Wednesday, 27 October 2010

Hấp dẫn, lá cải và sức ép

(Post bài này nhân ngày nghe tin blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt giam, đúng là “không tin được dù đó là sự thật”).

* * *

TỪ THỜI BAO CẤP TỚI THỜI @: HẤP DẪN, LÁ CẢI VÀ SỨC ÉP

* Từ những ngày phóng viên còn phải đạp xe hơn trăm cây số đến bưu điện để đánh bài gửi về tòa soạn, tới khi “lên đời” đi xe Babetta, rồi phỏng vấn qua điện thoại, e-mail, chat… Từ những ngày báo chí chủ yếu đưa tin người tốt việc tốt, “hăng hái thi đua”, “nhiệt liệt chào mừng đại hội”, tới khi có những bài báo đăng ảnh sao nọ mang bầu, sao kia ly dị… Báo chí Việt Nam đã tiến một bước xa tới ngỡ ngàng trong hơn 20 năm qua.


Làm báo từ năm 1966, từng giữ chức vụ Phó TBT các tờ “Tuần Tin Tức”, “Vietnam Courrier”… của Thông tấn xã Việt Nam, ông Trần Đình Thảo có duyên may chứng kiến sự thay đổi và phát triển của báo chí Việt Nam suốt từ thời chiến tranh, qua những năm “đêm trước Đổi Mới”, tới nay. May mắn, mà cũng có thể là không may, vì như ông nói: “Bây giờ mà trở lại làm báo như thời bao cấp thì chết. Khổ lắm, bực lắm, bức xúc lắm. Tất nhiên là cũng có cái vui…”.

Niềm vui giản đơn

Từ những năm chiến tranh, kéo dài suốt tới trước Đổi Mới, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan gần như độc quyền về tin tức. Số lượng báo chí ngày đó rất ít, các báo cũng không có phóng viên thường trú, nên tin tức trông cả vào “nhà phân phát” là Thông tấn xã. Vậy là các sự kiện chính trị quan trọng, như bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, trước đó nữa trong thời chiến là tin bắn rơi máy bay, thì chỉ có phóng viên Thông tấn xã đưa, và phải tìm đủ cách để gửi từ địa phương về tòa soạn: điện báo, công văn hỏa tốc. Còn nếu khoảng cách từ địa phương tới tòa soạn dưới 150 km, thì phóng viên chỉ có nước… chịu khó đạp xe về.

Các nhà báo của Thông tấn xã, báo “Nhân Dân”, “Quân Đội Nhân Dân” ngày trước hẳn chẳng lạ lẫm gì việc đạp xe hơn trăm cây số từ sáng tới chiều để kịp gửi một bài viết mừng chiến thắng. Nhưng cũng chính vào những ngày gian khổ ấy, các tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được báo chí phát hiện, cổ vũ mạnh mẽ: Chu Văn Dị, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Cù Thị Hậu… Vai trò, nhiệm vụ của báo chí thời đó là cổ súy người tốt việc tốt. Dường như đó là cả một “thời của những người anh hùng”.

Thế rồi chiến tranh qua đi. Các nhà báo năm xưa, ngoài thì giờ viết lách, xuống cơ sở đi thực tế, còn phải đi xếp hàng, và không còn chuyện “khổ mà thương nhau” như thời trước chiến tranh. Không riêng các nhà báo, đó là thực tế khắc nghiệt mà cả xã hội phải trực diện. Tuy nhiên, nhiều nhà báo, nhờ ưu thế nghề nghiệp của mình, cũng hưởng chút đặc quyền, ví dụ có thể quen biết bà cửa hàng trưởng hay cô mậu dịch viên để được ưu tiên mua hàng. Ông Trần Đình Thảo nói vui: “Nhà báo thời bao cấp, những lúc được mời đi ăn liên hoan tổng kết năm ở hợp tác xã này, xí nghiệp kia, là mừng lắm. Lũ chúng tôi thường chỉ ăn tí cơm tí canh, còn các món khô như giò, chả, thịt gà luộc… thì len lén gói lại mang về nhà cho con”.

Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong (*), từng làm Phó TBT tạp chí “Thị trường và Giá cả” giai đoạn 1983-1995, cũng kể rằng thời bao cấp, nhà báo đi đây đi đó, rất hay được cơ sở tặng cho khi thì chai nước mắm, lúc lại cân cá khô. “Như thế là quà quý lắm đấy, vì có thể đem về Hà Nội ăn dần hoặc bán lại. Kể ra đó cũng là những niềm vui nho nhỏ, giản đơn của nghề báo”.

Và nỗi niềm…

Cây bút gạo cội, tác giả Trần Đình Vân của “Sống như Anh” nổi tiếng năm nào, nhà báo Thái Duy, không giấu cảm giác buồn và nuối tiếc khi nói về “báo chí thời bao cấp”: “Không cạnh tranh. Không sạp báo – ai muốn đọc phải ra bưu điện mà mua. Nói thật là ngày ấy báo chí chẳng mấy người đọc, nên nhà báo cũng mất nghề. Tôi đơn cử như đưa tin về kỳ họp Quốc hội chẳng hạn, làm gì có tường thuật, phỏng vấn như bây giờ. Khai mạc, bế mạc, đã có Thông tấn xã đưa tin, chúng tôi chỉ việc lấy lại, hoặc lấy bài phát biểu đã duyệt kỹ của đại biểu Quốc hội. Không có nghề”. Ông trầm ngâm hồi lâu khi phải so sánh: “Bây giờ thì báo chí được viết đủ kiểu. Bây giờ người viết báo có rất nhiều việc để làm”.

Bản thân “người của Thông tấn xã”, ông Trần Đình Thảo, cũng than: “Làm báo ngày trước buồn vì kỹ thuật kém, thông tin lưu chuyển khó khăn. Có cả nỗi buồn vì sự phong tỏa thông tin. Viết về họp Quốc hội thì chúng tôi cũng chỉ đưa tin khai mạc, bế mạc ra nghị quyết. Bây giờ phỏng vấn là một thể loại báo chí, ngày xưa phỏng vấn chỉ là để xin tài liệu thôi. Hầu như không có phỏng vấn hỏi - đáp trên mặt báo, muốn phỏng vấn là phải trình văn bản có đóng dấu, ký tên. Ngày trước, làm gì có chuyện đấu tranh chống tham nhũng trên báo? Làm gì có điều tra?”.

Không đấu tranh, không điều tra, và không có cả thiên tai, mất mùa. Cùng lắm thì có tin đồng chí X đi thăm hỏi đồng bào ở tỉnh Y, nơi đang hăng hái phục hồi, tăng gia sản xuất sau đợt mưa lũ ngày trước.

Viết các tin, bài chính trị, tin bài nào cũng phải duyệt qua 4-5 cửa ải (ông Thảo gọi đùa là “vũ môn”). Đưa tin một đồng chí lãnh đạo cấp cao đi thăm triển lãm (lúc 10h sáng) thì viết xong phải đạp xe mang bài tới tận nhà riêng (2h chiều) và ngồi chờ đồng chí duyệt hoặc chỉ đạo thư ký làm việc trực tiếp với phóng viên, sửa từng từ từng câu… cho tới 5h chiều, rồi hối hả về tòa soạn xử lý - theo nghĩa là dùng nguyên bản đã sửa, không được sai một chữ.

Ảnh tư liệu (VOV/báo Thái Nguyên).

Một nền báo chí sạch bong lá cải

Tiếp câu chuyện so sánh “thời xưa, thời nay”, các nhà báo chỉ ra một đặc điểm nổi bật của báo chí trước Đổi Mới: Không đưa tin lá cải, được hiểu chung là những chuyện giật gân, có liên quan tới bạo lực, tình dục hoặc đời tư người nổi tiếng, hoặc tào lao vô bổ.

Mảng văn hóa – văn nghệ thỉnh thoảng mới có một bài như là “Nghệ sĩ Trà Giang với những kỷ niệm về Bác Hồ”. “Đời tư” lắm thì nhà báo cũng chỉ viết rằng nghệ sĩ từng là học sinh miền Nam, rất yêu mến Bác Hồ, khi đóng phim “Ngày lễ thánh” đã chủ động về vùng đạo hàng tháng trời để sống cùng giáo dân, thâm nhập, quan sát thực tế. Nhà báo Trần Đình Thảo nói về một kỹ thuật viết thời đó: “Có thể đưa các thông tin thuộc về đời tư nếu đó là chi tiết phục vụ cho việc làm đẹp thêm nhân vật. Ví dụ giữa hai điển hình học giỏi thì sẽ chọn cậu bé chăn vịt, con nhà nghèo, thay vì chọn cậu con trai ông bí thư hay chủ tịch tỉnh”.

Quả thật, báo chí những năm trước Đổi Mới hết sức nghiêm túc khi viết các bài chân dung. Chẳng hạn, người đọc báo thập niên 70-80 thế kỷ trước có thể nhớ mãi những gương mặt học sinh đoạt giải toán quốc tế từng được nhà báo Hàm Châu khắc họa chân dung, như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Nguyễn Thị Thiều Hoa… Đó là những nhân vật tuyệt đẹp: yêu khoa học, ham học, chăm lao động, thương yêu gia đình, đoàn kết chân thành với bạn bè. Tuy nhiên, điều này cũng làm nên một đặc điểm chung: Mọi chân dung đều quá tròn trịa, vẹn toàn. Nhân vật nào cũng hoàn hảo, không tì vết.

So với ngày ấy, báo chí, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nay đã quá khác. Ông Thảo cười bảo, trước Đổi Mới, quyết là không có chuyện báo “đăng ảnh cô diễn viên bụng lùm lùm để đưa tin cô ấy có bầu, thậm chí còn khoanh cái vòng tròn vào bụng cô ta”. Tuyệt nhiên không có những tin kiểu Hồ Ngọc Hà có bầu với Cường đô-la. Xu thế lá cải hóa này, theo ông, giờ đã đến mức báo động. Tin “tào lao” đầy mặt báo. Chức năng giải trí - xưa kia là điều tuyệt đối không có ở báo chí ta - đã lên ngôi.

Tirage - nỗi lo muôn thuở

Và nỗi lo vẫn còn đó: Báo chí ngày nay phong phú hơn, vui hơn, dễ đọc hơn, đáng đọc hơn, tóm lại là hay hơn, nhưng tirage (lượng phát hành) mỗi tờ vẫn không cao hơn, vẫn chỉ ở mức 5 con số như thời bao cấp, họa hoằn mới có tờ đạt 6 con số. “Thời bao cấp, tirage phản ánh số người được quyền dùng tiền Nhà nước mua báo, được phép đọc báo. Thời nay, tirage là con số người bỏ tiền túi ra mua báo. Thời thế đã thay đổi. Nhưng vẫn không một tờ nào được phát hành tới triệu bản, đó là điều đáng buồn” - nhà báo Thái Duy nhận định.

Việc người đọc phải chuyển từ “xài chùa” sang “chi tiền túi”, trong khi mặt bằng giá báo tăng lên, có thể là một trong các nguyên nhân khiến tirage báo chí vẫn còn thấp. Ngoài ra, người ta cũng nhanh chóng chỉ ra một yếu tố quan trọng đứng sau chuyện này: sự xuất hiện của Internet. Một thống kê không chính thức cho thấy bản thân các báo in đã đưa tin trùng nhau tới 70-80%, ngay số tin bài trùng nhau đó cũng có thể được dễ dàng tìm thấy trên báo điện tử. “Điểm yếu của báo chí hiện nay là không còn những thông tin độc quyền, làm nên sức mạnh, sức hút của tờ báo” - ông Trần Đình Thảo nói. “Mà nếu có thì báo mạng cũng sẽ cóp, xào lại hết”.

Điều an ủi là hiện tượng “lá cải hóa” và “tirage sụt giảm” xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Trong khoảng hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của Internet và các loại hình giải trí đã khiến báo chí truyền thống khốn đốn. Một nhà nghiên cứu người Mỹ, ông Alex Jones, giải thích rằng: “Khi người ta phải lựa chọn đưa tin gì trên cơ sở cái gì thu hút khán giả nhiều nhất, chứ không dựa vào tầm quan trọng của tin tức, thì khi đó các tiêu chuẩn dành cho tin lá cải được áp dụng. Các tòa soạn báo chí nghiêm túc biến dần thành tòa soạn tin lá cải… Khuynh hướng hiện tại là lá cải hóa - nghĩa là hình thành một nền báo chí mà ưu tiên duy nhất là lợi nhuận chứ không phải là lợi ích công kết hợp với lợi nhuận”.

Xu hướng đó đang là mối nguy nan cho báo chí Mỹ, và cũng không xa lạ với Việt Nam, mặc dù nền báo chí Việt Nam mới đang trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, nghĩa là tách dần khỏi hoạt động tuyên truyền. Cùng một lúc, báo chí Việt Nam vừa phải chuyên nghiệp hóa vừa phải lá cải hóa.

Thế hệ những người làm báo ngày nay có lẽ vừa may mắn, vừa không may mắn. May vì họ làm báo trong một đất nước đang chuyển đổi, nơi xã hội có rất nhiều điều chưa biết, muốn biết và cần được biết, nơi nhu cầu thông tin của công chúng là rất cao. Các tờ báo luôn có nhiều khoảng trống để lấp. Các nhà báo luôn có nhiều chủ đề để viết. Nhưng không may mắn, bởi vì cùng một lúc, họ bị áp lực phải cuốn theo cả cái đà chuyên nghiệp hóa lẫn lá cải hóa của báo chí.


--------
(*) Ông Đặng Phong đã mất ngày 20-8-2010.

Saturday, 16 October 2010

"Giải mã" cách đặt tên phố ở thủ đô

Các đường phố ở thủ đô ngày nay được đặt tên không phải tùy tiện, ngẫu hứng, mà phần lớn tuân theo một quy tắc đã có từ năm 1945. Những ý kiến ủng hộ xem đây là một điểm đáng khen ngợi trong công tác quản lý đô thị của Hà Nội.

Trong hoạt động quy hoạch và quản lý đô thị, đặt tên đường chưa bao giờ là việc nhỏ. Nhiều thành phố trên thế giới có những “chính sách” riêng trong việc này. Ví dụ, ở Brisbane (Queensland, Úc), các con phố ở khu trung tâm được đặt tên theo các nhà vua và nữ hoàng Anh. Các phố tên vua song song với nhau và cắt các phố tên nữ hoàng (cũng song song với nhau).

Tại các thành phố lớn ở Mỹ, đường xá nói chung được đặt theo tên con số, quang cảnh, cây cối, chẳng hạn Oakhill (Đồi Sồi) là tên kết hợp giữa “đồi” và “cây sồi”. Lấy tên danh nhân vật đặt cho đường cũng là một truyền thống ở nhiều nơi trên thế giới: đại lộ Wilson ở Brooklyn (New York), phố Enrico Fermi ở Rome, đại lộ Victor Hugo ở Paris v.v. Hoặc dựa theo một nghề kinh doanh đã từng phổ biến ở con đường đó: phố Haymarket (như kiểu Hàng Cỏ của ta), phố Millstone (cối xay gió) ở London… (nguồn: Wikipedia)

Ở Hà Nội, việc đặt tên phố phường theo tên các anh hùng, danh nhân là cách làm phổ biến nhất. Song, đáng chú ý là các tên tuổi không bị xếp lộn xộn mà theo một trật tự rõ ràng. Quy tắc ấy như thế này: Phố phường Hà Nội (phần chưa mở rộng) được đặt theo từng cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử.

Một cách “học lịch sử trên đường phố”

Có thể xem mạn quanh Hồ Gươm - trung tâm thủ đô - là “khu vực” của các triều đại mở đầu cho lịch sử đất nước: Ngô, Đinh và Tiền Lý. Các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những con đường lớn, rất đẹp và nằm gần nhau ở nơi trung tâm thành phố. Đi về hướng Cung Văn hóa Hữu nghị là “địa phận” của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành.

Những phố phía hồ Tây mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân. Những phố nằm gần Doanh trại Quân đội trên đường Trường Chinh được đặt theo tên các vị tướng tài ba của Việt Nam: Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, và đội trưởng du kích Nguyễn Ngọc Nại (hy sinh trong chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô).

Một loạt phố mới mở, nằm khá gần nhau trên địa bàn giáp ranh ba quận Thanh Xuân - Ba Đình - Đống Đa, lấy tên các nhà văn hiện thực thời 1930-1945: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng…

Trật tự này tất nhiên chỉ được áp dụng một cách tương đối, bằng chứng là ta vẫn có phố Nguyễn Khuyến nằm “gối đầu” vào con đường thiên lý Lê Duẩn dù đó là hai danh nhân ở hai thời kỳ cách xa nhau. Tuy thế, cũng thú vị nếu đang ở phố Trần Hưng Đạo, ta có thể đoán rằng hai con phố Yết Kiêu, Dã Tượng nằm gần đó. Hoặc đường Trần Quang Khải thì nhất định ở gần đường Trần Nhật Duật. Với những người có chút quan tâm đến lịch sử Việt Nam thì đây là một quy tắc đặt tên đường phố giúp người ta dễ tìm lối đi. Nhưng quan trọng hơn là nó cho thấy một tính toán khoa học và có văn hóa của những người đứng đầu một thành phố.

Tượng Bà Đầm Xòe

Tác giả của sáng kiến đặt tên

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trước thời thuộc Pháp, phố phường Hà Nội cũ được đặt tên theo một số cách. Chẳng hạn, dựa theo các dải đất hoặc công trình mà phố đi qua, như phố Cầu Gỗ vốn nằm gần một cái ngòi nối vào Hồ Gươm, trên ngòi này bắc một cây cầu làm bằng gỗ. Phố Tràng Tiền có một “trường đúc tiền” xây dựng từ năm 1807, chuyên sản xuất tiền đồng để gửi vào kinh thành Huế và lưu hành trên toàn quốc. Cách khác là lấy tên các sản vật mà người phố đó buôn bán, ví dụ Hàng Điếu thời xưa chuyên bán các loại điếu hút thuốc lào, Hàng Dầu bán dầu lạc, dầu vừng, Hàng Muối bán muối…

Tới thời thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp tiến hành dịch những tên này sang tiếng Pháp, chẳng hạn Hàng Điếu thành “rue des Pipes”, Hàng Muối thành “rue de Sel”. Bên cạnh đó, họ du nhập truyền thống lấy tên danh nhân đặt cho đường phố vào nước ta, chỉ có điều các con đường được đặt tên theo lối này đều phải mang tên danh nhân… người Pháp. Họ đặt một loạt tên mới: Laveran (phố Lê Văn Hưu ngày nay), Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền), mở mới đường Francois Garnier - viên đại úy đánh thành Hà Nội – chính là đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ, mở mới đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay). Con phố Tràng Tiền đẹp đẽ biến thành “rue Paul Bert”.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 20 tháng 7, bác sĩ Trần Văn Lai nhậm chức Đốc lý Hà Nội. Từ đó cho tới ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra, nhiệm kỳ của ông kéo dài chưa được một tháng.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Thị trưởng Trần Văn Lai đã kịp thực hiện một công việc quan trọng cho Hà thành: sửa đổi và hệ thống lại tên đường phố. Ông Nguyễn Vinh Phúc nêu rõ: Việc đầu tiên là Thị trưởng cho kéo đổ một loạt tượng đài thực dân, như tượng "bà đầm xòe" ở vườn hoa Cửa Nam, tượng Toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay).

Song song với đó, chính quyền Trần Văn Lai bỏ hết những tên phố của Pháp để đổi thành tên các danh nhân Việt Nam, theo quy tắc mà ngày nay đang tuân thủ: Tên danh nhân lớn đặt cho phố lớn, phố chính, tên các danh nhân hoặc vùng đất liên quan thì đặt cho các phố thứ, phố xương cá. Ví dụ, Trần Hưng Đạo là phố chính thì có một loạt phố nối vào mang tên Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, rồi các ngõ Vạn Kiếp, Tức Mạc. Phố chính Lê Thái Tổ nối với các phố thứ Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ - những viên tướng tài của vua Lê. Mạn sông Hồng vinh danh các tướng thủy chiến nổi tiếng đời Trần: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái.

Các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng, tầm nhìn về quy hoạch của bác sĩ Trần Văn Lai thật đáng nể, khi cách đặt tên có tính khoa học của ông khiến đường phố ở Hà Nội được hệ thống lại, những tên phố chính thì giữ ổn định, như chúng ta vẫn dùng cho đến nay. Nhà văn Tô Hoài cho biết, hầu hết tên đường và phố Hà Nội đều do ông Trần Văn Lai đặt. Thị trưởng Trần Văn Lai cũng là người định tên gọi “Quảng trường Ba Đình” cho khoảng đất trước Phủ Toàn quyền mà nay là Phủ Chủ tịch.

Quy hoạch tên phố ngày nay

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong việc đổi hoặc đặt tên mới cho đường phố hiện nay, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố có thành lập một hội đồng tư vấn riêng để tham khảo ý kiến, gồm nhiều nhà sử học uy tín. Ông bảo: “Có lẽ vì vậy mà công việc này đang dần đi vào quy củ hơn, sau một khoảng thời gian lộn xộn, có phố mới mở, thích tên gì thì đặt tên ấy, thích đổi tên thế nào thì đổi, không hỏi ý kiến ai cả”. (Vì sự “thoải mái” đó nên mới có chuyện đường Lê Duẩn tiếp giáp phố Nguyễn Khuyến như ngày nay).

Cách làm khi xưa của cụ Trần Văn Lai giờ đang được Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố của Hà Nội thực hiện theo: Các phố mới của thủ đô được đặt tên theo một cụm có ý đồ khá rõ, ví dụ loạt "phố nhà văn" Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng…; "phố văn nghệ sĩ" Văn Cao, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân… Ngay cả đoạn phố nhỏ Vũ Thạnh, mới có tên cách đây vài năm, cũng được xếp một cách hữu ý bên phố Hào Nam: Trại Hào Nam vào thế kỷ 17 là nơi ở của nhà sư phạm nổi tiếng - Thám hoa Vũ Thạnh.

Hà Nội nay đã mở rộng gấp 3,5 lần, số lượng đường phố sẽ tăng ít nhất là gấp đôi, đòi hỏi một sự sắp xếp, hệ thống lại và đặt mới rất nhiều tên gọi hành chính. Ông Nguyễn Vinh Phúc tỏ ý mong rằng quy tắc đặt tên phố của cụ Trần Văn Lai thời 1945 sẽ được Hà thành duy trì và tôn trọng. Ông khẳng định: "Tên thì không thiếu. Chúng ta đâu có thiếu danh nhân, nhà văn hóa, anh hùng cách mạng... Vấn đề chỉ là đặt ai vào đâu cho hợp lý".


http://phapluattp.vn/2010100712010586p0c1021/giai-ma-cach-dat-ten-pho-o-thu-do.htm

Saturday, 9 October 2010

Ngụy biện về "Đường tới thành Thăng Long"

Câu chuyện xoay quanh bộ phim cổ sử Việt Nam nhưng đậm chất Trung Hoa, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, tưởng đã lắng xuống nhưng rồi vẫn tiếp tục gây dư luận, sau khi nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng bênh vực những nhà làm phim.

Trong một xã hội đa nguyên, việc tồn tại những ý kiến khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, về một sự vật, hiện tượng nào đó, là rất đỗi bình thường. Cái đáng nói ở đây chỉ là sự ngụy biện lộ liễu ở phần lớn các ý kiến ủng hộ phim “Lý Công Uẩn”, mà ngay một nhà nghiên cứu như ông Dương Trung Quốc cũng mắc phải. Ta hãy xem một ngụy biện rất điển hình khi ông phát biểu: “Vì sao mà Lý Công Uẩn lại mặc triều phục như hệt vua phương Bắc? Cái thắc mắc này đã từng được nêu lên khi tượng đài đức Lý Thái Tổ dựng bên bờ hồ Hoàn Kiếm cách nay đã 5 năm. Nếu coi đó là biểu hiện không đề cao tinh thần dân tộc thì hãy đặt câu hỏi cho chính người đặt ra câu hỏi rằng họ mặc gì, đông đảo người dân và các quan chức cao cấp nhất lúc ấy ăn mặc ra sao?”.

Trong tranh biện, người ta xếp lập luận kiểu này vào một phép ngụy biện có tên là “Sức ép bằng chứng” (tiếng Anh: Burden of Proof), GS Nguyễn Văn Tuấn gọi/ dịch là “luận điệu ngược ngạo”. Đó là khi thay vì chứng minh quan điểm của mình, người phát biểu đẩy gánh nặng tìm bằng chứng sang đối thủ. Nhiều trường hợp, khi thấy bên A thiếu bằng chứng hỗ trợ cho một quan điểm nào đó, bên B liền coi như mình đã có đủ bằng chứng, kiểu như: “Ông A không thể chứng minh được rằng linh hồn không tồn tại. Như vậy là linh hồn có tồn tại”.

Tôi thấy hình như một biến thể của kiểu ngụy biện này là: Khi có một số ý kiến cho rằng Nhà nước Việt Nam có biểu hiện ứng xử hèn yếu trước Trung Quốc, bằng chứng là blah, blah, blah, và phe phản bác, thay vì đưa ra bằng chứng cho thấy Nhà nước Việt Nam đã không hèn yếu, thì lại thách thức: "Các vị giỏi thì mang súng đạn ra biển đánh nhau với Trung Quốc, bảo vệ ngư dân, bảo vệ hải đảo đi".

Ở phát biểu trên của ông Dương Trung Quốc, ông không đưa ra chứng cứ nào bảo vệ cho cách phục trang, thiết kế bối cảnh “Trung Hoa” của phim, mà quay sang “đặt câu hỏi cho chính người đặt ra câu hỏi”, đẩy "burden of proof" sang phía đối thủ. Trên thực tế, có lẽ cả ông Quốc, cả những người ủng hộ lẫn người phản bác bộ phim này đều không biết thời Tiền Lê - Lý, dân phục và quan phục nước ta như thế nào. Và đơn giản là, nếu không biết thì không được làm như đối tác ở nước lạ, à nước bạn, muốn; nếu không biết thì điều tốt nhất các nhà làm phim có thể thực hiện là hãy cố gắng hướng tới việc tạo ra “chất Việt, hồn Việt” trong tác phẩm. Vì sao những truyện tranh lịch sử nổi tiếng của chúng ta, ví dụ Sát Thát (họa sĩ Nguyễn Bích), lại ra được hồn Việt, lại không gây cảm giác xa lạ cho người xem như phim Lý Công Uẩn?

Tranh luận, thảo luận là điều bình thường, nên khuyến khích. Tuy nhiên, việc các phép ngụy biện xuất hiện trong phát biểu của một nhà khoa học cho thấy văn hóa tranh luận trong xã hội Việt Nam còn cần được cải thiện thêm.


* * *

Vĩ thanh

Về bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", tôi thấy có nhiều luồng ý kiến. Trong đó có một luồng ủng hộ phim này (ủng hộ nói chung, không cụ thể là "ủng hộ sản xuất tại Trung Quốc", "ủng hộ cách làm phim", "ủng hộ thiết kế của phim", hay "ủng hộ phát sóng"), viện dẫn quyền tự do sáng tạo, tự do sáng tác của các nghệ sĩ.

Tôi nghĩ rằng, trong một xã hội dân chủ, nhất thiết phải có tự do ngôn luận (bao gồm cả tự do đồng ý lẫn tự do không đồng ý với ai đó); tự do sáng tác; tự do thông tin; tự do bầu cử và hạ bệ ai đó v.v.

Ở trường hợp phim "Lý Công Uẩn", tôi ủng hộ quyền tự do sáng tác và tự do kinh doanh (theo pháp luật) của các nhà làm phim. Nhưng nếu phim phát sóng toàn quốc trên đài trung ương thì là một chuyện khác, vì – theo ý kiến cá nhân tôi – phim có thể gây những hiểu lầm hoặc những tình cảm không tốt (theo đánh giá của tôi) ở một bộ phận khán giả vốn không dễ tiếp cận thông tin và vốn rất dễ tin tưởng vào sự thần thánh của đài truyền hình. VTV phát gì họ cũng tin nội dung đó là thật, là đúng, thậm chí, là chân lý.

Như vậy, nếu phim được phát sóng toàn quốc, trên đài truyền hình trung ương (chưa bàn tới khả năng phát vào giờ vàng, dịp đại lễ), thì như vậy là bảo đảm quyền tự do sáng tác của các nghệ sĩ làm phim. Nhưng nếu thế, tôi mong muốn là chính quyền (hoặc ai đó/ cơ quan nào đó có quyền quyết định) hãy đảm bảo luôn cả các quyền sau:

1. quyền tự do sáng tác của tất cả các nghệ sĩ sản xuất các bộ phim khác ở Việt Nam. Tất cả các phim khác sản xuất xong đều có quyền được phát sóng toàn quốc trên đài trung ương, không bị cắt sửa. Trong lịch sử điện ảnh – tài liệu – truyền hình Việt Nam, đã rất nhiều sản phẩm bị kiểm duyệt tới mức “tàn phá”, hoặc tệ hơn, nằm trong kho vĩnh viễn. Những người làm ra các sản phẩm đó có quyền phẫn nộ, vì sao phim của họ bị đối xử như thế, còn nhà sản xuất của Lý Công Uẩn thì được bảo vệ “tự do sáng tác”?

2. quyền tự do thông tin cho khán giả: Phim được phát sóng kèm những chú thích rõ “đây là sản phẩm hư cấu, nội dung phim này không có giá trị tư liệu/ còn gây tranh cãi”. Đặc biệt phải đảm bảo quyền này đối với những khán giả không có điều kiện tiếp cận thông tin, ví dụ người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

3. quyền tự do cho giáo dục - truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng: Việc nghiên cứu lịch sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung, việc dạy sử ở nhà trường, báo chí - xuất bản... cần được cởi trói, để người dân, một cách hết sức cụ thể, có thể biết được phim này là hư cấu, phim kia là thật, "Hẹn gặp lại Sài Gòn" là phim tốt, "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong" là một bộ phim nhăng nhít... chẳng hạn thế.

4. quyền tự do ngôn luận, bao gồm tự do phản đối (phi bạo lực, không xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác), và đi kèm với tự do lập các hội phản đối, chẳng hạn Hội “Tẩy chay công ty Trường Thành”, “Tẩy chay bọn nào sang Trung Quốc làm phim Việt” v.v. đại loại vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng phe phản đối phim Lý Công Uẩn đã chà đạp tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Nhưng các ý kiến ấy chưa tính đến một điều là trong phe này, có những người chỉ thể hiện sự phản đối của mình một cách ôn hòa, đối thoại. Những người đó cũng xứng đáng được nghe đối thoại thay vì bị chụp cho cái mũ “dân tộc chủ nghĩa”, "cực đoan", “đàn áp tự do” v.v.

Trở lại với phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long", cá nhân tôi không đòi hỏi cấm phim này. Tôi chỉ đề nghị, nếu phát sóng phim thì hãy đảm bảo 4 quyền tự do tôi vừa nêu ở trên. Chắc chắn là ba quyền đầu tiên... đi đứt luôn, phải không các bạn?

Một người bạn của tôi có đề cập tới giải pháp phát hành bộ phim dưới dạng đĩa DVD để ai thích thì mua/ mượn về mà xem. Xin ủng hộ sáng kiến này.

Saturday, 2 October 2010

Hà Nội đáng yêu, đáng giận, đáng thương

Tôi vừa trở về Hà Nội sau một đợt công tác tại TP.HCM. Như mọi cuộc đi và về khác, chuyến công tác này cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc cả vui và buồn.

Phần lớn là niềm vui, vì những tấm lòng bạn bè miền Nam cởi mở, chân thành, tự nhiên – lẽ ra phải nói là “tự nhiên như người Sài Gòn” mới đúng. Chẳng mấy khi ở Hà Nội mà tôi có thể nắm tay các bạn nhảy múa, có thể hô một tiếng “nhậu đi” rồi kéo nhau ra bờ kè, tức kênh Nhiêu Lộc, ăn uống và đàn hát trắng đêm.

Chẳng mấy khi ở Hà Nội tôi có thể điềm nhiên bước vào một nhà hàng hay quán nước, ngồi vắt chân và chờ cô hay cậu bồi bàn tiến lại, lễ độ: “Dạ, chị dùng gì?”. Tôi sẽ trả lời ngắn gọn và chờ được phục vụ rất nhanh chóng sau đó, gọn gàng, khẽ khàng, không xủng xoẻng như thể sắp làm vỡ ráo cả mớ chén bát, ly cốc. Tôi cũng sẽ không phải nhìn những bộ mặt lạnh băng, và nhất là không bị người phục vụ “khuyến mãi” cho một ngón tay cái ngập vào bát nếu như tôi có lỡ gọi món phở.

Sài Gòn rộng thênh thang, nhiều hàng quán, nhiều đồ nhậu ngon rẻ và nhiều chỗ vui chơi mở cửa tới khuya. Nói chung ở đó, một “người Hà Nội khắc khổ” là tôi có cảm giác được hưởng thụ hơn một chút.

Nhưng sau những niềm vui, cũng đọng lại cả nỗi buồn. Một nỗi buồn, như dân teen bây giờ hay nói, “rất chi là bao đồng”.

Người Hà Nội xấu xí

Nỗi buồn ấy thực chất là cảm giác tủi thân và xót xa khi thấy nhiều người Sài Gòn không ưa Hà Nội đến thế. Điều này được thể hiện một cách không giấu giếm, qua những lời bình phẩm, qua thái độ - vốn chân thật – của người Sài Gòn. Dân Sài Gòn, cụ thể là nhiều người tôi đã gặp, nghĩ về Hà Nội như một cái gì rất thủ cựu, lạc hậu, chậm tiến, đã thế lại còn kênh kiệu, tự cho mình là thủ đô thanh lịch, tóm lại là tệ hại.

Câu cửa miệng là “dịch vụ ngoài đó chán lắm phải không?”, “ngoài đó lừa đảo nhiều lắm phải không?”. Có lần, ở một quán nước trong TP.HCM, khi chúng tôi muốn rời từ bàn này sang bàn khác, bạn tôi ngoắc người phục vụ, ra hiệu “chuyển bàn giùm”. Sau khi chúng tôi đã yên vị ở chỗ ngồi mới, bạn hỏi tôi: “Ở ngoải chắc phục vụ không kê bàn ghế cho khách đâu hả, mình phải tự làm hả?”. Ấn tượng về “phở quát, cháo chửi” in vào tâm trí các bạn quá sâu nặng rồi.

Ăn một món gì đó, tôi cũng có thể được nghe giới thiệu: “Ở ngoài Hà Nội không có cái này đâu nha”.

Thời gian gần đây, gây mất thiện cảm nhất cho người Sài Gòn có lẽ chính là… chiến dịch mừng Đại lễ 1000 năm của Hà Nội. Một chiến dịch gắn với đủ loại bê bối: sơn vàng phố cổ, lát ngói xanh vỉa hè, bươi nát vỉa hè. Hà Nội nghìn năm thành đại công trường khói và bụi. Rồi mùa hè đổ lửa với 45 độ ngoài trời tháng sáu, cúp điện World Cup, ngập lụt mưa tháng bảy. Thủ đô gì mà mưa xuống một tí, ba người chết vì điện giật, một người bị rắn cắn. Rồi hàng tỷ đồng xây cổng chào, làm phim Lý Công Uẩn “lai Tàu”. Vân vân, vân vân. Động vào đâu cũng nghe và thấy bê bối, lãng phí, thẩm mỹ kệch cỡm, văn hóa lùn. Một không khí “nhốn nháo kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.

Hình ảnh Hà Nội trong mắt người dân TP.HCM giờ đây có lẽ hỏng mất rồi.

Nguồn ảnh: VOVGT (VOV Giao thông)

Đáng thương hơn đáng giận

Tôi buồn, vì ngay trước mặt tôi, các bạn miền Nam của tôi thể hiện suy nghĩ và nói về Hà Nội tiêu cực như thế. Một Hà Nội thủ đô thủ cựu, lạc hậu, xấu xí. Khi nghĩ vậy về Hà Nội, Sài Gòn - TP.HCM cũng mặc nhiên nhận về mình những gì là tiến bộ, văn minh, đẹp đẽ.

Nỗi buồn sở dĩ mang màu sắc “bao đồng” bởi tôi không muốn thấy trong cùng một đất nước, người dân hai miền – mà là hai thành phố thuộc hàng hiện đại nhất nước - mãi giữ những ấn tượng không tốt đẹp về nhau.

Đến bao giờ người Việt Nam mới biết đoàn kết, thương yêu nhau?

Hà Nội có thực tệ hại? Đặt sang một bên tình cảm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi phải trả lời thành thực rằng: Có, Hà Nội khá tệ hại, càng tệ hại hơn khi đó là một thủ đô, được kỳ vọng là nơi thanh lịch nhất, nơi hội tụ và kết tinh nền văn hóa của cả một đất nước có chiều dài 4000 năm lịch sử. Có thể không tới con số 4000, nhưng thủ đô của một quốc gia thì rõ ràng phải là bộ mặt đại diện cho văn hóa của xứ sở. Nhưng Hà Nội, ngoại trừ một vài tuyến phố “linh thiêng”, bẩn quá, bụi quá, lắm rác quá.

Những người chúng ta gặp trên phố phần đông là thô lỗ, ích kỷ, hiếu chiến. Họ có thể vượt đèn đỏ vì không chờ nổi vài chục giây ở ngã tư, phóng long tóc gáy, như thể đang bận rộn lắm, hối hả lắm, thế rồi nhác thấy một tai nạn giao thông thì dừng lại xem, mất toi 45 phút. Họ sẵn sàng tranh cướp nhau từng mét đường mỗi lúc kẹt xe, và rất nhiệt tình ném vào mặt nhau những lời tục tĩu nhất. Có thể không ít trong số họ là người có học, nhưng không hiểu sao cứ hễ ra ngoài đường là cái tinh túy của Chí Phèo lại phát tác.

Có lẽ do hoàn cảnh. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng con đường làm nên tính cách người đi đường. Bụi thế, chật chội thế, ồn ào thế, một năm mấy tháng trời nóng thế, lại thêm cuộc sống vội vàng gấp rút, người ta hòa nhã với nhau làm sao được.

Đã từng có thời

Chắc là do hoàn cảnh. Bởi, điều làm tôi băn khoăn về tính cách Hà Nội, là hình như đã từng có thời người Hà Nội không thô lỗ, hung bạo. Không lẽ câu “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là một câu ca dao không có chút cơ sở thực tế nào?

Ông tôi, cụ giáo trường Hàng Kèn năm xưa, sinh thời từng thủ thỉ với tôi rằng: “Trước năm 1954, trẻ con Hà Nội không biết chửi bậy”. Chẳng biết trí nhớ của ông có ghi nhận đúng đặc điểm đó của trẻ con thủ đô không, nhưng bản thân ông thì đúng là không biết nói tục, không văng bậy được dù chỉ một từ. Đi trên phố, mỗi lần thấy đám tang qua, ông lại dừng bước, cung kính ngả mũ chào người vừa qua đời. Không bao giờ ông nói nặng với ai một câu. Ngay với đám cháu lít nhít nội ngoại, có sai các cháu làm gì, ông cũng dùng lời lẽ hết sức lịch thiệp: “Nếu có thể, cháu giúp ông…”.

Những người giúp việc trong nhà rất quý ông, “cụ giáo Hàng Kèn”. Chắc chắn họ chưa bao giờ nghĩ ông “bóc lột”, kênh kiệu, cậy mình trí thức thủ đô khinh rẻ dân lao động ngoại tỉnh.

Từ lúc nào ở thủ đô, người lớn biết chửi bậy, rồi trẻ con theo đó mà bắt chước? Có lẽ điều này đòi hỏi chúng ta phải “truy tầm” về nguồn gốc của những từ tục của bây giờ, mà đó là việc nằm ngoài khả năng cũng như bài viết này của tôi.

Ngoài ra, tôi cũng không tin là người Hà Nội thời trước 1954 hoàn toàn không chửi bậy. Đọc hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, thấy ông có nhắc tới những tiếng lóng, những câu hát xuyên tạc rất tục những năm 20-30 của thế kỷ trước. Nói cho đúng, ngày xưa Hà Nội phân biệt rõ ràng hơn giữa tầng lớp trí thức “có học, có chữ nghĩa” (tức “có văn hóa”) và tầng lớp bình dân, trong đó có thể bao gồm cả thành phần du thủ du thực ít văn hóa. Còn ngày nay, tầng lớp “văn hóa thấp” đã “xâm thực” khắp xã hội. Số đông cư dân ở Hà Nội hiện nay, nếu tự đánh giá mình là thanh lịch, sâu sắc, thâm trầm, thì quả là lố bịch.

Song, tôi tin không phải người Hà Nội luôn thô lỗ và kênh kiệu, cũng như không phải mọi công dân thủ đô đều có tính xấu ấy. Không phải người Hà Nội nào cũng thích ăn “phở quát cháo chửi”, cũng chẳng phải hàng quán nào ở Hà Nội cũng có những thiên-thần-mậu-dịch-viên đáng sợ.

Nhiều tính cách tệ hại của dân chúng Hà thành có lẽ đã xuất phát từ hoàn cảnh, mà nếu thực vậy thì Hà Nội đáng thương hơn là đáng giận.

… Và đáng yêu

Với riêng tôi, Hà Nội còn có sự đáng yêu, cái đáng yêu của một thành phố trẻ đang phải gồng lên làm nhiệm vụ của một thủ đô nghìn năm.

Sẽ còn rất nhiều, vô số bất cập và lộn xộn, nhưng thảng hoặc cũng có những nét cho thấy một nỗ lực của Hà Nội vươn lên làm thủ đô văn hiến. Con đường gốm sứ ven sông Hồng, tuy một số đoạn vừa hoàn thành đã nứt, nhưng nhiều đoạn màu sắc long lanh rực rỡ. Con mắt thô thiển của tôi dám chắc như thế là đẹp, và chắc chắn là đẹp hơn khi không có đường gốm sứ ấy.

Những gì là xấu xí, tiêu cực, ước mong thủ đô sẽ xóa chúng đi dần dần. Nếu tính xấu đã do hoàn cảnh mà mọc ra thì cũng có thể hy vọng chúng sẽ mất đi khi hoàn cảnh thay đổi, để một nền văn hóa mới sẽ hình thành ở Hà Nội, thanh lịch hơn, sâu sắc hơn mà cũng cởi mở hơn.

Hà Nội, trong tôi, cũng đáng nhớ nữa. Vào năm 2000, tôi từng viết trong một bức thư gửi những người bạn ở phương xa, rằng thế hệ chúng tôi may mắn được trải qua thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ đáng nhớ, 1000 năm mới có một lần. Mấy ai được đón chào và cảm nhận thời khắc ấy? Lịch sử vốn dài đằng đẵng. Nói như Nguyễn Huy Thiệp, 1000 năm trước, biết hoa ban có trắng như bây giờ?

Nếu quan niệm như thế, tôi sẽ thấy năm 2010 này lại cũng là một thời gian đáng nhớ trong đời mình. Hàng chục triệu gương mặt người Việt Nam đã mờ nhòa trong lịch sử, nào phải ai cũng được đón sự kiện nghìn năm Thăng Long như chúng tôi đây? Để rồi mai kia một cụ ông nào đó còn có chuyện mà kể cho con cháu nghe: “Hồi ấy, ông hay đi dọc con đường gốm sứ với bà. Hơi nhiều bụi một tí, nhưng đường mát và đẹp lắm, bà cũng đẹp. Cái chỗ ấy bây giờ là gì nhỉ bà nhỉ?...”.