* Anh Sâm, đu du oăn tu xây xăm xinh mo?
http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2704
Liên hoan phim (LHP) Quốc tế tại Việt Nam lần đầu tiên đã “kết thúc thành công” như bất kỳ sự kiện mang tính quốc tế nào khác do Việt Nam tổ chức. Nhưng một sự cố của nó vẫn còn gây chú ý trong dư luận, đặc biệt là cộng đồng mạng.
Đó là việc nhà báo, MC Lại Văn Sâm “chuyển ngữ” phát biểu tiếng Anh của diễn viên Ngô Ngạn Tổ sang một nội dung tiếng Việt khác biệt. (bản dịch của một bạn tôi không nhớ tên, lấy từ Internet)
- Ngô Ngạn Tổ: Tôi nghĩ mục tiêu của bất kỳ LHP nào cũng không chỉ là đưa điện ảnh thế giới đến với công chúng địa phương mà còn là đưa nền điện ảnh của một quốc gia đến với khán giả thế giới. Và tôi nghĩ điều này chắc chắn đã được thực hiện ở đây (LHP Quốc tế tại Việt Nam).
- Nhà báo, MC Lại Văn Sâm: Và anh nói rằng ở Hà Nội trong những ngày qua thì anh cũng đã được chứng kiến những dòng người đổ đến các rạp để xem các phim trình chiếu trong LHP quốc tế như thế nào. Xin cảm ơn. Xanh kiu ve ri mật.
- Ngô Ngạn Tổ: Thank you...
(Có vẻ như Ngô Ngạn Tổ còn muốn nói nữa.)
- Nhà báo, MC Lại Văn Sâm: Dé? À, à, đu du oăn to xây xăm xinh mo? Ô kê, ô kê, pờ lít.
Mặc dù biết ngoại ngữ là lợi thế, nhưng MC không bị đòi hỏi phải nghe-nói-đọc-hiểu được tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Trong trường hợp MC họ không nói thạo thứ tiếng của một nhân vật nào đó, sự thật thà luôn dễ được tha thứ. Thậm chí nếu MC khéo léo còn có thể biến tình huống thành một dịp để tự trào một cách đáng yêu. Tiếc thay, MC Lại Văn Sâm đã xử lý câu chuyện bằng cách tự bịa lời.
Cũng có thể nhà báo Lại Văn Sâm ứng khẩu vì muốn “cứu” chương trình, nếu vậy thì anh chỉ đáng trách vì đã xử lý tình huống không tốt. Cái đáng trách hơn ở đây là những ý kiến bênh vực, coi đó là sự thể hiện của một MC lão luyện với những lý do bào chữa kiểu “khán giả có hiểu gì đâu mà sợ”, “dịch thế nào chả được”.
Một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc đối với MC khi tác nghiệp là phải tôn trọng khán giả. Nếu quan niệm “khán giả có hiểu gì đâu mà sợ”, nghĩa là chúng ta mặc nhiên cho rằng họ là một đám đông thấp kém, và lừa dối khán giả là điều bình thường. Một điển hình bao biện là phát biểu của ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh, đại diện Ban tổ chức: “Ứng xử của anh Sâm hôm đó về cơ bản là cũng được, đặc biệt là với khán giả xem truyền hình, những người am hiểu tiếng Anh sâu”. Chẳng biết ông căn cứ vào chuẩn nào để đánh giá ứng xử của Lại Văn Sâm là “cũng được”, trong khi mở bất kỳ cuốn “cẩm nang” cho nghề làm MC nào cũng có thể thấy ngay một loạt nguyên tắc: hãy trung thực, cẩn thận, tôn trọng nhân vật, tôn trọng khán giả…
Một cái đáng trách nữa là luồng ý kiến ngụy biện kiểu “có giỏi thì đọ tiếng Nga với anh Sâm đi”. Thật không khác gì việc A vào nhà hàng, chê: “Hôm nay phở nhà mình nước nhạt quá”, và B – fan của chủ nhà hàng – to giọng: “Có giỏi thì đọ món salad mùa xuân với người ta đi”.
Một kiểu ngụy biện nữa là “kể khổ”: “Mọi người không biết đấy thôi chứ làm MC vất vả lắm, cực lắm. Anh Lại Văn Sâm xử lý được như thế là giỏi lắm rồi, thông cảm cho anh ấy”. MC vất vả, cực nhọc hay không thì khán giả không biết, nhưng những lúc MC được báo chí tung hô ca ngợi, được khán giả hâm mộ điên cuồng, được bao nhiêu mối quan hệ “màu mỡ”, bao nhiêu lợi ích vật chất đi kèm… hình như không thấy MC nào xin được thông cảm.
Kiểu ngụy biện trọng nhân trọng nghĩa hơn cả có lẽ là: “Anh Sâm là người có công lớn đối với truyền hình ở Việt Nam. Lúc anh ấy có công thì không ai nhắc, anh ấy vừa vấp một cái thì cả làng làm ầm ĩ lên. Tệ thế là cùng”.
Những khán giả từng biết Lại Văn Sâm từ thời “SV 96”, và trước đó là “VKT”, “KCT” v.v. không ai quên những gì anh đã làm cho VTV nói riêng và ngành truyền hình ở Việt Nam nói chung. Lại Văn Sâm được xem như người đi đầu, người mở ra nghề dẫn chương trình, MC truyền hình ở Việt Nam. Kể từ anh, người ta mới thấy các phát thanh viên, biên tập viên truyền hình không còn là cái máy đọc, mỗi lần lên hình là cắm mặt đọc giấy hoặc giương mắt nhìn cue (máy nhắc). Với tư cách một khán giả, tôi cũng không quên những ấn tượng rất tốt đẹp về Lại Văn Sâm thời anh còn làm “VKT”, “KCT” – những chương trình truyền hình đầu tiên ở Việt Nam mang lại cho người xem cảm giác “mình đang được thưởng thức chứ không phải nghe giáo huấn”.
Nhưng tất cả những điều ấy không bao biện nổi cho chuyện Lại Văn Sâm dịch… xuyên tạc. Cách xử lý tình huống của anh, với khán giả biết tiếng Anh thì là coi thường họ, với khán giả không biết tiếng Anh thì là lừa dối họ. Ở một nước khác, nơi có nhiều đài truyền hình, nhiều công ty truyền thông cạnh tranh nhau, sự cố tương tự có thể làm cho MC tiêu tan sự nghiệp – cái nghề nó bạc thế đấy! Nhưng ở ta khác. Thế độc quyền của VTV khiến cho họ và cả anh Sâm đều có thể tỉnh bơ lờ chuyện dịch nhảm đi mà không một lời xin lỗi. Khinh khán giả đến thế là cùng!
HAI KỲ SAU: TỪ CÙ HUY HÀ VŨ ĐẾN JULIAN ASSANGE
Vì một lý do kỹ thuật nào đó (mà tôi không rõ), có những comment không hiện được mặc dù người viết đã gửi và tôi không xóa. Thành thật xin lỗi bạn đọc.