Friday, 26 February 2010

PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG: AI ĐƯỢC QUYỀN TUYÊN BỐ?

Kính báo: Em viết các bài bình luận "phát ngôn & hành động ấn tượng" ở đây (hàng tuần) thuần túy là cho vui, không nhằm mục đích gì to tát. Các bác, các anh chị em, các bạn có thể comment hoặc không, em sẽ không xóa comment nào (vì tôn trọng tự do ngôn luận :-) ), nhưng tốt nhất là không để lại ý kiến gì, hoặc nếu comment xin các bác, các anh chị em, các bạn giữ tinh thần khách quan và sử dụng ngôn từ trung tính, để không tạo cảm giác "cực đoan", "tụ tập". Em cảm ơn ạ.

Xin mượn tên tác phẩm trinh thám nổi tiếng của Julian Semyonov (và bộ phim cùng tên), “Tass được quyền tuyên bố”, để định danh chủ đề nổi bật trong một số phát ngôn của tuần này. Ai được quyền tuyên bố, khi nào được tuyên bố… - đó cũng chính là một trong các khía cạnh của minh bạch thông tin và tự do ngôn luận ở một quốc gia.

* * *

“Người dân tinh lắm…”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Trần Đình Nhã, nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, khi được hỏi về lý do dường như ông ít phát biểu, góp ý, chất vấn tại các phiên họp QH, đã cho rằng: "Người dân tinh lắm. Họ biết QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động. Những hình ảnh đưa lên truyền hình chỉ là một phần, là bề nổi của hoạt động QH mà thôi". (VietNamNet)

Ông cũng lý giải thêm hiện tượng các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban ít khi tham gia chất vấn bộ trưởng: “Vì các vị này có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các bộ trưởng. Có thắc mắc, chất vấn gì thì đã nói trực tiếp rồi chăng và cũng có thể muốn nhường diễn đàn cho ĐB khác, chứ không phải nể nang gì đâu”.

Quả thật đúng như ông Nhã nói, QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động. Đại biểu QH cũng có nhiều kênh và hình thức để góp ý khi tiếp xúc với thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, trên cương vị những người được coi là đại diện cho dân, làm theo những gì cử tri mong muốn, một trong những hoạt động chính yếu của đại biểu QH là sự hiện diện tích cực trong các phiên họp công khai. Đành rằng “người dân tinh lắm”, nhưng tinh gì thì tinh, báo chí - trong đó có truyền hình - vẫn là kênh chủ yếu để dân chúng có thể kiểm tra được một cách rất trực quan về việc tâm tư của họ đã được đại biểu mạnh dạn phản ánh và “đẩy đến cùng” hay chưa. Đành rằng QH có nhiều diễn đàn, nhiều phương thức hoạt động, nhưng người dân đâu có cơ hội được chứng kiến những kênh khác ấy?

Nhìn chung, cho dù QH và Chính phủ đều cùng một hướng đi chung là làm tốt cho dân, cho nước, nhưng mối quan hệ giữa họ không thể mang tính người nhà, để nếu có gì, “ta trao đổi nội bộ”.

Quyền “dân biết”, “dân kiểm tra” được thực hiện một phần ở đấy. Nếu coi một sinh hoạt hết sức quan trọng của các đại biểu - tích cực đăng đàn và chất vấn tại các phiên QH - chỉ “là bề nổi của hoạt động QH” như ông Nhã nhận xét, e rằng… không ổn.


Tất cả đều “được quyền tuyên bố”

Ông Trần Đình Nhã cũng đã đáp lại câu hỏi của một nhà báo về việc vì sao không thấy Ủy ban Quốc phòng - An ninh phát ngôn về vấn đề biển đảo, tàu lạ xuất hiện, ngư dân bị cướp bóc. Ông cho biết:

Tôi đã trả lời những vấn đề đối ngoại thế này, Nhà nước đã phân công người phát ngôn cả rồi, không phải ai cũng “hùng hồn” tuyên bố được cả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã thay mặt Nhà nước ta và nêu chính kiến về điều đó. Nếu có nói, chúng tôi cũng chỉ lặp lại mà thôi”. (VietNamNet)

Ở đây, có lẽ các cử tri có một mong muốn hơi khác với ông: ấy là, những tuyên bố hùng hồn như ông nêu, đáng ra, phải được vang lên càng nhiều, càng nhanh càng tốt, từ tất cả các cấp chính quyền, để thể hiện rõ ràng quan điểm trước sau như một của nhân dân ta, Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta, là kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngoài ra, không nên coi chỉ một cá nhân nào đó được “Nhà nước phân công phát ngôn” là nguồn duy nhất được khẳng định chính kiến của một dân tộc. Thậm chí, trong cuốn “Brand America” (2005), tác giả Simon Anholt và Jeremy Hildreth còn chỉ ra rằng, để thành công về mặt đối ngoại, quốc gia phải có coi mỗi công dân của mình như một vị đại sứ không chính thức, và có chính sách để mọi người dân đều ý thức được điều đó – rằng họ là “người phát ngôn”, người đại diện cho thương hiệu quốc gia, v.v.

Và do vậy, trong các vấn đề lớn của đất nước, chẳng hạn chủ quyền lãnh thổ, mỗi cấp chính quyền, mỗi người dân, mỗi tổ chức đều có thể là “Tass được quyền tuyên bố”. Sự không thống nhất giữa các phát ngôn sẽ không thành vấn đề nếu các chủ trương, chính sách của Nhà nước đều nhất quán trước sau như một và được phổ biến đầy đủ, rõ ràng tới các tầng lớp dân chúng.

Ngoại giao nhân dân khó khăn nhưng đặc sắc và hiệu quả là ở chỗ đó…


Táo quân cũng phải “được quyền tuyên bố”

Trả lời những ý kiến chê chương trình Táo Quân 2010 là nhạt nhẽo, diễn viên Tự Long (thủ vai Táo Giáo dục) cho rằng, những gì anh làm trên sân khấu đã bị cắt xén khi đưa ra phát sóng trên truyền hình.

Những gì tôi làm trên sân khấu là của tôi, còn phần phát sóng lại là sản phẩm khác… Là nghệ sĩ, tôi chỉ biết làm hết khả năng, việc còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào biên tập…”.

Tự Long cho biết thêm: “Tôi không thể nói được trong chuyện này đâu là đúng, đâu là sai vì có nhiều vấn đề mà tôi không thể nói hết”. (Tiền Phong)

Còn người hẳn phải có câu trả lời chính xác nhất là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, GĐ Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC - đơn vị sản xuất chương trình Táo Quân trên VTV), thì có phần lấp lửng: “Để làm một chương trình thì có rất nhiều yếu tố. Những chuyện như thế này, đầu năm mới, tôi không muốn trả lời, thông cảm cho tôi”. (Tiền Phong)

Té ra, một chương trình hài kịch truyền hình thành công hay thất bại không phải do tài năng của đạo diễn, diễn viên và êkip sản xuất quyết định. Vậy còn yếu tố nào quyết định việc hay, dở của tác phẩm? Chúng ta chẳng thể nào biết, vì đến đây các “Táo” không được quyền tuyên bố.

Vẫn hiểu, người nghệ sĩ, người viết thường chỉ diễn, chỉ viết, còn nhiều khi họ không được có tiếng nói, thậm chí, không hề được biết đến đứa con tinh thần của họ, sau quá trình “biên tập”, sẽ ra sao. Khổ thay cho họ, khi tác phẩm ra lò bị người thưởng ngoạn chê dở, nhạt, thì dĩ nhiên họ phải chịu trận chứ không phải những người đứng sau. Khán thính giả không làm sao biết được (và thực ra cũng chẳng cần biết) những tiêu chí “biên tập”, hoặc những yếu tố trong hậu trường, nên cứ chán là chê. Quyền của “người tiêu dùng” mà.

Cũng không thể cấm dư luận dựa vào những thông tin vỉa hè rồi suy đoán rằng Táo Quân 2010 dở là do bị chịu nhiều sức ép, “ngành nọ, ngành kia” lên tiếng can thiệp hoặc đi cửa sau, như báo chí đã đưa.

Trong những trường hợp như thế, thái độ “mũ ni che tai”, thiếu công khai của những người có liên quan, cùng lắm chỉ khiến sự việc chìm xuống, chứ không giải quyết rốt ráo được một vấn đề không nhỏ: Công luận rất muốn được minh bạch thông tin trong mọi vấn đề của xã hội, mà văn hóa nghệ thuật không phải là ngoại lệ!


Không “đào cả rễ” tài nguyên để bán thô

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương) đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 nghìn ha, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; đáng kể là 87% diện tích bị cho thuê ở các tỉnh xung yếu biên giới.

Phát biểu trong vấn đề này, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho rằng nếu diện tích rừng đã cho thuê là rừng phòng hộ thì phải rút ngay giấy phép dự án. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có chính sách công khai, theo đó chúng ta phải cư xử với các nhà đầu tư nước ngoài thật bình đẳng, khi cần lựa chọn giữa nhiều nhà đầu tư chúng ta cũng có cách thức đấu giá đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất… Trọng tâm còn lại là làm sao cho thật công khai, minh bạch”.

Ông Đặng Hùng Võ cũng nhận định: “Không thể để tài nguyên nằm đắp chiếu nhưng cũng không thể “đào cả rễ” lên để bán thô. Nhiều nước lớn, ví dụ như Mỹ hay Trung Quốc đã có chủ trương đóng cửa việc khai thác khoáng sản trong nước, tích cực mua khoáng sản thô của những nước nghèo về để dùng hoặc dự trữ cho con cháu họ dùng.

Trong khi, các nước nghèo thì phải mang tài nguyên đi bán để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt. Nước ta cần phải cân nhắc trước hết việc quy hoạch khai thác hợp lý, phần được khai thác sẽ phải làm theo phương thức đạt hiệu quả kinh tế cao nhất
” (Bee.net)

Như thế, mấu chốt của vấn đề là phải hết sức cân nhắc về hiệu quả kinh tế, cũng như phải thật công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn các nhà đầu tư, để có thể giảm thiểu những rủi ro về mặt an ninh và môi sinh. Các chính quyền địa phương đã tuân thủ những yêu cầu này chưa khi cho thuê dài hạn những khu rừng đầu nguồn, tài sản quý báu của quốc gia?


Lại chuyện phân biệt đối xử công - tư

Trong dự thảo về điều kiện mở ngành đào tạo ở trường ĐH, CĐ, công bố ngày 23/2, Bộ GD-ĐT dự kiến không cho phép trường ngoài công lập đào tạo sư phạm, luật và báo chí.

Ngay sau khi được báo chí đăng tải, lập tức dự thảo đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đặt câu hỏi: “Trường ngoài công lập không đáng tin cậy và nằm ngoài tầm với của nhà nước hay sao? Tại sao lại phân biệt đối xử giữa trường trong và trường ngoài công lập?”.

Ông Quân còn khẳng định: “Tôi cho rằng, không có lý do và cơ sở gì để quy định các trường ĐH ngoài công lập không được đào tạo ba ngành sư phạm, luật và báo chí. Dù chưa phải là quy định chính thức, nhưng dự kiến như vậy chỉ tạo sự phân biệt không đang có giữa hai loại hình trường này. Trong khi đó, trường công và tư chỉ khác nhau về đầu tư, còn hoạt động đào tạo và đóng góp nguồn nhân lực cho xã hội là như nhau”.

Thực ra, khi nghe báo chí đưa tin về dự thảo trên, dù không được biết lý do cụ thể, nhưng công luận cũng dễ nghĩ như ông Quân, rằng dạy luật và báo chí liên quan đến “vấn đề nhạy cảm”. Tuy nhiên, ông Quân đã có lý khi lập luận rằng, trường tư cũng thuộc tầm quản lý của Nhà nước, cũng nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân và do đó, trên nguyên tắc, ngoài những ngành đặc thù như quân đội, công an (chỉ đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành), thì không có lý gì “độc quyền” đào tạo luật và báo chí lại phải thuộc các trường công.

Quan điểm được thể hiện trong dự thảo như thế không chỉ phản ánh cách nhìn cũ kỹ mang tính dè chừng, ngờ vực thời bao cấp, mà còn bất hợp lý, bất bình đẳng, trong khi Luật Giáo dục và chủ trương chính sách của Nhà nước là không phân biệt trường công trường tư.


Ngày thơ dành cho thi sĩ hay công chúng?

Còn hai ngày nữa, vào rằm tháng giêng, Ngày thơ Việt Nam sẽ được tổ chức với những kỳ vọng và sự chuẩn bị rất “hoành tráng”, mang màu sắc đại lễ, nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, sau 6 lần tổ chức, đến nay Ngày thơ Việt Nam vẫn chưa được xác định rõ ràng là dành cho nhà thơ hay dành cho công chúng, và thơ cần chú trọng nội dung hay sự trình diễn.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét: “Dù thế giới có hướng thơ diễn đàn, thơ quảng trường để đọc cho công chúng nhưng theo tôi đây không phải là hướng lớn, không thể phát triển lâu bền, còn Việt Nam xu hướng này hiện quá phát triển… Nhiều người đến ngày thơ để đến xem người ngâm đọc chứ không phải đến vì thơ”. (Pháp luật TP HCM)

Nhà thơ Đỗ Trung Quân thì nói thẳng: “Từ lâu nay tôi không quan tâm đến ngày thơ. Tôi không có nhu cầu xuất hiện đọc thơ ở đám đông. (…) Thơ không nằm ở lễ hội, phải kính thưa… Tôi muốn thơ tôi trên bàn, trên giấy, không muốn lên sân khấu đọc thơ”. Còn theo nhà thơ Lê Minh Quốc, “tất cả hình thức trình diễn, hát thơ, ngâm thơ, đọc thơ… đều không quan trọng”, vì “thơ cần nội dung chứ không phải múa may, trang sức và trình diễn trên sân khấu”.

Những ý kiến trên xét ra đều có lý, nhưng nếu bảo tội tại nhà thơ hoặc nhà tổ chức thì có phần khe khắt quá với họ. Trái với những loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, ca vũ nhạc…, thơ đúng là thứ đòi hỏi người đọc phải nghiền ngẫm, suy tư để có thể tiếp nhận. Nhưng cũng chính vì thế mà sản phẩm thơ khó đến được với người thưởng ngoạn, nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà cuộc sống diễn ra quá vội vàng và công chúng thì có quá nhiều hình thức thưởng thức văn hóa khác.

Như thế, cũng cần giúp cho các tác giả có điều kiện phổ biến rộng rãi - hiểu theo nghĩa được đọc, được diễn, thậm chí... rao bán, tiếp thị - thi phẩm của mình trong khuôn khổ một hoạt động lớn, tầm quốc gia và được công luận để tâm. Âu cũng là sự vinh danh rất đặc biệt cho thơ, một môn nghệ thuật thể hiện rất đậm đà “hồn Việt Nam” và vốn được xem trọng (trong lịch sử).

Vấn đề chỉ là, trong Ngày thơ, các tác giả nên “diễn thơ” như thế nào, tiếp cận người thưởng ngoạn ra sao. Nếu các tác giả coi đó là một ngày của riêng họ, để họ thi thố những ý đồ nghệ thuật của riêng mình mà thôi, thì đúng là Ngày thơ cũng khó trở thành cơ hội tương tác rộng rãi giữa họ và bạn đọc. Nhưng… đó là việc của họ.

Cuối cùng, chí ít, Ngày thơ cũng là dịp để các độc giả có thể gặp gỡ, giao lưu với những “thần tượng” mà trước nay họ chỉ mới “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” trên những trang viết.


Chặt tay “Thiếu nữ ôm hoa” cho giống Thần Vệ Nữ

Hành động ấn tượng của tuần này: Theo công an phường Hải Châu, quận Hải Châu (Đà Nẵng), một người tên là Huỳnh Ngọc La Quang (47 tuổi, trú tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu), đã có hành vi phá hoại, chặt đứt một tay bức tượng đá “Thiếu nữ ôm hoa” được trưng bày trên đường hoa Bạch Đằng trong dịp Tết Canh Dần.

Tại cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc La Quang cho rằng bức tượng “Thiếu nữ ôm hoa” có đầy đủ cả hai tay là không đúng, lẽ ra phải giống như tượng thần Vệ Nữ, nghĩa là phải… cụt cả hai tay. Vì vậy, anh chàng đã về nhà vác búa ra đường Bạch Đằng “chặt tay” bức tượng “Thiếu nữ ôm hoa” để cho giống với tượng thần Vệ Nữ. (Bee.net)

Tất nhiên, hành vi “phê bình nghệ thuật quá đà” này rõ ràng là biểu hiện của “chủ nghĩa vandal”, phá hoại công trình nghệ thuật, vi phạm pháp luật. Tuy thế, nếu… cố nhìn ở khía cạnh tích cực của vấn đề, thì nó cũng cho thấy sự quan tâm của một người dân bình thường tới một tác phẩm nghệ thuật công cộng, nhất là lại có sự so sánh với một tuyệt phẩm của điêu khắc thế giới là Tượng Thần Vệ Nữ. Điều này xưa nay hơi hiếm trong số đông công chúng Việt Nam.

Vì vậy, khi có người tỏ sự quan tâm đánh giá đối với công trình nghệ thuật, dù là dưới một hình thức “bạo lực” như thế này, ta cũng chẳng biết có nên lấy đó làm mừng không?

Tuy nhiên, dẫu sao chúng ta cũng không thể khuyến khích hành vi có tính chất phá hoại nêu trên, kể cả trong trường hợp tác phẩm bị phá không vừa nhãn ai đó… bởi cứ nếu thấy không đúng, không đẹp, là chặt phá, thì số công trình bị hại ở ta sẽ nhiều tới mức nào!

Monday, 15 February 2010

Bài báo nhiều cảm xúc nhất năm 2009

Mặc dù nguyên tắc làm việc của cánh phóng viên, nhà báo, như chúng ta vẫn thường nghe, là lạnh lùng, khách quan, nhưng trong bài báo sau đây thì quả thật Trang the Ridiculous không giữ nguyên tắc được nữa. Câu kết của bài là “Đẹp và cảm động thay là hình ảnh:

Rồi chúng mình yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy
Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương
Và anh lại ra đi, vui như ngày hội
Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa…”

Tôi viết câu cuối mà nước mắt tự nhiên cứ ứa ra. Sau này cũng có được biết là một vài người đã khóc khi đọc “Những bài ca biên giới”, vì "thương Việt Nam quá". Họ chỉ không biết “ký giả” thực sự đã nghĩ gì trong cái đêm viết bài ấy.

Cũng chưa kể với ai là có một đoạn khoảng 300 từ đã bị tác giả tự kiểm duyệt cắt bỏ, vì đó là đoạn nói về bài "Chiều mưa biên giới" - ca khúc nổi tiếng nhất của Nguyễn Văn Đông và đến giờ vẫn chưa được lưu hành lại ở Việt Nam. Tôi thích bài này nhất trong các bài hát về biên giới (tiếng Việt), có điều không thể nhắc tới được vì: 1/ "trật đường lối"; 2/ lạc đề: thực sự đó là biên giới lòng người hơn là biên giới địa lý, và là biên giới giữa Bắc và Nam Việt Nam, còn bài viết dưới đây thì đề cập tới biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên Trang the Ridiculous cũng đã nhét được phần nói về bản "Bên cầu biên giới" của NS Phạm Duy vào bài viết, dù rõ ràng biên giới này lại cũng "lạc đề", phải thú nhận như vậy. Sở dĩ phải cố mà nhét, bất kể lạc đề, là do có "ý đồ": tôi muốn nói rằng biên giới là khái niệm thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam và là cảm hứng đối với các nghệ sĩ, cho dù đó là người chính quyền thật bụng không ưa như Phạm Duy - người mà năm 1950 đã từ chối khai tử "Bên cầu biên giới" và sau đó thì "dinh-tê" về thành. Tóm lại, "nơi địa đầu là của chung mọi người Việt Nam", đại khái là vậy nhưng không nói toạc ra như thế được - thế mới biết các nguyên tắc "ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề" của báo chí phương Tây áp dụng vào ta trong nhiều trường hợp là sai bét!

Có đất nước nào mà "biên giới" lại trở thành cảm hứng sáng tác nghệ thuật như ở ta không? Tôi không rõ. Không có thì hơn.


* * *

NHỮNG BÀI CA BIÊN GIỚI KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
(bài viết nhân 20 năm Chiến tranh biên giới: 17/2/2009 - 17/2/1979)

http://tuanvietnam.net/nhung-bai-ca-bien-gioi-khong-the-nao-quen


Do hoàn cảnh lịch sử, tình yêu quê hương đất nước đã luôn là một chủ đề lớn trong âm nhạc Việt Nam suốt hơn 60 năm qua. Và trong muôn sắc màu của các vùng miền khắp đất nước, từ ngôi làng sau lũy tre mờ xa tới thành phố trẻ, từ Hà Nội trái tim hồng tới Cà Mau cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát… thì biên giới chiếm một vị trí đặc biệt, đã khắc ghi vẻ đẹp của nó trong hàng chục bài hát của một thời.

Không biết trên thế giới, có nền âm nhạc của quốc gia nào có nhiều tác phẩm viết về biên giới như chúng ta chăng? Trong tâm thức người Việt, biên giới dường như là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nó đã là nguồn cảm hứng cho hàng chục sáng tác của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ, đến mức sẽ là không quá nếu nói rằng chúng ta có cả một dòng "nhạc biên giới".


CÓ NƠI NÀO ĐẸP HƠN?

Hẳn nhiên là không phải nhạc sĩ nào cũng từng đặt chân tới miền địa đầu của Tổ quốc, thậm chí có người chưa một lần đến nơi đó để lấy "thực tế". Nhưng tất cả các sáng tác về chủ đề này đều làm toát lên hình ảnh biên cương với một nét chung: đẹp.

Đẹp nên thơ:

Em ơi, có nơi nào đẹp hơn
chiều biên giới
khi mùa đào hoa nở
khi mùa sở ra cây
lúa lượn bậc thang mây
mùi tỏa ngát hương bay...
(Chiều biên giới - nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn, 1980)

Anh ở biên cương,
nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ...
(Gửi em ở cuối sông Hồng - nhạc: Thuận Yến, thơ: Dương Soái, 1979-1980)

Đẹp hùng vĩ và dữ dội:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
(Tây Tiến - nhạc: Phạm Duy, thơ: Quang Dũng)

Cũng như một số nhạc sĩ lấy biên giới làm nguồn cảm hứng sáng tác mà chưa hề thực sự tới "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", người nghe có thể chưa một lần đến biên giới. Nhưng đâu có sao, âm nhạc sẽ đưa chúng ta tới vùng đất ấy, để ta đứng trên đỉnh núi cao thăm thẳm, nhìn khoảng không bao la, mây chiều và khói lam nhà ai bảng lảng dưới bản làng… Hay những đồi đầy nắng gió, bạt ngàn hoa sim tím. Hay nơi rừng âm u, mây núi mênh mông, ngày nắng cháy và đêm giá lạnh… Nghệ thuật là thế, là sức tưởng tượng và khái quát của các nghệ sĩ, là sự cảm nhận đồng điệu của người thưởng thức.

Không rõ bài hát Việt Nam đầu tiên viết về biên giới là bài nào, nhưng ngay từ năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn căng thẳng, khốc liệt nhất, nhạc sĩ Phạm Duy - một trong những gương mặt đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại (tân nhạc) - đã có một sáng tác rất nổi tiếng, Bên cầu biên giới, viết tại thị xã Lào Cai, đúng ở nơi có chiếc cầu phân chia biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Nổi tiếng vì lẽ, ngoài chuyện hay, đó còn là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời ấy. Tuy nhiên, biên giới trong bài hát này hiện lên đẹp thì vẫn đẹp, mà mang nỗi buồn của một người trẻ tuổi nhìn quê hương bị giặc tàn phá, nhìn những mộng ước tuổi xuân xưa đổ vỡ.

Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa…

Sau này khi về lại Việt Nam định cư (năm 2005), nhạc sĩ Phạm Duy có công bố thêm một ca khúc khác nhắc tới biên giới. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Đó là bài Tây Tiến, ông phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng.


HÀNH KHÚC VIỄN CHINH

Tuy nhiên, thời kỳ mà các bài ca biên giới ra đời nhiều hơn cả, có lẽ là giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Ngay trong đêm 17 tháng 2 năm 1979, khi nghe tin chiến sự bùng nổ ở biên giới Việt - Trung, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết ca khúc mở màn cho dòng nhạc “biên giới phía Bắc” thời kỳ này. Đó là bài Chiến đấu vì độc lập tự do, được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên chỉ vài ngày sau đó. Ca từ rất hào hùng:

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,
gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thời gian đó, bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. Ông còn nhớ như in: "Ngày 20 tháng 2 năm 1979, thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày mồng 9 tháng 3, được đăng trên báo Nhân Dân… Sau đó được nghệ sĩ Tuyết Thanh đơn ca. Tháng 4, được đoàn Quân nhạc biểu diễn. Tháng 5, được dạy trên sóng đài phát thanh".

Ông kể thêm, về sau này, khi không khí chính trị và tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đổi khác, một cách không chính thức, bài hát không còn được phổ biến nữa. Cách đây mấy năm, có nhà xuất bản muốn in nó trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ ấy, với điều kiện nhạc sĩ sửa lại một số từ. Ông gạt đi: “Bài hát nào ra đời cũng có giá trị lịch sử của nó. Lúc đó tôi sáng tác hoàn toàn từ cảm xúc của mình. Tình cảm chân thật thì làm sao chối bỏ được?”. Thế là biên tập viên đành bỏ bài hát ra khỏi tuyển tập.

Cùng thể loại hùng ca với Chiến đấu vì độc lập tự do là bài Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thật sự là một bản hành khúc viễn chinh đầy bi tráng:

Ngày ra đi, hướng biên cương,
gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt.
Nòng súng đen dán câu thơ,
Ý thơ thiệt hay là thơ Lý Thường Kiệt.
Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom
Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi
Việt Nam ơi, Việt Nam ơi,
trái tim Việt Nam, tình yêu cuộc sống…

Và không thể không nhắc tới bản hùng ca Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng. Không trong sáng, thiết tha như “tiếng ve trên đường vắng, hát theo bước hành quân, mãi xa vẫn còn ngân, tiễn tôi ra mặt trận” (Kỷ niệm thành phố tuổi thơ) năm nào, Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận hừng hực khí thế cả nước lên đường chiến đấu, một lần nữa.

Lịch sử gọi ta xông lên phía trước
Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước.

Nhạc sĩ Trần Tiến góp vào không khí của thời kỳ đó với bài Những đôi mắt mang hình viên đạn. Ca từ gợi hình ảnh siêu thực: đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc than nơi biên giới. (*)

Nhạc sĩ Thế Hiển thì có bài Hát về anh, đề cập trực tiếp tới những hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng.

Cho tôi ca bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương.
Dẫu có những gian lao,
dẫu có những nhọc nhằn
mang trong trái tim anh trọn niềm tin...


TÌNH CA BIÊN GIỚI

Tuy vậy, có sức sống mãnh liệt nhất trong dòng nhạc biên giới vẫn là các bản tình ca. Đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm đôi lứa, đó là điều làm nên sự khác biệt giữa dòng nhạc biên giới với dòng ca khúc trong hai cuộc chiến chống Pháp và nhất là chống Mỹ.

Nếu như nhạc thời chiến tranh chống Mỹ (kể cả tình ca) có phần hào hùng, mang tính cổ vũ chiến đấu cao hơn, thì những khúc tình ca biên giới giờ đây nhiều tình cảm với nỗi nhớ nhung được tô đậm hơn. Ở đây, tình yêu đôi lứa hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương đất nước, không hề có sự “lên gân”, “hô khẩu hiệu”. Nói cách khác, nếu nhạc chống Mỹ còn nhiều bài “cứng” thì các ca khúc thời kỳ này mềm mại hơn hẳn, trữ tình hơn hẳn.

Chính vì thế, những bản ballad cách mạng này dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu. Không ai quên được những nét nhạc và lời ca tha thiết tình cảm của Hoa sim biên giới (Minh Quang), Thư gửi cho nhau (Phan Huấn)…

Nếu em lên biên giới,
Em sẽ gặp bạt ngàn hoa -
- hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…

Như một lời thủ thỉ với người thương. Hoa sim biên giới rất được những người lính biên cương yêu thích. Cũng giống như Nơi đảo xa, Chút thư tình của người lính biển là hai ca khúc mà bất cứ chàng lính hải quân nào cũng biết tới và có thể nghêu ngao.

Một điều thú vị là có tới ba bài hát cùng được người yêu nhạc gọi tên là Chiều biên giới.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá,
như tình yêu đôi ta…
(Chiều biên giới - nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn)

Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề,
bao nỗi nhớ tha thiết
Hỡi anh có biết những lời em thương
bao ngày qua, tuy rằng xa em để trong lòng…
(Lời thương ta ngỏ cùng nhau - Đức Miêng)

Do thói quen của nhiều khán thính giả Việt Nam là lấy luôn những từ đầu tiên của ca khúc làm tên bài hát, nên bài “quan họ mới" Lời thương ta ngỏ cùng nhau của nhạc sĩ Đức Miêng đã bị nhiều người gọi nhầm là Chiều biên giới.

Bài Chiều biên giới thứ ba là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, sáng tác khi ông đang tham gia chiến đấu ở vùng biên giới phía tây nam của Tổ quốc, năm 1978.

Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một tác phẩm về biên giới - bài Em ở nông trường, em ra biên giới (1981), ông viết như một cách tưởng nhớ 20 cô gái thanh niên xung phong tình cờ gặp mặt, và họ đều đã hy sinh ở biên giới Tây Nam.

Từ biên giới xa chốn em sương mù
Rừng sâu tìm những lối mòn qua...


ANH HÙNG, LÃNG MẠN VÀ BÌNH DỊ

Chất trữ tình nhiều hơn - đó là nét khác biệt; còn điểm chung giữa dòng nhạc biên giới thời này và nhạc chống Mỹ, chống Pháp thời trước vẫn là lòng yêu nước, tinh thần lạc quan và can đảm của người lính. Không một chút bi lụy hay lùi bước trước hiểm nguy.

Mọi thế hệ người yêu nhạc đều sẽ luôn cảm thấy sức trẻ, tình yêu cuộc sống và ý chí của tuổi thanh xuân trong các ca khúc như: Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc, khoảng 1978), Gửi lại em (Vũ Hoàng, 1978, sáng tác trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam), Nơi đảo xa (Thế Song, 1979), Tình ca mùa xuân (nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan, 1979), Chút thư tình người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa, 1981), Cánh hoa lưu ly (Diệp Minh Tuyền), Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng)...

Một vài ca khúc của dòng nhạc biên giới hiện giờ đã "biến mất", nghĩa là không còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn, trên sóng truyền hình, hay ghi âm, in ra sách… Việc không lưu hành những bài này là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra, theo tác giả của bài hát đầu tiên trong dòng "biên giới phía Bắc" - nhạc sĩ Phạm Tuyên với Chiến đấu vì độc lập tự do - thì một ca khúc có thể mang tính lịch sử, nghĩa là chỉ thích hợp với một giai đoạn nào đó. Dĩ nhiên, với tư cách một nhạc sĩ, ông luôn trân trọng các bài hát của mình và của đồng nghiệp, và mong mọi tác phẩm âm nhạc đều được phổ biến.

Nhiều bản tình ca biên giới khác thì đã được thế hệ ca sĩ trẻ thể hiện lại. Chẳng hạn, Gửi em ở cuối sông Hồng, một thời gắn với tên tuổi Tiến Thành - Thanh Hoa, nay đã đến lớp ca sĩ mới Việt Hoàn - Anh Thơ song ca.

Tình ca mùa xuân do Bảo Yến “ngự trị” năm nào giờ đến lượt Quang Dũng cover. Trọng Tấn cũng đã thể hiện Chiều biên giới, Hoa sim biên giới, Nơi đảo xa (từng gắn với giọng ca bất hủ của ca sĩ Tiến Thành - đã mất vì tai nạn giao thông trong một chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội biên phòng, năm 1984) v.v.

Nơi địa đầu đã là nguồn cảm hứng sáng tác như thế đối với các nghệ sĩ. Nó gắn với Tổ quốc, gắn với hình ảnh người lính cầm súng gác cho bình yên miền biên thùy, với mối tình của họ vừa lãng mạn vừa bình dị.

Đẹp và lãng mạn thay là hình ảnh:

Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
… Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo.

Bình dị và cảm động thay là hình ảnh:

Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu tự độ ấy
Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương
Và anh lại ra đi, vui như ngày hội
Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa.

------------------------------------------------------------------------------------

(*) Ý này là của Jason Gibbs trong "Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long", Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức 2008

Wednesday, 10 February 2010

Bài báo chống đối nhất năm 2009

Không hiểu kiếp trước mình mắc nợ ai đó cái gì, kiếp này cứ suốt ngày phải phân trần, thanh minh, giải thích, trình bày v.v. giằng dai như chó nhai giẻ rách, rằng thì là “em không tham gia đảng phái nào”. Sở dĩ Trang the Ridiculous chủ trương đứng lởn vởn ở ngoài thế, là do nhớ lời “người thầy đầu tiên” trong nghề báo dạy, anh ấy nói thế này: “Ở các nước, nhà báo thường chẳng theo đảng phái nào, để cho nó khách quan. Như ở ta thì nhà báo nên vào Đảng…” (viết hoa như thế là mọi người biết là đảng nào rồi nhá). Anh chỉ nói đến đấy rồi thở dài như tiếng còi tàu trong sương đêm… Trang the Ridiculous nghe thế, lấy làm thích chí, cũng bụng bảo dạ sẽ không theo đảng phái nào, để cho nó khách quan.

Thế mà rồi cuối cùng cứ bị đứa nào xấu bụng bảo là có theo đảng nào đấy chống đảng nào đấy, điên tiết thế không biết!

Để chứng minh là Trang the Ridiculous không theo, không chống, xin bốt bài báo dưới đây. Nhớ lại, sau khi bài được đăng, có người đã lật đật gọi dây nói cho Trang the Ridiculous: “Cháu ơi, sao cháu cứ đi chân không giữa bãi rác đầy thủy tinh vụn, dây thép gai thế?”. Tôi ngạc nhiên không biết là ngần nào. Đấy, viết thế này mà đã là chống phá lắm rồi đấy.


-------------------------------------------------------------------------------------


CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC GIỮA HỌC GIẢ VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

Trong đàm phán lãnh hải với Trung Quốc, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học giả Việt Nam. Sự thua thiệt thể hiện rõ trên các mặt: số lượng học giả, số lượng và diện phổ biến của công trình nghiên cứu, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự tham gia của tư nhân…

* * *

Ngày nay, tất cả các học giả về quan hệ quốc tế đều khẳng định rằng: Thời hiện đại, để chiến thắng trong những cuộc đấu tranh phức tạp như tranh chấp chủ quyền, điều kiện cốt yếu là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chứ không đơn thuần là ưu thế về quân sự. Việc quốc tế hóa vấn đề lãnh thổ, lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa, do đó, là điều Việt Nam không thể không làm. Việc này mở đầu bằng quá trình đưa các quan điểm của phía Việt Nam ra trường quốc tế.

Có ba kênh chính để đưa quan điểm của Việt Nam ra quốc tế.

Thứ nhất là thông qua các tuyên bố ngoại giao, như chúng ta vẫn thường thấy phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trả lời báo giới: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Thứ hai là thông qua các tạp chí khoa học quốc tế, các diễn đàn thế giới. Sự xuất hiện những bài viết khoa học, công trình nghiên cứu của phía Việt Nam trên các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới về lịch sử, địa lý, hàng hải, công pháp quốc tế… sẽ cực kỳ có sức nặng trong việc tranh biện.

Thứ ba là thông qua các nỗ lực ngoại giao và truyền thông như ra sách trắng, tổ chức hội thảo quốc tế, giảng bài tại các trường đại học ở nước ngoài, v.v…

* * *

Trung Quốc "chiếm sóng"

Trên kênh thứ hai, có thể thấy phía Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc. Dù không nhiều, nhưng đã có những bài viết khoa học của học giả Trung Quốc về vấn đề lãnh hải đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới và khu vực như: Marine Policy, Marine Custom Management, Marine and Coastal Law Journal (các tạp chí về hàng hải và luật biển), American Journal for International Law (tạp chí nghiên cứu luật pháp, của Mỹ), Southeast Asia Studies (tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, của Singapore).

Đây là các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới, nghĩa là uy tín của chúng được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Một bài viết được đăng trên những tạp chí loại này mang lại danh tiếng cho sự nghiệp cá nhân của nhà khoa học - tại một số nước, bậc lương và số lần tăng lương của giáo sư tỷ lệ thuận với số bài viết khoa học được đăng ở tạp chí đầu ngành.

Quan trọng hơn nữa, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Trong ngắn hạn và trung hạn, nó là tiếng nói có sức nặng với giới khoa học quốc tế. Trong dài hạn, nó là nguồn tài liệu tham khảo có tác động đáng sợ. Một nhà khoa học trẻ Việt Nam từng đặt vấn đề: "Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam".

Về phía các học giả Việt Nam ở trong nước, cũng đã có những bài viết khoa học liên quan tới vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa. Tuy nhiên, các bài này chỉ được đăng tải bằng tiếng Việt trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Nghiên cứu Phát triển - tạp chí của Thừa Thiên - Huế) . Số lượng bản in hạn chế - chừng 1.000 bản, phát hành trên diện rất hẹp, tới mức gần như “lưu hành nội bộ”.

* * *

Việt Nam yếu thế

Trung Quốc cũng đã có khoảng 60 cuốn sách về HS-TS, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, như Trung Quốc dữ Trung Quốc Nam Hải vấn đề (Trung Quốc và vấn đề biển Nam Trung Quốc, Phó Côn Thành - Thủy Bỉnh Hòa, 2007), Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam Uy, 1996), Nam Hải chư đảo địa lý - lịch sử - chủ quyền (Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992)... Chưa kể, còn hàng chục công trình của các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Anh, Mỹ.

Việt Nam có vài đầu sách, như Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Lưu Văn Lợi, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1995), Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (Nguyễn Hồng Thao chủ biên, Nhà xuất bản Sự thật, 11/2008)… Nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, các sách đều bằng tiếng Việt, phát hành rất ít. Đa số là "tài liệu tham khảo nội bộ" hoặc cũng gần như "lưu hành nội bộ" bởi không được quảng bá và phát hành rộng.

Gần đây, Nhà xuất bản Tri thức bắt đầu tham gia giới thiệu rộng rãi tới công chúng các cuốn sách nghiên cứu về chủ quyền biển, với mục tiêu giới thiệu được khoảng 5 đầu sách/năm. Tuy nhiên, theo ông Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản, khó khăn lớn nhất là nguồn kết quả nghiên cứu của giới học giả Việt Nam còn hạn chế.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có ba cơ quan nhà nước từng đặt vấn đề nghiên cứu chính thức về lãnh hải và luật biển (Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới Quốc gia, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Tổng cục Quản lý Biển và Hải đảo). Đếm số lượng các nhà nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa, tính cả người đã mất, thì “vét” trong cả nước được gần một chục người.

Còn Trung Quốc đã có hàng chục cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tranh chấp lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa từ hơn nửa thế kỷ qua. Ít nhất, có thể kể tới trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học Bắc Kinh, Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Sơn, hoặc trực thuộc Ủy ban Nghiên cứu Biên cương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, v.v…

Với kênh thứ ba - thông qua việc tổ chức hội thảo quốc tế, đưa các học giả đi giảng bài tại các trường đại học ở nước ngoài v.v. - thì sự tham gia của giới khoa học gia Việt Nam càng yếu ớt hơn.

Cộng đồng các nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng giúp Việt Nam tranh biện trong vấn đề lãnh hải. Chẳng hạn, Tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Luật Sorbonne), luật gia Đào Văn Thụy từng đọc bài tham luận tại Hội thảo hè "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" (New York, 1998), phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc với nhiều lý lẽ khoa học xác đáng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà các công trình như vậy lại chưa được phổ biến chính thức tại Việt Nam.

* * *

Vì đâu giới nghiên cứu Việt Nam yếu thế?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhận xét: "So tương quan lực lượng với Trung Quốc trong chuyện nghiên cứu về lãnh hải, thì các công trình của học giả Việt Nam vừa ít ỏi, manh mún về số lượng, lại vừa không được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội".

Ai cũng biết rằng điều kiện cần để có bài viết khoa học là một quá trình nghiên cứu tập trung cao và kéo dài. Nghiên cứu về vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa lại càng khó khăn hơn, nó đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, kinh phí.

Người nghiên cứu phải có khả năng tiếp cận với các tài liệu cổ bằng nhiều thứ tiếng khó (Hán, Nôm, Pháp, Anh, thậm chí tiếng Latin), phải bỏ chi phí mua tài liệu, đi thực địa, trao đổi tìm kiếm thông tin, v.v... Đổi lại, mỗi bài viết trên các tạp chí của Việt Nam được nhận vài trăm nghìn đồng nhuận bút.

Còn việc đưa bài viết ra tạp chí quốc tế thì gần như không tưởng, bởi thật khó để các nhà khoa học dồn sự nghiệp cho cả một công trình nghiên cứu để rồi không biết… đi về đâu, có được đăng tải hay không. Thiếu kinh phí, khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu "nhạy cảm" là những vật cản lớn. Chỉ riêng việc dịch bài viết sang một thứ tiếng quốc tế, như tiếng Anh hay tiếng Trung, cũng đã là vấn đề.

Một nhà nghiên cứu độc lập, ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "Ở Trung Quốc, việc tuyên truyền về Hoàng Sa - Trường Sa và lãnh hải được phân chia thành ba cấp. Cấp thấp nhất là cấp phổ thông, cho quần chúng. Cấp hai và cấp ba là cho các độc giả có trình độ cao hơn và các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Như ở Việt Nam thì chẳng cấp nào phát triển cả".

Không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên được coi là "nhạy cảm", "mật", và một cá nhân khó mà có đủ tư cách để "xin" được nghiên cứu về HS-TS hay chủ quyền đất nước. Ông Quân, với tư cách nhà nghiên cứu độc lập, gặp khó khăn tương đối trong việc tiếp cận các tài liệu khoa học phục vụ cho công việc. Dĩ nhiên là chẳng bao giờ ông được mời tham dự những hội thảo chuyên đề về lĩnh vực mình nghiên cứu - thường chỉ dành cho những nhà khoa học đã có biên chế chính thức ở một cơ quan nhà nước nào đó.

Với một cá nhân là như vậy. Với các viện nghiên cứu trực thuộc Nhà nước, tình hình cũng không khả quan hơn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận xét: "Về nguyên tắc, phải là cấp trên đặt hàng, cấp dưới đề đạt lên. Nếu Nhà nước không đặt hàng, các cơ quan chuyên môn có khả năng làm cũng e dè không muốn đề xuất. Các cá nhân nghiên cứu độc lập thì không thể có điều kiện thuận lợi về sưu tập tư liệu, điền dã thực địa, công bố kết quả của đề tài".

Không tiếp cận được với các công trình nghiên cứu chuyên sâu đã đành, người dân còn không được giới truyền thông cung cấp thông tin và kiến thức về chủ quyền đất nước. Trong khi, trên thực tế, "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" - như khẳng định của Bộ Ngoại giao. (Các tuyên bố ngoại giao theo thông lệ này lại không kéo theo việc công bố một bằng chứng cụ thể nào, khiến cho người nghe ngay cả khi muốn tham gia vào một nỗ lực chung để xác lập chủ quyền cho Hoàng Sa - Trường Sa cũng bớt phần tự tin).

* * *

Chúng ta có thể làm gì?

Về bản chất, nghiên cứu khoa học là các nỗ lực cá nhân, tuy nhiên, với những vấn đề thuộc diện "công ích" như tranh chấp chủ quyền, thì Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng.

Nhà nước phải đặt hàng giới nghiên cứu, tạo thành một chiến lược lâu dài và bài bản, đồng thời để cho giới truyền thông diễn giải và phổ biến những công trình nghiên cứu chuyên sâu tới quần chúng sao cho tất cả mọi người đều có ý thức về chủ quyền đất nước.

Một số học giả người Việt Nam ở nước ngoài gợi ý rằng, cách tốt nhất là Nhà nước "xã hội hóa" công việc nghiên cứu khoa học, bằng cách tạo điều kiện để xã hội dân sự (tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội, quỹ...) tài trợ cho các dự án khoa học, tạo điều kiện, thậm chí "luật hóa", để người nghiên cứu được tiếp xúc với thông tin khi cần.

Một điểm cần lưu ý là hoạt động nghiên cứu phải mang tính liên ngành, toàn diện, trên mọi lĩnh vực: văn bản học, khảo cổ, địa chất lịch sử, thổ nhưỡng, công pháp quốc tế...Theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu càng nhiều thì khả năng có những công trình chất lượng càng cao.

Sau hết, không thể thiếu nỗ lực công bố các công trình nghiên cứu đó ra diễn đàn quốc tế, nỗ lực diễn giải và phổ cập chúng tới người dân trong nước, cũng như, thông qua chính sách "ngoại giao nhân dân", tới được dư luận quốc tế và cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài.

Monday, 8 February 2010

Bài báo “học thuật” nhất năm 2009

Trang the Ridiculous xin tiếp tục mạch "tổng kết bài vở trong năm", trên tinh thần "tổng kết để mà tổng kết". Rất cảm ơn các bác, các anh chị em, các bạn đã quan tâm và ủng hộ, tuy nhiên, cũng rất mong các bác, các anh chị em, các bạn nếu comment xin trung tính một chút, kẻo... không tiện cho em.

------------------------------------------------------------------------------------

Nói chung Trang the Ridiculous khó tính đến khắt khe nên viết bài gì xong cũng thấy cứ thế nào ấy, cứ làm sao ấy, chả ra cái gì v.v. và v.v. Bài dưới đây cũng vậy, ngay từ lúc viết đã thấy nó “hàn lâm, học thuật” sao sao đó. Tuy nhiên dù sao đây cũng là bài mà sau một thời gian đọc lại, tôi thấy tương đối hài lòng vì nghĩ là đã khách quan ở mức cần thiết. Nó còn là bài đầu tiên tôi viết sau khi tham gia "the state-owned project of arrest" ("dự án câu lưu", I put it this way, hẹ hẹ), và là bài cuối cùng tôi viết về Trung Quốc trong năm 2009.

*****

CẢI CÁCH Ở TRUNG QUỐC VÀ ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM

Nhân 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, báo chí Trung Quốc có những bài viết về thành tựu phát triển đất nước, trong đó nhắc tới sự thành công của mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc.

Chưa có một định nghĩa cuối cùng, nhưng các học giả Trung Hoa cũng như phương Tây đã bàn nhiều về mô hình phát triển Trung Quốc. Những từ thường được dùng để mô tả nó là: cải cách, mở cửa, thử nghiệm, chuyển đổi từ bên trong, tiến bộ từng bước, Nhà nước định hướng mạnh, tăng trưởng kinh tế, và ổn định chính trị.

Sự so sánh để tìm những tương đồng và khác biệt giữa mô hình Trung Quốc và Việt Nam không phải vấn đề bây giờ mới được nhắc tới. Ít nhất thì các nhà khoa học của cả hai nước đã từng tiến hành nhiều hội thảo và thực hiện các công trình nghiên cứu so sánh công cuộc cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam.

Trung Quốc bắt đầu cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam từ năm 1986. So với phần còn lại của thế giới cũng tiến hành chuyển đổi (Liên Xô, các nước Đông Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin), hai nước chia sẻ nhiều điểm chung hơn, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Điều này khác xa Đông Âu và Liên Xô - là nơi mà, theo chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong, “đảng Cộng sản chỉ dẫn dắt quá trình chuyển đổi chưa được một nửa con đường, sau đó thì những khủng hoảng chính trị đã làm cho đảng Cộng sản ở các nước đó không còn là người điều hành cuộc chuyển đổi nữa”.

Bên cạnh đó, nội dung đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc còn giống nhau ở một số điểm lớn, như: đa dạng hóa cơ cấu sở hữu (chuyển sang kinh tế nhiều thành phần); mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu, v.v.

Chính sự tương đồng đó, cùng với việc Việt Nam tiến hành đổi mới sau Trung Quốc 8 năm, đã làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sao chép mô hình phát triển của Trung Quốc. Gần đây, khi nhìn lại sự thành công của mô hình này, tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 18 tháng 9 có bài viết nhận định Việt Nam là trường hợp “sao chép toàn diện và thành công nhất mô hình Trung Quốc”.

Sự thực thì có tương đồng gì giữa mô hình Trung Quốc và phát triển kiểu Việt Nam?

* * *

Cùng một thứ thuốc trị bệnh…

Nói cho đúng thì trong những năm đầu của công cuộc chuyển đổi, Việt Nam và Trung Quốc không ai sao chép ai, mà cả hai đều thực hiện những “phương thuốc” nhỡn tiền phải dùng để chữa trị “căn bệnh” chung. Căn bệnh đó, với các triệu chứng như tập trung bao cấp, sở hữu toàn dân và tập thể, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…, xuất phát từ việc sao chép mô hình của Liên Xô.

Ông Đặng Phong có một so sánh hài hước: “Tóm lại là cả hai đều ăn ổi xanh, ăn ổi xanh thì đều táo bón, tức là đời sống khó khăn, kinh tế đi xuống, bế tắc, khủng hoảng. Cả hai táo bón thì đều cùng phải uống thuốc”.

Thế rồi, trong quá trình chữa bệnh, cả hai cùng có các phản ứng giống nhau. Ví dụ như nạn vỡ bong bóng tín dụng. Ở Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới có tình trạng bể hụi, vỡ quỹ tín dụng. Ở Trung Quốc những năm 1992-1993 cũng xảy ra việc hàng loạt ngân hàng phá sản.

Sau này, hai nước lại tiếp tục chứng kiến bong bóng chứng khoán, méo mó trên thị trường bất động sản, sự phình to và hoạt động không hiệu quả của khối quốc doanh… Về mặt xã hội, cả hai đều phải đương đầu với các vấn đề gay gắt như tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội mở rộng, bần cùng hóa ở một bộ phận dân cư nông thôn miền núi.

Như vậy, có thể thấy là hai “bệnh nhân” mắc bệnh giống nhau, dùng thuốc giống nhau và cùng trải qua các phản ứng tương tự. Tuy nhiên, do mức độ bệnh và thời gian phát bệnh khác nhau nên liều dùng và thời điểm dùng thuốc của hai “bệnh nhân” lại khác nhau.

* * *

Mỗi người dùng một khác…

Nói về mức độ của căn bệnh, thì Trung Quốc “bị” nặng hơn Việt Nam, do nền sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân và Đại cách mạng Văn hóa. Cạnh đó, ở Trung Quốc kỷ cương rất chặt, Nhà nước quản lý tập trung cao độ, thị trường tự do bị xóa sổ. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn còn được 5% đất để kinh doanh sản phẩm phụ, và chợ đen vẫn tồn tại với sức sống rất mãnh liệt, dai dẳng.

Trung Quốc cũng bị đẩy vào tình thế phải cải cách sớm hơn Việt Nam, do không có được “bầu sữa viện trợ” kéo dài như Việt Nam.

“Bệnh” nặng hơn và thời gian “phát bệnh” diễn ra trước nên Trung Quốc dùng “thuốc cải cách” trước và có những khác biệt so với Việt Nam. Ngoài ra, thời kỳ 1978-1986 cũng là khoảng thời gian dài quan hệ hai nước căng thẳng nên sự sao chép, học tập về mô hình cải cách là không thể có.

Sự khác biệt lớn nhất được nhà nghiên cứu Đặng Phong đúc kết trong một câu: “Ta phá rào từ dưới lên, còn Trung Quốc phá rào từ trên xuống”. Trung Quốc đã đi theo con đường từ lý luận tới thực tiễn, từ chỉ đạo của Trung ương tới hành động của địa phương. Sau khi đã có những đột phá về lý luận nhằm giải quyết các bế tắc, Trung Quốc mới cho thực hành. Trong khi đó, Đổi Mới của Việt Nam lại bắt đầu từ những vụ “phá rào” ở cơ sở, sau đó được Trung ương chấp nhận và cuối cùng trở thành chính sách. Ví dụ, chính sách khoán bắt đầu từ những hiện tượng tự phát và làm chui của nông dân, mà lãnh đạo địa phương hoặc đồng ý cho làm và “bao che” trước Trung ương, hoặc lờ đi. Có thể kể tới các vụ phá rào “ngoạn mục” như khoán chui ở Hải Phòng, xóa tem phiếu ở Long An, cơ chế mua cao bán cao ở An Giang, mua lương thực với giá thị trường để bán “cứu đói” cho Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Đặng Phong nhận xét: “Thật ra người Việt Nam đã “phá rào” suốt từ… thời chống Mỹ. Đặc tính của dân mình là vậy, linh hoạt, có khả năng xoay xở cao và rất khó đi vào kỷ cương. Ở Trung Quốc, Nhà nước nghiên cứu bài bản rồi mới quyết định dỡ bỏ hàng rào cũ, lập hàng rào mới. Còn ở Việt Nam ta là dân chúng, địa phương chủ động dỡ bỏ quách hàng rào, chẳng theo lý thuyết nào cả”.

Đổi mới, vì thế, mang phong cách rất Việt Nam.

* * *

Có hay không sự sao chép?

Đổi mới ở Việt Nam không phải là sự sao chép mô hình cải cách của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào những năm về sau trong công cuộc chuyển đổi, có những quyết sách kinh tế – xã hội của Việt Nam được tiến hành sau và mang nhiều nét tương tự như Trung Quốc. Chẳng hạn như chính sách trao quyền xuất nhập khẩu trực tiếp cho khối doanh nghiệp tư nhân, thành lập thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… đều được tiến hành ở Việt Nam sau Trung Quốc vài năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nền kinh tế duy trì vai trò chủ đạo, định hướng phát triển của Nhà nước. Cả hai quốc gia đều thực hiện sở hữu Nhà nước về đất đai, chế độ quản lý chặt chẽ của Nhà nước về tỷ giá hối đoái.

Không thể khẳng định có sự sao chép với chủ ý hay không, nhưng điều chắc chắn là, như trên đã nói, có những phương thuốc chung để hai nước trị các căn bệnh chung. Thêm vào đó, việc một nền kinh tế đi sau tham khảo, học tập hoặc chịu ảnh hưởng từ mô hình của nền kinh tế đi trước là chuyện thường gặp trên thế giới.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), giải thích điều này bằng một ví dụ thú vị: “Trong khoa học về chiến lược, có khái niệm gọi là “hiệu ứng con ngỗng con”. Khi con ngỗng ra đời mà bị cách ly với mẹ, nó có thể tưởng nhà bác học chăm nuôi nó chính là mẹ, và nó sẽ đi theo nhà bác học đó như thể đó là ngỗng mẹ vậy.

Hiện tượng tương tự xảy ra trong kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển: Các nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển, đi sau, rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí sao chép một cách có chủ ý từ nền kinh tế có quy mô lớn hơn, gần gũi mình và đi trước mình, vì nghĩ rằng như thế là tốt, là ưu việt. Việt Nam hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ Pháp, ví dụ như luật dân sự của Việt Nam áp dụng nhiều điều của Pháp. Trong kiến trúc, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng kiến trúc Pháp là đẹp, là sang trọng, tóm lại là ưu việt. Trung Quốc ở gần và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế, dễ học, nên Việt Nam có tiếp thu mô hình Trung Quốc cũng không lạ”.

Một học giả gốc Hoa ở Mỹ, Li Tan, cũng từng khái quát hóa mô hình phát triển của tất cả các nền kinh tế đi sau, bao gồm cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, thành sự phát triển dưới định hướng của nhà nước. Li Tan viết: “Mô hình phát triển dựa vào nhà nước sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn đối với các nền kinh tế phát triển sau… vì nó cho phép các nước nghèo phát triển nhanh hơn để thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế”.

* * *

“Chiến lược đuổi kịp”

“Copy, sao chép không bao giờ là tiêu cực, trừ trường hợp copy một cách mù quáng, nông cạn” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định. Còn nhà nghiên cứu Đặng Phong nhận xét: “Tôi nghĩ Trung Quốc có những đặc điểm, những chính sách mà nếu Việt Nam học tập được thì tốt quá! Ví dụ như trong chiến lược phát triển, cả hai nước cùng hướng về xuất khẩu, nhưng Trung Quốc đi xa hơn Việt Nam ở chỗ họ lấy nguyên liệu của toàn thế giới để sản xuất hàng hóa bán cho thế giới. Còn Việt Nam ta xúc nguyên liệu của mình đi bán để mua hàng hóa bên ngoài về tiêu xài”.

Nhiều người cũng đánh giá cao quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương trật tự, hoặc cơ chế sử dụng nhân sự. Ông Đặng Phong nói: “Phải thừa nhận rằng Trung Quốc đào tạo, sàng lọc và tuyển dụng cán bộ ngày càng tốt hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của họ thật sự rất cao”.

Một nhà kinh tế khác cũng nói về một số chính sách của Trung Quốc mà Việt Nam nên xem xét tham khảo. Ví dụ chủ trương cho các công ty quốc doanh thuê chuyên gia nước ngoài làm quản lý, trả lương rất hậu hĩnh. Hoặc chủ trương trao quyền tự chủ cho hệ thống trường đại học, khuyến khích việc đầu tư của tư nhân ra nước ngoài…

Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc thực sự đã đi theo một mô hình kinh tế thể hiện rất rõ quyết tâm của Nhà nước: tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với sự tương đồng về thể chế chính trị, hoàn cảnh xã hội, nếu Việt Nam có thể áp dụng điều gì từ Trung Quốc, như sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật hay cơ chế sử dụng nhân sự cấp cao hiệu quả, thì đó chẳng phải là điều tốt hay sao?

----------------------

Chú thích: Tác giả của thí nghiệm về “hiệu ứng con ngỗng con” là nhà tâm lý học động vật Konrad Lorenz, Nobel về Y học năm 1973: http://en.wikipedia.org/wiki/Konrad_Lorenz

Thursday, 4 February 2010

To Leave

Từ hôm nay tôi không làm việc ở VietNamNet nữa, và nói ra lý do thì thật khó vô cùng.

Tôi hiểu tất cả những khó khăn mà VietNamNet phải chịu đựng khi nhận tôi trở lại làm việc. Tôi cũng hiểu trong đó có cả sự khó chịu, vì tôi là con người đầy nhược điểm (không phải chỉ “một số” nhược điểm đâu). Tôi cũng muốn mọi sự tốt đẹp hơn, nhưng không làm được nữa. Bây giờ, còn lại gì sau những chuyện đã qua? Không còn gì, chỉ có cảm giác đau, rất đau. Đau không phải vì tất cả những sự tổn thương trong thời gian qua, mà đau vì cuối cùng mọi thứ đã kết thúc nặng nề đến như thế.

Sau khi viết bức thư cuối cùng gửi tòa soạn, tôi khóc. Lá thư đầy những lời lẽ mạt sát… không phải bản chất của tôi, không phải bản chất của tôi… Nhưng bây giờ thì muộn rồi, cũng không phải bản chất của tôi nếu viết một lá thư khác nói những điều khác.

Không có sự chia tay nào dễ dàng, nhưng sự chia tay đừng gây đau đớn có được không? Mà cuối cùng thì, tại sao lại xảy ra tất cả những chuyện này? Journalism, journalism in Vietnam --- why do we create so much pain around it?

Monday, 1 February 2010

Bài báo khó nhất năm 2009

Năm 2009 Trang the Ridiculous lên cơn lố bịch, húc đầu vào đá mấy lần, nói chung cuối cùng đá cũng vỡ mà đầu mình cũng vỡ. Tuy nhiên... thôi, chuyện đó không bàn đến ở đây khi đã trèo qua tường lửa. Nhìn lại thì năm 2009, bài sau đây là bài thật sự khiến tôi phải cân nhắc từng chữ một, và khi phỏng vấn thì phải biến mình thành một robot, nghĩa là cố gắng càng khách quan và lạnh lùng càng tốt.

Bài cũng mang lại cho Trang the Ridiculous một số phiền phức, nhưng... lại thôi, chuyện đó không bàn ở đây. Hôm nay nhân ngày 31/1 (chẳng biết là ngày gì, tí nữa phải check thử Today in History xem thế nào), xin cóp lại bài báo đó ở đây CHO VUI và xin các anh chị em, các bạn nghiên cứu luật học vui lòng cho ý kiến chỉ giáo.

* * *

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1957

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện

Khiếu kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố sẽ đưa đơn lên Tòa án Tối cao, và mới đây lại vừa khiếu nại Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về thông báo “anh Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư”, những việc ông Cù Huy Hà Vũ làm đang gây đủ tâm trạng cho dư luận trong và ngoài nước: ngạc nhiên, thắc mắc khó hiểu, thích thú, khâm phục, nghi ngờ và khó chịu.

Hy vọng cuộc phỏng vấn sau đây (kéo dài ba giờ đồng hồ) với TS Luật Cù Huy Hà Vũ có thể giải đáp phần nào những điều mà phần đông dư luận còn thắc mắc trong vụ “Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng”.

Cuộc trò chuyện diễn ra tại Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), sáng 30-6. Văn phòng gọn gàng, không quá xa hoa sang trọng, cũng không bình dân nhếch nhác. Bên ngoài, trên cả cổng chính quay ra đường Điện Biên Phủ lẫn cổng hậu trên đường Trần Phú, đều treo tấm biển vàng rực kẻ chữ đỏ nổi bật, mang phong cách… khẩu hiệu rõ nét. Lúc phóng viên đến, văn phòng đang nhộn nhịp khách ra vào. Trên tường treo vài bức tranh do ông Cù Huy Hà Vũ vẽ, trong đó có ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khá đẹp.

Chủ nhà – Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – là một người đàn ông mập mạp, hơi thấp, tiếp phóng viên rất vồn vã cởi mở. Trên gương mặt ông vẫn phảng phất nhiều nét của thân phụ - nhà thơ quá cố Cù Huy Cận. Ông nói nhiều và nói to, phong thái tự tin toát lên rõ rệt.

Trong giới luật sư và luật học, Cù Huy Hà Vũ là một gương mặt nổi đình đám với nhiều vụ việc mang tính chất scandal, đến mức nhiều người nghĩ tới ông là nghĩ tới một nhân vật có “tiền sử” đi kiện các cơ quan chính phủ và làm những việc “chẳng giống ai”. Có thể kể tới vài vụ “Cù Huy Hà Vũ đáo tụng đình” điển hình như sau:
• Năm 2005, phản đối quan điểm cho rằng di tích đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) gắn với việc Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long.
• Năm 2005, khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về quyết định cấp phép đầu tư xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh.
• Năm 2006, nộp đơn tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin (không được Thủ tướng lựa chọn vì lý do “đã có quy hoạch cán bộ từ trước”).
• Năm 2006, kiện album “Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh xâm phạm bản quyền tác giả.
• Năm 2007, kiện Bộ Văn hóa - Thông tin về Quyết định của Bộ thành lập Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu, đòi bồi thường 100 triệu đồng thiệt hại tinh thần.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với TS luật Cù Huy Hà Vũ. Trong cuộc trao đổi này, phóng viên và ông Hà Vũ nhiều lần phải ngắt lời nhau để hỏi, nhắc nhau trở lại các trọng tâm và để trình bày quan điểm của mình.


۩


“Không phải ai cũng kiện được Thủ tướng”

- Việc một công dân đâm đơn kiện Thủ tướng, theo tôi, đòi hỏi công dân đó phải có hiểu biết về luật pháp, nếu ở nước ngoài, có lẽ còn phải thuê luật sư tư vấn vì bị đơn trong trường hợp này thật đặc biệt. Đối với ông - một tiến sĩ luật, tất nhiên có kiến thức luật sâu rộng - ông mất bao lâu để thảo lá đơn này?

- Hai ngày, tính từ lúc tôi bắt đầu có ý định kiện, ngày mồng 9 tháng 6, cho tới khi tôi gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày 11 tháng 6. Mọi việc đều diễn ra trong thời gian Quốc hội họp (kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII).

- Ý định kiện Thủ tướng đã đến với ông như thế nào?

- Ý định kiện Thủ tướng nảy sinh sau khi tôi đọc báo đưa tin về kỳ họp Quốc hội, có một số đại biểu lên tiếng chất vấn Chính phủ về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Thực ra, kiện Thủ tướng đối với tôi là cực chẳng đã. Tôi đã từng hy vọng Chính phủ và Thủ tướng sẽ dừng việc khai thác bauxite tại Tấy Nguyên. Nhưng chúng ta đều đã chứng kiến việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ba lá thư về chuyện bauxite, không một lá thư nào có hồi âm. Việc hàng nghìn trí thức ký tên vào bản kiến nghị gửi Quốc hội cũng vậy, không hề có phản hồi. Văn bản trả lời của Ủy ban Pháp luật Quốc hội còn đề nhầm tên Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thành Giáo sư Nguyễn Thị Huệ, thì đủ thấy người ta coi thường mình đến thế nào.
Cho nên ngay lúc thấy các đại biểu chất vấn tại Quốc hội, tôi đã tự nhủ “thế này thì nguy quá”. Tôi thấy trước rằng việc chất vấn sẽ không đi đến đâu, Quốc hội nếu có tâm huyết thì cũng không thể hủy các dự án này nếu như cái gốc của các dự án là Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 167 – NV) vẫn còn đó. Thế rồi tôi nghĩ, lập pháp không mang lại hiệu quả thì tôi “chơi” tư pháp, và phải “chơi” ngay, không đợi kết thúc chất vấn.

- Cù Huy Hà Vũ lâu nay cũng là một cái tên “nổi” trong nhiều trường hợp khác nhau. Một số người vẫn thắc mắc, chưa hiểu động cơ gì đứng sau việc ông là công dân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử kiện Thủ tướng Chính phủ. Họ cho rằng ông làm thế để lại một lần nữa “chơi nổi”. Sự thực thì mục đích của ông khi kiện Thủ tướng là gì?

- Tôi xin phép được dành thời gian nói hơi nhiều một chút, về gia cảnh và danh tiếng của bản thân, để chứng minh rằng tôi về mặt vật chất cũng như danh tiếng đều đã có thừa rồi. Tôi sinh ra trong gia đình dòng dõi về cả nghệ thuật lẫn chính trị. Ông nội tôi là Cù Huy Chương, từng làm chủ tịch xã thời Xô-viết Nghệ Tĩnh. Bố đẻ tôi là nhà thơ Cù Huy Cận. Bố nuôi, bác ruột tôi là nhà thơ Xuân Diệu…


۩

… Đến đây ông Cù Huy Hà Vũ dành khá nhiều thời gian để nói về dòng dõi gia đình và các thành công ông đã đạt được. Thân phụ ông là nhà thơ Cù Huy Cận (1919-2005), một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới, một bộ trưởng (Bộ trưởng Canh Nông) trong Chính phủ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và một số nhân vật khác, ông Cù Huy Cận đã là một trong những người đầu tiên ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.

Ông Cù Huy Hà Vũ nói thêm rằng bản thân ông cũng tự tạo được danh tiếng cho mình chứ không dựa vào vị thế của gia đình. Ông có bằng Thạc sĩ Văn chương của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, sở trường là thể loại ký họa chân dung, hiện đang nắm giữ một bộ sưu tập chân dung các nhân vật nổi tiếng trên chính trường Việt Nam do ông ký họa, trong đó có hai bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng khen “Cù Huy Hà Vũ là người duy nhất trực họa tôi thành công”” – ông Vũ nói.

Ông cho biết cũng có nghiên cứu sử và từng chiến thắng trong vụ kiện bảo vệ di sản văn hóa đồi Vọng Cảnh, Đài Âm hồn (Huế), đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Hà Nội).

Ở lĩnh vực văn học, ông nói đã viết bài phát hiện nhà văn Trần Tiêu (em ruột nhà văn Khái Hưng, ông nội của diễn viên Trần Lực) không phải là thành viên Tự lực Văn đoàn. Mọi người biết nhiều hơn đến ông trong vụ kiện hy hữu giữa hai nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn. Ở phiên phúc thẩm, bên nguyên thua kiện nhưng đại diện nguyên đơn Cù Huy Hà Vũ vẫn tươi cười rất hữu hảo với bên bị giữa chốn pháp đình.



- Trở lại câu chuyện kiện Thủ tướng, ông vẫn khẳng định đây không phải là trò “chơi trội” hay nhằm mục đích thu hút sự chú ý của dư luận tới Cù Huy Hà Vũ?

- Tôi xin nói là nếu là người cơ hội, thích PR, thì tôi đã có thể nhảy lên như con choi choi để phản đối chủ trương khai thác bauxite ngay từ đầu rồi. Đằng này tôi chờ đến khi ba lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiến nghị của hàng nghìn trí thức, đều đã gần như bị bỏ ngoài tai, bao nhiêu người nản rồi, tôi mới vào cuộc, tất nhiên bằng “sở trường” của tôi là pháp luật. Vụ đồi Vọng Cảnh năm 2005 cũng thế, mọi người thất bại hết rồi, không còn hy vọng gì nữa, tôi mới tham gia đấy chứ. Không phải cái gì tôi cũng đâm đơn kiện, cái gì khó, có khả năng bế tắc, tôi mới làm.

- Vâng, tuy nhiên việc nào khó tới mức không thể thực hiện thì chắc không ai dại gì lao vào. Còn ông thì, theo như ông nói, đến thời điểm bao nhiêu người nản rồi, ông mới vào cuộc. Có phải bởi vì ông tự tin rằng, vụ việc khó nhưng chắc chắn ông sẽ làm được?

- Tôi chắc chắn. Vì thứ nhất, tôi rất hiểu toàn bộ Ban Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nên nhớ tôi là con dòng cháu giống của một người từng làm công tác nội chính. Nói cách khác, tôi là con nhà “nòi” chính trị nên kiện Thủ tướng – một hành vi chính trị theo nghĩa nào đó – là rất thích hợp với tôi.
Thứ hai, tôi dựa trên luật pháp và tôi đúng về mặt luật pháp.
Thứ ba, tôi có cái tâm, tôi có chính nghĩa. Nói cho đúng, tôi chỉ làm cái việc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng nghìn người ký Kiến nghị đã và đang làm là yêu cầu Nhà nước chấm dứt việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên chí ít vào thời điểm này, do những hiểm họa khôn lường đối với đất nước mà nó mang lại.
Và thứ tư, rất quan trọng, tôi có cái uy. Nếu không cần uy thì chẳng nhẽ đến anh xe ôm ngoài đường kia cũng kiện được Thủ tướng à?
Tóm lại, tôi cho cách chống những gì đang diễn ra trong vụ khai thác bauxite của tôi sẽ là một biện pháp hiệu quả, sau khi một số biện pháp khác không thành công.

- Hàng ngày, văn phòng tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn kiện ở tòa án chắc cũng đầy đơn mới. Ông làm cách nào để lá đơn của ông không những không bị chìm giữa các đơn khác, mà còn được dư luận chú ý đến thế?

- Tôi xác định đây là một vụ kiện liên quan đến lợi ích của cả cộng đồng vì các vấn đề như môi trường, quốc phòng, di sản văn hóa, càng nhiều người biết càng tốt, nên ngay sau khi gửi đơn tới Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, tôi đã gửi bản photo đơn gốc đến một số tờ báo lớn trong nước: "VietNamNet", "Tuổi Trẻ", "VnExpress", "Dân Trí", "Tiền Phong"… Sau đó, RFI (Radio France Internationale – Đài Phát thanh Quốc tế Pháp) là cơ quan truyền thông đầu tiên gọi điện phỏng vấn tôi dù tôi không có liên hệ với họ, rồi đến các báo khác ở nước ngoài.

- Gần đây có một số ý kiến phân tích cho rằng đơn kiện Thủ tướng của ông còn nhiều sơ hở về mặt luật học nên bị bác. Khi đệ đơn kiện, ông có nghĩ đơn sẽ bị bác không?

- Không phải là đơn bị bác, mà là bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trả lại như chính tiêu đề “Thông báo trả lại đơn khởi kiện” của Tòa án đã chỉ rõ. Cũng có thể nói đơn đã không được Tòa thụ lý. Nhân đây cần nói rằng “bác đơn” chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Hội đồng Xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức đơn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý và vụ án đã được đưa ra xét xử.
Ngày 11 tháng 6, tôi gửi đơn đến Tòa, thì đến 15 tháng 6, Tòa có thông báo trả lời tôi rằng “theo quy định tại Điều 12, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng các cơ quan đó. Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án hành chính”.
Như vậy, Tòa án Hà Nội trả lại đơn là do không đủ thẩm quyền xét xử Thủ tướng. Điều này tôi hoàn toàn biết ngay từ lúc nộp đơn. Nhưng tôi cũng đã tính hết cả rồi. Không tòa án này thì tòa án khác giải quyết đơn kiện của tôi.

- Vậy thì Tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền xét xử Thủ tướng? Có văn bản nào quy định điều này không, thưa ông?

- Theo logic của chính Thông báo của Tòa án Hà Nội thì đó sẽ là Tòa án Nhân dân Tối cao, vì trên Tòa án Hà Nội nói riêng, tòa án cấp tỉnh nói chung, không còn tòa án nào khác.
Theo logic ấy, nếu Tòa Hà Nội chỉ đủ thẩm quyền xét xử từ cấp Bộ trở xuống, thì Tòa Tối cao “chắc” là Tòa đủ quyền thụ lý đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ.

- Vậy tại sao ông không gửi đơn lên thẳng Tòa án Nhân dân Tối cao ngay, mà vẫn gửi đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trước để khỏi bị trả lại đơn?

- Tôi và Thủ tướng Chính phủ, tức nguyên đơn và bị đơn, đều ở Hà Nội, nên việc tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Hà Nội là theo nguyên tắc đơn khởi kiện phải được gửi ra Tòa án nơi nguyên đơn và/hoặc nơi bị đơn cư trú.
Ngoài ra, đây cũng là suy tính của tôi. Tôi muốn làm mọi chuyện “bung ra” một cách có hệ thống, từ dưới lên trên.

- Bây giờ nói về khía cạnh kỹ thuật của đơn kiện. Như ông nêu trong đơn, nó dựa trên nguyên tắc pháp luật “chủ thể của mọi hành vi – ban hành văn bản hành chính, lời nói, hành động… - trái pháp luật” đều là đối tượng khởi kiện, nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng, có ý kiến cho rằng, Quyết định 167 mà Thủ tướng ban hành lại không phải là một quyết định hành chính (tức văn bản áp dụng pháp luật) mà là một văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đơn kiện không đủ căn cứ pháp lý. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi thấy ý kiến này hoàn toàn vớ vẩn, nhầm lẫn giữa phạm trù (quy phạm pháp luật) và tính chất (hành chính). (Giở sách, đọc nhấn từng chữ) Điều 109 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam định nghĩa “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Điều 4 Luật tổ chức Chính phủ quy định “Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ”, tức người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Thủ tướng có thẩm quyền ban hành quyết định, chỉ thị, theo Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vậy quyết định của Thủ tướng không phải là quyết định hành chính thì là cái gì? Điều đáng lưu ý là quyết định hành chính của Thủ tướng có thể là văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật.

- Xin phép hỏi vượt ra ngoài vụ kiện Thủ tướng này một chút. Giả sử rằng đây là một văn bản quy phạm pháp luật, thì liệu có kiện được chủ thể ban hành nó không? Nói cách khác, công dân Việt Nam có quyền khởi kiện một đạo luật đã được ban hành không?

- Không được, vì luật pháp Việt Nam hiện hành chỉ quy định về khởi kiện đối với quyết định hành chính. Vả lại Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao do Quốc hội bầu ra nên Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Tòa án Nhân dân tối cao chứ không có chuyện ngược lại. Rõ ràng đây là một bất cập vì văn bản do Quốc Hội ban hành, trong đó có luật, rất có thể trái Hiến pháp.
Ở những nước có nền luật pháp tiến bộ, họ có Tòa án Hiến pháp, độc lập tuyệt đối và có quyền xem xét hủy bất cứ luật nào Quốc hội ban hành nếu thấy trái với Hiến pháp. Ở ta không có Tòa án Hiến pháp. Quốc hội tuy trên văn bản, giấy tờ là có quyền bãi bỏ các quyết định trái pháp luật của Thủ tướng, nhưng thực tế chưa bao giờ làm thế cả.

- Đó là về căn cứ pháp lý của đơn kiện. Còn về tư cách khởi kiện của ông thì…?

- Tôi khởi kiện Thủ tướng với tư cách cá nhân và điều này được luật pháp cho phép.
Ngay khi có ý định dùng nhánh tư pháp để chống sự khai thác bauxite trong vụ này, tôi đã nghiên cứu báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội về dự án và tôi thấy ngay rằng những điểm yếu về môi trường là kẽ hở để tôi tận dụng. Theo Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường thì “tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, tôi hay bất kỳ công dân Việt Nam nào khác cũng hoàn toàn có quyền khởi kiện Thủ tướng ban hành quyết định vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Việc Tòa án Hà Nội trả lại đơn khởi kiện với lý do không đủ thẩm quyền giải quyết đơn kiện Thủ tướng cũng đã xác nhận tư cách khởi kiện của tôi. Còn chuyện người ta bảo tôi không phải luật sư, tôi là công chức Bộ Ngoại giao, thì trong đơn, tôi đâu có ghi người khởi kiện là luật sư, công chức Bộ Ngoại giao Cù Huy Hà Vũ đâu. Và xin nhấn mạnh là cho dù có làm nghề gì, tôi cũng có quyền kiện Thủ tướng hết, miễn là tôi chưa bị mất quyền công dân.

- Vậy ông có tính tới khả năng đơn kiện của ông bị vô hiệu lực, khi người ta chứng minh được ông phạm tội gì đó và vì thế, ông bị tước quyền công dân?

- Không bao giờ có khả năng này cho dù người ta có muốn đến đâu! Tôi chưa bao giờ làm gì phạm pháp cả.

- Nhưng ông có thể có những sai sót trong kinh doanh, ví dụ chưa đủ tư cách hành nghề thì đã mở công ty tư vấn luật?
- Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ là do vợ tôi, Nguyễn Thị Dương Hà, đứng tên giám đốc. Văn phòng được thành lập đúng thủ tục và hoạt động tuân thủ pháp luật.

- Ông có phải luật sư không, theo quy định của luật pháp Việt Nam?

- Tôi có đủ điều kiện về bằng cấp, và tôi từng cãi cho một số vụ kiện dân sự. Theo luật thì tôi được phép bào chữa cho các vụ kiện dân sự.
Tôi chưa bao giờ xưng danh luật sư bởi tôi đang là công chức Bộ Ngoại giao, mà theo Luật luật sư thì công chức không được làm luật sư. Thực tế là tôi cũng chưa từng xin tham gia đoàn luật sư nào cả. Việc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đột nhiên ra văn bản nói rằng tôi không phải thành viên của họ, quả thật rất vô lý và vô duyên, vì tôi có xin vào đó bao giờ đâu.


۩

“4 khả năng phản ứng của Tòa án Nhân dân Tối cao”

- Ông nói rằng ông đã lường trước hết và tính toán tất cả, ví dụ ngay khi gửi đơn cho Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông đã biết trước đơn sẽ không được thụ lý vì Tòa không đủ thẩm quyền. Vậy nếu ngay cả Tòa án Nhân dân Tối cao cũng không đủ thẩm quyền thì sao?

- Điều 127 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt”. Chuyện một công dân khởi kiện Thủ tướng là việc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, nên đây là “tình hình đặc biệt” rồi. Tòa Tối cao sẽ phải báo cáo Quốc hội, đề nghị thành lập một tòa án đặc biệt để thụ lý vụ việc.

- Ông dự đoán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ phản ứng ra sao với đơn kiện Thủ tướng của ông? (Ngày mồng 3 tháng 7, ông Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn kiện Thủ tướng tới Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao).

- Tôi xác định là phản ứng của Tòa Tối cao không nằm ngoài bốn khả năng sau:
Thứ nhất, Tòa Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện. Trong trường hợp này, chắc chắn tôi sẽ thắng kiện, vì Tòa không thể vin vào luật nào mà cãi cho Thủ tướng được.
Thứ hai, Tòa Tối cao sẽ báo cáo Quốc hội, đề nghị thành lập Tòa án đặc biệt để thụ lý đơn kiện.
Thứ ba, bản thân Tòa Tối cao cũng không xác định nổi tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền thụ lý vụ việc.
Và thứ tư là… lờ lớ lơ. Tức là Tòa sẽ chẳng nói gì cả. Tuy nhiên, tôi tin là không có khả năng này, bởi vì Tòa bắt buộc phải có hướng dẫn đối với một công dân đang trong quá trình tố tụng. Tôi cũng chỉ là một công dân, chẳng có gì đáng sợ để Tòa phải tránh trả lời.

- Hai khả năng đầu có vẻ tích cực. Khả năng thứ tư ông cho rằng sẽ không thành hiện thực. Vậy còn khả năng thứ ba, nếu ngay cả Tòa Tối cao cũng chịu, không có cách giải quyết nào, thì ông sẽ làm gì tiếp theo?

- Đến lúc đó thì tôi sẽ làm đơn gửi Quốc hội, đề nghị Quốc hội xác định tòa án nào có thể thụ lý vụ việc của tôi. Tất nhiên tôi sẽ gợi ý khả năng thành lập Tòa án đặc biệt.
Tôi sẽ làm tới cùng. Tôi sẽ đẩy vụ việc tới mức Tòa án buộc phải thụ lý đơn kiện.

- Nếu Quốc hội không làm theo gợi ý của ông thì sao?

- Điều này có nghĩa là Quốc hội xóa sổ nguyên tắc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” được quy định tại Điều 52 Hiến pháp. Một khi Hiến pháp bị chính cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vi phạm thì còn gì để nói nữa! Thế giới người ta sẽ nghĩ sao về Nhà nước này? Như vậy, từ một lá đơn của tôi mà đã đập tung cả cơ chế, cả hệ thống luật, từ dưới lên trên. Đó là cách làm của tôi.

- Ông dự đoán khả năng nào sẽ xảy ra?

- Tôi nghĩ họ sẽ rút lại chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, bởi vì thà rút còn hơn đưa Thủ tướng ra tòa xử. Nếu đưa ra tòa, tôi cũng sẽ thắng kiện với những chứng lý mà tôi đã trình bày rõ trong đơn. Tất nhiên tôi cũng hiểu việc rút lại dự án có thể gây một số hậu quả cho Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc. Có thể sẽ phải tính đến khả năng bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc vì đã đơn phương hủy hợp đồng, như Australia mới đây đã làm cũng với nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi xác định là cứ từ từ đã, làm từng bước một. Và nhất thiết là Nhà nước với nhân dân phải cùng xử lý tình hình. Lo bên ngoài trước đã rồi trong nhà mới ngồi lại bàn chuyện sai, đúng, luận tội sau.

- Tiền bồi thường lấy từ đâu ra, nếu không phải từ tiền thuế mà dân đóng góp, mà người dân đâu có lỗi gì?
- Tôi tin rằng toàn thể người dân Việt Nam vì lợi ích của chính mình sẽ chung tay cùng Thủ tướng và Chính phủ để lo khoản bồi thường này.

- Từ hôm kiện Thủ tướng, ông có gặp bất kỳ một phản ứng nào từ phía cơ quan công quyền không? Hạ nhục, làm mất uy tín ông chẳng hạn?
- Hoàn toàn không. Không một lời đe dọa hay khuyên nhủ, không một tin nhắn. Chỉ có chuyện Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ra thông báo nói rằng tôi không phải luật sư, nêu đích danh “anh Cù Huy Hà Vũ”. Tôi sẽ kiện họ tội xâm phạm danh dự, uy tín công dân.
(Ngày mồng 1 tháng 7, ông Cù Huy Hà Vũ đã có đơn khiếu nại về thông báo của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).

- Ông có nghĩ tới một khả năng nào gọi là xấu nhất, cho chính ông không?

- Tôi chẳng sợ. Tôi nói rồi, tôi đã tính rất cẩn thận. Khi xác định đi kiện Thủ tướng là tôi đã biết sẽ phải “đấu trí” rồi. Tôi kiện Thủ tướng là trên cơ sở luật pháp và vì vậy luật pháp sẽ bảo vệ tôi.
Tôi có những nguyên tắc của tôi:
1. Tôi dựa vào Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó Điều 52 quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
2. Tôi dựa vào Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, trong đó quy định “Mọi quyết định hành chính đều có thể là đối tượng bị khởi kiện”.
3. Tôi dựa vào nguyên tắc chung của luật pháp trên toàn thế giới: Công dân được quyền làm những gì luật pháp không cấm. Nhà nước, cơ quan công quyền chỉ được quyền làm những gì luật pháp cho phép. Và tôi kiện Thủ tướng với tư cách một công dân.