Sunday, 26 September 2010

Nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Đức: "Chúng tôi đã quá chậm"

Ông Egon Krenz, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), là vị tổng bí thư cuối cùng của đảng cộng sản ở CHDC Đức trước ngày thống nhất, cũng là chủ tịch Hội đồng nhà nước cuối cùng.

Mùa thu năm 1989, trong sự biến động chung của khối XHCN ở Đông Âu, CHDC Đức sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và ngày một nghiêm trọng hơn, khi biểu tình nổ ra liên tiếp tại nhiều thành phố: Leipzig, Dresden, Karl-Marx-Stadt, Magdeburg, Plauen v.v. Hàng chục nghìn người xuống đường, đòi đổi mới đảng cầm quyền, minh bạch thông tin, truyền thông trung thực, mở cửa biên giới (tường Berlin) để người dân được quyền tự do đi lại… Trong bối cảnh ấy, những người cộng sản, như chính Egon Krenz sau này thừa nhận, đã không đánh giá đúng tình hình, “đánh mất cơ hội đổi mới triệt để”. Bản thân ông “cũng chỉ xắn tay can thiệp khi CHDC Đức đã sa vào khủng hoảng trầm trọng”, bằng việc lên thay thế Eric Honecker làm Tổng Bí thư đảng cầm quyền, chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Thế chỗ Eric Honecker vào ngày 18/10/1989, Egon Krenz tràn trề hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới đảng, cải cách toàn diện đất nước, nhưng đã quá muộn. Ngày 6/12/1989, ông buộc phải từ chức. Nước Đức thống nhất, năm 1999, ông tổng bí thư 50 ngày bị tòa án của nước Đức thống nhất kết án tù 6,5 năm, tuy nhiên chỉ phải ngồi tù 4 năm. Dẫu sao tòa án cũng nêu rõ rằng, nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu, ngay cả vào những giờ phút căng thẳng nhất giữa dân chúng và cảnh sát, như trong những cuộc biểu tình hàng chục nghìn người hay thời điểm “sập tường Berlin”.

Egon Krenz từng nhiều lần sang thăm Việt Nam. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ông từng diện kiến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm nay, ông tới Hà Nội trước kỳ đại lễ nghìn năm Thăng Long và đã có cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – người bạn mà ông quen từ lần đầu sang Việt Nam, năm 1980. Ông cũng đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi thân mật, xoay quanh những thời khắc lịch sử của nước Đức năm 1989 (mà ông ghi lại trong hồi ký Mùa thu Đức 1989, vừa được phát hành ở Việt Nam).

=======

* Trong cuốn hồi ký (viết năm 1999), ông thể hiện mình là một người rất yêu nước Đức XHCN, rất ủng hộ CNXH: “Trong đời tôi không bao giờ phản bội quan điểm XHCN của mình. Tôi đã cố gắng, tiếc là đã quá muộn, góp sức xóa bỏ các biến dạng và sai phạm của chủ nghĩa xã hội, chứ không bao giờ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội”. Theo ông, trong 40 năm tồn tại của mình, nhà nước CHDC Đức đã làm được những gì cho người dân Đức?

Tôi có thể nói rằng trước thời điểm ra đời của CHDC, ở Đức diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh. 40 năm tồn tại đó là thời kỳ hòa bình của dân tộc Đức. CHDC Đức cũng đã chứng minh một thực tế là trên mảnh đất Đức có thể tồn tại một chế độ khác không phải CNTB. Bóc lột người và người bị xóa bỏ. CNTB gần như là nơi con người đối xử với con người như bầy sói, XHCN thì con người với con người như là bạn. Quyền được tự do học hành không phải đặc quyền của giới tư sản nữa mà mọi người dân đều được học hành, từ tiểu học tới đại học, tất cả đều miễn phí.

* Ông có thể giải thích ngắn gọn nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức? Có phải là do ban lãnh đạo đã chậm đổi mới, hay như ông đã nói - “quá muộn”?

Việc Đông Đức không còn tồn tại có rất nhiều nguyên nhân, nội tại và khách quan, trong nước và quốc tế. Suốt 40 năm, thế giới không có chiến tranh nóng nhưng lại có chiến tranh lạnh. Cá nhân tôi đánh giá nó giống như một đại chiến thế giới lần thứ ba. Lúc nào chúng ta cũng mấp mé bờ vực xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử. Vào thời điểm đó ông Gorbachev đã đưa ra chủ trương perestroika (cải tổ), đó là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng các chính trị gia của Mỹ cũng như CHLB Đức thì không hề có ý định từ bỏ Chiến tranh Lạnh. Họ vẫn tiếp tục chống phá. Và với cuộc chiến tranh lạnh đó thì họ tạo ra những hậu quả rất tiêu cực về kinh tế đối với các nước XHCN ở châu Âu.

Trong khi đó, vai trò lãnh đạo của Liên bang Xô Viết ngày càng yếu dần. Liên bang Xô Viết đã sụp đổ không phải vì những cuộc cách mạng, mà là sụp đổ từ bên trên, từ Gorbachev và những đồng chí của ông ta. Và chính là do nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô mà CHDC Đức sụp đổ, vì nói thẳng ra, CHDC Đức là đứa con của Liên bang Xô Viết. Không có Liên Xô thì CHDC Đức đã không ra đời. Rất tiếc là họ cũng đứng bên cỗ quan tài của CHDC Đức.

* Ông nghĩ có những điều gì mà ông muốn CHDC Đức năm 1989 đã làm khác đi?

Tôi nghĩ nếu có thể quay lại thời đó thì các chiến lược, sách lược của chúng tôi cần thay đổi để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị. Lẽ ra khi chúng tôi xây dựng nền kinh tế kế hoạch, chúng tôi cũng cần đưa vào đó những yếu tố của kinh tế thị trường, ngay từ thập niên 1960. Lẽ ra chúng tôi nên tạo cơ hội cho những gia đình có người thân ở Đông và Tây Đức được quyền thăm nhau, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tất nhiên việc hồi đó hai bên không được tự do xuất nhập cảnh cũng không hoàn toàn do lỗi ở phía chúng tôi, vì chính quyền Tây Đức hồi đó cũng không công nhận quốc tịch Đông Đức. Tuy vậy, lẽ ra chúng tôi đã phải tìm những biện pháp khác mạnh mẽ hơn để tạo cơ hội cho người dân hai bên được tự do đi lại hơn.

Ảnh: Ngô Vương Anh

* Giả sử đảng cầm quyền ở CHDC Đức ngày ấy tiến hành cải cách đất nước thành công, như ông viết trong hồi ký là “minh bạch, công khai”, “mở rộng dân chủ”, ông có nghĩ tận cùng của sự cải cách ấy sẽ là một nước CHLB Đức thứ hai, một nước theo đường lối TBCN, kinh tế thị trường tự do?

Tôi nghĩ rằng không. Cũng giống như hiện nay Việt Nam đang tiến hành cải cách chẳng hạn, tôi không nghĩ vì cuộc cải cách ấy mà Việt Nam lại trở thành nước tư bản. Và tôi nghĩ định hướng XHCN, phong cách sống XHCN vẫn là yếu tố quyết định, dù chúng ta đã hội nhập, du nhập vào nhiều yếu tố của kinh tế thị trường.

Khi chúng tôi tiến hành cải cách, không phải chúng tôi xóa bỏ kinh tế kế hoạch, mà chúng tôi muốn cải tiến nó, đưa vào các yếu tố thị trường để nền kinh tế kế hoạch đó được thực hiện tốt hơn. Đồng thời với việc đó cũng là các cải cách về chính trị sao cho tinh thần dân chủ trở nên sống động hơn, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào chính trị.

* Câu hỏi của báo Thanh Niên: Việt Nam cũng từng bị chia cắt và đã thống nhất sau một cuộc chiến khốc liệt, trong đó những người cộng sản là bên chiến thắng. Nhưng ở Đức thì khác. Ông có thể chia sẻ tâm thế của một người cộng sản trong tư thế người thua cuộc?

Đúng là chúng tôi đã thua một cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và trong tương lai, có thể thế hệ trẻ sẽ tiếp tục chiến đấu. Cá nhân tôi cảm thấy rất đau lòng. Những người cộng sản cũ, những người hoàn toàn tin vào lý tưởng XHCN, cho tới giờ phút này, đến cuối cuộc đời mình đã phải thừa nhận họ không thể hiện thực hóa được lý tưởng đó. Việc khiến tôi đau lòng hơn cả là chính quyền Đức hiện nay luôn thể hiện trước công chúng rằng tất cả những điều Tây Đức mang lại là tốt đẹp, những điều Đông Đức mang lại là tội ác và nợ nần.

* Ông cho rằng Eric Honecker đã không đánh giá đúng tình hình, chậm tiến hành cải cách, nên bị sức ép phải mất chức. Khi lên thay, ông hy vọng tiến hành đổi mới nhưng cũng không kịp. Ông có nghĩ đổi mới cũng phải gắn với tốc độ?

Tôi nghĩ đúng như vậy. Thời điểm, thời gian là một yếu tố hết sức quan trọng. Và chắc chắn là khi chúng ta chủ động đối đầu với khó khăn thì sẽ tốt hơn là khi chúng ta chạy đuổi theo tình hình. Sự chuyển giao quyền lực từ Eric Honecker cho tôi đã đến quá chậm. Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức, Gorbachev đã nói một câu: “Ai chậm chân sẽ bị cuộc đời trừng phạt”. Sau này ông ấy có giải thích với tôi rằng khi nói câu ấy, không phải ông nhằm ám chỉ CHDC Đức, mà gần như là tự nói với chính mình vì bản thân ông cũng cảm thấy là ông đã bị chậm. Tôi tin là ông ấy nói thật.

=======

CHÚ THÍCH:

Egon Krenz sinh năm 1937, theo học tại Viện Sư phạm Putbus/Rugen, Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô tại Matxcơva năm 1964-1967. Là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Tự do Đức. Từ 1983 là Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), tức đảng cộng sản. Là Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng CHDC Đức từ 18/10 đến 6/12/1989. Bị tù từ 1999 tới 2003. Hiện sống tại thị trấn Dier Hagen thuộc miền đông nước Đức.

Tất cả chúng tôi, những người trong lãnh đạo đảng và nhà nước ngày đó và có ảnh hưởng quyết định đến các quan hệ chính trị, tất cả chúng tôi đều cùng phải gánh trách nhiệm chính trị về những hiện trạng xã hội trong đó sự đấu tranh phê phán với thực tế ngày càng thui chột. (…) Cùng các bạn hữu chính trị, tôi đã nỗ lực quá muộn để đem lại tình hình mới cho SED. Chúng tôi đã thất bại, có lẽ cũng vì chúng tôi không đủ dũng cảm chia tay với một chính sách đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội …” – trích hồi ký Mùa thu Đức 1989 của Egon Krenz.

"Nguyên nhân CHDC Đức sụp đổ (…) liên quan đến lịch sử chủ nghĩa xã hội và chính trị quốc tế, di sản của Stalin để lại, (…) Chiến tranh Lạnh và sự thù hằn giữa CHDC Đức và CHLB Đức, xuất phát điểm của CHDC Đức kém hơn về kinh tế (…) và cũng có cả nguyên nhân Liên bang Xô Viết thập kỷ 80 nằm hấp hối trên giường bệnh. Các sai lầm chủ quan của lãnh đạo CHDC Đức cùng sự thủ cựu và bất lực của chúng tôi khi không theo đuổi các áp lực khách quan đòi hỏi chỉnh sửa đã góp phần làm chủ nghĩa xã hội tàn lụi" – trích hồi ký Mùa thu Đức 1989 của Egon Krenz.


Thursday, 23 September 2010

Nhân tài toán học ngày ấy, bây giờ (Bài 3): Hoàng Lê Minh

Cùng tuổi Dậu (1957), cùng trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam, cùng là hai gương mặt xuất sắc nhất và mang về HCV, HCB đầu tiên cho toán học Việt Nam, nhưng Hoàng Lê Minh và Vũ Đình Hòa đi hai con đường sự nghiệp khác nhau: Vũ Đình Hòa theo ngành sư phạm, còn Hoàng Lê Minh rẽ sang CNTT từ những ngày đầu của lĩnh vực này ở Việt Nam. Họ đều rời bỏ hoạt động nghiên cứu toán lý thuyết.

+++++++++

HOÀNG LÊ MINH: "TÔI CHỌN TOÁN ỨNG DỤNG"

Mùa hè 1974, giữa lúc chiến tranh, Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế với hy vọng mong manh giành một huy chương đồng. Kết quả thật bất ngờ: 4 trong 5 học sinh dự thi đoạt huy chương, trong đó Hoàng Lê Minh giành giải vàng.

Nhà báo Hàm Châu – cây viết chuyên về cuộc sống và sự nghiệp của các nhà khoa học – đã ghi lại những dòng đáng nhớ: “2h chiều ngày thứ hai, 15-7-1974, giữa thủ đô Berlin, Hội đồng thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 16 tổ chức lễ trao giải thưởng cho các thí sinh. Thay mặt Hội đồng thi và Ban tổ chức, GS Herbert Tisser đọc tên các học sinh đoạt giải và mời lên lĩnh bằng và huy chương. Đến chữ Hoàng Lê Minh, ông đọc rất chậm, có lẽ vì tiếng Việt khó phát âm. Nhưng đến quốc tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì rõ ràng ông cố ý nhấn mạnh. Tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài, hết đợt một, tiếp đợt hai. (…) Ai cũng muốn ghi lại hình ảnh người học sinh Việt Nam vóc dáng bé nhỏ nhưng nét mặt thông minh, trầm tĩnh…”.

Đến giờ, ngoại trừ mái tóc hoa râm, Hoàng Lê Minh vẫn giữ ngoại hình thuở ấy: vóc dáng bé nhỏ, gương mặt thông minh sau làn kính cận. Anh hiện là TS, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam. Gia đình định cư ở TP.HCM, riêng anh vì công việc nên thường xuyên đi lại giữa hai miền.

Con người năng động

Nhìn vào con đường sự nghiệp của Hoàng Lê Minh, người ta dễ nghĩ anh may mắn, ít nhất cũng thuận lợi hơn bạn bè cùng trang lứa. Anh là con trai của ông Hoàng Xuân Tùy (*), nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa nhiệm kỳ 1961-1966. Từ khi Minh còn nhỏ, gia đình anh đã tương đối có điều kiện hơn các bạn. Tuy thế, có may mắn đến mấy thì trong khoa học, nỗ lực tự thân của người làm khoa học vẫn là điều kiện tiên quyết. Minh học rất giỏi và những gì anh đã đạt được là hoàn toàn xứng đáng: HCV Olympic Toán Quốc tế 1974, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Lomonosov chuyên ngành hình học đại số (chính là lĩnh vực sau này mà Ngô Bảo Châu tỏa sáng với “Bổ đề cơ bản”), học và làm việc tại nhiều viện nghiên cứu danh tiếng thế giới ở Anh, Pháp, Ý, Nga, Nhật… Năm 1991 khi vợ chồng anh công tác ở Ý, mức lương của Minh đã là 2500 USD/tháng.

Nhưng đúng vào lúc đó, Hoàng Lê Minh quyết định quay về nước. Và đến bây giờ anh vẫn khẳng định quyết định ấy là sáng suốt. “Thời điểm đó (giữa năm 1991), tình hình kinh tế bắt đầu biến chuyển, nhất là ở TP.HCM. Các trường ĐH mở ra nhiều hướng đào tạo hơn. CNTT bắt đầu phát triển. Về phần tôi, khi ấy cũng tích lũy được kha khá rồi, không lo thiếu thốn về kinh tế; bố mẹ ở trong nước thì đã nhiều tuổi. Quan trọng nhất là tôi thấy, nếu mình về nước thì sẽ phát huy được tốt hơn”.

Anh mua nhà, định cư trong TP.HCM. Với cơ sở kinh tế đã khá vững sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài (riêng tiền cho thuê nhà của gia đình anh khi đó cũng được tới 1000 USD/tháng), anh có thể chỉ chuyên tâm vào công việc của một giảng viên ở ĐH Tổng hợp TP.HCM. Anh là người tham gia xây dựng hệ chuyên toán - tin ở trường này, cũng là gương mặt góp phần xây dựng ngành tin học ứng dụng ở Việt Nam. “Tôi chuyển sang lĩnh vực ứng dụng là kể từ hồi đó, không còn làm khoa học lý thuyết nữa”.

Năm 2000, Hoàng Lê Minh ở trong nhóm nghiên cứu hỗ trợ thành lập Khu Công viên Phần mềm Quang Trung; năm 2001, tham gia dự án Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM. Minh là người rất năng động, nhanh nhạy với thời cuộc. Anh thường xuyên ở vị trí quản lý, lãnh đạo, kinh tế gia đình rất khá giả. Con cái anh cũng theo học chuyên toán-lý, hiện nay người đi du học Canada, người làm cho công ty nước ngoài ở Việt Nam.

“Làm khoa học, phải có sự tự tin”

Giải thích về việc “chia tay” nghiên cứu toán lý thuyết để chuyển hẳn sang toán ứng dụng, CNTT và rồi làm quản lý, Minh nói: “Trước hết là vì tôi thích lĩnh vực ứng dụng, toán ứng dụng (tức toán kết hợp ngay được với các ngành khoa học khác, chẳng hạn toán CNTT, toán tài chính, toán sinh học, toán môi trường… - NV). Nhưng lý do quan trọng nhất là: Khi làm ứng dụng, tôi cảm thấy rất tự tin, thấy mình không thua kém gì các đồng nghiệp trong ngoài nước. Còn khi làm toán lý thuyết, nhất là ở nước ngoài ấy, thì mình thấy lép vế, thua người ta một cái đầu. Người ta có công trình, có bài viết đăng ở tạp chí khoa học uy tín, mà mình thì không làm được như thế, không ngang hàng được với họ”.

Anh bảo, thực ra, tâm lý muốn thay đổi đến với anh từ khoảng cuối giai đoạn ở Liên Xô, năm 1987. “Hồi ấy tôi vừa ra trường, không còn ở trong nhóm nghiên cứu nào nữa, thầy dạy cũng đi nước ngoài. Về Việt Nam, tôi rất khó tiếp tục làm toán lý thuyết vì không có thầy, không có nhóm, hồi ấy lại cũng chưa có Internet nữa, tóm lại là không có điều kiện. Chỉ sau một năm rưỡi ở Việt Nam là tôi đã thấy tụt hậu so với bên ngoài, rồi thấy vô vọng, không thể vươn lên, không thể tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học được nữa”. Đó là giai đoạn “về Việt Nam lần thứ nhất” (1987-1988). Sau ba năm ở nước ngoài, tới lần thứ hai, khi về hẳn Việt Nam (1991), bắt đúng lúc tin học và CNTT đang lớn mạnh, thì anh không còn lý do gì để tiếp tục với toán lý thuyết.

Chuyển sang CNTT, tôi thấy mình có thể đóng góp được, thấy tự tin. Chứ làm khoa học với suy nghĩ “mình kém người ta xa” thì làm làm gì. Như Ngô Bảo Châu dám theo đuổi nghiên cứu khoa học là vì Châu cảm thấy có đủ điều kiện, có thầy, có nhóm, có trường phái, không thua kém ai cả. Nói thế để thấy sự tự tin là một điều kiện rất quan trọng”.

Vậy với những bạn trẻ có ý định theo đuổi nghiên cứu khoa học cơ bản, làm thế nào để có được sự tự tin ấy? Hoàng Lê Minh thổ lộ: “Phải có được môi trường tốt, ngay từ đầu. Trước hết là cần một nơi đào tạo tốt. Theo tôi, chất lượng đào tạo như ở Việt Nam hiện nay không thể cho ra được người như Ngô Bảo Châu, nên tốt nhất là phải học toán ở nước ngoài. Nếu được học ở ngoài, nhất là tại châu Âu hoặc Mỹ, thì mới nên lấy toán làm nghề chính”. Anh cười, nói thêm: “Bằng không thì nên đi theo lĩnh vực ứng dụng, là những ngành gắn với thực tiễn và cho ra kết quả ngay”.

Bây giờ thì nhà toán học năm xưa đã trở thành một viện trưởng. Từ tầm nhìn của nhà quản lý, anh bảo: “Chỉ cần vài phần trăm người thi ĐH mà chọn toán cũng tốt rồi, bởi như vậy là họ cũng có đủ say mê và tự tin để bước chân vào một ngành rất khó. Nhưng về phía Nhà nước thì rất nên cấp học bổng để khuyến khích, cho sinh viên và thậm chí hỗ trợ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo tôi, đó là cách làm thiết thực nhất để phát triển ngành toán Việt Nam”.


=====

(*) Ở bài báo đăng trên Pháp luật TP.HCM, tôi đã viết nhầm tên ông Hoàng Xuân Tùy thành Hoàng Xuân Thùy. Xin đính chính ở đây và cáo lỗi cùng độc giả.

Wednesday, 15 September 2010

BÀI 2: Phim lịch sử Việt Nam: Làm sai là di hại cho khán giả

Chuyện đạo diễn, đồng biên kịch, thợ may, diễn viên quần chúng đều là người Trung Quốc cho thấy một vấn đề không đơn giản. Hiện tượng này chính là một dạng nhập siêu, hàng ngoại bóp chết hàng nội bằng giá cả, lao động và công nghệ; và cuối cùng là nhập siêu văn hóa. Đây là điều phải cảnh báo. Đơn vị phát sóng cần kiểm soát, nếu sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng thì không thể cho phát, vì khán giả không được xem cũng chẳng chết ai, nhưng nếu xem thì hình dung của chúng ta, nhất là giới trẻ, về quá khứ có thể lệch lạc hết cả, không chữa được”. (một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội)

*******

Cái khó lớn của việc làm phim lịch sử Việt Nam, mà ai cũng thừa nhận, là sự thiếu thốn về tư liệu. Do đó, người làm phim, đặc biệt họa sĩ thiết kế, bắt buộc phải tìm tòi các nguồn sử liệu, kết hợp với sự phân tích logic, để đưa ra những giải pháp chấp nhận được. Ở đây, không chỉ cần đến kiến thức về lịch sử các triều đại, mà đòi hỏi một sự hiểu biết tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tâm lý dân tộc.

Một nhà kinh tế ở Hà Nội (giấu tên vì không muốn “can thiệp” vào lĩnh vực phim ảnh ngoài chuyên môn) nhận định: “Thời xưa, người Việt chắc chắn thấp bé vì dinh dưỡng thấp. Người Trung Quốc, nhất là khu vực phía bắc, có xu hướng du mục nên chăn nuôi gia súc và ăn thịt nhiều hơn ta, nên đủ dinh dưỡng hơn. Ta cũng có nuôi gia súc nhưng nguồn nông sản cung cấp không đủ. Ngựa ta cũng bé nhỏ chứ không to lớn như ngựa xích thố thế. Thật ra ở một nền kinh tế quy mô nhỏ, đất nước ít thảo nguyên như Việt Nam, thường người làm thay ngựa, nên ít có truyền thống đi xe ngựa mà là người khiêng hoặc kéo, còn đi xa thì dùng đường thủy”.

Như vậy đủ thấy, làm phim lịch sử đòi hỏi phải nghiên cứu liên ngành để có kiến thức rất tổng hợp, và suy luận logic.

Cần đẹp hay cần đúng?

Những đặc điểm của kinh tế - văn hóa Việt Nam, phía các chuyên gia làm phim của Trung Quốc khó mà biết được. Trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Hồn Việt, tháng 5 vừa qua, họa sĩ Phan Cẩm Thượng – cố vấn văn hóa của phim “Lý Công Uẩn” – nói rằng: “Các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim thì trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp, câu chuyện có tình duyên và diễn xuất diễn viên tốt. (…) Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hóa nên hai bên không có cách gì hiểu nhau…”.

Một số nhà quay phim và họa sĩ Việt Nam có tính duy mỹ cũng cho rằng phim lịch sử, cổ trang “cốt đẹp chứ không cốt đúng”, bởi “nếu thiết kế bối cảnh y như thật thì nhếch nhác lắm vì Việt Nam ngày xưa rất nghèo”. Về điểm này, chuyên gia cổ sử Phạm Hoàng Quân nhận định: “Tôi nghĩ làm phim lịch sử thì nên nghiên cứu cẩn thận và căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của thời đại đó để thể hiện cho phù hợp, ít nhất không gây sốc, gây choáng cho người xem vì độ hoành tráng và… xa lạ của cảnh quan”. Còn họa sĩ Tú Ân thẳng thắn: “Tôi không biết làm phim cổ trang thì cần đẹp với sang tới mức nào, tôi chỉ biết phim kể về Việt Nam, câu chuyện Việt Nam, con người Việt Nam, thì phải ra chất Việt Nam”.

“Chất Việt Nam” là gì? Từ lâu, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa như Phan Ngọc, Hữu Ngọc, Trần Ngọc Thêm… đã nói về cái đẹp dung dị, đơn sơ, xinh xắn của những công trình kiến trúc ở Việt Nam, so với sự đồ sộ, quy mô, hoành tráng của Trung Quốc như muốn tỏa “tinh thần bá quyền” ra muôn phương. Làm phim cổ trang như “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, phim càng thể hiện hoành tráng thì khán giả càng thấy xa lạ. Ông Phạm Hoàng Quân gợi ý: “Nếu không có sử liệu chính xác về kiến trúc cung điện thời ấy, đạo diễn và họa sĩ có thể cho thiết kế nhà cửa thấp, một tầng, lợp ngói thường thôi thay vì lợp ngói lưu ly. Trang phục thì nhuộm màu đơn giản, hết sức tránh rực rỡ nhiều màu sắc”.

Trong quá khứ, chúng ta cũng từng có những bộ phim cổ trang thể hiện được khá “sát thực tế” cái chất nhỏ bé, đơn sơ của văn hóa Việt Nam, ví dụ Học trò thủy thần (1990) của đạo diễn Khánh Dư, một bộ phim đen trắng kể về bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An và người học trò vốn là con trai vua Thủy tề.

Cẩu thả, vô trách nhiệm, hay bị ép?

Cũng họa sĩ Phan Cẩm Thượng phản ánh: “Ngay từ đầu, tôi phản đối những trang phục đó nhưng tôi chỉ là cố vấn. Người mình thời đó cởi trần đóng khố và chèo thuyền quỳ với 20 tay chèo nhưng bây giờ bắt diễn viên cởi trần đóng khố thì không ai chịu làm thế, kể cả người dân tộc. Trang phục Việt Nam đơn sơ hơn trang phục Trung Quốc nên nếu mặc thế thì diễn viên chết rét…”. Ông còn bảo: “Các phim của họ thường là phim lịch sử cổ trang chứ không phải phim lịch sử hiện thực. Họ nói thẳng, những phim lịch sử Trung Quốc phải nâng lên rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong lịch sử”.

Những gì mà các nhà làm phim Trung Quốc “ép” đối tác Việt Nam là có thể hiểu được, nếu chúng ta tìm trở lại chính sách văn hóa của đất nước này. Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị các đơn vị sản xuất truyền hình trên cả nước. Tại đây, Bộ đưa ra chính sách: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim có mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới. Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng, được hỗ trợ xuất khẩu (cho không hoặc bán giá rẻ) sang các quốc gia trong khu vực. Đồng thời với đó, giới làm phim tiến hành “Trung Hoa hóa” các sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Bộ phim “Hà Nội – Hà Nội” chỉ được chiếu ở đài tỉnh Quảng Tây vào đêm khuya, với một generiqué toàn chữ Trung Quốc, khiến khán giả xem khó mà để ý rằng đó là sản phẩm hợp tác với Việt Nam.

Ngay cả việc các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim cổ trang “trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp”, “nâng lên rất nhiều” so với lịch sử, cũng phản ánh một phần mục đích tuyên truyền văn hóa của họ. Ngoài ra, như chính ông Phan Cẩm Thượng nói, “với phim tư nhân thì họ xác định phim cần có thị trường và kỷ niệm chỉ là một dịp đưa phim ra thị trường. Các nhà làm phim quan niệm, phim mà không kinh doanh là không được. Phim này làm trên góc độ thị trường chứ không phải chỉ là phim kỷ niệm”.

Với các quan niệm, chính sách và mục đích như vậy, khi sản phẩm làm ra không mang chất Việt Nam thì không phải lỗi của các nhà làm phim Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao phía Việt Nam chấp nhận “bị ép” như vậy, đối với một bộ phim lớn, được đầu tư tới 108 tỷ đồng và để phát sóng trên đài quốc gia nhân dịp đại lễ?

* Đoan Trang


++++++++

Hoành tráng nhưng không phải hoành tráng kiểu Trung Quốc

“Tôi cũng đã từng được mời tham gia tư vấn phục trang cho bộ phim này, nhưng tôi từ chối vì hai lý do. Thứ nhất, phim lịch sử của Việt Nam thì không thể quay ở Tàu được, mình phải có phim trường đã rồi hãy làm phim lịch sử. Thứ hai, kịch bản có quá nhiều chi tiết sai và thời gian để thực hiện bộ phim là quá ngắn.

Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1000 năm nhưng không đồng hóa được Việt Nam. Phải hiểu cốt lõi của vấn đề là ở chỗ này. Người Trung Quốc muốn tiêu diệt trang phục thì người Việt Nam lại quyết liệt bảo tồn nó, và chính vì vậy mà chúng ta không thể ăn mặc giống Trung Quốc được”.

(Yên Thảo ghi lời họa sĩ Trịnh Quang Vũ, tác giả cuốn “Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến”)

Tuesday, 14 September 2010

BÀI 1: Kiến trúc nguy nga, trang phục lộng lẫy kiểu... Tàu

Sau khi Pháp luật TP.HCM đăng bài phản ánh về việc phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” mang đậm yếu tố Trung Hoa, độc giả Trần Hùng Phương đã có phản hồi (trích): … rất cảm ơn các nhà sử học đã nghiên cứu rất nhiều về lịch sử Việt Nam. Nhưng các ông có thể nào ngồi lại cùng nhau cho chúng tôi biết rằng lịch sử Việt Nam là như thế nào không? Các ông ngồi đó mà bàn cãi với nhau việc này, việc nọ thì các nhà làm phim sao mà dám làm nhiều về phim cổ trang?..." .

Nhiều khán giả của phim cũng băn khoăn, vậy nếu phim mang đậm chất Việt, thì chất Việt phải như thế nào? Đi xa hơn nữa, trường hợp của “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” đặt ra vấn đề: Cần làm phim lịch sử ở Việt Nam ra sao để không cho ra những sản phẩm vừa tốn kém vừa bị phản ứng kịch liệt như thế này.

“Đường tới thành Thăng Long” quá nguy nga

Ấn tượng nổi bật từ những hình ảnh của phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” (mà những đoạn hấp dẫn nhất hoặc đặc trưng nhất đã được đưa vào trailer quảng cáo) là sự hoành tráng của bối cảnh và sự ấm áp, rực rỡ của trang phục Việt giai đoạn Đinh - Tiền Lê – Lý (từ năm 980 khi Lê Hoàn lên ngôi đến năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long).

Nói về bối cảnh, cung điện trong phim có tòa tới 2-3 tầng, lợp ngói sắc xanh xám. Thế mà, theo mô tả trong những tư liệu sớm nhất của người phương Tây về Thăng Long (thế kỷ 17), hầu hết nhà ở kinh thành thời đó là nhà tranh nứa lá, mái rạ. Giáo sĩ Baldinotti viết năm 1686: “Vì nhà bằng tre nứa nên Thăng Long hay bị hỏa hoạn, có lần thiêu rụi tới năm, sáu nghìn nóc nhà, song nhờ Kẻ Chợ vốn có nhiều hồ ao nên dập tắt lửa dễ dàng và chỉ bốn, năm hôm sau, nhà cửa lại dựng lên san sát như cũ”. Cho tới thế kỷ 19, nhà cửa trên các phố ở Hà Nội vẫn chủ yếu bằng tre nứa lá (xem ảnh) và chỉ có một tầng, không ngói.

Không có sử liệu về kiến trúc thời Lê Hoàn - Lý Công Uẩn, song các nhà làm phim hoàn toàn có thể suy luận rằng vào thế kỷ 10-11, kỹ thuật xây dựng của nước ta rất khó tạo ra được những tòa nhà gạch 2-3 tầng lợp ngói. Ngay cả đình, chùa bằng gỗ cũng chỉ có một tầng trên mặt đất và một gác chuông trên “tầng” hai. Về mái ngói, mãi tới cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn, nước ta mới có ngói lợp tráng men (và kỹ thuật tráng men này đã là một bước tiến rất lớn của nghề gốm). Theo ông Phạm Hoàng Quân, chuyên gia cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, do tráng men óng ánh nên nó được gọi là ngói lưu ly. Một số công trình ở kinh thành Huế thời Nguyễn đã được lợp thứ ngói rất xa xỉ này. Có hai loại ngói chính là thanh lưu ly (màu xanh) và hoàng lưu ly (màu vàng).

Vậy phải “phục dựng” khung cảnh thế kỷ 10-11 ra sao? Họa sĩ Tú Ân, một người từng bỏ nhiều năm tìm hiểu kiến trúc, trang phục cổ Việt Nam để minh họa truyện tranh, suy đoán rằng nhà cửa của dân ngày ấy là nhà tranh vách đất, mái rạ, còn “đình, chùa và cung điện có thể xây bằng gỗ, rừng Việt Nam ngày ấy chắc còn nhiều gỗ quý”, hoặc gạch (kỹ thuật làm gạch của người Trung Quốc đã được lưu truyền sang Việt Nam từ thời Bắc thuộc). Điều chắc chắn là ở vào thời Đinh - Tiền Lê - Lý, cung điện, nhà cửa của Việt Nam chưa thể lợp ngói xanh, cao tới 2-3 tầng như vậy.

Chưa kể, địa thế Hoa Lư thời ấy nhỏ hẹp với đồi núi, sông ngòi, Thăng Long cũng vẫn còn là đất trũng, nhiều ao tù, không thể xây dựng trên đó những cung điện nguy nga, hoành tráng như bộ phim đã mô tả. Ngay cả ở châu Âu, nơi vốn được xem là tiến nhanh hơn châu Á về cấp độ văn minh, các công trình lớn cũng phải trải qua vài trăm năm mới hình thành.

… và quá lộng lẫy

Về phục trang, điều gây ấn tượng là sự ấm áp, dày dặn và màu sắc rực rỡ của trang phục trong phim “Lý Công Uẩn”. Các chuyên gia lịch sử thời trang Việt, nếu được hỏi ý kiến, đều sẽ cho biết rằng ngành may mặc của Việt Nam đã phải trải qua “một chặng đường tiến hóa” dài đến mức nào, từ chất liệu tới kỹ thuật. Buổi đầu phát triển, chất liệu của chúng ta đã chỉ là vải thô, dệt rất thưa (do kỹ thuật dệt còn kém), với những màu nhuộm đơn giản: đen, nâu, chàm, tím…, sử dụng những nguyên liệu tạo màu dễ kiếm như vỏ cây, rễ cây, hoa lá…

Đập vào mắt khán giả là những chiếc mũ đội đầu có “mái che” rất giống mũ của… Tần Thủy Hoàng. Các nhà làm phim lập luận rằng vua nước ta rập khuôn trang phục của hoàng đế Trung Hoa. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Quân, rất khó có khả năng Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ “bệ nguyên” mũ của vua Trung Quốc: “Triều đình Trung Hoa không khi nào chịu cho vua một nước “đàn em” mặc vương phục và đội mũ y hệt vua của họ, vì với họ, mũ mão của hoàng đế là để thể hiện uy quyền của “thiên tử”. Vua nước ta có muốn sử dụng theo cũng phải chế lại”.

Bà Đoàn Thị Tình, họa sĩ thiết kế chính của phim, cho biết bà đã tham khảo nhiều sử liệu, trong đó có Lịch triều Hiến chương Loại chí (Phan Huy Chú) để thiết kế phục trang. Nhưng nếu theo đúng sách này, thì ở mục “Quy chế về mũ áo của đế vương” (thuộc phần Lễ nghi chí) có chép:

Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu.
Lý Thái Tông mới chế thứ mũ gọi là ‘bát giác tiêu dao’ bằng vàng (tên mũ, lối mũ ấy nay không khảo cứu được).
Lời xét của Phan Huy Chú:
Từ đời Lý, đời Trần trở về trước, mũ áo của vua thế nào, không thể khảo cứu được. Xem trong sử có hai thứ kể trên, tạm chép ra đây để biết đại khái
”. (bản dịch của Viện Sử học)

Điều đó có nghĩa là mũ của vua Lê, vua Lý Thái Tổ thế nào, Phan Huy Chú cũng không biết được, nhưng khả năng “bệ nguyên xi” chiếc mũ “Tần Thủy Hoàng” của Trung Quốc là rất thấp.

Cũng sách của Phan Huy Chú chép, phần về phẩm phục của các quan: “Lý Thánh Tông năm Chương Thánh thứ nhất (1059), vua ngự điện Thủy Tinh, các quan đến chầu, bắt phải đội mũ đi hia mới cho vào chầu. Nghi lễ vào chầu đủ cả mũ hia bắt đầu từ đó”. Chính vị sử gia đã có lời xét về phẩm phục các quan trước đó rằng như thế “đủ thấy là sơ sài”.

Một chi tiết nữa là những họa tiết thêu trên áo vua quan, hoàng hậu. Nếu thừa nhận ông tổ nghề thêu ở Việt Nam là Lê Công Hành, đi sứ sang Trung Quốc vào đời Lê Thái Tông (trị vì từ 1433-1442) thì ta phải thấy rằng vào thời Tiền Lê - Lý Công Uẩn, áo xống của người triều đình chưa thể thêu thùa lộng lẫy như thế.

Các họa sĩ thiết kế và cố vấn mỹ thuật của phim đều chưa bình luận về màu sắc vải vóc cũng như chiếc mũ của vua trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”.

Đoan Trang

***********

Yên Thảo ghi lại lời GS.TS Đoàn Thị Tình, người tư vấn phục trang cho phim:

“Tôi tự hào về những trang phục trong phim”


Tôi không ngạc nhiên khi khán giả phản ứng trang phục trong phim giống Trung Hoa quá. Thứ nhất, trước nay chúng ta chưa có bộ phim cổ trang nào về giai đoạn lịch sử này. Thứ hai, khán giả đã xem quá nhiều phim Trung Quốc và chỉ mới xem qua trailer nên cảm giác thấy giống là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, tôi xin khẳng định, toàn bộ trang phục trong phim là dựa trên chính sử “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, “Lịch triều Hiến chương Loại chí”… đến các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc như tượng, phù điêu… còn hiện hữu ở bảo tàng và nhiều di tích đình, chùa… chứ không phải chúng tôi tự vẽ ra. Đặc biệt, khi thiết kế trang phục, chúng tôi phải dựa vào các miêu tả của thư tịch cổ và tượng thời Lý tại đình đền và long bào của vua Lý dựa theo tượng vua Lý ở chùa Kiến Sơ (Hà Nội). Còn giáp trụ của tướng lĩnh dựa vào 8 pho tượng Kim Cương tại các chùa ở Bắc Ninh, Hà Nam Chúng ta chịu đô hộ 1000 năm Bắc thuộc, đặc biệt ở các triều đại này chịu sự xâm lược của nhà Tống nên trang phục giống Trung Quốc cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng nó cũng chỉ tương đồng ở kết cấu, còn họa tiết thì đều đã được Việt hóa. Xin nhấn mạnh là giống chứ không phải rập khuôn.

Tôi lấy ví dụ, long bào của vua Tống đính rất nhiều ngọc ngà, châu báu rất lộng lẫy, còn long bào của vua Lý chỉ thêu chìm; giáp phục đời Lý có họa tiết hoa mai, hoa cúc…. mà giáp phục Trung Quốc không có; mũ miện của chúng ta nhỏ, hẹp trong khi mũ miện nhà Tống cánh chuồn dài, cong phía mép; hơn nữa, việc đưa họa tiết hoa sen vào long bào của vua Lý Công Uẩn cũng là minh chứng rất rõ cho văn hóa Việt Nam.

Tôi hoàn toàn tự hào về những trang phục mà tôi đã thiết kế cho bộ phim này.

http://phapluattp.vn/20100915125346433p1021c1083/kien-truc-nguy-nga-trang-phuc-long-lay-kieu-tau.htm



KỲ SAU: Phim lịch sử Việt Nam: làm sai là di hại cho khán giả

Nhân tài toán học ngày ấy, bây giờ (bài 2): Phùng Hồ Hải

“Nếu anh Châu ở Việt Nam thì tôi khẳng định là anh không thể đoạt giải thưởng Fields. Nói một cách hình tượng, giả sử để đạt tới giải Fields cần vượt 10 bậc thang thì toán học Việt Nam mới chỉ ở bậc 3. Nếu ở Việt Nam thì làm sao anh Châu nhảy từ bậc 3 lên bậc 10 được". (TSKH Phùng Hồ Hải)

++++++++++

PHÙNG HỒ HẢI: "TOÁN HỌC VIỆT NAM... LAY LẮT"

Tại Olympic Toán Quốc tế năm 1986, Phùng Hồ Hải chỉ được HCĐ. Nhưng trong 6 người đi thi năm ấy, cuối cùng chỉ có anh tiếp tục theo đuổi ngành toán. Hiện anh là cán bộ Viện Toán học Việt Nam, và vẫn thủy chung với toán để có thể khẳng định “nếu được chọn lại, tôi chọn ngành này”.

Ở Phùng Hồ Hải, có nhiều điểm chung với các nhà toán học khác: cận thị, giỏi toán nhưng không hề kém các môn xã hội – thể hiện qua việc anh có thể huy động từ ngữ để diễn đạt rất hay và chính xác điều mình muốn nói – và anh không thích nói về mình. Nếu nghe Hải tự giới thiệu, sẽ thấy cuộc sống của một nhà khoa học như anh có vẻ rất bình dị, phẳng lặng: Sinh năm 1970, mê toán từ nhỏ, học chuyên toán A0 Tổng hợp, HCĐ Olympic Toán Quốc tế năm 1986. Sau đó du học tại ĐH Tổng hợp Lomonosov, Matxcơva, rồi làm nghiên cứu sinh ở ĐH Tổng hợp Munich (Đức). Năm 1996, anh về nước và làm việc ở Viện Toán từ đó tới nay. Anh có một khoảng thời gian 5 năm (2003-2008) đưa cả gia đình sang Đức nhưng rồi lại trở về Việt Nam vì không muốn con mình “thành người Đức”. Cùng thời gian này, anh được trao tài trợ nghiên cứu Heisenberg và giải thưởng von-Kaven của Quỹ NCKH Đức.

Nói về cuộc sống, công việc hiện nay, anh bảo: “Cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Môi trường công tác ở Viện Toán, về mặt tinh thần mà nói, rất tốt. Mọi người chân thành, thẳng thắn, giúp đỡ nhau. Thỉnh thoảng mình cũng đi công tác nước này nước khác”.

Nhân chuyện “đi nước ngoài”, phải nói rằng những năm trước, việc du học hoặc đi công tác nước ngoài đối với dân làm toán gần như là một việc “cứu nước cứu nhà”, ngoài học ra thì đi là để tích lũy tài chính, mua nhà cửa, chuẩn bị cho cuộc sống ở Việt Nam (nếu có ý định về nước). Đến mức Hải khẳng định: “Toán học Việt Nam tồn tại được cho đến giờ là nhờ các nhà toán học thời trước được đi nước ngoài. Không có sự giúp đỡ của giới toán học nước ngoài thì chắc chắn 100% đã bỏ nghề, vì không thể sống nổi”.

Bây giờ tình hình đã khác, dân du học không còn bị sức ép kiếm sống nữa. Cán bộ Viện Toán như Hải vẫn thường đi dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài mỗi năm vài lần. Trong con mắt những người ở ngoài ngành nhìn vào, cuộc sống của dân toán như vậy có lẽ cũng đáng hài lòng. Ngược lại, cũng có không ít người cứ nghe nói đến nhà toán học là lại hình dung thấy những nhân vật gầy gò, kính cận dày cộp, ở ẩn trong “tháp ngà” cách xa đời sống, chắc là nghèo do chấp nhận cả đời dấn thân cho khoa học cơ bản.

Trên thực tế, cuộc sống của một nhà toán học ở Việt Nam ngày nay, như Phùng Hồ Hải, có thể có những niềm vui, nỗi buồn và mối băn khoăn khác xa với suy nghĩ của đa số mọi người.

Nỗi cô đơn của nhà toán học

Đầu tiên là sự cô độc. Với Hải, nhà toán học cô đơn về nhiều phương diện. “Người ta nhìn vào mình, thấy mình chẳng giống ai cả, sao thời buổi này lại đi làm toán. Không phải người ta coi thường mình đâu, thậm chí họ còn phục ấy chứ, họ trầm trồ “ôi, ông này giỏi lắm… nhưng ai mà theo ông ấy được”. Số người theo ngành toán ngày càng ít đi. Điều ấy chứng tỏ rằng người ta chỉ nhìn những người làm khoa học như những ông ngồi trong tủ kính, ai cũng trầm trồ đấy nhưng chẳng ai muốn theo cả. Đấy là nỗi cô đơn của nhà toán học trong đời sống, nhưng nó chưa đáng ngại bằng một vấn đề khác: “Trong chuyên môn cũng buồn. Ít người theo nghề toán lắm. Cái cộng đồng của bọn mình quá nhỏ, người mà bọn mình có thể trao đổi quá ít. Làm seminar chẳng biết mời ai, quanh đi quẩn lại vẫn chừng ấy gương mặt”.

Thật khó tin một đất nước có tâm lý trọng toán như Việt Nam mà cộng đồng toán học lại nhỏ bé. Nhưng Hải khẳng định đó là sự thật: “Những người làm toán chuyên nghiệp – theo cái nghĩa là vẫn còn tích cực nghiên cứu - thì vét cả nước được khoảng 150 người. Bạn tưởng như vậy là nhiều à? 150 người là tương đương số cán bộ của khoa toán ở một trường đại học phương Tây, đấy là nói riêng về số lượng, chưa bàn tới chất lượng, chứ xét trên công trình khoa học thì chẳng so nổi đâu. Với lại, 150 nhà nghiên cứu toán học trên 86 triệu dân, thì đến bao giờ ta có một nền toán học? Nếu không có những thay đổi cơ bản, toán học của Việt Nam sẽ mãi lay lắt”.

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu được trao huân chương Fields là niềm vui đối với cộng đồng toán học ở Việt Nam, nhưng gần như ai trong ngành cũng ngầm hiểu cái điều mà Phùng Hồ Hải đã nói thẳng: “Nếu anh Châu ở Việt Nam thì tôi khẳng định là anh không thể đoạt giải thưởng Fields. Nói một cách hình tượng, giả sử để đạt tới giải Fields cần vượt 10 bậc thang, thì toán học Việt Nam mới chỉ ở bậc 3. Nếu ở Việt Nam thì làm sao anh Châu nhảy từ bậc 3 lên bậc 10 được? Để lên đỉnh cao khoa học cần phải đứng lên vai người khổng lồ, phải leo dần từng bậc, có sự hỗ trợ nâng mình lên. Tại sao Ngô Bảo Châu phát huy tài năng ở Pháp mà không phát huy được ở Việt Nam? Vì ở Pháp anh có môi trường, có điều kiện trao đổi thông tin, kiến thức, ý tưởng”.

Thời đại Internet, việc truyền tải thông tin không còn khó khăn hay thậm chí bất khả thi như ngày trước. Khổ nỗi, trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi ý tưởng và sự sáng tạo lại chỉ nảy sinh trong quá trình trò chuyện, trao đổi trực tiếp. Nói cách khác, cộng đồng khoa học, trong đó có toán, vẫn cứ cần phải có sự giao lưu, gặp gỡ thường xuyên. Đây cũng là nỗi băn khoăn của người làm khoa học ở Việt Nam nói chung và dân toán nói riêng: Cộng đồng thì nhỏ hẹp, muốn tổ chức hội thảo, seminar mời đồng nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, hoặc muốn ra nước ngoài dự hội thảo, hội nghị… lại không có tiền. Hải bảo, với cán bộ Viện Toán, đi nước ngoài hầu như toàn phải bằng tiền “mình đi xin, bên kia chi”; ngược lại, các nhà khoa học quốc tế hoặc người Việt ở nước ngoài về Việt Nam đều phải tự túc kinh phí cả.

Dư luận đã có những ý kiến phản ứng về việc Viện Toán đề nghị trả Ngô Bảo Châu mức lương 5 triệu đồng/tháng. Về chuyện này, Phùng Hồ Hải chỉ cười. Anh bảo: “Không có bất kỳ cơ chế nào của Việt Nam hiện nay cho phép trả cho các nhà khoa học nước ngoài đồng lương xứng đáng cả”.

“Nếu phải đi trở lại, tôi đi lại đường này”

Trong 6 người của đội tuyển Olympic Toán 1986, giờ chỉ có Hải còn theo ngành toán. Chưa bao giờ anh nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Anh vẫn theo đuổi hoạt động nghiên cứu khoa học là chính và vẫn sống tốt với nghề, nhất là sau khi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) có tài trợ cho ngành toán học. Hiện giờ cuộc sống của anh khá ổn định, môi trường công việc không có “đấu đá” phe phái gì, theo anh “đấy cũng là cái sướng”.

Nhưng nếu nhìn vào hiện trạng và tương lai của nền toán học nước nhà thì cũng có nhiều điều phải suy nghĩ. Cộng đồng toán học Việt Nam bé nhỏ, triển vọng mở rộng chưa thấy đâu. Chất lượng đầu vào hiện nay của sinh viên ngành toán rất thấp. Trong giới nghiên cứu, những người đã là PGS, TSKH như Hải, thì sống tốt chứ lớp trẻ chưa khẳng định được mình thì vất vả, thu nhập vài triệu không đủ đảm bảo cuộc sống. Hải bảo, muốn xã hội nhìn nhận lại ngành toán thì người ta phải thấy được chất lượng cuộc sống của người làm toán là sung túc, “nếu không thì hơi đâu mà học, nhất là bây giờ chênh lệch giàu nghèo lớn hơn ngày xưa, lại có bao nhiêu ngành nghề khác có thể kiếm sống dễ dàng hơn toán”.

Theo anh, cái mà cộng đồng toán học cần chính là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước một cách thực chất chứ không phải là tuyên truyền. “Nói cho đúng thì Nhà nước chưa bao giờ quan tâm đầy đủ tới nghiên cứu cơ bản cả. Cũng có thời chọn ra được một nhóm người có khả năng để gửi đi nước ngoài học, nhưng tới lúc họ về thì không ai quan tâm họ làm gì nữa”. Anh không nói ra, nhưng có thể hiểu rằng trong thâm tâm, anh và nhiều đồng nghiệp e ngại khả năng khoản đầu tư 651 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước có thể trở thành một dự án “đầu voi đuôi chuột” nếu không cho ra hiệu quả trông thấy ngay; mà đặc điểm của ngành toán thì lại là đầu tư trực tiếp trong khi hiệu quả gián tiếp và dài hạn.

Phùng Hồ Hải cho rằng, để toán học Việt Nam phát triển, Nhà nước phải có sự đầu tư lâu dài và kiên trì vào nghiên cứu cơ bản. Còn với cá nhân mỗi người thì “nếu anh có khả năng và đam mê, hãy cứ thế mà đi. Chắc chắn anh sẽ hạnh phúc”.


CÒN NỮA


http://phapluattp.vn/20100913115633271p0c1019/phung-ho-hai-toan-hoc-viet-nam--lay-lat.htm

Monday, 13 September 2010

Nhân tài toán học ngày ấy, bây giờ (bài 1): Vũ Đình Hòa

Toán hay không toán? Toán lý thuyết hay toán ứng dụng? Tại thời điểm này, đầu tư phát triển toán học là sự xa xỉ hay thể hiện tầm nhìn dài hạn của quốc gia? Thực trạng ngành toán Việt Nam và những trở ngại cần vượt qua để tạo môi trường cho sự phát triển?

Ý kiến của người trong cuộc - một thời là các nhân tài toán học của Việt Nam - sẽ là một nguồn giá trị để chúng ta hiểu thêm vấn đề.


++++++++++

Bài 1: VŨ ĐÌNH HÒA: "TÔI VẪN ĐAM MÊ TOÁN HỌC"

Giới toán học ở Việt Nam không ai không biết tên ông – Vũ Đình Hòa, thành viên của đoàn học sinh Việt Nam đầu tiên thi Olympic Toán quốc tế 1974, thầy dạy Ngô Bảo Châu từ năm lớp 7 tới khi vào đại học. 36 năm trôi qua, bây giờ ông là một giảng viên toán ở ĐH Sư phạm, trưởng đoàn của nhiều thế hệ học sinh đi thi Olympic Toán. Ông cũng là một vị giám đốc trong tập đoàn FPT. Việc làm toán bây giờ, đối với ông, giống như một thú chơi.

Gia đình Vũ Đình Hòa hiện sống ở phố Trương Định, Hà Nội. Căn nhà của ông được thiết kế khá đẹp, sang trọng. Chủ nhà với cặp kính cận dày cộp, nói chuyện rất cởi mở, hòa nhã, phong thái của một trí thức. Nhìn ông, không còn thấy nét gì của cậu học trò gầy gò, ốm yếu năm xưa khi đi thi toán Quốc tế. Đó là vào tháng 7 năm 1974, Việt Nam lần đầu tiên cử đội tuyển dự thi Olympic Toán.

Năm ấy, thể lực Hòa rất kém. Anh bị viêm xoang, thêm chứng suy nhược thần kinh nặng, nhất là sau khi nhận được tin người anh trai hy sinh trong chiến dịch Đường Chín Nam Lào. Trong đội tuyển, Hòa được đánh giá là gương mặt xuất sắc nhất. Tuy thế, bệnh tật đã hại anh: Hòa bị ốm, phải đi viện trước ngày thi, và chỉ đạt huy chương bạc. Mặc dù vậy, đoàn vẫn gây tiếng vang lớn tại cuộc thi; Hòa và các bạn nổi tiếng đến mức báo chí trong nước đưa tin rất đậm đà, và càng đậm bao nhiêu thì việc các anh tiếp tục với hoạt động nghiên cứu khoa học về sau đó càng bị coi như sự “biến mất lặng lẽ” bấy nhiêu.

Hụt một lần du học

Tất nhiên là Hòa không biến mất. Nhưng sự nghiệp của một nhà khoa học không thể có những hoạt động rầm rộ, được công chúng để mắt theo dõi như một diễn viên hay ca sĩ được. Riêng đối với Vũ Đình Hòa, sự nghiệp riêng của ông còn có phần lận đận với những lần du học “hụt”, một lần bị cho ra khỏi biên chế, và vô số lần va chạm theo cách này cách khác với hệ thống hành chính của cơ quan Nhà nước – những thứ mà các nhà toán học như ông sợ nhất.

Trên đường từ CHDC Đức về nước, đoàn Olympic Toán Việt Nam ghé qua Liên Xô. “Chúng tôi nghe mấy bác ở Đại sứ quán nói là Đại học Lomonosov muốn giữ cả năm đứa lại, tặng cho năm suất học bổng”. Hồi ấy Liên Xô thực sự là “thiên đường XHCN”, được tin ấy thì học sinh nào cũng thích. Nhưng Hòa nghe nói (cũng chỉ “nghe nói”) rằng “nhà mình trả lời là cả đoàn phải về nước theo sự sắp đặt của Chính phủ”.

Một năm sau, nhờ thành tích quốc tế đã đạt, cả đoàn được đặc cách vào thẳng đại học, đi nước ngoài, trong đó bốn người sang Liên Xô, riêng Vũ Đình Hòa được phân công đi Đức, du học ngành toán ở Đại học Tổng hợp Ernst-Moritz-Arndt. Học giỏi xuất sắc, anh được làm chuyển tiếp sinh, rồi tiến sĩ. Bảo vệ xong, anh nhận được giấy đề nghị làm tiến sĩ khoa học (TSKH) của phía Đức, nhưng theo quy định, anh phải quay lại Việt Nam làm một số thủ tục giấy tờ. Ngày cuối cùng của năm 1984, Hòa về nước.

Đến đây thì câu chuyện cười đầu tiên đối với một nhà khoa học “Tây học” bắt đầu. Ông Hòa kể một cách hài hước: “Phải nói là hồi ấy Việt Nam lắm tiêu cực, còn tôi thì… cái dở nhất là không biết hút thuốc lá. Tôi nộp giấy tờ ở Bộ Đại học mà mãi không được nhận. Mất mấy tháng trời. Tôi bèn hỏi mẹ một đứa bạn, vốn làm nghề hành chính: “Không hiểu sao mãi mà cháu không nộp giấy tờ được”. Cô ấy kêu lên: “Giời ơi là giời, ở đây nói chuyện phải có thuốc lá cơ!”. Tôi hiểu ra, đi mua cả một bao thuốc lá mang đến. Thực ra các ông ấy cũng không hút hết đâu, chỉ cần 1-2 điếu thôi, nhưng về nguyên tắc là cứ phải có thuốc lá, “Sông Cầu là đầu câu chuyện” mà”.

Cuối cùng khâu giấy tờ cũng xong, nhưng Hòa không sang Đức được. Hơn thế nữa, mãi nửa năm sau anh mới được phân công đi làm ở phân viện Tính toán và Điều khiển, Viện Khoa học Việt Nam.

Chật vật chuyện biên chế

Thế hệ của Vũ Đình Hòa là những người Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với máy vi tính, và dân toán như ông thì càng có khả năng để trở thành những chuyên gia, doanh nhân trong lĩnh vực CNTT, “nghèo” nhất cũng là lập trình viên (tập đoàn FPT được thành lập vào thời gian này, năm 1989). Nếu “nhảy” sang CNTT, có thể bây giờ ông cũng đã là một triệu phú, một doanh nhân thành đạt. Nhưng Vũ Đình Hòa mê toán chứ không ham kinh doanh. Anh từ bỏ cơ hội làm việc cho FPT, sang Đức học tiếp. Những năm ấy là thời kỳ nước Đức thống nhất, du học sinh Việt Nam “bơ vơ”, anh tự lo tiền ăn học bằng nhiều nghề: bán bảo hiểm, viết chương trình máy tính, phiên dịch… Đầu năm 1997, anh trở về nước với tấm bằng TSKH. Về rồi mới biết mình đã bị cắt biên chế từ năm 1990.

Cắt mà không báo gì cả, cắt trong khi bài tôi gửi về thì vẫn được đăng trên tạp chí của Viện” – Vũ Đình Hòa kể lại. “Các ông tổ chức chỉ giải thích: “Cậu không có tên trong Viện vì viện cũ là Viện Tính toán Điều khiển, giờ đổi tên là Viện Công nghệ Thông tin rồi”. Thế là tôi không được hưởng lương tí gì suốt 7 năm trời. Lại phải xin vào, thi công chức, tính chế độ mới hoàn toàn, coi như người mới đi làm”.

Vị TSKH cười hì hì. Ông Hòa trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 53 bây giờ, có lẽ cũng nhờ tính cách thoải mái, ít tham vọng, ít bức xúc mà ông “rèn” được sau nhiều năm làm việc trong cơ quan Nhà nước. Bệnh xoang đã khỏi. Ông bảo: “Hồi thi toán quốc tế là lúc mình ốm yếu nhất, khổ nhất đấy. Càng về sau càng khỏe lên, nhất là từ khi xác định là mình chả cần gì, chả tham vọng gì. Sinh ra trên đời đã là niềm vui lớn rồi. Chết đi, có đem được gì theo đâu mà phải đấu đá vật lộn”.

Nếu không xác định được như thế, có lẽ Vũ Đình Hòa đã phải rất khổ sở. Người làm khoa học vốn thích sự rõ ràng, chính xác. Nhưng môi trường dành cho họ lại phức tạp, lẫn lộn, khó đánh giá. “Có lần một đồng nghiệp của tôi đề nghị lãnh đạo Viện là nếu có đề tài nghiên cứu khoa học thì nên phân chia đều cho anh em làm. Các sếp kêu lên, bảo nếu thế thì lãnh đạo phải từ chức hết. Tôi cũng không hiểu vì sao mà sếp lại phải từ chức nếu chia đều đề tài cho anh em? Tôi chỉ thấy phức tạp quá, mệt quá, ôi cái chuyện quan hệ, bè cánh…”. Suốt 5 năm ở Viện, ông không được dự lấy một seminar nào (vì có tổ chức đâu), thiếu sự trao đổi, thiếu môi trường thông tin, chuyên môn cùn mòn dần. Lương thấp, nếu muốn có thu nhập thêm thì phải có dự án, mà muốn tham gia dự án lại phải có quan hệ… Cuối cùng, ông chia tay cơ quan, chuyển sang Đại học Sư phạm – trường cũ thời cấp ba.

Vẫn mê toán

Bây giờ thì ông vui vẻ với công việc của một giảng viên đại học, người dẫn đầu những đội tuyển học sinh Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế. Sự hài lòng tất nhiên cũng chỉ là tương đối: So với thời ông, chất lượng đầu vào của ngành toán, CNTT hiện nay rất thấp, điểm thi ĐH lấy gần sát điểm sàn. Nhiều sinh viên nghèo ở tỉnh, cố thi đậu vào đại học để sau này có việc làm, trong giờ học chỉ ngủ. Thầy Hòa thương, không nỡ quát mắng các em, nhưng thấy ở số đông sinh viên ngày nay, niềm đam mê sao mà ít? Thật chẳng giống ông – người được ví là “nhìn ra vẻ đẹp của toán học như nhà tạo mẫu thấy các chân dài trên sàn diễn”; người có thể cắm cúi làm toán không ngẩng lên, không hề biết xung quanh ồn ã chuyện gì. Hòa đã yêu toán như thế từ khi còn nhỏ, gia đình rất nghèo, tám anh chị em, các chị đều phải bỏ học đi làm sớm.

Ngoài thời gian làm ở trường, Vũ Đình Hòa cũng được mời làm giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng Công nghệ Trẻ FPT. Cuộc sống vật chất của ông khá ổn, gia đình hạnh phúc, đã có cháu ngoại. Nhưng bây giờ, ông làm toán chỉ để cho vui, “lúc nào không có việc gì thì lại làm toán, như là một hình thức giải trí”. Ông không lấy nghiên cứu toán học là sự nghiệp nữa, nhưng chuyện này cũng là bình thường trong giới khoa học ở Việt Nam lâu nay: “Từ hồi ở Viện, mình đã thấy nếu chỉ làm toán không thì rất khó sống, phải có nghề gì đó. Thật sự tất cả mọi người Việt Nam, mỗi người chắc phải có 2-3 nghề đúng không?”.

Chính phủ đang triển khai kế hoạch đầu tư 651 tỷ đồng phát triển ngành toán ở Việt Nam. Khoản đầu tư khiến nhiều người chú ý. Bạn bè hỏi ông Hòa: “Vừa rồi có tổ chức tập huấn cho giáo viên bộ môn toán – tin ở các trường năng khiếu, sao danh sách không có tên cậu? Không thấy tên bất cứ người nào tiếng tăm cả, toàn các ông lạ hoắc”. Vũ Đình Hòa chỉ cười. Ông bảo: “Có lẽ quan trọng là phải có cách làm học sinh thích học toán, tôn trọng, vinh danh các em, miễn thi đại học, thi tốt nghiệp v.v. Như thế tốt hơn. Nói chung kích cầu thì đúng, nhưng vấn đề là cách thức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Cuối cùng thì vấn đề đọng lại ở hai từ cơ chế”.

CÒN NỮA

http://phapluattp.vn/20100912110541372p0c1019/vu-dinh-hoa-toi-dam-me-toan-hoc.htm

Thursday, 2 September 2010

Nếu ngày xưa các cụ dùng Facebook...

Hôm qua mình vớ được trên mạng một trang rất ngộ: http://coolmaterial.com/roundup/if-historical-events-had-facebook-statuses-part-2/

Nói đơn giản thì site này đặt vấn đề: Nếu các nhân vật lịch sử từng chơi Facebook thì họ sẽ viết gì lên status, comment. Ví dụ thế này, giả sử Abraham Lincoln và kẻ ám sát ông là John Wilkes Booth có Facebook thì vào cái ngày định mệnh 15/4/1865, Lincoln sẽ viết lên status:

Abe Lincoln: Tối nay đi xem hát với bu nó… sẽ ngồi khoanh riêng, baby iu!
145 years ago . Comment . Like
John Wilkes Booth likes this.

* * *

Hoặc đây là status của Galileo Galile và comment của Mặt Trận Thanh Niên Chống Phản Chúa (hay ta gọi là Hội Những Người Ghét Bọn Phản Chúa cũng được):

Galileo: Hóa ra trái đất quay quanh mặt giời, pà kon ạ.
400 years ago . Comment . Like
Copernicus likes this.

Mặt Trận Thanh Niên Chống Phản Chúa: hahaha đang phê thuốc à nae?
Galileo: đâu phê đâu. Đấy là sự thật, thấy tận mắt lun.
Mặt Trận Thanh Niên Chống Phản Chúa: hahaha phải dồi, nae hâm mịa nó dồi
Galileo: đâu có, nae. Mềnh có bằng chứng nè.
Mặt Trận Thanh Niên Chống Phản Chúa: câm mẹ mồm đi thằng phản Chúa!

* * *

Để chống lại thảm trạng học sinh Việt Nam (phần lớn, chắc vậy) không muốn học sử nước nhà, trộm nghĩ chính ra trò này áp dụng vào việc dạy lịch sử ở trường cấp 2 của ta có khi lại hay. Giả sử tôi là một giáo viên dạy sử (ví dụ thế), tôi sẽ ra bài cho học sinh: Facebook hóa một đoạn hội thoại nào của các nhân vật lịch sử Việt Nam mà em thích nhất.

Ví dụ hội thoại giữa Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo.

Trần Nhân Tông: “tranh đất, đánh nhau, giết người đầy nơi đồng áng” (Mạnh Tử). Haizzzzz…
725 years ago . Comment . Like
Trần Ích Tắc likes this.

Trần Hưng Đạo
: What’s up man? :-w
Trần Nhân Tông: hay là ta hãy hàng đi để cứu muôn dân? zzzz
Trần Hưng Đạo: Trùi, sách nói là tranh đất, nhưng ta giữ nước, có tranh đất đâu. Sao phải xoắn. Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã :-j

* * *

Hồ Quý Ly: Dời đô về Thanh Hóa là chủ trương lớn của triều đình. Đứa lào phản đối, ngứt đầu nó.
610 years ago . Comment . Like

Trần An (Trần Thiếu Đế): Ông ngoại ơi là ông ngoại, Thăng Long không ở, chuyển về Thanh Hóa làm j hic :((

* * *

Hồ Chí Minh: is feeling very tired tonight
65 years ago . Comment . Like

Võ Nguyên Giáp: Bác ơi cố lên, hix hix…

* * *

Hồ Chí Minh: 40 days to go…
65 years ago . Comment . Like
Võ Nguyên Giáp likes this.

Hồ Chí Minh: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập!

Việt Minh: yeh \m/


Đố bà con biết hai hội thoại Facebook cuối diễn ra trong bối cảnh nào?