Friday 23 April 2010

Nhân vụ “TS Đỗ Ngọc Bích”, nhớ lại vài nguyên tắc báo chí

Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” là tựa đề bài viết đăng ngày 17/4 trên BBC Việt ngữ của tác giả Đỗ Ngọc Bích. Chị Bích là một Facebook friend của tôi, do đó tôi đã chú ý đọc bài này ngay hôm BBC đăng tải. Nói chung thì chỉ cần lướt qua một lần là đủ thấy bài viết sẽ gây phản ứng như thế nào trong dư luận độc giả.

Để phân tích tỉ mỉ từng ý, từng câu chữ, chỉ ra từng điểm đúng và chưa đúng về mặt học thuật, thì mất thời gian và nhiều bạn đọc của BBC đã làm rồi. Ở đây, tôi chỉ muốn nhận xét bài như một biên tập viên bình thường đọc bài của một cây viết nào đó.

Tôi không nghĩ chị Bích là “Hán gian” hay “Việt gian”, “điệp Tàu”, v.v. Nếu có thể nhận xét ngắn gọn, tôi chỉ thấy chị… dại, với tư cách một người viết. Không nói chuyện học thuật, kiến thức lịch sử, kiến thức về quan hệ quốc tế, xét thuần túy về mặt báo chí, chị Bích vi phạm một nguyên tắc quan trọng: phải hiểu tâm lý độc giả trước khi viết.

Tâm lý của độc giả, khán giả, thính giả… chúng ta nói chung là “thích những nội dung sẽ củng cố thái độ, quan niệm hiện thời của chúng ta, và ta có xu hướng phản ứng với những ý tưởng đi ngược lại niềm tin của mình. Do vậy, nhà sản xuất (chương trình truyền hình)/ người làm báo v.v. phải cẩn thận trong việc đưa ra những ý tưởng có thể sẽ “chà đạp” lên các quan niệm vốn phổ biến.” (Ron Whittaker)

Điều này có nghĩa là người viết nói chung nên tránh những chủ đề “đi ngược lại niềm tin cố hữu” của độc giả. Vì vậy, nếu bạn định viết “mặc quần là khiêu dâm, cởi truồng mới là đứng đắn” thì cần chuẩn bị tinh thần nghe chửi, tốt nhất là mua lấy cái rổ trước đã. Khi bạn đang ở Angola thì đừng dại mà gọi người dân ở đó là lũ mọi đen không có ngôn ngữ riêng, phải dùng tiếng Bồ Đào Nha, thật là thiếu bản sắc, chao ôi quả là nhục .v.v.

Ai cũng biết quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, kiểu quan hệ giữa một nước nhỏ và một nước lớn ở bên cạnh nhau (nghĩa đen), luôn luôn tiềm ẩn khả năng bùng nổ mâu thuẫn, xung đột. Không riêng Việt Nam với Trung Quốc mà tất cả các nước nhỏ ở cạnh nước lớn đều có thể bị chèn ép hoặc ít nhất cũng có tâm lý của kẻ bị bắt nạt. Tôi từng gặp một vài người Nauy rất ghét nước Nga, vì “ngày xưa chúng nó lấy đất của chúng tao”. Huống chi Trung Quốc hành xử chưa bao giờ là đàn anh, độ lượng với các láng giềng – cái này liệt kê bằng chứng ra chắc là cần cả chục công trình nghiên cứu.

Vì lẽ đó, xét về khía cạnh tâm lý, người Việt Nam rất khó tránh khỏi cảm giác ghét bỏ Trung Quốc – gần như một mối “cừu thù” nằm sâu trong tiềm thức. Chị Đỗ Ngọc Bích lại “khiêu khích” người đọc bằng một bài viết với nhiều lời lẽ đả kích như vậy, thì chưa cần biết chị nói đúng/ sai thế nào, có bị nguyền rủa, đe dọa cũng là dễ hiểu.

Cần nói rõ thêm, nguyên tắc trên chỉ áp dụng cho báo chí. Nếu chị Bích viết bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” và đưa lên bích báo của lớp 10A trường PTTH ABC xã XYZ gì đó, hoặc viết xong cất vào nhật ký, thì chẳng sao. Nếu chị Bích có cả một công trình nghiên cứu đồ sộ, cỡ đề tài khoa học cấp Bộ, Nhà nước… chứng minh sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, tổ tiên người Việt là người Trung Quốc… thì việc phản biện xin dành cho cơ quan chủ quản và các nhà khoa học. Có điều trường hợp này thì khác hẳn, bởi chị đang viết cho một tờ báo – trang mạng của BBC Việt ngữ.

Như vậy phải chăng là nhà báo không thể viết những điều “có thể sẽ ‘chà đạp’ lên các quan niệm vốn phổ biến”? Câu trả lời tùy quan niệm mỗi người. Cá nhân tôi cho rằng nếu viết, nhà báo phải cực kỳ thận trọng, khéo léo, cân nhắc từng từ ngữ, lập luận chặt chẽ và đầy đủ căn cứ. Cần khẳng định ngay là kể cả làm như vậy cũng không đảm bảo 100% độc giả sẽ “nhất trí cao” với người viết, và nói chung các chiến hữu làm báo chắc ai trong đời cũng ít nhất một lần bị chửi te tua.

Ngoài ra, có những chủ đề nhà báo tuyệt đối không nên động vào, nếu chủ đề đó có nguy cơ rơi vào một trong các trường hợp sau: kích động bạo lực, tội ác, kích động hằn thù dân tộc, cổ vũ cho sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào - kỳ thị chủng tộc, giới tính, tôn giáo, địa phương, v.v. Một người bạn (đồng tính) của tôi nói rằng, anh căm thù những tựa báo kiểu như “Giết bạn tình đồng tính”, “Hai người đồng tính giết người cướp của”, "Đêm thác loạn của gay", “Một kiếp bị giời đầy”, vân vân và vân vân.

Chị Bích có thể nói rằng mình không phải nhà báo, tuy nhiên bài viết của chị lại là dành cho một cơ quan truyền thông đại chúng, vì vậy nếu chị không nhận lỗi thì lỗi này sẽ được “kính chuyển” từ chị sang tòa soạn. Không thể trách độc giả đã mạt sát chị. Không thể nào tuyên bố: “Tôi không đọc, không chấp nhận, và không đáp lại những lời lẽ xúc phạm thô bỉ của những người phê phán, chỉ trích tôi”.

Cuối cùng, xin chia sẻ với các bạn làm báo và không làm báo một “bí kíp” – đúng hơn là lời khuyên tôi nhận được từ một nhân vật từng phỏng vấn: “Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, người viết phải viết sao để chính quyền (buộc) phải lắng nghe, nhân dân yêu mến, và kẻ thù thì không thể lợi dụng”.

Bài viết của chị Đỗ Ngọc Bích chắc chắn không được nhân dân yêu mến, kẻ thù của Việt Nam hoàn toàn có thể lợi dụng, còn chính quyền Việt Nam ngày nay cũng như chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 hẳn cũng chẳng vui gì.

Với một bài báo vi phạm hoàn toàn các nguyên tắc hay là tiêu chuẩn của báo chí như vậy, không hiểu tác giả viết làm chi?...


+++++

Bổ sung thêm một đoạn: Trong bài trả lời độc giả, chị Đỗ Ngọc Bích cho biết chị viết vì "muốn tìm ra nguyên cớ tại sao họ (các blogger trong nước và hải ngoại) ghét TQ và một số lãnh đạo VN đến thế, và cố gắng làm cho họ bớt thù hận, bình tĩnh, rộng lượng hơn một chút với một số bối cảnh ngoại giao Việt Trung hiện thời". Đến đây tôi xin trở lại ý trên: Nếu viết, nhà báo phải cực kỳ thận trọng, khéo léo, cân nhắc từng từ ngữ, lập luận chặt chẽ và đầy đủ căn cứ.

Theo ngu ý của tôi thì cũng với những ý đó của chị Bích, một nhà báo rất tài năng có thể cho ra một bài viết không đến nỗi hứng một trận mưa chửi. Người viết tay nghề vừa phải thì chẳng nên liều, như nhà em thì chạy cho mau, kiểu như "các cụ" ta dạy "đã yếu đừng ra gió" ấy mà!