Bốn bị cáo trong một công ty Mỹ vừa bị truy tố vì tội hối lộ quan chức Việt Nam. Theo luật Mỹ, cho dù các công ty Mỹ hối lộ quan chức ở trong nước Mỹ hay ở nước ngoài đều bị xử lý.
Như tin Pháp Luật TP.HCM đưa, ngày 16-3, thành viên công ty xuất khẩu công nghệ Nexus Technologies (Mỹ) đã nhận tội hối lộ quan chức Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, trong phiên tòa tại Philadelphia, Pennsylvania, các bị cáo Nam Nguyễn, Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn, thuộc Công ty Nexus Technologies, khai nhận đã đưa hơn 250.000 USD cho các cán bộ nhà nước Việt Nam trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2008.
Đối diện mức án hàng chục năm tù
Theo cáo trạng ra ngày 4-9-2008, Công ty Nexus và bốn cá nhân bị buộc tội vi phạm một đạo luật liên bang về chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA). Ba anh em Nam Nguyễn, Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn đều là công dân Mỹ gốc Việt. Nam Nguyễn - người sở hữu kiêm chủ tịch Công ty Nexus - chịu trách nhiệm thương thảo hợp đồng và hối lộ quan chức phía Việt Nam. Một nhân vật tên là Joseph T. Lukas đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ để bán hàng cho phía chủ thầu Việt Nam. Còn Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn thu xếp việc chuyển tiền theo chỉ đạo của Nam Nguyễn.
Dự kiến tòa sẽ ra phán quyết vào ngày 13-7. Công ty Nexus có nguy cơ bị phạt tới 27 triệu USD. Nam Nguyễn và An Nguyễn đối diện mức án tù đến 35 năm, Kim Anh Nguyễn 30 năm, còn mức án tối đa cho Lukas là 10 năm.
Ra đời năm 1977, Đạo luật FCPA đã và đang trở thành một mối đe dọa đối với những vụ đi đêm của doanh nghiệp Mỹ với quan chức các nước. Năm 2008, khi ba anh em Nam Nguyễn, An Nguyễn và Kim Anh Nguyễn bị bắt giữ với cáo buộc hối lộ quan chức nước ngoài, báo chí Mỹ đưa tin: Trong năm năm kể từ năm 2003 đến năm 2008, số vụ công ty Mỹ bị truy tố vì vi phạm FCPA đã tăng rất mạnh, vượt hơn tổng số vụ án liên quan tới FCPA trong suốt 25 năm trước đó.
Vì sao có Luật FCPA?
Một biện lý trong vụ Nexus Technologies, bà Laurie Magi, cho biết: “Những bị cáo này (bốn cá nhân bị truy tố) coi hối lộ như một hoạt động kinh doanh, thậm chí gọi đó là “tiền hoa hồng” để có được mối làm ăn. Họ đút lót quan chức chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng công ty của mình sẽ giành được các hợp đồng. Hành vi hối lộ đó không chỉ không công bằng và phi đạo đức mà còn là bất hợp pháp và làm tổn hại những người kinh doanh chân chính vốn đang nỗ lực để thành công trong nền kinh tế toàn cầu”.
Nhân viên FBI Janice Fedarcyk thì nói: “Trong lĩnh vực tội phạm cổ cồn trắng, ưu tiên hàng đầu của FBI là chống tham nhũng trong khối nhà nước. Những cáo trạng như cáo trạng đối với các thành viên của Công ty Nexus là cần thiết phải có trong một sân chơi toàn cầu, nơi người ta thành công nhờ vào năng lực cạnh tranh chứ không phải vào năng lực đút lót. Luôn là như vậy cho dù các công ty Mỹ hối lộ quan chức ở trong nước Mỹ hay là ở bên ngoài cách xa nước Mỹ hàng ngàn dặm”.
Các điều khoản của FCPA bao gồm hai mảng chính: chống tham nhũng và thực hiện minh bạch sổ sách giấy tờ. Theo đó, FCPA nghiêm cấm các công dân và doanh nghiệp Mỹ gợi ý, chào mời, hứa hẹn hoặc thực sự trao bất kỳ thứ gì có giá trị cho quan chức nước ngoài, đảng phái nước ngoài, nhằm giành được hoặc duy trì một lợi ích nào đó.
Đối tượng điều chỉnh của FCPA không chỉ bao gồm công dân và doanh nghiệp Mỹ mà còn cả những người lưu trú dạng thẻ xanh ở nước này, cũng như bất kỳ công ty nào hoạt động theo luật pháp Mỹ hoặc có địa điểm kinh doanh chính nằm ở Mỹ. Kể từ năm 1998, FCPA mở rộng áp dụng cả với công ty nước ngoài, cá nhân nước ngoài có hành vi tham nhũng khi đang ở trong lãnh thổ Mỹ.
Khái niệm quan chức nước ngoài khá rộng, chẳng hạn bác sĩ tại các bệnh viện công ở nước ngoài, hoặc bất kỳ ai làm việc cho các cơ quan và doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay do chính phủ nước ngoài quản lý, điều hành. Ngay cả nhân viên của các tổ chức quốc tế như LHQ cũng được FCPA coi là quan chức nước ngoài.
“Hứa hẹn” cũng bị xử
Hành vi hối lộ được quy định bao gồm cả việc chào mời, gợi ý, hứa hẹn sẽ hối lộ chứ không nhất thiết phải có hành động đưa tiền. Và cũng không chỉ giới hạn ở tiền mặt: FCPA quy định bất kể thứ gì có giá trị mà bị dùng vào việc lót tay cho quan chức nước ngoài, nhằm giành lợi thế không thỏa đáng thì đều là bất hợp pháp. Quan trọng là dụng ý chứ không phải số lượng. Đạo luật này cho rằng ngay cả việc một công ty Mỹ tình nguyện “trả tiền học phí cho con em quan chức nước ngoài”, thậm chí ăn nhậu quá sang trọng, xa hoa với quan chức nước ngoài cũng bị coi là hối lộ nếu nhằm mục đích kiếm chác.
Còn tiền mừng cưới, tiền ma chay, nếu tuân theo truyền thống của nước sở tại và không nhằm mục đích làm ăn gì sau đó thì xem như không vi phạm FCPA. Luật này cũng quy định tiền chi cho quan chức nước ngoài được coi là hợp pháp nếu được sự cho phép theo luật thành văn của nước sở tại.
Theo ông Tom Coyner, một chuyên gia tư vấn người Mỹ, kể từ khi FCPA được thông qua, chính phủ Mỹ đã xúc tiến tạo một sân chơi đẹp cho các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài bằng cách gây sức ép buộc các nước khác phải thông qua các luật chống tham nhũng ở nước ngoài tương tự, ví dụ Hàn Quốc đã phải ban hành một luật như vậy vào năm 2001.