Câu chuyện tôi kể sau đây có thể khiến vài người khó chịu, chí ít cũng không thấy thoải mái; vài người buồn, thậm chí đau khổ; một số ít người cười nhạt; một số ít chẳng hiểu gì. Nhưng dù sao thì tôi cũng cứ kể, và chấp nhận mọi phản ứng (bằng cảm xúc) từ phía người nghe.
Trước khi bắt đầu, có nhẽ cần đôi lời dẫn nhập. Xã hội dân sự ở Việt Nam chưa kịp – nói đúng hơn là chưa được “tạo điều kiện” – phát triển, nhưng (mẹ khỉ) cái lũ lắm chuyện là bọn viết lách ấy, đã có thú lập hội lập nhóm rồi. Cánh nhà báo luôn bị coi là chiếu dưới trong làng viết, nhưng cũng đú, cũng thích kết thành bè thành phái, bày ra các nhóm nào Ngỗng Trời, nào Vịt Đực, nào Lương Sơn Bạc, nào Châu Chấu, nào Cào Cào v.v.
Hội nhà báo không thẻ, hay là nhà báo tự phong (self-proclaimed journalists) chúng tôi cũng hứng chí lập một nhóm, gọi là Chi Bộ. Các thành viên của Chi Bộ có thói quen gọi nhau bằng các loại mã số, kéo dài suốt từ Z1 cho đến Z131. Nhân vật chính trong câu chuyện tôi kể dưới đây dĩ nhiên có tên riêng, nhưng cho phép tôi gọi anh ta bằng tên chung là Z vì biết đâu anh ta có thể đại diện cho vài người trong chúng ta (tôi hy vọng thế). Cũng xin lưu ý bạn đọc: Nhà báo ở Việt Nam thì cũng có ba bảy loại, như anh chàng này chỉ là một loại mà thôi.
* * *
Trong làng báo ở xứ Việt kia, có một kẻ tên là Z. Như tuyệt đại đa số nhân vật chính diện trong các tác phẩm văn học của chúng ta, Z rất đẹp trai, thông minh và tốt bụng, nên được người người yêu quý. Đến tuổi vào đại học, Z thi đỗ Học viện Quan hệ Quốc tế. Không hiểu trời đất run rủi thế nào mà khi ra trường, Z trở thành một trong số hàng nghìn phóng viên đang hành nghề trên đất Việt.
Z vốn thông minh, tự biết mình không được đào tạo bài bản về báo chí nên ra sức tự học. Sẵn có chút tiếng Anh, lại đá thêm tí tiếng Pháp, Z ngày đêm lùng sục tìm các tài liệu về báo chí, hì hụi đọc, dịch, rồi khẩn trương áp dụng vào thực tế. Z những muốn làm cái gì cũng sâu hơn người khác một bậc, cao hơn người khác một trình. Gần một thế kỷ trước, nhà văn Nam Cao đã từng viết thế này, chính là viết về người như Z:
“Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn...”.
Ông tổ nghề báo không hoàn toàn phụ Z. Z cũng làm ra được nhiều tác phẩm có chút ít giá trị, theo nghĩa sạch nước cản và nếu ai đó có đọc thì chắc cũng sẽ nhớ được một lúc, vì như đã nói, Z vốn thông minh. Nhưng vấn đề của Z là không có mấy ai xem các tác phẩm của Z cả, tại Z toàn làm cho hết Người Bảo vệ Pháp luật, Nông thôn @, Điện Lực, Dầu Khí, Dân chủ Cơ sở, đến mùa World Cup lại làm cộng tác viên đắc lực cho tờ Tin nhanh Nông nghiệp.
Z làm cả truyền hình nữa, hết Mua sắm 24 giờ rồi lại Nông nghiệp 360 độ, thiếu chút nữa làm cả chương trình chống HIV/AIDS với tên gọi “Sex 24x7”. Z đẹp trai là thế, có tài ăn nói, chịu khó chịu khổ lên hình quần quật, thế mà ra ngoài đường vẫn chẳng ai biết Z là ai. Z tự biết mình không tài vượt thiên hạ, khốn nỗi là nhà báo, mà trước hết cũng là một thằng đàn ông, nên Z thấy bức bối lắm. Hội nhà báo của Z cứ mỗi lần họp chi bộ với nhau, quanh đi quẩn lại lại nói chuyện nghề, rồi chỉ một lát là anh em đã thấy Z to tiếng khi nói về các tác phẩm báo chí đoạt giải của những X, những Y nào đấy:
- Mịa, bài đó viết như kít thế mà cũng được giải. Sặc giọng nịnh bợ. Mà nói thật, không nịnh mấy ảnh thì có mà ăn giải rút!
Có hôm Z lại bảo:
- Em Tuyết Hạnh vừa được anh tổng biên tập đôn lên thư ký tòa soạn. Mình làm cùng em ấy hồi trước, mình biết. Khốn nạn, tài em hèn, sức em mọn, được mỗi cái vốn tự có dồi dào, hị… Nó lên là chết anh em ở đó rồi.
Cả đám nhao nhao phản đối:
- Ông khinh người vừa thôi. Hồi trước nó không có năng lực, bây giờ nó có thì sao? Làm sao ông biết được? Ông là ông tư duy rất không biện chứng đấy nhá! Ghen tị hả?
Z không cãi lại được, đành chỉ ngồi thở dài. Kể ra chúng nói đúng, Z cũng hơi có phần ghen tị. Càng ngày Z càng thấy mình giống cái nhân vật được Nam Cao mô tả kia. Có chút Tây học vào người, Z làm cái gì cũng muốn đạt tới tầm chuyên nghiệp của nó. Z vốn khinh ghét những tên nhà báo ăn tục nói phét, nhiều khi chỉ có mỗi cái việc là nghe người ta phát biểu rồi chép lại cho đúng mà cũng không nên hồn, tệ hơn nữa còn cố tình dựng chuyện để viết bài theo ý mình. Chính chúng làm xấu mặt những nhà báo trong trắng như Z, khiến Z mang tiếng lây - “nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu”. Z cũng khinh luôn, ghét luôn cả cái lũ nhà báo xuống cơ sở vòi tiền trợn mắt, ăn tiền tưởng chết (vì nghẹn). Nhưng Z cũng phải công nhận, chúng có uy thì mới dọa được cơ sở sợ xanh mắt lên mà nôn tiền ra òng ọc như thế. Còn loại lìu tìu “Nông nghiệp 360 độ” như Z, có đi dọa lồi cả mắt cũng chẳng đứa chó nào sợ.
Không biết bao nhiêu lần Z muốn đầu tư công sức để làm ra một cái phóng sự thuộc loại “đỉnh cao khó vượt”, nhưng vấn đề là thời gian và tiền. Ngày nào Z cũng phải có cái tin gì đấy gửi cho tòa soạn, cứ phải chạy đua kịch liệt với thời gian. Z như điên lên vì phải xoay tin. Z còn điên lên vì người yêu cứ nhèo nhẽo, lúc nào cũng “Anh đang ở đâu đấy? Tóm lại là anh có đi ăn với em tối nay không, để em còn biết đường mà hẹn người khác?”… không để yên cho Z tập trung làm gì cả. Z như điên lên vì khi xem nhiều tác phẩm của đồng nghiệp, Z biết mình có thể làm tốt hơn, nhưng mất công lắm, mà Z còn lúc nào để làm gì nữa đâu, mà làm có để cho mục đích gì đâu? Tác phẩm Z tâm đắc thì chẳng ai biết tới. Tác phẩm Z đổ huyết đổ lệ đổ tiền túi vào thì không được đăng vì có vấn đề. Z ức, chỉ biết lẩm bẩm: “Mẹ, có vấn đề thì mới nên chuyện mà viết, chứ không vấn đề thì biết viết cái éo gì?”. Và tiền, nỗi đau muôn thuở của Z là tiền. Nhuận bút cộng lại tưởng là khá, nhưng kiếm ra bao nhiêu Z nướng bấy nhiêu vào ăn nhậu với quần chúng ở dưới cơ sở. Trông Z đẹp trai ngời ngời, ăn nói khéo léo, mà đến lúc trả tiền lại chạy làng thì còn ra cái gì. Vậy nên vì quan hệ, Z phải chi khá tiền. Nhục! Z tự an ủi, thôi coi đó như khoản đầu tư, tính toán làm gì. (Mà đấy là Z còn chưa có một gia đình phải nuôi, lại cũng ít phải chi tiền vào khoản trang phục, trang sức, hóa mỹ phẩm… như các đồng nghiệp nữ đấy, không thì còn túng nữa).
Thế rồi Z đổi tính nết dần. Z trở nên cau có, gắt gỏng. Bạn bè bảo Z yêu nghề vừa thôi, stress mẹ nó rồi. Z thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Z nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Z lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và Z nghĩ đến cái tên mình đang mờ dần đằng sau những tên khác ở những tòa báo và đài truyền hình “có đất” hơn... Rồi Z ra về, thờ thẫn.
Một ngày nọ đi phỏng vấn làm cái tin còi, Z may mắn gặp một người được coi như đại gia trong làng kinh doanh ở Việt Nam (kinh doanh cái gì thì ai cũng biết mà thành ra ai cũng không biết). Z nghe tiếng người này đã lâu, vốn từng mê mẩn nhiều câu nói câu viết của người này, đại khái về giá trị, con người, công bằng xã hội v.v. Mãi lần này đi làm tin mới có cơ gặp, Z thầm cảm ơn nghề báo cho mình tiếp xúc với những thiên tài như thế.
Đại gia quả không hổ danh đại gia, nói chuyện với Z toàn bàn những vấn đề hết sức vĩ mô. Người này có thói quen động tới cái gì cũng phân loại, phân hạng, thành đủ thứ miền, tầng, tỷ như “xét về lĩnh vực thông tin, nguồn tin tốt nhất ở Việt Nam là từ giới lãnh đạo, tốt thứ nhì là từ giới quản lý, tốt thứ ba là từ những người làm nghề, tốt thứ tư mới là bọn nhà báo bẩn thỉu”. Z ngồi nghe, lặng người, rồi bỗng nhớ tới thân phận làm báo của mình mà muốn hỏi đôi câu. Z hỏi:
- Như nhà báo chúng em thì được chia thành mấy loại?
Đại gia nheo mắt nhìn Z, rồi bảo:
- Xét về trình độ, anh phân chia các cô các chú thành ba loại. Loại thứ nhất là loại “TRONG VAI”, tức là các nhà báo “trong vai một người có con đi học xa”, “trong vai một người đi mua hàng”, “trong vai một cô gái bán hoa”, tóm lại là trong vai cái chết tiệt gì đấy.
Loại thứ hai là loại nhà báo “CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?”. Đó là loại bức xúc, có tinh thần đấu tranh, đi đâu cũng thấy hừng hực muốn bút chiến.
Z vốn thông minh, hiểu ý ngay, đế thêm:
- Kiểu như là “Cơ quan chức năng ở đâu mà không vào cuộc?”, “Thiết nghĩ đã đến lúc…”, “Hỡi những người có lương tri”?
Đại gia gật gù:
- Chính xác. Còn loại thứ ba là loại nhà báo “VẤN ĐỀ KINH PHÍ”. Đó là loại quen khề khà: “À, vấn đề kinh phí thì ở đâu nó cũng thế thôi anh ạ. Chuyện này phức tạp, đòi hỏi một tiếng nói có trọng lượng, đa chiều kích, có sức thuyết phục. Mà như thế vấn đề kinh phí cũng bị đội lên…”.
Z nghe đại gia liệt kê xong hết ba loại, đã buồn lại buồn thêm, bèn hỏi:
- Anh, em xin thề với anh là em chưa bao giờ có trong đầu khái niệm “trong vai”, “chúng ta phải làm gì đây”, hay “vấn đề kinh phí”. Như thế thì em là loại gì?
Đại gia cười hềnh hệch mà rằng:
- À ừ, còn chú nữa nhỉ? Chú thuộc loại nhà báo thứ tư mà anh vừa nhận ra. Loại này mới hình thành từ khi báo chí Tây mon men vào thị trường truyền thông Việt Nam, tức là vào khoảng năm 2000. Loại này dính tí hơi Tây, có tố chất để trở thành nhân tài, nhưng cũng có máu làm loạn. Nếu không có sự hỗ trợ từ một hệ thống, loại này chỉ thành giặc, còn tố chất của chúng thì cứ mãi là tố chất, cũng như Việt Nam ta mãi chỉ có nội lực. Đó là LOẠI NHÀ BÁO ĐÉO AI BIẾT ĐẾN!
Z nghe xong, rụng rời lửa đốt. Chỉ trong khoảnh khắc Z ngộ ra tất cả mọi điều - những uẩn khúc, những xót xa, những khúc mắc, những ẩn ức có trong người từ bao lâu nay. Z quỳ sụp xuống dưới chân đại gia, chắp tay vái lấy vái để:
- Sư phụ ơi, sư phụ ơi… Sao đến giờ con mới gặp Người? Chỉ có sư phụ là nhìn ra vấn đề của con. Xin sư phụ nhận của con một lạy này, cho con được tôn Người làm sư phụ!
Đại gia xua tay:
- Đừng làm thế, ta không thích!
Z vẫn nức nở không nguôi:
- Sư phụ, sư phụ. Xin Người đi làm truyền thông, xin Người mở tạp chí, mở đài truyền hình đi, con xin về đầu quân cho Người, dẫu gan óc lầy đất cũng nguyện một lòng theo Người, không quên ơn Người.
Đại gia cười:
- Anh cũng muốn giúp chú lắm, nhưng anh vốn không ở trong ngành truyền thông, mà ngành của anh thì chú làm gì có chuyên môn mà làm quân của anh. Thôi chú hãy về đi, cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua.
Đại gia lựa lời an ủi mãi, Z mới gạt nước mắt, đứng lên ra về.
Từ lúc gặp người ấy, Z mới thực hiểu ra nguồn cơn của mọi vấn đề. Z không giã từ nghề báo, nhưng cũng không còn buồn nữa, thấy lòng nhẹ nhàng hơn hẳn. Z lấy làm biết ơn ông ta lắm.
Thế rồi một thời gian sau, Z nghe nói vị đại gia ấy bị thất sủng, đang trên con đường đi tới sự phá sản. Z sửng sốt, không hiểu sao người này vốn nổi tiếng cơ trí mưu lược, về cuối đời lại điên như thế. Z ngơ ngẩn hồi lâu, rồi cũng chặc lưỡi: “Thôi, may mà mình không về đầu quân cho ổng. Âu cũng là cái digital!”.
I dare not describe myself as a patriot. I just believe I am psychologically attached to my country.
Monday, 20 June 2011
Tuesday, 14 June 2011
Quan điểm của nhà làm phim "Đường tới thành Thăng Long"
Một làn sóng dư luận lại nổi lên sau khi có tin Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã nhất trí “phê chuẩn” chất lượng của bộ phim truyền hình 19 tập “Đường tới thành Thăng Long”, và phim sẽ bắt đầu lên sóng giờ vàng của VTV vào cuối tháng 6. Sự phản đối của cộng đồng mạng đặc biệt mãnh liệt. Trong hàng trăm ý kiến phản đối, có những lời bình luận (comment) cho rằng nhà sản xuất phim đã tiếp tay cho đối tác Trung Quốc “Hán hóa” một sản phẩm văn hóa của Việt Nam.
Tháng 9 năm ngoái, “Đường tới thành Thăng Long” hụt lên sóng vì bị phản đối quá mạnh. Hội đồng Duyệt phim quốc gia thống nhất là không thể phổ biến phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, buộc nhà sản xuất phải sửa lại. Đến nay, cả Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành lẫn Hội đồng Duyệt phim đều xác nhận là phim đã được sửa, Hội đồng đã duyệt tới ba lần, có thể đem phát sóng được. Buổi duyệt cuối cùng, theo ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc công ty Trường Thành, diễn ra căng thẳng, với sự tham gia của cả đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương lẫn Bộ Công an.
Ông Sơn tỏ ý bức xúc khi “dư luận không thông cảm”, “đại đa số chưa xem phim, chỉ mới xem trailer (đoạn giới thiệu), đã lên án dữ dội”. Ông cho rằng, về nội dung tư tưởng, đây là một bộ phim rất tốt, ca ngợi tổ tiên, thể hiện lòng tự hào về cha ông ta.
Nhiều lần sửa, chất Trung Hoa vẫn đậm
Công bằng mà xét, cách quay, cách dựng “Đường tới thành Thăng Long” có những nét khác với các phim cổ trang khác của Việt Nam, thể hiện ở góc máy đa dạng hơn, tiết tấu nhanh hơn. Phim sử dụng nhiều đại toàn cảnh, hình ảnh động (thay vì đặt máy “chết” và ghi hình tĩnh, dễ gây cảm giác nhàm chán cho khán giả). Ông Trịnh Văn Sơn cho biết, đối tác làm phim phía Trung Quốc còn “chuyển giao công nghệ làm phim cổ trang” cho đoàn, tức là hướng dẫn để làm sao cho phim được hấp dẫn, thu hút khán giả. Ví dụ cứ ba phút là một cao trào nhỏ, 5 phút là một cao trào trung bình, 10 phút là một cao trào lớn.
Khoảng 70% cảnh quay được ghi hình tại Trung Quốc. Phim tràn ngập những ngôi chùa cao vòi vọi ba tầng mái, những sân đá rộng, thềm đá cao và trải dài dưới bóng thông. Các nhân vật mặc những trang phục nhiều lớp vải ấm áp, những mũ trụ, áo giáp đồng đồ sộ, tạo cảm giác câu chuyện diễn ra ở một xứ sở thuộc khí hậu… hàn đới. Trang phục này, bộ đơn giản do phía Việt Nam tự may, còn mũ mãng giáp trụ, áo xống (bằng đồng và da thuộc, có dập lỗ, tán đinh) thì theo ông Sơn, “khó quá mình không may được, nên đặt bên Trung Quốc”. Ông cho biết, vì lý do đó, “nhiều bộ muốn sửa cũng không được vì ở Việt Nam có chỗ nào mà sửa đâu, muốn thay đổi gì lại phải mang sang Trung Quốc”.
Khi được hỏi: “Như trình độ thợ bây giờ mà Việt Nam còn không sản xuất nổi, cha ông ta ngày xưa hẳn khó may được các trang phục “khủng” như thế?”, ông Sơn đáp: “Thì đó là điện ảnh mà”.
Ông bộc bạch: “Theo tôi, mọi người xem nên nhìn nhận theo cách này: tác phẩm điện ảnh là tác phẩm điện ảnh. Có ý kiến cho rằng phim lịch sử thì phải thể hiện đúng như lịch sử. Nhưng tôi muốn cao hơn thế. Mình hội nhập quốc tế rồi. Điện ảnh là phương tiện để chúng ta giao lưu, hội nhập, thì đây là vấn đề thương hiệu quốc gia. Bộ phim này nếu phát sóng ở nước ngoài, thì phải để người ta thấy cha ông mình như thế nào chứ không thể để bối cảnh lụp xụp được. Phải nâng tầm lên chứ”.
Theo ông Trịnh Văn Sơn, các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi làm phim cổ trang đều nâng phim lên so với thực tế như thế. Đó cũng là lý do để nhà làm phim giải thích cho tạo hình nhân vật thái hậu Dương Vân Nga với cặp lông mày tỉa, môi hồng răng trắng, trang điểm hiện đại. “Vấn đề răng đen được tranh cãi rất nhiều trên trường quay, nhưng diễn viên đâu có chịu cho nhuộm”.
Về lời thoại, chất “kiếm hiệp Tàu” cũng rất đậm đà. Khi Lý Công Uẩn lên đài đấu kiếm trong một kỳ tuyển binh, người cầm trịch nói: “Đao kiếm vô tình, lỡ sát thương người có dám ký giấy cam kết không?”. Vua Đinh Toàn lúc bé được gọi là “Toàn nhi”, chẳng hạn như khi thái hậu Dương Vân Nga nói với Lê Hoàn: “Ta thay mặt Toàn nhi tạ ơn bệ hạ”. Những câu thoại với ngôn từ ảnh hưởng nặng từ (bản dịch) phim cổ trang Trung Quốc như thế tràn ngập trong Đường tới thành Thăng Long.
Bị đối tác Trung Quốc “ép”?
Nói về sự tham gia của đối tác Trung Quốc, ông Trịnh Văn Sơn cho biết, dự án làm phim hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của Trường Thành. Năm 2006, Trường Thành bắt đầu viết dự án và tới cuối năm 2009 thì khởi quay để phát sóng nhân Đại lễ nghìn năm.
Cùng năm 2006, một công ty Trung Quốc tên là Đông Minh Vệ Thị (dịch sang tiếng Việt là Truyền hình ASEAN) sang Việt Nam đặt vấn đề với VTV để hợp tác làm chương trình kỷ niệm Đại lễ.
Kết quả của việc này là Đông Minh Vệ Thị đã trở thành công ty đối tác của Trường Thành trong dự án phim Đường tới thành Thăng Long. Kinh phí sản xuất phim là 109 tỷ đồng, trong đó TVAD (Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình, trực thuộc VTV) đầu tư khoảng 10% (theo thông tin từ Trường Thành). Đông Minh Vệ Thị lúc đó là một công ty mới thành lập. “Nhưng họ cam kết sẽ thuê được đối tác mình cần. Mình làm sao mà biết ai với ai ở Trung Quốc. Họ là đối tác thương mại, họ giới thiệu cho mình ứng viên, bảo người này đã làm phim này, người kia làm phim kia. Mình đến gặp, thấy OK thì ký hợp đồng thôi” – ông Trịnh Văn Sơn cho biết. Qua hai đạo diễn, cuối cùng người thứ ba được chọn là ông Cận Đức Mậu.
Đạo diễn phía Việt Nam là Tạ Huy Cường (chuyên ngành kỹ thuật âm thanh). Ông Trịnh Văn Sơn nói: “Huy Cường là người đi kèm đạo diễn Trung Quốc và nhiệm vụ là phải học. Tôi thừa nhận, Huy Cường chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng sau bộ phim này, anh ấy đã học được rất nhiều”.
Bên cạnh khâu đạo diễn – “linh hồn” của mỗi bộ phim – thì mọi khâu khác cũng đều có người Việt Nam “đi kèm” đối tác Trung Quốc để học và nhận chuyển giao công nghệ. Kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn viết, đứng tên cùng biên kịch Kha Chương Hòa của Trung Quốc. Quay phim là người Trung Quốc (ở các cảnh quay trên đất bạn, chiếm hơn 70% thời lượng phim). Đạo diễn hình là người Đài Loan.
Dù sao Đông Minh Vệ Thị cũng không bỏ tiền đầu tư vào Đường tới thành Thăng Long (theo thông tin từ Trường Thành), cho nên việc đối tác Trung Quốc chủ ý đầu tư vào một dự án nhằm “Hán hóa” phim Việt Nam là không có. Giám đốc Trịnh Văn Sơn khẳng định như vậy.
Tháng 9 năm ngoái, “Đường tới thành Thăng Long” hụt lên sóng vì bị phản đối quá mạnh. Hội đồng Duyệt phim quốc gia thống nhất là không thể phổ biến phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, buộc nhà sản xuất phải sửa lại. Đến nay, cả Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành lẫn Hội đồng Duyệt phim đều xác nhận là phim đã được sửa, Hội đồng đã duyệt tới ba lần, có thể đem phát sóng được. Buổi duyệt cuối cùng, theo ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc công ty Trường Thành, diễn ra căng thẳng, với sự tham gia của cả đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương lẫn Bộ Công an.
Ông Sơn tỏ ý bức xúc khi “dư luận không thông cảm”, “đại đa số chưa xem phim, chỉ mới xem trailer (đoạn giới thiệu), đã lên án dữ dội”. Ông cho rằng, về nội dung tư tưởng, đây là một bộ phim rất tốt, ca ngợi tổ tiên, thể hiện lòng tự hào về cha ông ta.
Nhiều lần sửa, chất Trung Hoa vẫn đậm
Công bằng mà xét, cách quay, cách dựng “Đường tới thành Thăng Long” có những nét khác với các phim cổ trang khác của Việt Nam, thể hiện ở góc máy đa dạng hơn, tiết tấu nhanh hơn. Phim sử dụng nhiều đại toàn cảnh, hình ảnh động (thay vì đặt máy “chết” và ghi hình tĩnh, dễ gây cảm giác nhàm chán cho khán giả). Ông Trịnh Văn Sơn cho biết, đối tác làm phim phía Trung Quốc còn “chuyển giao công nghệ làm phim cổ trang” cho đoàn, tức là hướng dẫn để làm sao cho phim được hấp dẫn, thu hút khán giả. Ví dụ cứ ba phút là một cao trào nhỏ, 5 phút là một cao trào trung bình, 10 phút là một cao trào lớn.
Khoảng 70% cảnh quay được ghi hình tại Trung Quốc. Phim tràn ngập những ngôi chùa cao vòi vọi ba tầng mái, những sân đá rộng, thềm đá cao và trải dài dưới bóng thông. Các nhân vật mặc những trang phục nhiều lớp vải ấm áp, những mũ trụ, áo giáp đồng đồ sộ, tạo cảm giác câu chuyện diễn ra ở một xứ sở thuộc khí hậu… hàn đới. Trang phục này, bộ đơn giản do phía Việt Nam tự may, còn mũ mãng giáp trụ, áo xống (bằng đồng và da thuộc, có dập lỗ, tán đinh) thì theo ông Sơn, “khó quá mình không may được, nên đặt bên Trung Quốc”. Ông cho biết, vì lý do đó, “nhiều bộ muốn sửa cũng không được vì ở Việt Nam có chỗ nào mà sửa đâu, muốn thay đổi gì lại phải mang sang Trung Quốc”.
Khi được hỏi: “Như trình độ thợ bây giờ mà Việt Nam còn không sản xuất nổi, cha ông ta ngày xưa hẳn khó may được các trang phục “khủng” như thế?”, ông Sơn đáp: “Thì đó là điện ảnh mà”.
Ông bộc bạch: “Theo tôi, mọi người xem nên nhìn nhận theo cách này: tác phẩm điện ảnh là tác phẩm điện ảnh. Có ý kiến cho rằng phim lịch sử thì phải thể hiện đúng như lịch sử. Nhưng tôi muốn cao hơn thế. Mình hội nhập quốc tế rồi. Điện ảnh là phương tiện để chúng ta giao lưu, hội nhập, thì đây là vấn đề thương hiệu quốc gia. Bộ phim này nếu phát sóng ở nước ngoài, thì phải để người ta thấy cha ông mình như thế nào chứ không thể để bối cảnh lụp xụp được. Phải nâng tầm lên chứ”.
Theo ông Trịnh Văn Sơn, các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi làm phim cổ trang đều nâng phim lên so với thực tế như thế. Đó cũng là lý do để nhà làm phim giải thích cho tạo hình nhân vật thái hậu Dương Vân Nga với cặp lông mày tỉa, môi hồng răng trắng, trang điểm hiện đại. “Vấn đề răng đen được tranh cãi rất nhiều trên trường quay, nhưng diễn viên đâu có chịu cho nhuộm”.
Về lời thoại, chất “kiếm hiệp Tàu” cũng rất đậm đà. Khi Lý Công Uẩn lên đài đấu kiếm trong một kỳ tuyển binh, người cầm trịch nói: “Đao kiếm vô tình, lỡ sát thương người có dám ký giấy cam kết không?”. Vua Đinh Toàn lúc bé được gọi là “Toàn nhi”, chẳng hạn như khi thái hậu Dương Vân Nga nói với Lê Hoàn: “Ta thay mặt Toàn nhi tạ ơn bệ hạ”. Những câu thoại với ngôn từ ảnh hưởng nặng từ (bản dịch) phim cổ trang Trung Quốc như thế tràn ngập trong Đường tới thành Thăng Long.
Bị đối tác Trung Quốc “ép”?
Nói về sự tham gia của đối tác Trung Quốc, ông Trịnh Văn Sơn cho biết, dự án làm phim hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của Trường Thành. Năm 2006, Trường Thành bắt đầu viết dự án và tới cuối năm 2009 thì khởi quay để phát sóng nhân Đại lễ nghìn năm.
Cùng năm 2006, một công ty Trung Quốc tên là Đông Minh Vệ Thị (dịch sang tiếng Việt là Truyền hình ASEAN) sang Việt Nam đặt vấn đề với VTV để hợp tác làm chương trình kỷ niệm Đại lễ.
Kết quả của việc này là Đông Minh Vệ Thị đã trở thành công ty đối tác của Trường Thành trong dự án phim Đường tới thành Thăng Long. Kinh phí sản xuất phim là 109 tỷ đồng, trong đó TVAD (Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình, trực thuộc VTV) đầu tư khoảng 10% (theo thông tin từ Trường Thành). Đông Minh Vệ Thị lúc đó là một công ty mới thành lập. “Nhưng họ cam kết sẽ thuê được đối tác mình cần. Mình làm sao mà biết ai với ai ở Trung Quốc. Họ là đối tác thương mại, họ giới thiệu cho mình ứng viên, bảo người này đã làm phim này, người kia làm phim kia. Mình đến gặp, thấy OK thì ký hợp đồng thôi” – ông Trịnh Văn Sơn cho biết. Qua hai đạo diễn, cuối cùng người thứ ba được chọn là ông Cận Đức Mậu.
Đạo diễn phía Việt Nam là Tạ Huy Cường (chuyên ngành kỹ thuật âm thanh). Ông Trịnh Văn Sơn nói: “Huy Cường là người đi kèm đạo diễn Trung Quốc và nhiệm vụ là phải học. Tôi thừa nhận, Huy Cường chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng sau bộ phim này, anh ấy đã học được rất nhiều”.
Bên cạnh khâu đạo diễn – “linh hồn” của mỗi bộ phim – thì mọi khâu khác cũng đều có người Việt Nam “đi kèm” đối tác Trung Quốc để học và nhận chuyển giao công nghệ. Kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn viết, đứng tên cùng biên kịch Kha Chương Hòa của Trung Quốc. Quay phim là người Trung Quốc (ở các cảnh quay trên đất bạn, chiếm hơn 70% thời lượng phim). Đạo diễn hình là người Đài Loan.
Dù sao Đông Minh Vệ Thị cũng không bỏ tiền đầu tư vào Đường tới thành Thăng Long (theo thông tin từ Trường Thành), cho nên việc đối tác Trung Quốc chủ ý đầu tư vào một dự án nhằm “Hán hóa” phim Việt Nam là không có. Giám đốc Trịnh Văn Sơn khẳng định như vậy.
Monday, 6 June 2011
5-6-2011: “CÒN LẠI TÌNH YÊU”
Tôi biết đây sẽ là một bài viết rất kém của mình, bởi vì tôi không đủ khả năng để thể hiện hết những gì mình đã chứng kiến hôm qua, 5/6/2011. Tôi chỉ có thể nói, đó là một ngày nắng chói chang, vàng rực đường phố, cây lá rất xanh và màu cờ, màu áo thì rất đỏ.
Tôi đã thấy những bạn trẻ đứng dưới nắng như thế, từ 8h sáng, giơ cao cờ, những khẩu hiệu in lên giấy A4, ảnh Bác Hồ và ảnh tướng Giáp với nụ cười mạnh mẽ và quả đấm giơ lên: “Không sợ”. Tôi thấy hàng rào cảnh sát cơ động nai nịt, mũ bảo hiểm, khiên, dùi cui, đẩy các bạn lùi dần từng bước, từ dưới chân tượng Lenin, bật dần khỏi vườn hoa, ra vỉa hè và xuống lòng đường. Có những dân phòng trẻ, xô đẩy rất hung hãn. Có những dân phòng già hơn thì ôn tồn đạo mạo: “Được rồi, được rồi, ghi nhận. Thế thôi, xong. Về, về đi”, hệt như nói với trẻ nít. Ngay cả trong những phút ấy, tôi vẫn nghe các bạn nhắc nhau: “Đừng chửi, đừng nổi nóng”, “hết sức giữ bình tĩnh”, “ôn hòa anh em ơi”… Hàng người cứ bị đẩy lùi từng bước một, mặc cho các bạn trần tình: “Chúng em có làm gì đâu?”, “Các anh giăng dây đi vậy, cho cái ranh giới để chúng em biết chỗ mà đứng”.
Tôi thấy một dân phòng trẻ tuổi, gần như chỉ chờ lệnh ban ra là lấy hơi, giơ hai tay xông tới, sấn sổ đẩy các bạn cùng trang lứa với mình lại. Nhưng tôi cũng tin rằng, ngoài một số ít vị nhiệt tình quá mức đó, các nhân viên an ninh, cảnh sát cơ động, dân phòng… đều không chủ trương “chơi rắn”, vì nếu không, sẽ không có chuyện các phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia được tự do cứ việc mướt mồ hôi mà bấm máy tanh tách thế kia.
Và rồi đoàn người ấy xuống đường, rùng rùng bước đi.
Qua những con phố đông đúc, chật chội của thủ đô. Qua những cửa hàng hào nhoáng và những quán ăn vỉa hè nhếch nhác. Qua những hàng xà cừ xanh, bằng lăng tím và phượng đỏ. Qua một ngã tư, nơi vài người đi xe máy dừng chờ đèn đỏ đã vỗ tay hưởng ứng đoàn ra mặt. Tôi đã nghe các bạn nhắc nhau “đi gọn lại”, “chậm thôi”, “đừng giẫm lên cỏ”, “đi lên vỉa hè”. Các bạn hát Quốc ca, Nối vòng tay lớn, Dậy mà đi, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Rồi đọc vang “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” phiên âm Hán-Việt – đành vậy, vì có tới ít nhất hai bản dịch tiếng Việt. Nhưng tiếng hét đến lạc cả giọng “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!” của các bạn, ai có thể xem thường?
Những chiếc xe cảnh sát vẫn áp sát, tiếng loa văng vẳng: “Các lực lượng đi bộ không đi xuống lòng đường. Các phương tiện giao thông tiếp tục di chuyển, không dừng lại, không đi lên vỉa hè”. Tôi mỉm cười, vì thật ra chính vào lúc đó, chúng tôi rất có cảm giác như mình đang được bảo vệ, giá các anh ấy gọi thẳng ra là “đoàn biểu tình” có phải hay hơn dùng cụm từ “các lực lượng đi bộ” không? Một bạn trẻ bỗng “nhân thể” hô lên: “Phản đối Trung Quốc xâm lược. Phản đối công an đi ngược chiều”. Ai cũng cười. Tôi thấy anh công an trẻ, rất đẹp trai, rảo bước song song với đoàn, quay đi cười rung rung vai.
Tôi biết tôi viết kém, vì ngay đến cái tựa đề, tôi cũng phải mượn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng vì tôi thích vở kịch “Còn Lại Tình Yêu” của ông, viết về người anh hùng Nguyễn Thái Học. Nhà văn viết rằng, con người làm cách mạng bất thành ấy, trước khi chết đã nói thế này: “Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm. Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái ấy gọi là chính trị đấy”. Chính trị, theo ý nghĩa đó, thật tốt đẹp thay vì là cái gì xấu xa, đáng sợ như người ta vẫn đang cố gắng làm cho thế hệ trẻ ở nước mình nghĩ. Chính trị, đơn giản như một sinh viên kinh tế đã nói với tôi, đó là vấn đề tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người (lưu ý là tạo cơ hội bình đẳng chứ không tạo sự bình đẳng), bảo vệ người tốt và chống lại cái xấu, bảo vệ người yếu và chống lại kẻ bạo ngược.
Cuối cùng thì điều đọng lại sau cuộc biểu tình bị cho là “không tồn tại” kia, là gì? Đó là tình yêu.
Và tôi thấy một bạn trẻ, rất trẻ, có lẽ tôi nên gọi là em. Em cầm cuốn sổ tay, mở rộng, trên trang bìa lót của quyển sổ có hình tấm bản đồ nước CHXHCN Việt Nam, mà em đã dùng bút dạ đỏ khoanh hai trái tim vào quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Em đi hàng đầu, tay giơ cao quyển sổ mở, thiêng liêng như đang nâng lá cờ Tổ quốc. Em cứ đi như thế, rất lâu, dưới nắng hè gay gắt làm ai cũng phải nheo mắt lại. Người em gầy, mắt em cận, mặt em nhợt nhạt và nhễ nhại mồ hôi.
Tôi đi lùi lại, tụt xuống cuối đoàn, bởi vì tôi không muốn ai nhìn thấy tôi trào nước mắt.
http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2941
Friday, 3 June 2011
"Chiến tranh đa diện chống Việt Nam"
Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nửa đầu thập niên 1980, cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những hành vi gây hấn với Việt Nam thực chất chỉ là bề nổi của một chiến lược gây ảnh hưởng về cả chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, đã và đang được họ thi hành từ bấy lâu nay.
Vì lý do đó, ông Quách Hải Lượng khẳng định, không nên quá lo sợ và chỉ tập trung chú ý vào tiềm lực quân sự của Trung Quốc, mà nên cảnh giác với cả các lĩnh vực khác có sự tham gia rất mạnh mẽ của Trung Quốc, như đầu tư, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ở Việt Nam.
Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu đã hàng chục năm về Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng cho rằng, sự cố cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi (ngày 26/5/2011) là hành động tất yếu sẽ xảy ra, tuy nhiên, chưa có khả năng Trung Quốc đẩy vấn đề thành xung đột quân sự trên diện rộng. Việc Việt Nam cần làm bây giờ là: Về đối ngoại, ngay lập tức vạch rõ tính phi chính nghĩa của Trung Quốc và nêu rõ tính chính nghĩa của ta, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế; về đối nội, lãnh đạo phải tin vào nhân dân.
Dưới đây là một phần phân tích của ông Quách Hải Lượng về chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt nhấn vào những ảnh hưởng đối với Việt Nam. Ông có nhắc tới ý kiến của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: “Ta đừng chờ họ mang quân tới đánh thì mới gọi là xâm lược, thực chất hiện nay họ đã xâm lược rồi. Phải nói như ông Nguyễn Cơ Thạch, rằng Trung Quốc đã phát động chiến tranh phá hoại toàn diện đối với Việt Nam. Nói thế mới là đầy đủ”.
* * *
Đối với riêng vấn đề Biển Đông, Trung Quốc có hai lợi ích: Một là muốn có một chỗ đứng chân chiến lược để phát triển vào Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, và nói chung là đi ra thế giới. Hai là thèm khát năng lượng. Hai yếu tố đó – mong muốn có chỗ đứng chân trong khu vực cộng với thèm khát năng lượng – trở thành động cơ cho chiến lược chung của Trung Quốc, cả toàn cầu lẫn khu vực. Và Trung Quốc đã có nhiều hoạt động nhằm thực thi chiến lược ấy bao nhiêu năm qua.
Thứ nhất là họ tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa và giữ quyền khống chế, chủ động trên toàn bộ Biển Đông.
Thứ hai, họ tham gia các dự án đầu tư lớn và các khối thị trường tự do để xâm nhập Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Họ xây dựng hạ tầng cơ sở, làm những con đường chiến lược xuyên Đông Dương, xuyên Á và liên Á, để có thể phát triển ra thế giới bằng đường bộ và đường sắt. Cộng thêm vào biện pháp kinh tế - đầu tư là chính sách di dân của Trung Quốc: Ở tất cả những nơi Trung Quốc đến làm ăn kinh tế, họ đều muốn người của mình ở lại. Như là Nậm Thà ở Lào, họ xin thuê tới 99 năm. Như ở Viên Chăn, họ xin xây một “bang” người Hoa tới 200.000 người. Trung Quốc từng có đề nghị giúp xây hội trường, nhà thi đấu thể thao cho Lào với điều kiện sau đó những người làm công sẽ ở lại Lào. Bắc Lào hiện nay gần như là của Trung Quốc. Mường Sinh đầy những người Trung Quốc đi làm ngày trước và giờ ở lại cả, không về nước.
Trung Quốc di dân sang cả châu Phi, châu Mỹ Latin. Ở Brazil chẳng hạn, Trung Quốc mua đất, dự định đưa sang đó 5 triệu dân. Năm 2010, họ đã đưa sang đó tới một triệu rưởi người.
Với riêng Việt Nam, thật ra vấn đề nổi cộm giữa ta và Trung Quốc là biển Đông, nhưng để ép ta về vấn đề biển Đông thì Trung Quốc sử dụng nhiều mũi nhọn: kinh tế, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, v.v. Cứ nơi nào họ sang làm giúp ta thì họ rào lại, coi như lãnh địa của họ, không ai được vào nữa. Họ nhập hàng hóa, từ đồ ăn thức uống, bát đĩa tới cái… hố xí bệt đều là từ Trung Quốc, không dùng hàng Việt Nam. Như thế là Việt Nam bị kìm kẹp rất ghê gớm. Đấy là chưa kể về mặt chính trị, họ can thiệp vào chính trị nội bộ của ta rất sâu. Cho nên, việc Việt Nam xử sự với Trung Quốc ấy, là phải chống lại rất nhiều mũi nhọn chứ không phải chỉ riêng biển Đông.
(…) Trung Quốc là một thứ chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa thực dân mới. Cả thế giới hiện nay, không nước nào đi xâm lược, lấy đất của nước khác. Nói đúng hơn, họ có thể xâm chiếm nước khác bằng kinh tế, văn hóa, như Mỹ chẳng hạn, nhưng không có nhu cầu lấy đất. Còn Trung Quốc thì vừa lấy đất, vừa di dân để chiếm và giữ. Chủ nghĩa thực dân mới là vậy, cần phải hiểu bản chất của nó…
* * *
Tham khảo: Chủ nghĩa thực dân mới và quan hệ Trung Quốc - châu Phi
Trong những năm gần đây, CHND Trung Hoa đã thiết lập quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi. Hiện tại Trung Hoa là đối tác thương mại lớn thứ hai châu Phi, sau Mỹ. Tính đến tháng 8/2007, có khoảng 750.000 công dân Trung Quốc làm việc hoặc ở lại sau khi đã hết thời gian làm việc tại châu Phi, hơn 700 công ty Trung Quốc làm ăn ở 49 nước châu Phi.
Trung Quốc gom nhặt tài nguyên thiên nhiên của châu Phi – dầu hỏa, khoáng sản quý – để nuôi nền kinh tế đang mở rộng, cũng như tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp đang lớn của họ. Năm 2006, thương mại hai chiều tăng tới 50 tỷ USD. Không phải mọi giao dịch đều liên quan đến trao đổi tiền tệ trực tiếp. Năm 2007, chính phủ Trung Quốc và Congo đã đạt thỏa thuận theo đó những công ty quốc doanh Trung Hoa sẽ tham gia những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho Congo, đổi lấy một lượng lớn nguyên vật liệu khai thác từ các mỏ đồng của Congo.
(nguồn: mục “Chủ nghĩa thực dân mới”, Wikipedia)
Kỳ sau: Tội “làm hỏng dân”
Subscribe to:
Posts (Atom)