Tuesday, 23 August 2011

“Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”

ENGLISH

Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.

Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.

Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…

* * *

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …

Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bóp”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?

Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên “an ninh quốc gia”, họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.

Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.

* * *

Cái cảm giác xa lạ này đã nhiều lần đến với tôi. Lần đầu tiên, là ngày tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Tôi thường được bố mẹ cho lên nhà ông bà chơi – một căn nhà áp mái ở phố cổ, nhỏ xíu, nóng như điên như dại, có khung cửa sổ tròn màu xanh cổ kính, rất đẹp, và rất không ăn nhập với bức tường lở loét, gian buồng chật đến không thể chật hơn. Đó là một khung cửa sổ thời Pháp thuộc.

Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.

Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: “Á, con này, con này…”.

Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi. Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác như con ma thế. Trẻ con mà, chúng thường nghĩ ai xung quanh cũng phải hiền và yêu chiều chúng nó như ông bà, bố mẹ chúng nó; người tốt dứt khoát là phải ở với người tốt.

Đứa bé đâu có biết, ngôi nhà ấy không còn là của ông bà nó nữa từ ngày giải phóng thủ đô.

* * *

Bây giờ tôi đã lớn, và ông bà tôi đều đã mất từ lâu. Ngôi nhà xưa nay càng xa lạ hơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến ông (như lúc này đây), tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong lòng ông – cụ giáo dạy sử, dạy toán trường Hàng Kèn – và nghe ông thủ thỉ: “Ông đố cháu ông này, triều Hậu Lê có bao nhiêu vua?”. Và tôi reo lên: “Cháu biết rồi, “Đời vua Thái Tổ Thái Tông; con bế, con bồng, con dắt, con mang”, mở đầu phải là Thái Tổ nhé…”. “Đúng rồi, cháu ông giỏi. Thế triều Nguyễn có bao nhiêu vua?”. “Ưm… Gia Long này, Minh Mạng này, Thiệu Trị này…”.

Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành một trong những phần tử “bất mãn”, “chống phá”, từng bị quy kết là “xâm hại an ninh quốc gia” không, ông của cháu? Có bao giờ ông tưởng tượng được, bạn của nó, một thanh niên rất yêu và rất giỏi môn lịch sử, bây giờ đang bị giam đâu đó “trong kia” vì tội tham gia biểu tình… chống Trung Quốc gây hấn không, ông của cháu?

Anh tôi làm thơ:

… Bao giờ cho đến ngày xưa,
Cháu thành thằng bé ngồi vừa lòng ông?

Nhưng tôi không biết làm thơ. Tôi chỉ ao ước, giá ông bà tôi còn sống… tôi sẽ hỏi ông bà thật nhiều về lịch sử, về quá khứ của Việt Nam thế kỷ 20: thời Pháp thuộc, những ngày tháng căng thẳng tiền khởi nghĩa, cách mạng mùa thu 1945, tạm chiếm, cuộc đấu tranh thầm lặng của người dân trong lòng thành phố, bộ đội về thủ đô, ký hiệp định hai miền chia cắt, dòng người tản cư, tiếng mẹ gào gọi con, những đêm Khâm Thiên lửa đỏ trời, chiến thắng rộn rã, rồi bo bo, cơm độn, gạo tấm, những mảnh tem phiếu…

Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó với đất nước không ông?

Hà Nội, buổi chiều trống rỗng 21/8/2011

Dân phòng bắt người biểu tình lên xe buýt về đồn, chủ nhật 21/8/2011.
Ảnh không rõ nguồn

Video clip do phóng viên Đoàn Bảo Châu thực hiện,
ghi lại hình ảnh cuộc biểu tình ngày 21/8/2011

Phụ đề tiếng Anh: Trí Tuệ

Tuesday, 16 August 2011

Cách mạng Tháng Tám: Khi trí thức dấn thân

Cho đến nay, nhiều tài liệu lịch sử đã khẳng định liên minh công - nông - trí là nền tảng sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nhưng nói như vậy có lẽ chưa đủ để xác nhận vai trò to lớn của lực lượng trí thức Việt Nam, đại diện cho trí tuệ và tinh thần dân tộc của nhân dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.

Khi tìm hiểu về “vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám”, người viết bài này đã có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) - nguyên Tổng Thư ký bộ phận biên tập “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, một cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ thời 1945-1946. Căn nhà của ông ở số 51/10/14 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP HCM nay là di tích lịch sử cách mạng “Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ”.

Xuất thân là một nhà giáo (từng làm Bí thư chi bộ Giáo viên TX Mỹ Tho), ông Xuất có cảm tình đặc biệt đối với trí thức mà theo ông là lực lượng góp mặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.

Ông cho rằng, trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ ấy có một số đặc trưng. Thứ nhất, về kiến thức, thì đứng trên mặt bằng thời đó, học sinh - sinh viên đã là trí thức rồi. Thứ hai, trí thức Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc. Thứ ba, các trí thức đều có tinh thần dám dấn thân, “không trùm mền” (từ dùng của ông Xuất). Theo ông Xuất, thậm chí ngay cả số “trùm mền” cũng là “vì giữ tiết tháo, không muốn hợp tác với Pháp”; hoặc nếu có quan hệ với thực dân Pháp thì cũng vì mong muốn vận động Pháp cải thiện đời sống và mở rộng tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Sôi sục trí thức trẻ…

Trí thức trẻ của ngày trước là các học sinh - sinh viên. Họ chính là nòng cốt của Thanh niên Tiền phong (TNTP) – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám. Ông Xuất, năm ấy mới 13 tuổi, là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP.

Ấy là vào năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Nhật “gợi ý” chính quyền thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên để xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Pháp. Thống đốc Minoda bèn đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tức Tư Đá, đảng viên cộng sản) đứng ra tổ chức đoàn thể này. Ông Phạm Ngọc Thạch báo cáo lại Xứ ủy Nam Kỳ (đứng đầu là ông Trần Văn Giàu), Xứ ủy quyết định thành lập TNTP, phát động phong trào Cứu quốc.

Vậy là TNTP ra đời. Ông Xuất kể lại: “Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức. Trái với mục đích của Nhật Bản là xây dựng lực lượng thân Nhật chống Pháp, ủng hộ chủ thuyết Đại Đông Á, mục đích của TNTP đã luôn chỉ là ‘đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến’. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa”.

Có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…

TNTP sôi nổi hoạt động: hội họp, mít tinh, cứu đói ở miền Bắc, cướp súng đạn của lính Pháp… Dần dần tổ chức mở rộng ra, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP.

Sau này nhớ lại, ông Nguyễn Trọng Xuất nhìn nhận: “TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng. Trí thức là bộ phận tinh túy của dân tộc. Nói về trí thức thì đừng nên bị khuôn vào vấn đề giai cấp, mà hãy đánh giá họ cho thỏa đáng”.


Ở miền Bắc, trí thức trẻ cũng đã đóng vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một nhân chứng của thời đó, bà Lê Thi, con gái cố GS Dương Quảng Hàm, cho biết: “Lực lượng chính làm nên Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô là tiểu tư sản học sinh - sinh viên. Không có lực lượng vũ trang vì khi đó quân của ông Võ Nguyên Giáp ở chiến khu chưa về kịp. Nhân dân Hà Nội đã tự đứng lên làm khởi nghĩa. 

Khi tôi đi trong đoàn biểu tình, tôi thấy rất nhiều nữ sinh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Tôi nhận thấy hôm đó rất đông các chị em quần trắng”.


Ảnh hưởng của các trí thức lớn

Ông Trần Văn Giàu đánh giá rằng trí thức Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, luôn đoàn kết với quần chúng nhân dân: “Trong hàng ngũ của TNTP, của Mặt trận Việt Minh… rất đông trí thức có học vị cao, chức cao, lương cao ở chế độ thực dân, ruộng vườn đồn điền cả ngàn mẫu, cả trăm mẫu, xe hơi, nhà lầu, thế mà họ vẫn tham gia cách mạng và kháng chiến, họ vẫn đi đến “mút mùa” với những trí thức bình thường, với nhân dân lao khổ”.

TS Hồ Hữu Nhựt, chủ biên cuốn Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, cũng nhận định: “Trí thức Tây học sớm truyền bá cả tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Sài Gòn… Trong đấu tranh, trí thức có vai trò tập hợp, hiệu triệu quần chúng, họ đương đầu trực diện với kẻ thù”.

Và sức ảnh hưởng của trí thức thật to lớn. Trí thức đã sử dụng báo chí, văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, vận động đấu tranh giành độc lập. Những bài viết trên Đông Pháp thời báo của chủ bút Trần Huy Liệu, Thanh Niên của Huỳnh Văn Tiểng từng làm chấn động cả Sài Gòn.

Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, những bài ca yêu nước của giới nhạc sĩ – trí thức Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít… đã cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền.

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại, bản tuyên ngôn tập hợp hơn 200 chữ ký của trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp đã ảnh hưởng cả tới công luận thế giới, thu hút sự chú ý và phản đối của công luận quốc tế với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương.

Nặng lòng với dân tộc

Trí thức Việt Nam đã đi theo cách mạng với tấm lòng và nhiệt huyết, thậm chí với cả một chút ngây thơ và nhát sợ khi mới bước vào cuộc chiến đấu. Ông Nguyễn Trọng Xuất cười kể lại: “Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có thừa đấy mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu. Hồi đầu kháng chiến, nghe tiếng đạn đum đum cũng sợ. Đạn ngày đó, một viên bắn ra, lọt khỏi nòng nó nổ một lần, “cắc”, tới đích nó nổ lần thứ hai, “bòm”, nên gọi là đạn “cắc bòm” là vì vậy”.

Nhưng trí thức Việt Nam là thế, họ luôn gắn bó cùng đất nước trong một tinh thần dân tộc rất sâu nặng. Trọng nghĩa khinh tài, khí khái, dấn thân, đặc điểm đó nhiều ít ở mỗi người mỗi khác, nhưng cái chung của họ luôn là tình cảm đối với quốc gia và dân tộc. Chính điều này làm nên sĩ khí của họ. Trong lịch sử gần một thế kỷ chống Pháp, khởi đầu từ phong trào Cần vương của giới văn thân và sĩ phu yêu nước cho đến những nhóm chính trị đầu thế kỷ XX, trí thức luôn thể hiện tinh thần yêu nước của mình, dù ở những dạng khác nhau và theo những quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải nói là trong một thời gian dài, họ đã không có được một đường hướng đoàn kết và thống nhất, hoạt động của họ, lúc thì đi vào con đường bế tắc, lúc thì theo hướng trùm chăn "án binh bất động" chờ thời hoặc ngược lại, theo chủ trương bạo động mà chưa đặt trọng tâm vào vận động quần chúng nhân dân. Chỉ đến cuối năm 1944 và nhất là mùa xuân năm 1945, khi Mặt trận Việt Minh đưa ra những kêu gọi và đường hướng rõ ràng, cương quyết và mạch lạc cho cuộc cách mạng Việt Nam, thì giới trí thức mới thực sự đồng thanh dấn thân cho sự độc lập của dân tộc.

Tạm thời xếp lại một số bất đồng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu để giành và giữ độc lập cho đất nước dưới ngọn cờ của Việt Minh - ấy là một số nét cơ bản của đội ngũ trí thức tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám, như lời tự thuật của nhà trí thức - nhà thơ Tú Mỡ:


Kháng chiến bùng lên biệt thủ đô 
Lên đường dẻo bước khoác ba lô 
Mang theo ý chí người dân Việt 
Thà chết không làm vong quốc nô.


Thursday, 4 August 2011

Về nhà

Lời giới thiệu: Göncz Árpád (1922- ), nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả Hungary. Giải thưởng Văn học József Attila (1983). Chủ tịch Hội nhà Văn Hungary (1989-1990). Chủ tịch danh dự Văn bút Hungary (từ năm 1994). Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Pháp, 1997). Tổng thống Cộng hòa Hungary (1990-2000). Là chính khách được ưa chuộng nhất của Hungary thời kỳ 1990-2000.

Trong thời gian 1958-1963, ông Göncz Árpád đã bị cầm tù vì tham gia biến cố 1956 (thoạt đầu, ông bị án tù chung thân). Nhà văn viết đoản khúc "Về nhà" để tặng phu nhân, bà Göntér Mária Zsuzsanna.

Bản dịch sau đây được dịch giả Nguyễn Hoàng Linh thực hiện từ năm 2003, và thân mến gửi tặng luật sư Dương Hà (vợ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ) sau vụ “scandal tòa án” (tôi nghĩ bản chất nó là một vụ bê bối) ngày 2/8/2011 vừa qua.


Tôi cũng nghĩ thêm, giá như (một trong) các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam là người có học thức VÀ từng ngồi tù cộng sản (cần cả hai điều kiện này), thì nền tư pháp Việt Nam sẽ văn minh hơn, văn hóa của "giai cấp" công an sẽ cao hơn, số vụ án oan sai sẽ giảm đi, và nhà tù của chúng ta sẽ nhân văn hơn biết bao nhiêu.

*

VỀ NHÀ

- Rồi anh đừng có nhào vào quán rượu đầu tiên và say khướt nhé! - người trung sĩ nói, trong khi anh đeo chiếc đồng hồ, và xỏ chiếc nhẫn lên ngón tay. Lần đầu tiên sau 6 năm trời.

Người đàn ông không đáp.

Ngoài trời, mùa hạ rực rỡ với những sắc màu.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh biếc và những chiếc tàu điện màu vàng. Phụ nữ thì màu sắc như những chú chim cảnh.

Anh chăm chú nhìn mọi vật và mọi con người: thật lạ là không ai làm gì anh cả.

Có kẻ dạo trước, nếu thấy anh, liền lẩn sang phía bên kia đường ngay trước mặt anh, giờ thì lại từ bên kia đường chạy sang và nắm tay anh bắt thật lâu:

- Cậu à, tớ nghe cậu hơi bị rầy rà... hãy tin rằng, tớ cũng phải khó nhọc lắm...

Ở đây, anh không bị khó xử trước họ bởi sự trắng đen rõ rệt của nhà tù.

Một Chủ nhật, người vợ đưa anh và cháu nhỏ đi chơi dã ngoại. Đứa con trai, thời ấy mới nửa tuổi, giờ đã gần lên bảy.

Trong rừng, giữa đường, đứa trẻ bảo anh:

- Bố ơi, dắt con đi - và nó nhắm nghiền mắt lại.

Anh chạm vào bàn tay đứa trẻ: hơn một phút, nó cứ nhắm mắt như thế và vòng vèo tránh những tảng đá, cành cây rụng, ổ gà và vết bánh xe.

Rồi đứa bé mở mắt và nói:

- Bây giờ đến lượt bố!

Chiều con, anh cũng nhắm mắt và bước đi chừng mươi thước.

Anh cũng cầm tay con.

Rồi, người đàn ông mở mắt và từ khóe mắt, anh nhận thấy nụ cười mỉm trên môi người vợ.

Người phụ nữ thấy rằng anh đã thấy cô.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh tươi, và xuyên qua những kẽ hở của bụi cây xanh, ánh mặt trời chiếu xuống tràn ngập mặt đường, nơi có những tảng đá, những cành cây rụng và những ổ gà.

Nguyễn Hoàng Linh dịch (từ nguyên bản tiếng Hung “Hazaérkezés”)