Monday 22 November 2010

Chủ nghĩa tư bản là gì - Ayn Rand

Trích một đoạn trong tiểu luận triết học chính trị "Chủ nghĩa tư bản là gì" (What Is Capitalism) của Ayn Rand:


... Lịch sử đã ghi lại những tiến bộ tuyệt diệu đạt được nhờ chủ nghĩa tư bản trong một khoảng thời gian ngắn ngủi – sự cải thiện ngoạn mục các điều kiện tồn tại của con người trên trái đất. Chuyện ấy không bị che giấu, tránh né, không bị bác bỏ bởi đủ những tuyên truyền từ các kẻ thù của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều cần đặc biệt nhấn mạnh là một thực tế rằng tiến bộ này đã đạt được bởi những phương thức không cần có sự hy sinh.

Tiến bộ không thể đạt được bằng việc bắt người ta phải thiếu thốn, bằng việc ép cho ra một lượng “thặng dư xã hội” từ những nạn nhân chết đói. Tiến bộ chỉ có thể đến từ thặng dư cá nhân, tức là từ công việc, năng lượng, sự dư thừa sáng tạo của những con người mà năng lực của họ sản xuất ra nhiều hơn mức tiêu dùng cá nhân của họ đòi hỏi, những người có khả năng về trí tuệ và tài chính để tìm kiếm cái mới, để cải thiện cái đã biết, để tiến lên. Trong một xã hội tư bản, nơi những con người đó được tự do hoạt động và mạo hiểm, tiến bộ không phải là chuyện hy sinh bản thân mình cho một tương lai xa vời nào đó, nó là một phần của thực tại mà người ta đang sống, là cái bình thường và tự nhiên, người ta đạt được nó như người ta sống và khi người ta sống – và hưởng thụ - cuộc sống của mình.

(...)

Nửa thế kỷ trước, những nhà cai trị Xô Viết ra lệnh cho nhân dân họ phải kiên nhẫn, chịu đựng thiếu thốn, và hy sinh vì sự nghiệp “công nghiệp hóa” đất nước, hứa hẹn rằng đây chỉ là tạm thời, rằng công nghiệp hóa sẽ mang lại cho họ sự dư thừa, và tiến bộ của Xô Viết sẽ vượt xa phương Tây tư bản chủ nghĩa.

Ngày nay, nước Nga Xô Viết vẫn không thể nuôi được con dân của mình – trong khi các nhà cai trị tranh nhau copy, vay mượn, hay là ăn cắp thành tựu công nghệ của phương Tây. Công nghiệp hóa không phải là một mục tiêu tĩnh; nó là tiến trình động với tốc độ lỗi thời rất mau chóng. Vì thế những tên nô lệ khốn khổ của nền kinh tế bộ lạc kế hoạch hóa, những người chết đói trong khi chờ máy phát điện và máy kéo, giờ đây đang chết đói chờ điện nguyên tử và những chuyến du lịch liên hành tinh. Do đó, trong một “nhà nước của nhân dân”, tiến bộ khoa học là mối đe dọa đối với con người, và mọi sự tiến bộ đều được lấy từ bộ da đang co quắt lại của người dân.

Điều đó chưa từng xảy ra với chủ nghĩa tư bản.

Sự thừa mứa của nước Mỹ không được tạo ra nhờ sự hy sinh của công chúng cho “lợi ích chung”, mà nhờ thiên tài năng suất của những con người tự do, vốn theo đuổi lợi ích cá nhân của họ và sự nghiệp làm ra của cải riêng của họ. Họ không bắt người dân phải chết đói để trang trải cho công cuộc công nghiệp hóa của nước Mỹ. Họ cho người dân công việc tốt hơn, lương cao hơn, và hàng hóa rẻ hơn với mọi thứ máy móc mới mà họ sáng chế ra, với mọi phát kiến khoa học hay tiến bộ công nghệ - và nhờ đó toàn bộ đất nước tiến lên và hưởng lợi từ, chứ không phải chịu đựng, từng bước tiến trên con đường đó.

+++++++++

Các bạn có thể download toàn bộ bản dịch ở đây: http://vepr.org.vn/home/index.php?option=com_content&task=view&id=987&Itemid=405%3Atestset

Xin lưu ý: Quan điểm của tác giả Ayn Rand không nhất thiết phản ánh quan điểm của người dịch.

Tự nhiên tôi nghĩ lan man: Nếu nữ triết gia Ayn Rand đang sống ở Việt Nam vào những năm tháng này, rất có thể bà sẽ được các báo QĐND, CAND gọi là "người đàn bà điên cuồng chống cộng" :-)