• “Nói cho cùng, chuyện một số người giàu bị cuốn vào thú vui mua siêu xe chính là sự bộc lộ một thứ vô thức tập thể, chứ không phải của bản thân người đó: Vô thức của người Việt chúng ta hiện nay là thích siêu xe thật, chứ chúng ta không đánh giá cao việc một tỷ phú mua tranh Van Gogh hay tài trợ cho một dàn nhạc cổ điển” – nhà kinh tế Nguyễn Đức Thành bình luận về hiện tượng “đại gia xài sang”.
Tại Việt Nam, suốt mấy năm qua, hàng xa xỉ vẫn được nhập về với số lượng rất lớn, trị giá hàng tỉ USD, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế: mỹ phẩm, rượu bia, điện thoại di động, xe hơi… Thú xài sang lan cả sang khu vực dịch vụ với những phở bò Kobe, súp vây cá mập, v.v. Giữa những ngày bão giá, ở Hà Nội vẫn có những cơ sở bán đĩa mài sừng tê giác. Với hai đám cưới hoành tráng gần đây, sự hưởng thụ tiếp tục được “nâng lên một tầm cao mới”, gây choáng váng cho số đông dư luận.
30 năm trước, bồn tắm là xa hoa...
Vung tay mua sắm hàng hóa, dịch vụ với giá cả trên trời không phải là “chuyện chỉ có ở Việt Nam” như một số người có thể than vãn. Hiện tượng này xảy ra ở gần như tất cả các nền kinh tế trong quá trình phát triển và hình thành tầng lớp “mới giàu” (nouveau riche). Ở Trung Quốc, theo Barclays Capital, doanh số hàng xa xỉ tăng 30% mỗi năm (so với Mỹ 12% và châu Âu 6%). Hiện tại, nước này tiêu thụ 12% lượng xa xỉ phẩm của thế giới.
Việc Trung Quốc đứng đầu thế giới về tiêu dùng xa xỉ được một số chuyên gia cho là xuất phát từ những thay đổi về dân số và nhân khẩu học. Một bài báo của BBC trích lời ông Donald Holdsworth, Giám đốc MatchPower (Australia): “Tuổi trung bình của triệu phú Trung Quốc là 39, trẻ hơn 15 tuổi so với ở khối các nước công nghiệp phát triển. Nghĩa là họ ra đời trùng với thời điểm bắt đầu chính sách một con. Những đứa con một đó được cha mẹ dành cho tất cả những thứ tốt đẹp nhất mà họ có được – và chúng lớn lên cũng vào lúc nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Nếu bạn lớn lên trong một xã hội đồng phục, nơi không có tự do ngôn luận, thì một khi có dịp để thể hiện bản thân mà không gặp nguy hiểm gì, bạn sẽ đón nhận cơ hội đó ngay. Thì mọi chuyện cũng sẽ giống như khi bạn bật nút một chai nước có ga vậy”.
Còn về hai đám cưới chấn động dư luận ở Việt Nam vừa qua, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nói: “Không nên kết tội những đại gia xài sang, xem họ là vô luân, thiếu đạo đức. Bởi vì hành động của họ xuất phát từ nhận thức. Đối với họ, như thế là thẩm mỹ, là cái hay, cái đẹp, hạnh phúc, thì họ hưởng thụ. Xã hội chúng ta thật ra có hàng nghìn người có suy nghĩ, khát vọng, văn hóa như những đại gia đó, nhưng chẳng qua không có điều kiện để thực hiện nên không bị phê phán đấy thôi”. Ông cũng cho rằng bản thân sự xa hoa, xa xỉ là một khái niệm “động”, nghĩa là có tính lịch sử, thay đổi theo thời gian: “Cách đây khoảng 30 năm, nhà ai mà có cái bồn tắm là bị xem là xa hoa kinh khủng: “Sao lại có thể ngâm mình vào nước, nằm dài ra, thò đầu lên mà tắm thế. Tắm thì phải xát xà phòng, múc nước dội lên người chứ, mấy gáo là xong”. Cách đây 20 năm, mấy nghệ sĩ tụ tập uống bia ở tư gia, ăn mặc hở hang hoặc có khi… khỏa thân, thì đã bị coi là chuyện động trời rồi, như bây giờ thì có là gì đâu”.
Chơi siêu xe thì “chân dài” mới mê
Tháng 9-2006, các nghệ sĩ của Nhạc viện và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội đã có một “kỷ niệm tuyệt đẹp, một vinh dự rất lớn” (lời nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng) khi vở opera “Cây sáo thần” của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart được đưa lên sân khấu Nhà Hát Lớn. 5 đêm biểu diễn liên tiếp. Ca sĩ Đăng Dương kể lại: “Buổi cuối tôi đã bị sốt phải đi truyền nước ở bệnh viện Saint Paul, tưởng không hát nổi nữa, nhưng rất may là vẫn cố được. Chúng tôi đã tập liên miên mấy tháng trời, liên tục sáng, chiều, tối, và không có kíp hai thay thế. Chỉ có một kíp thôi – đó là một chuyện cực kỳ vất vả đối với nghệ sĩ Việt Nam. Thật mạo hiểm. Các thầy cũng biết thế nhưng không còn cách nào khác, vì tìm được người hát opera đã khó, lại còn kiếm cho ra nghệ sĩ để có thêm kíp hai thì thật không tưởng”.
Sau 5 đêm “sống với đam mê”, các nghệ sĩ nhận vài trăm nghìn đồng cát sê và trở về đời thường, mặc dù theo ca sĩ Đăng Dương, nếu họ được “tạo điều kiện nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và được tiếp xúc với âm nhạc bác học thường xuyên hơn thì tốt, dòng nhạc này yêu cầu cao lắm và phải rèn luyện thường xuyên”. Được biết, Nhạc viện Hà Nội cũng cố gắng tìm kiếm tài trợ để mỗi năm một vở opera có thể lên sân khấu, song từ đó đến nay, chẳng có thêm vở nhạc kịch nào được công diễn nữa. Ca sĩ Đăng Dương tâm sự: “Như ở nhiều nước thì các dàn nhạc thường được công ty này tập đoàn nọ đầu tư, tài trợ. Có những doanh nghiệp làm “Mạnh Thường Quân” cho các chương trình âm nhạc cổ điển quy mô hoành tráng – Đêm nhạc cổ điển Toyota, Hòa nhạc Hennessy chẳng hạn. Ở ta thì không”.
Tương tự trong lĩnh vực hội họa, một người sưu tầm tranh ở Hà Nội (xin giấu tên) kể: “Tôi biết ở trong nước hiện giờ có những bức tranh rất giá trị, có thể coi như tài sản dân tộc. Chủ của nó muốn bán tranh để có thể đi khỏi Việt Nam, rao giá 200.000 USD thôi, nhưng chỉ thương nhân nước ngoài sẵn sàng mua chứ chẳng doanh nhân Việt nào biết đến mà mua cả. Ông chủ tiếc tranh quý, sợ nó rơi vào tay người ngoại quốc, nên vẫn chưa chịu bán. Giá có đại gia nào mua, rồi được báo chí khen ngợi thì tốt quá, cũng là ghi nhận công gìn giữ tài sản văn hóa của đất nước. Nhưng trên thực tế là đại gia phải mua siêu xe cơ, mới được lên báo. Chưa kể, chẳng có “chân dài” nào vì thế mà yêu đại gia đó hơn”.
Giàu xổi
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, tích lũy về thu nhập có thể diễn ra rất nhanh, chỉ trong nửa đời người, nhưng tích tụ về văn hóa thì lại là một quá trình tương đối chậm, chính vì thế mới có khái niệm “nouveau riche” (mới giàu, giàu xổi).
“Tuy nhiên, vấn đề là phải tự hỏi vì sao trong xã hội, số đông không đánh giá cao nghệ thuật hoặc hoạt động sưu tầm, bảo tồn, bảo trợ cho nghệ thuật. Thực ra, chuyện một số người giàu cuốn vào thú vui mua siêu xe chính là sự bộc lộ một thứ vô thức tập thể, chứ không phải của bản thân người đó: Vô thức của người Việt chúng ta hiện nay là thích siêu xe thật... Người nọ mua siêu xe vì đam mê một phần, phần nữa là vì muốn được số đông chú ý, ngợi ca. Tôi cho rằng, nếu như thế hệ người giàu hiện tại giải tỏa những ám ảnh thiếu thốn của họ thông qua những trò gây sốc mà ít ý nghĩa thì đó là hậu quả của cái xã hội trong quá khứ, của nền giáo dục, của các thế hệ đi trước…”.
Tuy nhiên, nếu sự xa hoa, xa xỉ là một khái niệm “động” thì tình hình sẽ thay đổi. Theo ông Donald Holdsworth, thị trường Anh quốc vào những năm 1980, xe Roll-Royce là sự lựa chọn của người giàu, sau đó tới Bentley ít gây sốc hơn, và ngày nay là Audis, Mercedes, còn giản dị hơn nữa. Ở Nhật Bản, việc phô trương hàng hiệu không còn lộ liễu, ông Holdsworth tin ở Trung Quốc cũng sẽ như vậy. Giới “mới giàu” Thái Lan cũng đang dịch chuyển dần sang hoạt động sưu tầm tranh, thưởng thức và đầu tư cho nghệ thuật – TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.
Tháng 11-2001, chương trình hòa nhạc cổ điển LUALA Concert đã bắt đầu những buổi biểu diễn đầu tiên từ vỉa hè Hà Nội, xuất phát từ ý tưởng và được sự tài trợ của một doanh nhân: ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ tịch tập đoàn DX.
Chú thích:
Nouveau-riche (tiếng Pháp), chỉ một người được thăng tiến về địa vị kinh tế hoặc xã hội, nhưng thiếu các kỹ năng văn hóa-xã hội tương ứng với địa vị đó, chẳng hạn thiếu thẩm mỹ, kém duyên dáng, kém về khiếu thưởng thức (Wikipedia).
Nếu các bạn có thể truy cập Facebook, xin mời vào đây và ủng hộ cho công việc này: http://www.facebook.com/notes/g%C3%B3p-ch%E1%BB%AF/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-v%E1%BB%81-g%C3%B3p-ch%E1%BB%AF/234261733338921
Xin cảm ơn.