Saturday, 20 March 2010

Về luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ

Bốn bị cáo trong một công ty Mỹ vừa bị truy tố vì tội hối lộ quan chức Việt Nam. Theo luật Mỹ, cho dù các công ty Mỹ hối lộ quan chức ở trong nước Mỹ hay ở nước ngoài đều bị xử lý.

Như tin Pháp Luật TP.HCM đưa, ngày 16-3, thành viên công ty xuất khẩu công nghệ Nexus Technologies (Mỹ) đã nhận tội hối lộ quan chức Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, trong phiên tòa tại Philadelphia, Pennsylvania, các bị cáo Nam Nguyễn, Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn, thuộc Công ty Nexus Technologies, khai nhận đã đưa hơn 250.000 USD cho các cán bộ nhà nước Việt Nam trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2008.

Đối diện mức án hàng chục năm tù

Theo cáo trạng ra ngày 4-9-2008, Công ty Nexus và bốn cá nhân bị buộc tội vi phạm một đạo luật liên bang về chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA). Ba anh em Nam Nguyễn, Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn đều là công dân Mỹ gốc Việt. Nam Nguyễn - người sở hữu kiêm chủ tịch Công ty Nexus - chịu trách nhiệm thương thảo hợp đồng và hối lộ quan chức phía Việt Nam. Một nhân vật tên là Joseph T. Lukas đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ để bán hàng cho phía chủ thầu Việt Nam. Còn Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn thu xếp việc chuyển tiền theo chỉ đạo của Nam Nguyễn.

Dự kiến tòa sẽ ra phán quyết vào ngày 13-7. Công ty Nexus có nguy cơ bị phạt tới 27 triệu USD. Nam Nguyễn và An Nguyễn đối diện mức án tù đến 35 năm, Kim Anh Nguyễn 30 năm, còn mức án tối đa cho Lukas là 10 năm.

Ra đời năm 1977, Đạo luật FCPA đã và đang trở thành một mối đe dọa đối với những vụ đi đêm của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Năm 2008, khi ba anh em Nam Nguyễn, An Nguyễn và Kim Anh Nguyễn bị bắt giữ với cáo buộc hối lộ quan chức nước ngoài, báo chí Mỹ đưa tin: Trong năm năm kể từ năm 2003 đến năm 2008, số vụ công ty Mỹ bị truy tố vì vi phạm FCPA đã tăng rất mạnh, vượt hơn tổng số vụ án liên quan tới FCPA trong suốt 25 năm trước đó.

Vì sao có Luật FCPA?

Một biện lý trong vụ Nexus Technologies, bà Laurie Magi, cho biết: “Những bị cáo này (bốn cá nhân bị truy tố) coi hối lộ như một hoạt động kinh doanh, thậm chí gọi đó là “tiền hoa hồng” để có được mối làm ăn. Họ đút lót quan chức chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng công ty của mình sẽ giành được các hợp đồng. Hành vi hối lộ đó không chỉ không công bằng và phi đạo đức mà còn là bất hợp pháp và làm tổn hại những người kinh doanh chân chính vốn đang nỗ lực để thành công trong nền kinh tế toàn cầu”.

Nhân viên FBI Janice Fedarcyk thì nói: “Trong lĩnh vực tội phạm cổ cồn trắng, ưu tiên hàng đầu của FBI là chống tham nhũng trong khối nhà nước. Những cáo trạng như cáo trạng đối với các thành viên của Công ty Nexus là cần thiết phải có trong một sân chơi toàn cầu, nơi người ta thành công nhờ vào năng lực cạnh tranh chứ không phải vào năng lực đút lót. Luôn là như vậy cho dù các công ty Mỹ hối lộ quan chức ở trong nước Mỹ hay là ở bên ngoài cách xa nước Mỹ hàng ngàn dặm”.

Các điều khoản của FCPA bao gồm hai mảng chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách giấy tờ. Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.

Đối tượng điều chỉnh của FCPA không chỉ bao gồm công dân và doanh nghiệp Mỹ mà còn cả những người lưu trú dạng thẻ xanh ở nước này, cũng như bất kỳ công ty nào hoạt động theo luật pháp Mỹ hoặc có địa điểm kinh doanh chính nằm ở Mỹ. Kể từ năm 1998, FCPA mở rộng áp dụng cả với công ty nước ngoài, cá nhân nước ngoài có hành vi tham nhũng khi đang ở trong lãnh thổ Mỹ.

Khái niệm quan chức nước ngoài khá rộng, chẳng hạn bác sĩ tại các bệnh viện công ở nước ngoài, hoặc bất kỳ ai làm việc cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay do chính phủ nước ngoài quản lý, điều hành. Ngay cả nhân viên của các tổ chức quốc tế như LHQ cũng được FCPA coi là quan chức nước ngoài.

“Hứa hẹn” cũng bị xử

Hành vi hối lộ được quy định bao gồm cả việc chào mời, gợi ý, hứa hẹn sẽ hối lộ chứ không nhất thiết phải có hành động đưa tiền. Và cũng không chỉ giới hạn ở tiền mặt: FCPA quy định bất kể thứ gì có giá trị mà bị dùng vào việc lót tay cho quan chức nước ngoài, nhằm giành lợi thế không thỏa đáng thì đều là bất hợp pháp. Quan trọng là dụng ý chứ không phải số lượng. Đạo luật này cho rằng ngay cả việc một công ty Mỹ tình nguyện “trả tiền học phí cho con em quan chức nước ngoài”, thậm chí ăn nhậu quá sang trọng, xa hoa với quan chức nước ngoài cũng bị coi là hối lộ nếu nhằm mục đích kiếm chác.

Còn tiền mừng cưới, tiền ma chay, nếu tuân theo truyền thống của nước sở tại và không nhằm mục đích làm ăn gì sau đó thì xem như không vi phạm FCPA. Luật này cũng quy định tiền chi cho quan chức nước ngoài được coi là hợp pháp nếu được sự cho phép theo luật thành văn của nước sở tại.

Theo ông Tom Coyner, một chuyên gia tư vấn người Mỹ, kể từ khi FCPA được thông qua, chính phủ Mỹ đã xúc tiến tạo một sân chơi đẹp cho các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài bằng cách gây sức ép buộc các nước khác phải thông qua các luật chống tham nhũng ở nước ngoài tương tự, ví dụ Hàn Quốc đã phải ban hành một luật như vậy vào năm 2001.

Thursday, 18 March 2010

Phản hồi của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ - toàn văn

Ngày 16-3 (giờ Washington), Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) đã ra thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Hội, liên quan tới việc ghi chú sai lệch về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới. Theo đó, NGS thừa nhận việc họ dùng địa danh tiếng Trung Quốc (Xisha Qundao) để chỉ quần đảo Hoàng Sa và ghi chú chữ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn bên dưới từ Xisha Qundao là cách làm “có thể dẫn đến hiểu sai”. Hội giải thích, do tỷ lệ xích của bản đồ thế giới quá nhỏ, nên rất khó có thể ghi chú đầy đủ các thông tin chi tiết về quần đảo Hoàng Sa.

Người đứng tên trên thông cáo báo chí của NGS, bà Cindy Beidel, tùy viên báo chí của Hội, cũng viện dẫn (bên ngoài thông cáo) một ví dụ tương tự về việc ghi chú trên bản đồ cho các trường hợp tranh chấp chủ quyền. Đó là quần đảo Falklands hay Malvinas, tranh chấp giữa Anh và Argentina. Người Anh gọi là Falklands, còn Argentina gọi là Malvinas. Bản đồ lớn ghi chú “quản lý bởi Anh quốc, Argentina đã tuyên bố chủ quyền” (“Administered by United Kingdom, claimed by Argentina”) nhưng bản đồ nhỏ hơn thì chỉ ghi chú “Anh quốc”. (Cách thức này cũng đã được áp dụng đối với việc ghi chú về quần đảo Hoàng Sa tại bản đồ châu Á của NGS. Theo đó, bản đồ này ghi chú: “Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam”, nghĩa là: “Tây Sa Quần đảo (Paracel Is.) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”).

Về phương hướng giải quyết, NGS không nói có tiến hành sửa trực tiếp ngay trên bản đồ thế giới đã phát hành trên website không (và thực tế là vẫn chưa sửa, theo ghi nhận của Pháp luật TP.HCM). Tuy nhiên, trên thông cáo báo chí, Hội nêu rõ rằng trong tương lai, họ sẽ bổ sung thêm phần dẫn giải về Hoàng Sa trong các bản đồ khác, hoặc sẽ không ghi một danh xưng nào.

Bình luận về động thái của NGS, Thạc sĩ Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM), một chuyên gia về công pháp quốc tế, nhận xét: “Tôi thấy vẫn chưa đủ, chẳng hạn họ nói “Hội công nhận tên gọi bằng tiếng Trung Quốc, Tây Sa Quần Đảo, là tên gọi chủ yếu”, như vậy là không ổn. Sao họ không để tên quốc tế là Paracel, hoặc đề Xisha/Hoàng Sa?”. Ngoài ra, ông Việt cho rằng NGS chỉ mới công nhận việc họ làm “có thể gây ra hiểu sai” chứ không tuyên bố họ sai.

Còn PGS-TS Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thì phát biểu: “NGS ra thông cáo báo chí phản hồi, đó là điều VUSTA hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ thì thấy họ có phần ngụy biện. Nếu bản đồ nhỏ, “ít chỗ” thì đừng ghi danh xưng gì nữa có phải hơn không, chứ ghi chú sai như vậy là có dụng ý rồi”.

-----------------------

Comment (cá nhân): Giả sử National Geographic Society là một hiệp hội của Trung Quốc nhỉ, đố biết phản ứng của Chính phủ ta sẽ thế nào?

Còn dưới đây là toàn văn thông cáo báo chí của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ:


TUYÊN BỐ VỀ QUẦN ĐẢO PARACEL

Tuân theo chính sách duy trì tính chính xác và nhất quán về bản đồ trong suốt lịch sử 122 năm của Hội Địa lý Quốc gia với tư cách một thể chế giáo dục và khoa học phi lợi nhuận, chúng tôi nỗ lực đạt tới sự phi chính trị, tham vấn một số lượng đa dạng các nguồn có thẩm quyền, và đưa ra những quyết định độc lập dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu. Chúng tôi không có ý định giải quyết hoặc đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp đã được nhìn nhận liên quan tới vấn đề chủ quyền và danh xưng, mà (thay vì thế) theo đuổi chính sách công nhận không chính thức – nghĩa là, mô tả cho bất kỳ một độc giả hay khán giả nào tình trạng hiện tại của sự việc theo cách đánh giá khả dĩ nhất của chúng tôi.

Về Quần đảo Paracel (tên truyền thống), NGS công nhận rằng quần đảo này đã bị xâm chiếm và kiểm soát (quản lý - ND) bởi chính quyền Trung Quốc từ năm 1974, và kết quả là, Hội công nhận tên gọi bằng tiếng Trung Quốc, Tây Sa Quần Đảo, là tên gọi chủ yếu. Điều này phù hợp với Chính sách về Bản đồ của chúng tôi. Đối với bản đồ khu vực và các bản đồ khác có tỷ lệ xích đủ lớn, chúng tôi cũng đặc biệt công nhận và chỉ định tên gọi khác bằng tiếng Việt Nam là Hoàng Sa, và tên truyền thống là Quần đảo Paracel, và kèm theo một ghi chú nói rằng trong khi Trung Quốc chiếm hữu và quản lý quần đảo, Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Từ tất cả những gì chúng tôi được biết, chúng tôi cho rằng đây là tình trạng thực tế hiện nay.

Gần đây chúng tôi vừa nhận được khiếu nại về cách mô tả cụ thể của chúng tôi trên Bản đồ Thế giới, tỷ lệ xích của bản đồ này khiến (chúng tôi) rất khó đưa vào đó thông tin chi tiết về một khối những hòn đảo nhỏ như Quần đảo Paracel. Chúng tôi đã cẩn thận xem xét lại tình hình và công nhận rằng, chỉ gọi quần đảo bằng tên Trung Quốc và đặt từ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn mà không giải thích gì thêm có thể dẫn đến hiểu sai và diễn giải sai. Trong tương lai, chúng tôi hoặc sẽ có giải thích bổ sung trên các bản đồ khác của mình theo như mô tả nói trên, hoặc chúng tôi sẽ bỏ qua phần danh xưng. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ làm rõ hơn tình trạng không chính thức hiện nay, đã được mô tả trong các bản đồ khác chi tiết hơn của chúng tôi.

Tuesday, 16 March 2010

Thiên hạ ai người khóc Kiều Như?

Nhân chuyện Lê Kiều Như (gọi trống không vậy vì không biết nên xác định chức danh của Kiều Như là gì) tổ chức họp báo công bố tác phẩm đầu tay “Sợi xích”, được nhiều người khen là một chiêu PR giỏi, Trang the Ridiculous ngẫm nghĩ hồi lâu… Rồi “nhà kinh tế nửa mùa” trong tôi trỗi dậy, thử phán liều một quả về marketing strategy này của Kiều Như. Tôi mạo muội cho rằng, không như nhiều người tưởng, Kiều Như vừa thực hiện một chính sách PR rất stupid, hứa hẹn hỏng ngay từ đầu, và kể cả nếu “Sợi xích” có ra thị trường thì Kiều Như cũng không được gì. Chỉ có LỖ THẢM HẠI.

Để đơn giản hóa, ta sẽ đi thẳng vào vấn đề: đánh giá cách marketing của Kiều Như, với giả định thứ nhất, đó là một cuốn sách mà nội dung chủ đạo là sex. Giả định thứ hai: Kiều Như có 2 mục tiêu, một là nổi tiếng, hai là kiếm tiền từ thương vụ sách này. Giả định thứ ba: Cuốn sách được phát hành nguyên vẹn như bản đã công bố tại cuộc họp báo vừa qua.

Nhiều nhận định sau đây sẽ không dựa trên số liệu thống kê nào nên sẽ có màu sắc cảm tính, tuy nhiên Trang the Ridiculous đành phải chấp nhận, vì rất khó có số liệu chứng minh, thêm nữa xét cho cùng kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu hành vi đám đông, nên nhiều khi cũng phải “khái quát hóa” bừa phứa đi chứ biết làm thế nào! Bài này cũng sẽ không bàn về chất lượng của "Sợi xích".

+++++

Xét mục tiêu thứ hai trước, là mục tiêu kiếm tiền, tôi khẳng định Kiều Như không đạt được, và thất bại là do không nghiên cứu kỹ thị trường sách và tâm lý người mua sách Việt Nam.

1. Thống kê (ở đâu quên rồi) cho thấy phần lớn người mua sách ở Việt Nam là phụ nữ. Mà giới này thì hẳn nhiên là không mua "Sợi xích" về gối đầu cho chồng hay đọc cho con nghe hàng đêm trước khi đưa bé vào giấc ngủ rồi. Lý do tại sao thì chúng ta đều đã biết. Như vậy, nếu chọn đối tượng là tất cả mọi người trừ phụ nữ, thì Lê Kiều Như đã phạm sai lầm đầu tiên khi loại ra ngoài nhóm độc giả tiềm năng nhất.

2. Từ đó suy ra độc giả của "Sợi xích" chủ yếu là đàn ông. Nhưng đàn ông cũng không dễ đi mua "Sợi xích", vì 2 lý do: 1. sợ vợ/ bồ (nếu có); 2. sợ dư luận. Không có thống kê song thực tế cho thấy năm 2008 khi cuốn “Bóng – tự truyện của một người đồng tính” ra đời, độc giả nam rất ngại mua cuốn này, chắc vì cả nghĩ, ngượng với người bán hàng.

Một ví dụ khác trong marketing mà Kiều Như chắc chưa biết, là khi bao cao su ra đời ở Việt Nam, người sử dụng nói chung là ngại hỏi mua sản phẩm. Chỉ đến khi nhà phân phối DKT nghĩ ra cái tên OK để gán cho nó, bà con mới mạnh dạn hơn…

Nay Kiều Như chưa tung “Sợi xích” ra đã rổn rảng bàn về chất lượng sex của nó, e là độc giả càng ngại đi mua hơn. Ta thử tưởng tượng một người đàn ông ra hàng sách (Fahasa, Xuân Thu, Minh Khai… ở TP HCM, hoặc khu vực gần Bờ Hồ ở Hà Nội) và dõng dạc/ thì thào: “Cho em lấy Sợi xích”…

3. Nhuận bút cho Kiều Như, theo luật là 10% doanh thu tính theo giá bìa, ta cứ tính là 20%, coi như đơn vị làm sách biếu thêm khoản nhuận cơ thể (mặc dù thực sự không tới được mức đó, dù nhà sách có quý Kiều Như đến mấy), tính ra là 7.800 đồng/cuốn sách. Không biết phải bán được bao nhiêu "Sợi xích", Kiều Như mới thu được tiền đủ may chiếc váy mặc hôm ra mắt sách.

4. Ngoài “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hot do nỗ lực PR của Đảng, Nhà nước thông qua các cơ quan, chi bộ trên khắp mọi miền đất nước - bán được 500.000 bản (?), một cuốn best-seller khác là “Lê Vân yêu và sống” cũng chỉ đạt con số 50.000 bản trên toàn cõi Việt. Lê Kiều Như PR mạnh lắm thì cũng chỉ bằng Lê Vân, rất khó vượt kỷ lục, nhất là khi VN đang khủng hoảng kinh tế. Đất nước đang vượng, sách còn là mặt hàng xa xỉ, huống chi khi đất nước gặp khó khăn.

5. Có dấu hiệu phá giá: Với một cuốn sách kèm cả ảnh như thế, với giá giấy như hiện nay và tình hình lạm phát như hiện nay, giá bán 39.000 đồng/cuốn có vẻ là quá thấp. Sau các loại chiết khấu cho đơn vị phát hành, quản lý phí cho NXB, thì tiền thu về cho nhà sách (Youbooks) chả còn mấy, vậy có lẽ ta không có cơ sở để tin vào tài kinh doanh của họ. Không hiểu Youbooks tính toán thế nào mà lại mua bản quyền cuốn này.

Từ các lập luận trên, tôi cho rằng, nếu được bán ra thị trường, "Sợi xích" sẽ lỗ thảm thiết. Tuy nhiên, nếu tác phẩm này được tiêu thụ qua kênh bán lẻ đi rong – tức là theo chân những người bán báo, băng đĩa lậu v.v. – tránh được tâm lý ngượng ngùng cho khách hàng, thì chắc cũng bán chạy. Nhưng đó là khi sách lậu lên ngôi, sách xịn của Lê Kiều Như không có chỗ ở đó.

Cho nên gợi ý cho Lê Kiều Như là: nên tự làm lậu sách mình, photo thật nhiều bản "Sợi xích" và bán rong trên mọi nẻo đường đất nước – cafe vỉa hè, bến tàu, nhà ga v.v.

Còn với mục tiêu thứ nhất – tạo danh tiếng – thì chắc chắn Lê Kiều Như đã và đang thành công. Nhưng là thành công với một cuốn sách lỗ, và tình hình này cũng chỉ là ngắn hạn. Nếu muốn tiếp tục nổi tiếng thì lại tiếp tục phải có sản phẩm và marketing, bằng không… 12 tháng nữa, thiên hạ ai người khóc Kiều Như?

Sunday, 14 March 2010

CÁO LỖI

Ngày 13/3, tôi có đăng bài sau về bản đồ in sai của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ:

Ngày 13/3, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã vừa có điều chỉnh ở lỗi trên bản đồ châu Á do họ phát hành: thay cho ghi chú rằng quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa thuộc Trung Quốc, NGS sửa lại là “Tây Sa được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền” (“Xisha Qundao, administered by China, claimed by Vietnam”).

Hành động “sửa sai” này diễn ra hai ngày sau khi báo chí Việt Nam đưa tin và phản ứng về việc tổ chức National Geographic Maps thuộc NGS phát hành trên website một bản đồ châu Á gán chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc. Sự kiện gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng của Việt Nam, và các ông Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long đã gửi thư khiếu nại tới Tổng biên tập của NGS.

Tính pháp lý của bản đồ


Trao đổi với Pháp luật TP HCM, TS. Nguyễn Trường Giang (Ban Biên giới Chính phủ) cho rằng, sự thực là bản đồ mà NGS phát hành trên mạng này “không có một chút giá trị pháp lý nào” và sẽ không bao giờ là bằng chứng chống lại Việt Nam nếu như tranh chấp về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa có được đưa ra Tòa án Quốc tế. Ông giải thích: “Về nguyên tắc, việc sản xuất bản đồ phải do cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm nhiệm, thì bản đồ mới được coi là chính thức. Ví dụ như ở Việt Nam, cơ quan đó là Cục Bản đồ. Mọi bản đồ xuất bản trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải được cấp phép từ Cục này, ghi chú rõ “ai in, ngày tháng, số giấy phép”, như thế mới là “chính thống”. Nếu không thì bao nhiêu bản đồ du lịch của các hãng du lịch tự in cũng thành có giá trị pháp lý cả hay sao?”.

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã bình luận, “là một công ty tư nhân và không liên kết gì với Chính phủ Mỹ, do đó các tài liệu do công ty đưa ra không phản ánh chính sách của Chính phủ Mỹ”. Còn National Geographic Maps, cơ quan trực thuộc Hội, thì tự giới thiệu về họ trên website riêng như một đơn vị tư nhân chuyên kinh doanh bản đồ (không nói rõ có phải do chính họ sản xuất hay không), số tiền thu được sẽ nhằm mục đích phi lợi nhuận là “tăng cường sự hiểu biết của toàn cầu và đẩy mạnh việc bảo tồn hành tinh của chúng ta thông qua thăm dò, nghiên cứu, giáo dục”.

Những bản đồ mà National Geographic Maps đăng tải trên mạng đều không ghi chú nguồn hay cơ quan chịu trách nhiệm lập. Theo ông Nguyễn Trường Giang, có thể thấy ghi chú “Tây Sa thuộc Trung Quốc” chỉ là một lỗi vô ý của họ, do việc sử dụng lại bản đồ cũ hoặc dựa theo những tài liệu cũ, đều đã sai sẵn và chưa được kiểm chứng xác nhận, không mang tính chính thống. Như vậy, bản đồ mà họ in sai và phát hành trên mạng càng không có giá trị pháp lý. Ông Giang nhấn mạnh: “Tóm lại, trường hợp này thuần túy là việc một trang web đưa tin sai, mà sai thì ta yêu cầu họ chỉnh sửa thôi. Sẽ chỉ là vấn đề nghiêm trọng nếu phát biểu “Tây Sa thuộc Trung Quốc” là một phát ngôn của Bộ Ngoại giao một quốc gia nào đó, hay một thông báo phản ánh quan điểm chính thức của nước đó”.

Một tiến sĩ luật (yêu cầu giấu tên), từng là thành viên đoàn đàm phán về biên giới của Chính phủ, cũng cho biết, nếu đưa ra Tòa án Quốc tế, thì “chẳng ai giải quyết tranh chấp chủ quyền dựa vào bản đồ của tư nhân hay một tổ chức phi chính phủ cả. Ngay cả những bộ cổ sử cũng chỉ được coi như tài liệu tham khảo nữa là”.

Sẽ còn những trường hợp tương tự…

Tuy thế, lỗi của bản đồ châu Á mà GNS phát hành vẫn rất nghiêm trọng, theo nghĩa nó gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. GNS là một tổ chức có uy tín được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Những gì họ xuất bản đều có thể là nguồn tài liệu tham khảo có sức nặng. Một nhà khoa học trẻ Việt Nam từng đặt vấn đề: "Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là những bài viết, bản đồ trên các tạp chí và trang mạng quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt tài liệu như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam".

Vị tiến sĩ luật giấu tên nói trên cũng cho rằng, dù NGS là một tổ chức khoa học tư nhân, nhưng khi nghiên cứu của họ mang tính phán xét thiên vị, ảnh hưởng tới chủ quyền của quốc gia khác, thì Nhà nước của quốc gia bị tổn hại cũng cần phải lên tiếng. “Họ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, không có quyền thừa nhận hay công nhận gì liên quan tới vấn đề chủ quyền cả. Tôi cho rằng phía Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Cục Bản đồ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – đều rất nên lên tiếng phản đối chính thức”.

Mỗi năm trên thế giới đều có vô số bản đồ được sản xuất bởi các tổ chức nghiên cứu tư nhân, các công ty tư nhân. Theo ông Nguyễn Trường Giang, những sai sót như trường hợp vừa rồi của GNS đều hoàn toàn có thể xảy ra đâu đó, lúc này lúc khác. Hướng xử lý trong những trường hợp tương tự là “thuyết phục, nhắc nhở để họ sửa lại”. Với những cơ quan lớn, có uy tín như NGS, thì Nhà nước có thể trực tiếp lên tiếng. Còn với các tổ chức ít ảnh hưởng hơn, như các công ty du lịch, lữ hành ở nước ngoài, thì mọi cá nhân, tổ chức Việt Nam đều có thể có ý kiến với họ: “Thậm chí nếu một trường đại học ở Mỹ phát hành tài liệu nói rằng Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Trung Quốc, thì sinh viên Việt Nam học ở đó cũng hoàn toàn có thể khiếu nại, phản đối chứ. Mình nói rõ ràng, đưa ra bằng chứng thuyết phục, thì họ sẽ sửa sai thôi”.

+++++++

Việc đưa tin NGS đã sửa sai là lỗi nghiêm trọng của tôi. Trên thực tế, đường link mà các báo dẫn là link vào bản đồ thế giới đăng tải trên NGS: http://www.natgeomaps.com/world_decorator_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00622077/re00622077_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false Bản đồ này đến thời điểm này (9h sáng 14/3, giờ Hà Nội) vẫn ghi chú Hoàng Sa là “Xisha Qundao (China)” tức: “Tây Sa quần đảo (Trung Quốc)”.

Còn bản đồ mà tôi đề cập là bản đồ châu Á của NGS: http://www.natgeomaps.com/asia_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00602812/re00602812_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false
Bản đồ này ghi chú: “Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam”, nghĩa là: “Tây Sa (Hoàng Sa) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”. Khi viết bài tôi đã chỉ tham khảo bản đồ này, dòng chữ in đỏ nổi bật khiến tôi suy đoán là đã có sự thay đổi.

Bất luận lý do gì, đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Sự thực là NGS chưa sửa lại chi tiết sai trên bản đồ thế giới mà các báo đã đề cập.

Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc và xin nhận mọi trách nhiệm.

Saturday, 13 March 2010

Quyền riêng tư hay lợi ích công?

Mình thích mỗi đoạn này: "Một điều mà có lẽ ít người ở Việt Nam biết, là lợi ích công không nhất thiết trùng với lợi ích Nhà nước. Chính điểm này đưa đến một hệ quả: Nguyên đơn trong các vụ kiện xâm phạm lợi ích không phải là Nhà nước mà chỉ có thể là cá nhân, tổ chức, có địa chỉ cụ thể".

* * *

QUYỀN RIÊNG TƯ HAY LỢI ÍCH CÔNG?

Hội thảo ngày 9/3 tại Hà Nội về chống xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân và tổ chức trên báo chí là lần đầu tiên vấn đề này được đặt ra trên cơ sở luật học, trước tình trạng ngày càng có nhiều bài báo, tờ báo bị khiếu nại, kiện tụng vì “lạm dụng thông tin xúc phạm cá nhân”, trong những năm gần đây. Còn ở Anh quốc, luật chống xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín đã ra đời từ năm 1275, nghĩa là hai thế kỷ trước khi có máy in.

Ngày nay ở phương Tây nói chung và Anh, Mỹ nói riêng, luật này vẫn hết sức đắc dụng. Theo bà Trần Lệ Thùy, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Đại học Oxford), báo chí Anh rất sợ dính vào những vụ kiện liên quan đến tội “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín” (tiếng Anh là defamation), vì chi phí cực kỳ tốn kém, tới hàng triệu bảng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà luật pháp Anh bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín công dân đến thế. Bà Thùy trích lời một vị quan tòa Anh từng nói rằng đó không phải chỉ là vấn đề của một cá nhân bị tổn hại, mà “việc bảo vệ uy tín của người nổi tiếng và quan chức khỏi bị tổn hại không chính đáng là lợi ích công”, “có lợi cho sự tốt đẹp chung”.


Khi danh dự, uy tín trở thành cái khiên


Ở Việt Nam trong những năm gần đây, người dân và đặc biệt là các tổ chức, cơ quan Nhà nước, cũng bắt đầu ý thức được về tình trạng báo chí lạm dụng thông tin để xúc phạm, mạ lỵ. Điều đáng nói ở đây là, một xu hướng ngược lại cũng đang diễn ra: Cá nhân và tổ chức liên quan đến thông tin báo chí đưa lại lạm dụng việc... kiện bôi nhọ danh dự, xâm phạm đời tư để “trừng trị” báo chí. Hay nói như ông Mai Phan Lợi (báo Pháp luật TP HCM), những quy định về chống xâm phạm cuối cùng lại “biến thành chỗ “náu thân” cho một số người tránh được sự giám sát của công luận, nhất là những người được cho là “người của công chúng, tức là những chính khách, quan chức Nhà nước hay văn nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng”.

Trong khi đó, nếu cầm một tờ báo hàng ngày của phương Tây, nhất là loại báo “lá cải” chỉ nhằm đưa tin về các “sao”, có thể thấy chi chít tin về đời tư, ảnh “sao xấu”, chuyện “tình non” của Demi Moore hay biểu hiện ngoại tình của Brad Pitt. Tin đời tư các quan chức hoặc nhân vật chính trị cũng bị phơi lên mặt báo. Gần đây nhất, báo chí Đông Âu kể chuyện vợ chồng Ceaucescu lúc bị thi hành án đã “nhục nhã” như thế nào, đưa tin đao phủ xử tử hai vợ chồng Ceaucescu vừa trúng xổ số độc đắc ở Romania, nêu đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của ông này.

Không chỉ xâm phạm đời tư, nhiều thông tin rõ ràng có nguy cơ xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Nhưng chúng vẫn được đăng tải. Giải thích điều này, một nhà báo kỳ cựu của BBC, ông Stephen Whittle, cho biết: “Bởi vì một trong các vai trò của báo chí là công khai những việc làm sai trái trong xã hội. Nhiệm vụ quan trọng của các tờ báo là cởi bỏ mặt nạ của những kẻ làm sai, lừa đảo và xì-căng-đan. Đó là lợi ích công để làm như vậy”.

Lợi ích công

Phục vụ lợi ích công – đó chính là “cái khiên” để báo chí “đỡ đòn” trong những vụ việc có khiếu kiện xâm phạm đời tư, danh dự. Khái niệm này hãy còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Ông Stephen Whittle giải thích đơn giản: “Báo chí phục vụ lợi ích công khi nó đưa tin nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của cộng đồng; khi nó phát hiện và vạch trần tham nhũng; khi nó chỉ ra sự yếu kém năng lực, đạo đức giả, dối trá của những quan chức trong chính quyền dân cử; khi nó giúp công chúng hiểu biết về xã hội và thế giới mà họ đang sống để họ có thể đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn, như bỏ phiếu cho ai chẳng hạn”.

Như vậy, vì lợi ích công, báo chí có thể cung cấp thông tin về một cá nhân bị nghi tham nhũng, trốn thuế, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của một doanh nghiệp, hay kết quả thanh tra chất lượng sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, mà không sợ mắc tội “xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức”. Tất nhiên, điều kiện sống còn phải thỏa mãn là: Thông tin đó đúng sự thật.

Cũng theo luật pháp Anh, đời tư bê tha về tình ái của một quan chức có thể bị bêu lên mặt báo, nếu trong quá khứ hoặc hiện tại, ông ta đã hoặc luôn tỏ vẻ là người đứng đắn, chung thủy. Bởi vì như vậy, ông ta đã thể hiện sự đạo đức giả, hoặc nặng hơn, lừa dối công chúng. Báo chí chỉ ra điều đó tức là đã phục vụ lợi ích công. Ông Stephen Whittle còn nhắc tới các trường hợp nhà báo trích dẫn phát ngôn hoặc sử dụng hình ảnh xấu của một ngôi sao giải trí, “sẽ không phải là bôi nhọ, xâm hại đời tư, nếu với phát ngôn đó và hành động đó, ngôi sao nọ có ý thức làm mình được công chúng biết đến. Những thông tin trên Facebook của anh ta/ cô ta chẳng hạn, đều có thể bị đưa lên báo như một nguồn chính thức”.

Một điều mà có lẽ ít người ở Việt Nam biết, là lợi ích công không nhất thiết trùng với lợi ích Nhà nước. Chính điểm này đưa đến một hệ quả: Nguyên đơn trong các vụ kiện xâm phạm lợi ích không phải là Nhà nước mà chỉ có thể là cá nhân, tổ chức, có địa chỉ cụ thể.

Bản thân những khái niệm nhân phẩm, uy tín, danh dự… cũng cần được định nghĩa và có phép thử rõ ràng. Luật báo chí của Anh quy định: “Các từ ngữ không xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nếu chỉ có ảnh hưởng xấu tới danh dự, uy tín của một người dưới con mắt của một thành phần cộng đồng, trừ khi những từ ngữ này cũng làm ô danh người đó dưới con mắt của những người bình thường có tư duy đúng đắn”. Ví dụ báo chí đưa tin một quan chức hay mặc áo vest màu hồng thì không được coi là làm tổn hại uy tín, vì những người bình thường có tư duy đúng đắn sẽ không đánh giá ông thấp đi chỉ vì ông mặc áo vest hồng.

Đối với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, những quy định rõ ràng đó là hết sức cần thiết để nhà báo có thể thực hiện đúng chức năng “phục vụ lợi ích công” của báo chí. Còn ở Anh thì ngược lại, bà Trần Lệ Thùy cho biết: “Giới truyền thông đang ca thán rằng Defamation Law (luật về chống xâm phạm danh dự, uy tín) hiện nay quá chặt, cản trở quyền tự do báo chí”.

Vấn đề là làm thế nào để cân bằng giữa tự do báo chí và đảm bảo quyền riêng tư của công dân không bị xâm phạm. Đó quả thật luôn là một thế cân bằng khó khăn.

Sunday, 7 March 2010

CHUYỆN LÀM BÁO Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1975

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Lam_bao_Sai_Gon_truoc_1975/

Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.

Rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?

"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".

Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.

Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy rất cổ, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"... Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, có cả quảng cáo thuốc chữa lang ben, tức cười lắm” - ông Y. kể. Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.

Sinh ngữ thành tử ngữ

T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v. Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.

Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi. Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: “Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…".

Thông tín viên và phóng viên

Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent). Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"... để bán cho các báo.

Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt. Ông Y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".

Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm. Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình Phú" (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc. "Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế".

Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.

Báo Sài Gòn cũ - mỗi tờ mỗi vẻ

Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "Ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ. Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.

Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối. Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.

Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (tiếng Pháp, chỉ truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).

Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long... Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".

Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị - xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.

Và những nỗi thất vọng

Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".

Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt. Ông Y. thở dài: "Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".

Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.

Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.

Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng. Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều.

Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".

Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.


Wednesday, 3 March 2010

Right Side, Left Side

Có lần tôi đã viết trong một entry: “Chính các nhà báo luôn luôn là nạn nhân, nhiều khi là nạn nhân đầu tiên, của sự bưng bít. Cứ mê mải kiếm tìm sự thật, rồi đến lúc chính mình trở thành nạn nhân của lừa đảo và dối trá, thì vẫn ngơ ngác không hiểu điều gì xảy ra”.

Tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu những gì mình từng viết, và bây giờ tôi muốn bổ sung: chính các nhà báo nhiều khi cũng tích cực góp phần vào sự bưng bít ấy, vì nhiều lý do. Và tôi ở trong số họ - trong số những kẻ tham gia bưng bít.

Có những sự thực, những âm mưu, những điều xấu xa tệ hại, mà tôi không biết đến khi nào mới “được quyền tuyên bố”. Có thể sẽ có lúc tôi nói hết, viết hết, mà cũng có thể sẽ không bao giờ, dù rằng như thế lại cũng không phải bản chất của tôi.

+++++

Tôi biết nhiều bạn đón chờ mục Phát ngôn & Hành động Ấn tượng trên mạng mỗi sáng thứ sáu, và tất nhiên, tôi cảm kích và vô cùng biết ơn tất cả các độc giả của mục đó. Tôi cũng rất sẵn lòng đón nhận mọi sự phê bình, phản biện, và nếu thấy sai, sẽ không ngại gì một lời xin lỗi, bởi vì nguyên tắc của nghề báo, như tôi đã được dạy tại tòa báo đầu tiên từng làm là: “Nếu sai, phải nhận”.

Tuy nhiên, có một điều tôi có thể thành thực nói, đó là: Tôi nghĩ rằng, một nhà báo, một phóng viên thì nên đi viết hơn là chỉ ngồi tổng hợp các ý kiến rồi bình luận – việc đó không quá khó khăn. Bất cứ ai chịu khó theo dõi thông tin trên báo chí (đúng nghĩa là “chịu khó”, vì đọc báo nhiều khi cũng mệt mỏi lắm!) và thử phản biện, đều có thể chỉ ra những điều thú vị hơn những gì tôi viết nhiều.

Với cá nhân tôi, lựa chọn, bình luận, nhận xét những phát ngôn (chủ yếu của quan chức) trên báo chí hàng tuần chỉ là một hệ quả nhỏ của việc đọc báo. Nói cách khác, nó giống một kiểu bàn luận lúc “trà dư tửu hậu”, mà không còn giống nghiệp vụ làm báo. Vì lẽ đó, tôi muốn ngừng làm các bài Phát ngôn & Hành động để tập trung vào những chủ đề khác, những công việc khác có tính báo chí hơn, cụ thể là cho công việc của một phóng viên ở tờ báo vừa nhận tôi - tờ Pháp luật TP HCM.

This might be my last chance to work for a “right-side” newspaper. Một người bạn tôi từng hỏi tại sao Trang the Ridiculous luôn muốn làm ở báo “lề phải”. Không phải vì tôi phân biệt “lề phải”, “lề trái”, mà bởi vì tôi có niềm tin rằng đó là cách hiệu quả hơn để bài viết đến được với nhiều bạn đọc – ít nhất thì cũng ít có nguy cơ bị hack hơn. Xin nhấn mạnh: Đó là nói về mặt hiệu quả, còn trong quan niệm, tôi hoàn toàn không phân định rạch ròi “lề phải”, “lề trái”, vì… chưa thấy khái niệm ấy, phép ẩn dụ ấy trong lý thuyết báo chí.

Một lần nữa, tôi muốn cảm ơn, vô cùng cảm ơn các độc giả đã khích lệ tôi trong nhiều tháng qua, và mong mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ trên những trang báo của Pháp luật TP HCM.