Saturday, 28 August 2010

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ trong ký ức hai con

Ở Việt Nam ta lâu nay, thường thường khi người nổi tiếng vừa nằm xuống, những tri âm tri kỷ của họ bỗng từ đâu xuất hiện đông như nấm mọc sau mưa. Sinh thời Trịnh Công Sơn có vẻ cũng kín tiếng với báo giới, người ta không biết đến nhiều bạn thân của ông, ngoại trừ vài người đồng hương và chắc chắn có mối thâm giao với ông từ rất lâu như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tuy thế sau khi ông qua đời, rất nhiều người quen của ông đã lên tiếng, trong số đó không ít người tỏ ra thân thiết với Trịnh Công Sơn.

Trước Trịnh Công Sơn 13 năm, chuyện tương tự cũng xảy ra sau cái chết của vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh và nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Gần đây người con trai đầu của Xuân Quỳnh có lần bảo tôi: “Hồi ấy có những vị, ngày còn mẹ anh với chú Vũ, không qua nhà anh lấy một lần, không cho anh được cái kẹo, thậm chí anh không hề biết mặt biết tên; thế mà mẹ anh với chú vừa mất thì vị ấy lên báo kể đủ chuyện, cứ như là thân với Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ lắm ấy”. Theo chỗ tôi biết thì sau này có vị còn thủ thỉ cả chuyện chăn gối của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ cho nhà báo.

Ngoài nhận thân trên mặt báo, còn một “thể loại” nữa là nói xấu, có thể trên báo hoặc chỉ là rỉ tai bên ngoài. Tôi cũng từng nghe không ít lời kể xấu kiểu này về người đã khuất, có khi rất hồn nhiên: “Bà Xuân Quỳnh ấy, từ thời còn bao cấp bà ấy đã loẹt quoẹt cái váy trắng đi đi lại lại trong sân khu tập thể rồi”. (Câu này chắc giống nói xấu hơn là có ý khen “bà Quỳnh” mặc váy đẹp.)

Nói chung thì tất cả các hình thức – nhận tri âm tri kỷ với người đã khuất, nói xấu họ, hay ngược lại, “bơm thổi” họ lên tầm vĩ đại - đều là bóp méo sự thực. Công chúng là người ngoài chỉ biết nghe, nhận được bao nhiêu hạt sự thật thì nhận.

Về phần mình, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về cuộc đời, sự nghiệp và tính cách nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Tuy vậy, qua cuộc phỏng vấn với người con trai cả của cặp vợ chồng nghệ sĩ bạc mệnh Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tôi có niềm tin rằng người con như thế chắc chắn phải có một người mẹ tuyệt vời. Anh đã cho tôi thấy rất rõ một điều: Văn hóa ở một con người là những gì đọng lại ngay cả sau khi người đó đã mất đi.



++++++++++

XUÂN QUỲNH - LƯU QUANG VŨ TRONG KÝ ỨC HAI CON

(bài viết nhân 20 năm ngày mất của thi sĩ Xuân Quỳnh và nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, 29/8/1988 - 29/8/2008)

20 năm trôi qua không đủ để xóa hết nỗi đau trong lòng những người ở lại mỗi khi nhớ về đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Điều ấy càng hằn rõ với hai người con Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh Vũ.

Lâu nay, cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều không muốn nhắc lại chuyện của 20 năm về trước. Nhưng trong những ngày này, hai anh đã mở lòng để kể lại cho chúng tôi nghe về ký ức của “một thời rất đẹp”, trước ngày định mệnh 29 tháng 8 năm 1988.

Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng trước của bà - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn. Anh sinh năm 1966, lớn tuổi nhất trong ba người con trai của gia đình. Hiện anh là giám đốc kinh doanh của một công ty thiết kế đồ họa - in ấn - quảng cáo ở Hà Nội.

Lưu Minh Vũ (sinh năm 1970) có phần nổi tiếng hơn, anh là biên tập viên của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng là MC chương trình Hãy chọn giá đúng. Minh Vũ là con của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ và người vợ trước - diễn viên Tố Uyên.

Thời thơ ấu, họ cùng sống ở 96A phố Huế (Hà Nội), tập thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Minh Vũ ở cùng mẹ và bố dượng tại tầng hai. Tuấn Anh và bố ở tầng bốn. Còn Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ và con trai chung của hai người - Lưu Quỳnh Thơ (sinh năm 1975) - thì ở tầng ba. Tuy nhiên, ba anh em cực kỳ thân thiết, không khác nào anh em ruột thịt. Như Lưu Minh Vũ có nói, thời gian anh sống với “má Quỳnh” nhiều hơn thời gian anh sống với "mẹ Uyên". Nói về thời thơ ấu, anh có nhiều kỷ niệm với má Quỳnh hơn là với mẹ. Do nghệ sĩ Tố Uyên thường phải đi xa, bận bịu với công việc diễn xuất, việc chăm sóc Minh Vũ gần như do Xuân Quỳnh đảm nhận.

Ký ức thời thơ ấu của cả Tuấn Anh và Minh Vũ đều tràn ngập hình ảnh một gia đình hạnh phúc: Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và ba con trai. Cả ba anh em cũng đã là khuôn mẫu ngoài đời cho rất nhiều nhân vật trong các truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhà thơ Xuân Quỳnh.


* * *

Lưu Minh Vũ: “Tại sao cuộc sống ngày ấy có thể thanh bình đến thế?”

Hồi ấy chúng tôi ở chung một tập thể với nhiều văn nghệ sĩ, như Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh… Ba anh em không cùng cha mẹ, đúng là một trường hợp điển hình “con anh, con tôi, con chúng ta” đấy, nhưng chúng tôi thân nhau như anh em ruột, do được dạy dỗ rất kỹ. Bố và má luôn giáo dục các con phải nhường nhịn, không được đánh nhau.

Ngày ấy cả xã hội đều nghèo, văn nghệ sĩ cũng vậy, vất vả lắm. Cũng phải tem phiếu, xếp hàng như ai. Bố tôi làm phóng viên cho tạp chí Sân Khấu, do không có bằng cấp gì nên xét theo bậc thì lương của ông chỉ hơn lao công. Thời gian đầu, ông còn không có lương, chỉ có nhuận bút. Sống bằng nhuận bút thì cực lắm, vì có phải lúc nào cũng viết ra bài đều chằn chặn như đan rổ đâu. Nhưng cũng thời gian làm phóng viên ấy khiến ông quen nhiều nghệ sĩ sân khấu và hiểu họ, hiểu tính cách, điệu bộ, kỹ thuật diễn và nói chung là cái “chất” của họ. Sau này, khi viết kịch, có những vở ông viết theo đơn đặt hàng, và các nhân vật gần như được ông thiết kế dành riêng cho một diễn viên nào đấy. Tôi lấy ví dụ như vai ông Quých trong "Tôi và chúng ta", ông viết gần như chỉ để cho diễn viên Trần Kiếm đóng. Sau này, không diễn viên nào thể hiện được cái chất Quých ấy nữa, vai đó đã được đo ni đóng giày cho Trần Kiếm rồi.

Nói riêng về vật chất thì chúng tôi đã sống một thời kỳ khó khăn, trong cái khó khăn chung của đất nước. Bữa cơm thường có những món rất “kinh điển” như lạc, nhộng. Có thịt thì quý lắm lắm. Về sau, bố tôi bắt đầu sáng tác kịch và nổi tiếng, cuộc sống khá hẳn lên. Thỉnh thoảng cả gia đình lại đưa nhau đi ăn tươi.

Bố tôi tính rộng rãi, thoáng đạt, thậm chí bốc đồng. Nhiều khi má nấu cơm rồi, thức ăn có rồi, nhưng ông lại hứng chí đi mua ít thịt gà cho con. Nhìn các con ăn là bố thấy hạnh phúc. Tôi nhớ mãi cái ngày ba anh em được đưa ra bến Phà Đen chơi. Hôm đó bố tôi vừa lĩnh một khoản nhuận bút lớn, khao cả nhà một bữa thịt chó ở phố Lê Quý Đôn. Tôi cầm nguyên cái đùi mà ăn, sung sướng lắm. Cả ba đứa đều sung sướng. Chi tiết xuống bến Phà Đen chơi được má tôi đưa vào truyện ngắn nổi tiếng của bà, “Bến tàu trong thành phố”. Nhân vật Trung Hà và Hưng là anh Tuấn Anh và tôi.

Bố má tôi thương con vô cùng, không bao giờ đánh con dù chỉ một lần. Bác Tuấn (nghệ sĩ violin Lưu Tuấn, bố đẻ Tuấn Anh - NV) cũng yêu quý thằng Mí (tên thân mật của Lưu Quỳnh Thơ - NV), coi nó như con ruột.

Bây giờ nghĩ lại, đó là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi. Tại sao ngày ấy cuộc sống lại có thể thanh bình đến thế? Yên ấm, đầy đủ, rất đầy đủ, không phải về vật chất mà là về tình cảm. Đùng một cái, việc dữ xảy ra. Bố má tôi và Mí đi chơi xa… rồi không bao giờ trở về nữa.

Tôi còn nhớ mấy ngày ấy trời Hà Nội cũng mưa nhiều. Tôi vừa có tin đỗ đại học (Minh Vũ học chuyên ngành quay phim, Đại học Sân khấu Điện ảnh - NV) với tổng điểm cao nhất trường, có chỉ tiêu du học. Bố, má và em đi chơi, tôi ở Hà Nội cũng đi chơi suốt ngày, vui lắm.

Tin báo về, tôi không hề biết vì lúc đó có ở nhà đâu. Buổi chiều tôi đi bộ ngang qua nhà diễn viên Kim Oanh ở phố Trần Nhân Tông, thấy cô Oanh chạy ra hốt hoảng hỏi: “Bố có bị làm sao không cháu?”. “Không, cháu chả biết”. Một cái gì đó như linh tính nổi lên, tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Nghe loáng thoáng có tiếng người bên đường bảo: “Thằng Kít (tên thân mật của Minh Vũ - NV) nó về rồi kia kìa”.

Tới nhà, tôi được báo tin bố má và em bị tai nạn, mà cũng chưa biết là cả ba đã mất. Tôi đòi xuống Hải Dương thăm, người nhà giữ lại không cho đi, ấn tôi ngồi xuống, bảo: “Kít ngồi đây. Không đi đâu cả!”. Lúc đó tôi mang máng hiểu. Từ phút ấy, tôi không nhớ gì nữa. Cả một cơn mê. Một cơn ác mộng.

Cuộc đời tôi thay đổi từ đó. Sau cái tang lớn, cả tôi và anh Tuấn Anh đều sa vào khủng hoảng. Ai cũng khuyên bảo tôi cố gắng lên, vực dậy đi, vươn lên mà sống, nhưng nghĩ lại, lúc đó tôi biết vươn lên kiểu gì? Cú sốc quá lớn.

Trước ngày ấy, cuộc sống của tôi như thể thiên đường. 18 tuổi, chuẩn bị đi học nước ngoài, bao nhiêu ước mơ sắp thực hiện – du học, trở thành nhà quay phim. Đời đẹp lắm. Thế rồi hẫng một cái. Tôi vẫn đi Nga, rồi sang Đức học, nhưng bị cảm giác chán chường đè nặng. Chán đến không chịu nổi. Được bốn năm, tức là đến năm 1993, tôi bỏ dở, quay về Việt Nam. Tôi không theo nghề quay phim nữa, chuyển sang học báo chí. Năm 1997, tôi ra trường và vào công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam cho đến nay.

Nếu không có sự cố đó, chắc chắn cuộc đời tôi đã khác rất nhiều. Biết đâu tôi có thể ở lại nước ngoài chẳng hạn? Hay là tôi sẽ làm nghề khác chứ không làm MC và biên tập viên truyền hình. Điều chắc chắn là từ sau cú sốc ấy, tôi thay đổi nhiều về tính cách. Tôi không còn hồn nhiên và yêu đời được như xưa.

Đồng nghiệp có người bảo tôi lên hình trông buồn, ít cười quá. Không hiểu có phải mặt tôi đã buồn từ hồi bố má và em mất không. Cũng có thể do tôi không thích vừa nói vừa cười khi dẫn chương trình. Có lý do gì để cười nhỉ? Phụ nữ cười để cho xinh, chứ mình cười thì làm gì?

Bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng mơ tới những ngày thơ ấu. Tôi mơ thấy bố, má tôi, thấy ngôi nhà 96A phố Huế. Tôi đã lấy vợ, sinh con, chuyển đến nhà mới 10 năm rồi, nhưng không một lần mơ thấy nhà mới. Tôi chỉ mơ thấy tập thể 96A phố Huế và ký ức thời xa xưa của tôi, lẫn lộn, mơ hồ, như một đám mây.


Lưu Tuấn Anh: “Mẹ mãi là người phụ nữ tuyệt vời nhất”

Tuổi thơ của tôi không thể gọi là yên bình vì tôi đã nghe tiếng bom gầm ở Hà Nội năm 1972, phải đi sơ tán và rồi chứng kiến bố mẹ tôi chia ly. Nhưng tôi lại không phải xa mẹ chút nào. Ngược lại, tôi có một gia đình thứ hai - gia đình mẹ và bố dượng tôi.

Tôi đã có những ngày thật đầm ấm bên mẹ, chú Vũ và các em. Tôi vẫn nhớ như in cái không khí của một gia đình tràn đầy tình yêu thương và nghệ thuật. Tôi nhớ ánh mắt mẹ và chú Vũ trìu mến khi thấy các con sum vầy. Tôi nhớ căn phòng của mẹ và bố dượng đầy sách, các bản thảo và các bức vẽ trên tường. Những bữa ăn có đủ cả nhà thì chẳng bao giờ thiếu chuyện, dẫu chỉ là cơm rau.

Còn những buổi tối cả nhà đi xem kịch của chú Vũ nữa, sao mà vui thế. Anh em chúng tôi luôn ríu rít bên nhau mặc dù không cùng cha cùng mẹ. Minh Vũ hồi đó béo tròn và rất thích chơi những trò tai quái. Tôi cũng nghịch ngợm chẳng kém, nhưng ít nói và lầm lì hơn.

Em trai út Lưu Quỳnh Thơ có tên ở nhà là Mí. Mí dễ thương lắm; da trắng, môi đỏ, mắt to mà tóc để dài như con gái. Mí rất thông minh, học cái gì cũng giỏi và nhanh tới mức kinh ngạc. Ở trường, nó thường ở trong nhóm 5 học sinh đứng đầu lớp.

Mí có năng khiếu bẩm sinh về hội họa. Trẻ ba tuổi thường cầm bút chưa vững, thế mà Mí đã vẽ thành thạo bằng cả bút chì lẫn màu nước. Ba tuổi rưỡi, nó được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi vẽ quốc tế do UNESCO tổ chức với chủ đề “Năm 2000 em sống như thế nào”. Nó vẽ một cậu bé cưỡi ngựa đang bồng bềnh trong một vườn hoa trông như cái hồ sen. Bức tranh ấy bây giờ Minh Vũ vẫn giữ. Trong số các cuốn thơ “Bầu trời trong quả trứng” của mẹ từng xuất bản, có một cuốn do Mí tự minh họa.

Mí ít tuổi như vậy nhưng nó sống tình cảm và và rất biết quan tâm tới bố mẹ và các anh. Hồi đó nhà tập thể tôi chỉ có nước máy ở tầng một. Tôi và Minh Vũ có nhiệm vụ xách nước lên tầng ba cho mẹ nấu cơm và rửa bát. Mí mới 10 tuổi không phải làm việc nặng nhưng lại tự xung phong xách nước cho mẹ. Nó thương mẹ, sợ mẹ phải xách nước khi các anh mải chơi mà không làm. Nghĩ lại cảnh Mí nhỏ vậy mà cố xách hai cái bình nước bằng nhựa lớn đi lên cầu thang là tôi lại xót xa.

Hồi đó, tôi còn trẻ con, rất vô tư, ham chơi và chẳng nghĩ gì nhiều về gia đình. Tôi thấy mọi người khen mẹ làm thơ hay nhưng chẳng bao giờ đọc kỹ một bài thơ của mẹ. Điều quan trọng nhất với tôi là được mẹ thương yêu, còn thơ của mẹ ra sao thì chẳng phải chuyện tôi quan tâm. Tôi được bao bọc trong tình thương của mẹ và gia đình.

Với niềm tin của một đứa trẻ, tôi cứ nghĩ những ngày đầm ấm đó sẽ kéo dài mãi. Thế rồi cái ngày 29 tháng 8 định mệnh đó đến, thế giới quanh tôi sụp đổ hoàn toàn. Bỗng chốc tôi không còn mẹ, không còn bố dượng và không còn đứa em út. Lúc đó tôi mới hiểu rằng chẳng có điều gì trên đời này là vĩnh cửu, kể cả người thân và những niềm hạnh phúc.

Tôi khi đó đã tốt nghiệp đại học và đang làm biên tập viên cho Thông tấn xã Việt Nam. Mang tiếng là người lớn và đã đi làm, nhưng tôi vẫn còn quá trẻ con để chịu đựng một sự mất mát nghiệt ngã như vậy. Sau cái ngày đó, tôi ốm và suy sụp hoàn toàn. Tôi thay đổi hẳn và không còn là tôi trước đó nữa. Sự vô tư trong con người tôi biến mất, thay vào đó là sự suy tư và bất cần. Mọi thứ với tôi đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Lần đầu tiên trong đời, tôi đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.

Tôi ngơ ngác tự hỏi: “Cuộc sống tại sao lại bất công như vậy? Tại sao những người, tài năng, nhân hậu và có ích cho đời lại phải chết? Vậy thì ta phấn đấu vì những điều tốt đẹp để làm gì? Mất bao nhiêu năm tháng để một ngày lại ra đi vô lý như thế ư? Em Mí của tôi chỉ là một đứa trẻ. Nó có tội tình gì? Nó ngoan hiền thế mà trời nỡ lòng nào bắt nó đi?”.

Mất nhiều tháng sau, tôi sống trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh với những ý nghĩ luẩn quẩn và bi quan. Tôi nghỉ làm, ở nhà giở thơ của mẹ và bố dượng và đọc từng bài. Đọc bằng hết, điều trước đây tôi chưa từng làm. Lúc đó tôi mới thực hiểu mẹ hiểu bố dượng và sự lớn lao trong tâm hồn của cả hai người. Mỗi lần đọc thơ là một lần tôi khóc. Tôi trách mình vô tâm với mẹ và chú Vũ quá và thật khó để tự tha thứ. Rồi sau bao dằn vặt, cũng đến lúc tôi tự nhủ mình: “Nếu mẹ, chú Vũ và em Mí còn sống, chắc chắn không ai muốn thấy mình chán nản và mất niềm tin như thế này”.

Vậy là tôi bắt đầu dùng lý trí để lấy lại thăng bằng. Tôi cố gắng sống vì mẹ tôi, bố dượng tôi, và em Mí. Tôi cố gắng sống vì những người thân yêu còn lại của tôi, trong đó có Minh Vũ - người bây giờ với tôi còn hơn em ruột. Tôi phục hồi dần dần.

Trong con mắt tôi, mẹ là một người phụ nữ vẹn toàn. Ngoài tài năng thơ, cho tới giờ mẹ tôi luôn là một hình mẫu sống cho tôi về lòng nhân ái và các giá trị làm người. Ngay từ những năm tôi còn rất bé, tôi đã nghe mẹ nói về trách nhiệm của người viết văn đối với xã hội. Mẹ nói với tôi rằng cuộc sống có cái thiện và cũng có nhiều cái ác. Nhưng mẹ chỉ viết về cái thiện mà tránh nói nhiều tới những điều xấu xa của cuộc sống.

Mẹ bảo tôi, một tác phẩm tốt phải khiến người đọc yêu và trân trọng cuộc sống hơn, hướng thiện hơn. Nếu đề cập quá nhiều tới những điều tiêu cực, kể cả đó là sự thật, nhà văn có thể làm người đọc mất niềm tin và nhìn đời một cách méo mó. Những truyện thiếu nhi của mẹ tôi thường có bóng dáng của ba anh em, như “Quà tặng chú hề” là về cu Mí đấy. Truyện nào cũng hướng tới giáo dục cho thiếu nhi tình yêu thương, bắt đầu từ yêu thương những người gần gũi nhất của các em trong gia đình là ông bà, bố mẹ hay anh em rồi tới bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo.

Thơ của mẹ tôi cũng phản ánh con người bà. Nó trong sáng, dung dị và chan chứa tình thương, tình yêu thiên nhiên, con người. Các bài thơ của mẹ có thể buồn nhưng không u ám, không bao giờ cay đắng và oán trách. Mẹ tôi là thế, hy sinh nhiều, chịu thiệt thòi rất nhiều nhưng tấm lòng vẫn luôn rộng mở và bao dung. Bởi bà có một niềm tin đặc biệt mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong mỗi con người.

Thú thật, tôi không để ý nhiều tới ngôn từ trong các tác phẩm của mẹ hay số lượng tác phẩm. Tôi nghĩ cái quý giá hơn cả là những giá trị nhân văn mà mẹ tôi để lại trong các tác phẩm đó. Chưa nói tới tác động xã hội, mà những gì mẹ tôi viết ra có tác động ngay trong gia đình chúng tôi. Đọc truyện "Bến tàu trong thành phố", tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi bắt đầu có ý thức làm anh rõ ràng hơn với các em và biết nhường nhịn các em hơn. Tôi hiểu qua câu chuyện ấy, mẹ tôi muốn anh em chúng tôi yêu mến và gắn bó với nhau.

Nói về chú Vũ thì phần nhiều công chúng biết chú ấy qua các vở kịch với tư cách là người viết kịch. Nhưng không phải ai cũng biết chú ấy là một nhà thơ tầm cỡ. Có một số người trong giới văn đánh giá chú là tài năng thơ lớn và thuộc loại hiếm. Tôi cho rằng họ nói như vậy là rất có cơ sở chứ không phóng đại. Vấn đề là thơ của chú Vũ kén độc giả và không phải ai đọc cũng hiểu. Có thể vì vậy mà nó không mang tính đại chúng cao. Để cảm nhận được thơ của chú ấy thì độc giả phải là người có nội tâm khá đặc biệt.

Tôi thích thơ của chú Vũ vì cái tính lạ lùng vừa phóng khoáng vừa sâu thẳm của nó. Bài thơ khiến tôi xúc động nhất và cũng ám ảnh tôi nhiều nhất là “Bài hát ấy vẫn còn là dang dở”. Đọc đi đọc lại, tôi có cảm giác nó dường như là linh cảm của chú Vũ về ngày từ biệt. Nó vừa da diết luyến tiếc cuộc sống quá ngắn ngủi vừa mang sự mãn nguyện của một người đã làm xong nhiều việc lớn.

"Nắng đã tắt dần trên lá im
Chiều đã xẫm màu xanh trong mắt tối
Đường đã hết trước biển cao vời vợi
Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn
Gió đã dừng nơi cuối chót không gian
Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm
Người đã sống hết tận cùng năm tháng
Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên..."

Chú Vũ ra đi khi đang sung sức sáng tác nhưng cũng đã kịp hoàn thành rất nhiều tác phẩm. Chú ấy đi trong mãn nguyện sau khi để lại cho đời rất nhiều, đúng như câu kết của bài thơ vậy: “Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt”.

20 năm qua rồi. Tất cả những gì gợi nhớ chuyện ngày ấy đều làm cho tôi buồn. Tôi tránh đọc thơ và không muốn xem kịch, vì sợ những kỷ niệm ngày xưa quay về. Tôi không theo nghề báo mà đi làm công tác nhân đạo rồi chuyển sang kinh doanh. Cái thế giới thực tế của kinh doanh phần nào giúp tôi vượt qua cảm xúc của mình và vững vàng trong thực tại.

Tôi cũng đã có có gia đình yên ấm riêng của mình với nhiều niềm vui mới. Mỗi lần gia đình tôi và gia đình Minh Vũ tới thăm nhau, anh em tôi ngồi ngắm lũ trẻ chơi đùa trong cái cảm giác được chia sẻ và bù đắp. Nhưng sự thật là dù 20 năm có trôi qua và tôi đã có quá nhiều thay đổi, nỗi đau vẫn không mất đi. Mãi mãi không mất.

(Bài viết năm 2008)

Monday, 23 August 2010

Vĩnh biệt người viết “nhật ký thời bao cấp”

Sáng 20-8, giới kinh tế học ở Việt Nam đón nhận tin buồn: Chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Cùng nỗi tiếc thương là cảm giác băn khoăn: Có phải con người ấy đã mang đi theo ông bao nhiêu thông tin quý báu, bao nhiêu bí mật về nền kinh tế Việt Nam trong suốt một chiều dài lịch sử? Ai sẽ thay thế ông để làm “con thuyền chuyên chở kiến thức và kinh nghiệm từ quá khứ đến các thế hệ hiện tại”?

TS kinh tế Nguyễn Đức Thành ví ông Đặng Phong như thế - như “một con thuyền lớn và đơn độc chuyển tải kiến thức đến cho những thế hệ mà hiểu biết của họ về quá khứ đang bị xóa mờ đi rất nhanh”.

Sinh năm 1939, có hai bằng đại học kinh tế và lịch sử, trải nghiệm đời sống kinh tế ở Việt Nam suốt từ khi giành độc lập, qua thời bao cấp tới ngày Đổi Mới, Đặng Phong có nhiều điều kiện để làm một sử gia kinh tế chuyên nghiệp. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần; ngoài ra, ở ông còn có những yếu tố, những phẩm chất rất khó tìm thấy ở người khác, mà điều đầu tiên là tài năng thiên bẩm, thể hiện dưới dạng một niềm say mê kỳ lạ: Ông đã quan tâm tới việc viết lịch sử kinh tế của đất nước từ những năm còn rất trẻ. Ít người biết rằng Đặng Phong đã viết tác phẩm đầu tay năm ông mới hơn… 20 tuổi.


Con người của đam mê

Cuốn sách đầu tay của Đặng Phong viết về kinh tế Việt Nam thời nguyên thủy, đồ sộ, quy mô và chứa đựng nhiều ý rất mới. Khi tìm đọc tác phẩm này, TS Nguyễn Đức Thành cho biết ông bị ấn tượng bởi “một cuốn sách viết hết sức bài bản, kinh điển”. Còn nhà giáo Phạm Toàn – độc giả của Đặng Phong từ hồi ấy - thì khẳng định: “Vào thời điểm ấy, đó là cuốn sách đầu tiên không giáo điều mà tôi được đọc”. Chẳng hạn, sách đưa ra quan điểm cho rằng không nên nhấn mạnh Việt Nam là một nước “rừng vàng biển bạc”, bởi lẽ rừng của chúng ta không nhiều như chúng ta tưởng, nhất là nếu so với nước Mỹ nơi một đàn bò tót đi qua có thể để lại vết bụi kéo dài tới 3 km! Điều gây kinh ngạc là tác giả mới ngoài 20 tuổi, và cuốn sách đã đưa ra những quan điểm như thế trong bối cảnh Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước.

Đặng Phong chính thức bước vào sự nghiệp của một nhà sử kinh tế kể từ đó. Thập niên 60-70, ông công tác tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và là cộng sự đắc lực của GS Trần Phương. Khi ông Trần Phương trở thành Phó Thủ tướng (nhiệm kỳ 1982-1985), Đặng Phong được điều chuyển về làm chuyên viên ở Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, trực thuộc Ủy ban Vật giá Nhà nước. Tại đây, tiếp xúc với kho tư liệu của Ủy ban, ông càng hăng hái làm việc: sưu tầm, tìm hiểu, đọc, đi và viết. GS-TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, “sếp” cũ của Đặng Phong, hồi tưởng: “Anh viết chắc tay, viết khỏe, viết nhiều, cái nhìn sắc sảo. Làm việc rất hăng say, phải nói là cực kỳ nhiệt tình, đam mê công việc, xứng đáng là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Suốt cả đời mình, Đặng Phong thích đi, thích mầy mò, chịu khó sưu tầm tư liệu, chính vì thế sách của anh ấy luôn dày thông tin. Tôi thấy đấy là người viết sử kinh tế xuất sắc nhất Việt Nam”.

Không thật sự yêu một công việc, người ta không thể hết lòng vì nó, không thể bỏ công tìm tòi, phát triển nó. Ở Đặng Phong, niềm đam mê đã khiến ông có sự sáng tạo, phong cách độc đáo hiếm thấy ở người khác. Đi dạy, viết sách, ông luôn đưa vào những ý tưởng mới mẻ và sắc sảo. Biên soạn cuốn sách nổi tiếng, “Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989”, để đảm bảo tính khách quan và chính xác của thông tin, ông đã gặp và phỏng vấn hàng chục “nhân vật của một thời”, trong đó đặc biệt là những người đã từng làm việc gần gũi các cán bộ lãnh đạo - như các ông Trần Phương (nguyên trợ lý của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), Trần Việt Phương (nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) .v.v. Kết quả của sự dày công đó là một cuốn sách đầy ắp tư liệu, trong đó rất nhiều chi tiết dường như là chuyện “thâm cung bí sử”, về thời kỳ ngột ngạt của đất nước “đêm trước Đổi Mới”. Nhiều thông tin có lẽ phi Đặng Phong không ai có được (những người có được thì lại không viết sách), như câu chuyện về vụ Z30 ở Hà Nội, hay cuộc trao đổi có một không hai giữa GS triết học Trần Đức Thảo và Tổng Bí thư Lê Duẩn về thuyết “làm chủ tập thể”.


Ai người thay thế Đặng Phong?

Thực tế là nếu không vì đam mê công việc, Đặng Phong chẳng có lý do gì để vùi mình vào công việc viết sử kinh tế vất vả và… ít tiền. GS-TS Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: “Đóng góp lớn nhất của Đặng Phong là mầy mò tìm hiểu, tập hợp tư liệu và viết sách, một việc mà ngoài ông ấy, ít người chịu bỏ công ra lắm. Ở các trường đại học thì đều có khoa sử kinh tế cả, nhưng tôi nói thực là người ta chẳng có thì giờ mà viết đâu, chạy sô dạy học – chính khóa rồi tại chức – ra tiền hơn nhiều. Đặng Phong viết một cuốn thì giỏi lắm được vài chục triệu đồng chứ mấy, viết để thỏa mãn đam mê của ông ấy chứ ai kiếm tiền từ đấy. Tôi e là cứ cái kiểu đại học như bây giờ thì sẽ không có cơ sở nghiên cứu nào xuất phát từ hệ thống đại học đâu, nên ông Đặng Phong một mình một chiếu sử kinh tế, tung hoành ngang dọc bao lâu nay là đương nhiên”.

TS Nguyễn Đức Thành thì nhận định: “Từ quan điểm của tôi, Đặng Phong hiện giờ là người không thể thay thế. Ông hội tụ được đầy đủ các yếu tố: quan hệ sâu rộng với các nhân chứng lịch sử trong nước, quan hệ rất rộng rãi với học giả quốc tế, là nhân chứng trực tiếp trong suốt những biến động kinh tế của đất nước, và những đam mê, hoài bão to lớn. Nhân chứng lịch sử - những người sống cùng thời ông - thì nhiều lắm nhưng họ không có chủ đích thu thập, tập hợp tư liệu. Trong cộng đồng các nhà nghiên cứu, cũng có những sử gia tài năng người Việt ở nước ngoài, thì họ lại không có mặt trong những thăng trầm của kinh tế Việt Nam; họ là hiện thân của một đời sống khác không ở Việt Nam”.

Với sinh viên và thế hệ các nhà kinh tế trẻ, Đặng Phong luôn được coi như một “túi khôn”, một kho tư liệu sử. Ông còn là người động viên họ bước chân vào lĩnh vực khô khan, khó khăn và… ít tiền này. Lâu nay, cứ đến nhà ông là người ta lại gặp những gương mặt sinh viên trẻ đang hăm hở học tập, nghiên cứu, viết sách cùng với “thầy Phong”. Người muốn viết về lịch sử các quán cà phê ở Hà Nội, người muốn tìm hiểu mô hình kinh tế Trung Quốc trong tương quan so sánh với Việt Nam… TS Nguyễn Đức Thành cũng kể: “Khi gặp đám nghiên cứu trẻ, ông hay nói chuyện về lịch sử kinh tế và kể lại các sự kiện kinh tế để chúng tôi hiểu biết thêm về Việt Nam. Nói chung, Đặng Phong mang lại nguồn cảm hứng lớn, và mỗi lần trao đổi với ông thì chúng tôi đều học hỏi được rất nhiều. Ông là cầu nối giữa thế hệ các kinh tế gia trẻ, không có điều kiện trải nghiệm nhiều, với quá khứ thực tiễn của dân tộc”.

Ngoài đời, Đặng Phong sống vui vẻ, lạc quan, hài hước. Ông thường “phân trần” với mọi người một cách dí dỏm: “Không hiểu sao báo chí cứ nâng tôi lên “giáo sư”, tôi đã bao giờ được Nhà nước phong hàm đâu cơ chứ”. Không tiến sĩ, không giáo sư, nhưng Đặng Phong đã là chuyên gia mời ở nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới: ĐH Ai-xen-Provence (Pháp), ĐH California (Monterey Bay, Mỹ), ĐH Cambridge (Anh), ĐH Macquarie (Australia)… Phát hiện bị ung thư từ đầu năm 2009, ông vẫn hết sức bình thản, lạc quan chữa trị. Ông còn đùa bảo: “Nếu tôi có chết sớm thì cũng hợp lý thôi, âu cũng là cái giá phải trả cho nửa đời thích uống whisky, hút thuốc lá. Nhưng nếu cả đời không được uống whisky và hút xì gà thì phí lắm”.

Nói chuyện hấp dẫn, ham hiểu biết, thích đi đây đó, Đặng Phong cũng là người quảng giao, dễ gần, rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước. Các bạn đánh giá ông “kiêu thì rất kiêu – vì thực sự có tài – nhưng với bạn thì cởi mở, hết lòng”. Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng (nguyên Tổng Biên tập báo Giao thông) kể: “Có lần tôi bảo Đặng Phong là tôi đang muốn mời Ban Giám đốc Nhà in báo Nhân dân một bữa nhậu. Phong nói ngay là cứ hẹn đi, rồi vác súng ra ngoại thành đi săn chim. Mãi 6h tối ông ấy mới về, đổ ra sàn nhà… một đống chim, mọi người lại phải lăn vào vặt lông làm thịt, nhưng vui lắm, ăn ngon. Đặng Phong nấu nướng rất giỏi, dân nhậu mà, sành ăn. Có món gì hay lại gọi bạn đến nhà nhậu. Lần đầu tiên tôi được ăn món hoa ban muối giòn là do Đặng Phong làm đấy”.

Đặng Phong ra đi khi ước vọng của ông về việc viết một bộ thông sử kinh tế Việt Nam còn dang dở. Dù hiện tại, chưa gương mặt nào trong giới sử kinh tế có thể thay thế ông, nhưng người ta có thể hy vọng rằng rồi sẽ có người kế cận. Ông để lại rất nhiều tư liệu. Những bạn bè lâu năm của ông đã nhận định: “Với tính cách ấy, với những tư tưởng mới từ thời 20 tuổi ấy, Đặng Phong không bao giờ là người giấu kín kiến thức, không chia sẻ”. Nhưng quan trọng hơn thế là, ông đã gợi lên trong lòng không ít sinh viên cũng như độc giả của mình niềm say mê nghiên cứu, ít nhất cũng là sự quan tâm tới lịch sử nền kinh tế nước nhà.


++++++++++


Ghi chú: Không con người nào là hoàn mỹ. Không tác phẩm nào là hoàn thiện. Không tư tưởng nào là chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, với lòng tôn trọng người đã khuất, xin bạn đọc cho phép tôi, trong khuôn khổ bài viết này, không bàn tới những gì có thể bị coi là nhược điểm hoặc chưa được đánh giá cao trong sự nghiệp viết sử của sử gia kinh tế Đặng Phong.

Wednesday, 18 August 2010

Họ đã nói như thế

Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc biết viết, nhưng vin vào đấy để kết luận rằng dân ta không đủ tư cách để kén chọn đại biểu là không hiểu gì dân chúng, không hiểu gì chính trị (…). Dân chúng đã có ý thức chính trị một cách khá dồi dào. Và hễ có ý thức chính trị là có đủ những điều kiện cần thiết nhất để phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là đại biểu chân chính của mình. Nói khác đi, dân chúng (…) chưa biết bàn luận những chuyện xa xôi, nhưng có một điều mà họ biết chắc chắn, biết rõ ràng hơn ai hết, là quyền lợi của họ (…). Chỉ Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ (…)”.

Bạn có biết những dòng trên là phát ngôn của ai không? Đó là lời những người cộng sản đã nói vào tháng 11/1945, để vận động người dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên.

Khi trích dẫn những tài liệu về cuộc Tổng tuyển cử ấy để đưa vào bài dưới đây, tôi đã phải dừng lại mấy giây, vì tự nhiên nước mắt cứ giàn giụa. Nếu như đây là những dòng sử trung thực, bạn hãy xem: “Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh (…) Không có nơi bỏ phiếu cố định (…) Hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy. 42 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tại Nha Trang, Pháp dùng máy bay ném bom để khủng bố, làm 4 người chết, trong đó có một em nhỏ 2 tuổi, và 12 người bị thương (…). Tại Tân An, máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng đi bỏ phiếu, làm 14 người chết và nhiều người bị thương; nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm (…). Ở Mỹ Tho, máy bay Pháp bắn phá dữ dội suốt ngày, rà theo khắp các kênh rạch. Nhưng tại Mỹ Hạnh Đông, cán bộ vẫn chèo xuồng, chèo tam bản, đánh trống chở hòm phiếu len lỏi vào tận các mương xớ rạch nhỏ, nơi đồng bào tản cư, để đồng bào bỏ phiếu (…) Ở làng Mỹ Hòa, quận Trà Ôn (Cần Thơ), sáng sớm, giặc Pháp vào lùng sục khắp làng, bắn chết 13 người, trong đó có một em bé bị giặc bắn, ném xuống sông, nhưng đến chiều vẫn có 1.927 cử tri trong tổng số hơn 2.500 cử tri đi bỏ phiếu”. (*)

Nhiều người trong chúng tôi vẫn thường tự an ủi: “Còn nhiều dân tộc khổ hơn Việt Nam” (câu này cũng tương tự như “đầy người khổ hơn mình”). Nhưng cuối cùng cái sự AQ ấy cũng không ngăn được việc đôi khi lại có đứa buột miệng: “Có dân tộc nào khổ như Việt Nam?”.

Sau gần một thế kỷ mất nước, dân tộc ấy vui sướng, hào hứng được tự xưng là một quốc gia độc lập (dù không được ai công nhận, vào lúc đó). Người ta đi bỏ phiếu không hẳn vì quan tâm tới chính trị, ông nào bà nào đảng phái nào sẽ lên hay xuống. Người ta đi bầu vì cảm thấy được tôn trọng, thấy lá phiếu của mình có ý nghĩa lắm đây. Người ta đi bầu vì đó còn là một cách tỏ cho thế giới, cho cái lũ tự xưng là “nước mẹ Pháp” hiểu rằng nhân dân Việt Nam đã có quyền tự quyết, có đủ năng lực để xây dựng chính quyền của mình. Pháp ném bom, Tàu gây rối, người ta vẫn cứ đi. Người ta đổ xương máu thực hiện quyền tự do…

Nhiều năm trôi qua.

Để rồi một ngày kia người ta lại được nghe cái câu “dân trí Việt Nam còn thấp kém, cho nên...”.


+++++++++


BẢN HIẾN PHÁP "VANG VỌNG TIÊNG DÂN"

Nói về Hiến pháp 1946, rất nhiều người cho rằng đó là hiến pháp nhân bản nhất, dân chủ nhất và đoàn kết dân tộc nhất. Không chỉ thế, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam còn được hình thành, soạn thảo và thông qua trong một hoàn cảnh lịch sử, đầy cam go gian khổ nhưng vẫn đảm bảo tinh thần “dân là gốc”, dân là tất cả.

Theo PGS. sử học Lê Mậu Hãn, “nói tới Hiến pháp 1946 là phải nói tới Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử 1946”. Bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1946, nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ cộng hòa, một chính quyền của toàn dân, thì đã hình thành từ rất lâu trước đó. Ngay từ năm 1919 khi gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles, Người đã thể hiện tư tưởng lập hiến của mình. Trong 8 điều yêu sách, điều thứ bảy yêu cầu phải có hiến pháp cho nhân dân Việt Nam: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Việt Nam yêu cầu ca – diễn ca của bản yêu sách, do Hồ Chí Minh soạn để tuyên truyền).

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau lễ Tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới việc “phải có một hiến pháp dân chủ”, và đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc dân đại hội xây dựng hiến pháp.

Ngày 8-9, Chính phủ ra Sắc lệnh 14-SL nêu rõ: “… nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa”. Sắc lệnh cũng tuyên bố tiến hành Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử lịch sử

Cuộc tuyển cử dân chủ - nơi ngọn nguồn phản ánh tinh thần Hiến pháp 1946 – đã diễn ra trong tình hình chính trị - kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài. Đó thực chất là một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt để bảo vệ quyền làm chủ của người dân, quyền tự quyết của dân tộc. Về đối nội, các tài liệu về lịch sử Quốc hội ghi lại: Các báo như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm… (của hai đảng Việt Quốc, Việt Cách) nói xấu Việt Minh quyết liệt, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì cho là trình độ dân trí của nước ta còn thấp, quần chúng không đủ năng lực thực hiện quyền công dân, cần tập trung chống Pháp chứ không nên mất thì giờ vào bầu cử v.v.

Đáp lại, báo Cứu Quốc của Mặt Trận Việt Minh số ra ngày 24-11-1945 khẳng định: “Chỉ Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ (…). Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân…”.

Về đối ngoại, ở miền Bắc, Tàu Tưởng và tay sai ra sức gây rối, phá hoại Tổng tuyển cử (cướp hòm phiếu, hành hung tự vệ tại Hải Phòng). Ở Nam Bộ, thực dân Pháp khủng bố ác liệt, ném bom nhiều nơi. Hàng chục người đã chết và bị thương, nhưng người dân vẫn đi bỏ phiếu lưu động, đổ xương máu thực hiện quyền tự do dân chủ. 89% cử tri trên cả nước đã đi bầu, có nhiều nơi tới 95%.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời như thế.

Chính Quốc hội này, vào sáng 2-3-1946, đã họp kỳ họp đầu tiên với thời gian ngắn kỷ lục: 4 tiếng đồng hồ, trong hoàn cảnh nền độc lập nước nhà bị thực dân Pháp lăm le xâm phạm. Tại đây, Quốc hội bầu ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên. Tất cả đều là những nhà trí thức, đại diện cho các đảng phái khác nhau (như Phạm Gia Đỗ là thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng, tức Việt Quốc).

Quyết liệt và dân chủ

Theo một số tài liệu, Hiến pháp 1946 tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm về Hiến pháp các nước Âu – Á. Tuy nhiên, PGS. sử học Lê Mậu Hãn cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, ông vẫn không tìm ra được nguồn văn bản cụ thể mà Hiến pháp có tham khảo. Song những người soạn thảo Hiến pháp 1946 đều là trí thức xuất thân từ hệ thống đào tạo của Pháp, hấp thu tư tưởng phương Tây, nên có thể nói bản hiến pháp có tinh thần dân chủ, pháp quyền rõ nét.

Ban dự thảo Hiến pháp đã soạn bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam cũng trong một thời gian rất ngắn, chỉ có vài tháng, và bắt đầu công bố trước Quốc hội từ ngày 2-11-1946. Đỗ Đức Dục là người thuyết trình. Đại diện của các đảng trong Quốc hội cho ý kiến đánh giá và phản biện: Hồ Đức Thành – đại diện Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội tức Việt Cách; Hoàng Văn Đức – đại diện nhóm dân chủ; Lê Thị Xuyến – đại diện nhóm xã hội; Nguyễn Đình Thi – đại diện Việt Minh; Trần Trung Dung – đại diện Việt Quốc; Trần Huy Liệu – đại diện nhóm mácxít.

Theo các tài liệu về lịch sử Quốc hội Việt Nam khóa I, quá trình tranh luận, tranh cãi để thông qua Hiến pháp 1946 diễn ra quyết liệt và dân chủ. PGS. sử học Lê Mậu Hãn cho biết, bàn thảo căng thẳng nhất là ở việc quyết “một viện hay hai viện”. Chẳng hạn, Trần Trung Dung không đồng ý với chế độ một viện, sợ chế độ này không thích hợp với Việt Nam, nơi dân chúng chưa được huấn luyện nhiều về chính trị. Phạm Gia Đỗ cũng phản đối chế độ một viện vì coi đó là “độc tài của đa số”. Tuy nhiên, phần đông đại biểu lại tán thành một viện. Đào Trọng Kim nói rằng một viện là phù hợp, “chế độ tập quyền và phân công rất thích hợp để có thể ứng phó mau lẹ với thời cuộc”.

Trần Trung Dung nói nhiều đến quyền tự do của công dân và chỉ trích Chính phủ trong một năm cầm quyền chưa cho dân chúng được hưởng quyền tự do. Phạm Văn Đồng ngắt lời, phản bác Trần Trung Dung phê phán như thế là không đúng trong điều kiện Chính phủ phải nỗ lực đấu tranh đối ngoại gay go để giữ vững độc lập…

Sau nhiều buổi thảo luận và tranh luận từng điều cụ thể, tới ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bản hiến pháp đầu tiên với 240/242 phiếu thuận. Hai phiếu không tán thành là của Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ. Đại biểu Nguyễn Sơn Hà bỏ phiếu chống vì Hiến pháp không có điều nói về tự do kinh doanh. Còn Đại biểu Phạm Gia Đỗ bảo lưu việc phản đối chế độ một viện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Hơn 10 ngày nay các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản hiến pháp”. Tuy “chưa hoàn toàn” nhưng nó “tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do (…), phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân”.

Do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, nên Quốc hội, mặc dù thông qua Hiến pháp, đã quyết định không đưa Hiến pháp ra trưng cầu dân ý, đồng thời biểu quyết chưa ban hành, thi hành Hiến pháp ngay. Việc bầu Nghị viện nhân dân (Điều 24 quy định Nghị viện do công dân Việt Nam bầu ra, ba năm một lần) cũng không thể tổ chức được.

Dù vậy, được soạn thảo và thông qua một cách dân chủ, bởi một Quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp có rất nhiều giá trị. Nó khẳng định quyền tự do, quyền làm chủ đất nước của toàn dân, thể hiện sâu sắc tư tưởng giải phóng dân tộc, độc lập – tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá về nó, TS. luật Phạm Duy Nghĩa, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, đã gọi đó là bản hiến pháp mà “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân”. Còn PGS. sử học Lê Mậu Hãn thì nhận định: “Chúng ta vẫn còn nợ Hiến pháp 1946 nhiều lắm”.

http://phapluattp.vn/20100818123045649p0c1013/ban-hien-phap-vang-vong-tieng-dan.htm

-----------------

(*) Báo Sự Thật, 10-1-1946


Bài liên quan:

Saturday, 14 August 2010

Cuộc khởi nghĩa của những người tay không

Nói về Tổng khởi nghĩa 1945, một điều có lẽ là thắc mắc của một số người (tôi không nói là “nhiều người”, vì không biết nhiều ít thế nào), là thực sự thì cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hay không, khi mà Nhật đã bại trận trong Thế chiến và sẽ phải rút khỏi Đông Dương, Việt Nam đã có một chính phủ (của Bảo Đại và Trần Trọng Kim), v.v.

Tôi hy vọng những điều mà bà Lê Thi - một trong những nhân chứng của thời đó - nói trong bài dưới đây, có thể trả lời phần nào câu hỏi này - từ góc nhìn của bà. Tất nhiên cuộc nói chuyện có những ý mà sau đó tôi không đưa vào bài.

Ngoài ra, trong đoạn giới thiệu, tôi có viết rằng bà Lê Thi sinh năm 1926, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm; bà cũng là một trong hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. Tôi đã không viết thêm rằng bà là vợ của Đại tá Lê Hồng Hà.



+++++++++

19/8 - cuộc khởi nghĩa của những người tay không

Cách mạng Tháng Tám là những ngày biết bao nhiêu thiếu nữ gia giáo, nền nếp Hà Thành xuống đường mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Minh. Là những ngày thanh niên ồ ạt gia nhập tự vệ chiến đấu, các đoàn thể, đảng phái ở Việt Nam sát cánh bên nhau vì mục đích chung: giành độc lập, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Bà Lê Thi (sinh năm 1926, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm) nghĩ về Cách mạng Tháng Tám như vậy. Bà là người tham gia cả hai sự kiện lớn trong Cách mạng Tháng Tám: cuộc mít tinh ngày 17 tháng 8 và ngày tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội. Bà cũng là một trong hai thiếu nữ được vinh dự kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. (Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái).

- Giai đoạn tiền khởi nghĩa, bà đang là nữ sinh, sống ở Hà Nội trong một gia đình trí thức tiểu tư sản. Xin bà cho biết con đường đưa bà đến với cách mạng, và tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội?

- Hồi đó tôi mới 18-19 tuổi, vừa học xong bằng diploma của trường nữ học Trưng Vương, đang chờ học hai năm cao đẳng sư phạm để đi làm cô giáo. Cuối năm 1944 thì tôi được một bạn học cùng lớp là chị Tuyết Minh cho đọc báo Cứu Quốc rồi vận động theo Việt Minh, như bây giờ ta gọi là “tuyên truyền, giác ngộ” ấy. Đầu năm 1945, tôi tham gia Hội Phụ nữ Cứu Quốc. Nhiệm vụ của tôi khi ấy là bí mật quyên góp gạo, muối, tôm khô để gửi lên chiến khu ủng hộ Việt Minh, và phát báo Cứu Quốc cho chị em bạn bè đọc.

- Hồi ấy, thông tin tuyên truyền ở trong tình trạng vô cùng hạn chế. Bà và các chị em bạn bè hiểu như thế nào về Việt Minh?

- Tôi biết rằng Mặt trận Việt Minh là một tổ chức gồm nhiều đoàn thể và đảng phái, mà mục đích của họ là đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước. Nói thật chứ hồi đó tôi cũng chả hiểu dân chủ là gì đâu, chỉ biết là chính quyền mới sẽ là của dân, không còn là chính quyền của thực dân Pháp hay thân Nhật nữa. Tôi cũng biết Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo trong Mặt trận Việt Minh, các ông có vai trò chủ chốt trong đó đều là đảng viên cộng sản cả đấy. Lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì là cụ Nguyễn Ái Quốc, mà cho tới mồng 2 tháng 9 tôi mới biết cụ Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn Việt Minh thì là một mặt trận liên kết các đoàn thể như Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Thanh niên Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu; các đảng phái như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Bà đã vận động, tuyên truyền cách mạng tới anh chị em bè bạn bằng cách nào?

- Tuyên truyền thì tôi cứ để ý trong đám bạn bè mình, ai có vẻ có cảm tình, thích Việt Minh rồi thì tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, tất nhiên dặn họ giữ bí mật. Rồi thuyết phục, vận động họ ủng hộ Việt Minh hoặc tham gia các đoàn thể của Việt Minh. Tất nhiên cũng có người sợ. Họ không nói thẳng ra là họ sợ đâu, mà kêu là không tham gia vì chả biết làm gì cả. Có người tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, còn vừa đọc vừa run. Nhưng số đó ít lắm, mà cũng là trước ngày 17 tháng 8 thôi. Đa phần đều hăng hái, nhiệt tình ủng hộ Việt Minh, nhất là sau ngày 17 và 19 tháng 8.

- Về phần mình, bà có sợ không?

- Sợ lộ thì ai chả sợ lộ. Trước ngày 17 tháng 8, mọi việc phải vô cùng bí mật. Có chuyển báo Cứu Quốc cho ai thì tôi cũng phải thăm dò, cân nhắc, thấy họ đáng tin cậy mới dám đưa. Tôi đạp xe đi đưa báo, giấu báo dưới yên. Có lần đang đi đường, tôi giật bắn mình nghe một tên công an quát: “Cô kia, đứng lại!”. Tôi líu ríu đứng lại, hắn quát: “Về đồn!”. Tôi sợ quá, dắt xe theo hắn, chỉ lo hắn bảo lật yên lên thì chết. Nhưng cuối cùng hắn nói: “Cô đi vào đường ngược chiều. Nộp phạt!”. May quá. Tôi vội vàng nộp tiền phạt rồi “chuồn” ngay.


Lần đầu tiên “con gái Hà Nội” xuống phố, hô khẩu hiệu…

- Bà có thể kể lại những hồi ức của bà về diễn tiến của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội? Đầu tiên là quá trình chuẩn bị?

- Trước ngày tổng khởi nghĩa khoảng một tháng, chị Tuyết Minh bảo tôi “chuẩn bị ra chiến khu nhé”. Thế là tôi giấu gia đình, thu xếp quần áo, chuẩn bị lên đường. Như thế là chuyện lớn lắm đấy vì xưa nay, có bao giờ tôi dám ra khỏi nhà buổi tối, nay tôi lại dám trốn nhà ra đi như thế.

Tưởng là lên chiến khu nhưng hóa ra chỉ tập trung ở nhà Tuyết Minh nhận lệnh “chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Chúng tôi ngày ngày tập hát, các bài Tiến quân ca (lúc đó đã biết Tiến quân ca sẽ là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập rồi), Diệt phát xít, Du kích ca… Rồi thuê người may cờ. Bản thân chúng tôi thì tự dán cờ bằng giấy thôi, vì vải đắt lắm, mà may thì dễ lộ. Lúc ấy, tức là cho đến trước ngày 17 tháng 8, mọi sự vẫn diễn ra trong bí mật mà.

Được khoảng hai tuần, chúng tôi nhận được kế hoạch khởi nghĩa. Theo đó, vào ngày 17 tháng 8, tại Nhà hát lớn sẽ diễn ra một cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức để đề cao vai trò của chính quyền thân Nhật. Mình phải hiểu bối cảnh thời đó là Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đang có ý định cướp chính quyền từ tay Nhật trước Việt Minh, nên tổ chức mít tinh để tự biểu dương lực lượng. Biết vậy nên ta chủ trương hôm đó sẽ lật đổ cuộc mít tinh, biến nó thành một dịp để Việt Minh ra mắt đồng bào. Kế hoạch là như vậy, và chúng tôi chia nhau đi vận động mọi người tham gia, đến từng nhà vận động, tất nhiên vẫn là bí mật.

- Và ngày 17 tháng 8 đã diễn ra như thế nào? Với tư cách một người tham gia cả quá trình, từ lúc chuẩn bị tới khi thực hiện, xin bà kể lại những gì bà còn nhớ về sự kiện 17 tháng 8.

- Ngày hôm đó, chúng tôi dán cờ đỏ sao vàng bằng giấy, giấu sẵn trong người, kéo tới quảng trường Nhà hát lớn để dự mít tinh từ sáng sớm. Khi người của chính quyền Trần Trọng Kim vừa chuẩn bị khai mạc, thì một người – sau này tôi biết đó là ông Trần Lâm, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam – đã lên được gác hai tung cờ đỏ sao vàng của ta lên. Lá cờ rất lớn, phấp phới bay trong gió, đẹp và oai hùng lắm. Cùng lúc đó, Việt Minh cũng giành micro từ tay người của phía chính quyền, chuyển nó cho hai phụ nữ đại diện của Mặt trận Việt Minh lên nói chuyện. Một người là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đảng viên Đảng Dân chủ, còn người kia là bà Từ Anh Trang, thành viên Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu.

Tôi nghe loáng thoáng hai bà giới thiệu về Mặt trận Việt Minh, là tổ chức sẽ giành chính quyền, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dứt lời, hai bà hô to: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chúng tôi cũng lập tức rút cờ từ trong người ra hô vang: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”. Tiếng hô khẩu hiệu dậy đất. Quần chúng vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt. Rồi tỏa đi các phố tuần hành biểu dương lực lượng. Cuộc mít tinh của chính quyền đã vỡ tung thành cuộc tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ Việt Minh.

- Tôi rất muốn biết những chi tiết nho nhỏ xung quanh cuộc mít tinh 17 tháng 8 đó, ví dụ như thời tiết hôm đó, cảm xúc của bà lúc đó như thế nào, và những người đi cùng bà trong đoàn?

- Hôm ấy trời đầu thu, mát mẻ. Cũng có nắng nhưng không to. Tôi mặc áo dài trắng. Phụ nữ chúng tôi rất đông. Thiếu nữ Hà Nội áo dài quần trắng. Chị em tiểu thương thì mặc quần đen áo cánh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Về sau này đi kháng chiến, khi mới phải mặc quần đen, tôi cứ ngượng ngượng là vì thế.

Tôi không tả hết được cảm xúc vui sướng và hào khí cách mạng của ngày ấy. Chỉ có thể nói là: Trước đó ở Hà Nội, chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đông như thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời, mà chẳng thấy xấu hổ gì cả. Tôi lúc ấy đã là cán bộ, đi hàng bên ngoài, hô trước để chị em hô theo. Cứ vừa đi vừa gào lên: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chị em lại reo: “Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!”. Rồi hát. Diệt phát xít, Du kích ca, nhất là Tiến quân ca. Hăng hái vô cùng, đến khản đặc cả cổ.


19/8: Điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân

- Sau cuộc mít tinh 17 tháng 8, bà đã tham gia vào một sự kiện lịch sử là ngày cướp chính quyền ở Hà Nội, 19 tháng 8. Bà có thể kể lại những gì bà còn nhớ được về sự kiện ấy?

- Từ sau hôm 17 tháng 8 thì có thể nói là Việt Minh ra công khai rồi, các hoạt động tuyên truyền của chúng tôi không còn phải bí mật nữa. Chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, ngày 19 tháng 8: may cờ, dán cờ giấy, đến từng gia đình vận động đi dự, lên kế hoạch đội nào đi chiếm cơ quan chính quyền nào trong thành phố. Không khí sôi sục. Bây giờ thì không còn ai sợ nữa, mọi người đều tham gia rất nhiệt tình.

Ngày 19 tháng 8, mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn. Ông Trần Quang Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội) đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội, do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Sau đó là chia nhau đi chiếm trụ sở các cơ quan chính quyền: Tòa thị chính, Sở Liêm phóng, Nhà khách Chính phủ, nhà máy điện, nhà máy nước, Ngân hàng Đông Dương… Tôi được phân công ở trong đoàn đi cướp trại bảo an binh (nằm tại phố Hàng Bài bây giờ). Đây có lẽ là nơi duy nhất tình hình căng thẳng giữa ta và lính Nhật.

- Cuộc đấu tranh ở trại bảo an binh đã diễn ra căng thẳng như thế nào, thưa bà?

- Trại bảo an binh là trại lính khố xanh, mà thực chất lính khố xanh thì toàn người Việt. Nhưng khi chúng tôi đến, lại thấy bọn lính Nhật cầm súng lăm lăm. Chúng không dám bắn vào đoàn biểu tình, nhưng cũng nhất định không mở cửa. Ta thì bám cửa, hô khẩu hiệu, đòi chúng mở cổng. Rồi bọn tiếp viện đem xe tăng tới bao vây, lát sau người của ta lại đến bao vây lại. Giằng co suốt hai giờ đồng hồ. Cuối cùng lãnh đạo của bên mình (ông Lê Trọng Nghĩa, ủy viên Ban Khởi nghĩa) đã thuyết phục được bọn Nhật mở cổng và xe tăng của chúng rút lui. Đoàn biểu tình lập tức tràn vào, cướp kho súng. Lính khố xanh trong trại toàn là người Việt, có một số người xin về quê, còn lại họ đều xin theo Việt Minh.

- Lúc căng thẳng giữa lính Nhật và đoàn biểu tình, bà và mọi người không nghĩ mình có thể gặp nguy hiểm hay sao?

- Thú thực là khi đứng ở cổng trại bảo an binh, thấy bọn Nhật có súng, thì tôi cũng hơi ghê ghê. Nhưng nói chung, mọi người đều không sợ, vì lúc đó lực lượng quần chúng mạnh lắm, mà phát xít Nhật thì đã yếu thế rồi, đầu hàng Đồng minh rồi. Chúng tôi chỉ nghĩ, bọn chúng có bắn thì cũng chết vài người, nhưng ngần này người sẽ lao vào chúng, sống mái với chúng, chúng phải sợ. Khí thế cách mạng lên rất cao.

Ấy thế mà giành chính quyền ở Hà Nội hoàn toàn là nhân dân, tức là viên chức, thanh niên, học sinh, tiểu thương, tay không khởi nghĩa. Không hề có lực lượng vũ trang mà chỉ có tự vệ chiến đấu với súng tự kiếm, tự mua từ lính Nhật từ lúc trước. Nhưng quần chúng đã chiếm thế áp đảo. Đây thật sự là điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân.

Tôi cũng phải nói thêm, cả hai sự kiện 17 và 19 tháng 8, thành phần tham gia chủ yếu là những người trẻ tuổi. Chúng tôi không hề nghĩ tới cái chết. Tất cả đều vui, hăng hái, say mê, như trong một cuộc chiến đấu rất đẹp. Không cần biết tương lai sẽ thế nào, chỉ cần biết phải tiến lên giành độc lập và sẵn sàng chiến đấu khi Pháp quay lại. Mà xác định tinh thần là chúng sẽ quay trở lại.


“Sa trường hăng hái đi không về…”

- Có vài ý kiến cho rằng thực chất nước Việt Nam đã độc lập từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, và ngày 11 tháng 3 Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Thực ra họ tuyên bố độc lập nhưng cũng có độc lập được đâu, người Nhật vẫn nắm chính quyền. Thêm nữa, tôi không ủng hộ chính phủ của Trần Trọng Kim và Bảo Đại, vì tôi đã tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1944.

Tuy nhiên, tôi tin nhiều người trong chính phủ Trần Trọng Kim không có tư tưởng chống đối cách mạng. Nói cách khác, họ bật đèn xanh cho Mặt trận Việt Minh làm cách mạng giành chính quyền. Cũng có thể họ ở cái thế phải nhường, vì họ có lực lượng đâu, trong khi Việt Minh vô cùng đông đảo. Lúc đó tôi thấy nhân dân cần một tổ chức tập hợp tất cả các đoàn thể, đảng phái lại để đánh Pháp đuổi Nhật, mà Mặt trận Việt Minh chính là tổ chức có khả năng tập hợp quần chúng đó. Ngay sau ngày 19 tháng 8, không biết bao nhiêu thanh niên xin gia nhập tự vệ chiến đấu, đăng ký ồ ạt ngay trước cổng trại bảo an binh. Tôi tham gia cả ba đoàn thể của phụ nữ, thanh niên lẫn tự vệ.

- Bà quyết tâm đi theo cách mạng từ thuở ấy?

- Thời gian sau Quốc khánh mồng 2 tháng 9, tôi hăng hái tham gia hoạt động: tuyên truyền, dạy bình dân học vụ, tập quân sự… Tất nhiên toàn là “vận động cách mạng không tiền”, kiểu “ăn cơm nhà vác ngà voi”, làm gì có phụ cấp. Tôi hăng hái lắm. Có điều tôi lại vẫn nghĩ làm cách mạng chỉ là tạm thời thôi, phong trào thôi.

Bố tôi (Giáo sư Dương Quảng Hàm) hỏi: “Con cứ lông bông thế này mãi à?”. Tôi thưa: “Bố cứ để con làm nốt việc này, rồi con về con học sư phạm”. Đấy, tôi vẫn nghĩ là nghề chính của tôi là đi dạy học mà, ai nghĩ làm cán bộ là một nghề. Mãi tới ngày 19 tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến, tôi mới biết mình sẽ hoàn toàn thoát ly, sống trọn đời với cách mạng.

- Nhìn trở lại thì bà nhìn nhận về Cách mạng Tháng Tám như thế nào?

- Đó là cuộc cách mạng của Mặt trận Việt Minh giành độc lập về cho dân tộc, trong đó, công trạng lớn nhất thuộc về Đảng Cộng sản.

Hồi ấy, công tác vận động đoàn kết dân tộc của ta giỏi lắm. Thời gian từ 19 tháng 8 tới mồng 2 tháng 9, chúng tôi vận động mọi người đi dự lễ độc lập, dân chúng đi dự rất đông. Không tập dượt gì cả nhưng rất có tổ chức. Có cả đoàn các cố đạo, đoàn các nhà sư, phụ nữ ngoại thành Hà Nội áo nâu quần đen, v.v... Đông vô kể. Ai cũng hào hứng, cũng ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Tôi kể chuyện này để thấy điều đó: Suốt một tháng trời tôi ở nhà chị Tuyết Minh, đến lúc về nhà, tôi lo lắm, sợ bố mắng con gái hư, bỏ nhà đi làm cách mạng. Nhưng ông cụ lại không hề mắng. Hóa ra ông cụ cũng ủng hộ Việt Minh.

Còn hôm 19 tháng 8, khi chiếm được trại bảo an binh, chúng tôi có gặp ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng của dàn nhạc trong trại. Ông vui vẻ đón chào cách mạng, thậm chí còn huy động dàn kèn dạy chúng tôi hát, ông kêu chúng tôi hát nhiều bài sai nhạc quá. Sau này ông viết hồi ký, có câu: “Cứ tưởng Việt Minh phải sừng sỏ thế nào, hóa ra toàn thiếu nữ quần trắng áo dài” (cười). Tất nhiên, đấy là vì lực lượng phụ nữ được tung ra áp đảo lính Nhật tại trại bảo an binh thôi, chứ thực chất, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của những người trẻ tuổi gồm cả nam giới và phụ nữ. Nó là cuộc cách mạng không một tiếng súng, của những người tay không cướp chính quyền, của một mặt trận đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thursday, 5 August 2010

65 năm một mùa thu...

Hà Nội sắp vào thu. Trời rất xanh và nắng rất trong, không còn dấu vết gì của những ngày nóng 40 độ C vừa qua.

Người ta hay bảo mùa thu là mùa của thi sĩ, văn sĩ. Nhắm mắt lại cũng nhớ ra bao nhiêu câu thơ, câu văn, câu hát về mùa thu:

Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư)

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay 
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay” (Thâm Tâm) 

Sáng mát trong như sáng năm xưa 
Gió thổi mùa thu hương cốm mới” (Nguyễn Đình Thi)

Riêng tôi đặc biệt thích đến thuộc lòng một đoạn trích từ truyện ngắn “Chiếc mỏ neo” của Nguyễn Phượng Cầu. Nhân vật chính của truyện là một nhà báo u sầu. Truyện làm tôi thích và do đó, nhớ rất lâu, tuy chẳng hiểu gì:

Trời lại vào thu năm 1993. Giữa những ngày mưa có vài ngày nắng ráo. Nắng trong và sánh lại vàng như mật. Cây lá trong vườn biếc xanh. Tôi lại đi qua những khu vườn vắng, trên bãi cỏ lấm chấm một loài hoa dại màu tím và từ đấy chập chờn màu vàng cánh bướm. Trong một khoảnh khắc, tôi lại thấy Anna với khuôn mặt ngời sáng cùng những đường nét thanh xuân đang ngồi trên cỏ. Tôi vụt chạy đến, đàn bướm tỏa ra và bay lên, một lúc sau màu vàng tụ lại trên một đám cỏ khác. Tôi có bắt được con cá vàng nào trong cuộc đời này? Tôi còn có thể bắt được con cá vàng nào trong cuộc đời này? Trong một buổi chiều tôi đi qua bến đò, cầu tre đã bị nước lũ cuốn trôi từ trước đó, một mình lên núi Vạn. Trên chỗ cao nhất, nơi ngày xưa từng đứng, tôi nhìn xuống thị trấn Sông Lại, tôi nhìn vào trời mây, cặp bồ câu xưa giờ ở nơi đâu? 

Gió núi cuộn lên từ lũng xa sau một lúc rung từng tán lá xào xạc giờ đã lặng hẳn. Tôi đứng yên, hai tay chắp trước ngực, chờ nghe lời mẹ gọi: “Dậy! Dậy học bài đi con!”…”.

* * *

Và mùa thu cũng là mùa gợi cho người ta nhớ lại “những ngày thu năm xưa”, năm 1945. Là kẻ hậu thế, không có được dù chỉ một bức ảnh rõ ràng về “mùa thu cách mạng” ấy, nhưng đã nhiều năm nay, gần như tháng 8 nào, tôi cũng lần mò tìm gặp lại những người từng sống qua năm 1945 lịch sử. Nhiều khi cũng chẳng để làm gì, vì bài viết ra đâu có được đăng tải – lý do nhạy cảm chỉ là một phần, phần còn lại là do độc giả của báo chí được mặc định là không thích những đề tài lục lọi quá khứ. Tôi cũng chẳng biết có phải như thế không.

Nhưng tôi vẫn muốn tìm gặp những nhân vật ấy, để nghe những câu chuyện của họ, để lục lại những mẩu ký ức xa vời trong đầu họ. Và xót xa thấy cứ mỗi năm, số gương mặt từng chứng kiến mùa thu lịch sử 1945 lại vơi đi dần.

Họ có thể là những ai? Là cô thiếu nữ Hà Thành ngây thơ trong sáng, trốn bố mẹ đi “làm cách mạng”, mà khi tôi hỏi: “Đi làm cách mạng là đi đâu hả bác?”, thì cô thiếu nữ năm xưa trả lời: “Hồi đó tôi đâu có biết, người ta giao cho tôi báo Cứu Quốc rồi bảo tôi đi phát, rồi gọi đấy là “làm cách mạng” thôi”.

Họ là cậu thiếu niên 14-15 tuổi, người duy nhất trong vùng được đi học trường Tây, nhưng rất căm thù thực dân Pháp. “Hồi đó ai mà chả ghét Pháp? Bọn nó khinh mình, coi mình là An Nam mít, chửi mình, đá đít mình. Ai cũng ghét Pháp, muốn đuổi nó đi”.

Họ là người trí thức thành phố, chưa biết sử dụng súng đạn, nhưng một lòng đi theo Cách mạng: “Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có dư mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu”.

Họ là nhà tư sản (mà sau này sẽ được/bị phân loại rõ ràng, hoặc là tư sản mại bản, hoặc là tư sản dân tộc) đã đổ công đổ của nhà ra để phục vụ cách mạng, từ bữa cháo gà cho các nhà cách mạng (miễn phí, tất nhiên) đến khoản “tài trợ” hàng triệu đồng Đông Dương, quy ra vàng lúc đó là hơn 5000 lượng.

Họ là những người đã hoạt động nội thành, trong vùng bị tạm chiếm, đầy căng thẳng và nguy hiểm. Không điện thoại di động, Internet – thời đó cơ sở hạ tầng thông tin làm gì được như ngày nay – họ chỉ có thể thỏa thuận trước với nhau tín hiệu riêng: Khi nào mở cánh cửa sổ bên trái là có lính Pháp đi càn, khi nào đóng nghĩa là an toàn. Cũng những con người ấy, khi chiến tranh kết thúc, họ lúng túng, sượng sùng trước mặt các đồng chí công an nghiêm khắc:

- Biệt thự này, các ông các bà bóc lột ai mà có được?

Thế đấy. Tất cả những gương mặt ấy đã và đang nhòa dần vào lịch sử đau thương của dân tộc.

* * *

Tôi có thể nói gì về những câu chuyện ấy, con người ấy?

Tôi không đủ tư cách để nói gì nhiều. Tôi chỉ dám nói một điều thôi, cũng là điều rất nhiều người đã đề cập: Đó là, dù thế nào, lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 cũng đã có một thời kỳ rất đẹp – theo cái nghĩa là toàn dân thống nhất một lòng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Thời kỳ ấy đầy khói lửa, máu xương, chết chóc, nhưng “đẹp” là vì sự đoàn kết, vì tình người. Nhạc sĩ Phạm Duy gọi đó là những năm “cả nước lên đường”. Trước khoảng thời gian ấy, ở Việt Nam, nhiều người ghét thực dân, nhưng thật ra cũng sợ thực dân nữa. Chưa bao giờ cả một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, vùng lên chiến đấu như thế.

Và thời kỳ đẹp đẽ ấy, như thói thường, rất ngắn ngủi. Từ đó cho đến nhiều năm về sau, cho đến… tận bây giờ, Việt Nam không có được một giai đoạn nào “cả nước đứng lên”, “toàn dân như một” nữa. Bây giờ, lãnh đạo có kêu gào khản cổ “chống tham nhũng”, cũng chẳng ai buồn đáp lại bằng hành động, và thật lố bịch nếu nghĩ rằng các cháu học sinh, các em sinh viên sẽ cắm đầu vào học sau khi được kêu gọi “học cho giỏi để mai sau kiến thiết nước nhà”. Cũng lố bịch không kém nếu ai đó tưởng rằng các doanh nhân - những nhà tư sản dân tộc của ngày hôm nay – sẽ hăng hái “thi đua sản xuất” để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đưa nền kinh tế đất nước vươn lên.

Bây giờ, mỗi lần gặp một nhân chứng của thời xưa, nghe chuyện họ kể, tôi lại bần thần hồi lâu. Tôi tự hỏi, các nhà lãnh đạo nói riêng hay tất cả những người tự nhận là “trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản” nói chung, họ có biết họ đã đánh mất một thứ quý giá lắm hay không? Thứ mà ngày xưa họ đã từng có. Thứ mà giờ đây cực kỳ khó lấy lại.

Đó là lòng dân.

Họ có biết không nhỉ? Biết quá đi chứ. Nhưng chắc đối với họ, mất thì làm sao nào, quan trọng gì?

* * *

… Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…

--------

Bài liên quan: