Cách đây ít lâu tôi tình cờ tìm được một cuốn sách có tựa đề “Vietnam - Rising Dragon” của tác giả Bill Hayton, một nhà báo Anh. Đọc xong thì thấy một cảm giác hết sức cay đắng, hay nói theo mốt đặt tít của báo mạng là “đắng lòng đọc sách Bill Hayton”.
Sở dĩ “đắng lòng”, không phải vì ông Bill Hayton đệm vào tác phẩm những câu nào kiểu như “hỡi những người có lương tri”, “chúng ta nhất định không để mất đi sự tin cậy của…”, “ai ơi xin đừng để người dân thất vọng” v.v. Trên thực tế, cuốn sách của ông Hayton không có lấy một lời kêu gọi. Còn tôi thấy “đắng lòng” là bởi vì, cố gắng nhìn thật thẳng vào sự thực mà nói, sẽ phải thừa nhận là 30.000 (?) nhà báo ở Việt Nam hiện nay, không ai viết được như nhà Bill ! Mà cay hơn nữa là, ông chỉ ở Việt Nam khoảng một năm, từ 2006 đến 2007.
Ở ta thường có câu: “Cái này đưa ra vào thời điểm này chưa có lợi”. Ví dụ đạo diễn Đặng Nhật Minh khi trình kịch bản phim Mùa Ổi lên Hội đồng duyệt, được trả lời là “Trong giai đoạn này, dựng phim chưa có lợi”. Về sau ông Minh trả lời phỏng vấn báo An Ninh Thế Giới, có kể: “Tôi chờ hai năm, làm sao biết lúc nào có lợi, tôi sốt ruột quá vì không thể chờ sang năm thứ ba”. Gần đây hơn, giáo sư Ngô Bảo Châu viết entry “Về sự sợ hãi”, tôi cho là đâu đó cũng đã/đang/sẽ có người bảo rằng giáo sư Châu “viết cái này vào thời điểm này chưa có lợi”. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ chờ đến khi nào có lợi để viết một bài “nghiên cứu” lấy chủ đề là: Vì sao ở Việt Nam không có nhà báo lớn?
Tuy nhiên, riêng trong trường hợp “Rising Dragon” của Bill Hayton, sơ sơ thì cũng có thể giải thích là muốn viết được như ông Hayton, phải có quan hệ càng cao càng tốt, (từ đó có) thông tin tốt… Mà như thế thì đa số nhà báo Việt Nam đơn giản là không đủ lực. Nhiều người (chắc trong này có cả mình rồi, thôi, cứ nhận luôn cho mau tiến bộ) viết được cái entry tâm huyết vài trăm từ, ném đá phe này tí, xé áo phe kia tị, đã sướng lâng lâng cả ngày, mất ngủ gần hết đêm, còn bắt họ viết một cuốn sách mấy trăm trang phân tích tình hình đất nước nữa, e là đuối sức.
Vậy thiểu số những nhà báo giàu kinh nghiệm, quen biết ông thủ này ông tướng nọ, “có thế”, “có lực”, “có tầm”, thì sao? Với sự gần gũi những nhân sự cấp cao, được “ai đó” chống lưng, được cung cấp những thông tin “nóng và độc”, liệu họ viết nổi (như tay người Anh kia) không? Nếu phải trả lời câu này, tôi sẽ cười khùng khục mà rằng: “Gớm, thôi, có mà viếtttttt. Các bác đừng cố, hệ hệ hệ… Chúng cháu chả dám chắc lép, nhưng quả thật là ít vốn”.
Tóm lại, về căn bản thì vẫn phải nhìn nhận một nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp, vừa trừu tượng lại vừa cụ thể, vừa rất “đắng lòng”, đó là vì nhà báo ta kém. Còn vì sao kém, thì… thôi để đến thời điểm có lợi, ta sẽ cùng mổ xẻ vấn đề sau.
Xin được dừng mọi sự bình luận ở đây. Bây giờ mời bạn đọc một vài đoạn ngắn trong chương I cuốn sách “Vietnam - Rising Dragon” của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Lưu ý quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng với quan điểm của tác giả.
+++++++
… Đối với Đảng Cộng sản, điều quan trọng hơn cả các giáo điều kinh tế là sự tồn tại. Mọi cái khác: tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giữa các khu vực, tự do báo chí, bảo vệ môi trường – mọi thứ - đều nằm dưới cái bản năng gốc đó. Để tồn tại được, Đảng biết rằng họ phải đạt được một con số tuy đơn giản nhưng đáng sợ: 1 triệu việc làm một năm. Mỗi năm các trường học ở Việt Nam sản xuất ra 1 triệu nông dân và vô sản mới, sản phẩm của một thời kỳ bùng nổ dân số khổng lồ thời hậu chiến mà không có mảy may dấu hiệu chậm lại nào bất chấp chính sách “hai con” gắt gao. Tăng trưởng là sống còn, nhưng không phải với cái giá là tạo ra quá nhiều bất bình đẳng. Xóa đói giảm nghèo cũng thế, nhưng không phải với cái giá là ngăn cản tăng trưởng quá. Suốt 30 năm qua, chính sách cứ dao động qua lại, lúc thì ưu tiên tăng trưởng, lúc thì ưu tiên ổn định. Những người hưởng lợi là nông dân và vô sản. Thành tựu của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo là rất ấn tượng. Theo số liệu của chính phủ, năm 1993, gần 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cho tới năm 2004, con số giảm xuống còn 20%. Đất nước đã sớm thực hiện được phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ, là những mục tiêu phát triển do LHQ đặt ra, và thoát khỏi hàng ngũ những quốc gia nghèo nhất để tham gia nhóm “các nước thu nhập trung bình”. Mức sống của người dân đang tăng, chân trời của họ rộng mở và tham vọng của họ tăng dần. Sự hợp hôn giữa kiểm soát của nhà nước và tự do hóa, giữa Đảng với lợi ích tư, đang bóp méo nền kinh tế theo hướng biến thành ham muốn của một số ít thay vì là nhu cầu của đa số. Và những mạng lưới “chủ nghĩa xã hội thân hữu” này đang trở thành mối đe dọa cho sự ổn định của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam có nguy cơ chung số phận với rất nhiều hình mẫu trước đây của Ngân hàng Thế giới: phát triển bùng nổ và sau đó tan vỡ.
(…)
Ở gần như mọi quốc gia nơi phần kiểm soát của nhà nước trong nền kinh tế tăng lên, hậu quả đều là đình đốn, khủng hoảng tài chính và siêu lạm phát. Việt Nam thì khác, bởi vì các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ hoạt động phần lớn là không có sự hỗ trợ của nhà nước; đến mức những “ông chủ” của DNNN – các bộ ngành trong chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan Đảng, v.v. – đối xử với DNNN, trên thực tế, như là đối xử với công ty tư nhân, mặc dù DNNN được hưởng ưu đãi khi tiếp cận các ngân hàng quốc doanh và được các cơ quan nhà nước bảo hộ. Adam Fforde, một nhà phân tích kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, gọi đó là “những công ty cổ phần ảo”. DNNN làm ra lợi nhuận, mở rộng và đa dạng hóa: xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 4 lần từ năm 1990 tới năm 1996. Các vị giám đốc có được hợp đồng, trả tiền cho những người đã bảo hộ họ, và thịnh vượng. Đối với những người quan hệ tốt thì thật dễ để họ ngăn chặn cạnh tranh từ phía các đối thủ, từ phía hàng nhập khẩu hay là những công ty nước ngoài vừa bước vào thị trường. Tham nhũng trở thành bệnh dịch, ngân hàng quốc doanh cho vay tiền một cách phóng túng và một số công ty cố trở thành những tiểu đế chế - đến mức độ mà, trong một số trường hợp, chúng thành lập nên các liên doanh phi chính thức với những nhà đầu tư bí mật, vượt ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước – vốn dĩ là chủ sở hữu chúng. Trong trường hợp xấu nhất thì một số trong các công ty này trở thành những tên tội phạm công khai.
Đây không phải là điều mà các nhà tài trợ quốc tế thúc đẩy đạt tới. Suốt từ năm 1993, khi Mỹ chấm dứt cấm vận, khiến Ngân hàng Thế giới có thể nối lại việc cho Việt Nam vay tiền, thì Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nỗ lực thuyết phục chính phủ Việt Nam theo đuổi công thức tự do hóa kinh tế truyền thống. Năm 1996, Ngân hàng Thế giới, chính phủ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thậm chí còn thỏa thuận một bản Khuôn khổ Chính sách chung, định ra những bước sẽ phải tiến hành. Nhưng các bước ấy không bao giờ được thực thi cả. Rất nhiều người trong Đảng phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu vị trí của DNNN hay là mở cửa khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nước ngoài thái quá. Năm 1997, việc Việt Nam cố làm được điều này khi mẫu hình trước đó của Ngân hàng Thế giới là Indonesia bị rơi vào suy thoái kinh tế, chỉ càng làm tăng thêm các khó khăn. Ngân hàng Thế giới cung cấp 300 triệu USD Tín dụng Điều chỉnh Cơ cấu. Việt Nam thản nhiên bác bỏ. Đất nước chẳng có bao nhiêu nợ và cũng đã kiếm đủ tiền từ xuất khẩu và đầu tư thương mại của nước ngoài, nên chẳng cần tiền. Ngân hàng Thế giới, không quen với việc bị từ chối phắt như thế, lủi thủi cụp đuôi bỏ đi.
Cuối năm 1998, Ngân hàng Thế giới lại trở lại. Cùng với các nhà tài trợ khác, họ cấp cho Việt Nam 500 triệu USD viện trợ bổ sung (thêm vào khoảng 2,2 tỷ USD viện trợ không điều kiện) nếu Việt Nam đồng ý thực hiện kế hoạch bán bớt các DNNN hiện có, tái cấu trúc khu vực ngân hàng quốc doanh và đưa ra một chương trình cải cách thương mại. Chính phủ Việt Nam đồng ý với thỏa thuận này nhưng sau đó đã chẳng làm gì để thực hiện. Các đòi hỏi như vậy là quá nhiều khiến phe chủ đạo trong Đảng không thể nào chấp nhận được. Tháng 12 năm 1999, giới tài trợ cam kết nhiều hơn nữa – 700 triệu USD – nếu đất nước đi theo các đề xuất của họ. Phản ứng của phía Việt Nam là không nhân nhượng. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nói với báo chí: “Không thể dùng tiền mua cải cách… không ai có thể bắt ép Việt Nam”. Những mối ưu tiên của Đảng được thể hiện một cách không thể rõ ràng hơn. Trong vòng ba năm trời họ từ chối tổng cộng 1,5 tỷ USD, bởi họ đã đặt ổn định chính trị lên trên những hứa hẹn tự do hóa kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Thế giới tiếp tục cho vay những khoản viện trợ truyền thống rất lớn mà không có ràng buộc gì đi kèm, nhưng họ đã không áp đặt thực thi các điều kiện của mình. Việt Nam đã tiến rất gần đến định chế hùng mạnh này của Washington và chiến thắng. Ngân hàng Thế giới đi tới kết luận rằng hợp tác với Đảng thì dễ hơn là chống Đảng.
Nhưng trong khi cuộc chiến với Ngân hàng Thế giới đang hồi gay cấn, Đảng bắt đầu nhận ra rằng, ngay cả khi có đầu tư nước ngoài, khu vực nhà nước cũng sẽ không thể tạo ra con số cần thiết 1 triệu công việc mỗi năm. Họ đã ra một quyết định lịch sử: để cho khối tư nhân phát triển. Tháng 5 năm 1999, một Luật Doanh nghiệp mới được thông qua, loại bỏ phần lớn thủ tục hành chính phiền hà ngăn cản các công ty tư nhân có thể tự đăng ký chính thức. Khi luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng giêng năm 2000, ảnh hưởng gần như ngay tức thì: trong 5 năm sau đó, 160.000 doanh nghiệp được đăng ký mới. Phần lớn trong số này đã hoạt động từ trước đó mà không có giấy phép, và nay họ tận dụng luật mới để đăng ký. Tuy nhiên, luật cũng có nghĩa là khối tư nhân cuối cùng đã đến Việt Nam – 20 năm sau ngày bắt đầu cải cách kinh tế. Với sự nhận thức muộn màng này, có lẽ quá trình hình thành kéo dài đã cho những công ty “tiểu thương” nhỏ bé thời gian để tạo vốn và đúc rút kinh nghiệm trước khi cú sốc tàn nhẫn của các lực lượng thị trường không bị kiểm soát đè họ bẹp dí. Ở khía cạnh ấy, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế “chuyển đổi” khác.
Sau khi khối tư nhân được giải phóng, xung đột lớn cuối cùng trong nội bộ Đảng là về việc nên mở cửa rộng tới mức nào để chào đón thương mại quốc tế. Mâu thuẫn kết lại trong vấn đề nên hay không nên ký Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) với Mỹ. Đàm phán bắt đầu từ năm 1995, chấm dứt tại Hà Nội năm 1997, nhưng sau đó lại được tiếp tục. Sau 9 vòng đàm phán dài – phiên cuối cùng vào tháng 7 năm 1999, kéo dài 17 tiếng đồng hồ - hai bên thống nhất về cái được coi là bản hiệp định thương mại phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ, dài tới 100 trang. Một nhân vật chủ chốt ở bên phía Việt Nam là Phó Thủ tướng lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng. Liên tục, liên tục, mỗi khi đàm phán có vẻ đi vào ngõ cụt, người Mỹ lại nói chuyện trực tiếp với ông Dũng và thế bế tắc lại được gỡ bỏ. Nhưng thỏa thuận của ông Dũng không làm hài lòng những thành phần trong Đảng lúc đó vốn vẫn thù địch với thương mại nước ngoài và Mỹ. Một lễ ký kết chính thức được sắp xếp để diễn ra vào hội nghị thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương năm đó – nhưng đã bị hủy vào phút cuối cùng do các nhân vật chủ chốt đòi phải đưa bản text cho cơ quan ra chính sách của Đảng, tức là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, duyệt trước. Mãi cho đến tháng 7 năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương mới đồng ý ký. Đó là một hội nghị đáng nhớ. Trung ương Đảng không chỉ đồng ý ký BTA, mà họ còn phê chuẩn việc mở một thị trường chứng khoán ở TP.HCM. Từ thời điểm ấy trở đi, tăng trưởng trong khu vực tư nhân bắt đầu vượt khu vực nhà nước và cứ duy trì như thế. Việt Nam đã được đặt vào một con đường hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế - sẽ lên tới cao trào (sau quá trình đàm phán kéo dài) khi họ chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1 năm 2007. Khi đó Nguyễn Tấn Dũng, người đã giúp người Mỹ đàm phán BTA, là Thủ tướng của đất nước và là nhà cải cách hàng đầu, con gái ông là nhà kinh doanh ngân hàng.
Đoan Trang biên dịch
Kỳ sau: