Tuesday, 14 June 2011

Quan điểm của nhà làm phim "Đường tới thành Thăng Long"

Một làn sóng dư luận lại nổi lên sau khi có tin Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã nhất trí “phê chuẩn” chất lượng của bộ phim truyền hình 19 tập “Đường tới thành Thăng Long”, và phim sẽ bắt đầu lên sóng giờ vàng của VTV vào cuối tháng 6. Sự phản đối của cộng đồng mạng đặc biệt mãnh liệt. Trong hàng trăm ý kiến phản đối, có những lời bình luận (comment) cho rằng nhà sản xuất phim đã tiếp tay cho đối tác Trung Quốc “Hán hóa” một sản phẩm văn hóa của Việt Nam.

Tháng 9 năm ngoái, “Đường tới thành Thăng Long” hụt lên sóng vì bị phản đối quá mạnh. Hội đồng Duyệt phim quốc gia thống nhất là không thể phổ biến phim trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, buộc nhà sản xuất phải sửa lại. Đến nay, cả Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành lẫn Hội đồng Duyệt phim đều xác nhận là phim đã được sửa, Hội đồng đã duyệt tới ba lần, có thể đem phát sóng được. Buổi duyệt cuối cùng, theo ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc công ty Trường Thành, diễn ra căng thẳng, với sự tham gia của cả đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương lẫn Bộ Công an.

Ông Sơn tỏ ý bức xúc khi “dư luận không thông cảm”, “đại đa số chưa xem phim, chỉ mới xem trailer (đoạn giới thiệu), đã lên án dữ dội”. Ông cho rằng, về nội dung tư tưởng, đây là một bộ phim rất tốt, ca ngợi tổ tiên, thể hiện lòng tự hào về cha ông ta.

Nhiều lần sửa, chất Trung Hoa vẫn đậm

Công bằng mà xét, cách quay, cách dựng “Đường tới thành Thăng Long” có những nét khác với các phim cổ trang khác của Việt Nam, thể hiện ở góc máy đa dạng hơn, tiết tấu nhanh hơn. Phim sử dụng nhiều đại toàn cảnh, hình ảnh động (thay vì đặt máy “chết” và ghi hình tĩnh, dễ gây cảm giác nhàm chán cho khán giả). Ông Trịnh Văn Sơn cho biết, đối tác làm phim phía Trung Quốc còn “chuyển giao công nghệ làm phim cổ trang” cho đoàn, tức là hướng dẫn để làm sao cho phim được hấp dẫn, thu hút khán giả. Ví dụ cứ ba phút là một cao trào nhỏ, 5 phút là một cao trào trung bình, 10 phút là một cao trào lớn.

Khoảng 70% cảnh quay được ghi hình tại Trung Quốc. Phim tràn ngập những ngôi chùa cao vòi vọi ba tầng mái, những sân đá rộng, thềm đá cao và trải dài dưới bóng thông. Các nhân vật mặc những trang phục nhiều lớp vải ấm áp, những mũ trụ, áo giáp đồng đồ sộ, tạo cảm giác câu chuyện diễn ra ở một xứ sở thuộc khí hậu… hàn đới. Trang phục này, bộ đơn giản do phía Việt Nam tự may, còn mũ mãng giáp trụ, áo xống (bằng đồng và da thuộc, có dập lỗ, tán đinh) thì theo ông Sơn, “khó quá mình không may được, nên đặt bên Trung Quốc”. Ông cho biết, vì lý do đó, “nhiều bộ muốn sửa cũng không được vì ở Việt Nam có chỗ nào mà sửa đâu, muốn thay đổi gì lại phải mang sang Trung Quốc”.

Khi được hỏi: “Như trình độ thợ bây giờ mà Việt Nam còn không sản xuất nổi, cha ông ta ngày xưa hẳn khó may được các trang phục “khủng” như thế?”, ông Sơn đáp: “Thì đó là điện ảnh mà”.

Ông bộc bạch: “Theo tôi, mọi người xem nên nhìn nhận theo cách này: tác phẩm điện ảnh là tác phẩm điện ảnh. Có ý kiến cho rằng phim lịch sử thì phải thể hiện đúng như lịch sử. Nhưng tôi muốn cao hơn thế. Mình hội nhập quốc tế rồi. Điện ảnh là phương tiện để chúng ta giao lưu, hội nhập, thì đây là vấn đề thương hiệu quốc gia. Bộ phim này nếu phát sóng ở nước ngoài, thì phải để người ta thấy cha ông mình như thế nào chứ không thể để bối cảnh lụp xụp được. Phải nâng tầm lên chứ”.

Theo ông Trịnh Văn Sơn, các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi làm phim cổ trang đều nâng phim lên so với thực tế như thế. Đó cũng là lý do để nhà làm phim giải thích cho tạo hình nhân vật thái hậu Dương Vân Nga với cặp lông mày tỉa, môi hồng răng trắng, trang điểm hiện đại. “Vấn đề răng đen được tranh cãi rất nhiều trên trường quay, nhưng diễn viên đâu có chịu cho nhuộm”.

Về lời thoại, chất “kiếm hiệp Tàu” cũng rất đậm đà. Khi Lý Công Uẩn lên đài đấu kiếm trong một kỳ tuyển binh, người cầm trịch nói: “Đao kiếm vô tình, lỡ sát thương người có dám ký giấy cam kết không?”. Vua Đinh Toàn lúc bé được gọi là “Toàn nhi”, chẳng hạn như khi thái hậu Dương Vân Nga nói với Lê Hoàn: “Ta thay mặt Toàn nhi tạ ơn bệ hạ”. Những câu thoại với ngôn từ ảnh hưởng nặng từ (bản dịch) phim cổ trang Trung Quốc như thế tràn ngập trong Đường tới thành Thăng Long.

Bị đối tác Trung Quốc “ép”?

Nói về sự tham gia của đối tác Trung Quốc, ông Trịnh Văn Sơn cho biết, dự án làm phim hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của Trường Thành. Năm 2006, Trường Thành bắt đầu viết dự án và tới cuối năm 2009 thì khởi quay để phát sóng nhân Đại lễ nghìn năm.

Cùng năm 2006, một công ty Trung Quốc tên là Đông Minh Vệ Thị (dịch sang tiếng Việt là Truyền hình ASEAN) sang Việt Nam đặt vấn đề với VTV để hợp tác làm chương trình kỷ niệm Đại lễ.

Kết quả của việc này là Đông Minh Vệ Thị đã trở thành công ty đối tác của Trường Thành trong dự án phim Đường tới thành Thăng Long. Kinh phí sản xuất phim là 109 tỷ đồng, trong đó TVAD (Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình, trực thuộc VTV) đầu tư khoảng 10% (theo thông tin từ Trường Thành). Đông Minh Vệ Thị lúc đó là một công ty mới thành lập. “Nhưng họ cam kết sẽ thuê được đối tác mình cần. Mình làm sao mà biết ai với ai ở Trung Quốc. Họ là đối tác thương mại, họ giới thiệu cho mình ứng viên, bảo người này đã làm phim này, người kia làm phim kia. Mình đến gặp, thấy OK thì ký hợp đồng thôi” – ông Trịnh Văn Sơn cho biết. Qua hai đạo diễn, cuối cùng người thứ ba được chọn là ông Cận Đức Mậu.

Đạo diễn phía Việt Nam là Tạ Huy Cường (chuyên ngành kỹ thuật âm thanh). Ông Trịnh Văn Sơn nói: “Huy Cường là người đi kèm đạo diễn Trung Quốc và nhiệm vụ là phải học. Tôi thừa nhận, Huy Cường chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng sau bộ phim này, anh ấy đã học được rất nhiều”.

Bên cạnh khâu đạo diễn – “linh hồn” của mỗi bộ phim – thì mọi khâu khác cũng đều có người Việt Nam “đi kèm” đối tác Trung Quốc để học và nhận chuyển giao công nghệ. Kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn viết, đứng tên cùng biên kịch Kha Chương Hòa của Trung Quốc. Quay phim là người Trung Quốc (ở các cảnh quay trên đất bạn, chiếm hơn 70% thời lượng phim). Đạo diễn hình là người Đài Loan.

Dù sao Đông Minh Vệ Thị cũng không bỏ tiền đầu tư vào Đường tới thành Thăng Long (theo thông tin từ Trường Thành), cho nên việc đối tác Trung Quốc chủ ý đầu tư vào một dự án nhằm “Hán hóa” phim Việt Nam là không có. Giám đốc Trịnh Văn Sơn khẳng định như vậy.