Wednesday, 28 July 2010

Quyền con người (phần 2)

Phần tiếp theo trong tiểu luận của Ayn Rand, “Quyền con người”- “Man’s Rights”. Ngôn từ triết học có nhiều chỗ dài dòng và khó hiểu, độc giả có thể đọc kỹ, đọc lướt, hoặc bỏ qua không đọc tiểu luận này. Với cá nhân tôi, những câu sau đây là đáng chú ý nhất:

Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe…”,

Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ”.


* * *

QUYỀN CON NGƯỜI (phần 2)

- Ayn Rand -

Hãy quan sát thực trạng kỳ lạ, là chưa bao giờ trên khắp thế giới bùng nổ đến thế hai hiện tượng trái ngược nhau: các “quyền” mới được tạo thêm ra và các trại cưỡng bức lao động.

“Chiêu bài” ở đây là hoán đổi khái niệm quyền từ địa hạt chính trị sang địa hạt kinh tế.

Cương lĩnh năm 1960 của Đảng Dân chủ Mỹ tóm tắt quá trình hoán đổi này một cách thẳng thừng và rõ ràng. Cương lĩnh tuyên bố rằng chính quyền thuộc Đảng Dân chủ “sẽ tái khẳng định đạo luật về quyền kinh tế mà Franklin Roosevelt từng ghi vào lương tâm quốc gia của chúng ta 16 năm về trước”.

Hãy nắm thật vững ý nghĩa của khái niệm “quyền” khi bạn đọc danh sách các quyền mà cương lĩnh đó đưa ra:

“1. Quyền làm một công việc hữu ích và được trả công, trong các ngành sản xuất hay thương mại, trên nông trang hay trong hầm mỏ của quốc gia.

2. Quyền tìm kiếm thu nhập để cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, quần áo và phương tiện giải trí.

3. Quyền của mọi nông dân nuôi trồng và bán sản phẩm của mình để có doanh thu chu cấp cho mình và gia đình.

4. Quyền của mọi doanh nhân lớn và nhỏ được tự do kinh doanh, không bị cạnh tranh không lành mạnh, không phải chịu sự khống chế của các nhà độc quyền trong nước và nước ngoài.

5. Quyền của mọi gia đình được có nhà ở tử tế.

6. Quyền được chăm sóc y tế thích đáng, cơ hội được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe tốt.

7. Quyền được bảo vệ một cách phù hợp khỏi những vấn đề về tuổi già, ốm đau, tai nạn và thất nghiệp.

8. Quyền hưởng một nền giáo dục tốt”.

Đặt thêm một câu hỏi vào sau mỗi trong số 8 mệnh đề trên, ta sẽ thấy rõ vấn đề: … với cái giá do ai trả?

Công việc, lương thực thực phẩm, quần áo, phương tiện giải trí (!), nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục, v.v. không tự nhiên mọc ra. Chúng là những giá trị nhân tạo - hàng hóa và dịch vụ do con người sản xuất. Ai cung cấp chúng?

Nếu một số người được trao quyền đối với sản phẩm do những người khác làm ra, thì có nghĩa là những người khác kia bị tước mất quyền và bị cưỡng bức lao động.

Bất kỳ “quyền” được viện dẫn nào của một cá nhân, mà đưa đến sự vi phạm quyền của cá nhân khác, đều không phải là và không thể là một quyền.

Không ai có quyền áp đặt một nghĩa vụ không lựa chọn, một nhiệm vụ không được trả công lên người khác, hay ép người khác phải quy phục. Không có cái gọi là “quyền nô dịch”.

Quyền của một người không liên quan đến hành động của những người khác thực thi quyền đó; nó chỉ liên quan đến việc chủ thể được tự do thực thi quyền bằng nỗ lực riêng mình.

Vì vậy, hãy nhìn nhận sự sáng suốt của các vị Tổ khai quốc: họ nói về quyền mưu cầu hạnh phúc – chứ không phải về quyền hạnh phúc. Như thế nghĩa là một cá nhân có quyền làm những gì cá nhân đó coi là cần thiết để đạt được hạnh phúc; chứ không có nghĩa là những người khác phải làm cho cá nhân đó hạnh phúc.

Quyền sống nghĩa là cá nhân có quyền nuôi sống mình bằng công việc của chính mình (ở bất cứ trình độ kinh tế nào, ở mức khả năng cá nhân cho phép); chứ không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân đó các thứ cần để sống.

Quyền sở hữu nghĩa là cá nhân có quyền tiến hành các hoạt động kinh tế cần thiết để tìm kiếm, sử dụng và định đoạt tài sản; không có nghĩa là những người khác phải mang tài sản đến cho cá nhân đó.

Quyền tự do ngôn luận nghĩa là cá nhân có quyền thể hiện/ trình bày ý kiến mà không có nguy cơ bị đàn áp, can thiệp hay phải chịu sự trừng phạt của chính phủ. Quyền này không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân khán phòng, đài phát thanh hay tòa báo để thông qua đó thể hiện/ trình bày ý kiến của cá nhân đó.

Bất kỳ công việc nào liên quan tới nhiều hơn một người đều đòi hỏi sự đồng ý tự nguyện của tất cả các bên tham gia. Mỗi người trong số họ có quyền ra quyết định riêng, nhưng không ai có quyền áp đặt quyết định của mình lên người khác.

Không có cái gọi là “quyền làm một công việc” – chỉ có quyền tự do trao đổi, tức là: quyền của cá nhân có một công việc nếu được người khác chọn thuê. Không có “quyền có nhà ở”, chỉ có quyền tự do trao đổi: quyền xây một căn nhà hoặc mua nhà. Không có “quyền được trả lương, trả giá công bằng” nếu không ai muốn trả, muốn thuê mướn một cá nhân hay mua sản phẩm của cá nhân đó. Không có “quyền của người tiêu dùng” mua sữa, giày, phim ảnh hay rượu sân banh nếu không nhà sản xuất nào lựa chọn sản xuất những mặt hàng đó (chỉ có quyền sản xuất của nhà sản xuất thôi). Không có “quyền” của những nhóm đặc biệt, không có “quyền của nông dân, công nhân, doanh nhân, người lao động, người già, người trẻ, những đứa trẻ chưa ra đời”.

Chỉ có Quyền Con Người – là các quyền được sở hữu bởi mọi cá nhân và bởi tất cả mọi người như những cá nhân.

Quyền về tài sản và quyền tự do trao đổi là “quyền kinh tế” duy nhất của con người (thật ra, chúng là quyền chính trị) – và không thể có cái gì như là “một đạo luật về quyền kinh tế”. Vậy mà, hãy quan sát những người cổ súy cho cái đạo luật này, họ ban hành đủ thứ và họ phá hoại quyền kinh tế.

Hãy nhớ rằng quyền là những nguyên tắc đạo đức xác định và bảo vệ tự do hành động của con người, nhưng không áp đặt nghĩa vụ nào lên người khác. Các công dân đều không phải là mối đe dọa đối với quyền hay tự do của người khác. Công dân nào sử dụng vũ lực và vi phạm quyền của người khác thì là tội phạm – và mọi người được pháp luật bảo vệ chống lại hắn.

Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ thời đại hay đất nước nào. Và mối nguy hại mà bọn họ tạo ra đối với nhân loại là nhỏ bé vô cùng so với nỗi kinh hoàng – đổ máu, chiến tranh, khủng bố, sung công, nạn đói, chế độ nô lệ, hủy diệt hàng loạt – do các nhà nước từng hiện diện trong lịch sử nhân loại tạo ra. Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ.

Bây giờ hãy quan sát cái quá trình trong đó sức mạnh bảo vệ ấy bị tiêu diệt.

Quá trình ấy đổ cho các công dân tội vi phạm những điều mà theo hiến pháp, chính chính quyền mới bị cấm vi phạm (tức là những điều mà các công dân không đủ quyền lực để thực hiện), và nhờ thế giải phóng cho chính quyền khỏi mọi ràng buộc. Hành động đổ tội đó đang tăng lên ngày một rõ ràng hơn trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Suốt nhiều năm trời, những người theo chủ nghĩa tập thể đã tuyên truyền cho cái quan điểm nói rằng tư nhân từ chối tài trợ tức là vi phạm quyền tự do ngôn luận và là “kiểm duyệt”.

Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một tờ báo từ chối đặt hay đăng tải bài viết của những tác giả có chủ kiến đối lập hoàn toàn với chủ trương của tờ báo.

Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một nhà tài trợ phản đối chi tiết xúc phạm nào đó trên chương trình truyền hình mà ông ta bỏ tiền tài trợ - như trường hợp Alger Hiss được mời lên truyền hình để lăng mạ Phó Tổng thống Nixon.

Về sau, ông Newton N. Minow (*) tuyên bố: “Có kiểm duyệt thông qua xếp hàng, có kiểm duyệt bởi nhà quảng cáo, bởi truyền hình, bởi các chi nhánh sẽ bác bỏ lịch phát sóng phủ tới địa bàn của họ”. Cũng chính ông Minow ấy đe dọa rút giấy phép bất kỳ đài nào không tuân thủ chủ trương phát sóng của ông – và ai nói đó không phải là kiểm duyệt.

Hãy suy nghĩ về hàm ý sâu xa trong một khuynh hướng như thế.

“Kiểm duyệt” là chuyện chỉ gắn với nhà nước. Không có kiểm duyệt của tư nhân. Không một công dân hay công ty tư nhân nào có thể khiến ai đó phải im lặng hay tịch thu một ấn bản; chỉ nhà nước có thể làm điều đó. Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe và không tài trợ cho người đối địch với mình.

Nhưng theo các học thuyết như “đạo luật kinh tế về quyền cá nhân” kia, cá nhân không có quyền khai thác các phương tiện vật chất của mình theo sự hướng dẫn của lý trí, và phải bỏ tiền cho bất kỳ diễn giả hay nhà tuyên truyền nào có “quyền” đối với tài sản của anh ta.

Như vậy có nghĩa là việc cung cấp công cụ để thể hiện ý kiến đã tước đoạt của con người cái quyền được nêu ý kiến. Nó có nghĩa là nhà làm sách phải xuất bản những cuốn sách ông ta coi là vô giá trị, sai lệch hay xấu xa, nhà tài trợ truyền hình phải chi tiền cho các bình luận viên lăng mạ quan niệm của ông ta, chủ bút một tờ báo phải nộp những trang báo của ông ta cho một gã lưu manh trẻ ranh hò hét đòi nô dịch báo chí. Nghĩa là một nhóm người giành được “quyền” có giấy phép vô hạn trong khi nhóm khác bị vô hiệu hóa tới bất lực.

Nhưng rõ ràng là bất khả thi nếu phải cấp cho mỗi người có yêu sách một công việc, một chiếc micro hay một chuyên mục trên tờ báo, thế nên ai sẽ quyết định việc “phân phối” các “quyền kinh tế” đó và chỉ định người nhận, trong khi người chủ sở hữu đã mất quyền được lựa chọn? À, về điểm này ông Minow đã chỉ ra khá rõ.

Và nếu bạn nghĩ một cách sai lầm rằng điều trên chỉ đúng với người nào sở hữu những tài sản lớn, bạn nên nhận thấy rằng lý thuyết về “các quyền kinh tế” đề cập cả đến “quyền” của tất cả những người mà trong tương lai sẽ trở thành nhà biên kịch, nhà thơ cách tân, nhà soạn nhạc ồn ào và tất cả các nghệ sĩ phi vật thể (những người có sức thu hút về chính trị) - quyền của họ đối với sự ủng hộ về tài chính mà bạn đã không trao cho họ nếu không tham gia show diễn của họ. Việc sử dụng tiền thuế của bạn vào tài trợ cho nghệ thuật còn có ý nghĩa nào khác đâu?

Và trong khi người ta làm ầm ĩ về “các quyền kinh tế” thì khái niệm quyền chính trị lu mờ dần. Người ta đã quên rằng tự do ngôn luận tức là tự do cổ súy cho quan điểm của ai đó và chấp nhận các kết quả có thể đến, gồm sự bất đồng với những người khác, sự phản đối từ những người khác, không được ưa thích, mất đi sự ủng hộ. Chức năng chính trị của “quyền tự do ngôn luận” là bảo vệ những người không quy phục và những thiểu số không được ưa chuộng khỏi sự áp chế bằng sức mạnh – chứ không phải là bảo đảm mang đến cho họ sự ủng hộ, lợi thế hay mối thiện cảm mà họ đã không có được.

Tuyên ngôn Nhân quyền viết: “Quốc hội sẽ không ra luật nào… tước đi tự do ngôn luận, hay tự do báo chí…”. Tuyên ngôn không yêu cầu các công dân phải trao micro cho kẻ muốn hủy hoại họ, trao cái chìa khóa vạn năng cho tên trộm muốn lấy tiền của họ, hay trao con dao cho tên sát nhân muốn cắt cổ họ.

Một trong các vấn đề cốt yếu nhất của ngày hôm nay là vậy: các quyền chính trị chống “các quyền kinh tế”. Đây là vấn đề hoặc cái này hoặc cái kia, cái này tiêu diệt cái kia. Nhưng trong thực tế, không có “quyền kinh tế”, không có “quyền tập thể”, không có “lợi ích công” nào cả. “Quyền cá nhân” là một cụm từ thừa thãi: chẳng có quyền nào khác và cũng chẳng còn đối tượng nào khác có quyền ấy.

Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do là lực lượng duy nhất cổ súy cho quyền con người.


HẾT

(*) Newton N. Minow: sinh năm 1926, là một luật sư, chính khách người Mỹ, cựu chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Commnunications Commission) của Mỹ. Trong một bài diễn văn tại hội nghị của Hiệp hội Quốc gia các nhà truyền thông (9/5/1961), ông phê phán gay gắt truyền hình vì đã không làm nhiều hơn để phục vụ lợi ích công, chỉ phát sóng những nội dung phù phiếm hoặc nặng về sex. Nhiều người hoan nghênh ông nhưng cũng nhiều người cho rằng ý kiến của ông là biểu hiện của sự can thiệp từ phía chính quyền lên doanh nghiệp tư nhân. (lược dịch từ Wikipedia)

Saturday, 24 July 2010

Quyền con người (phần 1)

Hưởng ứng bài viết của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - "Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam" - để rộng đường dư luận, tôi xin dịch tiểu luận có nhan đề "Quyền con người" (Man’s Rights) của Ayn Rand. Quan điểm của Ayn Rand không nhất thiết trùng quan điểm của tướng Hưởng.

Bản dịch chắc chắn không tránh khỏi nhiều sai sót, rất mong được các bạn góp ý, sửa chữa. Xin cảm ơn.



**********

QUYỀN CON NGƯỜI

- Ayn Rand -

Ai muốn cổ súy cho xã hội tự do – tức chủ nghĩa tư bản – người ấy phải biết rằng nền tảng không thể tách rời của xã hội tự do là nguyên tắc về các quyền cá nhân. Ai muốn cổ vũ cho các quyền cá nhân, người ấy phải biết rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống duy nhất có thể duy trì và bảo vệ các quyền đó. Và nếu ai đó muốn đo lường mối quan hệ giữa tự do với các mục tiêu của trí thức ngày nay, người ấy có thể dựa vào một thực tế là khái niệm quyền cá nhân đang bị xói mòn, bóp méo, xuyên tạc và hiếm khi được đưa ra thảo luận, đặc biệt hiếm được thảo luận bởi lực lượng gọi là “những người bảo thủ”.

“Quyền” là một khái niệm đạo đức; là khái niệm tạo sự dịch chuyển logic từ các nguyên tắc hướng dẫn hành động của cá nhân tới các nguyên tắc hướng dẫn quan hệ của anh ta với những người khác; là khái niệm duy trì và bảo vệ đạo đức cá nhân trong xã hội; là mối liên kết giữa quy tắc đạo đức của một cá nhân và quy tắc pháp lý của một xã hội, mối liên kết giữa đạo đức và chính trị. Quyền cá nhân là phương tiện để đặt xã hội xuống dưới luật đạo đức.

Mọi hệ thống chính trị đều dựa trên một số quy tắc về đạo đức. Đạo đức học thống trị trong lịch sử nhân loại là các biến thế của học thuyết tập thể-vị tha, thứ học thuyết đặt cá nhân thấp hơn các thế lực thần bí hoặc xã hội. Hậu quả là phần lớn các hệ thống chính trị đều là những biến thể của cùng một dạng chuyên chế nhà nước, chỉ khác nhau ở mức độ chứ không phải ở nguyên tắc cơ bản, chỉ bị giới hạn một cách tình cờ bởi truyền thống, hỗn loạn, xung đột đẫm máu và các cuộc sụp đổ có tính chất chu kỳ. Trong tất cả những chế độ như thế, đạo đức là một thứ quy tắc áp dụng cho cá nhân chứ không phải cho xã hội. Xã hội được đặt bên ngoài luật đạo đức, cùng với những biểu hiện hay nguồn gốc của luật đạo đức ấy, hay những người độc quyền diễn giải nó; và sự rao giảng về hành động xả thân cống hiến cho trách nhiệm xã hội được coi như mục đích chính của đạo đức học trong sự tồn tại thế tục của con người.

Vì không tồn tại thực thể nào gọi là “xã hội”, vì xã hội chỉ là một số các cá nhân riêng lẻ, nên điều này có nghĩa là, trong thực tế, những kẻ cai trị xã hội được miễn trừ khỏi luật đạo đức. Chỉ trừ việc phải tuân thủ các nghi thức truyền thống, còn lại, họ nắm quyền lực tuyệt đối và áp đặt lên xã hội sự tuân lệnh mù quáng, dựa trên nguyên tắc tuyệt đối là: “Cái tốt là cái gì tốt cho xã hội (hay cho bộ lạc, chủng tộc, quốc gia), và các sắc lệnh của nhà cầm quyền là tiếng nói của cái tốt trên đời”.

Điều này đúng với mọi chế độ toàn trị, đúng với mọi biến thể của đạo đức học theo chủ nghĩa tập thể-vị tha, thần bí hay xã hội. “The Divine Rights of Kings” (Quyền Thần Thánh Của Các Vị Vua) tóm tắt luận thuyết chính trị áp dụng cho các chế độ toàn trị thần quyền; còn “Vox populi, vox dei” (Ý Dân Là Ý Trời) tóm tắt luận thuyết áp dụng cho các nhà nước toàn trị. Một số bằng chứng: chế độ thần quyền ở Ai Cập, với các Pharaoh được coi như hiện thân của Chúa Trời; ách cai trị không giới hạn của đa số hay nền dân chủ của Athens; nhà nước phúc lợi của các hoàng đế La Mã; Tòa án Dị giáo thời Trung cổ; chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp; nhà nước phúc lợi của Bismarck ở Phổ; những căn phòng hơi độc của Đức Quốc xã; những lò sát sinh ở Liên Xô.

Tất cả những chế độ chính trị này đều là biểu hiện của đạo đức tập thể-vị tha. Đặc điểm chung của chúng là xã hội đứng bên trên luật đạo đức, như một thầy tế tùy tiện, toàn quyền, tối cao. Do đó, về mặt chính trị, tất cả các chế độ này đều là biến thể của một xã hội phi đạo đức.

Thành tựu cách mạng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là việc đặt xã hội xuống thấp hơn luật đạo đức.

Nguyên tắc về các quyền cá nhân của con người thể hiện sự vươn rộng của đạo đức sang hệ thống xã hội – như một sự giới hạn đối với quyền lực của nhà nước, bảo vệ con người trước sức mạnh tàn bạo của cái tập thể, đặt lẽ phải lên trên quyền lực. Mỹ là xã hội đạo đức đầu tiên trong lịch sử.

Tất cả các chế độ trước đó đều coi con người như phương tiện hiến dâng cho mục đích của những người khác, và coi xã hội là mục đích của chính nó. Nước Mỹ thì coi mỗi con người là mục đích của chính mình, còn xã hội như phương tiện để đi đến một sự đồng tồn tại hòa bình, có trật tự, tự nguyện giữa các cá nhân. Tất cả các chế độ trước đó đều cho rằng đời sống của cá nhân thuộc về xã hội, xã hội có thể loại bỏ cá nhân theo bất kỳ cách nào nó muốn; tự do mà cá nhân được hưởng chỉ là nhờ sự ban ơn, sự cho phép của xã hội, và tự do ấy có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Mỹ cho rằng đời sống của mỗi con người thuộc về chính cá nhân đó, do quyền của cá nhân đó mang lại (nghĩa là: do nguyên tắc đạo đức và do chính bản chất con người của cá nhân mang lại), rằng quyền là tài sản thuộc sở hữu của mỗi cá nhân, xã hội do đó không có quyền gì, và mục đích đạo đức duy nhất của nhà nước là bảo vệ các quyền cá nhân.

“Quyền” là nguyên tắc đạo đức xác định và thừa nhận sự tự do hành động của con người trong một xã hội nhất định. Chỉ có một quyền cơ bản mà thôi (tất cả các quyền khác là kết quả hoặc hệ quả tất yếu của quyền cơ bản này): quyền của con người đối với đời sống cá nhân. Đời sống là một quá trình hành động tự duy trì và tự sinh sôi; quyền đối với đời sống tức là quyền hành động tự duy trì và tự sinh sôi – có nghĩa là: tự do tiến hành tất cả các hành động mà tự nhiên đòi hỏi từ một thực thể có lý trí, để hỗ trợ, thúc đẩy, hoàn thành và hưởng thụ đời sống riêng của mình. (Đó là ý nghĩa của quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc).

Khái niệm “quyền” chỉ liên quan đến hành động – mà cụ thể là liên quan đến tự do hành động, nghĩa là thoát khỏi những cưỡng chế về mặt thể xác, thoát khỏi tình trạng bị ép buộc hay bị can thiệp bởi/từ những người khác.

Do đó, đối với mỗi cá nhân, quyền là sự thừa nhận về mặt đạo đức đối với một sự chọn lựa tích cực – được tự do hành động theo lý trí, vì các mục tiêu riêng, do sự lựa chọn riêng tự nguyện, không bị cưỡng ép. Về phần những người xung quanh, các quyền của cá nhân đó không áp đặt nghĩa vụ nào lên những người xung quanh ngoại trừ một quyền phủ quyết: họ không được vi phạm các quyền của cá nhân đó.

Quyền sống là nguồn của mọi quyền, và quyền sở hữu là cách duy nhất để thi hành các quyền. Không có quyền sở hữu, tất cả các quyền khác là bất khả thi. Bởi vì con người phải tự mình duy trì đời sống của mình, cho nên người nào không có quyền đối với sản phẩm do nỗ lực cá nhân tạo ra thì sẽ không có cách nào sống được. Người nào sản xuất và bị những kẻ khác chiếm đoạt sản phẩm, thì ắt là nô lệ.

Hãy nhớ rằng giống như tất cả các quyền khác, quyền sở hữu là quyền hành động: nó không phải là quyền đối với một vật (khách thể), mà là quyền đối với hành động và các kết quả của hành động sản xuất hay phát hiện ra vật đó. Nó không đảm bảo con người sẽ tìm ra cái gì đó, mà chỉ là sự đảm bảo rằng nếu ai đó phát hiện một vật thì anh ta sẽ sở hữu nó. Đó là quyền nhận được, giữ lấy, sử dụng và định đoạt giá trị vật chất của tài sản.

Khái niệm quyền cá nhân còn mới mẻ trong lịch sử nhân loại đến nỗi, cho tới ngày nay, nhiều người vẫn không nắm bắt được nó một cách đầy đủ. Theo hai luận thuyết về đạo đức học - thần bí và xã hội - một số người khẳng định quyền là tặng phẩm của Chúa Trời, những người kia thì cho rằng quyền là tặng phẩm của xã hội. Nhưng, trong thực tế, nguồn gốc của quyền là bản chất con người.

Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ – ND) tuyên bố rằng con người “được Tạo hóa ban cho những quyền không thể xâm phạm”. Cho dù người ta coi con người là sản phẩm của Tạo hóa hay ra đời một cách tự nhiên, vấn đề nguồn gốc nhân loại cũng không làm thay đổi sự thật rằng con người là thực thể thuộc một loài đặc biệt – thực thể có lý trí – con người không thể hành động hiệu quả dưới sự cưỡng ép, quyền là điều kiện cần cho sự tồn tại đặc biệt của con người.

Nguồn gốc của quyền con người không phải là luật thần thánh hay luật quốc hội ban hành, mà là luật đồng nhất. A là A, và Con Người là Con Người. Quyền là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi để có thể tồn tại một cách thích đáng. Ngay khi xuất hiện trên trái đất, mỗi cá nhân đều có quyền sử dụng trí tuệ của mình, làm việc vì các giá trị của mình và giữ lấy sản phẩm do mình tạo ra. Nếu cuộc sống trên trái đất là mục đích thì con người có quyền sống như một thực thể có lý trí: tự nhiên không cho phép con người phi lý trí”. (trích trong tác phẩm Atlas Shrugged - Ayn Rand)

Vi phạm quyền con người nghĩa là bắt buộc con người phải hành động ngược với lý trí, hay cướp đoạt các giá trị của con người. Về cơ bản, chỉ có một cách để làm việc đó: sử dụng vũ lực. Có hai đối tượng tiềm tàng khả năng vi phạm quyền con người: tội phạm và chính quyền. Thành tựu vĩ đại của nước Mỹ là vạch ra được sự phân biệt giữa hai đối tượng này – bằng cách cấm mỗi đối tượng thực hiện những hoạt động được thừa nhận là hợp pháp của đối tượng kia.

Tuyên ngôn Độc lập đặt ra nguyên tắc rằng “để bảo đảm những quyền này, chính quyền được lập ra trong nhân dân”. Đó là lời biện minh duy nhất có giá trị cho chính quyền, và nó định ra mục đích duy nhất của chính quyền: bảo vệ quyền con người, bằng cách bảo vệ con người trước bạo lực thể chất.

Do đó, chức năng của nhà nước được thay đổi từ vai trò của kẻ cai trị thành kẻ phục vụ. Nhà nước phải bảo vệ người dân khỏi tội phạm – và Hiến pháp được soạn thảo là để bảo vệ người dân trước nhà nước. Tuyên ngôn Nhân quyền (của Mỹ – ND) không nhằm chống lại các công dân, mà chống lại chính quyền – như một lời tuyên bố dứt khoát rằng các quyền cá nhân thay thế cho bất kỳ thế lực cộng đồng hay xã hội nào.

Kết quả là dạng thức một xã hội văn minh mà nước Mỹ đã gần đạt tới - trong cái dải ngắn ngủi khoảng 150 năm. Một xã hội văn minh là xã hội trong đó bạo lực bị nghiêm cấm trong các quan hệ giữa người với người; chính quyền, đóng vai trò như cảnh sát, chỉ được phép sử dụng vũ lực để thực thi biện pháp trả đũa chỉ nhằm đáp lại những người đã ra tay sử dụng bạo lực trước.

Điều này là ý nghĩa và mục đích căn bản của triết học chính trị Mỹ, ẩn chứa trong cái nguyên tắc về các quyền cá nhân. Nhưng nó không được hình thành một cách rõ ràng, cũng không được chấp nhận hoàn toàn hay thực thi một cách nhất quán.

Mâu thuẫn nội tại của nước Mỹ là đạo đức học vị tha-tập thể. Chủ nghĩa vị tha không đi cùng với tự do, chủ nghĩa tư bản và các quyền cá nhân được. Người ta không thể mưu cầu hạnh phúc với tâm lý của một con vật bị tế thần.

Chính là khái niệm quyền cá nhân đã sản sinh ra xã hội tự do. Chính từ sự tiêu diệt các quyền cá nhân mà tự do bắt đầu bị hủy hoại.

Một nền chuyên chế tập thể vốn dĩ không dám nô dịch hóa bằng cách thẳng thừng tước đoạt các giá trị vật chất hay đạo đức của quốc gia. Điều này phải được thực hiện thông qua một quá trình mục ruỗng từ bên trong. Cũng giống như trong lĩnh vực sản xuất vật chất, hành động cướp bóc tài sản một đất nước được thực hiện bằng cách tạo lạm phát tiền tệ; thế là ngày nay người ta có thể chứng kiến lạm phát được áp dụng khi bàn về các quyền. Quá trình này kéo theo một số lượng tăng lên các “quyền” mới được ban hành, nhiều đến mức người ta không để ý thấy ý nghĩa của khái niệm quyền đang bị lật ngược. Tiền xấu đẩy tiền tốt khỏi lưu thông, tương tự, những “quyền mới in trên báo” này phủ định quyền đích thực.


CÒN NỮA

Sunday, 18 July 2010

Bản chất của chính phủ - phần 2

Cảm ơn bạn Đặng Minh Châu đã có một góp ý sửa sai quan trọng cho bản dịch của tôi, ở phần này:

Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, cá nhân được tự do theo pháp định để tiến hành bất kỳ hành động nào anh ta muốn (miễn là anh ta không xâm phạm quyền lợi của những người khác), trong khi một quan chức chính phủ thì bị luật giới hạn lại trong bất kỳ hành động chính thức nào của ông ta. Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép.

Đây là hình thức đặt lẽ phải lên trên sức mạnh. Đây là quan niệm của người Mỹ về “một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân”.


Phần type đậm, nguyên gốc tiếng Anh là "a government of laws and not of men". Ở đây, Ayn Rand muốn nhấn mạnh sự đối lập giữa một chính phủ pháp trị, duy lý, chứ không phải một chính phủ của những cá nhân tùy tiện và cảm tính (mười anh nông, mười anh kiệt hay trăm anh nông, trăm anh kiệt thì cũng vẫn là tùy tiện và cảm tính).

Do vậy cách dịch "một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân" là sai và có thể gây thắc mắc tại sao chính phủ lại không phải của nhân dân?

Xin sửa lại là: "một chính phủ luật pháp chứ không phải chính phủ con người".

+++++++++++++



BẢN CHẤT CỦA CHÍNH PHỦ (The Nature of Government) - phần 2

Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ xã hội bán văn minh nào. Nhưng việc bảo vệ và cưỡng chế thực thi hợp đồng thông qua các tòa án dân sự là nhu cầu tối quan trọng của một xã hội hòa bình; không có sự bảo vệ đó, không nền văn minh nào có thể phát triển hay được duy trì.

Không như loài vật, con người không thể tồn tại bằng cách hành động theo một loạt phản ứng tức thời. Con người phải đặt ra các mục tiêu và đạt được chúng trong một dải thời gian; anh ta phải tính toán các hành động và lập kế hoạch dài hạn cho cuộc đời mình. Trí tuệ của con người càng mẫn tiệp và kiến thức càng rộng lớn thì kế hoạch của anh ta càng có tầm xa. Nền văn minh càng cao hoặc càng phức tạp, thì càng đòi hỏi các hoạt động có tầm nhìn xa hơn – và bởi vậy đòi hỏi cả các thỏa thuận mang tính hợp đồng giữa con người với nhau cũng phải dài hạn, và nhu cầu của con người được bảo vệ an toàn trong những thỏa thuận như vậy càng cấp thiết hơn.

Thậm chí một xã hội hàng đổi hàng nguyên thủy cũng không thể vận hành được nếu một người đồng ý đổi một giạ khoai tây lấy một rổ trứng và rồi, sau khi đã nhận đủ trứng, từ chối giao khoai tây. Hãy hình dung những hành động được dẫn dắt bởi sự thất thường này sẽ mang lại hậu quả như thế nào trong một xã hội công nghiệp nơi người ta giao những hàng hóa trị giá một tỉ đôla theo hình thức bán chịu, trả dần, hay ký những hợp đồng xây các công trình hàng tỉ đôla, hay ký hợp đồng cho thuê thời hạn đến chín mươi chín năm.

Hành động đơn phương vi phạm hợp đồng gắn liền với việc sử dụng vũ lực một cách gián tiếp: về bản chất, nó là khi một người nhận các giá trị vật chất, hàng hóa hay dịch vụ, từ một người khác, sau đó từ chối thanh toán và do đó giữ hàng hóa đó bằng vũ lực (thuần túy là sự chiếm giữ vật chất), chứ không phải bằng quyền – tức là, giữ hàng hóa mà không có sự nhất trí của người chủ sở hữu. Tương tự, tội lừa đảo cũng liên quan tới việc gián tiếp sử dụng vũ lực: nó là việc đoạt lấy giá trị vật chất mà không được sự đồng ý của người chủ sở hữu, nhờ hứa hão hoặc nuốt lời hứa. Trấn lột là một biến tướng nữa của việc sử dụng vũ lực gián tiếp: đó là việc đoạt lấy các giá trị vật chất mà không phải để trao đổi lấy giá trị khác, bằng cách đe dọa dùng vũ lực, bằng bạo lực hoặc gây thương tích.

Một số trong các hành động kể trên rõ ràng là hành vi phạm tội. Những hành động khác, chẳng hạn việc đơn phương vi phạm hợp đồng, có thể không mang động cơ tội ác, nhưng do sự thiếu trách nhiệm hoặc thiếu lý trí gây ra. Chúng cũng có thể là các vấn đề phức tạp khi cả hai bên tham gia đều đòi công lý. Nhưng dù thế nào, tất cả các vấn đề như vậy đều phải được đưa ra trước những luật định khách quan và phải được giải quyết bởi một trọng tài vô tư thực thi luật pháp, tức là bởi một quan tòa (và một ban hội thẩm, trong trường hợp cần thiết).

Hãy quan sát cái nguyên tắc căn bản điều chỉnh công lý trong tất cả những trường hợp này: nó nói rằng không ai được phép đoạt lấy bất cứ giá trị gì từ người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu – và, như một hệ quả tất yếu, rằng các quyền của con người không thể được giao phó cho một quyết định đơn phương, cho sự lựa chọn tùy tiện, cho sự phi lý trí, tính thất thường của người khác.

Về bản chất, đó là mục đích đúng đắn của một chính phủ, nhằm làm tồn tại xã hội trở thành điều khả thi đối với mọi người, bằng cách bảo vệ lợi ích và đấu tranh chống những cái xấu mà con người có thể gây ra cho nhau.

Các chức năng đúng đắn của một chính phủ được giao vào tay ba lực lượng lớn, tất cả đều liên quan tới vấn đề sử dụng sức mạnh và bảo vệ nhân quyền: cảnh sát, để bảo vệ con người khỏi tội ác – các lực lượng vũ trang, để bảo vệ con người khỏi các thế lực ngoại xâm – tòa án, để giải quyết tranh chấp giữa con người với nhau theo các luật khách quan.

Ba lực lượng này kéo theo nhiều vấn đề như là hệ quả tất yếu và phái sinh của chúng – và việc thực thi chúng dưới hình thức lập pháp cụ thể thì vô cùng phức tạp. Cái này thuộc về lĩnh vực của một khoa học đặc biệt: triết học về luật pháp. Nhiều sai lầm và bất đồng có thể xảy ra trong việc thực thi, nhưng điều cốt yếu ở đây là nguyên tắc cần được thực thi: cái nguyên tắc phát biểu rằng mục đích của luật pháp và của chính phủ là bảo vệ các quyền cá nhân.

Ngày nay, nguyên tắc này bị quên lãng, phớt lờ và lảng tránh. Kết quả là tình trạng hiện nay của thế giới, nhân loại đi giật lùi về tình trạng vô luật pháp của một chế độ độc tài tuyệt đối, về sự tàn bạo thời nguyên thủy của việc cai trị bằng sự dã man.

Khi phản đối khuynh hướng này, một cách thiếu cân nhắc, một số người đang đặt ra câu hỏi liệu chính phủ có phải vốn bản chất là xấu xa và phải chăng vô chính phủ là hệ thống xã hội lý tưởng? Vô chính phủ, khi là một khái niệm chính trị, là một ý tưởng trừu tượng ngây thơ: vì tất cả các lý do đã thảo luận ở trên, xã hội nào thiếu vắng một chính phủ có tổ chức sẽ bị giao phó vào tay kẻ xấu đầu tiên xuất hiện, kẻ sẽ đẩy nó vào sự hỗn loạn được tạo nên từ xung đột giữa các băng nhóm. Nhưng khả năng phát sinh sự vô đạo đức của con người chưa phải là lý do duy nhất để phản đối hệ thống vô chính phủ: ngay cả một xã hội, nơi mà tất cả các thành viên đều có lý trí đầy đủ và đạo đức tốt, không phạm lỗi nào, cũng không thể hoạt động trong tình trạng vô chính phủ: bởi vì cái nhu cầu về các luật khách quan và một vị trọng tài giải quyết các bất đồng thân thiện giữa con người với nhau, chính nhu cầu đó làm cho việc thành lập một chính phủ trở thành cần thiết.

Biến thể gần đây của lý thuyết vô chính phủ đang làm mê hoặc một số người trẻ tuổi cổ súy cho tự do. Đó là cái thứ quái dị gọi là “các chính phủ cạnh tranh”. Thừa nhận những tiền đề căn bản của các nhà thống kê hiện đại – những người không nhận thấy sự khác biệt giữa chức năng của chính phủ và chức năng của các ngành sản xuất, giữa động lực và sản xuất; những người cổ súy cho quốc hữu trong kinh doanh – các nhân vật đề xướng “chính phủ cạnh tranh” nhìn vào mặt kia của đồng xu và tuyên bố rằng vì cạnh tranh có lợi như thế cho kinh doanh, nên cũng có thể áp dụng chuyện cạnh tranh cho chính phủ. Thay vì chỉ có duy nhất một chính phủ độc quyền, họ tuyên bố cần có một số chính phủ khác nhau trong cùng khu vực địa lý, cạnh tranh để giành được sự trung thành cá nhân của mỗi công dân, mỗi công dân đều được tự do “đi mua hàng” và hạ cố lui tới bất kỳ chính phủ nào anh ta chọn.

Hãy nhớ rằng kiềm chế con người bằng sức mạnh là dịch vụ duy nhất mà chính phủ phải cung cấp. Hãy tự hỏi mình xem cạnh tranh trong dịch vụ đó sẽ thành ra như thế nào.

Người ta không thể bảo lý thuyết này là mâu thuẫn khái niệm, bởi vì rõ ràng nó không cho thấy một sự thông hiểu về hai khái niệm “cạnh tranh” và “chính phủ”. Người ta cũng không thể bảo nó là một sự khái quát hóa linh hoạt, bởi vì nó không có mối liên hệ nào hoặc tham chiếu nào tới thực tiễn và không tài nào cụ thể hóa nó vào thực tiễn được, thậm chí dù chỉ một cách phác thảo hay đại khái mà thôi. Một ví dụ minh họa là đủ: giả sử ông Smith, khách hàng của Chính phủ A, ngờ rằng hàng xóm nhà bên của ông là Jones, khách hàng của Chính phủ B, đã ăn cắp của Smith. Quân của Cảnh sát A bèn đến nhà ông Jones và chạm mặt quân của Cảnh sát B, phe này tuyên bố rằng họ không chấp nhận hiệu lực của khiếu nại của ông Smith và không công nhận quyền của Chính phủ A. Chuyện gì xảy ra khi đó? Quý vị tự rút ra kết luận.

Sự phát triển của khái niệm “chính phủ” đã trải qua một quá trình lịch sử dài và quanh co. Những ý nghĩ mơ hồ về chức năng của chính phủ dường như đã tồn tại trong tất cả các xã hội có tổ chức. Những ý nghĩ ấy từng xuất hiện khi người ta nhận ra sự khác biệt ngầm (thường không tồn tại) giữa một chính phủ và một băng cướp; nhận ra vòng hào quang tôn kính và quyền lực đạo đức mà chính phủ được hưởng với tư cách người bảo vệ “luật pháp và trật tự”; nhận ra cái thực tế rằng ngay cả những nhà nước xấu xa nhất cũng thấy cần thiết phải duy trì chút vẻ bề ngoài của trật tự và công bằng giả hiệu, dù chỉ do thói quen hay do truyền thống, và phải kiếm được vài lời biện minh đạo đức cho cho quyền lực của chúng – huyền bí hoặc mang tính xã hội. Cũng giống như các vị hoàng đế Pháp phải viện đến “Quyền lực Thần thánh của Nhà Vua”, các nhà độc tài hiện đại của Liên Xô phải dốc tiền vào tuyên truyền để biện minh cho sự cai trị của họ trước những đối tượng bị họ bắt ép làm nô lệ.

Trong lịch sử nhân loại, việc hiểu được các chức năng đúng đắn của chính phủ là một thành tựu chỉ mới đạt được gần đây: cách nay 200 năm và bắt nguồn từ thời các vị tổ khai quốc của Cách mạng Mỹ. Các vị này không chỉ xác định bản chất và những đòi hỏi của một xã hội tự do, mà họ còn phát minh ra phương thức để biến nó thành thực tiễn. Một xã hội tự do – như bất kỳ sản phẩm nào của con người – không thể được tạo ra nhờ các phương thức ngẫu nhiên, hay bằng việc chỉ ngồi mơ ước, hay bằng các “mong muốn thiện tâm” của lãnh tụ. Một hệ thống pháp chế phức tạp, dựa trên các nguyên tắc có hiệu lực khách quan, là điều kiện bắt buộc phải thỏa mãn để làm cho xã hội tự do và giữ cho nó tự do – một hệ thống không phụ thuộc vào các động cơ, phẩm chất đạo đức hay mong muốn của bất kỳ một quan chức nào, một hệ thống không để một cơ hội nào, một kẽ hở luật pháp nào cho độc tài phát triển.

Hệ thống kiểm tra và cân bằng của Mỹ là một thành tựu như thế. Và mặc dù những mâu thuẫn nhất định trong Hiến pháp đã tạo kẽ hở cho sự phát triển của chế độ nhà nước trung ương tập quyền, nhưng thành tựu vô song đạt được là khái niệm hiến pháp như là phương tiện để giới hạn và kiềm chế quyền lực của chính phủ.

Ngày nay, khi thành tựu này đang bị người ta âm mưu xóa bỏ, không phải là thừa khi nhắc lại rằng Hiến pháp là sự kiềm chế đối với chính phủ, chứ không phải với các cá nhân – rằng nó không quy định đạo đức của các cá nhân, mà chỉ quy định đạo đức của chính phủ - rằng nó không phải là một đặc quyền đối với chính phủ, mà là một hiến chương cho việc bảo vệ các công dân trước chính phủ.

Bây giờ hãy xem mức độ đảo lộn về đạo đức và chính trị của chính phủ ngày nay. Thay vì bảo vệ các quyền con người, chính phủ đang trở thành kẻ xâm phạm quyền con người nguy hiểm nhất; thay vì canh gác tự do, chính phủ đang xây chế độ nô lệ; thay vì bảo vệ con người khỏi những kẻ khởi xướng vũ lực, chính phủ đang khởi xướng vũ lực và áp bức theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ vấn đề gì nó muốn; thay vì đóng vai trò như một công cụ khách quan trong quan hệ giữa con người với con người, chính phủ đang tạo ra một triều đại ngầm, chết chóc, đầy bất trắc và đáng sợ, bằng các hình thức luật phi khách quan, mà việc diễn giải luật phụ thuộc vào những quyết định tùy tiện của các vị công chức tùy tiện; thay vì bảo vệ con người khỏi bị thương tổn bởi những cơn thất thường, chính phủ đang đòi hỏi cho nó quyền được hành xử thất thường không giới hạn – đến mức độ chúng ta đang nhanh chóng tiến đến thời kỳ đảo ngược hoàn toàn: thời kỳ mà chính phủ được tự do làm bất kỳ cái gì nó muốn, trong khi công dân chỉ có thể hành động nếu được phép; là một giai đoạn trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử con người, giai đoạn cai trị bằng sự dã man.

Thường khi có nhận xét cho rằng, bất chấp các tiến bộ về vật chất, nhân loại đã không đạt được một mức độ tiến bộ đáng kể nào về đạo đức. Nhận xét này thường được một vài kết luận bi quan về bản tính con người phụ họa. Quả thật, chất lượng đạo đức của nhân loại đang đi xuống một cách đáng hổ thẹn. Nhưng nếu người ta nhìn vào sự vi phạm đạo đức đầy ma quỷ của chính phủ (chính cái đức vị tha tập thể đã làm cho sự vi phạm này thành điều có thể xảy ra), mà trong phần lớn lịch sử, nhân loại đã phải sống với sự vi phạm ấy, người ta sẽ bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà nhân loại có thể bảo tồn được, dù chỉ cái vỏ ngoài của nền văn minh, và vết tích nào của lòng tự trọng đã không bị tiêu diệt đi mất mà giúp họ đứng thẳng trên đôi chân của mình?

Người ta cũng bắt đầu nhìn thấy rõ hơn bản chất của những nguyên tắc chính trị – vốn phải được chấp nhận và cổ súy như một phần trong cuộc chiến cho sự Phục Hưng của trí tuệ con người.

Wednesday, 14 July 2010

Bản chất của chính phủ - phần 1

Tôi dịch tiểu luận này của Ayn Rand vào tháng 5/2009. Những gì bà viết từ năm 1963 dường như chưa bao giờ hết giá trị. Tôi nhớ câu sau đây của bà, vang vang như một tuyên ngôn: "Xã hội muốn được tự do thì chính phủ phải bị kiểm soát"; "Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép".

Cái điều tưởng như là đơn giản ấy, xin thú thật là phải đến khi dịch Ayn Rand, tôi mới biết (dù đã tốt nghiệp ĐH, nghĩa là có trình độ "sơ cấp chính trị" theo tiêu chuẩn của Việt Nam chứ không phải mù chữ đâu nhá). Và nó đã là cảm hứng, là "kim chỉ nam", "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" cho tất cả các bài viết của tôi trên mục Phát ngôn & Hành động Ấn tượng, năm 2009.

Cảm ơn các bác Cao Việt Dũng, Nguyễn Đức Thành đã bỏ công hiệu đính cho bản dịch này.



+++++++++++

BẢN CHẤT CỦA CHÍNH PHỦ (The Nature of Government) - phần 1

Download bản full: http://vepr.org.vn/home/index.php?option=com_content&task=view&id=846&Itemid=474

Chính phủ là một định chế độc quyền nắm giữ việc cưỡng chế thực thi một số quy tắc nhất định về ứng xử xã hội trong một khu vực địa lý nhất định.

Con người có cần một định chế như vậy không - và tại sao?

Vì trí tuệ của con người là công cụ căn bản mà anh ta có để duy trì sự tồn tại của mình, là phương cách để anh ta thu nhận kiến thức nhằm hướng lối các hành động – nên điều kiện căn bản mà anh ta đòi hỏi là tự do suy nghĩ và hành động theo sự phán đoán có lý trí của mình. Điều này không có nghĩa là mỗi con người phải sống một mình và hoang đảo là môi trường phù hợp nhất với anh ta. Con người có thể thu nhận những lợi ích khổng lồ từ các mối quan hệ giữa họ với nhau. Môi trường xã hội là môi trường có ích nhất để con người tồn tại thành công – nhưng chỉ như vậy với một số điều kiện nhất định.

“Hai giá trị lớn có được từ tồn tại [theo hình thức] xã hội là: kiến thức và trao đổi. Con người là loài duy nhất có thể truyền tải và mở rộng kho kiến thức của nó từ thế hệ này qua thế hệ khác; lượng kiến thức tiềm tàng lớn hơn lượng kiến thức mà bất kỳ cá nhân con người nào có thể thu nhận được trong suốt cuộc đời của anh ta; mọi người, ai ai cũng nhận được những lợi ích không thể đong đếm từ những kiến thức do người khác phát hiện ra. Lợi ích lớn thứ hai là phân chia lao động: nó cho phép một người dồn nỗ lực vào một lĩnh vực cụ thể và trao đổi thành quả với những người khác chuyên vào các lĩnh vực khác. Hình thức hợp tác này cho phép tất cả những người tham gia thu nạp được nhiều hơn kiến thức, kỹ năng và doanh lợi cho nỗ lực của họ, so với lượng kiến thức, kỹ năng và doanh lợi họ thu được khi mỗi người phải tự sản xuất tất cả những gì mình cần trên một hoang đảo hay trên một nông trang tự cung tự cấp.

Nhưng chính những lợi ích này chỉ ra, giới hạn và xác định những người nào thì có giá trị với người khác và trong những kiểu xã hội nào: chỉ có thể là những con người độc lập, có có năng lực, có lý trí, trong các xã hội tự do, có năng suất, dựa trên lý trí”. (“Đạo đức khách quan” trong Phẩm hạnh của sự ích kỷ).

Một xã hội cướp đoạt khỏi tay cá nhân sản phẩm được tạo ra từ nỗ lực của anh ta, hoặc nô dịch anh ta, hoặc tìm cách hạn chế tự do tinh thần của anh ta, hoặc cưỡng ép anh ta hành động đi ngược lại sự phán đoán có lý trí của mình – một xã hội tạo ra xung đột giữa các đòi hỏi của nó và những đòi hỏi thuộc về bản chất con người – thì, thật ra, không phải là xã hội nữa, mà là một đám đông được kết dính với nhau bởi luật lệ của các băng nhóm đã được thể chế hóa. Một xã hội như vậy phá hủy tất cả các giá trị của sự chung sống con người, nó không có một sự biện minh khả dĩ nào và là, không phải một nguồn lợi ích, mà mối đe dọa hiểm nguy nhất cho sự tồn tại của con người. Cuộc sống trên hoang đảo còn an toàn hơn và đáng mong chờ hơn nhiều so với sự tồn tại trong xã hội Nga Xô viết hay Đức Quốc xã.

Nếu con người muốn chung sống trong một xã hội hòa bình, có năng suất, dựa trên lý trí, và đối xử với nhau vì lợi ích tương hỗ, họ phải chấp nhận một nguyên tắc xã hội căn bản mà nếu thiếu thì không thể tồn tại một xã hội đạo đức hay văn minh nào: nguyên tắc về các quyền cá nhân.

Công nhận các quyền cá nhân nghĩa là thừa nhận và chấp nhận các điều kiện mà bản tính của con người đòi hỏi cho sự tồn tại thỏa đáng của anh ta.

Các quyền của con người chỉ có thể bị vi phạm bởi việc sử dụng sức mạnh. Chỉ bằng sức mạnh, một kẻ nào đó mới có thể cướp đi mạng sống của người khác, hoặc bắt người ta làm nô lệ, hoặc cướp bóc, hoặc ngăn chặn người đó theo đuổi các mục tiêu cá nhân, hoặc cưỡng ép người đó hành động đi ngược lại sự phán đoán có lý trí của mình.

Điều kiện tiên quyết để có một xã hội văn minh là loại bỏ sức mạnh ra khỏi các quan hệ xã hội – từ đó thiết lập nguyên tắc rằng nếu con người muốn giao thiệp với nhau, họ chỉ nên giao thiệp bằng các phương tiện lý trí: bằng thảo luận, bằng thuyết phục và bằng thỏa ước tự nguyện, không bị cưỡng ép.

Quyền sống của con người kéo theo một quyền tất yếu là quyền tự vệ. Trong một xã hội văn minh, sức mạnh chỉ nên được sử dụng để trả đũa và chỉ nhằm vào những kẻ đã ra tay sử dụng sức mạnh trước. Mọi lý do khiến cho việc dùng sức mạnh trước trở nên xấu xa đều cũng làm cho việc dùng vũ lực để trả đũa sau đó trở thành một mệnh lệnh đạo đức.

Nếu một xã hội “thái bình” nào đó từ chối việc sử dụng sức mạnh để trả đũa, nó sẽ phải tự phó mặc cho kẻ đầu tiên quyết định vi phạm đạo đức. Một xã hội như thế sẽ nhận được cái ngược lại với mong muốn của nó: thay vì xóa bỏ cái xấu, nó lại khuyến khích và tặng thưởng cho cái xấu.

Nếu xã hội không thể bảo vệ một cách có tổ chức cho các thành viên của nó trước sức mạnh vũ lực, nó sẽ đẩy tất cả các công dân tới việc phải tự vũ trang, biến nhà ở thành pháo đài, bắn vào bất cứ kẻ lạ nào đặt chân đến cổng nhà mình – hoặc tham gia một băng nhóm tự vệ nào đó để chiến đấu với các băng nhóm khác được thành lập cũng với mục đích tương tự, và do vậy khiến cho xã hội suy đồi thành một mớ hỗn loạn với luật lệ của các băng nhóm, tức là luật lệ của sức mạnh bạo ngược, suy đồi thành giao tranh liên miên giữa các bộ lạc, với sự dã man của thời tiền sử.

Việc sử dụng sức mạnh – ngay cả khi nhằm mục đích trả đũa – cũng không thể tùy vào ý muốn cá nhân của mỗi công dân. Cùng tồn tại trong hòa bình sẽ là điều bất khả thi nếu một người phải sống trong mối đe dọa thường trực, rằng một kẻ bất kỳ nào đó quanh anh ta có thể sử dụng sức mạnh vào bất kỳ lúc nào. Cho dù các mục đích của kẻ đó là tốt hay xấu, cho dù sự suy xét của hắn có lý trí hay phi lý trí, cho dù động cơ của hắn xuất phát từ sự suy xét công bằng hay sự ngu ngốc, từ thành kiến hay ác ý – thì sử dụng sức mạnh để chống lại một con người cũng không thể là quyết định tùy tiện của bất kỳ ai.

Ví dụ, hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu một người đánh mất ví kết luận rằng anh ta đã bị ăn cắp. Anh ta bèn nhảy vào bất kỳ ngôi nhà nào ở gần đó để tìm lại ví, và bắn ngay người đầu tiên ném cho anh ta một cái nhìn không thân thiện, bởi cho rằng cái nhìn đó là bằng chứng của tội trộm cắp.

Việc sử dụng sức mạnh để trả đũa đòi hỏi những luật khách quan do các bằng chứng đưa ra để xác định rằng đã có một tội ác và chứng minh ai đã phạm tội ác ấy, cũng như những luật khách quan để xác định hình phạt và cưỡng chế thi hành trừng phạt. Không có những luật ấy, những người muốn chống lại tội ác sẽ biến thành một đám đông kiểu linsơ. Nếu xã hội để cho việc sử dụng sức mạnh nhằm mục đích trả đũa rơi vào tay mỗi cá nhân, nó sẽ suy đồi thành luật lệ của đám đông, luật kiểu linsơ cùng bất tận những vụ tư thù, cừu thù đẫm máu.

Khi sức mạnh bị cấm trong quan hệ xã hội, con người cần một thể chế nắm nhiệm vụ bảo vệ các quyền lợi của họ dưới (sự điều chỉnh của) một tập hợp các luật lệ khách quan.

Đây là nhiệm vụ của chính phủ – của một chính phủ đúng nghĩa – là nhiệm vụ căn bản nhất của nó, sự suy xét mang tính đạo đức duy nhất của nó, và là lý do tại sao con người cần có chính phủ.

Chính phủ là hình thức đặt việc sử dụng sức mạnh nhằm mục đích trả đũa vào dưới sự điều chỉnh khách quan – tức là, dưới các luật được định ra một cách khách quan.

Sự khác biệt căn bản giữa hành động của cá nhân (tư nhân) với hành động của chính phủ - sự khác biệt ngày nay đã hoàn toàn bị phớt lờ và lảng tránh – xuất phát từ một thực tế là chính phủ nắm độc quyền việc sử dụng sức mạnh một cách hợp pháp. Nó phải nắm độc quyền đó, bởi vì nó là cơ quan kiềm chế và chống lại việc sử dụng sức mạnh; và cũng chính vì lý do đó, các hành động của nó phải được định ra, phân định và giới hạn một cách cứng rắn; trong sự vận hành của nó, không được phép có một chút ý thích bất chợt, đồng bóng nào; nó phải là một robot vô nhân tính; với động lực duy nhất là luật pháp. Xã hội muốn được tự do thì chính phủ phải bị kiểm soát.

Trong một hệ thống xã hội đúng đắn, cá nhân được tự do theo pháp định để tiến hành bất kỳ hành động nào anh ta muốn (miễn là anh ta không xâm phạm quyền lợi của những người khác), trong khi một quan chức chính phủ thì bị luật giới hạn lại trong bất kỳ hành động chính thức nào của ông ta. Một cá nhân có thể làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó bị luật pháp cấm; một quan chức chính phủ không được làm bất kỳ cái gì trừ phi cái đó được luật pháp cho phép.

Đây là hình thức đặt lẽ phải lên trên sức mạnh. Đây là quan niệm của người Mỹ về “một chính phủ của luật pháp và không phải của nhân dân”.

Bản chất của luật pháp trong một xã hội tự do và quyền lực của chính phủ trong xã hội đó, cả hai đều hình thành bắt nguồn từ bản chất và mục đích của một chính phủ đúng đắn. Nguyên tắc căn bản của cả hai đã được chỉ ra trong Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ): “để bảo đảm những quyền lợi (cá nhân) này, các chính phủ được thành lập từ dân, nhận lấy quyền lực chính đáng của chúng từ sự đồng thuận của những người chịu sự quản lý…” (tức những người mà chính phủ quản lý - ND).

Bởi vì bảo vệ quyền cá nhân là mục đích thích đáng duy nhất cho sự tồn tại của một chính phủ, nên nó là đối tượng thích đáng duy nhất của lập pháp: tất cả luật pháp đều phải đặt trên cơ sở quyền cá nhân và đều nhằm bảo vệ các quyền đó. Tất cả luật pháp phải khách quan (và công bằng một cách khách quan): mọi người phải biết rõ, và biết trước khi tiến hành một hành động, là luật pháp cấm họ làm những gì (và tại sao), cái gì cấu thành một tội ác và họ sẽ phải chịu hình phạt gì nếu phạm tội đó.

Nguồn gốc quyền lực của chính phủ là “sự đồng thuận của những người chịu sự quản lý”. Điều này có nghĩa rằng chính phủ không phải là kẻ cai trị, mà là đầy tớ hay là tay sai của các công dân; nghĩa là một chính phủ như thế không có quyền gì trừ các quyền mà các công dân ủy cho nó vì một mục đích cụ thể.

Chỉ có một nguyên tắc căn bản mà các cá nhân phải thuận theo nếu họ muốn sống trong một xã hội văn minh, tự do: nguyên tắc chống sử dụng sức mạnh và ủy cho chính phủ quyền tự vệ tự nhiên của mỗi cá nhân, nhằm thực thi luật một cách có trật tự, khách quan và theo đúng như những gì luật xác định. Hay nói cách khác, mỗi cá nhân phải chấp nhận sự phân biệt giữa nghĩa vụ và ý thích thất thường (bất kỳ ý thích nào, kể cả ý thích của bản thân cá nhân đó).

Bây giờ điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp giữa hai cá nhân có sự bất đồng về một vụ việc mà hai bên đều tham gia?

Trong xã hội tự do, một người không bị bắt buộc phải giao dịch với người khác. Họ chỉ làm như thế trên cơ sở sự nhất trí tự nguyện, và, khi có thêm yếu tố thời gian, trên cơ sở hợp đồng. Nếu hợp đồng bị phá vỡ do quyết định tùy tiện của một người, điều đó có thể gây ra tổn hại về mặt tài chính đến mức thảm họa cho người kia, và nạn nhân sẽ không còn cách nào khác ngoài việc giữ tài sản của đối phương để đền bù thiệt hại. Nhưng ở đây, lại một lần nữa, việc sử dụng sức mạnh không thể là quyết định cá nhân của một ai. Và điều này dẫn đến một trong những chức năng quan trọng nhất và phức tạp nhất của chính phủ: chức năng làm trọng tài giải quyết các bất đồng giữa mọi người với nhau theo các luật khách quan.

Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ xã hội bán văn minh nào. Nhưng việc bảo vệ và cưỡng chế thực thi hợp đồng thông qua các tòa án dân sự là nhu cầu tối quan trọng của một xã hội hòa bình; không có sự bảo vệ đó, không nền văn minh nào có thể phát triển hay được duy trì.


CÒN NỮA

Thursday, 1 July 2010

7 câu hỏi về EVN và giá điện

Bài này mình viết tháng 11/2008, bị ném đá tơi bời. Nay tranh thủ lúc nhà có điện (theo lịch cúp điện ở Hà Nội thì hôm nay quận bạn bị cúp chứ không phải quận ta, hehe), post lại bài để bà con đọc bớt nóng.

+++++++++++++


Ngành điện bị lên án dữ dội sau những nguyện vọng như đòi tăng giá điện, xin tiền thưởng, cùng cách hành xử đầy tính độc quyền. Một cái nhìn công bằng hơn từ các chuyên gia có thể "giải oan" phần nào cho ngành điện (tuy có những biểu hiện cho thấy họ chưa biết tận dụng cơ hội này để "phục thiện"). Trước hết, có lẽ công luận sẽ không bức xúc với đòi hỏi tăng giá điện đến thế nếu biết rằng giá điện tăng là xu hướng tất yếu.

Phương án tăng giá điện đã được trình Chính phủ xem xét. Tuần cuối tháng 10 năm 2008, một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR - nay là Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, VEPR), Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, có công bố một bản đánh giá ảnh hưởng của việc tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Bản đánh giá được báo chí đăng tải và lập tức gây sự chú ý từ phía dư luận: chống tăng giá điện để cắt thêm vào túi tiền của người tiêu dùng, chống cách hành xử quá quắt (cắt điện tùy tiện, không chịu đầu tư), nhất là chống nhà độc quyền - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhưng giữa làn sóng phản đối, vẫn có những lập luận ủng hộ việc tăng giá điện. Ngay cả bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc CEPR cũng chỉ dừng lại ở việc khảo sát và đưa ra những đánh giá, thay vì kết luận “tăng hay không tăng giá điện”. Nếu tinh ý sẽ nhận thấy bản thân Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cũng tránh có những kết luận mang tính định hướng dư luận. Trong phần kết của bản đánh giá, ông Thành và đồng sự viết: "Rút kinh nghiệm từ những bài học như tăng giá xăng, các cơ quan chính sách có thể đẩy mạnh tuyên truyền trước khi tăng giá, để người dân ước tính được mức ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá". Đây là một cách hàm ý rằng việc tăng giá điện là không tránh khỏi và có thể chấp nhận được.

Trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, với lợi nhuận 5%, là mức thấp với EVN. Với giá thành và giá bán hiện nay trong khi ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp, ngành điện đang gặp nhiều khó khăn. Và khả năng tăng giá điện là khó tránh khỏi.

Rắc rối và tranh cãi chỉ có thể giải quyết nếu chúng ta trả lời được "7 câu hỏi căn bản" sau đây.


1. EVN có độc quyền không?

Thật ra, nếu so với một số ngành khác thì giá điện ở Việt Nam hiện giờ là khá rẻ và đa số người tiêu dùng cũng thừa nhận điều đó. Ngoài ra, điểm quan trọng là giá điện do Nhà nước điều tiết (trên cơ sở thỏa thuận với EVN), chứ EVN không tự đặt giá.

Một chuyên gia kinh tế năng lượng thuộc Bộ Tài chính khẳng định: EVN thực sự không độc quyền. Theo ông, báo chí cũng như công chúng lên án EVN độc quyền là sai về khái niệm. "Ngành điện ở Việt Nam hiện nay đang bị EVN độc quyền, nhưng bản thân EVN không có hành vi độc quyền vì họ đâu có tự động đẩy giá thị trường lên để hưởng lợi nhuận độc quyền" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiện nay, giá điện ở Việt Nam đang thấp hơn khu vực, và điều này không kích thích các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia sản xuất điện. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin được đầu tư vào các dự án điện phải dừng lại vì họ đòi giá bán cao, Chính phủ không thể mua được.

Một mình EVN nắm cả sản xuất (74% thị trường) lẫn truyền tải (100%) và phân phối điện (95%) (nguồn: EVN, 2008). Họ không ngăn cản việc mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất và cung cấp khác, nếu không họ đã chẳng lấy lý do “khuyến khích đầu tư” để tăng giá điện.


2. EVN có lãi nhiều không?

Câu trả lời chắc chắn là EVN luôn luôn có lãi.

Giá điện ở Việt Nam được tính dựa trên chi phí bình quân dài hạn (long-term average cost). Chi phí này hình thành không từ thị trường tự do cạnh tranh mà từ kế toán nội bộ ngành, có sự kiểm soát và điều tiết của Nhà nước. Nó bao gồm bốn yếu tố: chi phí vốn, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí thường xuyên (lương cán bộ công nhân viên ngành điện), và lợi nhuận dự kiến của nhà sản xuất - ở đây là EVN.

Trong giá đã có tính đến lợi nhuận dự kiến của EVN. "Vì vậy, kiểu gì EVN cũng có lãi" - cũng chuyên gia kinh tế năng lượng nói trên khẳng định. Tuy nhiên, EVN lãi nhiều không thì câu trả lời chỉ họ và cơ quan quản lý Nhà nước mới nắm được.


3. Lập luận nào ủng hộ tăng giá điện?

Các chuyên gia cho biết, phần lớn nhất trong cấu thành giá điện là chi phí vốn, tức chi phí đầu tư, khai thác các nguồn sản xuất: thủy điện, khí, than, dầu, sắp tới có thể là điện nguyên tử. Phần lớn thứ nhì là chi phí nguyên nhiên vật liệu: nước, khí đốt, than, dầu mỏ. Còn chi phí thường xuyên, ví dụ lương nhân công, chỉ chiếm một thành phần nhỏ.

Giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam khoảng 3 cent/kWh, so với Trung Quốc 8-9 cent/kWh, Campuchia 13 cent/kWh. Giá điện của chúng ta ở mức thấp nhất khu vực, nhưng điều đó không phải chỉ do lương nhân công Việt Nam thấp hơn lương trong khu vực. Thay vì thế, giá thấp chủ yếu là do nguồn sản xuất điện (nước, khí đốt, than, dầu) của chúng ta ban đầu còn dồi dào. Theo thời gian, các nguồn dễ khai thác sẽ cạn kiệt dần, chi phí vốn và chi phí nguyên nhiên vật liệu sẽ phải tăng lên. Và như thế, giá điện tăng là xu hướng tất yếu (cũng như giá dầu mỏ). Điều đó đúng cho toàn thế giới. Chẳng hạn, tại Mỹ (quốc gia có thị trường điện tương đối tự do cạnh tranh), trong 10 năm từ 1996 đến 2006, mức giá điện bán lẻ trung bình đã tăng từ 6,8 cent/kWh lên 10 cent/kWh.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, "khuynh hướng chung về dài hạn là giá năng lượng sẽ tăng, nếu không có cải tiến đột xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất năng lượng". Tuy nhiên, ông Thành cho biết: "Trong đề án tăng giá điện, vấn đề năng suất không hề được EVN đề cập đến. Họ không muốn thừa nhận, bởi năng suất phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý".

Cũng có chuyên gia cho rằng, trong ngành điện, tăng năng suất đến mấy cũng không bù đắp nổi sự khan hiếm về nguồn. Vì thế, trước sau, giá điện cũng sẽ phải lên để thu hút đầu tư khai thác. Nhưng dù sao thì trong một thị trường cạnh tranh, giá sẽ tăng chậm hơn và động lực cải thiện năng suất cũng như tìm ra các phương thức khai thác nguồn năng lượng mới sẽ nhiều hơn.


4. Tại sao EVN không đầu tư?

EVN kêu thiếu vốn, nhưng đó là vốn để đầu tư vào chính ngành điện. Còn trên thực tế, tập đoàn vẫn có lãi để đổ vào các lĩnh vực "phi điện" như ngân hàng, bất động sản, resort, viễn thông... Lý do đơn giản bởi EVN là một doanh nghiệp, và họ có quyền lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực ra lợi nhuận nhanh hơn, "ngon" hơn.

Trong bối cảnh lạm phát, lạm chi ngân sách, Nhà nước cũng không thể dồn vốn ngân sách hoặc tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB)… cho việc đầu tư vào ngành điện. Đã đến lúc cần có sự đầu tư từ các nhà sản xuất và cung cấp khác (cả trong và ngoài nước), như các công ty trong lĩnh vực than, dầu khí, thủy nông v.v. Nhưng các đơn vị khác cũng là doanh nghiệp nên họ cũng đòi hỏi thị trường phải hấp dẫn thì mới đầu tư.


5. Thiếu điện, ai chịu trách nhiệm?

Kẻ chịu trách nhiệm ở đây là là cơ chế và người tuân theo nó là EVN - nhà sản xuất, truyền tải và phân phối gần như duy nhất trên thị trường Việt Nam.

Bài toán đặt ra cho ngành điện giờ đây là phải làm sao để thu hút đầu tư khai thác nguồn (muốn vậy cần một mức giá hấp dẫn), khuyến khích tăng năng suất trong ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A gợi ý việc ưu tiên tự do hóa thị trường sản xuất điện. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của CEPR cho rằng "nên tạo một môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, trên cơ sở tách một số công ty từ EVN, để chúng trở nên độc lập với nhau".

Song song với đó là việc chuyển từ cơ chế tính giá dựa trên chi phí bình quân dài hạn - hoạch định nội bộ, do Nhà nước điều tiết - như hiện nay sang một hệ thống giá cả có yếu tố cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất và cung cấp độc lập. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, thị trường điện của tất cả các nước đều do Nhà nước điều tiết toàn bộ (như Việt Nam hiện tại). Quá trình giải điều tiết, tự do hóa đang diễn ra ở nhiều nơi.


6. Tăng giá điện có gây lạm phát không?

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra ba kịch bản tăng giá điện:

1. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, giá điện cho sản xuất không tăng: GDP giảm 0,04% và CPI tăng 0,13%;
2. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, điện cho sản xuất tăng 10%: GDP giảm 0,15% và CPI tăng 0,73%;
3. Giá điện cả hai khu vực đều tăng 20%: GDP giảm 0,16% và CPI tăng 1,25%.

Như thế là trong cả ba trường hợp, tăng giá điện đều gây lạm phát và làm giảm GDP (trong ngắn hạn: 1 năm).

Dù vậy, trong dài hạn, việc tăng giá điện (đi đôi với tự do hóa thị trường trên cả ba khâu sản xuất, truyền tải, phân phối) sẽ kích thích đầu tư tăng năng suất, cạnh tranh, đi tới kìm lại tốc độ tăng giá. Thêm vào đó, việc tăng giá điện sẽ không gây sốc cho thị trường như đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng 7 năm 2008, nếu có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp và người dân chuẩn bị tinh thần, cùng "thắt lưng buộc bụng", tự điều tiết.

Ở nhiều nước trên thế giới, dù thị trường do Nhà nước điều tiết hay là tự do hoàn toàn, thì giá năng lượng cũng không thể tăng giảm tùy tiện, mà luôn phải theo một lộ trình đã vạch rõ và được công bố từ trước. Ví dụ, nếu giá điện từ ngày 1/7 năm nay tăng 3%, thì người dân đã phải được thông báo từ tháng 11 - 12 năm ngoái. Không thể viện lý do "năm nay thiếu nước nên thiếu điện" để tăng giá, đồng thời hô hào, bắt ép người tiêu dùng... tiết kiệm!


7. EVN có thể làm gì?

Để không còn những tranh cãi và phản đối hiện nay, EVN hoàn toàn có thể công khai cơ chế tính giá, lợi nhuận của họ, cùng những lý do giải thích sự cần thiết phải tăng giá điện (khan hiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu, thiếu vốn đầu tư v.v.). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc EVN phải đưa ra được một lộ trình vừa tăng giá vừa cải cách ngành điện hợp lý nhất.

Một chuyên gia trong ngành nhận xét: "EVN không minh bạch đã đành, hoạt động tuyên truyền của bản thân họ cũng kém. Người dân đến nay vẫn không hề biết là nguồn tài nguyên để sản xuất điện của chúng ta hiện giờ đang khan hiếm đến mức báo động, nhất là các nguồn giá rẻ như than, khí đốt".

Bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc CEPR cũng viết: "Nếu ngành điện có thể công bố được mức tăng năng suất của ngành, thì sức thuyết phục của việc tăng giá sẽ cao hơn rất nhiều. (Mức tăng giá = mức trượt giá - mức tăng năng suất)".

Trong tình hình hiện nay, sự lảng tránh báo chí và công chúng của EVN chỉ càng làm người ta thêm nghi ngờ và phẫn nộ. Trước đó, EVN còn xin tiền thưởng từ ngân sách, rồi không chịu đầu tư, rồi đổ trách nhiệm "tiết kiệm" lên đầu người tiêu dùng...

Có người nói vui rằng, thời bao cấp, điện là ngành được hoan hô nhiều nhất, vì cứ mỗi lần không gian bừng sáng lên sau lúc mất điện là cả làng cả tổng lại reo: "Có điện rồi!". Còn bây giờ, thời hội nhập, hình như điện đang trở thành (một trong những) ngành bị chê trách nhiều nhất. Trong khi trên thực tế, EVN cũng có "nỗi oan không chịu tỏ cùng ai".