Friday, 27 May 2011

Vỡ trận

Hồi bé đọc Tam Quốc, mình rất nhớ đoạn này, nói theo ngôn ngữ trồng cải bây giờ thì là “Những giờ phút cuối cùng của Vân Trường”:

Quan Công đuổi đánh hơn hai chục dặm, lại nghe có tiếng reo, thì là Hàn Đương ở mé hang núi đổ ra, Chu Thái ở mé hữu kéo đến; Tưởng Khâm quay đánh ập lại. Quan Công vội rút lui. Đi chưa được vài dặm, thấy trên gò núi Nam Sơn, có một số người tụ ở đấy, khói bốc nghi ngút. Trên núi có lá cờ trắng bay phấp phới, đề bốn chữ: “Kinh Châu thổ nhân”. Họ gọi ơi ới: “Những người bản xứ, mau mau ra hàng đi”.

Quan Công giận lắm, muốn lên núi giết bọn ấy. Bỗng ở trong hang núi lại có hai toán quân của Đinh Phụng, Từ Thịnh đổ dậy đất, chiêng chống rầm trời, vây khốn Quan Công mà đánh, tướng sĩ thủ hạ dần dần tán hết. Đánh nhau mãi đến mờ mờ tối, Quan Công trông ra bốn phía núi, thấy toàn là quân Kinh Châu, người thì gọi anh tìm em, kẻ thì réo con gọi cha, tiếng kêu như ri, rủ nhau đi mất cả. Quan Công quát ngăn lại cũng không được.

Thấy đoạn này minh họa rõ cho cái ý “vỡ trận”. Mà hình như kinh tế, giáo dục, báo chí nước Nam ta giờ đang ầm ầm rơi vào thế ấy.

Bấy giờ báo chí đói lắm, nhiều tòa báo phải tung quân đi các nơi trồng cải, bắt doanh nghiệp làm thịt, mò cả vào làng showbiz thịt “sao”, có khi đói quá ăn thịt lẫn nhau. Người nào yếu, mắt mờ chân run không theo được, đành nằm nhà chờ chết hoặc kêu khóc đợi ứng cứu. Báo điện tử câu view điên cuồng, bọn quân sư nghĩ ra ngày càng nhiều tít bệnh hoạn, dân tình tuy vẫn vào đọc, nhưng thực bụng sợ lắm.

Báo sĩ nhiều người thấy tình hình trồng cải, làm thịt dân rối ren như thế, trong lòng không nỡ, muốn viết khác đi, nhưng phi cải ra, động cái gì cũng bị triều đình hạch tội. Số báo sĩ nao núng, muốn bẻ bút về quê làm ruộng ngày càng nhiều. Lắm kẻ sinh phẫn chí, tối ngày uống rượu rồi trông mặt về phía “Trung ương” mà khóc hu hu, tổng biên tập quát ngăn lại cũng không được. Tiếng kêu than vang trời dậy đất…

Vỡ trận rồi còn đâu? Nước Nam ta từ ngày có báo điện tử đã bao giờ suy đến thế này chăng, trời hỡi trời?