điểm thắc mắc:
1. Qua tên gọi Lê Văn Tám, với tập quán đặt tên của người miền Nam, có thể suy ra Tám có sáu anh chị ruột lớn hơn (không kể các em). Năm 1946, Tám khoảng 10 tuổi như vậy phỏng đoán các anh chị của Tám hơn 10 tuổi đến hơn 20 tuổi. Qua 1975, tức 30 năm sau, anh chị của Tám khoảng chừng từ 40 đến 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, rất nhiều khả năng trong số sáu anh, chị của Tám có người vẫn còn sống (ngay cha mẹ của Tám cũng có thể còn sống với lứa tuổi từ 60-80). Trước 1975, có thể họ không dám nhận là anh chị của Tám, nhưng sau khi cách mạng thành công, tại sao không thấy ai đứng ra nhận vinh dự (và cả quyền lợi) cho gia đình? Nếu gia đình khiêm tốn không nhận công lao kháng chiến, các cơ quan chức năng cũng phải đi tìm. Ngành thương binh xã hội phải lập danh sách gia đình có công, ngành viết lịch sử phải tra cứu thân thế sự nghiệp.
Chẳng lẽ tất cả sáu anh chị của Tám đều đã chết yểu ở độ tuổi từ 20 đến 30? Ngay cả trong trường hợp chuyện này xẩy ra, hẳn chú bác, cô dì của Lê Văn Tám thế nào cũng có người còn sống, vì Tám ở ngay vùng Thị Nghè chớ nào phải xa xôi, hẻo lánh gì?
Để làm rõ hơn, đề nghị nên đăng thông báo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, cả trung ương lẫn địa phương, tìm người thân của Lê Văn Tám.
2. Chỉ nghe kể Lê Văn Tám là giao liên, nhưng không thấy nói cụ thể Tám là giao liên cho đơn vị nào. Phàm đã hoạt động cách mạng, thời chống Pháp cũng như chống Mỹ, dứt khoát phải hoạt động trực thuộc một đơn vị nào đó (như Thành đoàn, Công đoàn, Binh vận, Biệt động thành, Trinh sát vũ trang, Địch vận v.v.), không ai có thể một mình một cõi, tự tung tự tác, muốn hoạt động ra sao cũng được, dù là tự thiêu, phá hủy kho đạn của địch.
Thực tiễn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn cho thấy đến tình báo hoạt động cũng phải có tổ chức. Đơn vị của Tám không đứng ra báo công trường hợp người của đơn vị mình là thiếu sót lớn, không phải để hưởng tiếng thơm lây, mà là có tội che giấu thành tích của người làm nên lịch sử. Vậy đơn vị nào có chiến sĩ Tám, cần nhanh chóng làm các thủ tục này. Không lẽ cả đơn vị lớn nhỏ đều hy sinh hết? Nhiều trường hợp cả đơn vị hy sinh, vẫn có nhiều người biết do cuộc chiến tranh của chúng ta luôn được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ giúp đỡ.
3. Thông thường, theo nguyên tắc quân sự, kho đạn nào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là khu quân sự cấm người lạ mặt lai vãng, ngoài cổng luôn có lính gác "vũ trang đến tận răng". Trong kho lại có nhiều nhà kho, mỗi nhà kho đều có cánh cửa luôn khóa chặt, đạn được bỏ trong thùng. Chỉ khi có người đến lãnh đạn hoặc quan hệ công tác, trình giấy tờ hợp lệ và đầy đủ, lính gác mới mở cổng cho vào. Tiếp đó, phải có lệnh của trưởng kho, thủ kho mới mở khóa, giao đạn.
Đằng này Lê Văn Tám chạy một hơi từ cổng đến tận nhà kho chẳng thấy lính tráng nào ngăn cản, cứ như xông vào chỗ không người, tất cả mọi cánh cổng, cánh cửa kho đều mở rộng như chờ đón sẵn!
4. Giả sử Lê Văn Tám đã điều nghiên kỹ lưỡng, nắm được quy luật của địch, hoặc rơi vào trường hợp may mắn ngẫu nhiên, do lính gác cổng bị bất ngờ không kịp phản ứng và tất cả mọi tình huống đều thuận lợi cho Tám, thì một người bình thường tẩm xăng đốt mình cháy như cây đuốc sống cũng khó chạy bộ một quãng vài chục mét. Nhà kho, nhất là kho đạn, không phải nhà mặt tiền, chí ít cũng phải qua cổng gác rồi cách vài chục mét.
Hình tượng Lê Văn Tám được đưa lên như thế nào? Người sáng tác hình tượng này là đạo diễn phim truyện Phan Vũ.
Theo ông Phan Vũ kể, ông không hề viết rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thực lập nên kỳ công "cây đuốc sống", mà chỉ viết một phim truyện. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn. Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi.
Thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các các sự kiện lịch sử.
Nguồn: Báo Thế giới (Hà Nội) số 39 (154) ngày 27/9/04 (trang 22-23).
Monday, 26 October 2009
Sức ép lên những người anh hùng
Người ta cứ hay nói mấy cô chú teen là “đang ở độ tuổi thèm thần tượng”, nhưng tôi nghĩ hình như con người dù ở tuổi nào cũng đều có nhu cầu có thần tượng, không cứ thế hệ trẻ. Thần tượng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều chia sẻ một số đặc điểm: anh hùng (can đảm), tài ba (thông minh, học giỏi, nhiều sáng kiến), và trẻ đẹp. Chính vì thế mà trong những nhóm người có khả năng trở thành thần tượng của xã hội thì các anh hùng trong chiến tranh là một nhóm ứng cử viên quan trọng.
Chiến tranh là khoảng thời gian khắc nghiệt của xã hội, hay nói một cách văn học thì đó là “hoàn cảnh điển hình để các cá nhân bộc lộ con người mình” - ai sợ chết, ai không sợ chết đều lộ ra cả. Vì vậy, các anh hùng trong chiến tranh dĩ nhiên là đạt được phẩm chất đầu tiên: can đảm. Nếu không thì, ngoài họ, còn ai dám hy sinh cho cách mạng?
Tương tự, chiến tranh cũng là khoảng thời gian đòi hỏi người ta phải thông minh, tuy rằng kiểu thông minh có thể khác thời bình (hơi khác hay là rất khác thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là phải khác). Các anh hùng nhiều khả năng là đều đáp ứng được điều kiện thứ hai. Người có khả năng cãi nhau tay đôi với mật thám Pháp bằng thứ tiếng của chúng, như đồng chí Trần Phú. Người có tài nhại tiếng động vật - chó, mèo, hổ, báo, sư tử... như một giao liên nào đó (tôi quên tên). Người võ giỏi như anh Hồng Quang. Người lại hát hay như chị Sáu...
Riêng phẩm chất thứ ba thì có một chút lấn cấn: trẻ đẹp.
Dường như trong vô thức, tất cả chúng ta đều mặc định anh hùng là phải trẻ đẹp. Có hình ảnh nào lãng mạn cho bằng hình ảnh Triệu Tử Long mặt trắng môi đỏ tả xung hữu đột giữa trận tiền? Hình ảnh em gái hậu phương đứng như quê hương trong cánh rừng ào ào lá đỏ, bụi Trường Sơn nhòa trời lửa? Hình ảnh Nguyễn Viết Xuân đứng thẳng, đôi mắt như lửa sôi, với câu nói bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”? v.v. Chúng ta thèm được thấy họ đẹp, đẹp rực rỡ như mặt trời trên chiến trận. Chúng ta thèm được thấy Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Khương, Tư Phùng (tức chị Sứ), Võ Thị Sáu đẹp sắc sảo, mặn mà, duyên dáng biết bao.
Trước tình hình đó, trước nhu cầu đó, các cây viết, đặc biệt là nhà báo - những “thư ký của thời đại”, “thư ký của lịch sử” như thời đại và lịch sử vẫn tôn vinh - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm đẹp cho các anh hùng anh thư. Không tin bạn cứ mở những bài báo viết về thương binh liệt sĩ ra thì sẽ thấy: Trăm phần trăm những người anh hùng đều có đôi mắt trong, gương mặt hiền lành, nụ cười đôn hậu v.v. Các nữ anh hùng, nếu sinh ra ở miền biển, sẽ có làn tóc dài mượt, làn da mặn mòi rám nắng và nét cười đằm thắm. Nếu sinh ra trên núi, các chị sẽ có nước da trắng như trứng gà bóc, đôi môi hồng đào, giọng hát trong veo của chim sơn ca v.v.
... (tự kiểm duyệt một đoạn)
Thực tế nhiều khi chẳng chiều "lòng người đọc ý nhà báo" gì cả.
Có bữa ngồi tán phét với mấy người bạn về chủ đề làm phim tài liệu lịch sử, tôi càu nhàu: “Sao có mỗi Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Trỗi với Nguyễn Viết Xuân là đẹp trai nhỉ?”. Đám bạn mắng cho một trận: “Điên à? Đẹp thì người ta đã đi thi hoa hậu, ai làm cách mạng cho mày?”
Thì biết thế rồi, đã hẳn rồi, mình có nói gì quá đáng đâu. Nhưng tôi vẫn cứ... tiêng tiếc, vẫn cứ thèm được thấy các liệt sĩ đẹp ngời ngời như cách chúng ta được hướng dẫn để hình dung về họ. Suy cho cùng đó là một thứ áp lực, một gánh nặng, một sức ép đè lên những người anh hùng của chúng ta. Cuộc sống mãi mãi là như thế.
Thursday, 8 October 2009
Ngỗng con bị táo bón
http://bauxitevietnam.info/c/11814.html
TS kinh tế Nguyễn Đức Thành: “Trong khoa học về chiến lược, có khái niệm gọi là “hiệu ứng con ngỗng con”. Khi con ngỗng ra đời mà bị cách ly với mẹ, nó có thể tưởng nhà bác học chăm nuôi nó chính là mẹ, và nó sẽ đi theo nhà bác học đó như thể đó là ngỗng mẹ vậy.
Hiện tượng tương tự xảy ra trong kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển: Các nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển, đi sau, rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí sao chép một cách có chủ ý từ nền kinh tế có quy mô lớn hơn, gần gũi mình và đi trước mình, vì nghĩ rằng như thế là tốt, là ưu việt".
Từ hai phát biểu trên, suy ra: VN là con ngỗng con bị táo bón...
Hay đổi title là thế này nhỉ? Việt Nam - ngỗng con bị táo bón
Thôi lại nói nhảm rồi :-((
Monday, 14 September 2009
Cảm ơn mọi người nhiều lắm!
Em đã ứa nước mắt khi đọc những dòng chia sẻ của tất cả mọi người (cho phép em gọi các bác, các cô chú, anh chị em bằng một từ không được tình cảm và trang trọng lắm như vậy). Em rất cảm động và biết ơn, cảm ơn mọi người nhiều lắm. Vì nếu không có sự chia sẻ và ủng hộ đó, chắc gì em đã được tại ngoại.
Em vẫn khỏe, chỉ bị tê hai tay (chắc là do không được gõ bàn phím thường xuyên mà thôi :-). Về nguyên nhân của việc em bị bắt, vào thời điểm này (cho đến khi nào chưa rõ), em không thể nói được vì đã nhận yêu cầu như vậy. Em chỉ có thể khẳng định (như đã khẳng định trước cơ quan điều tra) là em không làm chính trị, không tham gia và không đại diện cho bất kỳ đảng phái, tổ chức nào. Em mong mọi người hiểu cho hoàn cảnh em lúc này và không hỏi gì về vấn đề mà em không thể nói.
Em luôn biết ơn và trân trọng tấm lòng của tất cả mọi người: gia đình, tòa soạn, Tổng Biên tập, các đồng nghiệp ở VietNamNet, các đồng nghiệp trong và ngoài nước, bạn bè… Cảm ơn một số nhân viên điều tra đã khách quan và công bằng trong quá trình làm việc với em.
Em cũng muốn xin lỗi tất cả những người có thể vì em mà gặp phiền phức, nhất là gia đình và tòa soạn – mong mọi người hiểu rằng em không hề chủ định như thế. Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn - tất cả.
TB: Hôm thứ sáu 4/9, nick chat của em có sáng lên nhưng đó không phải là em, tuy nhiên nếu anh chị em nào có nhắn gì em lúc đó thì bây giờ có thể nhắn lại ạ.
Thursday, 28 May 2009
Ném đá hội nghị
Biết chắc chắn là sau khi viết bài này, sẽ có ít nhất một người bảo mình là “ngu như chó”. So sánh thế không đúng đâu, vì chó khôn và trung thành, còn Trang the Ridiculous thì vừa dại vừa phản trắc, chẳng thích “trung” với ai cả. Vậy nên cứ viết và bốt bài lên đây vậy. Muôn năm cái anh Internet!
*
* *
QUỐC HỘI TA HIỀN THẬT!
Tuần đầu tiên của kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XII, vừa kết thúc với một loạt vấn đề được đặt lên bàn nghị sự, thảy đều là các vấn đề được dư luận quan tâm. Rõ ràng là QH đang ngày càng gần với vai trò đại diện cho người dân. Nhưng bên cạnh đó, những ngày họp cũng cho thấy, vẫn còn nhiều điểm phải được “chuyên nghiệp hóa” để có một QH chất lượng hơn.
* “Gãi trúng chỗ ngứa” của dân
Dường như, trong lịch sử hoạt động của QH từ năm 1946 tới nay, không nhiều kỳ họp của QH thu hút sự chú ý của dân chúng như khóa XII này: suốt từ chủ trương sát nhập Hà Nội – Hà Tây tới chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, mỗi chủ trương được đưa ra trước QH khóa XII đều là một lần được người dân nơi nơi quan tâm đặc biệt, từ quán nước tới công sở.
Chỉ mới tuần đầu tiên, kỳ họp thứ năm của QH khóa XII đã đặt lên bàn nghị sự nóng bỏng nhiều vấn đề, mà nổi lên là chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên của Chính phủ (CP).
Với việc vấn đề này được bàn thảo “nóng sốt” ngay trong tuần đầu, có thể thấy QH đã và đang “gãi trúng chỗ ngứa” của người dân và vì thế, đang ngày càng tỏ ra có vai trò trong đời sống chính trị của đất nước. Ít nhất, cũng làm người dân bớt đi cảm giác “QH nhà mình hình như toàn… nghị gật”: Chủ trương đã quyết, CP chỉ báo cáo, QH không có quyền.
Không chỉ với dân chúng trong nước, QH cũng đã thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng mấy triệu người Việt hải ngoại, qua việc đưa lên bàn nghị sự hai vấn đề quan trọng: nhà ở cho Việt kiều và bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thấy rõ đó, QH cũng để “lộ” ra một vài khía cạnh cần chuyên nghiệp hóa.
* QH ta hiền khô...
Về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, dư luận hể hả khi thấy có những đại biểu QH tỏ ra quyết liệt: QH “muốn CP gửi báo cáo riêng về bô-xít ngay trong tuần này” (tức là tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp).
Ví dụ, đại biểu Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban (UB) Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, đề nghị “CP và QH phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu nắm được tình hình, nếu cần thì phải chất vấn cho rõ chuyện”.
Và quả thực là ngày 23-5 (ba ngày sau khi khai mạc kỳ họp), CP đã có báo cáo gửi QH về việc triển khai các dự án bô-xít.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như các đại dự án bô-xít không thuộc về một chủ trương lớn của đất nước, rất phức tạp về chuyên môn trên tất cả các mặt khoa học, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng. Như vậy, một cách… khoa học thì đại biểu QH cần được báo cáo kỹ từ trước khi kỳ họp khai mạc, thay vì ngồi vào họp rồi mới quyết liệt đề nghị CP gửi báo cáo.
Và người dân có thể lo lắng: trong một vài ngày họp (dĩ nhiên không kéo dài câu chuyện bô-xít tới một tháng QH họp), các đại biểu QH, với tầm hiểu biết chuyên môn hạn chế trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghiệp khai thác khoáng sản, sẽ xử lý ra sao với một bản báo cáo dài dằng dặc, đòi hỏi thời gian đọc, hiểu, nghiền ngẫm, suy xét?
Trước đó, bên cạnh những đại biểu bày tỏ “mong muốn” CP chuẩn bị một báo cáo chuyên đề để đệ trình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cũng đã “nhắn” Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, “nhắc” CP “ngay trong tuần này phải có báo cáo riêng về bô-xít gửi tới các đại biểu”.
“Việc này CP đã giao Bộ Công thương rồi”, ông Võ Hồng Phúc đáp.
Thật ra thì, một QH “nghiêm khắc” sẽ không phải “mong muốn”, “nhắn nhủ” gì CP cả, mà là yêu cầu giải trình trước một thời hạn cụ thể, và CP phải gửi báo cáo từ trước khi họp, cũng như phải chỉ định rõ ràng ngay từ đầu rằng Bộ nào sẽ thực hiện công việc này.
Cách làm đó xem chừng hợp lý hơn là việc CP để QH ngồi vào bàn họp rồi mới đệ trình báo cáo, đẩy các đại biểu vào thế “nước đến chân mới nhảy”, việc đến cổ mới quyết, rồi Bộ này “kính chuyển” nhiệm vụ cho Bộ kia, v.v…
Từ vài chuyện nho nhỏ như vậy, có thể rút ra một nhận xét cũng nho nhỏ như thế, là: QH ta… hiền thật!
*... Và xuề xòa nữa
“Cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam”. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu QH mổ xẻ mạnh mẽ khi bàn về dự luật cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Điều này quan trọng và kể ra cũng là một nội dung hấp dẫn của kỳ họp QH, ngoài chuyện nó là một việc tưởng chừng như hiển nhiên: cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, không bảo vệ công dân Việt Nam thì còn bảo vệ ai?
Sự việc gợi nhớ lại một chuyện phiếm ngày trước, khi có đại biểu nêu vấn đề “người bị án tù phải vào tù”. Bởi lẽ, đại biểu này quá bức xúc trước tình trạng nhiều kẻ bị tòa kết luận phải ngồi tù rồi vẫn… tung tăng ở ngoài.
Dù sao, đây cũng không phải là “lỗi” của QH. Chỉ có điều, vấn đề cho thấy QH của chúng ta đang phải dành quá nhiều thời gian cho những việc lẽ ra không cần bàn mà mặc nhiên là phải được thực hiện từ rất lâu.
Các ĐSQ cố nhiên là có chức năng đại diện cho Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình. Thế nhưng, từ trước đến nay, nhiều tòa đại sứ Việt Nam ở nước ngoài dường như chỉ có nhiệm vụ cấp hộ chiếu, làm giấy tờ đăng ký kết hôn, hoặc đứng ra vận động các phong trào, hô hào các dịp lễ lạt, chứ chức năng “bảo vệ” kia không thấy có, hoặc rất nhạt nhòa.
Về chuyện này, chính Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Trần Đình Nhã kể, có lần đi công tác nước ngoài, ông đã chứng kiến công dân Việt Nam bị giam tới 2-3 năm nhưng sứ quán Việt Nam vẫn không hay biết (!)
Điều đáng nói ở đây là công dân Việt Nam có khi cũng không biết mình được hưởng quyền “kêu cứu tới sứ quán”. Vậy, nếu họ bị bắt mà không kêu thì cơ quan đại diện cũng có lý do để không làm gì cả. Hòa cả làng!
Nghĩ mà thương, giá như QH ta bớt được thời gian dành cho những việc hiển nhiên như thế (nêu vấn đề “cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam”), thì đã có thể dồn thì giờ ra quyết định, kiểm tra và giám sát trong nhiều lĩnh vực khác.
Mà muốn bớt thời gian cho những chuyện hiển nhiên phải được thực hiện như vậy, đã hẳn là QH cần “nghiêm khắc” hơn.
* Để QH “nghiêm khắc” hơn…
Trong những vấn đề cụ thể như chủ trương khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, sẽ là rất khó khăn cho các ĐBQH trong việc chất vấn, tranh luận về chuyên môn (với TKV và những người ủng hộ chủ trương này).
Như chính ĐB Dương Trung Quốc đã nói với “VietNamNet”: "Tôi là đại biểu QH mà còn chẳng biết mô tê ra làm sao. Ngay tại hội thảo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trong khi báo cáo phản biện được thực hiện bằng một cuộc điều tra tại thực địa của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đưa ra con số lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch khá cao, thì ông Phó Chủ tịch tỉnh sở tại chỉ đưa ra con số không bằng 1/10".
Trong điều kiện thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn, QH hoàn toàn có thể đặt hàng một nhóm nghiên cứu độc lập để kiểm tra toàn bộ thông tin về đại dự án khai thác bô-xít, và tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi QH phải hoãn ra quyết định một thời gian. Có kiểm tra thì mới có thể ra quyết định và tiến tới giám sát (nếu dự án được thực hiện).
Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một quan hệ “rạch ròi” hơn, “dứt khoát” hơn giữa QH và CP. Sẽ khó có chuyện như ông Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cho biết, rằng “Ủy ban Thường vụ QH và CP đã họp bàn và thống nhất báo cáo chung của CP về các vấn đề kinh tế - xã hội sẽ nêu một đoạn về bô-xít Tây Nguyên”.
Trên nguyên tắc (và theo Luật Tổ chức QH năm 2001), QH và UB Thường vụ QH không cần họp với CP để thống nhất báo cáo chung. Thay vì thế, CP có nghĩa vụ đệ trình báo cáo sớm, đúng hạn, để QH phán xét, kiểm tra và biểu quyết.
Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của QH đòi hỏi sự chuyên nghiệp: đặt hàng cơ quan giám sát độc lập, nâng cao chất lượng đại biểu. Nếu ngay cả đến đại biểu cũng chưa ý thức rõ ràng về vai trò tối cao của QH (trường hợp của ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, khi QH chưa họp đã vội vã tuyên bố “chắc chắn hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít”), thì chúng ta chưa thể có một QH thật sự đại diện cho nhân dân.
Dù sao đi nữa, một quan hệ độc lập, nghiêm túc, không còn mang nặng tính “người nhà”, giữa CP và QH, là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của QH.
Monday, 20 April 2009
Bài cũ cóp lại
Nhớ Sài Gòn nên post một bài vào tháng 11 năm ngoái, mà lúc viết cứ có cảm giác như để tặng Sài Gòn. Tiện đây tự hỏi sao nhiều người lại phải “yêu ghét phân minh” giữa Hà Nội và Sài Gòn. Với Trang the Ridiculous thì cả hai thành phố đều đáng yêu cả, đáng yêu trong sự khác biệt và tương đồng. “In my life, I love them all.”
Còn về cái bài viết dưới đây thì thật chán là đến giờ phút này vẫn không viết được tên đầy đủ của các nhân vật – mà mình thì chúa ghét cái trò để tên tắt kiểu anh A. chị X. v.v.
+++++++
Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975
“Báo chí SG cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy cổ lắm, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"... Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không bị lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, hầu hết các báo không sống nhờ quảng cáo mà nhờ độc giả” - một nhà báo của SG trước 1975 nhớ lại.
Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.
Và rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?
"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. “Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học ĐH Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.
Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.
Sinh ngữ thành tử ngữ
T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v.
Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.
Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi.
Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: "Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…".
Thông tín viên và phóng viên
Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent).
Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"... để bán cho các báo.
Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt.
Ông Y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".
Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm.
Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình Phú" (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc.
"Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế".
Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.
Báo Sài Gòn cũ - mỗi tờ mỗi vẻ
Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại TP HCM), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "Ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ.
Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.
Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối.
Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.
Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).
Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long...
Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".
Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị - xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.
Và những nỗi thất vọng
Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".
Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt.
Ông Y. thở dài: "Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".
Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.
Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.
Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng.
Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều. Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".
Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.
Saturday, 11 April 2009
Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên
Truyền thống của làng báo điện tử Việt Nam là bài nếu có cái sai nhỏ thì len lén vào sửa, có cái sai lớn thì rút xuống phi tang. Nay Trang the Ridiculous xin phép giẫm đạp lên truyền thống: không sửa, để nguyên các lỗi và khuyến cáo bạn đọc thận trọng với đoạn có gạch dưới.
Cảm ơn chị Lilia đã nhắc nhở. Tiếc là em không có thời gian để làm một entry chi tiết về tranh cãi Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy và một entry nghiêm túc về hội thảo bauxite hôm 9/4 vừa rồi.
+++++++
Kể ra cũng thú vị khi chứng kiến những cuộc tranh luận dữ dội như vụ Trương Nhân Tuấn vs. Dương Danh Huy (về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông), Trịnh Cung vs Trịnh Công Sơn và các độc giả vs nhau, hoặc bên ủng hộ và bên chống các dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Sẽ rất ngạo mạn nếu tôi nói rằng các cuộc tranh luận tuy có rất nhiều ý kiến và các bài viết, tham luận dài dằng dặc, nhưng đều có thể được tóm tắt lại chỉ trong một số ý chính khá… đơn giản (nhưng ra phán quyết ai đúng ai sai, giải pháp cuối cùng v.v. thì lại không đơn giản).
Vụ Trương Nhân Tuấn đả Dương Danh Huy (từ “đả” ở đây không hàm ý xấu, tôi dùng chỉ vì nó là một từ ngắn) chẳng hạn. Tranh cãi quyết liệt, người này bảo người kia thỏa hiệp (thậm chí nặng hơn - gián điệp Tàu), hoặc sai lầm trên phương diện khoa học… Tôi không hiểu mình có nhầm không – cái óc nặng nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu mới hiểu. Nhưng vừa theo dõi vừa nghĩ thì thấy hai ông khác biệt nhau ở điểm này:
Dương Danh Huy: Việt Nam nên đề nghị vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Hoàng Sa và quanh Trường Sa. Ít thế thôi, để còn giữ hòa khí với các nước Đông Nam Á, cùng các nước đó chống lại đối thủ lớn là Trung Quốc. Đừng tiếc. Ở đời phải biết mình là ai chứ.
Trương Nhân Tuấn: Việt Nam dứt khoát phải có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh Hoàng Sa và Trường Sa, để mất vào tay Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, coi như mất cả chủ quyền trên Biển Đông. Không lùi bước, không có mặc cả gì cả, biết Trung Quốc thế nào mà thỏa hiệp; hay là muốn bán nước à?
Về mặt luật quốc tế, 12 hải lý hay 200 hải lý là đúng thì tùy định nghĩa về HS – TS, là đá hay là đảo. Chỗ này luật quốc tế lại không quy định rõ ràng, cụ thể nên giải thích kiểu gì cũng được; HS – TS là đá mà cũng có thể là đảo... Vậy vấn đề chốt lại chỉ là phản ứng của Trung Quốc và khu vực sẽ thế nào với các đòi hỏi của VN, và cách ứng xử với Trung Quốc nên ra sao… Nhưng cái này thì ai mà biết! Có khi Trung Quốc và cả khu vực sẽ lồng lên, bảo Việt Nam tham lam, rồi căng thẳng gia tăng, tranh chấp mãi không bên nào nhịn bên nào. Có khi Trung Quốc sẽ nhún vì thấy đuối lý hoặc vì “mềm nắn rắn buông”. Chịu, không đoán được.
Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy. Hội thảo 9/4 tại khách sạn lớn Melia Hà Nội được xem như sự kiện lịch sử - hình như đây là lần đầu tiên từ năm 1975 có phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự án (mà đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là đúng, và rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác).
Tuy nhiên toàn cuộc tranh luận kéo dài từ 8h30 sáng đến 6h30 tối này, theo thiển ý của ngu Trang the Ridiculous, cũng có thể được tóm tắt lại như sau:
Bên phản đối dự án nêu các lý do môi trường, quốc phòng, hiệu quả kinh tế… để đề nghị stop dự án. Bên ủng hộ (nhà đầu tư + chính quyền TW và địa phương) đáp (cực kỳ thành khẩn): Vâng, vâng, chúng tôi biết, chúng tôi xin tiếp thu hết các ý kiến tâm huyết và xác đáng của các nhà khoa học. Chúng tôi cam kết sẽ không để những rủi ro đó xảy ra. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm xã hội chứ, các vị yên tâm. Chúng tôi hứa. Chúng tôi thề.
Kiểu như, bên khoa học bảo: Dự án này gây ô nhiễm môi trường!
Bên đầu tư trả lời: Vâng, đúng là có gây ô nhiễm. Nhưng công nghệ hiện giờ cho phép xử lý ô nhiễm. Chúng tôi xin cam đoan sẽ sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường.
Bên khoa học: Dự án này lôi kéo bao nhiêu người Trung Quốc vào Việt Nam, nguy hiểm lắm, hại an ninh quốc phòng lắm.
Bên đầu tư: Vâng, vâng. Chúng tôi sẽ hạn chế số người Trung Quốc vào Việt Nam. Và quả thật là cho đến giờ cũng mới có 500 người Trung Quốc tới Tây Nguyên để làm công tác giám sát dự án thôi mà, có làm gì đâu. Sau này chúng tôi sẽ đào tạo dân địa phương làm việc (mà cũng đang đào tạo rồi đấy), không tuyển người Trung Quốc đâu ạ.
Bên khoa học: Hiệu quả kinh tế của dự án thấp!
Bên đầu tư: Vâng, đúng là trước kia, theo tính toán của chúng tôi, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng tính toán xong thì lại có khủng hoảng kinh tế (đời nó lại chó thế chứ! – Trang the Ridiculous), vậy nên hiệu quả chắc sẽ giảm – giảm bao nhiêu thì chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh lại và sẽ công khai!
(Chỗ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói một câu mà tôi thấy rất dân dã và đi vào lòng người: “Anh San (ông Phạm Bích San, đại diện VUSTA) có nói là hiệu quả kinh tế của dự án thấp. Vâng, đúng. Thấp thôi, chỉ thấp thôi, chứ lại như các đồng chí nào đó bảo là lỗ thì buồn quá! Làm dự án mà lại để lỗ thì buồn quá!”).
* * *
Nhà đầu tư (Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, TKV) đã chuẩn bị rất kỹ các luận điểm luận cứ để khẳng định rằng họ sẽ cư xử rất có trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của vùng… Sẽ không để ai nghèo đói, không để môi trường bị tàn phá, không để văn hóa vùng bị mai một, không để an ninh quốc phòng bị đe dọa. Những gì các chuyên gia của TKV trình bày đều hợp lý, khoa học. Chưa kể nhiều chỗ chắc chắn là họ - những người trong ngành khoáng sản - hiểu hơn tất cả mọi chuyên gia thuộc các ngành khác, lý lẽ họ đưa ra chắc chắn chặt chẽ hơn.
Nhưng ở đây chỉ nổi lên 2 vấn đề:
1/ TKV là một doanh nghiệp. Vậy thì, chính phủ và TKV ơi, xin hãy đặt chức năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu, còn chuyện trách nhiệm xã hội thì để sau đi. Ai cần TKV hy sinh tiền của đầu tư cho dự án bauxite, mà chỉ để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. TKV cứ lo việc làm ra lợi nhuận cho mình đi đã.
2/ TKV hứa sẽ làm tất cả để xã hội yên tâm về dự án: nhập công nghệ tốt, đào tạo nhân lực địa phương tốt, giám sát nhà thầu Trung Quốc thật cẩn thận, tóm lại là sẽ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng v.v.
Nhưng, nếu TKV không thực hiện được như thế thì sao nhỉ?
Giá như có một điều luật nào đó (hay một cái gì tương tự) nói rằng: OK, cứ triển khai đi, nhưng nếu TKV không làm được như cam kết, thì lãnh đạo TKV bị xử bắn, nhân viên TKV bị bỏ tù v.v. Thì chắc là sẽ chẳng có chuyện “Chúng tôi hứa, xin Đảng, Nhà nước và Nhân dân cứ an tâm” đâu. Khéo lại chả còn dự án nào nữa ấy chứ.
Tóm lại, xin được khái quát hóa vụ tranh luận về bauxite hôm 9/4 vừa rồi như thế này: A và B bất đồng ý kiến. A bảo B làm việc ấy, việc ấy sẽ đi vào sai lầm. B xin tiếp thu và hứa sẽ làm mọi cách để sai lầm không xảy ra. A hết nói.
+++++++
Kết: Trang the Ridiculous không bảo là A đúng B sai hay ngược lại đâu nhé, chỉ khái quát hóa, giản lược hóa cuộc tranh luận như vậy thôi. Còn A, B đúng sai thế nào, tương lai sẽ trả lời.
Dù vậy, nói nhỏ với các bạn, theo thiển ý của ngu Trang thì… khó mà tin ở trình độ quản lý, giám sát và công nghệ của nhà mình lắm, hẹ hẹ. Tuy nhiên, sau này nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng sẽ không được biết đâu, nên khuất mắt trông coi, ta cứ yên tâm.
Còn các thế hệ sau ta phải tự lo đời chúng nó chứ. “Trẫm chết rồi, đời sau thế nào thì mặc” (Louis XIV).
Thursday, 2 April 2009
Phim hành động: Nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi toàn quốc viết về biển, đảo VN
(Chép nguyên xi từ thông cáo báo chí) Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW, lần đầu tiên khởi xướng, với thành phần Ban tổ chức gồm Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Quảng Ninh, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Tiền Phong, được chính thức phát động tại Hà Nội ngày 30 tháng 3 năm 2009.
Tham dự và chủ trì cuộc họp báo có ông Đào Duy Quát, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo TW, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức; ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng ban thường trực; các vị lãnh đạo các Bộ, ngành; đại diện hơn 60 cơ quan báo đài TW và địa phương (gớm, làm gì đến, các bác cứ đỗ tương lên quá thể) đã đến dự và đưa tin cùng đông đảo khán thính giả quan tâm tới Cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” đã đến dự. (Câu này lủng củng nhưng xin chép nguyên để tỏ sự trung thành với tinh thần bản gốc).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Duy Quát nhấn mạnh:
- Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ. Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại???
Cho nên là, các đồng chí ạ, cái quán triệt cái tư tưởng là phải rất sâu sắc. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương là phải rất sâu sắc…
Ông Quát phát biểu độ 45 phút nhưng tôi không ghi âm thêm nữa vì sợ máy hết pin, đại khái là như vậy.
Từ hôm ấy không khí viết lách về Biển Đông yêu dấu, chủ quyền, quyết tâm bảo vệ chủ quyền v.v. có vẻ rộn ràng hơn thì phải. Ừ, viết thì viết chứ sợ gì. Tiền cả đấy. Cuộc thi viết sẽ có 3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích. Giá trị quy ra tiền mặt của các giải thì người dân vào website chính thức của cuộc thi mà xem, dangcongsan.vn.
Lim dim ngồi dưới nghe bác Quát lim dim phát biểu, chợt hình dung nếu như đây là một bộ phim hành động Mỹ, có thể một phóng viên nam nào đấy (đẹp trai, dĩ nhiên) sẽ đi thẳng lên bục, tóm cổ áo bác Quát và nói rít qua kẽ răng:
- Fuck you! Mất rồi phải không?
Bác Quát sẽ lúng túng gỡ tay anh ta:
- Mất, mất cái gì? Anh muốn gì?
- Tôi hỏi, mất hết biển hết đảo rồi phải không?
- Anh điên à? Bỏ tay ra. Công an đâu! Giữ anh này lại.
Anh nhà báo sẽ cười nhạt:
- Tôi thấy không có lý do gì để Đảng và Nhà nước cho báo chí và nhân dân viết về biển đảo Việt Nam vào lúc này. Bao nhiêu lâu nay không ai được mở miệng nói về Hoàng Sa Trường Sa Cát Vàng Cát Dài, sao bây giờ lại thoải mái thế? Chỉ có thể là đã mất hết rồi, hoặc sắp mất, vào tay Trung Quốc, nên các vị cho dân chúng nói và viết, cốt để dọn đường cho sau này có cớ mà nói: “Đấy nhá, báo chí viết rồi nhé, toàn dân tham gia hưởng ứng bảo vệ chủ quyền rồi nhá, Đảng cũng cố gắng hết sức rồi đấy, dân chủ lắm rồi đấy… mà mất vẫn hoàn mất. Đấy là tại Trung Quốc mạnh quá, ép ta quá thôi, chứ đâu phải ta không cố sức?”.
Chàng nhà báo nói đến đấy thì cả tá công an xô lại. Có xung đột. Đấm đá. Chửi rủa. Cử tọa ở dưới rú lên… Trường đoạn này trong phim hành động thường kết thúc ra sao thì xin các khán giả tự tưởng tượng tiếp nhé. Trang the Ridiculous chỉ nghĩ được đến đấy rồi gục mặt xuống bàn ngủ mất.
Tuesday, 17 March 2009
Entry for March 17, 2009
“Trong đàm phán lãnh hải với Trung Quốc, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học giả Việt Nam”.
Như thường lệ, tôi xin nhắc lại mẫu câu “không trách xyz được”. Người ta không thể ăn bánh mì, uống nước lã để nghiên cứu một việc không mang lại lợi nhuận nhiều và ngay lập tức. Người ta không thể yêu nước và yêu khoa học mãi. Cái niềm vui, sung sướng khi phát hiện ra nước mắm ra đời đầu tiên ở VN chứ không phải TQ, dần dần cũng phải tắt ngỏm khi giá thức ăn ở chợ lên vùn vụt và có một loạt hóa đơn tới kỳ thanh toán.
Tôi hiểu các học giả cũng ngại lắm chứ, khi phải động chạm vào vấn đề HS-TS, quan hệ Việt- Trung, tranh chấp lãnh hải. Học giả ngại là phải thôi, đến ký giả viết về lĩnh vực này còn ngại. Bởi vì, nói thật chứ, viết về HS-TS, quan hệ V-T, tranh chấp lãnh hải mệt bỏ mợ!
Phải chính xác tuyệt đối này, với dạng bài ấy một lỗi cũng không thể chấp nhận được.
Lại còn phải… khoa học này, đủ để không bị ai nói “con này tinh vi sờ ti con lợn sứ, biết đếch gì về luật biển, địa lý, cổ sử mà nói lăng nhăng, chỉ hại người đọc”.
Lại còn phải… dễ hiểu này, để ai đọc cũng hiểu, kể cả với các vấn đề như công pháp quốc tế, địa chính trị, sử học v.v.
Lại còn phải… hấp dẫn này, để ai thoáng nhìn thấy cũng phải lao vào đọc, và đọc cho kỳ hết (chứ đừng di chuột một phát xuống dưới bài rồi ấn backspace).
Lại còn phải… tế nhị, không nhạy cảm này, không động chạm này, cấm được nói thẳng những câu như “chính phủ ơi, ngươi ngu/ đểu lắm!!!”.
Lại còn phải… thẳng thắn này, không bóng gió, không ẩn dụ ẩn diếc gì cả, để ai cũng hiểu được. (Cái vụ hiểu nhầm, Trang the Ridiculous dính chưởng mấy lần rồi, phát sợ).
Lại còn phải… nhanh này, vì biết đâu chỉ ngày mai thôi là không bài nào lên được nữa.
Lại còn phải… sâu sắc này, để những người đi sau không dễ qua mặt.
Lại còn phải… nhân ái này, bảo vệ bằng được các nhân vật liên quan.
Tóm lại là mệt. Mà bài viết ra chắc gì đã được đăng? Nhà mình thì cũng chả có sổ đỏ ở HS - TS nữa. Đúng là "gái góa lo việc triều đình".
Xem ra đòi hỏi cũng giống như khi người ta bảo "người phụ nữ tốt phải là một mệnh phụ phu nhân trong phòng khách, một đầu bếp tài ba trong phòng bếp và một con điếm hạng nhất trong phòng ngủ".
But I am just a little woman, you know. Anyway, I’d rather stop moaning now so that you blog readers won’t feel tired.
Monday, 2 March 2009
Ma Chiến Hữu
Gửi tác giả Vũ Hoàng Linh của bài viết “Ma chiến hữu – bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?”
Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Bài viết của tác giả đã được đẩy lên mạng vào hồi 10h sáng thứ hai, ngày 2/3, và tới 14h30 cùng ngày đã bị dỡ bỏ.
Để tỏ lòng trân trọng đối với tác giả, chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết này trên blog (như ở dưới). Chúng tôi rất tiếc không thể làm gì hơn.
Tiếp ngay sau đây sẽ là một phần việc hứa hẹn mang lại nhiều mệt mỏi và buồn tẻ. Đó là phần QUY TRÁCH NHIỆM. Mặc dù vậy, chúng tôi xin hứa sẽ đảm bảo sự trong sạch tuyệt đối cho tác giả.
Trân trọng
++++++
Ma chiến hữu - bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?
02/03/2009 11:29
"Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương, sự vướng lụy giữa con người và ma quỷ". Đó là lời giới thiệu nằm ở bìa 4 tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn, tác phẩm kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Tên sách: MA CHIẾN HỮU
Tác giả: Mạc Ngôn
Dịch giả: Trần Trung Hỷ
Phát hành: NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam
*****
Cuốn sách này nằm trong bộ sách 7 cuốn (*) của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ.
Mạc Ngôn hẳn là một cái tên không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông như Báu vật của đời, Đàn hương hình… từng gây xôn xao trên văn đàn Việt Nam, và nằm trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường. Chúng cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cách viết và đề tài viết của các nhà văn Việt Nam.
Không có độ dày đồ sộ như Báu vật của đời và Đàn hương hình, Ma chiến hữu là một cuốn sách mỏng, chưa đầy 200 trang.
Tiểu thuyết Ma chiến hữu (dịch từ tên tiếng Trung “Chiến hữu trùng phùng”, Nhà xuất bản Dân tộc xuất bản năm 2004) kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Mở đầu tiểu thuyết là cuộc hội ngộ giữa hai cựu chiến binh Quân Giải phóng Trung Quốc nhiều năm sau chiến tranh: Triệu Kim - cũng là nhân vật kể chuyện, giữ chức Tiểu đội phó trong chiến tranh và nay là sĩ quan Quân Giải phóng, và Tiền Anh Hào - thượng sĩ trong chiến tranh, nay là một hồn ma.
Triệu Kim và Tiền Anh Hào là hai người bạn thân từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo tại một tỉnh miền nam Trung Quốc, từng cùng nhập ngũ và ở chung đơn vị, từng cùng mê say một cô gái, nhưng lúc này, họ thuộc hai thế giới vừa cách biệt lại vừa hòa quyện vào nhau.
Cuốn tiểu thuyết phảng phất chất u linh như trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh: Các nhân vật người và ma gặp gỡ nhau trên cành cây, cùng uống rượu, câu cá, tán chuyện với nhau, hồi tưởng lại các kỷ niệm hồi nhỏ, và nhất là các kỷ niệm trong quân ngũ.
Thân phận người lính Quân Giải phóng Trung Quốc đi qua chiến tranh được Mạc Ngôn mô tả bi thảm, ngậm ngùi. Đó là người lính “đại anh hùng” Tiền Anh Hào sau khi thành ma: “Bộ quân phục của anh ta đã mục nát, tôi vừa chộp tay vào là nó đã rách toác trông như một loại giấy bồi bị thấm nước… Gương mặt đầy mụn sần sùi màu đỏ bầm đã kề sát mặt tôi: té ra là người cùng làng, là đồng đội của tôi, là Tiền Anh Hào, người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chin trăm bảy mươi chín trong một trận phản kích”.
Đó là Quách Kim Khố, cựu chiến binh, trở về quê cùng quẫn, cay đắng, chỉ biết đánh vợ, chửi bới, uống rượu và đập phá. Đó là Triệu Kim, cô độc sau chiến tranh, bạn bè thì kẻ chết, người như hóa dại.
“Chẳng cần người chết phải bận tâm”
Sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh này (từ phía Trung Quốc) được Mạc Ngôn mô tả rất tài tình. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Tiền Anh Hào, người làm gì cũng dễ dàng, từ ném lựu đạn, đánh giáp lá cà cho tới “cưa gái”. Tiền Anh Hào được bạn bè dự đoán sẽ nổi bật trong chiến tranh, sẽ thành tư lệnh trong tương lai, sẽ lập nên sự nghiệp hiển hách, hùng tráng…
Nhưng kết cục của vị tráng sĩ này lại hết sức lãng xẹt. Anh ta tử trận trong trận đánh đầu tiên của mình, khi chưa lập được “chiến công” nào cho Giải phóng quân Trung Quốc. Nguyên nhân chỉ tại cái mông nhô lên quá cao của viên Tiểu đội trưởng nhát gan khiến cả tiểu đội lính Trung Quốc trở thành mồi cho pháo kích của đối phương. Ở đây như thể có một tiếng cười mỉa mai của tác giả, hay một lời than tiếc cho một cuộc chiến tranh “đầu voi đuôi chuột”, danh bất xứng nên ngôn cũng bất thuận.
Cái nhìn phê phán của Mạc Ngôn với cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979 còn được thể hiện qua tâm trạng đau xót của một ngàn hai trăm linh bảy hồn ma lính Trung Quốc tử trận. Đó là nỗi đau về thể xác, như lời bài thơ của một thi sĩ - tử sĩ trong quân đội Trung Quốc:
“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,
Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.
Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,
Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!”
Nhưng còn nữa là nỗi đau tinh thần, là tâm trạng bàng hoàng, cay đắng của hàng ngàn hồn ma quân sĩ từng hăm hở xông trận khi nhận ra họ chết vô nghĩa. Dẫu cho những lời huấn thị của viên chính trị viên sư đoàn có hăm hở thế nào cũng không làm khuây khỏa được tâm sự của họ.
Thêm một chi tiết đáng chú ý: Khi những người lính này chết trận, họ vẫn sinh hoạt quân ngũ như khi còn sống, và vẫn được chính trị viên chỉ đạo tư tưởng: “Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”.
Có thật là “chủ nghĩa anh hùng”?
Trên lời quảng cáo ở bìa 4 bản dịch tiếng Việt của cuốn sách có nhắc tới “chủ nghĩa anh hùng”. Tôi không rõ đó là lời đề tựa của tác giả, của dịch giả, của nhà xuất bản phía Trung Quốc, hay nhà xuất bản Việt Nam.
Cũng không rõ dụng ý của Nhà Xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam là gì khi giới thiệu cho bạn đọc về “chủ nghĩa anh hùng” của những người lính nước ngoài từng tham chiến ở Việt Nam.
Dù sao đi nữa, tôi cũng không tìm thấy lời ca ngợi chủ nghĩa anh hùng trong Ma chiến hữu, chỉ tìm thấy trong đó tâm trạng rã rời, xót xa của những người lính Trung Quốc. Điều Mạc Ngôn muốn nói hẳn không phải là chủ nghĩa anh hùng mà là tình đồng đội của những người lính cùng đi qua chiến tranh, ngay cả khi cuộc chiến đó bị lột trần, trở nên vô nghĩa trong mắt họ.
Có thể nói, Ma chiến hữu là “cố gắng” hiếm thấy của Nhà xuất bản Văn học khi giới thiệu cho độc giả Việt Nam tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng viết về chiến tranh biên giới 1979. Từ đó, độc giả có thể biết thêm cách nhìn của người Trung Quốc, nước láng giềng gần gũi với Việt Nam trong hơn 1000 năm qua.
Cuốn sách cũng như một lời gợi nhớ tới những sự kiện tháng Hai năm 1979, những sự kiện mà người Việt Nam chúng ta không bao giờ được lãng quên, khi có nhiều chiến sĩ và đồng bào đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc vì bom đạn chiến tranh.
Chỉ tiếc rằng lời gợi nhớ ấy lại đến từ một tác phẩm của nước bạn, và cho đến nay, vì nhiều lý do, người đọc Việt Nam khó lòng tìm thấy trong rừng sách xuất bản hàng năm những cuốn sách của các tác giả Việt Nam viết về cuộc chiến tranh này. Trong khi ở Trung Quốc, các nhà văn như Mạc Ngôn có thể viết về chiến tranh 1979, các cựu chiến binh có thể viết hồi ức về nó thì ở nước ta, hình như nó lại là một đề tài “nhạy cảm” nên tránh?
Gần đây, tập truyện ngắn Rồng đá của hai nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành bị thu hồi vì một số truyện bị coi là “có vấn đề”, trong đó có truyện ngắn Chú Mìn Phủ và tôi lấy bối cảnh chiến tranh biên giới 1979. Trong khi đó, tiểu thuyết Ma chiến hữu đề cập tới cùng cuộc chiến tranh đó của một tác giả Trung Quốc lại được phát hành.
Ở khía cạnh nào đó, việc không in Chú Mìn Phủ và tôi cũng có những lý do nhất định: Truyện khai thác sự ghê rợn và tàn bạo trong chiến tranh với những tình huống giật gân. Thế nhưng sự có mặt của Ma chiến hữu và sự vắng mặt của Rồng đá, hay những tiểu thuyết, hồi ký khác của Việt Nam về chiến tranh biên giới, trên các kệ sách cũng cho thấy sự bất hợp lý trong công tác xuất bản tại Việt Nam. Nên chăng có một sự đánh giá cởi mở và khách quan hơn cho các nhà văn của chúng ta?
Như lời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói trong một bài trả lời phỏng vấn: “Sự thực phải được nói ra. Mình chỉ nói sự thực thôi. Sự thực không được nói là cắt xén lịch sử. Như vậy sẽ nguy hiểm, bất lợi cho thế hệ mai sau”.
Đừng trách nếu các thế hệ tương lai của Việt Nam thờ ơ với lịch sử dân tộc, biết về Càn Long nhiều hơn về Quang Trung, về Đặng Tiểu Bình nhiều hơn về các nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ 20.
Có gì lạ đâu khi họ biết về “tài đức” của Càn Long qua các bộ phim truyền hình được “nhập khẩu” rộng rãi, chứ không biết rằng vị vua nhà Thanh này từng gửi hơn 20 vạn quân đưa Lê Chiêu Thống về nước năm 1789. Có gì lạ đâu khi những cuốn sách ca ngợi “nhà cải cách vĩ đại Đặng Tiểu Bình” được bày bán rộng rãi nhưng các phê phán về chuyện “đối nội, đối ngoại” của nhân vật lịch sử này lại hầu như vắng bóng.
Vũ Hoàng Linh
(*) Bao gồm các cuốn: Châu chấu đỏ, Bạch Miên Hoa, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Hoan lạc (tiểu thuyết - bút ký), Người tỉnh nói chuyện mộng du (tạp văn). Tất cả các cuốn này đều do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ, Công ty Văn hóa Phương Nam cùng Nhà Xuất bản Văn học liên kết phát hành.
Tuesday, 17 February 2009
Tình biên cương
30 năm ngày Trung Quốc kéo quân sang “dạy cho Việt Nam một bài học”. Các thái thú Tàu đã kịp chỉ thị cho báo chí Nam Man trật tự, không được đả động gì tới “cuộc chiến biên giới phía Bắc”. Đấy là phía dân man thôi, còn phía thượng quốc vẫn có thể ôn cố tri tân thì phải (mình không biết tiếng Trung nên không dám phán bừa, nhưng chuyện thiên triều bật đèn xanh cho hệ thống truyền thông phi chính thống bàn thảo thì vốn vẫn có).
Không nói được thì hát vậy. Báo chí Nam Man đành ngồi nhớ lại các ca khúc của một thời chống Tàu mà hát vụng với nhau.
Và không viết hết trên báo được thì tung lên blog vậy. Vì chúng tôi biết, rằng viết về dòng nhạc biên giới này, chúng tôi vẫn còn nợ vài tác giả một lời nhắc tới họ. Như Ngày thơ Việt Nam đã luôn bỏ qua thơ văn của một nửa nước thời kỳ trước 1975, cái bài viết về “dòng nhạc biên giới” dài tới 2000 từ kia thiếu vài ca khúc không thể nào quên.
Xin tạ lỗi với Nguyễn Văn Đông và Châu Kỳ, hai nhạc sĩ Sài Gòn cũ. Bài hát của họ không được lưu hành, thêm nữa cái biên giới mà họ đề cập không phải là biên giới phía bắc, đưa vào sẽ lệch dòng. Nhưng làm sao quên được những câu hát thống thiết ấy.
Đèn hỏa châu
thắp đỏ từng đêm biên giới xa xôi.
Nhìn đèn không gian, đi hoang tìm kỷ niệm
Hôm nào mình ly biệt,
Anh dặn dò rằng mai mốt anh về… (Đêm hỏa châu – Châu Kỳ)
Cờ về chiều tung bay phấp phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ… (Chiều mưa biên giới – Nguyễn Văn Đông)
Chẳng có bài hát phản chiến tiếng Việt nào đẹp đến thế, đẹp như Chiều mưa biên giới.
Khi nào cái biên giới lòng người này hết hẳn nhỉ? Để mình có thể “thú nhận” rằng mình yêu nhạc vàng cũng như yêu nhạc xanh, nhạc đỏ; rằng mình yêu Rừng lá thấp cũng không kém gì Đường hành quân đi giữa mùa xuân…
Bên cầu biên giới nữa. Hay nhất là lúc trùng hẳn xuống “Nhưng đường quá xa vời. Hương trời vẫn mê mải...”. (26 tuổi mà cụ Phạm Duy đã viết “tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa”, thế mới biết cụ cả nghĩ thật, giống Trang the Ridiculous ).
Suy cho cùng, thời bình, âm nhạc có tội gì đâu?
+++++++
Trích một bức thư gửi Trang the Ridiculous:
Quý Đoan Trang mến (dịch từ tiếng Anh “Dear Đoan Trang”),
1. Bài viết đánh Tàu ở tầm an toàn có thể, như thế tốt cho sức khỏe đấy.
2. Từ trước tới giờ, xem ra có mỗi cụ Lý Thường Kiệt nhà ta, vì lẽ bị sex confused nên mới phẫn chí lên đánh Tàu, mà lại thắng mới bỏ mẹ. Giá mà lúc ấy có tác phẩm "Bóng" thì xem ra cụ đã được an ủi hơn đôi chút và ở yên nhà với các chị các dì rồi.
3. Lần sau viết bài đề nghị gửi qua cho anh em đồng chí xem trước, đừng vì vài ba cốc trà Lipton rẻ tiền pha sữa nóng mà hung hăng đòi bọn Tàu phải khuất phục văn hóa Đại Việt như thế. Nhìn mà xem, hàng hóa và văn hóa của chúng nó ở khắp nơi, trong khi mình có mỗi đôi mắt nhìn tinh tường và cái giỏ xe có khóa.
Ôi, sao nỡ bỉ ta quá thế?