Saturday, 19 May 2012

Những bức thư gửi cô chị họ (nhân chuyện Ngọc Trinh)

Chị thân mến,

Mọi nhà kinh tế đều sẽ bảo Ngọc Trinh cũng như các cá nhân khác trong xã hội đều đang mưu cầu hạnh phúc (tức là thực hiện nhân quyền cơ bản), đang theo đuổi lợi ích cá nhân (và kết quả của quá trình đó là có thể tạo sự thịnh vượng chung trong xã hội).

Nói thế không có nghĩa là em tán thành quan điểm của nhà kinh tế chị ạ, dù em từ cái lò FTU mà ra ^^ Còn phát biểu của Ngọc Trinh, nhìn từ quan điểm của nhà đạo đức học thì chắc là sai/ không ổn. Từ quan điểm của nhà báo, nó lại khác nữa.

Đứng trên mặt nhà báo mà nói :-)) thì em nghĩ nguyên tắc đầu tiên (mà gần như tất cả các bên tham gia vụ Ngọc Trinh này đều vi phạm) là cứ phải là tôn trọng tự do ngôn luận đã. Nghĩa là Ngọc Trinh có quyền nói bất cứ điều gì, những người ủng hộ/phản đối Ngọc Trinh cũng có quyền nói bất cứ điều gì, miễn là không vu khống/ bôi nhọ/ xúc phạm nhân phẩm/ tiết lộ đời tư/ cổ vũ bạo lực/ kỳ thị, phân biệt đối xử blah blah blah… Sau khi “quán triệt” nguyên tắc ấy, đi vào chuyện đúng/ sai, dưới lăng kính truyền thông, thì có thể nói là quan điểm (được cho là của) Ngọc Trinh, xét về nội dung, không sai gì. Xét về thời điểm, có thể có tác dụng làm Ngọc Trinh nổi tiếng hơn, tăng được bao nhiêu % giá show đó, và cũng có phản tác dụng, tức là chọn đúng lúc dân tình số đông đang khốn đốn về kinh tế, thì sẽ bị nhiều người ghét, nhưng không vì thế mà làm giảm giá show v.v.

Từ quan điểm đạo đức thì có nhiều cái thú vị để nói hơn, tiếc là em lại không phải nhà đạo đức :-D Thật ra lâu nay em cũng hay phản đối quan điểm đức trị nói riêng và đạo đức nói chung, vì lý do mà ai cũng biết là đạo đức thì nó không có chuẩn duy lý, nó mênh mông bao la bát ngát linh hoạt, và nó dễ bị lạm dụng để dẫn đến phản tác dụng, thay vì tạo ra một xã hội nơi ai nấy phát huy tinh thần “làm chủ tập thể” như anh Duẩnle mơ ước thì lại đẻ ra xã hội toàn bọn ăn cắp.

Nhưng xét bối cảnh Việt Nam (thời điểm này thôi, những lúc khác em không biết, không tính), qua lăng kính đạo đức (tạm gọi là thế) thì em thấy đạo đức vẫn quan trọng lắm, và nó là cái neo để giữ người ta lại với nhau. Ta sẽ bảo rằng Ngọc Trinh có quyền làm mọi điều năng lực của cô ấy cho phép để mưu cầu hạnh phúc, nếu cô ấy đẹp thì đương nhiên cô ấy có quyền sống sung sướng với một đại gia nào đó có nhu cầu thưởng thức cái đẹp ấy. Nhưng vấn đề là Ngọc Trinh phát ngôn như thế trong lúc nhiều phụ nữ khác còn không có đất mà cạp (ý của bác Trần Đăng Tuấn) và nhiều đàn ông không có gì cho vợ cạp cả ngoài... *** thì nó sẽ là bất nhẫn (không biết có thể gọi là phi đạo đức không?). Càng bất nhẫn hơn nữa khi ai lên tiếng phản đối lập tức bị chụp cho cái mũ là xấu tính, xấu người xấu nết, ghen ăn tức ở, đạo đức giả v.v. Số người phản đối xuất phát từ sự đạo đức giả và thói ưa dạy đời chắc chắn là có, nhưng không phải ai cũng thế. Số người cay cú Ngọc Trinh vì họ không có được năng lực của Ngọc Trinh (không đẹp) cũng có – quan trọng là đó chính xác là cái năng lực xã hội đánh giá cao – nhưng em thấy nếu đứng từ quan điểm kinh tế học để nói rằng “như thế là công bằng, và cái tâm lý ghen tị kia chỉ là tâm lý anti-capitalistic (bài tư bản) của những kẻ không có năng lực”, thì dù thế nào chăng nữa, em vẫn thấy có cái gì đấy bất nhẫn.

Quan điểm kinh tế nói chung đều thống nhất rằng thị trường tự do là vị trọng tài hoàn hảo cho mọi cuộc cạnh tranh. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam thì lấy đâu ra thị trường tự do, can thiệp của nhà nước bóp méo tất cả rồi. Em lấy ví dụ nguyên tắc cung-cầu nổi tiếng, áp dụng vào cái gọi là “thị trường báo chí” ở Việt Nam là sai bét. Theo nguyên tắc ấy thì mảng chính trị đang là mảng nội dung được độc giả cần (em không có số liệu nhưng ta cứ tạm cho là như thế, em cảm thấy rõ là như thế), các tòa soạn báo chính trị-xã hội đều khát. Do đó phóng viên chính trị là lực lượng được cầu rất cao, chưa kể xét về số lượng, họ đang rất hiếm; xét về chất lượng, phóng viên chính trị có thể viết được kinh tế-xã hội-khoa học-văn hóa-nghệ thuật, trong khi phóng viên văn hóa chưa chắc viết được chính trị. Vừa quý vừa hiếm vừa được cầu cao, lẽ ra thu nhập của họ phải “hàng khủng” mới phải, thế mà lại ngược lại hoàn toàn: Đó là những phóng viên đói rách nhất trong làng báo. (Em đang nói phóng viên thuần túy, còn các cây bút tuyên truyền thì không tính vì cái họ làm không phải là báo chí). Như vậy, ta đủ thấy rằng yếu tố chính trị đã bóp méo hết kinh tế ở Việt Nam. Lại phải nói thêm: Vậy điều gì khiến số ít phóng viên chính trị vẫn bám nghề? Câu trả lời nghe có vẻ lý thuyết nhưng em nghĩ là đúng trong nhiều trường hợp: đạo đức.

Đạo đức là cái ngăn người ta để không làm những gì mà pháp luật cho phép nhưng lại có thể gây tổn thương cho người khác. Ví dụ đạo đức báo chí là cái ngăn phóng viên, không cho anh/ cô ta bấm máy chụp bức ảnh em Ngọc Trinh và cô Trương Mỹ Hoa đang ngáp, trong lúc hai người đang cùng ngồi trên một băng ghế khán đài. Em cũng nghĩ là trong hoàn cảnh Việt Nam bây giờ, đạo đức sẽ là cái ngăn Ngọc Trinh và Vũ Khắc Tiệp nói ra những câu hoàn toàn đúng, nhưng nó cứa vào lòng những người đang vật vã sống với năng lực ít ỏi của họ, hoặc với năng lực rất dồi dào nhưng không phải lúc được xã hội cần của họ. Cho nên đạo đức vẫn là tốt - kết luận là không nên lên án đạo đức (như em lâu nay vẫn lên án :D).

Cho nên nhìn nhận một sự việc như phát biểu của Ngọc Trinh, em nghĩ là phải từ nhiều góc độ: kinh tế, đạo đức, và công lý. Cái này cũng tương tự như cụ Michael Sandel đã nói – nhân tiện, em rất thích ông này vì gần như trong mọi vấn đề ổng đều hướng công chúng đến nhìn nhận từ ba góc độ như vậy, để đi tới kết luận mở là chẳng ai đúng hoàn toàn, chẳng ai sai hoàn toàn.

Tiếc là dân Việt Nam ta bây giờ thì vẫn nặng tâm lý “chỉ có một cái đúng thôi, còn lại sai tuốt; và cái đúng đó là tao”.