Friday, 30 September 2011

Đương đầu với cuộc “tổng tấn công” của hàng Trung Quốc

Êm như mưa dầm, ồ ạt như lũ, hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, “quét” sạch hàng nội, moi túi người tiêu dùng. Mức nhập siêu hàng tỷ USD mỗi năm đủ cho thấy các doanh nghiệp ta đang “thua trắng bụng”. Để không bị làn sóng này dìm chết, không một ai - từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng - có thể đứng ngoài cuộc.

Anh Đào Xuân Anh, 34 tuổi, là giám đốc một công ty kinh doanh hóa mỹ phẩm ở Hà Nội. Đăng ký chức năng hoạt động là sản xuất và phân phối (bán lẻ) các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc tóc, nhưng 4-5 năm nay, công ty của anh chỉ tập trung nguồn lực vào nhập hàng từ Trung Quốc về bán. Lý do rất đơn giản: Nhập hàng Trung Quốc có lợi hơn.

Cái lợi ở đây, anh giải thích, gồm nhiều mặt: Chi phí nhập khẩu (tính cả mua hàng lẫn vận chuyển) rẻ hơn là tự sản xuất, quy trình làm việc đơn giản và ít phải suy nghĩ hơn. “Nếu tôi mở xưởng chẳng hạn, sẽ có muôn vàn thứ phải tính: địa điểm, nhân lực, thuế má, và vô số loại chi phí không tiện nêu tên nữa. Trong các ngành khác thì không biết thế nào, chứ trong ngành này, tất cả các sản phẩm - từ thuốc nhuộm, tới dầu xả, dầu dưỡng v.v. - nhập từ Trung Quốc về đều rẻ hơn và giản tiện hơn tự sản xuất. Danh mục này chỉ trừ dầu gội đầu, nhưng ngay cả sản xuất dầu gội thì cũng có một số nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc”.

Anh nói thêm: “Đấy là tôi còn chưa kể, làm việc với phía Trung Quốc cũng khá thoải mái. Sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá lại rẻ, mua càng nhiều càng rẻ. Họ giữ chữ tín và chiều chuộng đối tác - ít ra cho đến lúc này tôi vẫn thấy như vậy. Ở ta thì làm giám đốc doanh nghiệp nhỏ, như tôi, phải đương đầu với quá nhiều chuyện: thuế vụ, đại lý o ép, đối tác không đáng tin cậy v.v.”.

Chiến lược kinh doanh của anh Đào Xuân Anh tỏ ra hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, giá hàng Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức thấp, chất lượng vẫn đảm bảo (hoặc nếu không đảm bảo thì cũng chẳng ai biết). Và như vậy, với một công ty quy mô nhỏ, không đầy một chục người, giải pháp khôn ngoan nhất là: Cả sếp và nhân viên cùng kéo nhau sang Trung Quốc xách hàng về bán.

Kết quả: nhập siêu kỷ lục

Thập niên đầu thế kỷ 21, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng 23,25 lần. Cùng trong thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của ta theo chiều ngược lại tăng vỏn vẹn 6,08 lần. Năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỷ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Bốn tháng đầu năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 7,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ngược lại chỉ có gần 3 tỷ USD (nguồn: số liệu của Tổng cục Hải quan)

Đáng sợ là không có dấu hiệu nào cho thấy con số nhập siêu sẽ giảm đi.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Thương mại, Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vô cùng to lớn tại đất nước hơn 1 tỷ dân này. Từ năm 2004, lãnh đạo hai nước đã xác định: Với lợi thế địa lý số 1 - có chung đường biên giới trên bộ dài đến hàng trăm km - với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy tương đối thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa, hoạt động buôn bán qua biên giới giữa hai nước là một bộ phận cấu thành của quan hệ kinh tế.

Trên thực tế, có cơ sở để tin rằng thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ, luôn “khát hàng”; và trên thực tế, Trung Quốc đã “qua mặt Mỹ để trở thành người tiêu dùng lớn nhất thế giới ở một số mặt hàng then chốt” (tư liệu trong cuốn Thế giới hậu Mỹ của Fareed Zakaria, Nhà xuất bản Tri Thức, 2009).

Riêng trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với nhiều mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh như: rau quả, thủy sản, cao su, đồ gỗ, than đá…

Với tất cả những “lợi thế” đã chỉ ra đó, Việt Nam vẫn phải gánh chịu thâm hụt thương mại khổng lồ trước Trung Quốc, doanh nghiệp ta vẫn lép vế thảm hại ngay trên sân nhà, và khủng hoảng kinh tế càng kéo dài thì ta càng “thua trắng bụng”. Vì sao?

Tầm nhìn chiến lược của người Trung Quốc

Nhìn vào những chính sách và quy định pháp luật của Trung Quốc về mậu dịch với các nước có chung đường biên giới, trong đó có Việt Nam, mới thấy không khỏi giật mình.

Theo Tiến sĩ Phạm Trí Hùng (Viện Marketing và Quản trị Việt Nam), từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa nền kinh tế, đã xác định “mở cửa toàn diện, nhiều hình thức, nhiều tầng”, trong đó có mở cửa ven biên giới đất liền: “Phương châm của chiến lược mở cửa ven biên giới là: lấy mậu dịch biên giới dẫn đường, coi hợp tác kinh tế - kỹ thuật là trọng điểm, lấy khu vực lục địa làm chỗ dựa, coi việc khai thác thị trường các nước xung quanh là mục tiêu”.

Cũng theo Tiến sĩ Hùng, riêng trong cơ cấu thị trường, ngay từ cuối những năm 80, Trung Quốc đã coi mậu dịch biên giới là “đột phá khẩu” và có những chính sách quản lý rất rõ ràng, thống nhất, hướng vào việc đẩy mạnh mậu dịch biên giới, nhằm cải thiện đời sống của cư dân vùng biên giới, phát triển kinh tế vùng biên. Chẳng hạn, Trung Quốc thực hiện những chính sách ưu đãi như: xóa bỏ mọi sự hạn chế về hình thức sở hữu đối với các thành phần tham gia mậu dịch biên giới; xóa bỏ mọi sự hạn chế, ràng buộc của chính quyền địa phương sở tại đối với mậu dịch biên giới; xóa bỏ sự hạn chế về kim ngạch, đảm bảo các giao dịch của mậu dịch biên giới qua một cửa; thực hiện việc miễn thuế, giấy phép xuất nhập khẩu đối với những hàng hóa bình thường... Bắc Kinh còn giao quyền cho chính quyền địa phương tự định ra các mức thuế suất phải thu theo nguyên tắc: mức thuế mặt hàng cùng chủng loại cấp tỉnh quy định phải thấp hơn mức thuế của Trung ương; cấp huyện, thị quy định phải thấp hơn mức thuế của cấp tỉnh và chỉ được thu ở các cửa khẩu địa phương, còn các cửa khẩu quốc tế do hải quan thu và nộp về ngân sách trung ương.

Trung Quốc cũng đầu tư làm tốt công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu vào nước mình, bởi họ xác định đó là “vấn đề quan trọng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, trực tiếp liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước”.

Những gì Bắc Kinh thực hiện cho thấy một chiến lược lâu dài, bài bản của chính phủ nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt ưu tiên mậu dịch biên giới. Nó cũng chứng tỏ rằng, trong việc xuất khẩu hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường nước khác, doanh nghiệp không thể đơn lẻ.

Đừng để doanh nghiệp Việt Nam đơn độc

Ở đây phải nhấn mạnh, Nhà nước không thể đứng ngoài công cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp (“hỗ trợ” chứ không phải “quản lý”). Một khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quá trực tiếp, “lộ liễu” không còn được chấp nhận nữa vì có thể vi phạm điều lệ. Nhưng vẫn có những việc Chính phủ có thể làm – và làm tốt – để giúp doanh nghiệp nội đương đầu với hàng ngoại. Ví dụ như cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc và các chính sách của Bắc Kinh đối với các thị trường láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam, sao cho không còn những vụ như vụ dưa hấu Việt Nam bị ách ở cửa khẩu Tân Thanh vì doanh nghiệp không cập nhật được những thay đổi trong luật kiểm dịch của Trung Quốc.

Bên cạnh đó là việc thực thi pháp luật để tiêu diệt vấn nạn hàng lậu. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh “than” hộ doanh nghiệp: “Đã đành là tự do cạnh tranh, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả, thì phải chịu, Chính phủ không cứu được. Nhưng buôn lậu là cái có thể ngăn chặn được chứ đâu phải vô phương chống đỡ? Vấn đề là hình như chúng ta không làm gì cả”.

Về ý kiến cho rằng vì cơ cấu xuất khẩu của ta có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nên khó xác định được những ngành có lợi thế cạnh tranh, ông Bùi Trinh nhận xét: “Thực ra từ trước đến giờ Việt Nam chưa có chính sách xác định cụ thể một ngành nào là cần ưu tiên. Nền kinh tế quả mít. Đúng hơn là ta có xác định, nhưng đều chỉ một thời gian lại thay đổi: nào dệt may, nào mía đường, nào thép… Tôi thấy cứ như thể chúng ta chưa thực sự quan tâm tới ngành nào cả”.

Doanh nghiệp Việt Nam: Phải tự cứu mình

Trước làn sóng hàng Trung Quốc, không còn thời gian để mỗi doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có liên quan bình tâm chờ đợi một chiến lược hay vài chính sách “hỗ trợ” từ phía Nhà nước. Cải tiến thiết kế, đẩy mạnh hoạt động marketing, chủ động tìm kiếm khách hàng, là những việc doanh nghiệp ta có thể thực hiện ngay trên thị trường nội địa.

Rõ ràng là thị trường trong nước không cung cấp đủ hàng hóa, dân có nhu cầu thì họ mua của Trung Quốc là phải” – chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Sự chủ động, xông pha thị trường với tinh thần sáng tạo, “sẵn sàng tự do cạnh tranh”, xem ra không phải tố chất có thừa ở các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng ông Bùi Trinh cho biết, hồi có chủ trương kích cầu (năm 2008), “nhiều công ty dồn nỗ lực vào việc kiếm được một khoản tiền hỗ trợ Nhà nước rót. Có công ty còn đem tiền ấy cho vay lại, kiếm lãi, thay vì tập trung vào đầu tư, sản xuất”.

Còn trong việc xuất khẩu hàng theo hướng… ngược lại, sang Trung Quốc, hơn ai hết, doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường nhập khẩu, chủ động xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Một số chuyên gia khuyến cáo: Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi nhẹ vấn đề kiểm dịch, nên hay bị phía đối tác Trung Quốc lợi dụng ép giá. Đây cũng là điều các nhà xuất khẩu phải lưu tâm.

Trong sự thảm bại của hàng Việt Nam trên sân nhà, có lẽ người tiêu dùng là ít đáng trách nhất. Bởi ở Việt Nam, thu nhập đầu người thấp, hàng hóa nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng, người tiêu dùng quay sang hàng Trung Quốc là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể hô hào kêu gọi tinh thần dân tộc và lòng yêu nước ở mỗi con người. Tuy nhiên, điều đó lại thuộc về một câu chuyện khác rồi.