Ngày 16-3 (giờ Washington), Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) đã ra thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Hội, liên quan tới việc ghi chú sai lệch về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới. Theo đó, NGS thừa nhận việc họ dùng địa danh tiếng Trung Quốc (Xisha Qundao) để chỉ quần đảo Hoàng Sa và ghi chú chữ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn bên dưới từ Xisha Qundao là cách làm “có thể dẫn đến hiểu sai”. Hội giải thích, do tỷ lệ xích của bản đồ thế giới quá nhỏ, nên rất khó có thể ghi chú đầy đủ các thông tin chi tiết về quần đảo Hoàng Sa.
Người đứng tên trên thông cáo báo chí của NGS, bà Cindy Beidel, tùy viên báo chí của Hội, cũng viện dẫn (bên ngoài thông cáo) một ví dụ tương tự về việc ghi chú trên bản đồ cho các trường hợp tranh chấp chủ quyền. Đó là quần đảo Falklands hay Malvinas, tranh chấp giữa Anh và Argentina. Người Anh gọi là Falklands, còn Argentina gọi là Malvinas. Bản đồ lớn ghi chú “quản lý bởi Anh quốc, Argentina đã tuyên bố chủ quyền” (“Administered by United Kingdom, claimed by Argentina”) nhưng bản đồ nhỏ hơn thì chỉ ghi chú “Anh quốc”. (Cách thức này cũng đã được áp dụng đối với việc ghi chú về quần đảo Hoàng Sa tại bản đồ châu Á của NGS. Theo đó, bản đồ này ghi chú: “Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam”, nghĩa là: “Tây Sa Quần đảo (Paracel Is.) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”).
Về phương hướng giải quyết, NGS không nói có tiến hành sửa trực tiếp ngay trên bản đồ thế giới đã phát hành trên website không (và thực tế là vẫn chưa sửa, theo ghi nhận của Pháp luật TP.HCM). Tuy nhiên, trên thông cáo báo chí, Hội nêu rõ rằng trong tương lai, họ sẽ bổ sung thêm phần dẫn giải về Hoàng Sa trong các bản đồ khác, hoặc sẽ không ghi một danh xưng nào.
Bình luận về động thái của NGS, Thạc sĩ Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM), một chuyên gia về công pháp quốc tế, nhận xét: “Tôi thấy vẫn chưa đủ, chẳng hạn họ nói “Hội công nhận tên gọi bằng tiếng Trung Quốc, Tây Sa Quần Đảo, là tên gọi chủ yếu”, như vậy là không ổn. Sao họ không để tên quốc tế là Paracel, hoặc đề Xisha/Hoàng Sa?”. Ngoài ra, ông Việt cho rằng NGS chỉ mới công nhận việc họ làm “có thể gây ra hiểu sai” chứ không tuyên bố họ sai.
Còn PGS-TS Hồ Uy Liêm, Quyền Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thì phát biểu: “NGS ra thông cáo báo chí phản hồi, đó là điều VUSTA hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi đọc kỹ thì thấy họ có phần ngụy biện. Nếu bản đồ nhỏ, “ít chỗ” thì đừng ghi danh xưng gì nữa có phải hơn không, chứ ghi chú sai như vậy là có dụng ý rồi”.
-----------------------
Comment (cá nhân): Giả sử National Geographic Society là một hiệp hội của Trung Quốc nhỉ, đố biết phản ứng của Chính phủ ta sẽ thế nào?
Còn dưới đây là toàn văn thông cáo báo chí của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ:
TUYÊN BỐ VỀ QUẦN ĐẢO PARACEL
Tuân theo chính sách duy trì tính chính xác và nhất quán về bản đồ trong suốt lịch sử 122 năm của Hội Địa lý Quốc gia với tư cách một thể chế giáo dục và khoa học phi lợi nhuận, chúng tôi nỗ lực đạt tới sự phi chính trị, tham vấn một số lượng đa dạng các nguồn có thẩm quyền, và đưa ra những quyết định độc lập dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu. Chúng tôi không có ý định giải quyết hoặc đứng về phía bên nào trong các cuộc tranh chấp đã được nhìn nhận liên quan tới vấn đề chủ quyền và danh xưng, mà (thay vì thế) theo đuổi chính sách công nhận không chính thức – nghĩa là, mô tả cho bất kỳ một độc giả hay khán giả nào tình trạng hiện tại của sự việc theo cách đánh giá khả dĩ nhất của chúng tôi.
Về Quần đảo Paracel (tên truyền thống), NGS công nhận rằng quần đảo này đã bị xâm chiếm và kiểm soát (quản lý - ND) bởi chính quyền Trung Quốc từ năm 1974, và kết quả là, Hội công nhận tên gọi bằng tiếng Trung Quốc, Tây Sa Quần Đảo, là tên gọi chủ yếu. Điều này phù hợp với Chính sách về Bản đồ của chúng tôi. Đối với bản đồ khu vực và các bản đồ khác có tỷ lệ xích đủ lớn, chúng tôi cũng đặc biệt công nhận và chỉ định tên gọi khác bằng tiếng Việt Nam là Hoàng Sa, và tên truyền thống là Quần đảo Paracel, và kèm theo một ghi chú nói rằng trong khi Trung Quốc chiếm hữu và quản lý quần đảo, Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Từ tất cả những gì chúng tôi được biết, chúng tôi cho rằng đây là tình trạng thực tế hiện nay.
Gần đây chúng tôi vừa nhận được khiếu nại về cách mô tả cụ thể của chúng tôi trên Bản đồ Thế giới, tỷ lệ xích của bản đồ này khiến (chúng tôi) rất khó đưa vào đó thông tin chi tiết về một khối những hòn đảo nhỏ như Quần đảo Paracel. Chúng tôi đã cẩn thận xem xét lại tình hình và công nhận rằng, chỉ gọi quần đảo bằng tên Trung Quốc và đặt từ “Trung Quốc” trong ngoặc đơn mà không giải thích gì thêm có thể dẫn đến hiểu sai và diễn giải sai. Trong tương lai, chúng tôi hoặc sẽ có giải thích bổ sung trên các bản đồ khác của mình theo như mô tả nói trên, hoặc chúng tôi sẽ bỏ qua phần danh xưng. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ làm rõ hơn tình trạng không chính thức hiện nay, đã được mô tả trong các bản đồ khác chi tiết hơn của chúng tôi.