Mai sau, một ngày nào đó, có ai viết về lịch sử báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 21, rất nên nhắc tới một “trận chiến vô hình” giữa hai lực lượng báo chí quân xanh quân đỏ. Hai lực lượng này được gọi tên theo một phép ẩn dụ nổi tiếng, là Lề Trái và Lề Phải.
Gọi là “trận chiến” không biết có quá không, vì không có xô xát, xung đột, đổ máu gì, mà nhiều khi chứng kiến những diễn biến chiến sự giữa hai Lề thì đến Thượng đế cũng phải cười. Đơn cử ví dụ gần đây nhất và đang diễn ra là vụ án Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn. Hai bên kịch chiến công nhận ác liệt.
MÀN 1: Ngày 5/11. Lề Phải đồng loạt nổ súng, bắn tin ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại khách sạn Mạch Lâm (TP.HCM). Nguyên nhân ban đầu ngả về hướng ông Vũ “quan hệ bất chính với phụ nữ”, “có hành vi chống người thi hành công vụ”. Lề Trái lặng đi.
MÀN 2: Lề Trái phản đòn bằng một tràng đạn trên Bauxite Việt Nam, Dân Luận, RFI, VOA, RFA… Lề Trái đưa tin cả về phản ứng của những người thân, người quen của ông Vũ (Luật sư Dương Hà vợ ông Vũ gửi đơn tố cáo cơ quan an ninh, luật sư Hồ Lê Như Quỳnh khiếu nại việc bị Lề Phải vu khống, bôi nhọ danh dự...).
Lề Phải, trái lại, không nhắc một lời tới những diễn biến này. Nói chung là Lề Phải kiên quyết không làm diễn đàn cho bất cứ thế lực nào ngoại trừ *** (tự kiểm duyệt). Thay vì thế, Lề Phải mở một chiến dịch tổng tấn công vào “đối tượng” Cù Huy Hà Vũ. “Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng”, “Cù Huy Hà Vũ là người như thế nào”… thảy đều đanh thép như dội B40 vào Lề Trái.
Lề Trái tiếp tục chống trả bằng các lập luận “rất chi là lề trái”, ví dụ bàn chuyện phân tích hồ sơ cáo trạng Cù Huy Hà Vũ, nhân quyền, hiến pháp, công pháp quốc tế này nọ. Lề Phải né, gạt ra. (Tạm) bỏ qua chuyện họ Cù “quan hệ bất chính với phụ nữ”, “chống đối người thi hành công vụ” được vài báo nêu lúc đầu, Lề Phải xoáy sâu vào các khía cạnh thuộc tư tưởng, nhân thân, đạo đức của Cù Huy Hà Vũ.
Hai bên ở trong thế trận cài răng lược cho tới sau Tết âm lịch – là khi Lề Phải vào mùa báo xuân. Tết nhất, nghỉ cái đã.
MÀN 3: Tết Tân Mão đã qua. Hai bên Lề lại tiếp tục trận chiến vô hình. Vừa hay lại đúng lúc bên Bắc Phi có biến: cách mạng hoa nhài bùng nổ. Lề Trái như được tiếp thêm sức mạnh. Càng gần tới phiên xử Cù Huy Hà Vũ (lúc đầu định là ngày 24/3, vừa được chuyển sang 4/4), Lề Trái càng đánh mạnh, đánh rát, đánh vỗ mặt: “Cù Huy Hà Vũ và mặt trận pháp lý - công lý”, “Chúng ta là Cù Huy Hà Vũ”, “Xin các vị hãy ghi điểm cho thành tích dân chủ hóa đất nước”, v.v.
Lề Phải nói chung không có nhiều chiến sĩ giỏi. Vài tay súng có vẻ khá nhất tập trung ở các đơn vị QĐND, ANTĐ, ANTG…, thì đẳng cấp và phong độ đều tầm thường như lính vét. Vậy nên, mất vài tháng trời, Lề Phải gần như bỏ ngỏ mặt trận cho Lề Trái tung hoành. Thỉnh thoảng, Lề Phải cũng nổ súng vu vơ, ví dụ đập hoặc nâng Bi ơi đừng sợ, hoặc mở một mặt trận nhỏ trên địa bàn văn hóa, cho các bên xả súng bắn vào nhau, nhân khi có một cô người mẫu giới thiệu bộ ảnh khỏa thân mới trên Internet.
Lề Phải im im vậy, tưởng chừng đã đuối thế, thì “choành” một phát như tiếng sét giữa trời quang. Ấy là bài viết “Bản chất những việc làm vừa qua của Cù Huy Hà Vũ”, tuy không đăng trên Lề Phải, nhưng các lập luận “rất chi là lề phải”.
MÀN 4: Sẽ diễn ra đâu đó xung quanh ngày xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ. Hiện tại, Lề Trái vẫn có vẻ giữ phong độ và khí thế áp đảo, nhưng cứ chờ đến ngày đó đi, cả một dàn trọng pháo của Lề Phải sẽ đồng loạt khạc lửa…
Mặt trận không tiếng súng
Cuộc chiến đấu giữa Lề Phải và Lề Trái này quả thật là một nét đặc trưng của báo chí Việt Nam thời Internet, mà trong tương lai, học giả nào nghiên cứu về lịch sử báo chí chớ nên bỏ qua. Suy cho cùng, đó là một cuộc nội chiến, mà phàm là nội chiến thì dễ vô nghĩa: Tại sao lại tồn tại khái niệm “Lề Phải, Lề Trái” trong báo chí? Báo chí đúng nghĩa chỉ có một Lề thôi, đó là sự thật. Sao tự nhiên lại nảy nòi ra hai cái Lề này trong làng truyền thông Việt Nam?
Nhưng thôi, ta hãy nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Dẫu sao thì sự tồn tại của cả hai Lề đều có ích cho nhau ở một chừng mực nào đó. Rút kinh nghiệm từ những nhược điểm của Lề Phải, Lề Trái (nhìn chung) thường đảm bảo những việc sau đây:
• Dẫn nguồn tương đối cẩn thận. Có lẽ sợ bị kiện nên các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm của Lề Trái thường đề nguồn (trích dẫn ý kiến, tư liệu, hình ảnh) chu đáo.
• Có lỗi, thường nhận luôn. Khoản này Lề Phải còn phải học Lề Trái dài dài. Blogger Người Buôn Gió từng “treo blog 15 ngày vì sai sót khi đưa tin”, Bauxite Việt Nam còn có “Lời cáo lỗi” vì nhầm lẫn, chứ đại nhà báo Kim Ngân của Lề Phải thì khán giả có bắc loa vào tận giường ngủ mà chửi, mặt nàng cũng vẫn bóng như thế. Đúng thôi, Lề Phải hùng hậu, mấy khi bị kiện, mà bị kiện cũng mấy khi thua đâu, trong khi Lề Trái làm sai, lơ mơ là tiêu tùng.
• Tôn trọng và tương tác với độc giả. Không phải luôn luôn, nhưng Lề Trái nói chung thường cho đăng tải ý kiến độc giả thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối. Chứ ngó vào Lề Phải xem, đố tìm được “comment” nào theo hướng bất lợi cho Lề Phải đấy!
Lề Trái nhiều khi còn là nơi cung cấp thông tin, tư liệu, ý tưởng, đề tài cho Lề Phải. Đang có cả một phong trào các chiến sĩ Lề Phải lê la trên diễn đàn của Lề Trái để “nhặt đạn”, nói nôm na là ăn cắp ý tưởng và ý kiến mang về sử dụng, đôi khi cũng có ghi nguồn, và phần lớn trường hợp là không hỏi ý kiến người có ý tưởng/ ý kiến đó.
Nói vậy chứ Lề Phải không hoàn toàn là… vứt đi. Lề Phải cũng có nhiều ưu điểm, tuy nhiên đó lại là chủ đề của một entry khác rồi. Còn bây giờ, chúng ta hãy cùng chờ lần khai hỏa tới đây của hai Lề nàoooooo…
--------
Vì một số lý do, tôi tạm thời không đặt các comment ở chế độ hiển thị. Mong bạn đọc thông cảm.
I dare not describe myself as a patriot. I just believe I am psychologically attached to my country.
Monday, 28 March 2011
Friday, 11 March 2011
Hải chiến Trường Sa 1988 trong hồi ức một người lính
Xoa đầu cậu con trai đang xúng xính trong bộ đồng phục học sinh xanh – trắng chuẩn bị đến trường, anh cười nheo mắt: “Sắp tới sinh nhật nó rồi đây. Thằng cu này sinh đúng 14 tháng 3 năm 1998, tròn 10 năm ngày bố nó thoát chết ở Trường Sa. Ai cũng bảo tôi khéo chọn ngày sinh cháu”. Anh là Nguyễn Duy Dương, một người lính hải quân đã may mắn sống sót và trở về an toàn trong chiến dịch CQ 88 ngày 14/3/1988 ở Trường Sa.
Đến bây giờ, đã 23 năm trôi qua, anh Dương vẫn không nguôi nỗi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Sinh năm 1964, đi bộ đội khi 18 tuổi, tới năm 1985 anh trở thành Đội phó Đội Kiểm soát Bộ Tư lệnh vùng 4 ở Cam Ranh. Đầu năm 1987, đúng dịp Tết Đinh Mão, anh nhận lệnh vào đoàn quân đi tăng cường cho Trường Sa. Và anh đã ở đó gần hai năm trời, trong cái giai đoạn được xem là khó khăn, vất vả nhất cho các chiến sĩ Trường Sa kể từ ngày giải phóng (năm 1975) đến nay.
Câu chuyện trong khói thuốc
Anh Dương, cũng như nhiều đồng đội của anh sau này, đều cho rằng lính Trường Sa thời nào mà chẳng gian lao, nhưng càng về sau này càng đỡ cực khổ hơn. Hồi ấy, hải quân ta có ít tàu, một năm chỉ vài ba chuyến tàu ra đảo tiếp tế. Theo đại tá Đỗ Đình Đề, nguyên cụm trưởng Cụm 2 đảo Nam Yết, người từng ở Trường Sa từ năm 1996 tới năm 2002, thì: “Trong năm, chỉ giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 là có thể đi tàu ra, lúc ấy biển cứ gọi là trong vắt như bát nước, nhìn thấu cả đáy. Chỉ từ tháng 6 trở đi là bắt đầu có gió Tây Nam, rồi sang đông là gió Đông Bắc rồi, biển động. Cho nên lính mong ngóng tin đất liền, thấy tàu ra đảo thì mừng rỡ như mẹ về chợ, lúc tàu rời đảo về đất liền thì khóc lóc bịn rịn lắm”.
Đi lại khó khăn như thế cho nên người lính Trường Sa thiếu thốn mọi bề, mà khổ sở nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh. Anh Dương nhớ lại, nước ngọt ở đảo thiếu triền miên, mỗi ngày chỉ được dùng tối đa 5 lít một ngày cho mọi sinh hoạt. Anh em đành phải rửa mặt, tắm đều bằng nước biển, sang lắm mới tráng lại bằng nước ngọt. Lúc đầu chưa quen, ai nấy nóng rát cả lưng, tóc tai cứng quèo, rất khó chịu. Từ chuyện ấy, dẫn đến tình trạng “sư cọ mốc” mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tả lại: “Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc. Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Thiếu nước ngọt thật sự là tình trạng khủng khiếp đối với lính đảo những năm ấy. Mấy tháng tàu mới chở nước ra một lần, bơm thẳng nước từ khoang vào xuồng nhôm, rồi anh em đẩy xuồng về lại đảo. Lần nào trước khi ra “đón nước” như thế, anh em cũng phải tắm trước cho sạch. Nước mang về đảo được đổ vào những chiếc phi lớn để dự trữ, không thau được nên phi bị nhiễm bẩn, nước đục ngầu, đánh phèn tới 7-8 lần vẫn không hết bẩn. Thì cũng phải cố mà dùng. Gạo trữ lâu sinh mốc, hỏng. Thiếu rau quá, người ai cũng bị phù, sưng lên nhưng ấn vào da thịt thì lại lõm cả xuống…
Khí hậu Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng cháy da quanh năm suốt tháng. Đây lại là nơi “rốn bão”, thường xuyên phải hứng chịu bão biển. Đại tá Đỗ Đình Đề bảo: “Nói đến Trường Sa là nói đến bão tố phong ba, đến nắng nóng thiêu đốt, đến san hô nhọn hoắt đâm chảy máu chân, đến thiếu rau xanh, nước ngọt…”.
“Bây giờ mình xem tivi, thấy anh em ngoài đó “đủ tóc” rồi, không còn phải cạo trọc nữa” – anh Nguyễn Duy Dương cười. Anh hiện là Phó ban liên lạc bộ đội Trường Sa tỉnh Nam Định. Tất cả những người lính từng phục vụ ở Trường Sa bao năm qua đều coi nhau là đồng đội, và họ cũng dành tình cảm thân thiết quý mến đó cho cả những chiến sĩ trẻ không quen biết, đang đóng quân ở Trường Sa ngày nay. “Bây giờ ở ngoài đó, lính đỡ cực khổ hơn, không còn quá thiếu thốn. Trồng được rau xanh rồi (đất thịt, chở từ đất liền ra). Có hầm dự trữ nước rồi. Điện thoại di động phủ sóng tới tận đó, có thể gọi vào bờ được. Nhưng mình vẫn thương các em ấy chứ, tất nhiên. Đồng đội mà”.
… Nửa cuối năm 1987, tình hình ngoài khơi trở nên căng thẳng, phía Trung Quốc bắt đầu có những hoạt động bất bình thường trên biển. Từ tháng 10/1987, tàu chiến đi lại ngày một nhiều hơn. Tháng 3/1988, ta quyết định đưa bộ binh ra đảo Cô Lin, Gạc Ma xây dựng, trong chiến dịch CQ 88 (CQ là viết tắt của “chủ quyền”). Cô Lin và Gạc Ma là đảo chìm, nghĩa là khi thủy triều dâng, nó chìm sâu tới 1,5-2m dưới mặt biển, nước rút đảo mới lại nổi lên. Ngày 13/3/1988, ba con tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 cùng rời đảo Đá Lớn để tiến sang bãi Cô Lin, Gạc Ma. Thiếu tá Nguyễn Duy Dương ở trên tàu HQ 604. Đây là con tàu mà từ chiều 13/3/1988, đã vận chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo Gạc Ma, và cắm cờ Tổ quốc tại đó vào lúc 21h.
Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: “K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa”. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.
Trận chiến chỉ kéo dài chừng một giờ. Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, Việt Nam giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Nhớ biển
Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.
Đã là lính hải quân nơi đầu sóng thì không thể sợ chết. Vết thương bình phục, anh tiếp tục ở lại Trường Sa, bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc, đồng cam cộng khổ cùng những chiến sĩ hải quân khác. Tới tháng 7/1989, anh mới ra quân, làm đủ nghề, từ hàng xay hàng xáo, tới đổ kẹo, buôn đế dép, vừa đi làm vừa ôn thi vào Đại học Sư phạm, ngành ngữ văn. Năm 1994 anh tốt nghiệp và trở thành một thầy giáo dạy văn ở Nam Định. Năm 1998, cậu con trai Nguyễn Khánh ra đời đúng vào cái ngày 14/3 không thể nào quên.
Đến giờ vết sẹo vẫn còn trên đầu người thầy giáo dạy văn của trường THPT Ngô Quyền, cựu binh ở Trường Sa. Sẹo không gây đau đớn, chỉ có những tình cảm của anh đối với những hòn đảo đá khắc nghiệt năm xưa thì cứ thỉnh thoảng lại bùng lên. Anh dồn nó vào những trang viết: Trường Sa - mùa này biển động, Nhớ lắm Trường Sa ơi, Ký ức Trường Sa…
Nguyễn Duy Dương cũng không thể quên người thuyền trưởng can trường đã hy sinh Vũ Phi Trừ, hay đồng đội thân thiết của anh là Nguyễn Xuân Thủy, quê Thái Bình, máy trưởng trên tàu 604, chết vì một viên đạn xuyên qua đầu, ngay trước mắt anh. Anh nhớ những gương mặt đồng đội trong trận hải chiến năm xưa: “Giờ này họ đang ở đâu, đang làm gì?”.
Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: “Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.
Anh Dương thổ lộ: “Anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm”.
Giờ đây, cùng với những người lính Trường Sa cũ, anh Dương vẫn theo dõi tình hình Trường Sa hiện nay, qua báo đài, tivi, và qua những đồng đội đóng ở Cam Ranh hay đang trên đảo. Các anh đều bảo, nhớ lắm, nhớ da diết, bồi hồi những ngày tháng Trường Sa năm xưa. Nhớ mùa gió chướng. Nhớ khi biển động, “bọt tung trắng bờ”. Nhớ những ngày biển lặng, mặt nước phẳng, trong như gương. Nhớ vô vàn kỷ niệm với đồng đội thân thương: trực chiến, tập luyện, đi đâm cá, chơi thể thao, đọc thư nhà, sinh hoạt văn nghệ, và chiến đấu. Nhớ những gương mặt đồng đội đến từ mọi miền đất nước – các anh vẫn hay đùa, có khi lên tới 19 tỉnh thành trên một hòn đảo. Ai cũng gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Và người thầy giáo dạy văn đã viết một câu rất hình ảnh, rất nên thơ, rằng: “Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt tôi”.
* * *
Bản gốc của bài viết đã đăng trên báo Pháp luật TP.HCM năm 2010. Đây là bản có sửa chữa và bổ sung.
Đến bây giờ, đã 23 năm trôi qua, anh Dương vẫn không nguôi nỗi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Sinh năm 1964, đi bộ đội khi 18 tuổi, tới năm 1985 anh trở thành Đội phó Đội Kiểm soát Bộ Tư lệnh vùng 4 ở Cam Ranh. Đầu năm 1987, đúng dịp Tết Đinh Mão, anh nhận lệnh vào đoàn quân đi tăng cường cho Trường Sa. Và anh đã ở đó gần hai năm trời, trong cái giai đoạn được xem là khó khăn, vất vả nhất cho các chiến sĩ Trường Sa kể từ ngày giải phóng (năm 1975) đến nay.
Câu chuyện trong khói thuốc
Anh Dương, cũng như nhiều đồng đội của anh sau này, đều cho rằng lính Trường Sa thời nào mà chẳng gian lao, nhưng càng về sau này càng đỡ cực khổ hơn. Hồi ấy, hải quân ta có ít tàu, một năm chỉ vài ba chuyến tàu ra đảo tiếp tế. Theo đại tá Đỗ Đình Đề, nguyên cụm trưởng Cụm 2 đảo Nam Yết, người từng ở Trường Sa từ năm 1996 tới năm 2002, thì: “Trong năm, chỉ giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 là có thể đi tàu ra, lúc ấy biển cứ gọi là trong vắt như bát nước, nhìn thấu cả đáy. Chỉ từ tháng 6 trở đi là bắt đầu có gió Tây Nam, rồi sang đông là gió Đông Bắc rồi, biển động. Cho nên lính mong ngóng tin đất liền, thấy tàu ra đảo thì mừng rỡ như mẹ về chợ, lúc tàu rời đảo về đất liền thì khóc lóc bịn rịn lắm”.
Đi lại khó khăn như thế cho nên người lính Trường Sa thiếu thốn mọi bề, mà khổ sở nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh. Anh Dương nhớ lại, nước ngọt ở đảo thiếu triền miên, mỗi ngày chỉ được dùng tối đa 5 lít một ngày cho mọi sinh hoạt. Anh em đành phải rửa mặt, tắm đều bằng nước biển, sang lắm mới tráng lại bằng nước ngọt. Lúc đầu chưa quen, ai nấy nóng rát cả lưng, tóc tai cứng quèo, rất khó chịu. Từ chuyện ấy, dẫn đến tình trạng “sư cọ mốc” mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tả lại: “Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc. Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”. Thiếu nước ngọt thật sự là tình trạng khủng khiếp đối với lính đảo những năm ấy. Mấy tháng tàu mới chở nước ra một lần, bơm thẳng nước từ khoang vào xuồng nhôm, rồi anh em đẩy xuồng về lại đảo. Lần nào trước khi ra “đón nước” như thế, anh em cũng phải tắm trước cho sạch. Nước mang về đảo được đổ vào những chiếc phi lớn để dự trữ, không thau được nên phi bị nhiễm bẩn, nước đục ngầu, đánh phèn tới 7-8 lần vẫn không hết bẩn. Thì cũng phải cố mà dùng. Gạo trữ lâu sinh mốc, hỏng. Thiếu rau quá, người ai cũng bị phù, sưng lên nhưng ấn vào da thịt thì lại lõm cả xuống…
Khí hậu Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng cháy da quanh năm suốt tháng. Đây lại là nơi “rốn bão”, thường xuyên phải hứng chịu bão biển. Đại tá Đỗ Đình Đề bảo: “Nói đến Trường Sa là nói đến bão tố phong ba, đến nắng nóng thiêu đốt, đến san hô nhọn hoắt đâm chảy máu chân, đến thiếu rau xanh, nước ngọt…”.
“Bây giờ mình xem tivi, thấy anh em ngoài đó “đủ tóc” rồi, không còn phải cạo trọc nữa” – anh Nguyễn Duy Dương cười. Anh hiện là Phó ban liên lạc bộ đội Trường Sa tỉnh Nam Định. Tất cả những người lính từng phục vụ ở Trường Sa bao năm qua đều coi nhau là đồng đội, và họ cũng dành tình cảm thân thiết quý mến đó cho cả những chiến sĩ trẻ không quen biết, đang đóng quân ở Trường Sa ngày nay. “Bây giờ ở ngoài đó, lính đỡ cực khổ hơn, không còn quá thiếu thốn. Trồng được rau xanh rồi (đất thịt, chở từ đất liền ra). Có hầm dự trữ nước rồi. Điện thoại di động phủ sóng tới tận đó, có thể gọi vào bờ được. Nhưng mình vẫn thương các em ấy chứ, tất nhiên. Đồng đội mà”.
… Nửa cuối năm 1987, tình hình ngoài khơi trở nên căng thẳng, phía Trung Quốc bắt đầu có những hoạt động bất bình thường trên biển. Từ tháng 10/1987, tàu chiến đi lại ngày một nhiều hơn. Tháng 3/1988, ta quyết định đưa bộ binh ra đảo Cô Lin, Gạc Ma xây dựng, trong chiến dịch CQ 88 (CQ là viết tắt của “chủ quyền”). Cô Lin và Gạc Ma là đảo chìm, nghĩa là khi thủy triều dâng, nó chìm sâu tới 1,5-2m dưới mặt biển, nước rút đảo mới lại nổi lên. Ngày 13/3/1988, ba con tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 cùng rời đảo Đá Lớn để tiến sang bãi Cô Lin, Gạc Ma. Thiếu tá Nguyễn Duy Dương ở trên tàu HQ 604. Đây là con tàu mà từ chiều 13/3/1988, đã vận chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo Gạc Ma, và cắm cờ Tổ quốc tại đó vào lúc 21h.
Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: “K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa”. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.
Trận chiến chỉ kéo dài chừng một giờ. Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, Việt Nam giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Nhớ biển
Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.
Đã là lính hải quân nơi đầu sóng thì không thể sợ chết. Vết thương bình phục, anh tiếp tục ở lại Trường Sa, bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc, đồng cam cộng khổ cùng những chiến sĩ hải quân khác. Tới tháng 7/1989, anh mới ra quân, làm đủ nghề, từ hàng xay hàng xáo, tới đổ kẹo, buôn đế dép, vừa đi làm vừa ôn thi vào Đại học Sư phạm, ngành ngữ văn. Năm 1994 anh tốt nghiệp và trở thành một thầy giáo dạy văn ở Nam Định. Năm 1998, cậu con trai Nguyễn Khánh ra đời đúng vào cái ngày 14/3 không thể nào quên.
Đến giờ vết sẹo vẫn còn trên đầu người thầy giáo dạy văn của trường THPT Ngô Quyền, cựu binh ở Trường Sa. Sẹo không gây đau đớn, chỉ có những tình cảm của anh đối với những hòn đảo đá khắc nghiệt năm xưa thì cứ thỉnh thoảng lại bùng lên. Anh dồn nó vào những trang viết: Trường Sa - mùa này biển động, Nhớ lắm Trường Sa ơi, Ký ức Trường Sa…
Nguyễn Duy Dương cũng không thể quên người thuyền trưởng can trường đã hy sinh Vũ Phi Trừ, hay đồng đội thân thiết của anh là Nguyễn Xuân Thủy, quê Thái Bình, máy trưởng trên tàu 604, chết vì một viên đạn xuyên qua đầu, ngay trước mắt anh. Anh nhớ những gương mặt đồng đội trong trận hải chiến năm xưa: “Giờ này họ đang ở đâu, đang làm gì?”.
Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: “Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.
Anh Dương thổ lộ: “Anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm”.
Giờ đây, cùng với những người lính Trường Sa cũ, anh Dương vẫn theo dõi tình hình Trường Sa hiện nay, qua báo đài, tivi, và qua những đồng đội đóng ở Cam Ranh hay đang trên đảo. Các anh đều bảo, nhớ lắm, nhớ da diết, bồi hồi những ngày tháng Trường Sa năm xưa. Nhớ mùa gió chướng. Nhớ khi biển động, “bọt tung trắng bờ”. Nhớ những ngày biển lặng, mặt nước phẳng, trong như gương. Nhớ vô vàn kỷ niệm với đồng đội thân thương: trực chiến, tập luyện, đi đâm cá, chơi thể thao, đọc thư nhà, sinh hoạt văn nghệ, và chiến đấu. Nhớ những gương mặt đồng đội đến từ mọi miền đất nước – các anh vẫn hay đùa, có khi lên tới 19 tỉnh thành trên một hòn đảo. Ai cũng gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Và người thầy giáo dạy văn đã viết một câu rất hình ảnh, rất nên thơ, rằng: “Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt tôi”.
* * *
Bản gốc của bài viết đã đăng trên báo Pháp luật TP.HCM năm 2010. Đây là bản có sửa chữa và bổ sung.
Friday, 4 March 2011
Nghiên cứu, tuyên truyền về biển đảo: Sự bài bản của Trung Quốc
Vào những ngày cuối năm âm lịch vừa qua (26-27/1/2011), các nhà hải dương học Trung Quốc đã nhóm họp tại một hội nghị ở Thượng Hải để thảo luận về một dự án có tên là “Biển Đông sâu thẳm” (South China Sea-Deep). Mục đích của dự án là thăm dò, khám phá Biển Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa.
Theo một bài viết trên tờ The Economist ngày 10/2, tổng kinh phí cho “Biển Đông sâu thẳm” là 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22 triệu USD), được chi trả trong vòng 8 năm tới. Dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia – một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh – thực hiện. Quỹ này không phải đơn vị duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học: The Economist cho biết Trung Quốc cũng sẽ chi 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 58 triệu USD) để mở một trung tâm công nghệ hàng hải ở Thanh Đảo, và đầu tư tới 1,4 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) xây dựng một mạng lưới đài quan sát đáy đại dương tương tự như chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Đài Quan sát Hải dương của Mỹ.
Điều đáng chú ý là, cả ba dự án trên cũng không phải là một vài dự án nghiên cứu Biển Đông lẻ tẻ của Trung Quốc, mà chỉ là một phần trong công cuộc nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, v.v. từ hơn nửa thế kỷ nay và ngày càng được tiến hành một cách bài bản, đồng bộ hơn.
Đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới
Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương. Ông Phạm Hoàng Quân – một trong số rất ít người ở Việt Nam hiện nay (có thể đếm trên đầu ngón tay) nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.
Ở cấp Trung ương, Trung Quốc có hẳn một viện nghiên cứu rất lớn về Biển Đông là “Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Viện”, và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương khác như: Sở Nghiên cứu Nam Hải (Viện Khoa học Trung Quốc), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Nghiên cứu Tình báo Khoa học Kỹ thuật Hải dương… Hoạt động thường xuyên của các cơ quan này là tiến hành nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo v.v. về chủ quyền biển đảo. Ngay từ năm 1975, Viện Nghiên cứu Biển Đông đã xuất bản “Báo cáo sơ bộ về việc điều tra tổng hợp khu vực quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).
Ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh ven biển Trung Quốc đều có nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo. Hoạt động mạnh nhất có lẽ là các cơ quan thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến. Tháng 9 năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Quảng Đông đã in “Hiện vật khảo cổ Tây Sa”. Năm 1976, Sở Ngoại vụ Quảng Đông tung ra một loạt tài liệu: “Địa lý các đảo Nam Hải”, “Vấn đề đối ngoại của nước ta về các đảo Nam Hải”, “Khái luận về chủ quyền của nước ta đối với các đảo Nam Hải”, v.v.
Cấp thứ ba là các trường đại học, chẳng hạn Đại học Hạ Môn trong hai năm 1975-1976 đã xuất bản trọn bộ sáu cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”. Khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hoa Nam xuất bản cuốn “Nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải” (1983). Đại học Trung Sơn xuất bản nghiên cứu chuyên đề về “Lịch sử địa lý quần đảo Nam Sa” (1991).
Các tác phẩm đều được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung Quốc cũng tiến hành dịch công trình nghiên cứu của nước ngoài sang tiếng Trung để giới khoa học tham khảo. Chẳng hạn, Tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa - Trường Sa, của Việt Nam ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh (không nhắc tới Biển Đông) cũng được Trung Quốc dịch sang Trung văn với tựa đề “Việt Nam cương vực sử”.
Kiến thức là sức mạnh
Trở lại với dự án “Biển Đông sâu thẳm” nói trên, theo The Economist, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dự án không có mục đích nào khác ngoài nâng cao hiểu biết của con người. Họ cũng nói rằng dự án tập trung vào các vấn đề khoa học cơ bản chứ không nhằm tìm kiếm những thứ như dầu mỏ hay các tài nguyên khoáng sản. Tuy thế, đối tượng nghiên cứu của nó lại là Biển Đông - vùng biển với diện tích 3,5 triệu km2 và độ sâu xấp xỉ 5,5km, và được tiến hành bất chấp cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền từ mọi nước khác. Ta có thể thấy dường như Trung Quốc đã và đang tìm một cách tiếp cận khôn khéo hơn đối với vấn đề Biển Đông.
Bài viết trên tờ The Economist nhận định: “Kiến thức là sức mạnh, và nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá vùng biển sâu của Biển Đông, thì sau đó các doanh nhân Trung Quốc sẽ có vị trí tốt hơn với những người khác trong việc khai thác bất cứ giá trị thương mại nào và hải quân Trung Quốc cũng sẽ có vị thế vượt trội hơn để bảo vệ họ”.
Còn nếu chúng ta nói một cách khái quát, thì theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu càng nhiều, khả năng có những công trình chất lượng càng cao.
Số lượng áp đảo
Trong số các quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở về mặt lịch sử; chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới Trường Sa (và Hoàng Sa) là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với Trường Sa - Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử. Do sử liệu có giá trị quan trọng như thế, nên một phần lớn “nhân tài, vật lực” nghiên cứu của Trung Quốc được dồn vào lĩnh vực này. Tuy thế, công việc nghiên cứu cũng được bài bản trong các ngành khác, và có tính liên ngành cao. Các dự án nghiên cứu đáy biển mà Trung Quốc sắp thực hiện tới đây là một ví dụ.
Chưa nói đến chất lượng của các công trình nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc, nhưng với số lượng cực lớn như vậy, theo nhà khoa học trẻ Việt Nam, TS Vũ Hoàng Linh: “Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam”.
***
Những điều kể trên cho thấy rằng đã đến lúc Việt Nam cần tiến hành một cách bài bản hơn chương trình mục tiêu Quốc gia nghiên cứu về biển đảo nhằm đưa tiếng nói khách quan và khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng cao ý thức và hiểu biết của chúng ta về giá trị lãnh thổ.
Theo một bài viết trên tờ The Economist ngày 10/2, tổng kinh phí cho “Biển Đông sâu thẳm” là 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22 triệu USD), được chi trả trong vòng 8 năm tới. Dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia – một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh – thực hiện. Quỹ này không phải đơn vị duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học: The Economist cho biết Trung Quốc cũng sẽ chi 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 58 triệu USD) để mở một trung tâm công nghệ hàng hải ở Thanh Đảo, và đầu tư tới 1,4 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) xây dựng một mạng lưới đài quan sát đáy đại dương tương tự như chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Đài Quan sát Hải dương của Mỹ.
Điều đáng chú ý là, cả ba dự án trên cũng không phải là một vài dự án nghiên cứu Biển Đông lẻ tẻ của Trung Quốc, mà chỉ là một phần trong công cuộc nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, v.v. từ hơn nửa thế kỷ nay và ngày càng được tiến hành một cách bài bản, đồng bộ hơn.
Đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới
Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương. Ông Phạm Hoàng Quân – một trong số rất ít người ở Việt Nam hiện nay (có thể đếm trên đầu ngón tay) nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.
Ở cấp Trung ương, Trung Quốc có hẳn một viện nghiên cứu rất lớn về Biển Đông là “Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Viện”, và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương khác như: Sở Nghiên cứu Nam Hải (Viện Khoa học Trung Quốc), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Nghiên cứu Tình báo Khoa học Kỹ thuật Hải dương… Hoạt động thường xuyên của các cơ quan này là tiến hành nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo v.v. về chủ quyền biển đảo. Ngay từ năm 1975, Viện Nghiên cứu Biển Đông đã xuất bản “Báo cáo sơ bộ về việc điều tra tổng hợp khu vực quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).
Ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh ven biển Trung Quốc đều có nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo. Hoạt động mạnh nhất có lẽ là các cơ quan thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến. Tháng 9 năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Quảng Đông đã in “Hiện vật khảo cổ Tây Sa”. Năm 1976, Sở Ngoại vụ Quảng Đông tung ra một loạt tài liệu: “Địa lý các đảo Nam Hải”, “Vấn đề đối ngoại của nước ta về các đảo Nam Hải”, “Khái luận về chủ quyền của nước ta đối với các đảo Nam Hải”, v.v.
Cấp thứ ba là các trường đại học, chẳng hạn Đại học Hạ Môn trong hai năm 1975-1976 đã xuất bản trọn bộ sáu cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”. Khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hoa Nam xuất bản cuốn “Nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải” (1983). Đại học Trung Sơn xuất bản nghiên cứu chuyên đề về “Lịch sử địa lý quần đảo Nam Sa” (1991).
Các tác phẩm đều được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung Quốc cũng tiến hành dịch công trình nghiên cứu của nước ngoài sang tiếng Trung để giới khoa học tham khảo. Chẳng hạn, Tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa - Trường Sa, của Việt Nam ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh (không nhắc tới Biển Đông) cũng được Trung Quốc dịch sang Trung văn với tựa đề “Việt Nam cương vực sử”.
Kiến thức là sức mạnh
Trở lại với dự án “Biển Đông sâu thẳm” nói trên, theo The Economist, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dự án không có mục đích nào khác ngoài nâng cao hiểu biết của con người. Họ cũng nói rằng dự án tập trung vào các vấn đề khoa học cơ bản chứ không nhằm tìm kiếm những thứ như dầu mỏ hay các tài nguyên khoáng sản. Tuy thế, đối tượng nghiên cứu của nó lại là Biển Đông - vùng biển với diện tích 3,5 triệu km2 và độ sâu xấp xỉ 5,5km, và được tiến hành bất chấp cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền từ mọi nước khác. Ta có thể thấy dường như Trung Quốc đã và đang tìm một cách tiếp cận khôn khéo hơn đối với vấn đề Biển Đông.
Bài viết trên tờ The Economist nhận định: “Kiến thức là sức mạnh, và nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá vùng biển sâu của Biển Đông, thì sau đó các doanh nhân Trung Quốc sẽ có vị trí tốt hơn với những người khác trong việc khai thác bất cứ giá trị thương mại nào và hải quân Trung Quốc cũng sẽ có vị thế vượt trội hơn để bảo vệ họ”.
Còn nếu chúng ta nói một cách khái quát, thì theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu càng nhiều, khả năng có những công trình chất lượng càng cao.
Số lượng áp đảo
Trong số các quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở về mặt lịch sử; chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới Trường Sa (và Hoàng Sa) là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với Trường Sa - Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử. Do sử liệu có giá trị quan trọng như thế, nên một phần lớn “nhân tài, vật lực” nghiên cứu của Trung Quốc được dồn vào lĩnh vực này. Tuy thế, công việc nghiên cứu cũng được bài bản trong các ngành khác, và có tính liên ngành cao. Các dự án nghiên cứu đáy biển mà Trung Quốc sắp thực hiện tới đây là một ví dụ.
Chưa nói đến chất lượng của các công trình nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc, nhưng với số lượng cực lớn như vậy, theo nhà khoa học trẻ Việt Nam, TS Vũ Hoàng Linh: “Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam”.
***
Những điều kể trên cho thấy rằng đã đến lúc Việt Nam cần tiến hành một cách bài bản hơn chương trình mục tiêu Quốc gia nghiên cứu về biển đảo nhằm đưa tiếng nói khách quan và khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng cao ý thức và hiểu biết của chúng ta về giá trị lãnh thổ.
Subscribe to:
Posts (Atom)