Monday, 23 April 2012

Quản lý Internet: Nói tục, “chém gió” cũng bị xử lý

“Trước hết tôi phải nói rằng đang có sự hiểu không đầy đủ về yêu cầu cung cấp thông tin thật trên mạng. Dự thảo chỉ đưa ra yêu cầu là cung cấp thông tin cá nhân đối với một số dịch vụ, mà cụ thể là dịch vụ cung cấp thông tin công cộng lên mạng và dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Chứ không phải là tất cả dịch vụ mạng” - ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông), nói về sự cần thiết phải có nghị định "quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng". 

***

Điều chỉnh “dịch vụ cung cấp thông tin công cộng”

. Thưa ông, dịch vụ nào là cung cấp thông tin công cộng? Lập trang tin điện tử, lập blog cũng đều là cung cấp thông tin công cộng? 

+ Ông Lưu Vũ Hải: Khái niệm thông tin công cộng là một khái niệm rộng. Nghị định điều chỉnh chung việc đưa thông tin lên mà anh công khai cho mọi người, anh đưa lên theo cái cách anh không cần biết ai là người dùng. Tạm hiểu là như vậy.

. Xuất phát từ lý do nào mà chúng ta lại đưa ra dự thảo này? 

+ Từ yêu cầu thực tiễn của chính sự phát triển của mạng Internet, của cộng đồng Internet và mong muốn đối với các cơ quan quản lý, làm sao tạo ra một môi trường Internet thật sự lành mạnh. Internet có ích trong việc cung cấp thông tin nhưng ngược lại cũng là môi trường rất dễ bị lạm dụng, lợi dụng để cung cấp thông tin theo những hướng xấu. Nhẹ thì gọi là thông tin thất thiệt. Nặng hơn thì là xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức. Nặng hơn nữa thì là thông tin lừa đảo, thậm chí là chống phá Nhà nước. Tất cả những cái đó đòi hỏi phải có một cái gì đó để đảm bảo anh sẽ phải chịu trách nhiệm về thông tin anh đưa lên.

. Trong thực tiễn sử dụng mạng ở Việt Nam, tôi giả sử có 100 người dùng mạng thì tỉ lệ người lạm dụng Internet, theo đánh giá của Cục hoặc theo một điều tra nào đấy, khoảng bao nhiêu? 

+ Thật ra thì cũng chưa có điều tra, khảo sát xã hội học nào về chuyện đó nhưng mình phải thấy thế này: Mặc dù tỉ lệ vi phạm có thể là thấp nhưng hậu quả sẽ càng ngày càng lớn, càng ngày càng nghiêm trọng. Người ta nói là xây thì khó mà phá thì dễ là vậy.

Nói tục sẽ bị xử lý 

. Tôi thấy băn khoăn: Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế thì tâm trạng của người dân có nhiều bức xúc. Nhiều phát ngôn trên mạng có thể thuần túy là xuất phát từ sự bất mãn, họ nói năng, văng tục… Không hiểu những trường hợp đó có bị xử lý không? 

+ Chắc chắn sẽ bị xử lý. Đến mức độ văng tục thì đương nhiên là phải xử lý rồi. Vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đấy là một trong những điều cấm.

. Nhưng trên thực tế thì người ta cũng văng tục ngoài đời rất nhiều. Đến xả stress, “chém gió” trên mạng mà cũng bị xử lý?

+ Cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng đủ người, không phải lúc nào cũng có thể theo dõi thường xuyên được. Nhưng ta phải định hướng. Chính sách xét đến tận cùng là mang tính giáo dục. Có thể có những trường hợp sai phạm chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Nhưng không có nghĩa là pháp luật dung túng chuyện đó và người dùng dần dần hiểu được điều đó thì người ta có thể tự điều chỉnh.

. Quy định vậy có đảm bảo bí mật đời tư cho công dân? 

 + Nói đăng ký thông tin cá nhân không có nghĩa là đăng ký tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân... Đăng ký như thế nào thì sẽ có hướng dẫn sau. Nhưng việc đăng ký làm sao phải bảo đảm là đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không biết thông tin thật của anh mà chỉ biết dưới dạng một mã số, một nickname nào đấy thôi. Chỉ có cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước mới biết được thông tin cá nhân đó, để khi cần có thể tham chiếu.

. Cơ quan chức năng đó là cơ quan nào, thưa ông? 

+ Trong dự thảo đưa ra thì đó là Bộ Công an.

. Giả sử có một blogger nào đó lên mạng chỉ trích chính sách thu phí của Bộ Giao thông vận tải thì có bị xử lý không, theo nghị định này? 

+ Cái đó phải căn cứ vào nội dung cụ thể. Anh có quyền phân tích, đóng góp ý kiến nhưng phải trên tinh thần xây dựng. Anh không được phỉ báng, bôi nhọ, xúc phạm người ta.

. Giả sử họ nói vị quan chức nọ không có năng lực… 

+ Bạn không thể ví dụ bằng việc cắt cả câu ra khỏi bối cảnh. Nếu nói câu đó trong một bối cảnh phù hợp thì có thể chấp nhận được. Nhưng cứ rêu rao câu đó, lặp đi lặp lại 100 lần thì lại thành bêu riếu người ta. Vấn đề là câu nói được thể hiện trong môi trường nào.

. Như thế thì việc phân tích xem một câu nói nào đó có phạm luật không sẽ hơi phức tạp phải không, thưa ông? 

+ Đương nhiên. Từ trước đến nay bao giờ cũng thế, ngay cả ra tòa người ta còn phải xử, phải phân tích cơ mà. Ngôn ngữ đâu phải là cái máy để có thể nói một là một, hai là hai. Vấn đề là tính định lượng của nó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng chuẩn mực về văn hóa, đạo đức xã hội thì lúc nào cũng có. Làm sao phải đảm bảo được chuyện đó.

“Đấy là quan hệ dân sự” 

. Theo quy định của pháp luật thì trong các vấn đề như danh dự, nhân phẩm, uy tín, lợi ích của chủ thể nào thì chủ thể đó tự tìm cách bảo vệ. Ví dụ, một cá nhân bị một cá nhân khác xúc phạm thì bản thân họ phải tự tìm cách bảo vệ mình và khi ra tòa, nghĩa vụ chứng minh ai xúc phạm, xúc phạm như thế nào… thuộc về họ. Cũng chỉ bản thân họ mới biết được là thông tin đó có gây thiệt hại cho mình hay không. Thế thì nếu tôi lập nickname, tôi nói xấu một người khác, Nhà nước có can thiệp vào việc ấy không? 

+ Nhà nước can thiệp khi có khiếu nại về thiệt hại. Đây là quan hệ dân sự. (PV nhấn mạnh). Khi có một bên khiếu nại với cơ quan chức năng rằng cái này gây hại cho tôi thì Nhà nước phải can thiệp xem anh khiếu nại có đúng không? Đúng thì xử lý, mà sai thì cũng có quy định. Nhà nước vẫn xử nhưng chỉ xử trên cơ sở có kiến nghị, xem cái này có gây ảnh hưởng, gây hại cho ai không. Nếu không ai kiến nghị, không ai kêu thì làm sao mà biết nhưng có kiến nghị thì phải xem xét.

. Giả sử người dùng nọ đăng tải thông tin công cộng lên Facebook, chúng ta lại yêu cầu Facebook phải cung cấp thông tin của người đó, e là hơi khó khả thi. 

+ Luật pháp của chúng ta điều chỉnh những hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, chứ ta làm sao điều chỉnh được hoạt động của doanh nghiệp bên Mỹ.

. Nhưng là dịch vụ cung cấp qua biên giới, Facebook vẫn cung cấp dịch vụ ở Việt Nam mà không cần phải có mặt ở Việt Nam kia mà? 

+ Nếu họ cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, họ đăng ký theo luật Việt Nam thì họ phải tuân thủ nghị định này. Không đăng ký thì là chuyện khác.

. Vậy có khả năng rất lớn là người dùng Internet Việt Nam bỏ các nhà cung cấp trong nước mà đi tìm nhà cung cấp nước ngoài. Điều này có thiệt thòi cho chúng ta không? 

+ Cũng có thể là thiệt. Nhưng cũng chưa chắc đã là thiệt vì cái xu thế này dần dần sẽ không phải chỉ có ta áp dụng. Chắc chắn như thế.

“Đấy là sự phát triển của xã hội” 

. Ở Mỹ và châu Âu có khái niệm “quyền phát ngôn nặc danh”. Đã có trường hợp một nickname nói xấu một doanh nghiệp và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp yêu cầu tòa án điều tra nickname đó nhưng bị tòa án phủ quyết. Ông bình luận thế nào về phán quyết này? 

+ Đây là sự phát triển của xã hội. Có thể ở thời điểm ban đầu người ta chưa thấy vi phạm là thường xuyên và gây hậu quả nghiêm trọng, nên chưa đặt vấn đề là phải xử lý nó. Nhưng nếu những vi phạm đó thường xuyên xảy ra hơn và hậu quả càng ngày càng lớn hơn thì phải điều chỉnh luật pháp để xử lý những vấn đề đó.


* * *


Vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi hồi 17 giờ 07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi…”. Những bình luận của Facebooker có nick “Kẹo mút chơi bời”, từng gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng tháng 11-2011, có thể đã là một trong những trường hợp “lạm dụng Internet” khiến nhà quản lý phải đặt ra vấn đề xiết chặt hơn không gian mạng Việt Nam.

Những lời lẽ trên mạng của anh ta đã đưa đến hàng nghìn phản hồi phẫn nộ của cộng đồng mạng, hàng trăm người “vào cuộc” truy tìm tung tích kẻ lộng ngôn. Kết cục là anh ta đã phải tự ra trình diện tại cơ quan công an.

Về điểm này, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - từng nghiên cứu nhiều về tâm lý đám đông, cho rằng: “Dân chúng Việt Nam nhìn chung cũng rất thuần hậu, chất phác, nếu có lúc nào đấy đám đông manh động thì là cục bộ thôi. Chứ ai cũng vô cảm, độc ác, không lương tri cả thì chắc chắn xã hội sụp đổ”.

Câu chuyện của “Kẹo mút chơi bời”, ngoài việc phản ánh sự manh động của một bộ phận thanh niên, cũng cho thấy rằng bên cạnh công cụ luật pháp, các hạn chế đối với tự do ngôn luận còn có thể được thực thi nhờ sự lên án của xã hội.

Quyền được nặc danh

Tháng 2-2007, Tòa án bang New York nhận được lá đơn từ một phụ nữ có tên Pamela Greenbaum với nội dung như sau:

Tôi là công dân bang New York, hạt Nassau, cư ngụ tại địa chỉ… Tôi gửi đơn này yêu cầu quý vị tiến hành điều tra để tôi xác định được tác giả của một blog nặc danh, gọi là Orthomom, cùng những người bình luận nặc danh trên đó. Họ đã xúc phạm tôi khi gọi tôi là “đồ mù quáng”, “bài Semite” và tung tin sai lệch về con người tôi”.

Tôi yêu cầu tòa ra lệnh cho bên bị cáo tiết lộ các thông tin như luật sư của tôi yêu cầu trong văn bản đính kèm đây, để đơn kiện có thể được tống đạt đến đúng các bên có trách nhiệm. Bên cạnh đó, tòa cũng phải có lệnh bảo lưu thông tin trên blog đó, bởi vì blogging là hành động tự nguyện và có thể bị chấm dứt hoặc hủy bỏ nội dung bất kỳ lúc nào bởi kẻ nặc danh có nick “Orthomom”.

Orthomom và các độc giả của cô ta, trong những comment của mình, đã tung tin sai lạc, vu khống và bôi nhọ tôi, gọi tôi là “đồ mù quáng”, “bài Semite” chỉ vì tôi có quan điểm phản đối việc sử dụng quỹ của trường công để phục vụ các lợi ích của trường tư và những lợi ích khác vượt ra ngoài những gì luật pháp cho phép…”.

Trong đơn kiến nghị gửi tòa án bang, bà Pamela Greenbaum tìm cách buộc Google phải tiết lộ thông tin về nhân thân blogger Orthomom - người sử dụng dịch vụ blogger.com (tức là blogspot) của Google. Về phần Orthomom, sau khi biết có đơn đề nghị điều tra mình, cô này tiếp tục viết bài trên blog để phản đối bà Greenbaum, viện dẫn Tu chính án Thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ để bảo vệ “quyền phát ngôn nặc danh” của mình. Tháng 10-2007, tòa bác bỏ đề nghị của Pamela Greenbaum và hủy đơn kiện, chủ yếu là do bà Greenbaum không thuyết phục được tòa rằng những ngôn từ Orthomom đã dùng là có tính bôi nhọ, xúc phạm bà. “Những ý kiến mà Greenbaum dựa vào để nói rằng mình bị bôi nhọ đơn thuần là không đủ giá trị pháp lý”.

Sao lại bảo vệ sự nặc danh?

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới như Jo Glanville, Andrew Puddephatt, Hodder Arnold… đều cho rằng tự do ngôn luận là một hình thức của tự do biểu đạt và được áp dụng cho bất kỳ cách thức truyền thông nào, kể cả Internet. Tại Mỹ - cái nôi ra đời Internet - mãi tới tháng 2-1996, Quốc hội mới ra được Đạo luật Về khuôn phép trong thông tin (Communications Decency Act, CDA) mà mục đích chính là để ngăn chặn những nội dung khiêu dâm trên Internet. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngày 12-6 năm đó, trong một phán quyết dài 219 trang, Tòa án Tối cao bang Pennsylvania đã tuyên bố một số phần chính yếu của CDA là vi hiến và phải chấm dứt thực thi. Thẩm phán Stewart R. Dalzell nói: “Internet là phương tiện truyền thông thúc đẩy ngôn luận mạnh mẽ hơn sách báo… Vì CDA nhất định sẽ ảnh hưởng tới Internet, cho nên nhất định nó sẽ làm giảm mức độ tự do ngôn luận của người trưởng thành”.

Phát ngôn nặc danh hoặc sử dụng tên giả cũng là một phần trong các quyền được quy định trong Tu chính án Thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ về tự do ngôn luận. Lý do là vì “định danh, cộng với nỗi sợ bị trả thù, có thể ngăn chặn việc người ta thảo luận một cách hoàn toàn ôn hòa về các vấn đề công cộng quan trọng”.

Ở khía cạnh ngược lại, những người bị thiệt hại vì các phát ngôn nặc danh phạm pháp trong môi trường Internet cũng có quyền được kiện tụng, đòi bồi thường - chẳng hạn khi họ bị bôi nhọ, bị đánh cắp thông tin cá nhân, bí mật thương mại... Tuy nhiên, những hành vi này đều đã có những đạo luật tương ứng điều chỉnh trong cuộc sống, theo kiểu “đời sao, mạng vậy”. Ngoài ra, phần đông các tòa án ở Mỹ cũng đòi hỏi nguyên đơn phải chứng minh được rằng quả thật kẻ nặc danh nào đó đã làm tổn thương đến họ. 

Trịnh Hữu Long - Phạm Đoan Trang - Đỗ Hoàng Thư thực hiện